Sau khi Pháp bình định xong Đông Dương, lá cờ tam tài ra đời từ thời cách mạng 1789 ngạo nghễ phủ khắp xứ Đông Pháp xa xôi. Sang thế kỷ XX mới thấy xuất hiện những lá cờ biểu trưng một đoàn thể, một chính thể, một vùng lãnh thổ hay một quốc gia. Để tìm hiểu xuất xứ và ý nghĩa của những lá cờ xuất hiện trong lịch sử Việt Nam cận hiện đại, người viết sưu tra tư liệu, đọc hồi ký của nhiều nhân vật lịch sử, tham khảo ý kiến của hiếm hoi vị lão niên từng là chứng nhân qua các thời kỳ, giới thiệu với bạn đọc. Dù chưa thỏa ý nhưng chí ít cũng giúp bạn đọc hiểu được phần nào.
1/ Cờ đỏ sao vàng:
Quốc kỳ nước CHXHCN Việt Nam |
Khởi thủy, lá “cờ đỏ sao vàng” (ngôi sao năm cánh nằm chính giữa) xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940 lúc ấy là xứ trực trị của Pháp. Dù bị dìm trong biển máu nhưng lá cờ thật sự là biểu tượng của truyền thống yêu nước Việt Nam, ý chí đoàn kết đấu tranh giành thống nhất non sông, độc lập quốc gia và chủ quyền dân tộc. Theo Sơn Tùng thì tác giả của lá cờ là nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến, quê Nam Định, là một trong tám chiến sỹ bị giặc tử hình ở Ngã ba Giồng. Theo Lê Tú Lệ thì tác giả là nhà cách mạng Lê Quang Sô, quê Mỹ Tho. Việc xác minh những sự kiện lịch sử trong điều kiện hết sức khắc nghiệt thật vô cùng khó khăn vì sự việc phải giữ kín tuyệt đối mà chứng nhân phần lớn đã hy sinh và người còn lại thì khiêm nhường không muốn kể công mình. Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc hội của nước Việt Nam độc lập, thống nhất họp kỳ đầu tiên vào ngày 2/3/1946, quyết định lấy tên nước là VNDCCH; cũng như sau chiến thắng vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quốc hội khóa VI họp ngày 24/6/1976, quyết định đổi tên nước là CHXHCNVN và đều nhất trí lấy lá “cờ đỏ sao vàng” làm biểu tượng quốc gia và bài hát “Tiến quân ca” của Văn Cao làm quốc ca như đề xuất trước đó tại Hội nghị quốc dân họp ở Tân trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay ngoại bang xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam kỳ khởi nghĩa”. Một bài hát giải thích ý nghĩa của ngôi sao năm cánh là: “Sỹ-Nông-Công-Thương-Binh hợp lực xây nước nhà”. Dưới ngọn cờ ấy toàn dân Việt Nam “thề đem xương máu hết lòng chiến đấu cho tương lai”, đã lập nên bao chiến công kỳ tích để có được một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập hôm nay. Lúc đầu, một số người cực đoan quyết liệt phản đối, tới mức đòi tử hình người “vẽ” ra lá “cờ đỏ có sao vàng năm cánh” vì theo họ, cờ cách mạng chỉ có thể là “cờ đỏ búa liềm” biểu trưng của phong trào cộng sản quốc tế! Nhưng rồi cũng qua. Lá “cờ đỏ sao vàng” theo cao trào cách mạng từ Nam ra Bắc, lại từ Bắc vào Nam. Vượt bao gian khó hy sinh, năm 1945, kết thúc gần một trăm năm mất nước, lá cờ tung bay trên khắp non sông Việt Nam thống nhất và độc lập; năm 1954, lá cờ được giương cao trên chiến trường Điện Biên Phủ vang động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp; và năm 1975, Sài Gòn ngợp trờ cờ đỏ sao vàng, chứng kiến sự bất lực của đội quân viễn chinh hùng hậu nhất trong lịch sử loài người cùng với đội quân tay sai hàng triệu người thảm bại, trước sự kính phục của nhân dân yêu chuộng tự do công lý trên toàn thế giới. Trong lịch sử Việt Nam, đó là lá cờ duy nhất biểu tượng cho một nước Việt Nam thống nhất và độc lập. Trong lịch sử loài người có lá cờ nào biểu trưng cho lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh quật cường kiên trì giành độc lập tự do, lại trải qua bão táp phong ba, thăng trầm mà oanh liệt vẻ vang như thế?
2/ Cờ long tinh:
Cờ long tinh |
Sang đầu thế kỷ XX, sau khi bình định xong xứ viễn đông, người Pháp thành lập Liên bang Đông Dương còn gọi là Đông dương thuộc Pháp, gồm các vùng lãnh thổ: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (An Nam), Nam kỳ (Cochinchine), Campuchia, Lào, và Quảng Châu Loan (nhượng địa của nhà Thanh). Hà Nội được đặt làm thủ phủ xứ Đông Pháp xa xôi này. Riêng ba vùng lãnh thổ An Nam, Campuchia và Lào, được người Pháp cho duy trì chế độ quân chủ dù chỉ là về hình thức vì trên mỗi ông vua còn có một nhiếp chính quan người Pháp gọi là Khâm sứ quyết định mọi việc kể cả đặt ai ngồi trên cái ngai hoàng đế. Họ để cho mỗi vương triều được có một lá cờ làm biểu tượng riêng. Cụ thể hoàng triều An Nam kể từ đời vua Thành Thái (1889-1907) có “long tinh kỳ” (hai giải bên màu vàng, giải giữa màu đỏ), mang ý nghĩa trên đất hoàng triều này có dòng máu của người Lạc Việt. Người viết may mắn được nghe vị giáo sư lão thành khả kính, người gốc Huế hát cho nghe một đoạn bài quốc ca “Đăng đàn cung” như sau: “Kìa núi vàng biển bạc/ Đã có sách trời định phân/ Một dòng ta gây non sông vững chắc/ Đã ba ngàn mấy trăm năm/ Nước non cùng một nhà con Hồng cháu Lạc/ Văn minh đào tạo màu phấn hoa còn đượm/ Rạng vẻ dòng giống tiên long/ Ấy công dựng từ ngàn xưa đã khó nhọc….”. Thực sự “long tinh kỳ” chỉ được thượng lên tại hoàng thành và vùng lãnh thổ Trung kỳ hoặc theo nhà vua mỗi khi xa giá, nên chỉ xuất hiện đôi lần ở Bắc kỳ, chưa từng xuất hiện ở Nam kỳ. Vì thế “long tinh kỳ” không thể là biểu trưng cho một quốc gia Việt Nam thống nhất và độc lập.
3/ Cờ quẻ ly:
Cờ quẻ ly |
Thời kỳ đầu của Thế chiến II, chính quốc Pháp mau chóng đầu hàng phát xít Đức, thì chính quyền thực dân ở Đông Pháp xa xôi cũng mở rộng cửa rước quân phát xít Nhật vào! Để rảnh tay lo việc chiến tranh, Nhật sử dụng Đông Dương như một căn cứ tiền phương mở đường hành quân và cung cấp hậu cần cho vùng Đông Nam Á. Bộ máy cai trị thực dân ở đây muốn tồn tại phải phục vụ đắc lực ý đồ của Nhật. Chính quyền tay sai bản sứ nhẫn nhục cam phận bù nhìn. Nhân dân Đông Dương lâm vào cảnh một cổ hai tròng, càng thêm điêu đứng! Vào cuối cuộc Thế chiến II, nước Pháp được quân Đồng minh giải phóng. Không chịu để bị đâm từ phía sau lưng nên ngày 9/3/1945 phát xít đảo chính thực dân. Trong thế cờ tàn, Nhật bày trò trao trả độc lập cho mấy nước Đông Dương. Hoàng đế Bảo Đại đưa ra lời tuyên cáo hão huyền thoát ly hoàn toàn khỏi mọi ràng buộc của thực dân Pháp, kiến tạo nền độc lập của cái gọi là đế quốc Việt Nam, dù trên ngài vẫn là bộ máy cai trị của Nhật thay thế hoàn toàn ách cai trị của Pháp trước kia? Ngày 17/4 dưới sức ép của Nhật, học giả Trần Trọng Kim đứng ra thành lập chính phủ. Vua nào tôi nấy, nhà nho đầy bụng chữ mà mụ mẫm ra lời tuyên cáo với đồng bào: “Quốc dân phải cố gắng sức làm việc, chịu nhiều hy sinh hơn nữa và phải thành thật hợp tác với nước Đại Nhật Bản”! Trước đó, tháng 2/1945, Thủ tướng Nhật Bản – Hoàng tử Fumimaro Konoe, đã viết thư cho Hoàng đế Hirohito, “Nhi thần rất tiếc phải kính bẩm với Đức Kim Thượng rằng thất bại của Nhật Bản là không thể tránh khỏi”! Ông Lưu Văn Lang, người mà giới trí thức Nam kỳ nể trọng như bậc đàn anh, từ chối thẳng thừng khi được mời tham gia chính phủ: “Tôi già rồi không thể làm tay sai cho ai được nữa!”. “Cờ quẻ ly” (tượng trưng cho lửa, chỉ sự sáng suốt của đấng quân vương) thay thế “cờ long tinh” cũng không cứu nổi đứa hài nhi lọt lòng lúc mẹ nó đang hấp hối! Tuy nhiên cũng có một số trí thức muốn giúp đồng bào trong lúc quốc gia hữu sự. Song lúc này, nước Nhật đã kiệt quệ lại bị người Mỹ dội hai trái bom nguyên tử đẩy nhanh quá trình suy sụp. Quân đội Mỹ đặt được chân lên đất Nhật, cùng lúc Hồng quân Liên Xô đánh tan đội quân Quan Đông, chiếm được vùng lãnh thổ Mãn Châu rộng lớn. Trong khi tại Việt Nam, thừa cơ lúc quân Pháp bỏ chạy, quân Nhật đầu hàng, chính quyền phong kiến bản địa gần như tê liệt, phong trào Việt Minh phát triển nhanh và rộng khắp, lôi cuốn nhân dân Việt Nam nhất tề đứng lên tự giải phóng mình. “Quẻ ly” (có ba sọc đỏ mà sọc giữa thì đứt ra làm hai khúc) bị người Huế biếm ngôn là “vương rút ruột”, ám chỉ một thực tế là vương triều Nguyễn lúc đó chẳng còn giá trị gì! Ngày 31/8/1945, lễ thoái vị của vua Bảo Đại tại quảng trường Ngọ môn, trước quốc dân đồng bào, nhà vua tuyên bố: “Trẫm quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một Chính phủ dân chủ cộng hòa”. Lá “cờ quẻ ly” bị kéo xuống và thay thế bằng lá “cờ đỏ sao vàng” trước sự hân hoan phấn chấn của hàng vạn người dân, chứng kiến sự chấm dứt của chế độ phong kiến hàng ngàn năm và hàng trăm năm của một vương triều nô lệ tay sai.
4/ Cờ Thanh niên tiền phong:
Cờ Thanh niên tiền phong |
Khi Thế chiến thứ II sắp kết thúc, phát xít Nhật ngoài trò trao trả độc lập cho mấy nước Đông Dương, còn muốn nắm lực lượng thanh niên để phục vụ cho mưu đồ riêng của chúng.
Theo hồi ký của Trần Văn Giàu thì Thống đốc Nhật ở Nam kỳ là Minoda và Tổng lãnh sự là Ida mời bác sỹ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn đứng ra tổ chức. Bọn Nhật hoàn toàn không biết Phạm Ngọc Thạch là đảng viên cộng sản và càng không biết đứng sau anh là Xứ ủy Nam kỳ đang tìm kiếm một hình thức tổ chức công khai trong hoạt động thể thao văn hóa của thanh niên không đi theo phương hướng Đại Đông Á, mà nằm trong phương hướng chính trị yêu nước và độc lập dân tộc. Cũng phải nói thật nếu không được Hà Huy Giáp và Trần Văn Giàu đồng ý thì bác sỹ Thạch chẳng chịu đứng ra tổ chức thanh niên Nam kỳ theo đề nghị của Nhật đâu. Mà dầu có đứng ra làm thì cũng không gây được một phong trào rộng lớn. Và nếu việc quan trọng đó không được một đồng chí có nhân cách, tài ba như Phạm Ngọc Thạch và các bạn thân thiết của anh đứng ra phụ trách, tập hợp thanh niên thì Xứ ủy cũng không biết lấy ai đảm nhiệm công việc lớn lao này. Tháng 5/1945, tại vườn Ông Thượng Sài Gòn, tổ chức Thanh niên tiền phong do Xứ ủy gợi ý ra đời với một ban lãnh đạo đầy uy tín, có nhiều khả năng. Thanh niên tiền phong tuyên bố mang “tinh thần mới, theo mục đích mới”, lấy “cờ nền vàng sao đỏ” làm biểu tượng và hoạt động rất sôi nổi, cuốn hút giới thanh niên.
5/ Cờ Thanh niên tiền tuyến:
Cờ Thanh niên tiền tuyến |
Cùng thời gian đó, ở Trung kỳ, nhà cầm quyền Nhật cũng vận động luật sư Phan Anh và giáo sư Tạ Quang Bửu đứng ra lập thanh niên. Ông Phan là Bộ trưởng Thanh niên trong chính phủ Nam triều; ông Tạ là thầy giáo với tài năng và tinh thần yêu nước, có ảnh hưởng rất lớn trong giới học sinh ở Huế. Hai ông mở trường “Võ bị thanh niên tiền tuyến”, mời ông Phan Tử Lăng – chỉ huy lực lượng Bảo an binh ở Trung kỳ, làm Hiệu trưởng. Nhà trường kêu gọi: “Đất nước ta sẽ rất cần thanh niên có học, có hiểu biết về quân sự” và hứa: “Học xong không bắt buộc ra làm việc cho chính phủ”. Số người ghi danh vào học khá đông, có cả một số sinh viên từ Hà Nội vào theo học. Lá “cờ quẻ kiền” (nền vàng ba sọc đỏ, tượng trưng cho người quân tử), được lấy làm biểu tượng của thanh niên Võ bị. Người viết có cơ may được vị lão tướng quân đậu thủ khoa tú tài Toán tại trường Quốc học Huế năm 1945, dự học khóa đầu tiên của trường Võ bị, kể rằng: Lúc ấy phong trào Việt Minh lan rộng khắp miền Trung. Ngày 5/8, chính phủ Trần Trọng Kim đổ nhưng trước đó giáo sư Tạ Quang Bửu và ông Phan Tử Lăng đã tiếp xúc với Việt Minh Nguyễn Tri Phương (Huế). Trường Võ bị hầu như đã được Việt Minh hóa. Số vũ khí của nhà trường coi như đã nằm trong tay quân cách mạng. Học sinh của trường chủ yếu là con em các gia đình trong phố, có học thức, có đạo đức và hoạt động rất sôi nổi nhiệt tình, được nhân dân Huế tin tưởng, thương yêu. Cách mạng thành công, đổi tên là “Trường võ bị Thuận Hóa” và mở rộng thành phong trào “Thanh niên tiền tuyến”, góp phần đẩy mạnh phong trào “Nam tiến” sôi động trong cả nước, bổ sung tiếp ứng kịp thời cho mặt trận phía Nam. Cuộc trường kỳ kháng chiến giành thống nhất, độc lập kết thúc thắng lợi, tám học viên khóa đầu của Trường võ bị được phong quân hàm cấp tướng.
Điều cần lưu ý bạn đọc là nhiều đoàn viên tích cực của phong trào thanh niên Tiền phong và Tiền tuyến là những “tráng sinh” của tổ chức Hướng đạo sinh do nhà giáo Hoàng Đạo Thúy xuất thân từ một gia tộc nho giáo có truyền thống yêu nước, sáng lập ra từ năm 1930. Hoạt động phong phú của phong trào rất hấp dẫn giới thanh niên. Số đông thanh niên học thức này đều trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và nhiều vị trở thành những cán bộ cao cấp trong các lĩnh vực quân sự, khoa học, văn hóa và giáo dục. Trước mắt là từ những phong trào này đã đào tạo ra nhiều cán bộ làm nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển lực lượng võ trang cách mạng ở Nam bộ và Trung bộ hồi đầu kháng chiến.
Nước nhà vừa độc lập thì bước ngay vào cuộc kháng chiến từ Nam lan nhanh ra Bắc. Tổ chức thanh niên Tiền phong và Tiền tuyến chấm dứt vai trò lịch sử, hợp nhất vào tổ chức “Thanh niên cứu quốc” trong “Mặt trận Việt minh”.
6/ Cờ quốc gia:
Cờ ba que |
Trước khi quân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược ra Bắc kỳ, cố vấn Vĩnh Thụy được cử đi công cán ở nước ngoài để tranh thủ dư luận thế giới ủng hộ Việt Nam nhưng đã đào tẩu, ở lại Hồng Kông. Chủ trương “Tốc chiến tốc thắng” thất bại, buộc quân viễn chinh phải chuyển sang đánh lâu dài với chiến lược “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh – Dùng người Việt đánh người Việt”. Giữa năm 1948, nhằm gạt bỏ chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh ra, tìm đại diện cho nhân dân Việt Nam theo ý của mình, Pháp ký với đại diện của Bảo Đại cái hiệp định Hạ Long, công nhận nền độc lập của Việt Nam (?) nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Mối tình chủ tớ gá cạp dễ hợp dễ tan! Ông chủ lôi từ tay áo ra cái chính phủ Việt Nam thống nhất lâm thời, do Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng. Ông tướng thuộc địa này quên hết tiếng mẹ đẻ, chỉ biết nói tiếng vợ đầm. Trong đám quân sư có người từng tham gia các phong trào thanh niên ở Sài Gòn và Huế đề xuất phục dựng lá “cờ quẻ kiền” (nền vàng có ba sọc đỏ) làm quốc kỳ và lấy bài hát “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước nghe hào hùng khí thế làm quốc ca. Đám quân sư hưởng ứng tán vào: Màu vàng gợi nhớ thuở hoàng triều và “quẻ kiền” tượng trưng người quân tử trọng điều nghĩa hiệp! Ba sọc là ba dòng máu Bắc-Trung-Nam hợp lại, người theo Chúa thì nghĩ tới ba ngôi trong kinh Thánh… Ông Thủ tướng mất gốc chỉ biết nghe và gật. Ngồi chưa nóng chỗ, ông chủ lại đặt Bảo Đại lên ngai Quốc trưởng kiêm luôn vai Thủ tướng! Cái gọi là “Quân đội quốc gia” gấp rút được nặn ra. Với lệnh Tổng động viên, học sinh trung học ở các thành thị trong vùng tạm chiếm bị dồn vào các trường sỹ quan trù bị Nam Định, Thủ Đức và Võ bị Đà Lạt. Từng được theo học trường chính trị ở nước mẹ Đại Pháp nhưng vốn tính háo sắc, mê bài bạc và ham săn bắn, chuyện chính sự đã có “mẹ” lo, cựu vương chẳng quan tâm! Đúng như nhận xét của ông Nguyễn Cao Kỳ: “Là một người dễ dãi, ít yêu sách đòi hỏi cho quyền lợi của người Việt và nuôi vài hy vọng hão huyền, Bảo Đại hoàn toàn không có khả năng cầm quyền”.
Lá “cờ quẻ kiền” đương nhiên đại diện cho chính thể quốc gia trong hoàn cảnh ấy. Từ đấy nó hết đi sau những lá “cờ tam tài” rồi lá “cờ hoa” trong những cuộc chà sát khủng bố của quân ngoại bang xâm lược trên khắp đất nước ta. Gần ba mươi năm sau, hết trào thuộc Pháp tới trào thuộc Mỹ, hết thể chế phong kiến rồi qua thể chế cộng hòa mà chưa có văn bản pháp quy nào hợp hiến xác nhận quốc kỳ với quốc ca biểu trưng cho một quốc gia! Lá cờ với bài ca vốn ra đời từ phong trào yêu nước sôi nổi chống ngoại xâm nhưng đã bị đánh tráo để thành phản bội mục tiêu chân chính của những chủ nhân đích thực! Bà con ta mỉa mai gọi là “cờ ba que” như cách nói nhạo báng bình dân. Chiến tranh càng kéo dài, hận thù càng sâu. Cái danh “quốc gia”, “cộng sản” càng bị ngộ nhận và xuyên tạc. Kết cục là ngày 30/4/1975, trong khi lá “cờ hoa” được viên đại sứ già xếp vội vào cặp, ôm chặt vào lòng cùng con chó cưng lên máy bay lao ra tàu đợi ở ngoài khơi, thì bà con ta ở phía nam khắp chợ cùng quê chứng kiến cảnh lá “cờ quốc gia” tả tơi nhàu nát nằm lẫn lộn trong những đống vũ khí, quân dụng, áo quần, giầy mũ… rải khắp đường mòn, lộ lớn, những bãi trống, những bến tàu xe… giữa hàng triệu sỹ quan, binh lính quân lực Việt Nam cộng hòa mình trần chân đất tranh nhau tháo chạy!
7/ Cờ Nam kỳ quốc:
Cờ Nam kỳ quốc |
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân ta giành lại độc lập thống nhất giang sơn. Dù đã yếu thế trong khối đồng minh nhưng thực dân Pháp vẫn dã tâm tái chiếm Việt Nam. Năm 1946, trong khi đại diện chính quyền Việt-Pháp đang bàn việc kiến tạo hòa bình và nối tình hữu nghị giữa hai dân tộc thì thế lực hiếu chiến Pháp cho ra đời cái gọi là Cộng hòa Nam Kỳ quốc, với lá cờ biểu trưng “hai giải vàng kẹp giải trắng ở giữa có ba sọc xanh” đại diện cho ba con sông Tiền, sông Hậu và sông Đồng Nai – huyết mạch của vùng lục tỉnh, nơi trước đó gần một trăm năm, Phan Thanh Giản đã lừa vua dối dân cắt dâng cho giặc! Cái chính phủ này người Việt Nam coi chẳng ra gì! Chỉ sau mấy tháng, ông bác sỹ Thủ tướng chết treo ngay tại phòng mạch của mình lấy làm Văn phòng chính phủ ở giữa Sài Gòn mà chẳng ai cần biết vì lý do gì! Đầu năm 1949, ông chủ lại bày trò ký hiệp định Élysée, giải thể cái Nam kỳ quốc, trao cho Bảo Đại một quốc gia Việt Nam gọi là đã hoàn toàn thống nhất!
Sự thật lịch sử là trong năm 1945, đất Nam kỳ đã ba lần đổi chủ: Đầu tháng 3, Nhật đảo chính Pháp, lấy gọn Việt Nam trong đó có cả Nam kỳ, giao cho Nam triều. Ông vua An Nam mơ được tháo cũi sổ lồng dù biết nền độc lập ấy chỉ là giả hiệu! Hai tháng sau Nhật thua trận, quân Đồng minh ở phía Nam là Anh-Ấn, ở phía Bắc là Tàu, vào giải giáp đám hàng binh Nhật đưa về cố quốc! Nhân dân Việt Nam ủng hộ và hợp tác với Đồng minh, gặp vận hội kết đoàn vùng lên tự giải phóng mình. Ngày 31/8, Tại Huế, trước thần dân trăm họ, vị hoàng đế giãi tỏ nỗi lòng: “Sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập”. Ngày 2/9, giữa thủ đô Hà Nội, trước hàng chục vạn công chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam phát lời Tuyên ngôn độc lập: “Sự thật là nhân dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp… Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập.”. Nhân dân cả nước và thế giới đều nghe. Nước Việt Nam thật sự đã là của người Việt Nam. Người Pháp không còn cơ sở pháp lý nào dính dấp đến xứ sở xa xôi này nữa. Tổng thống Pháp trao cho Quốc trưởng bù nhìn của ăn cướp mà họ không giữ được! Ngài Quốc trưởng đa tình ôm vào lòng cái bóng mỹ nhân!
8/ Cờ Hoàng triều cương thổ:
Cờ Hoàng triều cương thổ |
Quốc sách của quân xâm lược thời nào cũng thế: vừa dùng vũ lực vừa thực hiện chính sách chia để trị. Năm 1948, quân chiếm đóng Pháp dựng lên tại biên giới tây-bắc một khu gọi là Liên bang Thái tự trị gồm các cư dân Thái, Lôlô, Hmông… Năm 1950, sáp nhập thêm cao nguyên Trung phần, gọi chung là Hoàng triều cương thổ, lấy biểu tượng lá “cờ hai giải bên màu lam, kẹp giải trắng giữa có ngôi sao đỏ 16 cánh”. Mỗi cánh biểu thị một vùng thổ cư các sắc tộc sinh sống giữa núi rừng xa xôi trùng điệp. Cờ chỉ được treo tại mấy trại lính thổ dân vùng sơn cước. Năm 1955 khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam thì đám tàn quân thổ phỉ này bầy đàn tan tác. Lá cờ ấy quăng ở sườn đồi khe suối nào không ai còn nghĩ tới!
9/ Cờ giải phóng:
Cờ Hoàng triều cương thổ |
Theo hiệp định Genève 1954, nước ta tạm chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 có sông Bến Hải làm giới tuyến và hai năm sau, hai miền Nam-Bắc sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Năm 1956, chính quyền miền Nam được Mỹ hậu thuẫn, không chấp nhận hiệp thương tổng tuyển cử, mà lại ngang ngược hô hào “lấp sông Bến Hải” mở đường “Bắc tiến”. Để “giành lại chính nghĩa từ tay cộng sản”, họ ra sức đàn áp khốc liệt những người từng tham gia kháng chiến chống Pháp và đòi hòa bình thống nhất đất nước. Năm 1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, lấy biểu tượng lá “cờ giải phóng” (nửa xanh nửa đỏ, có ngôi sao vàng chính giữa), với sự hưởng ứng của nhiều nhà trí thức, tiêu biểu như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát… Lá cờ tập hợp đông đảo dân chúng phía Nam. Được sự chia sẻ chi viện tối đa của hậu phương phía Bắc, sau 15 năm chiến đấu cực kỳ gian khổ mà anh dũng, lá cờ đã hoàn thành sứ mạng giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất nước nhà. Từ đây tổ quốc Việt Nam sang trang sử mới.
**Lời bàn:
Mỗi lá cờ đều có xuất xứ riêng, mang một ý nghĩa riêng và có tác động tới xã hội khác nhau. Hoàn cảnh đến dưới cờ của mỗi người một khác. Có thể là chủ động theo ý nguyện của mình, có thể là tình cờ hay do một sự đẩy đưa của số phận. Trong bối cảnh lịch sử khắc nghiệt đã qua, mỗi người không dễ chọn một lá cờ. Nhưng khi đất nước đã thống nhất độc lập rồi thì quốc kỳ không thể đại diện riêng của phe này phái nọ. Nó được định đoạt bởi quyền lực của nhân dân thông qua hiến pháp.
Dù sao những lá cờ cần được lưu giữ trong các bảo tàng như những chứng tích lịch sử, có ghi chú rõ ràng. Khi lớp người sau được biết tận tường sự tích mỗi lá cờ hẳn sẽ không có chuyện một lá cờ nào đó xuất hiện lạc lõng vô duyên giữa nơi công chúng.
Tiến sỹ vật lý Trần Chung Ngọc là một nhà khoa học chân chính mà hoàn cảnh lại trớ trêu. Nhưng ông dám nói: “Tôi là người thua cuộc nhưng khi nói Việt Nam thắng Pháp ở Điện Biên Phủ và thắng Mỹ, tôi rất tự hào!”. Tuy nhiên tại bàn làm việc của ông, ngoài tấm hình Phật Thích Ca đặt nơi trang trọng, ở một góc kệ vẫn treo lá cờ nhỏ “ba sọc đỏ nền vàng”. Đó là kỷ niệm một thời của riêng ông. Tuy vậy, thái độ ông rõ ràng dứt khoát: “Quốc kỳ là biểu tượng của một quốc gia có chủ quyền, có một lãnh thổ riêng biệt. Những người dân trong một quốc gia thường có cùng một nguồn gốc, và theo nghĩa lịch sử, có cùng tổ tiên và các hậu duệ. Vì lẽ đó lá “cờ vàng ba sọc đỏ” đã không đại diện cho bất cứ ai, khoan nói là đại diện cho hơn hai triệu người Việt di cư”. Đó là một trí thức sở học vững vàng, có bản lĩnh và nhân cách lớn.
Hai ông Trần Chung Ngọc và Nguyễn Cao Kỳ đều là học sinh cùng thời ở trường Chu Văn An Hà Nội, cùng lứa học viên khóa đầu trường sỹ quan Nam Định. Vào Sài Gòn, mỗi người một địa vị khác nhau. Sau năm 1975, định cư ở Mỹ, mỗi người một nghề. Bởi cá tính mỗi người một khác nên không bao giờ quan hệ với nhau. Tuy nhiên, hai ông có cùng một cách nhìn về một lá cờ. Trong hồi ký “Đường về”, ông Nguyễn Cao Kỳ viết: “Ngày xưa tôi đã từng phục vụ dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ này. Từ Tổng thống Mỹ cho đến vua Thái Lan… đều phải đứng nghiêm chào khi lá cờ được thượng lên. Việc giữ gìn màu cờ sắc áo không phải là chuyện muốn đem cờ ra vẫy ở đâu cũng được, mà là vẫy ở chỗ nào và vẫy như thế nào? Nếu không làm tăng được giá trị của nó, tại sao không mang cất đi trong tâm khảm, trong một chỗ nào mình trân quý, có phải hay hơn không?”.
Lẽ phải bao giờ cũng có sức hấp dẫn lớn và tính thuyết phục cao. Một viên chức ở Quận Cam viết: “Bất cứ tổ chức chính quyền nào của Hoa Kỳ ủng hộ lá cờ cũ (vàng ba sọc đỏ) là lá cờ chính thức của Việt Nam đều vi phạm luật quốc tế. Những người chống Cộng quên rằng Mỹ đã coi lá cờ đó như là một cái gì expendable, muốn bỏ đi lúc nào thì bỏ. Trước khi lên án các quốc gia khác về vi phạm nhân quyền, nên nhìn vào hồ sơ nhân quyền của nước Mỹ. Kỳ thị chủng tộc chắc chắn là vi phạm nhân quyền, và kỳ thị chủng tộc thì vừa là hệ thống vừa là định chế ở nước Mỹ. Về tham nhũng thì ở Mỹ cũng không thiếu gì các viên chức tham nhũng, nhưng họ che đậy kỹ hơn. Ai cũng biết rằng phải có rất nhiều tiền, thường là từ những tổ chức đóng góp để mưu lợi, để thắng trong một cuộc bầu cử ở Mỹ”. Một sinh viên USC trao đổi với bạn: “Cuộc tranh đấu ngày nay tuyệt đối không thể là cuộc tranh đấu Quốc-Cộng như khi xưa mà phải là cuộc tranh đấu để xây dựng, cải thiện xã hội”.
Từ chuyện những lá cờ rút ra bài học: Chính là phận người, phận nước quyết định phận cờ.
—-
Nguyễn Văn Thịnh
Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh
Số 402 Thứ năm ngày 19 tháng 5 năm 2016
Tài liệu tham khảo:
– Quốc hội nước CHHXHCNVN
– Hồi ký Trần Văn Giàu
– Hồi ký Mai Xuân Tần – Thiếu tướng QĐNDVN
– Hồi tưởng – NGND Trần Thanh Đạm
– Người vẽ cờ đỏ sao vàng – Bài viết của Song Tùng
– Chỉ cờ đỏ sao vàng ở lại – Bài viết của Lê Tú Lệ
– Các bài viết của Trần Chung Ngọc
– Đường về – Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ
– Hồi ký Đỗ Mậu – Thiếu tướng QLVNCH
– Wikipedia: Hình ảnh cờ Việt Nam qua các thời kỳ
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍