Sau khi xem bài viết “Làm báo về lịch sử, đến báo Chính phủ, VTV, VOV cũng sai!”, bạn đọc Hau Doan có phản ánh với chúng tôi về một sự việc tương tự như sau:
“Hôm nay e tới bảo tàng Bến Nhà Rồng thì thấy bức ảnh này với phụ đề phong trào phản chiến. A gửi tới bác lều báo giúp e tìm hiểu lại. Hình như nó cũng giống dạng bức ảnh trong đoạn film mà leubao mới nhặt sạn.”
Bức ảnh mà bạn Hau Doan nhắc đến như dưới đây.

Bức ảnh tại bảo tàng Bến Nhà Rồng chú thích: “Phong trào phản chiến của binh sĩ và nhân dân Mỹ”

Bức ảnh tại bảo tàng Bến Nhà Rồng chú thích: “Phong trào phản chiến của binh sĩ và nhân dân Mỹ” nhưng người xem chẳng hề cảm nhận được chút nào sự “phản chiến” trong tấm ảnh này. Dường như người chú thích cho tấm ảnh này chỉ căn cứ vào lá cờ Việt Nam trong tay những người lính Mỹ mà chẳng chú ý đến biểu hiện trên gương mặt, trang phục khi làm nhiệm vụ và cả những dấu hiệu “chiến thắng” (Victory) hình chữ V hợp bởi 2 ngón tay của họ.

Thực tế, việc nhân dân Mỹ và thế giới cũng như một bộ phận lính Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam là một trong những lý do dẫn đến chiến thắng ngày 30/04/1975 của quân dân ta. Nhưng chắc chắn hình ảnh về họ không giống như bức ảnh tại viện bảo tàng đã trưng ra.

Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại Boston, Mỹ, 1970 với lá cờ nửa xanh, nửa đỏ của CHMNVN

Trong các phong trào phản chiến, người ta có thể giương cao những lá cờ của lực lượng được ủng hộ còn trong tấm ảnh mà bảo tàng đưa ra, những người lính đang “trưng”, “khoe” lá cờ như một chiến tích. Trong một trận chiến, lá cờ biểu trưng cho sức mạnh của các bên và là “ngôi sao dẫn đường” cho những chiến sỹ theo sau. Khi lá cờ được cắm trên đỉnh căn cứ của đối phương cũng là biểu tượng cho sự chiến thắng hoàn toàn. Người chiến sỹ cầm cờ là người chiến sỹ dũng cảm và khi người này ngã xuống thì sẽ có người khác tiếp lấy lá cờ để tiến về phía trước. Do đó, chiếm được lá cờ của đối phương và trưng ra như một chiến lợi phẩm là cách mà quân đội các nước, nhất là phương Tây, thường sử dụng để “khoe” chiến công của mình.

Chúng ta có thể thấy “truyền thống” này đã có từ rất lâu rồi qua một số ảnh minh họa từ thời thế chiến thứ 2 dưới đây:

Lính Anh khoe lá cờ chiếm được của quân Đức
Lính Mỹ khoe chiến lợi phẩm trong trận Iwo Jima với Nhật Bản

Quay trở lại cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta, cũng có không ít hình ảnh lính Mỹ chụp với những cờ của quân dân ta cùng với kiểu cách trong tấm ảnh của bảo tàng, nhưng chẳng ai có thể nói những người lính đó đang “phản chiến” cả.

Lính thủy đánh bộ Mỹ với lá cờ (dường như) của Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, lấy từ nóc trụ sở tỉnh Thừa Thiên trong chiến dịch Mậu Thân, 1968
Lính trung đoàn 26, sư đoàn bộ binh số 1 của Mỹ khoe lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam
Lính không quân Mỹ khoe lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cạnh chiếc trực thăng UH-1
Lính đánh thuê New Zealand thuộc đại đội Victor 4 cũng khoe cờ MTDTGPMNVN
Vẫn là lính đánh thuê New Zealand thuộc đại đội Victor 4 khoe cờ Đảng Cộng sản!

Đặc biệt, trong bức ảnh dưới đây, lực lượng “biệt hải” của VNCH và các cố vấn Mỹ cũng chụp ảnh cùng lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (hoặc Cộng hòa Miền Nam Việt Nam). Phải chăng họ cũng đang “phản chiến”?
Cũng qua bức hình này, ta thấy phục trang của họ giống hệt những người trong bức ảnh của bảo tàng.

Đội “biệt hải” của VNCH cùng các cố vấn Mỹ với lá cờ của MTDTGPMNVN. Trang phục rất giống với những người lính trong ảnh của bảo tàng.

Vậy những người trong bức ảnh của bảo tàng là ai và sự thực về bức ảnh đó là gì?

Theo tìm hiểu của tôi, những người này thuộc lực lượng UDT/SEAL, tức Đội phá hoại dưới nước (Underwater Demolition Team) của lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ (SEAL) mà “quân nhục VNCH” gọi văn hoa là “biệt hải”.
Cụ thể, họ là những thành viên của Đội “biệt hải” số 1 thuộc trung đội Alpha (SEAL team one, Alpha platoon), còn có biệt danh là “The Dirty Dozen”, hoạt động tại khu vực Nhà Bè, Rừng Sác từ năm 1966.
Dưới đây là một số hình ảnh của lực lượng này tại Việt Nam.

SEAL Team One với “chiến lợi phẩm”: cờ và một buồng chuối!
Trung đội Alpha chiếm được cờ và các vật dụng y tế của quân kháng chiến
Một “chiến công” khác của lực lượng Alpha?
SEAL Team 2 và một lá cờ MTDTGPMNVN tại Mỹ Tho năm 1967

Và cuối cùng, dưới đây là nguyên bản của tấm ảnh trong bảo tàng, chụp The Dirty Dozen của tác giả Donald P. “Chip” Maury, một thành viên của đội này.

Vậy mong bạn Hau Doan và bất cứ bạn nào đến bảo tàng nay hay các bảo tàng có ảnh tương tự, hãy góp ý với họ về việc này để kịp thời chỉnh sửa lại.
© Nguyễn Thanh Tùng

Thông báo: Sau khi bài viết này được chuyển đến những người có trách nhiệm để tìm hiểu lại, Lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đã có phản hồi như sau:
“Sau khi nhận được sự góp ý của mọi người về nội dung bức ảnh đang trưng bày tại Bảo tàng, chúng tôi đã kiểm tra và cho tháo gỡ bức ảnh trên khỏi đai trưng bày để điều chỉnh cho đúng và phù hợp. Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh xin chân thành cảm ơn sự góp ý kịp thời của mọi người. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và thận trọng hơn trong việc sử dụng nguồn tư liệu cho công tác trưng bày”.

Trước đó, trang facebook “Mạng lưới Bảo tàng Việt Nam – Viet Nam Museum Network” đã có một số phản hồi trên trang của họ như sau:
– Bác Triệu Hiển có bình luận như sau:

Nếu quả thực đây là bức ảnh bị chú thích nhầm, thì là một điều đáng tiếc và cần phải gỡ xuống ngay.
Đối với các hình ảnh trưng bày trong bảo tàng cần phải biết được : ảnh đó chụp sự kiện gì? Ở đâu? bao giờ? những ai trong ảnh? thậm trí (nếu có thể) còn phải xác định tác giả của bức ảnh đó. Nếu trong hồ sơ ảnh tư liệu có đầy đủ các thông tin trên thì không bao giờ bị nhầm lẫn khi đưa ra trưng bày trong BT hoặc triển lãm.
Bức ảnh mà bạn Hau Doan nêu trong bài báo thì ngay cả chú thích cũng không được ghi là “nhân dân phản chiến”,việc phản chiến chỉ có các binh sĩ thực hiện, còn nhân dân chỉ phản đối chiến tranh mà thôi.
Mong các BT, nhất là các BT loại hình lịch sử – xã hội thường sử dụng nhiều ảnh tư liệu trong trưng bày phải cẩn trọng khi chọn ảnh và viết etiket.
Chúc các bạn đồng nghiệp có nhiều niềm vui trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh.

– Qua kiểm tra sơ bộ thì thông tin như phản ánh về bức ảnh là đúng, tức đây không phải là bức ảnh về binh lính Mỹ phản chiến, mà là ảnh chụp biệt đội SEAL (lực lượng thuộc Hải quân Mỹ) số 1 (biệt hiệu là the Dirty Dozen: Vietnam Style) đang trưng cờ Việt Nam như là chiến lợi phẩm. Một số thông tin trao đổi của thành viên lực lượng này có thể xem tại đây, trong đó có bức ảnh nói trên: http://www.sealtwo.org/photoalbum09.htm.
Trên trang này, ngay bên dưới bức ảnh có một mẫu báo cáo, trong đó có ghi chi tiết chiến dịch tấn công của nhóm này vào một ấp ở Sóc Trăng, giết chết 1 cán bộ Việt Cộng và phá hủy một chiếc ghe (sampan – có lẽ là chiếc vỏ lãi ở Nam Bộ).
Bức ảnh được cho là của Bảo tàng đang trưng bày hình như đã được cắt cúp và xóa đường cắt ngang giữa ảnh, so với ảnh gốc trên mạng.
BCN Mạng lưới sẽ liên lạc với bảo tàng để phản ánh để có sự điều chỉnh cần thiết.

Hoan nghênh sự nghiêm túc, cầu thị và kịp thời điều chỉnh sai sót của Mạng lưới Bảo tàng Việt Nam nói chung và Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng!

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍