HSSV Sài Gòn biểu tình chống Mỹ ngụy với ảnh Bác Hồ. |
Dẫn nhập
Lịch sử đã chứng minh: tự do và hòa bình chỉ được đem lại cho nhân loại tiến bộ sau những tranh đấu quyết liệt với các lực lượng phản tiến bộ. Vậy nên Balzac, tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Tấn trò đời”, từng đúc kết: “Sự tự do về chính trị, sự hòa bình của một quốc gia và chính cả khoa học là những món quà mà Định mệnh đánh thuế nặng nề bằng máu!”. Việt Nam sau hiệp định Geneve, nền độc lập chỉ được tái lập ở miền Bắc, mọi khả năng và phương thức phi bạo lực để thống nhất đất nước đều bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngăn trở. “Định mệnh” buộc chúng ta phải tiếp tục cầm súng đứng lên, “muốn chống Mỹ – Diệm, ngoài con đường cách mạng nhân dân miền Nam không có con đường nào khác” (Lê Duẩn, 1956). Kể từ đó, trải qua 21 năm chiến tranh ác liệt, “Định mệnh” mới trả lại cho Việt Nam một niềm vui trọn vẹn, bằng đại thắng mùa Xuân 1975. Thời gian trôi và 40 năm sau nhìn lại, sự thật lịch sử đó dường như đang bị một bộ phận người Việt Nam hôm nay quên lãng, hoặc vì nhiều lý do mà cố tình làm sai lạc, méo mó. Chẳng hạn từ tháng 12 năm 2012 đến tháng 11/2014 ở Hoa Kỳ, nhật báo Người Việt và Nxb Người Việt Books đã lần lượt cho xuất bản sách “Bên thắng cuộc” của Huy Đức và “Đèn cù” của Trần Đĩnh; trong đó hai tác giả thuộc những thời kỳ làm báo khác nhau lại có chung một số luận điểm, đơn cử: 1/ Họ coi chiến tranh Việt Nam 1954 – 1975 là một cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn, vạ trong tường vách”, do một số nhà lãnh đạo có tư tưởng bạo lực trong Đảng Lao động Việt Nam tiến hành theo “sự chỉ đạo” của Liên Xô và Trung Quốc; 2/ Họ cố vạch ra những lằn ranh giữa ý Đảng với lòng dân, giữa tình cảm Bắc – Nam khi cho rằng ngày 30/4/1975 là ngày người miền Bắc thắng, còn đồng bào miền Nam là những người thua cuộc… Nhìn chung, giữa nhiều ý đồ chính trị, thì một mục tiêu quan trọng mà các sách dạng này hướng tới là nhằm đánh tráo ý nghĩa và giá trị đích thực của sự nghiệp giải phóng miền Nam. Cùng với sự phát triển của mạng Internet, những quan điểm phiến diện như thế rất dễ tiếp cận tới mọi giới, nhất là giới trẻ, tạo ra tâm lý hoài nghi chính sử. Bằng việc lý giải những nguyên nhân dẫn đến hành động chính trị – xã hội của một thời tuổi trẻ Sài Gòn 1954 – 1975, bài viết này sẽ góp một cơ sở nhận thức lịch sử khách quan, giúp phê phán lại những quan điểm sai lệch kể trên.
Thời cắp sách luôn là những năm tháng tươi đẹp nhất của một đời người: hồn nhiên, tràn đầy sức sống và nhiều mơ ước. Nhưng trong hồi ức của một cựu sinh viên Văn Khoa thì thế hệ thanh niên lớn lên cùng ông ở Sài Gòn, đã bị mai một những tính cách đặc trưng ấy khi đến với học đường: “Sài Gòn những năm giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970 tuổi trẻ lớn lên và tự già đi trong chiến tranh. Những “lưu bút ngày xanh” đành gấp lại; những mơ mộng hoa bướm tự nó thành lỗi nhịp, vô duyên. Tiếng cười dường như ít đi, kém trong trẻo hồn nhiên; khuôn mặt, dáng vẻ tư lự, trầm lắng hơn và đầu óc không thể vô tư nhởn nhơ được nữa. Những điếu thuốc đầu tiên trong đời được đốt lên; những ly cà phê đắng được nhấp vào và quán cà phê trở thành nơi chốn hẹn hò để dàn trải tâm tư, để trầm lắng suy gẫm.” (Lương Tài Sỹ, 2014). Tư lự, trầm lắng, sớm quen với khói thuốc và vị đắng của những ly cà phê: vì sao lại có nhiều ấn tượng bất thường đến vậy ở một thế hệ học đường Thành phố? Những ai quan tâm chắc sẽ dễ đồng thuận với nhau rằng nguyên nhân cốt yếu là do họ đã sinh ra và lớn lên trong một xã hội đang có chiến tranh. Nhưng chiến tranh tác động như thế nào đến thế hệ đó? Để như một hình thức truy nguyên, lý giải về một ấn tượng rất điển hình khác nữa, liên quan đến cách họ bày tỏ thái độ và hành động trước thời cuộc, thì lại là một câu hỏi khó và bị chi phối bởi những góc nhìn. Ở đây, chúng tôi tiếp cận vấn đề qua cái nhìn cụ thể, vào những trang sách, giờ lên lớp, trong phạm vi gia đình, trên những diễn biến chính trị – xã hội xung quanh trường học… thuộc các phạm trù điều kiện giáo dục, môi trường văn hóa, đời sống kinh tế – xã hội của tuổi trẻ học đường Sài Gòn – Gia Định giai đoạn 1954 – 1975.
[next]
1. Điều kiện giáo dục
Năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức Đại hội Quốc gia Giáo dục (lần I), lấy 3 nguyên tắc: “nhân bản” – “dân tộc” và “khai phóng” làm triết lý giáo dục của Việt Nam cộng hòa. Đến năm 1967, Hiến pháp VNCH công nhận văn hóa – giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách, ba nguyên tắc “nhân bản” – “dân tộc” và “khai phóng” của năm 1958 được đổi thành “Dân tộc –Khoa học – Nhân bản”. Hai năm sau, trong một thông điệp đọc trước lưỡng viện của VNCH, Nguyễn Văn Thiệu đã nói đến một nền giáo dục đại chúng và thực dụng…
Tham vọng trong giáo dục của chính quyền Sài Gòn thể hiện trên văn bản là vậy, nhưng kết quả thì sao? Theo tác giả của bài viết “Thương nghiệp hóa học đường” đăng trên tập san Giáo dục, căn cứ vào những gì đã làm được tính tới năm 1967 thì dường như chính quyền Sài Gòn “không có một đường lối và một chính sách giáo dục. Một số nhà lãnh đạo xã hội lại lầm lẫn đi vào con đường “mị” thanh thiếu niên để lợi dụng họ trong những tham vọng bất chính” (Cơ quan giáo dục dành cho quần chúng và học sinh, 1967, tr.6). Đến năm 1972, qua nhận xét này của thầy Trần Văn Trí, chúng ta có thể khẳng định một thực tế: sau nhiều tuyên bố cải tổ, hiện trạng nền giáo dục ở miền Nam vẫn chỉ là một nền giáo dục “lạc hậu, thi cử lem nhem, chương trình học vá víu, tổ chức yếu kém” (Trần Văn Trí, 1972, tr.10).
Cụ thể hơn, dù nói rằng giáo dục là quốc sách, nhưng kế hoạch cho từng năm học của giới hữu trách lại rất bị động: “Chương trình học năm nào cũng vì biến cố chính trị, quân sự đặc biệt phải có phần hạn chế. Tệ hại nhất là Chỉ thị về chương trình học mấy năm gần đây chỉ được Bộ Giáo dục đưa ra khi các trường tư thục đã khai giảng 3 – 4 tháng rồi.” (Trần Văn Trí, 1972, tr.11). Xét đến nội dung, chương trình học đó cho thấy có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa đức dục – trí dục và thể dục. Về mặt thể dục, “…nhiều trường không lưu ý gì đến hoặc nếu có chăng nữa thì cũng chỉ nhằm vào kỳ thi thể dục. Chứ con em chúng ta không được tập luyện cho thân thể khỏe mạnh, sống theo phép vệ sinh hoặc biết cách đề phòng bệnh tật.” (Trần Văn Trí, 1972, tr.13).
Về trí dục, ở bậc đại học, nổi lên vấn đề chuyển ngữ. Vì sau 1954, người Pháp đã chuyển quản tự trị đại học cho chính quyền Sài Gòn, nhưng nhiều năm sau đó giáo trình và ngôn ngữ giảng dạy ở bậc học này vẫn là tiếng Pháp. Trên tờ Tin văn, số 9 năm 1966, nhà giáo – học giả Nguyễn Hiến Lê qua bài viết “Ít cảm tưởng về Đại hội Bảo vệ văn hóa dân tộc: đả phá dễ hay xây dựng dễ?” đã phản ánh về thực trạng này: “…có cái gì không hợp lý, tự nhiên cho bằng một quốc gia độc lập, phải có một nền quốc học, tự dùng tiếng mẹ đẻ trong mọi cấp học. Vậy mà trong non mười năm nay bao nhiêu người đã tranh đấu cho tiếng Việt được dùng làm chuyển ngữ ở đại học, cho học sinh trung học lên đại học khỏi phải “đụng đầu vào bức tường ngoại ngữ”, người ta đã tốn biết bao nhiêu giấy mực, không năm nào không năn nỉ chính quyền giải quyết vấn đề giùm cho con em chúng ta” (Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM – Nguyễn Trọng Xuất chủ biên, 2013, tr.88). Khi số học sinh tốt nghiệp bậc trung học tại các trường Quốc gia ngày càng tăng so với số trường trung học dạy bằng ngoại ngữ đào tạo, thì việc chỉ dạy bằng tiếng Pháp ở bậc đại học đã làm hẹp đi rất nhiều cánh cửa bước vào bậc học này của họ. Hơn nữa, việc duy trì tình trạng đó cũng không khuyến khích được các giáo sư, sinh viên, các nhà trí thức chú ý biên soạn những giáo trình, sách tham khảo phục vụ học tập bằng tiếng Việt.
Đối với giáo trình giảng dạy ở bậc Trung học, hai môn Việt văn và Quốc sử bị phê phán nhiều nhất. Bởi vì văn chương cách mạng, yêu nước cũng như những sự kiện và nhân vật gắn liền với các cao trào cách mạng những năm 1930, 1940… bị cố ý gạt bỏ, hoặc chỉ được đề cập chừng mực và thiên kiến. Những bất cập của chương trình học hai môn này được giáo sư Nguyễn Văn Trung, người từng giảng dạy đại học ở Sài Gòn kể từ năm 1955, lấy làm đề tài thảo luận trong một buổi hội thảo tổ chức ngày 2/11/1970 ở ngay tại Sài Gòn. Qua cách đặt vấn đề của ông, chúng ta được biết một vài bất cập cụ thể, chẳng hạn: Chương trình giảng văn lớp 9 có phần “Thi ca các nhà ái quốc” chỉ gồm hai tác giả là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh; chương trình lớp 11 học đến ba tác giả của Tự lực văn đoàn gồm Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo, trong khi những tác giả có tác phẩm hiện thực xã hội như Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao lại bị bỏ qua. Ngoài ra, suốt bảy năm trung học, học sinh chỉ được học văn chương bình dân truyền khẩu ở lớp 6; nhưng cũng chỉ được vài câu tục ngữ, ca dao: “Vì thế sau khi tốt nghiệp xong bậc trung học, vốn liếng và hiểu biết về tục ngữ, ca dao, truyện cổ của học sinh không bằng các bà nhà quê đi bán rau ngoài chợ”. Cuối cùng Nguyễn Văn Trung đi đến nhận định: “Chương trình Việt Văn hiện tại ở bậc Trung học có tính cách thoái hóa, phản dân tộc và do đó phản giáo dục. Chương trình đó chỉ nhằm đào tạo một số người cầu an, đầu hàng, hèn nhát…” (Bảo Cự, 1972, tr.52).
[next]
Đứng từ phía người học, rõ ràng chương trình giảng dạy như thế không thể đảm bảo được một trong những thiên chức quan trọng bậc nhất của giáo dục học đường: đó là giáo dục lý tưởng sống và tinh thần yêu nước – điều mà trong thời buổi đất nước bị chiến tranh, chia cắt, giới học đường đang rất trăn trở. Khi được Tổng hội Sinh viên Sài Gòn phỏng vấn về chương trình giáo dục, một nữ sinh lớp 10 nói: “Điều em bất mãn nhất là những thầy cô dạy Việt sử và Quốc văn mà không kêu gọi được tình tự yêu nước trong lòng học trò. Em ao ước được học những giờ thần thánh, trong đó giáo sư Quốc văn và Quốc sử trước hết là những người yêu nước, biết làm sống dậy buổi học một cách can đảm và nhiệt thành… Phần đông giáo sư bây giờ chỉ là những người bán chữ, hình như thế!”. Và cô gái tiếp tục với những cảm nghĩ khái quát hơn: “Tôi bất mãn nền giáo dục hiện tại không giúp học sinh tạo cho mình một nhân sinh quan. Học xong, không biết đi đâu, như thể nào trong một xã hội và thế giới ra sao” (Bảo Cự, 1972, tr.47).
Còn tương lai của sự học thời ấy là gì? Đó là việc khoảng 60% số học sinh – sinh viên tốt nghiệp sẽ phải nhập ngũ. “Luật động viên cứ theo đà chiến tranh leo thang. Từ tuổi 19 – 30 đã đổi thành 18 – 33, rồi khi phải “Việt Nam hóa chiến tranh” thì độ tuổi ấy càng tăng đến mức khắc nghiệt: từ 17 đến 43 tuổi” (Tần Hoài Dạ Vũ – Nguyễn Đông Nhật, 2007, tr.90). Chế độ Quân dịch của chính quyền Sài Gòn không qui định trình độ học vấn của thanh niên, thanh niên dù có bằng Tú tài toàn phần hoặc cao hơn vẫn có thể bị gọi đi lính.
Ngay khi đang ở trong nhà trường, học sinh – sinh viên đã phải tham gia vào các tổ chức quân sự của chính quyền Sài Gòn, trở thành một lực lượng quân đội dự bị phục vụ cho cuộc chiến ở miền Nam. Những khóa học quân sự là bắt buộc, nằm trong nội dung thi tốt nghiệp. Đôi khi sinh viên – học sinh chỉ vừa kết thúc một đợt tập trung học quân sự được vài ngày thì kỳ thi đến, khiến họ rất mệt mỏi và căng thẳng. Đó phải chăng là một cái bẫy chính quyền Sài Gòn dành cho họ? Vì nếu bỏ học, thi vượt cấp rớt, nhất là thi rớt tú tài trong khi đã đến độ tuổi quân dịch, thanh niên Sài Gòn sẽ lập tức trở thành đối tượng gọi đi lính.
“Đi lính” vì thế trở thành nỗi ám ảnh nặng nề của từ học sinh đến các bậc cha mẹ. Ám ảnh đến mức nào? Trong bộ sách “Tiếng hát những người đi tới” tập hợp thơ, văn, nhạc, họa của học đường miền Nam trước năm 1975, có một đoạn tự sự trích từ báo tường giúp hình dung rất rõ điều này. Người đăng bài là một nam sinh 18 tuổi, kể rằng đã từng chứng kiến cảnh anh trai khóc ở quân trường khi cùng cha mẹ lên thăm. Không lâu sau, anh cậu được người ta đưa về nhà, trong một chiếc quan tài bọc kẽm. Nghĩa là lo sợ đã có đó và thành ra sự thật rồi đó. Nên mỗi lần đi xem bảng điểm ở trường là mỗi lần cậu ưu tư về số phận: “Trên quê hương này đời đã đến với tuổi trẻ không hẹn tuổi vì tuổi trẻ hôm nay vào đời sớm hay muộn còn tùy thuộc vào những số trên thông cáo của bộ Quốc phòng. Anh ta đã dành nửa cuộc đời cho sự học, còn ta, nào có ngắn ngủi gì. Nhưng đến bao giờ ta thấy cả đời ta trong sự học? Đến bao giờ ta không còn lẩm bẩm tính xem mình sẽ chết còn xác hay mất xác trước tấm bảng kết quả của những kỳ thi?” (Nhiều tác giả, 1993, tr.551).
Để con em không phải đi lính, nhiều gia đình đã chạy chọt nhằm hợp thức hóa thủ tục miễn dịch, hoãn dịch: “mỗi lần bị bắt lính họ phải “lo lót” cho bọn đi lùng trung bình từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng, và mua một giấy hoãn dịch tối thiểu phải trả với giá 60.000 đồng” (Nhiều tác giả, 2001, tr.241). Phần đông học sinh, sinh viên mới ra trường không việc làm, vì hoàn cảnh khó khăn nên chỉ còn cách “trốn lính”. Trốn lính là chấp nhận sống bên lề xã hội, bị cảnh sát, quân cảnh thường xuyên lùng sục, bắt bớ. “Cuộc sống của người trốn quân dịch là những chuỗi ngày bấp bênh, không tương lai ngay giữa Sài Gòn đô hội. Cũng vì thế, có người tự chặt “ngón tay bóp cò” (ngón trỏ) để khỏi đi lính, có người “tự hành xác”, “ốm tong ốm teo” để được các trung tâm nhập ngũ trả về vì “không đủ sức khỏe” (Nguyễn Ngọc Chính, 2012).
Chính những bất cập của học đường và chính những nỗi ám ảnh như thế, khiến tuổi trẻ học đường Sài Gòn một thời trở nên trầm lắng, tư lự và khó có thể hồn nhiên được.
[next]
2. Môi trường văn hóa
Trong tự nhiên có một quy luật: nơi nào cỏ rậm quá thì cây trái không mọc lên được. Trở lại với những phản ánh khác trong bài viết của nhà giáo Nguyễn Hiến Lê, chúng tôi cảm nhận được rằng môi trường văn hóa vây quanh giới học đường Sài Gòn đương thời có quá nhiều cỏ dại: “Trong hai mươi năm nay, số người có các bằng cấp trung học, đại học, tức số độc giả tăng lên chắc tới gấp 10, gấp 20 lần? Mà số sách lành mạnh tăng lên được bao nhiêu, trong khi những sách nhảm nhí, từ loại kiếm hiệp đến loại dâm ô tăng lên được bao nhiêu? Bộ Văn hóa nếu chịu khó làm thống kê, chắc sẽ phải lấy làm kinh ngạc về kết quả: chúng ta giáo dục thanh niên chỉ để cho họ khi ra trường đọc những sách bậy bạ” (Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM – Nguyễn Trọng Xuất chủ biên, 2013, tr.90). Đơn cử trong lĩnh vực văn chương, “Bên cạnh những phim “con heo”, báo chuyên in hình phụ nữ khỏa thân (như Play-boy, Penthouse, Nude…) bày bán công khai trên vỉa hè các đường Lê Lợi, Công Lý… ở ngay trung tâm thành phố, là những tiểu thuyết Yêu, Sống, Loạn… của Chu Tử, Cậu chó, Chú Tư Cầu, Đêm không cùng… của Lê Xuyên và những truyện ngắn, truyện dài khiêu dâm của các tác giả khác như Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Thụy Vũ, Túy Hồng”. Và “Khung cảnh của tiểu thuyết không khi nào vượt qua giới hạn của thành phố, của căn phòng, hoặc tệ hơn của vòng tay, của cái giường, Tác động thì chỉ có mặc quần áo, hút thuốc lá, uống rượu, làm tình, tắm rửa, soi gương, uống cà phê, níu kéo, ôm ấp, khóc…Những tiểu thuyết đăng trên các nhật báo cũng không tránh khỏi sự giới hạn đó: khiêu dâm, thoát ly, giúp con người quên đi trong chốc lát những mệt mỏi, khổ sở của cuộc sống thực” (Nhiều tác giả, 1993, tr.507).
Ngoài ra, nói đến môi trường văn hóa ở Sài Gòn trước 1975, không thể không nhắc tới dòng thơ, nhạc, kịch, thậm chí bao gồm cả biểu diễn xiếc với chủ đề ca ngợi đời lính, hầu hết do Biệt Đoàn văn nghệ Trung ương Sài Gòn sáng tác và biểu diễn. Bộ phận này nằm trong một chủ trương có tính chiến lược của người Mỹ và chính quyền Sài Gòn: tiến hành chiến tranh tâm lý “giành giật trái tim khối óc”, đối tượng chủ yếu chính là thanh niên học sinh – sinh viên. “Đội quân này sử dụng đủ thứ vũ khí văn hóa văn nghệ tân tiến hoặc tân trang, ngày đêm không ngừng bắn vào tuổi trẻ miền Nam những viên đạn bọc đường, chứa đựng thuốc nổ, thuốc độc hoặc thuốc ngủ để thực hiện từng bước chiến lược con người của USAID, USOM” (Nhiều tác giả, 1993, tr.499). Ảnh hưởng của hình thức văn nghệ này rất tinh vi. Đang trong tâm tình yếm thế trước thời cuộc, nếu ai đó chỉ nghe Duy Khánh, Giao Linh, Dạ Lý, Phương Hồng Quế… hát những bài hát như “Căn nhà mầu tím”, “24 giờ phép”, “Em hậu phương anh tiền tuyến”, “Trăng tàn trên hè phố”… đều đặn phát hằng đêm trên làn sóng vô tuyến điện của quân đội Sài Gòn (như chương trình Dạ Lan), thì đời lính hải hồ, đây đó dễ bị lầm tưởng sẽ là một cứu cánh cho cuộc đời. Thực tế không ít người đã bị khuất phục trước sức tấn công bền bỉ của thứ vũ khí tinh thần đó, “trở thành những người lính tự nguyện sống chết cho thế giới tự do…hóa thành rằn ri từ áo quần đến mặt mũi, tâm hồn” (Nhiều tác giả, 1993, tr.499). Nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ trong giới trẻ mà cuộc sống bị đóng khung trong các mối quan hệ lợi ích với chính quyền Sài Gòn và người Mỹ. Ở những môi trường văn hóa chỉ thuần túy có sự tiếp xúc giữa đồng bào với nhau, giới trẻ Sài Gòn vẫn giữ được những ứng xử và căn tính văn hóa tốt đẹp: “Cuộc sống xã hội và tinh thần trong trường học, trong công sở, trong các gia đình, xóm giềng, bạn hữu… lại là quan hệ có nề nếp, có văn hóa” (Đặng Phong, 2012)
[next]
3. Đời sống kinh tế – xã hội
Theo phân tích của sử gia kinh tế Đặng Phong thì nền kinh tế Sài Gòn ở bề nổi, vẻ phồn vinh là có thật. Nhưng vì phụ thuộc nặng nề vào viện trợ bên ngoài và đặt ưu tiên chi tiêu cho lĩnh vực quân sự, nên nó đã tạo ra sự phân tầng sâu sắc trong thu nhập xã hội. Nhóm xã hội có quan hệ lợi ích trực tiếp với người Mỹ như chủ thầu cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho lính Mỹ, người làm sở Mỹ… thuộc thành phần ăn nên làm ra, đời sống khấm khá trong xã hội. Trong khi đó, đại đa số người dân lao động, trí thức có đời sống kinh tế bấp bênh. Từ 1965 nạn lạm phát diễn ra nghiêm trọng, trung bình giá cả tăng 30%/năm. Cụ thể, qua thống kê của Nha Tổng giám đốc Kế hoạch về chỉ số giá ở hạng lao động cho thấy: Chỉ số giá tiêu thụ nói chung và chỉ số giá tiêu thụ riêng với nhóm hàng thực phẩm tại Sài Gòn tăng lần lượt là 26,9% và 33,3% tính từ tháng 1/1967 đến tháng 1/1968, 24,8% và 28% tính từ tháng 1/1968 đến tháng 1/1969, 35% và 34,6% tính từ tháng 1/1969 đến tháng 1/19701 … Đa phần học sinh, sinh viên là con em của những gia đình vì chiến tranh mà phải từ các vùng nông thôn chạy lên Sài Gòn, rơi vào thành phần gia đình có thu nhập thấp kể trên. Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, áp lực tâm lý đè lên họ rất nặng nề. Biểu hiện rõ nhất là ở vấn đề học phí tăng: “Năm 1973 học phí tăng gấp đôi ở bậc trung học, gấp bốn lần ở bậc đại học so với năm 1967” (Nhiều tác giả, 2001, tr243). Bởi vậy mới có những cái Tết buồn như Tết Giáp Tý 1972 trong tản văn “Bóng mát đời người” của Nguyễn Thị Linh Thùy. Tết của cô nữ sinh trẻ tuổi không có cảnh “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”, mà chỉ có những tâm sự buồn: “Buổi chiều về nghe má than phiền về vật giá, nghe ba than phiền lương bổng, giờ giấc, tình hình chính trị, nghe chị than phiền những trò nham nhở của lính ngoại quốc. Còn ta? “Cơm cha áo mẹ, công thầy”. Có gì để than? Con sẽ báo cho cha giá học phí, giá sách vở đã tăng rồi. Ta sẽ than phiền giáo sư hôm nay sao dạy có vẻ gấp rút quá. Không! Em hiểu các thầy lắm, các thầy có khác gì ba má em đâu, các thầy cũng đang chạy đua với nhu cầu, với vật giá hàng ngày” (Tần Hoài Dạ Vũ – Nguyễn Đông Nhật, 2007, tr.551).
Những năm giữa 1960, thực binh Mỹ hiện diện ngày càng nhiều trên đường phố Sài Gòn. Nhiều nhóm người vì mưu sinh phải chạy theo sự cám dỗ của đồng Đô-la, và từ đó, xã hội càng ngày càng bị băng hoại trong nếp sống đua đòi của nền văn minh vật chất. Trật tự nếp sống cũ và tự ái dân tộc của giới học đường cũng ngày một bị đảo lộn và bị tổn thương nhiều hơn. Trong “Chung một bóng cờ”, các tác giả kể lại một trường hợp xảy ra tại chung cư Trần Hưng Đạo, nơi từng dành riêng cho người Mỹ, cấm người Việt vào: “Một hôm, lúc trời chưa sáng hẳn, có tiếng kêu thất thanh từ Chúng cư vọng ra:
– Cứu tôi với, bà con cứu dùm tôi với.
Nhìn lên tầng trên cùng, người qua đường thấy một phụ nữ trần truồng, tay chân khều khào, chạy qua chạy lại, miệng vừa kêu cứu vừa ngoắc rối rít người dưới đường. Sau này người ta biết đó là một cô gái mà buổi chiều hôm trước một tên lính Mỹ đã ngã giá với cô để cùng nhau qua đêm tại phòng hắn trong chúng cư. Nhưng đêm đó, trong phòng còn có thêm hai lính Mỹ bạn hắn nữa… Chúng giấu áo quần cô vào tủ. Gần sáng trần truồng trốn ra khỏi phòng, cô định leo lên nóc để lần xuống đường, nhưng cô không thể làm nổi việc ấy…” (Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM – Nguyễn Trọng Xuất chủ biên, 2013, tr.150 – 151). Vì những cảnh tượng như thế, nên nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam bị một số người ngoại quốc công khai coi thường. Một phóng viên Mỹ tên là Jame Rkipp, làm việc ở Hồng Công, sang nghỉ phép hai tuần lễ tại Sài Gòn vào năm 1966, khi trở về Hồng Công, anh ta viết một bài tường thuật trong đó có câu: “Ở Sài Gòn, chỉ cần 2 đô-la là mua được trinh tiết của một người phụ nữ” (Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, 2013, tr.147).
Nền móng gia đình thời buổi ấy cũng bị lung lay: “Những quan chức chính quyền, nhất là các sĩ quan Việt Nam có vợ trẻ đẹp, thường rất khó chịu trước thái độ săn đón vợ mình của các sếp Mỹ nhiều tiền và đầy quyền thế. Nhiều người khác thì vì nghèo túng mà bỏ chồng con tìm tới với một người Mỹ để có cuộc sống đầy đủ hơn” (Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, 2013, tr.151). Thêm vào đó là những ly tán do tù đày, tao loạn, nên mái ấm gia đình của nhiều anh chi em học sinh – sinh viên Sài Gòn càng trở nên dễ vỡ như bong bóng sau mưa. Tâm sự của cựu Bí thư tạm quyền Thành Đoàn (năm 1975) Trương Mỹ Lệ là một minh chứng cụ thể về vấn đề này: “21 năm ấy, không chỉ ba má biệt ly mà mẹ con cũng cách mặt. Sáu anh chị em đều phải thay tên đổi họ, gửi làm con của cậu, dì ở khắp nơi để má bí mật công tác. Hiếm khi mấy mẹ con mới có dịp sum vầy ngắn ngủi khi Tổ chức cho đưa cùng vào cứ. Nhưng từ năm 1964, em gái kế cô – tức cô Trương Mỹ Hoa – bị địch bắt, cảnh sum vầy đủ mặt mấy mẹ con cũng chấm dứt. Lần lượt sau đó, hết má rồi tới mấy chị em thay nhau vào tù. Tổng cộng cả gia đình của cô có tới 48 năm sống trong lao tù của chính quyền Sài Gòn, trong đó có người bị kết án tử hình ở Côn Đảo” (PV TML).
Như vậy, Sài Gòn thời kỳ 1954 – 1975 có rất nhiều hiện hữu khác xa so với triết lý giáo dục và nhận thức sách vở mà giới học đường được dạy trong nhà trường. Chẳng hạn: “Duy linh” và “Nhân vị” là gì? Hay thực tế chỉ là “một mớ hổ lốn, không ai hiểu nổi” như nhận xét của nhà sử học Gabriel Kolko (Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, 2013, tr.303). “Tự do”, “Khai phóng” là gì? Hay thực tế chỉ là sự giản lược con người toàn diện vào các nhu cầu chiến tranh. “Dân tộc” là gì? Hay thực tế như nhà giáo Nguyễn Hiến Lê phản ánh: phải phụ thuộc người Mỹ từ giọt dầu, tới đầu đinh, hột gạo; từ chiến tranh đến ngoại giao, kinh tế, “Gần như không còn chủ quyền nữa” (Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, 2013, tr.91). Sống ngay trung tâm của bộ máy chiến tranh, nên hơn bất cứ đâu, giới học đường Sài Gòn đã vừa phải chứng kiến nhiều nhất sự đổ vỡ của những giá trị xã hội, vừa cảm thấy rõ nhất thân phận của mình như “những cánh bèo trôi dạt dật dờ theo dòng lũ chiến tranh” (Tần Hoài Dạ Vũ – Nguyễn Đông Nhật, 2007, tr.20). Song trước hiện thực ấy, vì là con em của một vùng đất mà truyền thống bất khuất đã được hun đúc từ lời mẹ ru, từ những câu thơ đề cao tiết nghĩa “Giữa đàng dẫu thấy bất bình mà tha” (Lục Vân Tiên – Đồ Chiểu), từ những câu chuyện kể về khí phách và lòng can đảm của những anh hùng tuổi trẻ như Lý Tự Trọng, Trần Văn Ơn, nên phần cơ bản trong thế hệ ấy đã lựa chọn đứng lên, phê phán lại những tệ đoan của xã hội bằng hành động.
Và lựa chọn dấn thân
“Sài Gòn 70 vẫn còn hỏa ngục
Vẫn dùi cui lựu đạn lưỡi lê
Vẫn tiếng giày đinh ghê rợn lúc đêm về
Bầy quỷ dữ hả hê cười bên tiếng nấc
Sài Gòn đó nhục nhằn u uất
Sài Gòn đây, máu chảy ruột mềm
Nên những anh hùng tuổi trẻ lại vùng lên
Áo trắng tóc thề lăn vào ma trắc
Thân thể nhừ đòn, mắt cay khói độc…”2
[next]
Để ý những phong trào của học sinh, sinh viên đã làm rung chuyển cả đô thành Sài Gòn thời ấy, tính chất tự phát thể hiện rất rõ3. Các khẩu hiệu đấu tranh của học sinh – sinh viên chưa đề cập đến những vấn đề lý tưởng cao xa mà thường xuất phát từ mong muốn được cải thiện, hoặc thay đổi những điều kiện giáo dục kém cỏi, những ô trọc của môi trường văn hóa, những bất công, xấu xa trong đời sống kinh tế – chính trị – xã hội gắn liền với họ, như đã nói:
– Tháng 11/1957, học sinh các trường Cán sự Y tế, Phan Bội Châu, Đức Trí, Pétrus Ký… tổ chức mit-tinh, kiến nghị đòi ban hành tự do, dân chủ trong các trường học, đòi giải quyết nạn thiếu trường và chống chính sách đánh hỏng thi để bắt lính.
– Tháng 2/1958, học sinh – sinh viên Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn đấu tranh với ba khẩu hiệu: Dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở bậc đại học; giải quyết nạn thiếu trường thiếu lớp, nâng cao đời sống giáo chức, trợ cấp cho học sinh nghèo, nâng cao ngân sách giáo dục; sửa đổi nội dung chương trình giảng dạy sao cho phù hợp với một nền giáo dục dân tộc, độc lập, tiến hành cải cách dân chủ trong nhà trường.
– Ngày 7/7/1963, các cuộc bãi khóa đã nổ ra ở các trường trung học Gia Long, Petrus Ký, Trưng Vương, Võ Trường Toản, Chu Văn An, Marie Curie… để chống đàn áp Phật giáo và sinh viên, đòi thả những người bị bắt trước đó.
– Ngày 2/8/1964, 4.000 học sinh – sinh viên mở cuộc hội thảo vạch trần bộ mặt độc tài phát xít và vây dinh Nguyễn Khánh.
– Ngày 31/3/1966, học sinh – sinh viên tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và đem hình nộm Thiệu – Kỳ ra pháp trường cát ở chợ Bến Thành thiêu.
– Tháng 6/1966, Liên viện Đại học Sài Gòn – Vạn Hạnh – Cần Thơ – Đà Lạt công bố thư gởi đồng bào, gởi Tổng thống Mỹ Johnson, gởi Thư ký Liên Hiệp Quốc U Than đòi hòa bình, đòi Mỹ rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
– Ngày 5/5/1966 nhân Lễ Phật đản, tại Viện Hóa đạo, học sinh – sinh viên cắm băng giấy trên xe Mỹ và đốt cháy, để lại dòng chữ “Đây là kết quả 13 năm viện trợ của Mỹ”, khẩu hiệu đòi “Thiệu – Kỳ phải từ chức” đã trở thành khẩu hiệu hành động qua các cuộc đấu tranh xuống đường.
– Luật động viên số 04/67 của Nguyễn Văn Thiệu vừa ban hành, sinh viên các trường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Sài Gòn tổ chức hội thảo phản đối gọi đó là một sắc lệnh tàn nhẫn.
– Ngày 3/9/1967 sinh viên các trường đại học ở Sài Gòn, Vạn Hạnh, Cần Thơ đấu tranh chống bầu cử gian lận vừa được chính quyền Sài Gòn tổ chức.
– Từ tháng 12/1970 đến tháng 10/1971, học sinh – sinh viên cùng với đồng bào thành phố đã đốt cháy 136 chiếc xe, đánh chết và làm bị thương 17 tên Mỹ, 6 lính Nam Triều Tiên, 8 cảnh sát dã chiến ngụy, đốt cháy 1 thư viện Mỹ, thậm chí còn tấn công và đốt cháy cổng trước của dinh đại sứ Mỹ Bunker4.
…
“Dậy mà đi. Dậy mà đi. Ai chiến thắng không hề chiến bại? Ai nên khôn không khốn một lần? Dậy mà đi. Dậy mà đi. Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!”5.
Những con đường tuổi trẻ học đường Sài Gòn đã đi không chỉ là những con đường trải nhựa thênh thang ở nội đô Sài Gòn, như Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Duy Tân, Tự Do… mà đôi bàn chân họ còn in dấu trên khắp các nẻo đường không tên khác của miền Nam, từ đất thép Củ Chi, đất đỏ Bà Rịa đến Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ; từ bưng biền đồng nước Tháp Mười đến hoang vu rừng rú như Núi Dinh, vùng biên giới bên kia đất bạn Campuchia6… Con đường nào xa thành phố cũng mịt mù bom đạn. Song dù bạn xuống đường đấu tranh hay tôi lên đường vô cứ, thì “bạn” và “tôi” của một thời đã viết lên những huyền thoại ấy, tinh thần dấn thân là mạnh mẽ như nhau, để lại những ấn tượng rất riêng trên những bức chân dung lịch sử, phản ánh về một thế hệ tuổi trẻ học đường Sài Gòn thời chống Mỹ.
Kết luận
Hoa Kỳ với những toan tính của họ đã mang chiến tranh tới Việt Nam, tạo ra ở miền Nam tấn bi kịch xã hội tưởng không hồi kết. Chính quyền Sài Gòn do Hoa Kỳ dựng lên, vì lợi ích vị kỷ, đã tiếp tay cho mưu đồ chính trị đó nên từ bản chất đến hành động đã là phi dân tộc và phản dân tộc. Phong trào đấu tranh của sinh viên – học sinh là một biểu hiện tất yếu ra ngoài xã hội quy luật “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Phong trào cũng đã không nổ ra đơn độc, mà nằm trong một mặt trận nhân dân rộng rãi từ công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh – sinh viên đến các tầng lớp trí thức, công thương – kỹ nghệ gia, đồng bào các tôn giáo trong Thành phố. Họ đấy, đều là người Sài Gòn, người miền Nam và đấu tranh ngay trên quê hương miền Nam, cho quê hương miền Nam. Họ đấy, đã hòa vào dân tộc, cùng đứng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam để đánh đổ các thế lực nô dịch, chấm dứt những điều kiện sống đê hèn đang hủy hoại thế hệ mình, quê hương mình; để có một ngày 30/4/1975 với đúng ý nghĩa thiêng liêng đích thực của hai tiếng “Giải Phóng”. Các cây bút bị “chiêu hồi” bởi những bóng ma quá khứ như Huy Đức, Trần Đĩnh thường cố tình giấu đi một cách vụng về sự tồn tại của lực lượng này, nhằm thỏa sức “xoay tít” với những luận điệu xuyên tạc. Họ làm vậy vì danh lợi, vì tiền, vì lòng sân hận, hay vì điều gì khác? Câu hỏi đó cần được suy nghĩ nghiêm túc với nhiều người. Riêng với những thế hệ trẻ người Việt Nam đang sinh ra và lớn lên trong hòa bình hôm nay, dù là người miền Bắc hay là người miền Nam, dù trong nước hay ngoài nước thì điều đáng quan tâm hơn cả là việc phải cùng nhau hình thành nên một tự tình dân tộc, trên cơ sở hòa hợp và hòa giải, bằng lòng bao dung và hướng về phía trước; nhưng nhất định không phải bằng việc xét lại lịch sử một cách thiên kiến như ai đó đã làm./.
———
Văn Trường
(tác giả gửi trực tiếp cho bần đạo)
Ghi chú:>
1Tham khảo: Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa – Nha Tổng giám đốc Kế hoạch, Thống kê nguyệt san các năm 1967, 1968, 1969, 1970 (bản lưu tại Thư viện KHXH, mã tra cứu: CNV-87).
2Trích từ bài thơ “Sài Gòn 70” của Hoàng Phủ Ngọc Phan, viết năm 1970. Nguồn: Câu lạc bộ truyền thống Thành Đoàn (biên soạn), 2013, tr.320.
3Thiết nghĩ với vấn đề này, chúng ta không nên nhìn tính chất tự phát chỉ trong sự so sánh với tính chất tự giác như thường thấy. Nên chú ý thêm đến giá trị chỉ dấu lịch sử của nó, giả sử như có đấu tranh tự phát trong quần chúng thì chắc chắn là đã tồn tại những điều kiện và lực lượng áp bức quần chúng.
4Lược thuật theo bài viết của Nguyễn Duy Trường. 2012. Phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên trong kháng chiến chống Mỹ. Nguồn: https://vuthuan.wordpress.com/2012/02/23/phong-trao-d%E1%BA%A5u-tranh-c%E1%BB%A7a-hssv-trong-khang-chi%E1%BA%BFn-ch%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9/, truy cập ngày 5/4/2015.
5Lời bài hát “Dậy mà đi”, sáng tác Nguyễn Xuân Tân, phổ thơ Tố Hữu.
6Tham khảo: Nhiều tác giả. 2009. Căn cứ Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định 1960 – 1975. TP HCM: Nxb Trẻ.
Tài liệu trích dẫn và tham khảo:
Tài liệu sách, báo
1. Bảo Cự, 1972. Nhận định về chương trình Việt Văn bậc Trung học. Sài Gòn: tập san Giáo dục, số 57, tr.38 – 65.
2. Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn (biên soạn). 2013. Chúng ta đã đứng dậy (tập 2). TP HCM: Nxb Trẻ.
3. Cơ quan giáo dục dành cho quần chúng và học sinh. 1967. Thương nghiệp hóa học đường. Sài Gòn: Tập san Giáo Dục, số 9.
4. Nhiều tác giả, 1993, Tiếng hát những người đi tới. TP HCM: Nxb. Trẻ.
5. Nhiều tác giả. 2001. Lược sử Đoàn và Phong trào thanh niên Thành phố. TP HCM: Nxb Trẻ.
6. Nhiều tác giả. 2009. Căn cứ Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định 1960 – 1975. TP HCM: Nxb Trẻ.
7. Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa – Nha Tổng giám đốc Kế hoạch, Thống kê nguyệt san các năm 1967, 1968, 1969, 1970 (bản lưu tại Thư viện KHXH, mã tra cứu: CNV-87).
8. Tần Hoài Dạ Vũ – Nguyễn Đông Nhật. 2007). Phác họa chân dung một thế hệ. Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng.
9. Trần Văn trí. 1972. Một vài nhận xét về đường hướng giào dục mới. Sài Gòn: tập san Giáo dục, số 57, tr.5 – 15.
10. Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM – Nguyễn Trọng Xuất chủ biên. 2013. Nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định đồng hành cùng dân tộc (tập 1), TPHCM: Nxb Cty CP SX-TM-DV Khai Trí.
Tài liệu mạng
1. Đặng Phong. 2012. Tư sản hôm qua, hữu sản hôm nay. Nguồn: http://ver2.hoangsa.org/forum/archive/index.php/t-72547.html. truy cập ngày 5/4/2015.
2. Lê Duẩn. 1956. Đường lối cách mạng Việt Nam, tháng 8 năm 1956 (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 17). Nguồn: http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30063&cn_id=152061#, truy cập ngày 5/4/2015.
3. Lương Tài Sỹ. 2014. Một thời cà phê Sài Gòn. Nguồn: http://vantuyen.net/category/luong-thai-sy/, truy cập ngày 5/4/2015
4. Nguyễn Ngọc Chính. 2012. Hồi ức của một đời người. Nguồn: http://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?212712-H%E1%BB%93i-%E1%BB%A9c-S%C3%A0i-G%C3%B2n-th%E1%BB%9Di-l%C3%ADnh-tr%C3%A1ng, truy cập ngày 5/4/2015.
Tài liệu phỏng vấn
1. Phỏng vấn bà Trương Mỹ Lệ, Quyền Bí thư Thành Đoàn năm 1975, hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Truyền Thống Thành Đoàn. Thời gian phỏng vấn từ 14h30 – 18h00 ngày 18.6.2012 tại trụ sở Thành Đoàn số 01 Phạm Ngọc Thạch Q.1.
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍