Tôi viết bài này có thể sẽ động chạm đến rất nhiều người, thậm chí có những người sẵn sàng quay lưng lại để chửi bới tôi nhưng tôi cảm thấy không thể không nói được. Tôi đã từng nghĩ có thể sẽ im lặng, nhưng cuối cùng tôi nhận ra sự im lặng sẽ chỉ khiến cho mình thêm hèn nhát vì vậy tôi nghĩ rằng tôi phải viết và phải nói ra nó. Mấy ngày gần đây, khi mà cả nước đang xôn xao lên về vụ giàn khoan HD981 của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam cũng như một số các cuộc biểu tình đã diễn ra để phản đối hành động của Trung Quốc. Một số người đã hỏi tôi về vấn đề này nhưng tôi không đưa ra bất kỳ một ý kiến nào cả, đơn giản vì như lần trước đã phân tích, theo ý kiến cá nhân của tôi, Việt Nam cũng giống như 1 người cần chữa bệnh từ bên trong hơn là bên ngoài, cần phải xem xét các vấn đề nội tại trong xã hội Việt Nam là chính. Những vấn đề này tôi đã đề cập đến trong bài viết kỷ niệm 196 năm ngày sinh của Karl Marx. Chính vì vậy tôi tránh việc làm căng thẳng các vấn đề bên ngoài hay như biển Đông.

Tuy nhiên ngay lúc thời điểm bấy giờ, báo chí liên tục đưa các thông tin về biển Đông cũng như các bình luận của chuyên gia, của các NGOs (*) về Biển Đông cũng như cổ vũ cho biểu tình chống Trung Quốc. Ở một số tờ báo còn đăng các bài viết như thể hiện lòng yêu nước cũng như lớn tiếng dạy dỗ người khác về lòng yêu nước. Lại thêm một số lượng lớn các fan page trên các mạng xã hội hoặc đội ngũ Dư luận viên đông đảo hô hào, chia sẻ thông tin và kêu gọi biểu tình, kêu gọi tảy chay hàng hóa Trung Quốc. Những thức này như kích thích thêm tính tự tôn dân tộc của người Việt Nam lên rất cao. Mỗi người, mỗi ngành nghề lại có những cách chia sẻ thể hiện khác nhau. Thậm chí có một số lều báo còn bám vào những luận điểm như Việt Nam được Mỹ ủng hộ, được quốc tế ủng hộ cần phải kiên quyết. Và chỉ đến khi xảy ra những vụ bạo loạn ở Bình Dương, ở Hà Tĩnh thì lúc này lại thấy các báo chí và các vị trí thức trên mạng quay sang chửi rủa công nhân chúng ta, họ kêu gào là phải bắt các công nhân này, phải bắt những kẻ nổi loạn lại vì họ làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, làm các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không đầu tư vào Việt Nam và làm xấu mặt hình ảnh của Việt Nam. Rồi ngày hôm nay khi mà đã có thông tin đến hàng trăm người bị bắt ở Bình Dương thì các lều báo, các Dư luận viên lại chia sẻ những hình ảnh đó, họ kêu gọi cần có những hình thức trừng phạt đích đáng cho những người bị bắt và họ quy luôn những người đó là những kẻ kích động là những tổ chức phản động giấu mặt đang phá hoại. Một hiện tượng đang diễn ra và khá phổ biến trên các báo mạng và mạng xã hội tại Việt Nam.

Khi xem đến đây tôi bỗng dưng lại nhớ đến một trích đoạn khá nổi tiếng của Karl Marx trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản như sau: “Giai cấp vô sản trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Cuộc đấu tranh của họ chống giai cấp tư sản bắt đầu ngay từ lúc họ mới ra đời. Thoạt đầu, cuộc đấu tranh được tiến hành bởi những công nhân riêng lẻ; kế đến, bởi những công nhân cùng một công xưởng; và sau đó, bởi những công nhân cùng một ngành công nghiệp, cùng một địa phương, chống lại người tư sản trực tiếp bóc lột họ. Họ không phải chỉ đả kích vào quan hệ sản xuất tư sản mà còn đánh ngay vào cả công cụ sản xuất nữa; họ phá huỷ hàng ngoại hoá cạnh tranh với họ, đập phá máy móc, đốt các công xưởng và ra sức giành lại địa vị đã mất của người thợ thủ công thời trung cổ….Còn tầng lớp vô sản lưu manh, cái sản phẩm tiêu cực ấy của sự thối rữa của những tầng lớp bên dưới nhất trong xã hội cũ, thì đây đó, có thể được cách mạng vô sản lôi cuốn vào phong trào, nhưng điều kiện sinh hoạt của họ lại khiến họ sẵn sàng bán mình cho những mưu đồ của phe phản động”.

Có những kẻ trí thức lớn tiếng kêu rằng những người công nhân đó là lưu manh, là cặn bã xã hội cần phải trừng trị đích đáng. Nhưng nếu nhìn lại cái phân tích ở trên của Karl Marx thì sao, họ đúng là sự thối rữa của xã hội cũ, họ là vì chính sách cuộc sống cơ cực của mình mà sẽ bị lôi cuốn vào phong trào vô sản, nhưng lại dễ bị bán mình cho phe phản động vì họ thiếu hiểu biết, vì họ quá thiếu thốn, quá khổ sở rồi. Những ai đọc đến đoạn này của Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản mà không nhìn ra được cái bản chất bên trong, cái phân tích sâu sắc của Karl Marx thì không thể thấy được tính nhân đạo của ông, sự phân tích xã hội đúng đến đáng kinh ngạc của ông. Hơn nữa các hình thức đấu tranh của giai cấp vô sản là thế nào, đó là phá hủy hàng hóa cạnh tranh, là đập phá máy móc, là đốt các công xưởng của chính họ vì theo họ đó là nguồn gốc của bóc lột, không ai chỉ cho họ giác ngộ xem họ cần làm gì, và họ nên làm gì và làm thế nào thì họ sẽ đấu tranh một cách tự phát và hệ quả là như chúng ta đã thấy. Nhưng liệu có ai chịu đứng ra để xem vì sao họ lại thế, họ hành động như thế là nguyên nhân từ đâu. Có lẽ không ai khác là K.Marx và F. Egnels, những người thầy đáng kính của giai cấp vô sản có thể giải thích được điều này.

Thứ nhất: cuộc biểu tình biến thành bạo động của công nhân trước hết nó xuất phát từ những mâu thuẫn đã âm ỉ, đã chất chứa, giữa công nhân và những người chủ tại các doanh nghiệp mà đã chất chứa từ rất lâu rồi. Nó giống như ngọn lựa hồng trong đống tro vậy, âm ỉ cháy và chỉ đợi có cơ hội thì bùng phát lên, vì sao lại như vậy, trước hết nó xuất phát từ chính hoàn cảnh cơ cực của công nhân. Chúng ta hãy đến với một số những phân tích của chính Engels trong cuốn Tình cảnh giai cấp công nhân Anh:

“Ở đây, giai cấp công nhân chiếm chừng 78% tổng số cư dân (gần 300.000 người), họ ở những khu phố còn nghèo nàn và ghê tởm hơn cả những hang ổ tồi tệ nhất ở St. Giles và ở Whitechapel, những vùng ngoại ô ở Dublin và những wynds ở Edinburgh. Những khu như thế có rất nhiều ở trung tâm thành phố – ở phía nam Trongate, phía tây Saltmarket, trong khu Calton, sau phố High, v.v.; đó là những ngõ hẹp và những đường ngoắt ngoéo, chằng chịt với nhau, lắt léo không cùng, ở đó cứ vài bước lại gặp những sân hoặc những ngõ cụt, gồm những ngôi nhà cũ kỹ, sắp đổ, những tầng thấp, bí hơi và không có ống nước. Những nhà ấy đúng là chật ních người. Mỗi tầng có ba hoặc bốn gia đình, có khi đến hai chục người, có khi mỗi tầng lại cho thuê làm nhà ngủ trọ, và trong mỗi phòng nhét đến mười lăm, hai mươi người, không thể nói là ở, mà là chồng chất lên nhau. Các khu phố ấy là chỗ nương thân của những kẻ nghèo khổ nhất, trụy lạc nhất, đạo đức đồi bại nhất trong cư dân, và nên xem là chỗ bắt nguồn của những bệnh dịch sốt truyền nhiễm ghê gớm lan tràn ra khắp cả Glasgow…

…Đây cái giới hạn, mức lương tối thiểu, cũng là tương đối: khi trong gia đình mọi người đều đi làm, thì mỗi người có thể kiếm ít đi một chút, và giai cấp tư sản đã tận dụng tối đa cơ hội này: nhờ lao động máy móc, có thể thuê cả phụ nữ và trẻ con vào làm, để hạ thấp tiền lương. Tất nhiên có những gia đình, trong đó không phải ai cũng làm việc được; một gia đình như vậy, sẽ rất khổ, nếu phải làm việc với mức lương tối thiểu, tính cho một gia đình gồm toàn những người có thể làm việc; vì vậy tiền lương được ấn định ở một mức trung bình, với mức này, nhà nào mà mọi người đều đi làm được sẽ sống tương đối khá, còn nhà nào có những người không làm việc được thì sẽ tương đối khổ. Nhưng gặp trường hợp tệ nhất, thì mỗi người lao động đều sẵn sàng từ bỏ chút tiện nghi và văn hoá mà anh ta đã quen thuộc ấy, miễn sao sống được; thà ở một cái chuồng gia súc còn hơn là màn trời chiếu đất; thà quần áo rách rưới còn hơn là không có tí quần áo nào; thà ăn khoai tây còn hơn là chết đói. Với niềm hy vọng ở ngày mai tốt đẹp hơn, họ đành chịu nhận một nửa tiền lương còn hơn là chết đói ở ngoài phố, như bao nhiêu người đã bị tước mất mẩu bánh mì. Cái chút ít ấy, cái “méo mó có hơn không” ấy, chính là tiền lương tối thiểu. Nếu số người lao động nhiều quá mức giai cấp tư sản cần sử dụng, nếu do đó mà qua cuộc cạnh tranh, vẫn còn một số người không tìm được việc làm, thì số ấy cứ việc chết đói; bởi vì nhà tư sản chắc hẳn sẽ không cho họ việc làm, nếu như hắn không kiếm được lợi nhuận từ việc bán sản phẩm lao động đó….

Trong báo cáo về công xưởng, vẫn có đủ chứng cớ nói lên rằng: cả trong những công xưởng và ở những công nhân làm việc 12-13 giờ mỗi ngày, theo qui định trong đạo luật của ngài J. C. Hobhouse, vẫn luôn xuất hiện những chứng bệnh không nặng lắm: sưng mắt cá; yếu và đau ở chân, hông và cột sống; giãn tĩnh mạch; lở loét ở chân tay; toàn thân suy nhược, đặc biệt là vùng bụng; nôn ọe, chán ăn, có khi lại đói cồn cào, khó tiêu; chứng u uất; các bệnh phổi, do bụi và không khí xấu của công xưởng gây ra, v.v. và v.v. Về mặt này, nên chú ý đặc biệt tới những báo cáo ở Glasgow và Manchester. Những bệnh ấy vẫn còn sau khi có đạo luật năm 1833, và đến nay chúng vẫn tiếp tục phá hoại sức khỏe của giai cấp công nhân. Người ta chỉ quan tâm đến việc khoác một cái áo văn minh giả nhân giả nghĩa, lên lòng tham lợi nhuận thô bỉ của giai cấp tư sản; dùng luật pháp để không cho chủ xưởng gây ra những việc tệ hại quá lộ liễu, giúp họ có thêm lí do để lừa bịp và tự mãn về cái chủ nghĩa nhân đạo giả dối của họ, thế thôi. Nếu ngày nay lại cử một tiểu ban mới để điều tra về công xưởng, thì họ sẽ thấy tình hình phần lớn vẫn như xưa. Còn việc phổ cập giáo dục, mà đạo luật đề ra nhưng không có chuẩn bị trước, thì chưa có tác dụng, vì chính phủ không đồng thời nghĩ cách xây dựng những trường tốt. Các chủ xưởng thuê vài công nhân mất năng lực lao động làm giáo viên, trông coi lũ trẻ hai giờ mỗi ngày, cho rằng thế là đúng theo pháp luật; nhưng bọn trẻ không học được gì. Ngay cả những báo cáo của các thanh tra công xưởng, dù chỉ hạn chế ở mức thi hành phận sự, tức là kiểm tra xem chủ xưởng có tuân theo đạo luật về công xưởng hay không; cũng đưa ra đủ tài liệu để chứng tỏ rằng, những điều tệ hại nói trên vẫn tiếp tục tồn tại, như một tất yếu. Các thanh tra Horner và Saunders, trong những báo cáo tháng Mười và tháng Chạp 1843 của họ, nói rằng: trong các ngành không dùng trẻ em hoặc có thể thay chúng bằng người lớn thất nghiệp, nhiều chủ xưởng vẫn bắt công nhân làm mỗi ngày 14-16 giờ, và hơn nữa. Trong số công nhân của các ngành ấy, có rất nhiều người chỉ vừa mới vượt quá tuổi được pháp luật bảo hộ. Nhiều chủ xưởng khác cố ý phạm luật: họ rút ngắn giờ nghỉ, bắt trẻ em làm việc quá thời gian pháp luật cho phép, sẵn sàng ra tòa chịu phạt, vì tiền phạt chẳng đáng là bao so với món lợi mà họ thu được từ việc phạm luật đó. Nhất là hiện tại, khi đang kinh doanh rất tốt, thì chủ xưởng càng bị cám dỗ mạnh.”

Đọc những đoạn trích trên, liệu bạn nghĩ rằng những gì Engels viết có lẽ là những gì xa xôi chăng, là những thứ xưa cũ chăng, vậy tôi xin bảo bạn sai rồi. Bạn có bao giờ thử vào thăm 1 nhà máy sản xuất điện thoại Sam Sung xem, công nhân lao động từ 12h cho đến 14h một ngày và thông thường họ chỉ được nghỉ 15 phút ca sáng, 15 phút ca chiều và 1 tiếng vào buổi trưa để ăn. Với một thời gian lao động và cường độ lao động như vậy nhưng công nhân Việt Nam chỉ lĩnh khoảng tiền lương từ 3 đến 3,5 triệu VNĐ/tháng. Một con số mà họ phải ăn tiêu vô cùng tiết kiệm mới có thể đủ sống và có chút tiền dành để cho gia đình. Công nhân Việt Nam cũng phải sống trong những khu nhà thiếu thốn, những khu trọ cho thuê mà đời sống sinh hoạt rất thấp.

Tôi có một anh bạn từng làm trong công ty xây dựng của Hàn Quốc nhưng thường phải sống trọ với điều kiện thiếu thốn, trong khi đó lại thường xuyên làm việc từ 7h sáng đến 9h tối kèm theo việc cúp lương, hoặc nợ lương là diễn ra thường xuyên. Không chỉ Sam Sung mà bạn đến bất kỳ một khu công nghiệp nước ngoài nào thì tình cảnh cũng gần giống như thế mà không khác nhau là mấy. Một cuộc điều tra thống kê tại Việt Nam và được đưa lên kênh thông tin tài chính của VTV đã cho thấy số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nhiều nhất ở Việt Nam lại là các doanh nghiệp FDI, số doanh nghiệp trốn thuế nhiều nhất cũng là doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có mức lương trung bình thấp nhất của Việt Nam cũng là FDI.

Nhiều người cho rằng làm trong doanh nghiệp nước ngoài thì lương cao, nhưng đó chỉ là bộ phận văn phòng, còn nếu là làm công nhân thì sẽ không có mức đó, và để tính mức lương trung bình trong từng khu vực thì họ sẽ tính tổng quỹ lương chia cho tổng số người lao động. Qua đó ta có thể thấy rằng thực sự đời sống công nhân Việt Nam đặc biệt làm trong các doanh nghiệp FDI hoàn toàn không hề dễ dàng tý nào, nếu không muốn nói là khổ cực, chưa kể việc tăng ca, tăng giờ làm và nợ lương là thường xuyên. Điều kiện vật chất như vậy nên đã là nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại những mâu thuẫn giữa công nhân và các chủ doanh nghiệp.

Thứ hai: việc nổi loạn của công nhân tại các khu công nghiệp thuộc Bình Dương và Hà Tĩnh cũng xuất phát từ việc báo chí, và mạng xã hội liên tục tuyên truyền chống Trung Quốc. Đây là điều chắc chắn, bất kỳ báo mạng nào của Việt Nam mà không có những bài viết về Trung Quốc và biển đảo, ở đây tôi không bàn đến các vấn đề chính trị mà chỉ nói đến tuyên truyền. Bạn lật thử một trang báo mạng hay các diễn đàn trên mạng xã hội thử xem, đâu đâu cũng có Trung Quốc và 90% các tin này sẽ là: xã hội Trung Quốc vô cảm – hàng hóa Trung Quốc độc hại – thương lái Trung Quốc lừa Việt Nam – Trung Quốc chiếm biển đảo Việt Nam. 90% các tin đưa về Trung Quốc đều chỉ là những thông tin xấu, trong khi đó gần như Việt Nam không nhìn thấy Trung Quốc 1 điểm tốt nào, có chăng cùng lắm là các phát biểu của Trung Quốc trên trường quốc tế. Hệ thống tuyên truyền này nối từ năm này qua năm khác, kéo dài liên tục hàng ngày hàng tháng nó đã làm gì, đã in sâu vào trong tư tưởng người dân Việt Nam rằng Trung Quốc là xấu xa, là mọi rợ, là dân tộc bất lương, đểu giả nhất trên thế giới. Hãy hỏi người Việt Nam xem, cứ nói đến người Trung Quốc là họ sẽ nghĩ ngay đến đó là người bá quyền, là người đểu giả, là lừa đảo, nó in hằn vào tâm trí người Việt Nam. Đã yêu thì yêu cả đường đi, nhưng ghét thì ghét cả tông ti họ hàng vì thế tâm lý bài Trung Quốc đã trở thành truyền thống của Việt Nam.

Nhưng trong khi đó các báo mạng của Việt Nam thì sao, tuyên truyền hộ rằng Mỹ là quốc gia tốt đẹp, là thiên đường của hạ giới, là quốc gia của chính nghĩa trên thế giới, vì thế khi Mỹ ủng hộ Việt Nam thì tức là Việt Nam cứ yên tâm mà chống Trung Quốc, có Mỹ đằng sau. Sự tuyên truyền này cũng kéo dài quanh năm suốt tháng và nó đã kích động lên làn sóng biểu tình, bạo động chống Trung Quốc. Giờ trong tâm lý của người Việt Nam đã được nhồi nhét một tư tưởng đó là bài Trung Quốc và sùng bái Mỹ. Cũng đúng thôi những thông tin như thế thường là rất nhiều người xem, mà nhiều người xem thì đồng nghĩa tăng lợi nhuận cho báo mạng, vì vậy họ càng phải đưa tin, đưa thật nhiều và cũng không cần kiểm chứng nguồn thông tin. Cái họ quan tâm là tiền, là lợi nhuận vì vậy họ phải đưa tin như vậy. Trong khi đó ở Việt Nam cũng có đông đảo một đội ngũ các vị tự nhận là dư luận viên trên mạng và họ tự tuyên truyền cái chủ nghĩa bài Trung Quốc trên mạng, họ có thể là già có, trẻ có, trung niên đều có, họ nêu cao ngọn cờ ủng hộ cái biểu tình chống Trung Quốc, dù họ phản đối các hành động của Việt Tân, của phản động, của nhóm No-U nhưng họ cũng vẫn hành động như vậy. Họ cho rằng đấy là cách khẩu hiểu thể hiện lòng yêu nước của họ, là họ cho đó là yêu nước. Xin thưa là vâng cách vị có cách thể hiện lòng yêu nước của các vị thì người công nhân, nông dân cũng có cách thể hiện lòng yêu nước của họ, đó là bãi công, là đập phá máy móc.

Từ hai nguyên nhân trên thì cái gì đến cuối cùng cũng phải đến, người công nhân ở các khu công nghiệp đã vùng lên, họ biểu tình, họ đập phá nhà máy, họ cướp các tài sản, đừng trách họ vì họ là vô sản, họ không được dạy học đến nơi đến chốn và họ chỉ hành động theo cảm tính và họ nghĩ đó là hành động biểu hiện yêu nước. Họ có phân biệt được Trung Quốc và các nước Đông Á khác đâu, họ chỉ biết họ đang bị bóc lột thậm tệ ở các doanh nghiệp đó. Họ thấy rằng ông chủ ở đó là da vàng tóc đen, là viết chữ toàn hình vuông thì hình tròn thì đều là Trung Quốc hết, họ quy tất cả người Nhật Bản, người Đài Loan, người Hàn Quốc, người Singapore đều là Trung Quốc hết. Họ thấy rằng họ đã bị bóc lột, mà dân tộc đó lại còn đang chiếm biển đảo của họ, vì vậy họ phải vùng lên đấu tranh, họ phải cướp lại những gì thuộc về họ, về người Việt Nam.

Không những thế cái chủ nghĩa dân tộc lên cao đến mức người vô sản phân biệt dân tộc đến mức kỳ thị, họ đánh cả những người vô sản khác đến từ Trung Quốc, những người công nhân cùng khổ như họ nhưng phải tha phương cầu thực vì miếng cơm manh áo. Sự kỳ thị trỗi dậy đến khủng khiếp với một tâm lý dân tộc cực đoan, họ tấn công chính những người cũng ở cùng hoàn cảnh như họ. Và rồi kết quả sau cùng người công nhân được gì: những thành quả lao động bao năm của họ bị mất, việc làm bị mất, tiền lương không được trả và đời sống bấp bênh lại càng bấp bênh hơn, họ đứng trước nguy nghèo đói và thất nghiệp, những lưỡi dao đang kề cổ họ. Họ bị lều báo, bị dư luận viên (**) trì triết bảo rằng họ là loại phá hoại đất nước, là loại cần phải đi tù là loại phá hoại ổn định xã hội và làm xấu mặt hình tượng quốc gia. Vâng vậy tôi đặt câu hỏi là sao các lều báo, các dư luận viên không hướng dẫn họ kỹ trước khi họ biểu tình đi, các vị có học thức cơ mà, có trí tuệ cơ mà sao không giúp đỡ họ hiểu đi, chỉ đến khi họ xảy ra chuyện rồi thì các vị lại quay sang để nói xấu họ, để nhục mạ người công nhân.

Hiện tượng này làm tôi nhớ đến những gì K. Marx từng viết trong cuốn Cách Mạng và phản Cách Mạng ở Đức là vô cùng đúng về cái gọi là tầng lớp trí thức tiểu tư sản này: “Giai cấp tiểu tư sản, vĩ đại về mặt khoe khoang, lại rất không có khả năng hành động và lẩn tránh một cách nhút nhát khi cần phải làm một cái gì nguy hiểm. Tính chất nhỏ nhen của những việc giao dịch buôn bán và những hoạt động tín dụng của nó đã ảnh hưởng sâu sắc tới tính cách riêng của nó khiến cho tính cách này mang dấu ấn của sự thiếu nghị lực và thiếu tinh thần tháo vát, vì vậy phải thấy trước rằng hoạt động chính trị của nó sẽ mang những đặc điểm ấy. Nên trên thực tế, giai cấp tiểu tư sản đã khuyến khích cuộc khởi nghĩa bằng những lời lẽ trống rỗng và những lời huênh hoang về những điều nó quyết định làm; khi hoàn toàn trái với ý muốn của nó, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, thì nó vội đoạt lấy chính quyền; nhưng nó chỉ sử dụng chính quyền đó để thủ tiêu những kết quả của khởi nghĩa. ở bất cứ nơi nào mà một cuộc xung đột vũ trang đã đưa tình hình đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng thì bọn tiểu tư sản đều khiếp sợ tình hình nguy hiểm đối với chúng; khiếp sợ thấy dân chúng coi trọng những lời kêu gọi chiến đấu huênh hoang của chúng, khiếp sợ thấy chính quyền rơi vào chính tay mình; và khiếp sợ nhất trước những hậu quả của chính sách mà chúng buộc phải thi hành, – những hậu quả sẽ đem lại không những cho bản thân chúng, mà còn cho địa vị xã hội và cho tài sản của chúng. Há chẳng phải là người ta đang chờ chúng thực sự hy sinh “tính mạng và tài sản”, như chúng thường quen nói, cho sự nghiệp khởi nghĩa đó sao? Há chẳng phải là chúng đã bị bắt buộc phải giữ những chức vụ chính thức trong cuộc khởi nghĩa, khiến cho chúng sẽ gặp phải mối nguy mất cơ nghiệp khi khởi nghĩa thất bại, đó sao?”.

Tôi xin nói thẳng nếu có chiến tranh xảy ra thì những kẻ trí thức tiểu tư sản đó cũng sẽ lại là những kẻ nằm sấp hô xung phong, còn ai lên đường chiến đấu, là quân đội, là binh lính, là những người mà tầng lớp xuất thân của họ là từ giai cấp vô sản, từ công nhân và nông dân mà ra. Còn khi xảy ra hậu quả thì sao, vâng giai cấp tiểu tư sản lo sợ về những thiệt hại mà giai cấp vô sản gây ra, họ lo lắng rằng nhà đầu tư nước ngoài không đến Việt Nam, họ lo sợ đời sống sẽ bị sụt giảm, hình ảnh đất nước bị xấu đi vì người vô sản nên họ quay sang quy kết tội cho người vô sản và tổ chức phản động. Nhưng nói thật tổ chức phản động nó chỉ làm một cái công việc là đổ thêm giọt nước tràn ly thôi, còn việc làm đầy cái ly là do những lều báo, những dư luận viên đã làm trước đó. Người công nhân và giai cấp vô sản chỉ là hệ quả của cái việc tuyên truyền đó thôi và giờ đây họ đang phải chịu cái gọi là búa rìu dư luận.

Nhưng cuối cùng nghĩ cho kỹ mà xem, cái áo tôi đang mặc do ai làm ra, là do công nhân làm ra, bát cơm tôi ăn là do ai làm ra, là do nông dân làm ra. Dụng cụ tôi dùng đều do công nhân – nông dân hay là do giai cấp vô sản (***) làm ra trong đó có công sức lao động, có máu và nước mắt của chính giai cấp vô sản kết tinh trong những hàng hóa mà tôi dùng hàng ngày, tôi chưa làm gì đóng góp được cho họ, chưa giúp họ cải thiện được đời sống, tôi phải thấy xấu hố vì chính bản thân mình. Nhưng ngày hôm nay nhìn vào hoàn cảnh của giai cấp vô sản Việt Nam, những gì họ đang phải hứng chịu từ nguyên nhân của báo chí, của dư luận viên mà cảm thấy đau xót, những lều báo, những dư luận viên đang làm cái việc là phản cách mạng, làm hại đến chính giai cấp vô sản. Nhìn những người công nhân Việt Nam đau đớn vì mất việc, vì bị bắt bớ, bị tạm giam cùng với những sự kỳ thị, sự trì triết của xã hội dành cho họ mà cảm thấy đau đớn. Nhìn thấy công nhân Việt Nam đánh nhau công nhân Trung Quốc mà tự hỏi Marx đã bảo vô sản ở đâu cũng là anh em, là phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng xã hội tốt đẹp mà tại sao cùng là vô sản lại bị kích động làm hại lẫn nhau. Cùng là những con người nghèo khó của xã hội mà tại sao lại cùng bị như vậy, công nhân Việt Nam bị kỳ thị, công nhân Trung Quốc cũng bị kỳ thị, hai bên cùng bị bóc lột, bị bần cùng hóa vậy thì tại sao lại đánh nhau, công nhân Trung Quốc và công nhân Việt Nam không có tội, họ chỉ là những nạn nhân của cái tuyên truyền của lều báo và dư luận viên. Nghĩ đến đây không khỏi đau xót rớt nước mắt cho chính giai cấp vô sản, vậy đến khi nào giai cấp vô sản mới có thể ngẩng mặt lên được với đất nước, với xã hội. Tôi chẳng có quyền gì, cũng chẳng đại diện cho trí thức tiểu tư sản gì ở đây, nhưng tôi vẫn muốn gửi đến những người công nhân, những con người của giai cấp vô sản lời xin lỗi chân thành vì những hậu quả đã gây ra cho chính giai cấp vô sản.
Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2014
TTCS
(Tác giả gửi trực tiếp cho Doi-Mat.vn)

——
Ghi chú của Doi-Mat.vn
(*) NGOs: Các tổ chức phi chính phủ (Non-governmental Organizations)
(**) Tác giả muốn nói đến một hệ thống “dư luận viên” đi theo phong trào mà thiếu tư duy, hiểu biết.
(**) Theo quan điểm của tôi thì giai cấp vô sản không chỉ bao gồm công nhân, nông dân (theo 1 số quan điểm thì nông dân cũng không được coi là giai cấp vô sản mà phải là “bần cố nông” vì người nông dân có tư liệu sản xuất (đất, trâu bò,…) để tự quyết định cuộc sống mình) mà bao gồm toàn bộ lực lượng sản xuất không có khả năng sở hữu, quyền quyết định với tư liệu sản xuất và phải có mối quan hệ phụ thuộc đối với người sở hữu tư liệu sản xuất (tư bản – tư sản). Theo đó một nhân viên văn phòng thì cũng là 1 người vô sản, một người công nhân “cổ cồn trắng” bởi ngoài việc có môi trường làm việc khác với người công nhân áo xanh thì mối quan hệ của anh ta với TLSX và người sở hữu TLSX cũng chẳng khác gì.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍