Năm 1950.

Giải phóng quân Trung Quốc nam hạ, từ Hoa Trung đánh xuống biên giới, quét mạnh bọn tàn quân Tưởng. Hoàng cho Chí Song, Chí Ân đem quân Mèo, thu thập thêm bọn tàn quân Tưởng, bọn phỉ phục kích ở biên giới đánh lại. Ở các xã, bọn chủ tịch xã như Giàng Sè Páo, Lý Nhè Lùng, Vàng Vạn Ly tập họp dân quân, chờ Giải phóng quân đến thì chặn đánh. Giàng Vạn Sùng đem quân trấn phía Lũng Cú, không cho Giải phóng quân tràn qua.

Nhưng Giải phóng quân tấn công ồ ạt, khí thế mạnh như chẻ tre. Biết không thể lấy trứng chọi đá, Hoàng thay đổi thái độ, cho quân quay lại đánh bọn tàn quân Tưởng, bọn phỉ, đoạt của cải và vũ khí, ra mặt hoan hô chào đón Giải phóng quân. Một vài tên chỉ huy tàn quân Tưởng và phỉ bị Hoàng bắt nộp cho Giải phóng quân, che đậy dã tâm chống đối.

Trong khi đó, lực lượng của ta ngày càng lớn mạnh. Chiến dịch Biên giới thắng lợi, quét Pháp ở Cao Bằng, làm mất một chỗ dựa gần nhất của Hoàng. Nhiều cán bộ được cử lên Đồng Văn hoạt động. Quần chúng dần dần giác ngộ. Hoàng thấy không thể công khai ngăn cản được nên ngoài mặt tỏ ra theo Việt Minh tích cực hơn.

Từ ngày Cắm Sìn chết đi, Dịp Chí Tường đóng vai trò tối quan trọng trong “nội các” của Hoàng.

Tuy mang danh là kỹ sư điện, phụ trách máy nổ của Hoàng, nhưng thực ra đó chỉ là lá chắn bề ngoài. Tường tham gia họp hành, bàn bạc và chỉ huy nhiều lĩnh vực quan trọng. Để hợp lý hoá quyền hạn của Tường, Hoàng phong Tường chức “Quản trị trưởng” Tiểu đoàn Đồng Văn, phụ trách hậu cần. Nhưng Tường cũng chẳng ngó ngàng đến công việc hậu cần hậu kiếc gì. Tường thực sự là quân sư của Hoàng, thay Cắm Sìn. Trương Kỳ Minh thất thế, mờ nhạt bên cạnh một nhân viên tình báo quan trọng.

Cái máy nổ hỏng ư, Tường tháo lắp chữa chạy được ngay. Khẩu súng máy hóc ư, trong khi mọi người còn ngơ ngác, Tường chữa được ngay. Sách tiếng Tàu, tiếng Tây, Tường đọc làu làu. Thuận đặc biệt phục tài Tường khi nói về tình hình các nước Pháp, Nhật, Trung Hoa, Việt Nam, về chiến sự đang diễn ra trên thế giới và trong nước, về đường lối cần có của Đồng Văn. Trong cung chỉ có một người có thể bàn chuyện binh cơ, thời thế tương đắc với Tường là vị nữ quân sư cựu trào: Trần Thị Síu. Síu quý tài Tường, trở thành người thân thiết với Tường.

Vẻ đẹp và tài năng của Tường thu hút ngay cặp mắt xanh của Thuận. Từ đó, mối tình giữa một sĩ quan tình báo từ Đại quốc sang với vợ ông vua Mèo bùng lên mãnh liệt. Biết rõ tính ghen tuông của Hoàng, Tường và Thuận giữ tình cảm kín đáo, Hoàng không hề hay biết.

Cứ mỗi phiên chợ, Thuận mặc quần Âu bó chặt căng, dể lộ đôi chân đeo kiềng vàng có “quả bầu” vàng to bằng ngón tay cái, lủng lẳng, cưỡi ngựa hồng, với tư cách là “Hội trưởng hội phụ nữ huyện”, ra trụ sở họp. Còn Dịp Chí Tường cũng nai nịt gọn gàng, với tư cách “Quản trị trưởng tiểu đoàn Đồng Văn” ra Phó Bảng thăm nom nơi ăn ở, tình hình súng đạn, vũ khí của quân lính.

Thế là hai người tha hồ tình tự mà Hoàng không hề hay biết..

Một hôm, vào hậu cung, Tường thấy Hoàng, mụ Síu, Chí Song, Chí Ân, Mí Chiu đang ngồi quanh bàn.

Như đã bàn bạc với Tường từ trước, Mí Chiu nói:

– Tôi và ông Tường đã trao đổi dự kiến về việc thành lập đảng chính trị để tập hợp lực lượng, có tôn chỉ, có mục đích rõ ràng hơn. Hôm nay xin ông Tường trình bày!

Tường khoan khoái. Thế là bước đường của hắn đã có thêm nấc mới, công việc cơ quan gián điệp trao cho hắn đã có cơ hội thực hiện,

Sau khi trình bày sự cần thiết thành lập đảng trong công việc tập hợp lực lượng, Tường đề nghị:

– Vậy xin Lão quan và các vị cho thành lập đảng. Chúng tôi tạm đặt tên là “Cứu quốc tiễu Cộng đảng” xin các vị cho ý kiến!

– Hoàng cùng những người trong phòng bàn bạc, cuối cùng nhất trí với ý kiến của Tường.

Tường được cử làm bí thư, Sùng Mí Chiu làm phó bí thư. Từ đó, Tường và Chiu ra sức tập hợp lực lượng. Ngoài các tướng lĩnh, các đầu ban, đầu ngành ở các xã, chúng còn tập hợp những tên đặc vụ cũ lẩn lút ở Đồng Văn, những tên lái buôn dọc biên giới, những tên trùm phỉ các vùng lục lâm… Mỗi tên một cuộc sống, quyền hành khác nhau nhưng cùng chung một mục đích: “chống Cộng sản, chống Việt minh”, ngăn chặn dân chúng nổi lên lật chúng.

Tỉnh uỷ Hà Giang họp bàn, quyết định đưa cán bộ lên Đồng Văn vận động, giác ngộ quần chúng theo cách mạng, vùng lên giành quyền sống, tự do và dân chủ. Huyện uỷ Đồng Văn được thành lập đóng ở Yên Minh, hướng lên chỉ đạo các mặt công tác Đồng Văn. Ban kinh tế cử cụ Chắt, phụ trách “hãng kinh tế Bắc Hưng”, lên buôn bán thuốc phiện, vàng với Hoàng. Hoàng cử Sùng Mí Chiu ra mở hàng buôn bán với cụ.

Ty Công an được lệnh cử cán bộ lên Đồng Văn bằng hai đường: một đường bí mật, ẩn dưới danh nghĩa các “giáo viên bình dân học vụ lên dạy học cho các con cái thổ ty” để thu thập tình hình. Các đồng chí Đỗ Hợi, Ngô Trọng Hào, Tạ Văn Ngoạn, Trần Đăng Tạo, nhờ Ty Giáo dục giới thiệu lên Đồng Văn. Hoàng phân các “Thày giáo” về các xã dạy con cái các chức dịch. Một

đường công khai: xin với Hoàng cho lập đồn Công an ở Đồng Văn, giữ gìn trật tự trị an, giúp Hoàng trừng trị bọn lưu manh, trộm cướp. Không thể chối từ, Hoàng nhận lời.

Các chiến sĩ Phạm Minh Đăng, Hoàng Kiềm, Nguyễn Khảm, Hoàng Trọng Kim… được lệnh lên Đồng Văn.

Phạm Minh Đăng có thân hình to lớn, mặt đen, râu quai nón tua tủa. Đăng quê ở Bắc Ninh, là một Vệ quốc quân. Sau một thời gian tiễu phỉ ở Quảng Ninh, anh chuyển sang Công an khu 10.

Giám đốc Công an khu 10 là cụ Bùi Đức Minh, một chiến sĩ già, chu đáo. Để chuẩn bị cho anh em lên Ty Công an Hà Giang công tác, cụ phân anh em xay thóc giã gạo suốt đêm, tuồn gạo vào “ruột tượng” chuẩn bị ăn đường.

Hôm chia tay cụ dặn:

– Hạn 5 ngày các anh phải tới Ty Hà Giang. Nếu 5 ngày chưa thấy tới, xin “mời” các anh về trồng xong hai đồi sắn rồi mới được lên. Gạo muối phát rồi, nghỉ ở đâu chỉ cần mượn cái nồi là có bữa cơm. Bỏ hoặc cho gạo đi, phiền nhiễu nhân dân là kỷ luật!

Về Hà Giang ít lâu, anh em được lệnh lập đồn Công an ở Phó Bảng, phố Đồng Văn và Khâu
Vai.

Đoàn gồm 15 người khăn gói lên đường.

Nghĩ đến cái nơi “u tì quốc” ngày xưa chỉ để đày tù khổ sai, anh em không khỏi lo lắng.

Đoàn người đi bộ lên Đồng Văn. Những đoạn đường ngoằn ngoèo, những dốc cao, hoang vắng. Những câu ca đáng sợ cứ ám ảnh: “Muỗi Bắc Sum, hùm Làng Đán, Đồng Văn bọ chó, gió Thiên Phùng”.

Gần tối, các anh vào quán. Người dẫn đường bảo đó là quán “bà Tẹo” hay “quán quỷ dạ xoa”. Bà chủ quán to béo, mặt đen, dữ tợn như Tôn Nhị Nương trong “Thuỷ hử”. Người ta nói rằng bà đã bốn đời chồng. Ba chồng trước đều bị bà giết, giờ còn một anh chồng thứ tư gày còm, vàng vọt, lúc nào cũng sợ bà như cọp, bà sai như con ở. Tiền nong, vốn liếng bà nắm hết.

Ở vùng hay có cướp bóc, loạn lạc nên nhà nào cũng làm như một cái lô cốt. Tường đóng bằng đất dày. Nhà chia làm nhiều phòng khác nhau. Xung quanh tường có các lỗ như lỗ châu mai, khi bình thường làm cửa sổ, khi có cướp làm nơi bắc súng bắn ra.

Đoàn người vừa ngồi một lúc, từ các ngả đường, nhiều toán người, ngựa lục tục kéo về. Đó là những toán buôn thuốc phiện từ Đồng Văn xuống, buôn muối, dầu hoả từ Hà Giang lên. Mỗi đoàn mang theo cả súng máy. Những bọc hàng đầy ụ trên lưng ngựa, những bầu rượu lủng củng bên hông. Người ta tháo yên cương, “mả páo”, bỏ “lá thí”. Những con ngựa qua một chặng đường mệt nhọc, nằm ngửa ra giơ bốn chân lên trời, lăn lăn lưng trên mặt cỏ, hí vang. Người thì lấy nước, vất vào nắm muối cho ngựa uống. Người thì lấy bắp, lấy cỏ cho ngựa ăn.

Một người hầu dẫn Đăng và anh em vào một căn phòng. Trong phòng, một thùng gỗ lớn trên chất than làm lò sưởi. Một người mang chậu nước cho khách rửa chân. Những tấm phản lớn trên chất đệm cỏ dày. Khách ngả lưng trên nệm cỏ êm ái.

Những mã phu(1) bắt đầu hút thuốc phiện, thuốc bào sòng sọc.

Khách gọi các món ăn. Người ta bưng vào những mâm đầy ụ món ăn ngon lành: thịt bò xào, gà luộc, cá rán. Mỗi mâm ngất ngưởng một bình rượu đặc sánh.

Khách ăn uống nhồm nhoàm, vừa ăn vừa bàn chuyện buôn bán, giá cả, đường sá gian nan. Những mã phu hát những bài sơn ca hoang dã, buồn buồn, kể chuyện đường rừng.
Toán của Đăng không đủ tiền thuê phòng riêng, đặt những bữa ăn sang, đành vào một phòng, giở cơm nắm ra ăn. Ăn xong, anh em bàn bạc, động viên nhau.

Chiều hôm sau đoàn người đang đi thì người dẫn đường nói lớn:

– Đã đến chân dốc “Quắn Tỷ” rồi!

Anh em ngước nhìn lên. Một dốc cao dựng đứng sừng sững. Một con đường nhỏ ngoằn ngoèo bò ngược. Anh em bắt đầu leo dốc. Mới được một đoạn, người nào người nấy mệt nhoài, thở qua tai ồ ồ, mồ hôi toát ra như tắm. Ai cũng lắc đầu: đúng là dốc “quắn tỷ” thật!

Đến một chỗ rẽ, anh em ngồi lại nghỉ. Tưởng là hết dốc, mọi người giở nắm cơm cuối cùng ra. Ăn xong, người dẫn đường mới nói: “Ta đã đi được nửa dốc”. Anh em ngã ngửa ra, lo lắng không biết chiều ăn cơm ở đâu.

Tối ấy, anh em nằm nhờ một nhà dân ở hõm Cắn Tỷ. Người dẫn đường nói:

– Đây là đất của Vàng Chỉn Cáo. Bề ngoài Cáo là chủ tịch xã, bên trong là người của Hoàng. Cáo thường giết cán bộ ta rồi đổ cho phỉ giết. Anh em phải luôn đề phòng, súng ống sẵn sàng, có động dạng gì phải chiến đấu ngay!

Trời tối đã lâu, ngại mượn nồi của nhân dân, anh em nhịn đói. Cái đói càng tăng thêm cái mệt. Lại sợ quân Cáo đánh úp, anh em trằn trọc không sao ngủ được.

Tiếng gà rừng vừa gáy, mọi người nhổm dậy. Trong nhà người chủ đã dậy nhóm lửa, thổi mèn mén, chuẩn bị di làm.

Lúc này, Đăng mới xem xét cảnh vật xung quanh. Anh thấy thương những người dân quá nghèo nàn, khổ cực.

Căn nhà tối. Ánh lửa trong lò hắt lên đủ soi rõ mặt một người đàn bà gầy còm, hốc hác, trên lưng địu một đứa con ốm yếu. Một bà cụ già đang thái rau lợn. Mặt cụ nhăn nheo. Bàn tay xương

xẩu cầm chuôi dao lên xuống mệt mỏi. Hai người đàn bà vừa làm vừa nói chuyện với nhau, tiếng nói líu ríu.

Khói từ trong lò bay mù nhà. Một làn gió thổi, những mạng bồ hóng rơi lả tả.

Ngoài sân, mấy con lợn gầy giơ xương chạy đi chạy lại, kêu hồng hộc đòi ăn. Đàn gà đi đi lại lại tìm kiếm. Mùi phân bò, phân lợn hôi thối bốc lên.

Bữa ăn được dọn ra. Trên một tấm gỗ chỉ vẻn vẹn có bát canh cải nấu với đậu răng ngựa, nhạt thếch, một bát đậu xí chua lòm. Mọi người trộn canh vào mèn mén ăn ngon lành. Những đứa trẻ bụng to, căng như cái trống, xúc những muỗng mèn mén ăn nhộm nhoạm.

Anh em loay hoay mãi mới mượn được chiếc nồi đất, thổi cơm. Những người dân nhìn nồi cơm lạ lùng thèm thuồng.

Sương mù vừa tan hết, đoàn đến Cổng Trời. Một tên lính gác cổng hỏi người dẫn đường:

– Lên Đồng Văn hở, có giấy Lão quan không? Người dẫn đường trả lời:
– Có giấy của Uỷ ban tỉnh!

Tên lính gác xem giấy rồi trả lại:

– Tao không biết tỉnh nào cả. Có dấu vuông của cụ Hoàng mới được lên, đây là dấu tròn không được lên!

Đăng lại phải cho người đi xin phép Vàng Chỉn Cáo. Cáo cũng nói không có dấu vuông không được lên. Đoàn dừng lại ở Cổng Trời, cử một người lên Phó Bảng xin giấy của Hoàng.

Mấy hôm sau, đoàn mới đến được Phó Bảng. Đăng lại lặn lội vào Sà Phìn. May sao, có đoàn ông Trần Cung lên gặp Hoàng. Đăng cùng anh em đi bảo vệ Cung vào Sà Phìn, gặp Hoàng xin lập đồn công an.

Hoàng bề ngoài tỏ ra sốt sắng:

– Được, các ngài lên đây giúp chúng tôi trừ diệt bọn trộm cướp, bảo vệ chính quyền dân chủ, có cần gì các ngài cứ bảo, tôi cho người giúp đỡ.

Nhưng bên trong, Hoàng ra lệnh cho Hoàng Chí Song ở Phó Bảng sai tay chân uy hiếp, dọa nạt anh em. Đêm đêm, những tốp lính Mèo cưỡi ngựa phi quanh nơi ở, bắn loạn xạ. Đạn bay vèo vèo quanh.

Nhà không có ở, anh em nhờ một nhà dân. Ăn càng kham khổ. Mỗi tháng, một người được 240 đồng bạc Tài chính, đổi được 2 đồng bạc già. Ăn một tháng ít ra hết 5 đồng bạc già. Làm thế nào đây?

Biết nỗi khó khăn của Đăng, cụ Chắt bảo anh:

– Cứ đem số tiền của anh em, tôi bán cho thồ muối. Đem thồ muối đó đổi lấy bạc già mà nuôi nhau.

Mọi người làm theo lời cụ. Anh em còn phá đất tăng gia, vừa làm vườn vừa công tác.

Mối lo lắng nhất của anh em là không làm được việc. Hàng ngày, bao chuyện cướp bóc, đánh đập nhưng Công an không can thiệp được. Đụng đến người nào là lính Mèo xông đến đánh tháo, cướp lại.

Một buổi, Đăng bàn với anh em, quyết tâm phải xin trụ sở lập đồn. Làm thế nào bây giờ? Anh em im lặng suy nghĩ. Bỗng Đăng nói:

– Tớ biết mụ Síu rất có quyền hành. Chỉ mụ mới giải quyết được việc này. Tính mụ ưa nịnh, vì thế phải khích mụ. Mụ có nhà mở sòng bạc, giờ bỏ không, ta phải tìm cách moi căn nhà này. Các cậu kẻ sẵn một cái bảng đề “Ty Công an Hà Giang, đồn Công an Phó Bảng”. Khi nào tớ vẫy tay ra lệnh thì treo bảng đó lên!

Mấy hôm sau, chờ Síu ở Sà Phìn ra ngôi nhà riêng ở Phó Bảng, Đăng liền sang gặp mụ.

Mụ Síu đang ngồi trước lò sưởi, đọc quyển “Tam quốc” chữ Hán nhỏ li ti. Một chiếc “điếu can” bịt bạc dựng bên cạnh. Thấy một thanh niên mặt đen bóng, tuổi trẻ mà râu quai nón mọc tua tủa quanh cằm, người lực lưỡng, mụ Síu đặt sách xuống sập, chắp tay trước ngực cung kính:

– Xin chào đại nhân!

Đăng cũng lễ phép:

– Không dám, xin chào cụ!

Mụ Síu mấp máy đôi môi mỏng dính bôi son đỏ loét:

– Đại nhân lên đây đã lâu chưa?

– Dạ, tôi mới lên đây được mươi hôm. Cụ đi vắng. Hôm nay mới gặp, chúng tôi vào đây thăm sức khỏe cụ.

Mụ Síu gật gù tỏ vẻ hài lòng, cao giọng:

– Trên này có nhiều tên ghê gớm lắm, đầu trộm đuôi cướp, lưu manh côn đồ. Lại còn có kẻ hống hách, bạo ngược (Mụ muốn ám chỉ Song, Ân, lâu nay mẹ con mụ ghét, muốn trị). Đại nhân lên đây, theo lệnh Chính phủ trừng trị chúng cho dân, chúng tôi được nhờ!

– Dạ, có việc gì, nhờ cụ giúp đỡ thì chúng tôi mới làm tròn trách nhiệm được ạ!

– Đại nhân dạy quá lời!

Chuyện trò thêm một lúc, tâng bốc mụ Síu lên mây xanh, Đăng mới nói:

– Có một việc quan trọng, chỉ có cụ giúp mới được, muốn nhờ cụ!

Mụ Síu thấy nở ruột nở gan, cười dễ dãi:

– Có chuyện gì đại nhân cứ dạy.

– Dạ, chúng tôi lên đây, không tìm đâu ra nhà để lập đồn. Cụ Hoàng hứa cho nhưng chưa có. Cụ có nhà mở sòng bạc, lâu nay không dùng, vậy mong cụ làm phúc cũng như làm giàu, cho chúng tôi mượn. Chỉ ít lâu, cụ Hoàng cho nhà, chúng tôi sẽ trả lại cụ!

Nghe nói, mụ Síu nghĩ, nhà bỏ không, bò ngựa cứ đến ỉa, giờ cho mượn, vừa sạch nhà, vừa được tiếng. Sau này mình còn dựa vào đám này, buôn bán, chộ nạt bọn khác, với lại thế nào chả có tiền thuê! Mụ thong thả:

– Kể ra, nhà cần dùng nhiều việc, nhưng đại nhân cần thì chúng tôi xin để đại nhân dùng tạm. Khi nào có nhà, đại nhân trả cho tôi!

Đăng vui vẻ:

– Xin đa tạ cụ!

– Có gì mà phải đa tạ. Tôi một lòng một dạ theo Chính phủ. Giúp đại nhân tức là giúp Chính phủ. Ông Mai Trung Lâm lên đây, có gì tôi cũng giúp. Nhà ấy, kể cho thuê, cũng khối tiền. Tôi chả lấy tiền nong của Chính phủ làm gì. Thỉnh thoảng, thiếu ăn chỉ xin đại nhân giúp cho ít muối. Mụ cười nửa đùa nửa thật.

Đăng vội ra hiệu. Chiếc bảng được dựng ngay lên.

Một tuần sau, mụ Síu cho người đến xin muối. Đồn không có, mụ giở mặt đòi tiền thuê. Đồn không có tiền trả, mụ đòi nhà. Anh em hứa, khi nào ông chủ tịch huyện Hoàng cho nhà thì anh em trả mụ. Mụ tức, không làm gì được, cứ sai người đem bò, ngựa, đến cột xung quanh, ỉa đái lung tung. Sáng nào, anh em cũng phải hót phân bò, phân ngựa quanh nhà.

Dịp Chí Tường lập kế, xúi Hoàng và bọn tay chân ở các địa phương tìm mọi cách ngăn cản công việc của các chiến sĩ công an.

Một lần, Đăng cùng anh em được lệnh đi bắt tên người Mèo vừa giết một người Tày ở Mậu Duệ. Đang giải tên kia đi trên đường, Đăng thấy ở phía trước, lính Hoàng lố nhố kéo đến định giết anh em, anh đành thả tên cướp đi. Khi quân Hoàng đến, không thấy người bị trói, chúng mới hạ súng để anh em đi qua.

Ở Phó Bảng được ít lâu, các chiến sĩ chia thành ba nhóm: một nhóm đóng lại ở Phó Bảng, một đóng ở phố Đồng Văn, còn một đóng ở Khâu Vai.

Khảm chia tay Đăng, dẫn năm chiến sĩ về phố Đồng Văn.

Vừa mới đến phố, Khảm giật mình thấy một người Mèo to lớn, ngồi trên mình ngựa, tay xách một cái đầu lâu có cái lưỡi lè ra, máu thâm tím, tóc rũ rượi. Mấy người dân nhìn theo lắc đầu:

– Lại một người bị giết!

Khảm hỏi một người Kinh ở phố:

– Người ấy vì sao bị giết?

Người dân nhìn quanh, không thấy ai, mới dám nói:

– Tên Hoàng ra lệnh cho các địa phương, nếu gặp những kẻ khả nghi, cả những cán bộ như anh, thì giết, lên cụ lĩnh thưởng. Mỗi đầu là một yến muối đó!

Khảm lập đồn công an ở phố. Bên cạnh đồn có đội quân Mèo do Sùng Dỉ Sèng chỉ huy. Sèng luôn cho lính khiêu khích công an.

Một hôm, Sèng uống rượu say, mặt mũi đỏ gay, dẫn quân ra chợ. Giữa lúc đó, Khảm và anh em đang chặt cây óc chó vì thấy cây đã bị khô, sợ đổ xuống nhân dân trong những phiên chợ. Sèng đi đến, quát:

– Sao mày dám chặt cây? Cái gì ở đây cũng là của cụ Hoàng cả!

– Cây sắp đổ, tôi chặt để bảo vệ nhân dân!

– Láo!

Vừa nói, Sèng vừa rút roi da quật tới tấp vào mặt Khảm. Bọn lính xung quanh xông vào đánh anh em. Trong túi Khảm có khẩu súng quay “Sanh-ê-chiêng”. Đã ba lần anh cho tay vào túi, móc súng, toan nổ vào mặt tên hung hãn. Nhưng chợt nhớ đến lời dặn của đồng chí Trưởng ty trước khi đi: “Lên đó, đồng chí phải hết sức chịu đựng. Có chết chóc, hy sinh, một mình chịu thôi”, anh lại rời tay khỏi súng. Anh biết rằng, nếu bắn Sèng, vin vào cớ đó, Hoàng sẽ đuổi tất cả cán bộ ở Đồng Văn, bắt và giết hết cơ sở của ta.

Được thể, Sèng đánh anh túi bụi. Mình mảy bị vết roi rươm rướm máu. Quần áo rách tả tơi.

Một lúc sau, bà con trong phố biết chuyện, chạy đến đưa Khảm về đồn, lấy mật gấu, rượu xoa bóp cho anh. Hôm sau bà con cùng anh em trong đồn khiêng Khảm về Yên Minh chạy chữa.

Trong khi đó, ở Khâu Vai, Hoàng Trọng Kim cũng gặp bao trở ngại. Nhiều lúc ức lắm, nhưng Kim đã phần nào quen thuộc với đời sống miền núi nên nén được.

Kim là người Tày, quê ở Bắc Quang. Gia đình nghèo, bố anh muốn con có đời sống nhàn nhã, có miếng ăn, cho con đi học làm thày cúng. Ông tính toán kỹ lưỡng, chẳng nghề gì béo bở bằng cái nghề thày cúng. Chỉ dăm ba chữ, vài câu thần chú, vài mánh khóe lừa bịp, là có thể kiếm miếng ăn sang. Lại còn được bao người mang ơn mang huệ suốt đời, kính nể, cầu cạnh.

Mới đầu Kim cũng thích nghề này lắm. Nhưng đến năm 16 tuổi, gặp một số cán bộ từ xuôi lên, nói chuyện về Tổ quốc, cách mạng. Tuy chưa hiểu sâu sắc nhưng thấy cách mạng là tốt, anh đi theo làm liên lạc. Thời gian sau, anh hiểu thế nào là cách mạng, là Việt Minh, được xung vào đội “Cảnh vệ xung phong” rồi chuyển sang làm công an.

Nhận nhiệm vụ lên Đồng Văn lập đồn công an, anh biết rằng rất nguy hiểm, gian khổ. Chẳng thế mà những người công tác ở Đồng Văn, được coi như hoạt động vùng địch hậu.

Đồn công an Khâu Vai ở cạnh trại lính Mèo do Tráng Cố Phủ chỉ huy. Phủ theo lệnh Hoàng tìm mọi cách dung dọa và ngăn trở hoạt động của đồn.

Một lần, bọn lính ra cướp hàng ở chợ. Kim và chiến sĩ Hòa cùng một số người dân chống lại, Tráng Cố Phủ cho lính bắt Hòa vào giam ở trại lính, đánh đập tàn tệ. Kim phải đấu tranh mãi chúng mới thả.

Lần khác, công an bắt hai tên tướng cướp Sùng Nảo Sình và Mô Mí Nô. Chúng vừa cướp của dân. Ta giam ở đồn công an. Buổi tối, Phủ đến đồn, rút khẩu pọoc cầm lăm lăm trong tay, hỏi:

– Mày là trưởng đồn?

– Tôi là trưởng đồn ở đây!

Phủ hất hàm:

– Thằng oắt con mà cũng trưởng đồn. Sao mày dám bắt người Mèo ta?

– Nó ăn cướp, tôi phải bắt!

– Mày là gì, mà dám bắt?

– Chúng tôi là lính Cụ Hồ!

– Lính Cụ Hồ thì về xuôi mà bắt người, đây là đất của cụ Hoàng! Không thả ngay, ông giết!

– Cụ Hoàng là đại biểu Quốc hội, là chủ tịch huyện, theo Chính phủ Cụ Hồ. Các anh là lính cụ Hoàng, các anh phải theo Chính phủ Cụ Hồ.

Phủ chửi om xòm. Biết trước thế nào Phủ cũng sang đòi hai tên này, buổi trưa Kim đã cho người về Sà Phìn, xin chữ ký của Hoàng. Lúc này người đi xin chữ ký đã về, Kim đưa cho Phủ xem và nói:

– Đây, cụ Hoàng đã đồng ý bắt hai tên cướp giải về cho cụ!

Phủ không dám chống lệnh Hoàng, đành rút lui.

*

Nửa đêm, Đăng đang nằm, một tên lính Hoàng vào báo:

– Phỉ Tàu định tấn công Phó Bảng, các ông rút khỏi đồn, ra rừng ngay!

Đăng và anh em họp bàn. Phỉ tấn công thật, hay là chúng định khử anh em đây? Phải đề phòng. Có khả năng chúng nhử ta ra ngoài để diệt.

Đăng vào trong ngôi “nhà trắng”. Song, Ân, Dịp Chí Tường đang bàn bạc. Song nói với Đăng:
– Các anh phải rút ngay, không thì rất nguy hiểm. Chúng tôi sẽ cho quân rút khỏi nơi đây, nhử cho phỉ vào để chúng tôi bao vây, tấn công. Các anh ở lại, chúng tôi bắn phải thì làm thế nào?

Biết chắc chắn là chúng định diệt mình, Đăng nói:

– Các anh để chúng tôi ở đây. Khi các anh tấn công vào, chúng tôi ở trong đánh ra. Chúng tôi không sợ!

Nói rồi, Đăng cho anh em vào cả ngôi “nhà trắng”. Ngẫm nghĩ một lúc, Song rút ra một mảnh giấy đưa cho Đăng:

– Anh viết báo cáo tình hình gửi Ủy ban đi!

Đăng nhìn vào góc nhà. Dịp Chí Tường, Sùng Dỉ Sèng cùng một số tên cầm súng lăm lăm.
Chờ cho Đăng cặm cụi viết, chúng sẽ bắn anh. Biết thế, Đăng trả lời:

– Đây là việc quân sự của anh, anh viết đi, tôi không viết!

Song luống cuống nghĩ ra cách khác. Hắn sẽ ra khỏi nhà, để cho bọn Tường tìm cách hạ thủ Đăng. Song nói với Đăng:

– Anh ở lại đây, tôi đi báo cáo Ủy ban.

Ngay lúc đó, anh em công an kéo sang đưa Đăng về đồn. Đăng chia người canh gác, sẵn sàng chiến đấu đến cùng nếu quân Song tấn công.

Đêm ấy và ngày hôm sau, không thấy phỉ tấn công. Một cơ quan sở cho biết, đêm đó, quân Hoàng phục các ngả đường, chỉ chờ anh em công an ra là tiêu diệt rồi đổ cho phỉ giết.

Anh em càng thấy bàn tay thao túng của Dịp Chí Tường. Phải tìm cách bắt Tường mới có thể hoạt động được.

*

Một hôm, Đăng sang thăm mụ Síu. Sau những câu hỏi han xã giao, Đăng ca thán:

– Dạo này ông Dịp Chí Tường có nhiều quyền quá. Điều gì ông nói, cụ Hoàng cũng nhất nhất nghe theo. Cứ đà này thì rồi chẳng mấy lúc, chẳng còn ai dám đụng đến ông ấy. Công an chúng tôi đã đành, nhưng còn cụ và bà Thuận nữa…

Mụ Síu nghe lời Đăng nói, lộn ruột với Tường lắm rồi, gật gù tán thành. Đăng nói tiếp:

– Chúng tôi cũng thấy lo cho cụ Hoàng, muốn tìm cách trừ hậu họa cho cụ, nhưng không biết làm gì. Cụ luôn luôn ở bên cụ Hoàng, cụ khuyên một tiếng thì dân Đồng Văn được nhờ.

– Tôi cũng nghĩ như ông, nhưng còn phải tính.

Mấy hôm sau Síu gặp Thuận bàn bạc nhưng Thuận đang say mê Tường, không nghe lời mẹ.

Một hôm, sau buổi tụng kinh niệm Phật, mụ Síu đang sắp tràng hạt bỏ vào chiếc tráp khảm trai thì Hội vào báo là Hoàng cần gặp gấp.

Síu cởi áo chùng, cất quyển kinh, đủng đỉnh vào cung.

Hoàng vừa dứt bữa thuốc, đang đăm đăm suy nghĩ, thấy mẹ vợ vào, vội hỏi:

– Có ông Dương Kim Đao, đại diện Ủy ban tỉnh lên gặp tôi, xin bắt Dịp Chí Tường. Thật nan giải, bà nghĩ thế nào?

Mụ Síu trầm tĩnh:

– Bây giờ Chính phủ Việt Minh mạnh lắm. Vùng biên giới đã được thông. Giải phóng quân Trung Quốc bao bọc ta. Chỉ cần một lời đề nghị của Việt Minh là chúng tràn vào làm cỏ ta. Cán bộ Việt Minh cũng tràn lên đây. Nhiều tên người Thổ, người Mán, cả người Mèo nghèo khổ cũng nghe lời bọn cán bộ. Bọn người Hoa thì sẵn sàng nghe theo Giải phóng quân. Ta không thể ra mặt chống cự lại chúng, phải lựa chiều gió mà che.

Mụ uống một hớp nước đào pha đường rồi tiếp:

– Thằng Tường làm ăn lộ liễu quá. Bọn Việt Minh biết tỏng nó là gián điệp rồi. Đây là lệnh của Chính phủ Việt Minh, ta không nên chống lại, vì thằng Tàu này mà mang họa vào thân.

Hoàng băn khoăn:

– Thằng Song vừa được Việt Minh gọi đi học lục quân. Tôi không muốn cho nó đi, nhưng nó nói nên đi. Học được bài bản quân sự của Cộng sản để chống lại Cộng sản càng hay. Tôi muốn đợi hỏi ý nó không biết thế nào?

Mụ Síu xua xua chiếc điếu can:

– Không cần hỏi thằng Song! Đợi đến bao giờ nó mới về? Mà có về, nó cũng không giao. Lần chần càng hại cho ta! Với lại, xem ra thằng Tường cứ định gạ gẫm con Thuận! Phải tống nó đi!

Nghe lời vị cựu quân sư, máu ghen trong người nổi lên, Hoàng nhận lời giao Tường cho Việt Minh. Kế hoạch bắt Tường được sắp sẵn.

Trong khi đó, các chiến sĩ Công an khẩn trương chuẩn bị bắt Tường.

Đã ba hôm, anh em công an tập trung về Phó Bảng bí mật nằm trên căn gác ở đồn, không ló ra đường, chờ lệnh. Hôm thứ nhất, anh em được lệnh khoảng 5 giờ sáng thì hành động, nhưng Hoàng chưa nghe nên lại hoãn. Hôm thứ hai không tin gì.

Mãi hôm thứ ba mới được lệnh đón Tường.

Ngay sau đó, một tên lính từ Sà Phìn phóng ngựa ra Phó Bảng đưa cho Tường một bức thư của Hoàng. Trong thư nói, Hoàng ốm nặng, cần gặp Tường ngay.

Dịp Chí Tường vội vã phóng ngựa vào Sà Phìn.

Hắn xuống ngựa, vội vã vào cung. Vừa qua cổng, Sùng Vạn Lù cùng quân cấm vệ đã mai phục sẵn trong dinh ập ra bắt. Tường ngơ ngác không hiểu, hỏi Lù:

– Sao ông bắt tôi?

– Lệnh Lão quan cho bắt mày!

Tường chợt hiểu, nghiến răng chửi kẻ lật lọng.

Tường bị Lù dẫn giải về nộp cho Đăng. Trước khi Lù đi, mụ Síu dặn nhỏ:

– Bọn thằng Chiu, Quả, Văn mà biết, thế nào cũng cho quân đuổi theo đánh tháo cho Tường, phải đi đường tắt, nghe chưa?

Lù nghe lời mụ, dẫn Tường đi theo đường tắt. Đúng như dự tính của mụ. Lù vừa dẫn Tường đi khỏi Sà Phìn một lúc thì Mã Học Văn, Sùng Mí Chiu, Hầu Vạn Quả phóng ngựa về Sà Phìn, đi thẳng vào cung, rập đầu hỏi Hoàng:

– Sao Lão quan lại giao Tường cho Việt Minh?

Mụ Síu ngồi bên cạnh, đập tay xuống sập quát:

– Ta giao đấy, ta giao đấy! Bọn các người không hiểu thời thế, định cho Giải phóng quân và Việt Minh làm cỏ mảnh đất Đồng Văn này sao?

Hoàng ậm ờ, bứt đầu nhăn nhó.

Bọn Văn rút ra ngoài, bàn cách đánh tháo cho Tường. Chúng lấy thêm quân, phi ngựa theo đường chính, đuổi theo. Đồng thời lệnh cho bọn lính gác Phố Cáo, Cổng Trời giữ Tường lại.

Lù dẫn Tường đi tắt, thoát khỏi sự bao vây của Văn. Phạm Minh Đăng cùng các chiến sĩ công an đón Tường dẫn đi tiếp.

Sáng hôm sau, trông thấy Đăng, Tường cười gằn:

– Tôi không bao giờ nghĩ sẽ gặp ông như thế này!

Đăng cũng cười:

– Ta gặp nhau như thế này là điều tất nhiên thôi!

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn