Cho quân đuổi theo Sùng Vạn Lù để cứu Dịp Chí Tường không kịp, Mã Học Văn bực bội trở về nhà.

Giữa lúc đó, Mã Chính Lâm cũng về thăm. Hai cha con ngồi vào mâm rượu. Đặt chén xuống mâm, Văn nói với con:

– Bây giờ con đã trưởng thành. Con có nghe người ta nói, ở Đồng Văn này, hiện nay có bốn trang vương tôn anh hùng chỉ huy quân đội Đồng Văn, là con anh con và Song, Ân? Vậy con phải xứng đáng là người họ Mã ta, là người Mèo ta, phải như con hổ, con báo, không như con hươu, con nai.

– Dạ!

– Có chuyện cha muốn nói với con từ lâu!

– Thưa cha, chuyện gì cha cứ dạy!

Văn đặt chén, giọng lắng hẳn xuống:

– Ngày xưa cha và ông Sính Và cùng bị Tây bắt giam trong một nhà tù. Cha bị tù vì chỉ nghe theo lệnh của cụ Đạo, không nghe theo châu đoàn Nguyễn của Tây, đã từng chỉ huy quân Mèo chống lại châu đoàn. Ông Và tù vì bị Nghĩa tố cáo tội giết con. Ở trong tù, nghe nói cha có hai con trai, ông có con gái út là Vàng Thị Mai, em Chí Ân, cha và ông hứa với nhau sẽ làm thông gia.

Anh Minh con thì đã có vợ, còn con. Con Mai cũng đủ “công, dung, ngôn, hạnh”, cha muốn con và con Mai thành gia thất. Con thấy thế nào?

Còn trẻ, đang say mê trận mạc, chưa muốn lấy vợ, nhưng ý cha đã thế, Lâm không muốn cưỡng lại. Từ trước đến nay, Lâm nhất nhất nghe theo lời cha.

Mã Học Văn sung sướng mỉm cười. Nhưng ngay sau đó, Văn lo âu, nói tiếp:

– Còn chuyện nữa, cha cũng muốn nói với con. Cha được nghe những cán bộ lên đây, ông Mai Trung Lâm, ông Thanh Phong nói về Chính phủ Việt Minh. Cứ như lời họ nói thì Chính phủ Việt Minh tốt với dân nghèo, nhưng không tốt với những người giàu có, quyền thế. Con biết đấy, cụ Hoàng chẳng ưa gì Chính phủ Việt Minh. Vì thời thế, bề ngoài cụ phải tỏ ra theo mà thôi, nhưng bên trong, việc cụ, cụ cứ làm. Cụ phải chống lại đến cùng, không thì mất hết quyền thế, tiền bạc. Con là tướng của cụ con phải theo cụ. Đừng có nghe bọn cán bộ lên dỗ ngon dỗ ngọt. Theo họ rồi mất đầu con ạ! Trước sau, như cha, con phải tận trung, không được phản lại họ Hoàng!

– Dạ!

Văn mỉm cười nhưng vẫn không trút được nỗi lo âu.

Đúng như nỗi lo lắng của Văn, lâu nay Lâm có nhiều suy nghĩ khác thường. Vừa qua, nhiều cán bộ lên Đồng Văn hoạt động, Lâm gặp gỡ, trò chuyện. Trong số đó có ông Nguyễn Mạnh Giao. Tiếp xúc với ông, Lâm thấy ông hiểu rộng, biết nhiều, tính điềm đạm. Vốn ham hiểu biết, Lâm gần gụi và quý mến ông. Những buổi tâm sự, trò chuyện thân mật giữa hai người kéo dài đến khuya. Ông thích cùng Lâm đi săn trong rừng vắng. Trong những buổi đi săn, hai người càng thân mật và cởi mở.

Chuyện trò với ông, Lâm hiểu rằng chính phủ Việt Minh, không như Hoàng nói, là muốn đưa người Kinh lên tiêu diệt hết người Mèo chiếm lấy Đồng Văn, mà Chính phủ đó thương yêu người Mèo.

Một hôm, ngồi trên núi, nhìn xuống những người dân rách rưới đang trồng bắp dưới nương, ông Giao hỏi Lâm:

– Anh thấy đời sống người Mèo ta thế nào? Đã no chưa? Biết chữ chưa?

Lâm thở dài:

– Có người còn chết đói dọc đường, dân Mèo còn đói lắm. Có mấy ai biết chữ đâu, trừ con cái những người giàu có.

– Thế thì, làm sao cho dân khỏi đói, khỏi dốt?

Lâm không biết trả lời thế nào.

– Cụ Hoàng có làm cho dân Mèo no ấm, biết chữ không?

Lâm im lặng. Nói là cụ Hoàng làm cho dân no ấm thì không đúng, cụ Hoàng chỉ vơ vét làm giàu chứ bao giờ nghĩ đến đân.

Ông Giao suy nghĩ một hồi, chưa giải thích cho Lâm vội, lại hỏi:

– Anh có biết chuyện cụ Hoàng liên hệ với Pháp không?

Lâm lắc đầu.

– Thế anh có biết Cắm Sìn là người của ai không?

– Không.

– Tại sao dưới xuôi lên, nó không qua thị xã Hà Giang mà lại qua đường Bảo Lạc? Tại sao không do Chính phủ giới thiệu mà đi lén lút như tên buôn lậu thế?

– À, ông nói thế thì tôi hiểu.

– Tôi tin anh, nói cho anh hiểu điều này, Cắm Sìn là người của Pháp cử lên đây đấy. Pháp cử Cắm Sìn lên nắm ông Hoàng và các anh, nắm người Mèo. Tôi thấy người dân Mèo tốt, nhưng người cầm đầu chưa tốt…

Từ đó, Lâm luôn luôn suy nghĩ về những điều ông Giao nói. Gặp những cán bộ Việt Minh trong các đoàn bình dân học vụ, thương mại, Lâm gần gũi hỏi han. Lâm hiểu dần cách mạng và Việt Minh, thấy dần sự thật về Hoàng. Anh thấy cần phải ủng hộ Việt Minh, ủng hộ những người theo Việt Minh, bảo vệ người dân Mèo, chống lại sự xâm nhập của Pháp và bọn tay sai của Pháp.

Biết con lâu nay chểnh mảng việc quân cơ của Hoàng, hay trầm tư suy nghĩ, gần gũi cán bộ Việt Minh, Văn lo lắng. Từ lo lắng Văn sinh ra buồn bã, mất dần những hy vọng vào con cái, vào sự nghiệp của dòng họ Mã mình. Chà, thời thế nó chuyển vần đến lạ. Có lẽ thời kỳ hoàng kim, thịnh vượng nhất của Đồng Văn, của họ Hoàng, họ Mã đã đến lúc hết rồi sao?

*

Mã Học Văn còn dặn dò con nhiều điều. Mãi đến khuya tiệc rượu mới tàn. Sáng hôm sau, Văn cùng con lên đường về Sà Phìn.

Người ra dắt ngựa cho Văn vào tàu không phải là Vù Mí Kẻ, mã phu của Hoàng, mà là một tên lính lạ. Vào cổng, Văn hỏi Thào Sè Na:

– Vù Mì Kẻ đi đâu rồi?

Thào Sè Na thở dài, giọng khàn như hết hơi thuốc phiện:

– Nó xin thôi làm mã phu, đi theo Việt Minh rồi! Cứ đà này, rồi cụ Hoàng hết người mất thôi!

Nghe tin Kẻ bỏ đi, Văn thất vọng, nhưng Lâm mừng mừng. Lâm nghĩ, thế ra chẳng phải chỉ một mình ta xa lánh cụ Hoàng, theo Việt Minh mà còn nhiều người khác. Ngay cả những người trong dinh Sà Phìn này.

Thấy Lâm suy nghĩ, Văn nói, cố phá vỡ những chuyện đang ám ảnh con:

– Thằng Kẻ, nó con nhà khố rách áo ôm, kẻ tôi đòi, nó làm thế, còn chúng ta là dòng dõi danh giá, bầy tôi của cụ Hoàng, ta khác, con ạ!

Bước chân vào đến tiền dinh, Văn bỗng thấy không khí rộn rập lạ. Những người đầu bếp tất bật chạy lên chạy xuống. Những cô gái chuẩn bị váy áo mới. Trong cung, từ sân đến nhà đều quét sạch sẽ. Những tấm gấm thêu chăng quanh tường. Xung quanh dinh treo đèn, kết hoa.

Văn quay sang hỏi Na:

– Có việc gì mà vui thế?

Thào Sè Na cười vui vẻ:

– Lão quan chuẩn bị đám cưới bà năm ạ!

Văn nhíu đôi lông mày rậm xếch:

– Lão quan cưới ai?

– Dạ thưa tướng quân, cưới cô Hội!

– À!

Văn lắc đầu, ngạc nhiên. Chuyện này Văn không biết từ trước. Đối với Văn, việc Hoàng lấy Hội cũng lạ như chuyện lấy Mỹ Thuận. Không hiểu tại sao, những cảnh cưới vợ không bình thường của Hoàng cứ lặp đi lặp lại… Nguyễn Thị Hội đang trang điểm. Hội sinh ra ở một làng thuộc tình Hà Đông xa xôi. Bố mẹ Hội nhà nghèo, quanh năm cày thuê, cuốc mướn mà không đủ ăn, không có mảnh đất cắm dùi. Hội rất đau xót khi nghĩ đến cái chết thảm thiết của cha mẹ, năm Ất Dậu. Hôm ấy, bố, mẹ, anh trai, em và Hội bồng bế nhau ra ngã ba làng ngồi chìa tay ăn xin. Khốn nỗi, những người đi qua cũng đang đói lả, chẳng ai cho anh em Hội được thứ gì. Đến tối, Hội đói lắm rồi. Đêm ấy, Hội ôm em co quắp ngủ. Sáng dậy Hội vừa dịu mắt nhìn thì chao ôi, bố mẹ chết cong queo bên đường. Thằng Hải vẫn còn nhay nhay vú mẹ. Hội òa lên khóc. Mấy người đi qua ném xác bố mẹ Hội lên chiếc xe bò kéo đi. Sau đó anh em Hội chia lìa mỗi người một ngả. Anh Đàm đi ở cho một bà cô họ xa. Em Hải được một người đón đi làm con nuôi, còn Hội được một người đàn bà dẫn về nhà, nuôi một thời gian rồi bán cho ông Chánh Tiên làm con ở.

Hội chăn trâu cắt cỏ cho ông Chánh được mấy tháng thì bà Be, người ở làng, ra Hà Nội buôn bán, về làng. Thấy Hội thùy mị, dễ thương, bà Be mà cả với ông Chánh Tiên. Hai bên cò kè mãi, cuối cùng ông Chánh nhận bán Hội cho bà. Bà đưa Hội ra Hà Nội, nuôi một thời gian cho khoẻ

mạnh, béo tốt. Hội cứ tưởng rằng bà Be thương người, quý Hội, cho ăn ngon, mặc đẹp. Nhưng không, sau khi thấy Hội béo tốt, sáng sủa, bà Be đưa Hội lên Đồng Văn bán cho mụ Síu.

Từ trước đến nay, ngoài nghề buôn bán hàng hóa, cà phê, thuốc phiện, mụ Síu còn buôn cả người. Mụ đã từng nuôi nhiều cô gái để hầu hạ mình rồi bán cho bọn thương gia và những người giàu có. Biết Hội là món hàng tốt, Síu nhận ngay làm con nuôi rồi đưa vào Sà Phìn làm người hầu cho Hoàng.

Từ đó đến nay thấm thoát đã 6 năm trường. Qua những bỡ ngỡ ban đầu, Hội dần dần quen với cuộc sống của kẻ tôi đòi. Khi thì bị Hoàng hành hạ, khi thì bị mẹ nuôi đánh đập. Một lần, mụ Síu sai Hội đun trứng cáy, món ăn mang từ vùng biển lên. Hội nhãng ý để cháy già một chút. Bà mẹ nuôi cầm ngay chiếc điếu can đánh túi bụi làm Hội Thâm tím mặt mũi. Hội cứ phải cắm răng chịu đựng.

Ngày ngày, Hội chỉ còn biết chuyện trò với những người hầu khác như Khánh, người cùng quê với Hội cũng bị bán lên đây; cô Lầm, người Hoa, cô Tý, cô Ngần, cô Thịnh…

Khi biết rằng Thuận không sinh đẻ được nữa, lại không còn đứa con trai nào để nối dõi tông đường, Hoàng ngỏ ý muốn lấy vợ tư. Thuận cũng muốn có người chăm sóc chồng để có thời gian đi lại với Dịp Chí Tường và những nhân tình khác nên để Hoàng cưới cô Ngần. Thuận nghĩ rằng Ngần là người ở nên dễ bảo. Nhưng khi Ngần có mang, sợ Ngần đẻ con trai, thu hút hết của cải, mẹ con Thuận bàn nhau tìm cách ám hại Ngần.

Một hôm, Síu sai Hội bưng vào cho Ngần một cốc cà phê. Mụ dặn Hội:

– Con bảo cô Ngần uống, còn con không được uống!

Hội bưng cà phê vào. Ngần nằm trên giường, mệt mỏi. Biết trong cà phê có thuốc độc, Ngần nhất định không uống. Mụ Síu chạy vào, mặt hầm hầm, nghiến răng quát:

– Uống, tao truyền lệnh cho mày phải uống!

Ngần cố gượng dậy, xụp xuống ôm lây chân mụ Síu, lạy:

– Con lạy bà, con đang có thai!

– Có thai cũng phải uống, mau lên!

Ngần van nỉ:

– Bà cho con xin khất, sinh nở xong, con sẽ xin chết ngay trước mặt bà. Đứa bé trong bụng có tội tình gì đâu, mà nó cũng phải chết theo con? Bà theo Phật, bà làm phúc, cứu một người phúc đẳng hà sa!

Mụ Síu càng tức, sai một tên tay sai khỏe vật Ngần ra. Mụ tự tay đổ thuốc độc vào miệng Ngần. Ngần vật vã, chết trong cơn đau đớn. Hội sợ quá ngất đi trước mặt bạn.

Năm nay Hội mười sáu tuổi. Tuy không đẹp lộng lẫy như Mỹ Thuận, nhưng đang ở tuổi dậy thì, trẻ trung, nên có sức hấp dẫn ông vua Mèo đã sáu mươi tám tuổi này. Thấy quả ngon đã chín, Hoàng nhỏ to bàn bạc với người mẹ nuôi của Hội.

Thường ngày Hoàng tắm bằng sữa dê. Khi tắm thường có các nàng hầu thay phiên nhau vào kỳ và phục vụ những ham thích của ông. Mụ Síu, Hoàng nghĩ ngay đến việc này.

Một buổi, người mẹ nuôi gọi Hội đến, cười độ lượng:

– Mấy con bé con khờ dại, ngớ ngẩn không biết chiều chuộng ông Hoàng làm ngài phật lòng. Hôm nay mẹ muốn cử con được phục vụ ngài, con quý của mẹ ạ! Đó là một đặc ân đấy. Con gái, cả cái đất Đồng Văn này, đứa nào cũng muốn được cái vinh hạnh ấy, nhưng ai ban cho chúng!

Hội choáng váng cả người. Phần vì Hội sợ hãi. Hình ảnh cô Ngần ôm bụng quằn quại trong cơn hấp hối cứ chập chờn trước mắt Hội. Hội biết rằng, số phận của mình rồi cũng như Ngần mà thôi. Không có thai, có con thì thôi, có thai, có con trai, rồi lại bị mẹ và chị nuôi ám hại. Lúc đó rồi biết chạy trốn đi đâu?

Nhưng điều Hội lo lắng, đau khổ hơn là mối tình dang dở Hội giữ kín lâu nay, chỉ có Khánh biết mà thôi.

Đã gần một năm nay, Hội quen thân với Vàng Sinh Páo, người nấu bếp của Hoàng. Páo là một người Mèo Trung Quốc, nhà nghèo, từ bé làm thằng quýt rồi nấu bếp cho một nhà buôn. Páo thông minh, nấu món ăn ngon. Nhà buôn kia nhiều lần sang buôn thuốc phiện với Thuận, với Sùng Mí Chiu và qua đó gặp Hoàng. Để dễ bề đi lại buôn bán lâu dài, kiếm những món lợi kếch xù, nhà thương gia muốn có món quà lạ biếu Hoàng. Một buổi, nhà thương gia thết Hoàng bữa tiệc thịnh soạn. Hoàng khen món ăn ngon. Nhà thương gia giới thiệu luôn tài nấu nướng của Páo và tặng Hoàng món quà đặc biệt: Sinh Páo sang làm đầu bếp cho ông vua Mèo sành ăn uống này.

Cùng chung cảnh ngộ xa quê hương, cùng là cảnh tôi đòi, hầu hạ, cùng ở lứa tuổi xấp xỉ như nhau, trẻ đẹp, lại luôn luôn gặp nhau trong dinh, dưới bếp, hai người yêu nhau. Yêu nhau rồi nhưng cả hai cùng sợ Hoàng, Thuận biết nên cứ phải giấu kín mối tình đầu thầm lặng.

Cứ mỗi lần xuống bếp, bưng cơm cho Hoàng, Hội vừa hồi hộp sung sướng, vừa sợ hãi. Còn gì sung sướng bằng giữa những bức tường đá lạnh lẽo, xa lạ này, có người yêu trẻ đẹp, đẹp trai, hiền lành. Nhưng Hội không dám ở lâu, không dám nói năng, biểu lộ những tình cảm đẹp đẽ của mình. Hội biết rằng, Hoàng, Síu và Thuận sẵn sàng ném Hội cho hổ xé, khi Hội dám tự do yêu đương người mà họ không muốn gán cho Hội.

Một lần, Hội bưng mâm cơm, Páo nhìn theo. Hội luống cuống thế nào, vấp vào ngưỡng cửa bếp, mâm cơm bị đổ. Hôm ấy, chờ mãi không thấy cơm bưng lên, Thuận đi xuống bếp, Hội đang khóc bên mâm cơm đổ, Sinh Páo đang thu dọn, muốn vét thức ăn còn lại, sắp mâm khác. Thuận nghiến răng, túm tóc Hội, ra lệnh cho Sùng Vạn Lù lấy roi da, nọc Hội ra đánh một trận nên thân. Da Hội rươm rướm máu, Thuận còn sai người lấy muối sát vào vết roi. Páo nhìn Hội quằn quại, lòng đau như cắt.

Những đêm trăng, ngoài nương tiếng khèn nổi lên tha thiết. Các đôi trai gái Mèo đi chơi. Páo muốn rủ Hội đi chơi trên núi nhưng không dám. Páo biết rằng, không thể lọt qua con mắt Thào Sè Na và mọi người, không thể tránh được những trận lôi đình của Síu, Thuận…

Nghe lời của mẹ nuôi sai mình vào kỳ cho Hoàng, Hội hoảng sợ. Hội chỉ biết xuống bếp khóc.
Páo hỏi, nhưng Hội không dám nói thật.

Chẳng còn cách nào thoát được cảnh đọa đầy. Mụ Síu thì nghiến răng nghiến lợi bắt Hội vào nhà tắm…

Thế rồi tai họa đã đến đúng như nỗi sợ hãi của Hội. Hôm ấy, đang tắm, Hoàng ôm chầm lấy Hội. Hội toan chạy vùng ra nhưng bên ngoài cửa đã đóng kín rồi.

Khi trở về bếp, Hội như người bị cảm. Cô vừa khóc, vừa nói với Páo:

– Em không thể ở đây được nữa rồi, ta trốn khỏi đây đi thôi!

Như đoán được những chuyện đã xảy ra, Páo đau đớn, thương Hội, căm tức Hoàng. Hai người loay hoay tìm cách trốn nhưng không biết lọt ra khỏi dinh như thế nào…

Và hôm nay, Hoàng làm lễ cưới Hội.

Mã Học Văn bước vào hậu dinh. Người ta đang sửa sang nhà cửa, mũ áo cho chàng rể gần 70 tuổi. Trong một căn phòng ở trung dinh, các cô hầu đang trang điểm cho Hội. Mụ Síu chạy lên chạy xuống.

– Thế nào, cô dâu có tươi không? – Mụ Síu hỏi một người hầu.

– Dạ, thưa cụ, cô dâu buồn lắm ạ, mặt cô như tàu lá héo!

– Bảo nó, phải vui lên hiểu chưa, ngày cưới chứ không phải ngày đưa ma!

Trong khi đó, dưới bếp, Páo như ngây như dại. Tay đảo thịt trong chảo mà ruột gan cứ như tơ vò. Thế là Páo vĩnh viễn mất Hội, từ nay không còn người san sẻ những nỗi nhọc nhằn của thân tôi đòi và nỗi buồn xa quê hương.

Cứ triền miên suy nghĩ cho đến khi cô Lầm nói: “Thịt bò xào già lửa rồi, dai đấy!”. Páo mới giật mình nhìn vào chảo thịt. Cô Lầm cười hóm hỉnh, chế giễu.

*

Làm vợ Hoàng, nhưng Hội cứ như người hầu. Mỹ Thuận trước muốn có Hội nằm bên Hoàng thay mình, để thị lang chạ với người khác, nhưng nay thì lại ghen, hành hạ Hội.

Hội có thai. Hôm xuống bếp bê cơm, ngửi thấy mùi mỡ, Hội nôn ọe ngay góc bếp. Páo trông thấy, sựng người. Bao cảm giác lẫn lộn trong anh. Anh choáng váng đau xót, nuối tiếc, thương cho số phận của người yêu, cám cảnh thân phận mình.

Páo muốn đến đỡ Hội, an ủi Hội nhưng anh lại sợ có người trông thấy, vu cho hai người đi lại với nhau thì Hội lại bị hành hạ, đánh đập. Anh có thể bị chúng giết ngay lập tức. Thân mình thì chẳng tiếc nhưng anh vẫn thương Hội.

Một hôm Hội xuống bếp bưng nồi chân khỉ hầm tam thất cho Hoàng và Thuận dùng “xú dệ”(1). Páo rủ Hội đi trốn. Hội gạt nước mắt, nhìn xuống bụng mình:

– Em sẵn sàng đi với anh, nhưng còn đứa bé trong bụng này, nó không phải hòn máu của anh…

– Em đừng nghĩ thế, con em cũng là…

Páo không nói được nữa. Hội chần chừ, sợ hãi. Cô sợ cho mình thì ít nhưng sợ cho tương lai đứa bé thì nhiều. Cô không tin là thoát khỏi nhà Hoàng, sẽ tìm được nơi yên ổn, tránh được tay chân của hắn.

Không rủ được Hội, nhưng không thể ở lại nhà này ngày ngày nhìn người yêu bị hành hạ, Páo chia tay Hội. Anh lấy chiếc túi hoa của Hội may và thêu cho anh, quàng lên vai. Hội nhìn anh nước mắt lưng tròng. Anh len lén đi ra khỏi bếp, qua bãi sỏi, vượt tường đá, lao vào đêm tối. Hội nhìn theo. Bóng Páo thấp thoáng, mờ mờ cho đến khi khuất sau những hàng cây thông núi thẳng đứng.

Hội lo lắng không biết rồi đời Páo sẽ ra sao? Liệu có lọt được khỏi đất Đồng Văn tàn ác không? Páo đi đâu, làm gì và sống như thế nào đây? Mong Páo không bị bắt và đừng tự tử vì cô. Hội rì rầm khấn: “Trời Phật phù hộ cho anh ấy! Anh ấy là người Mèo Trung Quốc, ở phương xa đến đây, bơ vơ, khổ cực quá! Trời Phật hãy rủ lòng thương, phù hộ độ trì cho anh ấy!”

Âu cháo bưng lên bị nguội. Thuận chửi xa xả rồi vơ phất trần đánh Hội.

Từ ngày làm vợ Hoàng, bị các bạn lánh xa dần, Hội càng buồn. Người bạn thân của Hội là Khánh, cũng muốn thoát khỏi cảnh hầu hạ. Sau khi nói cho Hội biết Cách mạng đã tràn lên Đồng Văn, nhiều cán bộ lên công tác, Khánh xin Mỹ Thuận:

– Xin bà cho chúng con được tham gia công việc trong hội phụ nữ của bà.

Tưởng rằng bà chủ tịch hội phụ nữ huyện khuyến khích, bằng lòng ngay, nhưng bà cau mặt
nói:

– A, lũ bay định làm cán bộ à? Hoạt động à? Dại lắm con ơi! Làm cán bộ, đi lại với cán bộ, rồi to bụng lúc nào không biết đấy! Béo bở gì mà đi!

Khánh định hỏi thị: “Thế bà làm chủ tịch hội phụ nữ huyện thì sao?”, nhưng lại sợ Thuận nổi xung lên đánh đập, đành im. Với lại, Khánh biết Thuận vừa suy bụng ta ra bụng người, vừa không muốn cho các cô thoát khỏi cảnh tôi đòi.

Ít lâu sau, Khánh bỏ lại bộ quần áo dài Thuận may cho để tiếp khách rồi trốn khỏi Sà Phìn về thị xã Hà Giang. Từ nay Hội không biết san sẻ nỗi buồn, tủi cực với ai.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn