Sau khi bị Hoàng Chí Ân đánh bại, anh em Dương Trung Nhân cùng Hầu Vạn Quả chạy sang Trung Quốc, đến cư trú ở Côn Minh nương nhờ dưới bóng của Vòong Diu Số. Lúc này, anh em Dương đã thất cơ lỡ vận, nên Diu Số rất khinh bỉ, nhạt nhẽo. Hơn nữa, Diu Số thấy quân cách mạng tiến triển, tràn xuống biên giới, hắn cần phải liên minh với Hoàng giữ biên giới. Hoàng vừa thắng Dương, thanh thế đang lên. Hoàng lại đánh tiếng cảnh báo Diu Số đã giúp Dương. Vì thế, Số cần có con bài, nối lại ngoại giao với Hoàng. Muốn thế, trước hết phải tống khứ anh em họ Dương đi, đồng thời tìm người liên hệ, hòa đàm với Hoàng. Diu Số nghĩ ngay đến Hầu Vạn Quả.
Một buổi, Số mở tiệc chiêu đãi riêng Quả. Sau tiệc rượu, thấy Quả cao hứng, hăng hái ca tụng tấm lòng rộng lượng và tình nghĩa của mình, Số liền nói với Quả:
– Chúng tôi muốn cử ngài về Đồng Văn, liên hệ với Hoàng, nói cho Hoàng biết là chúng tôi sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao trở lại với ông ta, ngài thấy thế nào?
Hầu Vạn Quả đắn đo:
– Tôi với Hoàng có hiềm khích, tôi về thế nào Hoàng cũng khép tội tôi.
Diu Số cười, nói:
– Ngài không ngại. Sự liên minh giữa chúng tôi và Hoàng là để cùng bảo vệ biên giới, chống kẻ thù chung là Cộng sản. Hơn nữa, chúng tôi sẽ có món quà quý để ngài mang về. Tôi tin rằng, món quà nhỏ bé nhưng quý giá này sẽ làm Hoàng hài lòng, làm thay đổi thái độ hiềm khích của ông ta với chúng tôi và mối tình hữu nghị giữa hai lân quốc sẽ được thắt chặt!
– Thưa ngài tỉnh trưởng, đó chẳng hay là món quà gì mà hiệu nghiệm thế ạ?
– Tôi sẽ trao cho ngài một đôi lợn trắng, giống lợn hiếm có và quý của chúng tôi. Đôi lợn này nói lên tình giao hảo của chúng tôi đối với các ngài. Hơn nữa, chúng tôi sẵn sàng bán vũ khí, lương thực để các ngài có sức lực chống Cộng sản lâu dài. Nếu Hoàng đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao, chúng tôi sẵn sàng ký ngay một hiệp ước thân thiện. Như thế là ngài sẽ có công lớn đối với Hoàng. Vì quyền lợi của Hoàng, vì mối bang giao với chúng tôi, tôi tin rằng Hoàng sẽ xóa hết tội lỗi cho ngài, còn có thể thưởng công cho ngài. Ngài sẽ được sủng ái như trước!
Biết rõ điều đó, nhưng Quả cố vòi thêm món tiền, rồi nhận lời về Đồng Văn.
Quả đem điều đó nói với anh em Dương. Trung Nhân, Mí Sàng giật mình, thất vọng. Hai anh em bàn bạc, thấy chỉ có cách về Hà Nội, liên hệ với Pháp, mới hòng có nơi nương tựa và có dịp trả thù Hoàng. Anh em Dương nghĩ sẽ sử dụng Quả làm nội ứng cho mình khi có dịp trở về. Thế là ba người chia tay nhau: Hầu Vạn Quả trở về Đồng Văn, anh em Dương ở lại chờ ngày về Hà Nội theo Pháp.
Hôm chia tay, Sàng nói với Quả:
– Anh có về, nhớ nói cho Hoàng biết rằng anh em ta không đội trời chung với Hoàng đâu. Chúng ta sẽ về quét bọn Hoàng ra khỏi Đồng Văn như quét bọn chó má, anh nhớ nói với Hoàng!
Quả đi được mấy hôm thì anh em Dương về Hà Nội. Lúc này Mí Sàng đã lấy được một người Hoa. Không muốn cho vợ đi theo, làm cản trở công việc, Sàng bỏ vợ lại Côn Minh rồi cùng anh qua đường Lạng Sơn về Hà Nội.
Về đến Hà Nội, anh em Dương xin vào làm nhân viên Phòng nhì của quân đội Pháp. Dương Mí Sàng được sung vào đội GCMA, dưới sự chỉ huy của tên quan ba biệt kích Sô-mét. Biết rõ lai lịch anh em Dương, Sô-mét mừng, nói với Sàng:
– Bọn phản bội muốn tìm cuộc sống vinh thân phì gia đến xin làm việc cho chúng tôi nhung nhúc, nhưng chúng tôi không hy vọng ở chúng chút nào. Chỉ có những người dân tộc thiểu số, yêu quê hương, sống chết với quê hương như anh mới hòng ngăn chặn được làn sóng Cộng sản tràn lên vùng rừng núi. Chúng tôi hy vọng ở anh.
Mấy năm sau, Hoàng cử người về Hà Nội, mang thư của hắn gửi Bộ Tư lệnh quân đội Pháp, yêu cầu cho quân nhảy dù xuống Đồng Văn theo như kế hoạch Mỹ Thuận đã bàn trước kia với tướng Sa-lăng.
Công việc đưa toán biệt kích nhảy dù xuống Đồng Văn được giao cho Sô-mét. Sô-mét gọi Mí Sàng vào phòng riêng nói:
– Cấp trên cử anh cùng Phờ-răng-xoa và khoảng 50 chiến sĩ biệt kích trong đội GCMA nhảy dù xuống Đồng Văn, phối hợp với Hoàng quét bọn Cộng sản khỏi Đồng Văn, lập một căn cứ, chờ khi quân đội Pháp đánh từ dưới lên, các anh sẽ từ trên đánh xuống. Đây là nhiệm vụ quan trọng.
Dương Mí Sàng lo sợ:
– Tôi với Hoàng vốn là kẻ tử thù. Tôi không thể cộng tác với Hoàng được! Sô-mét ôn tồn:
– Điều cao cả là anh dẹp thù riêng nhỏ nhặt để phụng sự cho sự nghiệp giải phóng quê hương của anh.
– Nhưng Hoàng sẽ giết tôi!
Sô-mét cười:
– Hoàng căm thù anh nhưng không bằng căm thù Cộng sản. Anh và Hoàng cùng có một kẻ thù nguy hiểm. Nhất định hắn sẽ cộng tác với anh để hướng vào mục tiêu chính. Vả lại, chúng tôi đã điều đình với hắn rồi. Hắn thỏa thuận xóa thù hằn riêng, bảo vệ anh khi anh về!
Sàng nhận lời. Vào một ngày đầu tháng 7 năm 1952, Sàng cùng với Phờ-răng-xoa được gọi đến giao nhiệm vụ.
Hai tên bước vào một căn phòng, trên bày sẵn bia, rượu vang, hoa quả tươi. Sau vài tuần rượu, Sô-mét đưa cho Sàng một phong thư, nói:
– Đây là thư của tướng Sa-lăng gửi Hoàng. Anh cầm về. Mọi việc đã được tướng Sa-lăng lo liệu chu tất.
Sau đó Sô-mét bàn kế hoạch và định ngày giờ xuất phát.
Sàng bước ra khỏi phòng, trong lòng không vui. Một cảm giác nặng nề, tưng tức trong lòng. Thế đấy! Nương tựa vào kẻ thù, cầu xin kẻ thù che chở, thật là nhục nhã. Hoàng là tên hay lật lọng, xảo trá, tính mạng mình sẽ ra sao? Không chết vì bàn tay Việt Minh rồi cũng chết vì bàn tay hắn. Nhưng người Pháp đã ra lệnh, ta phải làm. Sau này sẽ tìm cách lật hắn sau. Ngày xưa, Câu Tiễn còn nằm gai nếm mật bao năm để trả thù, ta phải theo gương người xưa.
Sàng nhìn sang bên cạnh. Phờ-răng-xoa im lặng bước đi, nét mặt lo âu.
Phờ-răng-xoa là một tên Tây lai Tày. Mẹ hắn – cô Vấn – là một người Tày ở Cao Bằng. Khi quân Pháp tràn lên, đóng đồn ở Cao Bằng, cô ăn nằm với một tên lính Pháp, mang thai và đẻ ra đứa con, không lấy chồng – đúng hơn là không lấy được chồng. Phờ-răng-xoa lớn lên, được một tên Tây đưa về Hà Nội, cho vào trường, huấn luyện thành một nhân viên mật thám. Bọn Tây biết rằng những tên lai làm việc cho Pháp rất tận tụy. Đối với những người thuộc dân tộc Việt Nam, bọn lai này khinh bỉ, sẵn sàng tàn sát và giết chóc. Hắn được lấy tên Tây. Và đúng thế, Phờ-răng- xoa trở thành một tên tay sai đắc lực. Hắn được sung vào đội GCMA, ít lâu sau được phong hàm “quan chờ” (chuẩn úy).
Vì từ bé, lớn lên với mẹ ở quê hương, rừng núi, đi lang thang ở vùng giáp với Cao Bằng, Hà Giang, hắn thông thuộc đường rừng núi nên được cử cùng đi với Dương Mí Sàng về Đồng Văn.
Có Phờ-răng-xoa cùng đi trong nhóm, Dương Mí Sàng yên tâm hơn, vì Phờ-răng-xoa sẽ thành tên liên lạc thông thạo.
Hai tên về phòng riêng chia món tiền Sô-mét cấp trước khi đi, trong đó có cả tiền lương tháng, tiền trợ cấp và tiền tử tuất. Mặc dù số tiền chi cho chúng đã bị Sô-mét bớt xén bỏ túi một nửa, nhưng vẫn còn rất lớn.
Trong những ngày chờ đợi nhảy dù, Sàng lao vào cuộc sống gấp, nhầy nhụa, đồi trụy trong cái thành bị chiếm này.
Ngày ra đi đã tới, Phờ-răng-xoa cùng 51 tên biệt kích ra sân bay. Sô-mét đến tận nơi khích lệ chúng. Máy bay cất cánh lao về phía Mèo Vạc.
Sàng hồi hộp nhìn đèn hiệu. Đèn hiệu báo đã gần tới mục tiêu.
Nhìn qua cửa máy bay, hắn biết rằng dưới kia là nơi chôn rau cắt rốn của hắn. Những dãy núi, những cánh rừng bí ẩn trải dài dưới kia đang chờ hắn.
Đèn hiệu nhấp nháy báo đã đến mục tiêu. Mí Sàng bước ra cửa và bị hất vào không trung. Một phút như ngất. Khi mở mắt ra, hắn nhìn thấy mình nằm giữa một khoảng đất trên sườn núi. Vốn thông thuộc đường đất, chẳng mấy chốc hắn lần ra được con đường mòn dẫn về phố Mèo Vạc.
Hắn tìm một lùm cây, chui vào đó, quan sát trên đường, chờ đón những người nào quen thuộc về hỏi han tình hình. Mấy hôm sau, hắn bỗng thấy Vàng Dúng Mỉ đi qua. Nhìn trước nhìn sau không có ai, Sàng đón đường gặp Mỉ. Hai tên kéo nhau vào rừng, Sàng hỏi:
– Từ ngày ta chạy trốn đi, tình hình Mèo Vạc thế nào?
Mỉ buồn bã thưa:
– Từ ngày đó, Mèo Vạc thuộc về đất Hoàng. Bất đắc dĩ tôi phải theo hắn. Hắn phong tôi làm chủ tịch Mèo Vạc. Dân dưới quyền hắn. Một số cán bộ Việt Minh lên tuyên truyền, lôi kéo dân. Thế của chúng mạnh lắm. Một số người thân tín của Hoàng cũng theo Việt Minh như Mã Chính Lâm, Vù Mí Kẻ.
Sàng ngạc nhiên, than thở:
– Thế a! Cảnh vật vẫn như xưa mà con người thay đổi nhiều quá thế rồi ư? Anh nói Mã Chính Lâm theo Việt Minh?
– Đúng thế, giờ nó là Huyện đội trưởng. Hôm vừa qua thấy nhóm của anh nhảy xuống Lũng Pù, chính nó chỉ huy quân bắt được 51 người, có tên Tây lai, chỉ còn có anh là trốn thoát thôi. Hiện giờ nó dẫn dân quân, bộ đội đi lùng sục anh! Anh cẩn thận.
Sàng gật đầu:
– Vợ thằng Lâm là em ta, may ra nó nghĩ tình máu mủ. Nhưng tốt hơn là phải bí mật.
Im lặng một lúc, Sàng nói tiếp:
– Có bức thư của Sa-lăng gửi Hoàng, ta muốn gửi cho hắn.
– Anh cứ đưa tôi gửi cho.
Dúng Mỉ mang thư đi, hắn sẽ tìm nơi đưa Sàng về ẩn náu. Đêm ấy, Sàng mò mẫm ra mộ Dương Thụ Nghĩa. Mộ bị Chí Ân phá, lấp lại sơ sài. Hắn quỳ xuống trước mộ rì rầm khấn bái, cầu xin vong hồn cha cho hắn tai qua nạn khỏi, thoát được cảnh vây ráp của Việt Minh để có cơ trả thù cho ta.
Hôm sau, Vàng Dúng Mỉ đến gặp hắn, đưa về nhà Vù Vạn Sèo, Sèo là bộ hạ của Sàng trước kia. Sèo đào một căn hầm giữa nhà, trên đặt bếp, lỗ thông hơi dẫn ra chuồng bò.
Sàng thông dâm với vợ Sèo. Một đêm, thấy Sèo có vẻ khả nghi như muốn báo người bắt mình, Sàng liền giết chết cả hai vợ chồng, rồi mang hai đứa con gái Sèo, một đứa 17 tuổi, một đứa 18 tuổi, chạy vào rừng.
Từ đó hai đứa bé thành vợ Sàng. Cái hang sâu trở thành căn nhà cho Sàng và hai đứa bé ở. Sàng sai chúng về liên lạc với người chị dâu của Sàng (vợ Dương Mí Chính) tên là Sùng Thị Mỉ.
Thị Mỉ ngày ngày tiếp tế cho Sàng.
*
Ngay khi phát hiện nhóm biệt kích của Sàng nhảy xuống Mèo Vạc, tỉnh đội, Ty Công an Hà Giang nhận nhiệm vụ bắt nhóm biệt kích này.
Tỉnh đội giao cho Mã Chính Lâm phối hợp với Phạm Minh Đăng bắt Sàng. Nghe tin đó, Hoàng gọi Chí Ân vào cung bàn luận. Hoàng nói:
– Vàng Dúng Mỉ vừa đưa thư của tướng Sa-lăng gửi ta. Thư nói ta đón và giúp đỡ bọn thằng Sàng. Chẳng may cả nhóm bị Việt Minh bắt gọn, chỉ thằng Sàng trốn được. Ta phải cứu hắn khỏi bàn tay của bọn Việt Minh. Con thấy thế nào?
Chí Ân vẫn còn nung nấu mối thù với Sàng, chỉ muốn nhân dịp này trả được mối thù cho cha, cho anh. Nhưng mặt khác Ân cho rằng, Việt Minh đối với họ Hoàng, với hắn, còn nguy hiểm hơn. Nhiệm vụ Hoàng giao phải thi hành. Khốn nỗi, giờ đây, không còn như những năm trước, tự do muốn làm gì thì làm. Thế Việt Minh mạnh, người dân đã phần nào giác ngộ, nhiều tướng thân tín của Hoàng còn ngả theo Việt Minh, một số lừng chừng đứng giữa. Ngay Hoàng, Chí Song và hắn, bên ngoài cũng không dám chống lại Việt Minh một cách trắng trợn, phải khoác áo làm cán bộ quân đội Việt Minh… vì thế phải kín đáo, thì mới thành công.
Trong khi Chính Lâm dẫn quân đi lùng sục bắt Sàng thì Ân cũng dẫn quân đi tìm cách cứu Sàng. Những lúc gặp Lâm, Ân tỏ ra phối hợp với Lâm bắt Sàng nhưng bên trong là dò hỏi tìm cách đánh động cứu Sàng. Lâm cũng biết điều đó nên luôn tìm cách đánh lạc hướng Ân.
Lâm dẫn quân về Mèo Vạc, tối tối cho người xuống dân phát động, hỏi han. Một hôm, nghe bà con nói phong phanh, Mí Tỏa biết chỗ Sàng ở, Lâm tìm gặp Tỏa. Lúc này, Tỏa mắc tội giết người đang bị công an bắt. Tỏa nói nếu giảm tội cho nó, nó sẽ khai về Sàng. Lâm trao đổi với Đăng, khích lệ Tỏa. Tỏa nói rõ mối quan hệ của Sàng và Thị Mỷ.
Thị Mỷ được gọi lên gặp Lâm. Mới đầu thị cố giấu, nhưng sau thấy nét mặt nghiêm khắc của Lâm, thị chột dạ. Ngay lúc đó, Lâm hỏi:
– Chị vừa giao Sàng cho ai coi sóc, tôi gọi người đó lên gặp chị nhé!
Mỷ tái mặt. Đúng là thấy động, Mỷ nhờ Trà Chính dẫn Sàng từ hang cũ đến một hang kín đáo hơn. Thị Mỷ đành khai là đã nhờ Trà Chính dẫn Sàng đi giấu.
Trà Chính bị gọi ngay đến gặp Lâm. Chính nhận lời dẫn Lâm cùng bộ đội đi bắt Sàng. Trên đường đi, Chính nói:
– Thằng Sàng giỏi võ lắm, một mình nó đánh thắng mười người là thường. Nó lại có hai khẩu súng. Các anh phải cẩn thận!
Một hang đá hiện ra dưới lùm cây um tùm. Lâm mạnh dạn đi vào. Khẩu Bro-ninh chĩa về phía trước.
Sàng đang nằm bên bàn đèn hút thuốc phiện. Tóc chùm lấp tai. Mặt đen nhẻm. Thấy tiếng động, Sàng quay ra. Nhìn nòng súng chĩa vào mình, Sàng khẽ kêu lên:
– Lâm, em định giết anh sao?
Sàng vẫn nằm bên bàn đèn, tin tưởng vào sự thuyết phục của mình. Lâm nói dõng dạc:
– Anh một đường, tôi một đường. Chúng ta là kẻ thù của nhau rồi. Mời anh đi!
Sàng đem tình anh em, nằn nì thuyết phục. Nhưng Lâm kiên quyết chối từ, hô du kích vào bắt hắn.
Lâm dẫn Sàng đến Lũng Phìn. Chí Ân hộc tốc chạy tới. Ân muốn cứu Sàng nhưng muộn mất rồi. Trong số người dẫn Sàng, Ân nhận ra có nhiều người lạ. Cứu Sàng, hắn sẽ bị lộ, vin vào cớ này, Việt Minh cho quân lên quét chúng thì nguy.
Chờ dịp, Chí Ân nói với Lâm cho gặp riêng Sàng, căn dặn:
– Anh không được khai về sự liên hệ của cụ Hoàng với Pháp. Không được nói về bức thư của Sa-lăng gửi cụ, nghe chưa? Anh mà khai ra, chúng tôi không để anh yên đâu!
Sàng nhìn Chí Ân, vừa khinh bỉ, vừa căm ghét. Hắn bỗng oán người Pháp ném hắn vào nơi tử địa, gặp lại bọn hèn nhát, phản bội.
Hoàng Chí Ân trở về Sà Phìn. Hoàng thất vọng. Mụ Síu, Mỹ Thuận, Song, Ân, Sùng Mí Chiu cùng họp bàn, thảo ngay một bức thư gửi cho tướng Sa-lăng. Trong thư nói rõ tình hình nhóm Dương Mí Sàng, yêu cầu Pháp cho quân nhảy dù tiếp xuống Đồng Văn.
Nhận được thư cầu cứu của Hoàng, Sa-lăng cho người mang thư báo Hoàng, Pháp sẽ cho một nhóm biệt kích khác nhảy xuống Hoàng Xu Phì rồi từ đó tiến sang Đồng Văn.
Hoàng giao bức thư đó cho Song, Ân xem xét, bàn bạc.
Chí Ân bước vào phòng. Chiếc bàn đèn đã bày sẵn. Song đang nằm hút thuốc phiện. Song rung rung tấm thân phì nộn, nhả khói, mắt lim dim. Ân nằm xuống bên Song. Song gọi, một người gầy gò bước vào, bộ mặt có vẻ ngây ngô. Ân nhận ra đó là Lầm Sùng, người vẫn tiêm thuốc phiện hầu Song xưa nay.
Sùng nằm xuống cạnh hai người, tay thoăn thoắt tiêm thuốc. Song và Ân rít hết điếu này đến điếu khác. Cho đến khi đã say ngây ngất, Song rút trong túi áo ra một mảnh giấy, nói với Ân:
– Đây là thư của Sa-lăng gửi ông, anh đọc xem!
Ân vắt tay qua người Lầm Sùng, đón mảnh giấy trong tay Song đút vào túi áo ngực của mình.
Sùng vẫn tiêm thuốc liên tiếp. Song, Ân hút chán, ngồi dậy mở tủ lấy rượu uống đến khi say mèm, lăn ra ngủ.
Lúc này Lầm Sùng mới nhổm dậy, khéo léo móc mảnh giấy trong túi Ân, đọc nhanh rồi bỏ vào túi Ân như trước.
Nội dung bức thư được Lầm Sùng báo về cho công an. Một kế hoạch đối phó với âm mưu của Pháp và Hoàng được phác họa.
Nhận được tin báo ngày giờ, nơi nhóm biệt kích nhảy dù xuống Hoàng Xu Phì, Hoàng họp các tay chân bàn bạc, phân công quân đi đón.
Để đánh lạc hướng quân ta, Pháp cho máy bay bắn phá Ngam La, Đường Thượng, hút lực lượng ta vào đó. Đồng thời chúng cho nhóm biệt kích nhẩy xuống Hoàng Xu Phì, rồi từ đó tràn sang Đồng Văn.
Nhưng âm mưu chúng bị bại lộ. Nhóm biệt kích vừa nhảy xuống đã bị quân ta tiêu diệt gọn.
Toán quân do Song, Ân, Lù chỉ huy đón quân Pháp đành rút về.
Ngay sau đó, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Pháp rút khỏi miền Bắc. Hoàng choáng váng, họp các tay chân căn dặn:
– Pháp thua Việt Minh rồi. Ta cũng khó nổi lên. Phải lựa chiều gió, vờ theo Việt Minh. Ta đã xin quẻ. Thần thánh dạy rằng: Phải chờ đến năm Con Lợn đánh mới thắng Việt Minh!
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍