Hầu Vạn Quả ngồi trước lò, buồn bã nhìn than giấy tàn dần, tàn dần. Đó là những văn tự, những giấy tờ từ trước có liên quan đến nhà cửa, ruộng đất, đó là những bức ảnh hắn chụp chung với các sĩ quan Trưởng hồi đi Côn Minh. Hắn cho vào lò đốt hết, vì hắn tự cảm thấy rằng những thứ đó chẳng có lợi gì cho hắn, chỉ làm cho đối phương tìm ra quá khứ của hắn mà thôi. Hắn dừng lại trước một tấm ảnh. Đó là tấm hắn chụp chung với Mỹ Thuận khi ở Côn Minh. Quả và Thuận đều mặc com-lê trắng toát, đều đi giầy da đen đánh xi bóng loáng, ngồi trên ghế mây đan tinh vi. Giữa hai người là một chiếc bàn phủ tấm khăn thêu, trên mặt một lọ hoa. Mỹ Thuận, với nét mặt quý phái, mái tóc chải ngược, nhìn đời kiêu hãnh. Hai người bắc chân chữ ngũ, mặt vênh vênh ngạo mạn.
Quả bỗng nuối tiếc thời kỳ quyền thế, giàu sang của mình.
Sau khi ở Côn Minh về, Hầu Vạn Quả đem đôi lợn trắng cho Hoàng, đồng thời trình bức thư Voòng Diu Số hòa giải Quả và Hoàng, nối lại tình bang giao giữa hai lân quốc.
Nhận thấy món lợi lớn, Hoàng tỏ ra tin dùng, cho Quả làm chủ tịch xã Sà Phìn.
Lợi dụng quyền chủ tịch, Quả hống hách, bóc lột dân đến tận xương tủy, Thuế nương rẫy, hắn tăng lên, chỉ nộp cho Hoàng một nửa, còn một nửa bỏ túi. Với quyền hành trong tay, hắn cướp hết những mảnh nương tốt. Những mảnh nương xấu hắn đùn cho dân. Chế độ phục dịch hắn vẫn duy trì, tuy khoác cái tên mới. Mỗi lần nhà có giỗ, hắn bắt hàng trăm người phục dịch. Cũng như Hoàng,, những ai đến ăn giỗ nhà hắn, phải nộp gà, lợn, gạo, thuốc phiện.
Mỗi người dân kêu kiện, cần giấy tờ, đến xin, phải nộp bạc già, hắn mới giải quyết. Một lần, có một người đàn bà đến xin giấy. Tên thư ký ủy ban hỏi:
– Mày cần gì?
Người đàn bà khép nép thưa:
– Dạ, con muốn xin ủy ban giấy để thăm chồng con đi làm ở tỉnh ạ!
Tên thư ký chỉ lên gác trên:
– Lên xin ông chủ tịch. Ông giữ dấu ở trên đó.
Người đàn bà bước lên gác. Hầu Vạn Quả đang ngồi trước bàn, trông thấy người phụ nữ to béo, trắng trẻo. Đôi mắt hau háu. Hắn nghiêm trang hỏi:
– Người kia, có việc gì?
Người đàn bà run run:
– Thưa ông chủ tịch, con xin giấy ạ! Ông cho con đi thăm chồng con ở tỉnh… Quả vẫn tỏ ra nghiêm trang, giọng sang sảng:
– Được, chính quyền là của dân, phục vụ nhân dân, việc gì chính đáng, chính quyền sẽ giải quyết. Dân chủ mà! Nào, đưa đây!
Người đàn bà đặt mảnh giấy xuống bàn. Như sợ gió bay mất, Quả ra đóng cửa lại. Rồi lại sợ gió đẩy cửa, hắn cài cái then gỗ cẩn thận. Thấy sự khang khác, người phụ nữ hoảng hốt, mặt tái đi, hai tay kéo gấu váy.
Ông chủ tịch quay lại, thân mật:
– Có muốn lấy giấy thì phải tuân theo lệnh trên.
Nói rồi hắn xông lại phía người đàn bà. Chị ta đưa tay đẩy ra. Hắn quát:
– A, con này chống lại chính quyền, muốn đi tù hả!
Rồi hắn xông lại…
Với quyền hành như thế, hắn đã cưỡng hiếp hàng chục cô gái trong xã. Trong đó có cả con dâu của người “bạn chiến đấu” – “xã đội trưởng” Sùng Vạn Lù.
Từ ngày cưỡng hiếp con dâu Lù, Quả rất lo. Lưỡi kiếm sắc ngọt của ngài “dũng sĩ” bảo vệ Hoàng chẳng nể gì mà không đưa qua cổ ngài chủ tịch. Nhưng vốn tính dâm đãng, hắn vẫn tiếp tục tìm cách cưỡng hiếp các cô gái khác.
Vừa qua, bầu lại hội đồng nhân dân, cũng như Hoàng và các chủ tịch khác, hắn bị gạt khỏi chức Chủ tịch xã Sà Phìn này. Thế là, những thửa nương tốt, những món thuế lớn, những cô gái trẻ đẹp trong xã truồi khỏi tầm tay của hắn. Vừa uất ức, vừa nuối tiếc, hắn lao ngay vào chống đối cách mạng. Nhưng vốn là tên khôn ngoan, hắn vin cớ tuổi già, không trực tiếp chỉ huy phỉ như Cáo, Sùng, Dình… chỉ ở trong xã chỉ huy ngầm.
Những mục tiêu lớn bị bộ đội đánh tan, những tên tướng phỉ chạy về các cánh rừng sâu, những cán bộ công an lên, hắn chơ vơ, lo lắng. Giữa lúc đó, Song lên. Như chết đuối vớ được cọc, Quả bám riết lấy Song. Thấy hắn hoang mang, sợ lọt vào tay công an, Song điều hắn từ Sà Phìn ra Phó Bảng, kèm sát, động viên tinh thần hắn.
Tuy thế, hắn cũng lo sợ, cố gắng xóa quá khứ, chặt đứt mối liên quan, mong thoát khỏi cuộc biến động lớn lao này. Thế là, hắn đem những giấy tờ, những bức thư, những tấm ảnh chụp ngày xưa đốt đi. Nhưng đến bức này, biểu hiện cho vinh quang của hắn, ghi dấu thời kỳ làm chính khách ngoại giao tài ba của hắn, hắn không thể đốt bức ảnh, hắn giữ lại, giấu trên mái nhà…
Hắn dập tàn giấy định đi ngủ thì công an ập vào bắt giải về trại Yên Minh. Hôm sau, Quả bị gọi lên hỏi cung.
Trước mặt hắn là một người to lớn, lực lưỡng, mặt vuông chữ điền, nước da nâu, mắt sắc sảo, mồm ngậm một chiếc píp đen, đầu đội mũ lông. Người đó đưa cặp mắt sắc như dao nhìn hắn.
Vốn là tên đã trải qua nhiều biến cố, nhiều tình huống, hắn lạnh lùng hỏi trước:
– Tôi có tội tình gì mà các ông bắt tôi?
Người hỏi cung nhíu đôi lông mày rậm:
– Anh nói anh không có tội gì với chính quyền cách mạng, được, tôi xin hỏi, thế anh sang Côn Minh làm gì?
A, thì đây cũng là chuyện đã qua, xa xưa rồi, mà mình được Hoàng cử đi, lo gì?
– Dạ! Có, nhưng đó là tôi theo lệnh của Hoàng. Sang bên đó để buôn bán vàng, thuốc phiện, chứ không phải để liên kết chống Chính phủ!
– Anh có biết việc bà Thuận về Hà Nội, Chiu về Lạng Sơn không?
– Dạ. Tôi chỉ biết ở Côn Minh chờ. Họ đi đâu, tôi không biết. Ông hỏi bà Thuận, ông Chiu thì rõ. Điều đó không liên quan đến tôi.
Người hỏi cung cười mỉm, khó hiểu. Có lẽ cười vì sự dối trá của mình đây, hắn nghĩ.
– Anh kể cho tôi nghe việc anh giết Hầu Mí Cảy. Đây chắc không phải chuyện của người khác?
Hầu Vạn Quả hơi chột dạ. Tại sao tên này lại biết chuyện đó nhỉ? Chắc là hắn nghe phong thanh!
– Ai bảo ông là tôi giết con nuôi tôi?
– Chúng tôi biết, anh có sai Giàng Ly Páo không?
Quả không thể chối cãi, phải nhận.
– Anh chưa thành thật. Anh nên nhớ, những kẻ có tội nếu thành thật khai báo sẽ được khoan hồng, nếu ngoan cố sẽ bị nghiêm trị. Chúng tôi biết cả, nhưng muốn xem thái độ thành thật của anh. Chúng tôi biết hồi làm chủ tịch xã, anh cướp nương của dân, ăn hối lộ khi dân xin giấy tờ, hãm hiếp đàn bà, con gái trong xã trong đó có cả con dâu Sùng Vạn Lù. Đó là quá khứ của anh, chúng tôi không kết tội chỉ nhắc qua để thấy anh là thế nào thôi. Bây giờ tôi muốn hỏi, anh có biết Hoàng đối với anh thế nào không? Từ trước Hoàng có thật tin cẩn anh không? Có bao giờ muốn gạt anh không? Từ hôm có vụ phiến loạn đến giờ, họ đối với anh thế nào?
Anh về suy nghĩ, rồi trả lời. Mong anh thành thật khai báo.
Quả về nhà giam, vắt óc suy nghĩ. Người hỏi cung biết nhiều chuyện của hắn quá, lại biết cả quan hệ giữa hắn và Hoàng. Mà ngẫm lại, đúng thật, Hoàng đối với hắn chẳng tình nghĩa anh em gì. Bao lần, không khôn ngoan, hắn chẳng đã bị Hoàng xử tội ư? Sao Cộng sản biết, hay là Hoàng hoặc Song, Ân tráo trở, khai ra hắn để rũ tội rồi? Bọn này thì vẫn lòng lang dạ thú, khi khởi lên thì hô hào sẽ giúp, cùng chia sẻ, lúc hoạn nạn thì thoát lấy thân. Hắn đã biết trước mà. Bây giờ thằng già Hoàng ung dung ở Hà Nội, tội vạ bọn ông chịu hết, chẳng thấy cứu viện, cứu viếc gì, chỉ hứa suông.
Từ hôm hắn bị bắt đến giờ, bọn Song. Ân mất mặt, không thấy thăm nom, xin xiếc gì cả.
Chúng nó chỉ ẩy chó vào bụi.
Hắn chợt nhớ đến người hỏi cung, sao tên công an lại biết nhiều chuyện bí mật về cuộc đời, tội trạng hắn thế?
Hắn hoang mang.
*
Sau khi ngồi tán chuyện thời sự cùng mấy ông già trên phố Phó Bảng, Song về ngôi “nhà trắng”.
Vợ hắn đang nằm trên giường, vội dậy đón chồng, than vãn:
– Anh làm gì mà cứ đi suốt ngày. Anh Ân chờ anh mãi, không thấy, về nhà rồi.
– Chà, mấy ông thấy cán bộ Khu về cứ bắt nói chuyện thời sự. Thì cũng phải nói cho họ nghe chứ! Mấy ông hình như suốt ngày chẳng làm gì, chỉ hóng chuyện. Các ông khoe với anh là các ông theo dõi đài BBC, đài Sài Gòn sát lắm.
– Thế anh có khuyên các ông đừng nghe đài dịch không? Nghe nói Ủy ban cấm nghe đài dịch cơ mà!
– Việc gì mà khuyên họ. Họ thích thì họ nghe. Chết ai. Mình cũng nghe nữa là họ.
Vợ Song nhìn chồng, nét mặt buồn buồn:
– Anh đã vào Sà Phìn thăm mẹ chưa? Từ hôm phỉ nổi đến giờ, mẹ sợ lắm. Người ta nói với mẹ rằng, dượng chỉ huy phỉ ngầm. Dượng lấy súng trong kho phân phát cho phỉ. Người ta bắt được cả thư phỉ gửi dượng, mẹ lo dượng sẽ bị bắt tù hoặc xử tử. Hai đời chồng trước bị chết rồi, dượng mà chết nốt, thiên hạ lại dị nghị mẹ sát chồng! Mẹ lo cho anh lắm. Hết lo cho chồng lại lo cho con, số mẹ thật vất vả! Còn em cũng như mẹ. Từ hôm ông Quả bị bắt đến giờ, em lo cho anh quá!
Song an ủi vợ:
– Em cứ yên tâm. Không đứa nào làm gì nổi bọn anh đâu?
Thang gác có tiếng chân bước. Ân đi lên. Vợ Song sắp bàn đèn, rượu rồi lẳng lặng xuống dưới nhà.
Song lo lắng hỏi Ân:
– Tình hình phía Cổng Trời thế nào rồi?
Ân buồn bã:
– Tình hình căng lắm. Sau khi phỉ bị tan ở Cổng Trời, tôi đã bàn với Cáo tìm cách hướng bọn công an chĩa mũi nhọn sang bọn đặc vụ, bọn người Hoa. Cáo giết cả một gia đình người Hoa ở Bát Đại Sơn, nói là gia đình đặc vụ, chỉ huy phỉ. Nhưng cũng không che mắt được bọn công an. Cáo trốn vào rừng. Bọn bộ đội quét Bát Đại Sơn ghê lắm. Tôi chỉ còn hy vọng bọn Dình. Thằng Dình khá thật, vẫn chỉ huy phỉ làm cho bọn đỏ khốn đốn mà không bắt được nó. Tình hình vùng này thế nào anh?
– Tình hình cũng không khả quan lắm. Vạn Sùng đánh bọn Tính, thua phải chạy sang Trung Quốc, chưa thấy tăm hơi gì. Thằng Quả rất nguy cho ta. Tôi đã điều nó về đây, kèm sát, bọn công an không làm gì được. Thế rồi, xểnh ra một tí, tôi cho nó về nhà, bọn cá đến nhà bắt mất. Thằng này vốn hay tráo trở, ai cũng theo. Vớ được thằng này, có khi bọn cá biết hết âm mưu của chúng ta. Tôi lo lắm. Tôi vừa thư về cho Khu, kêu với Khu là phải can thiệp cho Đồng Văn. Bọn bộ đội, công an bắt hết người Mèo ở Đồng Văn đi rồi, bắt bừa bắt ẩu lắm. Không biết các ông có lệnh cho bọn dưới này bơn bớt cái việc bắt người đi không? Anh phụ trách các xã vùng cao này, anh phải kêu với Tỉnh ủy chúng nó mạnh vào. Đối với những thằng bị bắt, lấy thế cán bộ tỉnh, anh gặp, đe nẹt chúng đi, không chúng cứ thông thốc ra thì chết cả nút!
– Tôi biết điều đó lắm chứ. Làm thế nào để chúng không tìm ra được thằng Vàng Chúng Dình. Thằng này bị bắt nữa thì ta tan hết. Anh là đại diện Khu về đây, anh phải hò hét cho thật khỏe,
đánh tan mối nghi ngờ của bọn đỏ. Còn uy quyền trong tay, tôi và anh phải tận dụng uy quyền ấy, phải hò hét.
– Phải, phải! Phải nhắc ông ở Hà Nội cũng hò hét khỏe vào!
Hai người hút thuốc phiện, uống rượu, động viên tinh thần nhau cho đến tàn đêm.
Đã mấy bức điện liền của Khu triệu Song về nhưng hắn một mực từ chối. Hắn nói với mọi người:
– Mảnh đất quê hương tôi còn đang bị phỉ tàn phá, tôi còn phải góp xương máu giải phóng quê hương. Là một người Mèo, làm sao tôi lại có thể yên tâm đi khỏi đây khi người dân Đồng Văn, nhất là người Mèo chúng tôi còn bị bọn phỉ tàn bạo ngày đêm giết chóc, tàn sát!
Nghe những lý do chính đáng, với tinh thần yêu quê hương, dân tộc cao, từ miệng một người có cương vị như thế – một “ngôi sao sáng của dân tộc Mèo” – người nghe không biết nói sao, chỉ khuyên:
– Thủ trưởng cứ về, nói rõ với Khu rồi lại trở về đây. Không về, sợ có người cho là không chấp hành kỷ luật công tác!
Song đấm tay xuống bàn, bầu nhiệt huyết và tinh thần yêu quê hương cao quá nên không hề biết sợ hãi, quát:
– Tôi không về. Kỷ luật thì kỷ luật. Ai cấm tôi đem xương máu ra diệt phỉ. Chả lẽ yêu quê hương, bảo vệ quê hương là mang tội à? Tôi sẵn sàng chịu hy sinh, mất mát bản thân để góp phần vào công cuộc giải phóng quê hương.
Song cứ bám riết lấy Đồng Văn, ngày ngày ra Ủy ban, hò hét, vạch kế hoạch này, vạch kế hoạch khác tiễu phỉ. Hắn luôn mồm nói:
– Một ngày không có cống hiến gì cho cách mạng là một ngày tội lỗi.
Đam – hiệu thính viên điện đài Huyện ủy Đồng Văn – là một cô gái Tày xinh xắn. Cô có nước da trắng hồng, đôi má lúc nào cũng chín đỏ như hai quả táo. Đôi mắt ngây thơ, trong veo. Khi nào cô nhìn, ánh mắt dịu ngọt như nước suối, tạo cho người ta một cảm giác mát mẻ, thanh sạch.
Về huyện, ngay từ phút đầu, Song đã chú ý đến sắc đẹp và sự ngây thơ của Đam, ngày đêm bóp óc tìm “chiến thuật” tấn công. Ở cơ quan hắn, có một cô đánh máy trẻ. Hắn gạ gẫm. Cô gái từ chối. Hắn dọa, nếu không nghe sẽ đuổi khỏi cơ quan, nếu nghe hắn sẽ tăng cho một bậc lương. Thế là cô gái sợ, phải ưng thuận. Lần này gặp Đam, hắn nghĩ phải tìm cách nào có “hiệu suất chiến đấu” cao nhất, vì Đam không phải là nhân viên cơ quan hắn, phải hạ mình một chút, tế nhị một chút mới mong “thắng lợi”. Từ đó, lợi dụng cương vị công tác của mình, hắn thường xuyên có mặt ở huyện, ngắm bông hoa rừng đầy hương sắc này.
Hắn tìm mọi cớ, lúc xin đánh bức điện này, lúc xin đánh bức điện khác về khu, về tỉnh để có dịp tán tỉnh, quyến rũ cô gái.
– Về đây công tác, cô có thấy vui không? Tôi thì tôi luôn ôm ấp hình ảnh miền sơn cước tươi đẹp này. Ôi! Tiếng nhạc ngựa trong chiều vắng, những cô gái chăn dê xinh đẹp.. Cô có thích bài “Nụ cười sơn cước” không? “Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi, mưa mờ buông xuống núi đồi, và trong lòng tôi mưa hơn ở ngoài trời…”
– Thủ trưởng nói hay quá!
– Cô quá khen. Tôi vẫn có mơ ước trở thành thi sĩ, nhưng lớn lên ở thời buổi chiến chinh, tôi trở thành người chỉ huy quân sự – à, chắc cô không biết hồi kháng chiến tôi là tiểu đoàn trưởng Đồng Văn – rồi trở thành người hoạt động chính trị. Dù làm gì, tôi cũng vẫn làm thơ, tôi sẽ xin tặng cô những bài thơ tôi đã làm bằng rung động con tim tôi.
– Ở Thái Nguyên vui lắm, thủ trưởng nhỉ?
Song cao giọng vẽ ra cảnh làm việc nhàn nhã, khung cảnh nhộn nhịp của thị xã Thái Nguyên, nơi cơ quan Khu đóng, rồi cả quyết:
– Nếu cô muốn, tôi sẽ nói với các đồng chí ở đây, để cho cô về Khu làm việc ở cơ quan tôi. Làm việc với tôi, cô sẽ thấy thoải mái lắm! Đâu như cái đất khốn khổ chết tiệt này. Ở đó, tôi đi xe du lịch, xe com-măng-ca. Đâu tôi phải đi ngựa, đi bộ như ở đây!
Tán tỉnh bằng những lời văn hoa, bóng gió vẫn chưa làm cô gái xiêu lòng, hắn tìm chiến thuật mới. Phải lợi dụng địa vị của mình, lợi dụng mặt yếu của các cô gái. Thế là, khi gặp Đam, thấy vắng người là hắn tìm cách xuồng xã:
– Xin phép, cho anh nhặt cái mạng nhện trên tóc em! – Hắn vuốt vuốt mái tóc Đam.
– Chà, cái cổ áo bị cộm này! – Hắn nắn nắn cổ áo.
Không dám phản đối, hoặc chửi mắng hắn, Đam khéo léo chạy trốn. Hắn cứ nhăn nhở:
– Em ngại điều gì, ở đây, đứa nào dám động đến anh!
Đam cố ý tìm cách lánh mặt Song. Mỗi khi hắn mời mọc, chuyện trò, cô cố ý tìm cách thoái thác. Nhìn thấy bộ mặt phì nộn, cái bụng phệ của hắn, một cảm giác khó chịu cộn lên trong lòng cô. Song bực bội, tiếc rẻ: “Chà, nó mà là nhân viên cơ quan mình thì xong rồi! Có bướng mấy cũng bị ông cho vào tròng”.
*
Một buổi, anh Thảo nói với Nghĩa:
– Không tách được bọn “hai mặt” ra, chúng ta bị vướng lắm! Những tên bị bắt sợ chúng nên không dám khai. Những tên muốn về nhưng sợ chúng, không dám về. Chúng cứ tìm cách phá ta, chỉ huy ngầm bọn phỉ đang hoạt động.
Nghĩa nói với anh:
– Anh để tôi điều hắn đi! Có khả năng điều được!
Nghĩa gặp Đam ở một nơi vắng. Sau khi giải thích rõ yêu cầu của mình, anh nói với cô:
– Cô giúp chúng tôi, cô tỏ ra như là mê hắn, rủ hắn về Hà Giang trong đợt này.
Đam giẫy nẩy như vắt phải vôi:
– Nó là thằng đểu giả, mọi người nghi ngờ em, em chả làm thế đâu? Nhỡ đi đường nó giở trò thì em làm thế nào?
Nghĩa cố giải thích:
– Không sợ. Mọi người sẽ hiểu cô.
Đam suy nghĩ lung lắm. Một người con gái chưa chồng, lại đi với một tên có vợ, nổi tiếng dâm đãng. Các anh trong Huyện ủy vẫn hay kháo nhau về tính dâm đãng của hắn, đi với hắn khác gì cừu non đi bên con hổ.
Anh Thảo gặp cô, khuyên bảo. Đam nhận lời. Trưa hôm ấy, có điện gọi Song về tỉnh.
Cầm tờ điện trong tay, Đam vui vẻ nói với Song:
– Báo cáo thủ trưởng, có điện gọi thủ trưởng về tỉnh!
Song sa sầm nét mặt, bực tức cầm tờ điện. Có chuyện gì mà về, đường xa, qua bao đèo bao suối, ai mà đi được? Song toan bảo Đam đánh điện trả lời là hắn đang bận công tác, chưa về được, thì Đam tươi cười nói:
– Thủ trưởng có về cho em về cùng cho vui. Em có lệnh về tỉnh nhận máy điện mới mà chưa biết đi với ai, đi một mình thì sợ lắm!
Song đang bực bội bỗng tươi tỉnh hẳn lên. May quá, tí nữa mà bảo nó đánh điện báo mình không về thì mất một dịp may hiếm có. Con bé này đừng hòng thoát khỏi tay ông. Song tỏ ra dễ dãi, thân mật:
– Thế à? Tôi đang bận lắm, bao nhiêu việc quan trọng chưa giải quyết xong. Các anh ở Khu về hết, giao tôi phụ trách chung, chỉ đạo tỉnh, huyện. Gọi về, chắc có việc quan trọng. Trung ương lên hỏi ý kiến tôi đây. Thôi được, để tôi sắp xếp công việc, ta cùng về nhé!
Ngay sau đấy, Song vội vàng thu xếp tài liệu, đốt hết những giấy tờ bí mật, thư từ với bọn tay chân, chuẩn bị lên đường.
Hai con ngựa đưa họ ra đi. Song ngất ngưởng tấm thân to béo trên ngựa. Hắn đạp yên, giật cương, luôn tỏ ra là một tay giang hồ mã thượng. Hắn hí hửng mừng thầm: “Con bé này không thể thoát khỏi tay ta”…
Ra đến Phố Cáo, hắn lững thững cho ngựa đi nước kiệu, chỉ trỏ thung lũng, cất giọng văn hoa ca ngợi cảnh đẹp núi rừng.
Bỗng hắn giật mình thấy Nghĩa đang ngồi nghỉ bên đường. Con ngựa hồng đang thở. Nghĩa mừng rỡ reo lên:
– Chà, may quá, gặp anh ở đây. Anh đi đâu đấy?
Song sa sầm nét mặt, không trả lời. Đam nhanh nhẩu:
– Thủ trưởng và em về tỉnh.
– Hay quá, tôi cũng về tỉnh, có bạn đường, vui quá!
Song buồn thiu, tiếc rẻ. Miếng mồi ngon đến miệng còn rơi mất. Chỉ tại thằng ôn vật này.
Song gắng gượng nói:
– Ta cùng đi cho vui:
Song miễn cưỡng đi, trong lòng nặng nề, nuối tiếc, chỉ mong có chuyện gì đó, Nghĩa bỏ không đi cùng.
Tối hôm sau, họ đến Làng Đán. Ba người vào quán bà Tẹo.
Từ các phía, những toán người lục tục kéo đến. Những con ngựa mệt mỏi thở phì phì, gõ móng trên mặt đá. Người ta tháo yên, mả páo, lá thí cho ngựa nghỉ. Những người mã phu hát nghêu ngao.
Lúc sau, một toán dân quân, công an vác súng dẫn một phạm nhân vào quán. Nghĩa, Song nhìn ra. Ô, Hầu Vạn Quả. Song muốn gặp Quả ngay, nhưng không tiện. Nghĩa hỏi người công an dẫn giải:
– Đồng chí giải hắn về trại giam tỉnh phải không?
– Vâng, Ty giao đưa hắn về tỉnh.
Song cũng đến bên Quả lạnh lùng nói:
– À ông, về tỉnh rồi tôi sẽ nói chuyện với ông.
Rồi Song lẳng lặng lên gác, tỏ vẻ khó chịu.
Cơm nước xong, họ đi ngủ. Song, Nghĩa nằm chung một buồng. Song bàn chuyện thời sự một hồi. Hai người ngủ thiếp đi.
Nửa đêm, Song choàng dậy, gác chân lên Nghĩa. Không thấy động đậy gì. Biết Nghĩa đã ngủ say, hắn nhỏm người, khoác áo, rón rén đi ra. Hắn xuống gác, tìm kiếm. Hắn định tìm buồng Đam ở. Sau một phút suy nghĩ, hắn đến trước buồng Đam, nhưng lại tần ngần một phút rồi đi qua và dừng lại gần buồng nhốt Quả. Nhìn trước nhìn sau, không thấy người gác, hắn vội lẻn vào, mò đến bên giường Quả, lay gọi Quả dậy, nói khẽ bằng tiếng Mèo:
– Ông không được khai tổ chức, những buổi họp hành của chúng ta. Ông khai ra chúng sẽ xử tử ông. Ông nên biết rằng, ông khai gì, chúng đều báo cáo cho Tỉnh, cho Khu, cho Trung ương. Tôi, anh Ân, ông Hoàng đều biết cả.
Quả lo lắng phều phào:
– Thế thì khai thế nào để chúng cho là hợp lý?
– Tốt hơn hết là ông không khai gì cả, bất đắc dĩ phải khai, ông khai cho bọn đặc vụ và mẹ con mụ Síu. Từ trước đến nay, mẹ con mụ thiếu gì tội. Cho chúng chết. Chúng ở Hà Nội thoát nợ còn chúng ta khổ trăm bề. Mặt khác, cán bộ Trung ương về hỏi, ông cứ nói là cán bộ người Kinh lên làm sai chính sách, hống hách, quan liêu nên dân nổi dậy. Hôm nọ, ở Sà Phìn, tên Lồ Cho Ván định khai, tôi đã phải tẩn cho một trận rồi đó. Ông không khai, ông Hoàng sẽ xin tha cho ông. Còn ông khai lộ ra, ông Hoàng và chúng tôi sẽ không để ông yên đâu…
Mấy phút sau, Nghĩa chợt tỉnh, ngơ ngác không thấy Song nằm bên. Anh tung chăn đứng lên nhìn qua khe cửa. Rừng núi yên tĩnh. Ánh trắng mờ mờ soi qua đám sương mù huyền ảo.
Chắc là Song mò đến phòng Đam rồi đây. Thế thì nguy cho cô, phải tìm cách cứu ngay. Anh lách ra cửa, đi dọc qua các cửa buồng, nghe ngóng tìm kiếm. Bỗng có tiếng nói vọng ra rất khẽ. Anh áp tai vào cửa. Nhưng đó là hai tiếng đàn ông, ồm ồm. Giọng Song nói bằng tiếng Mèo. Anh không hiểu, tức thật.
Tiếng nói ngừng, Song chuẩn bị đi ra. Thấy tiếng bước, Nghĩa nhanh chân tháo lui về buồng, giả vờ ngủ say. Anh nhận định: Hắn ta dám dẹp tính hám gái cố hữu để gặp Quả, chắc là có thông báo hệ trọng lắm đây. Phải tìm cho ra.
Về đến thị xã Hà Giang, anh điều tra thêm về quá khứ, hành vi của Quả rồi vào trại giam khai
thác.
Tìm hiểu những lời khai trước của Quả, anh thấy rằng, muốn hắn khai phải nắm kỹ hơn tâm tư, nhất là điều Song vừa nói với hắn.
Một hôm, Quả đang nằm thì có một tên phỉ người Mèo bị đưa vào giam cùng phòng với hắn.
Cùng giam một phòng, cùng dân tộc Mèo, cùng trong tổ chức nổi loạn, chúng trở nên thân mật, cởi mở. Tên phỉ, tính tình chín chắn, điềm đạm, kín đáo. Quả tin cẩn, thường đàm đạo, nói cho hay những suy nghĩ của mình.
Một buổi tối, nhân nhà cúng ma, tên phỉ được vợ tiếp tế rượu thịt. Hai đứa cùng chè chén.
Ngồi sát bên nhau, rượu ngà say, tên phỉ mới khẽ hỏi:
– Tại sao chúng hỏi kỹ thế mà ông không khai?
Quả đảo mắt quanh phòng, biết bọn nằm bên đã ngủ hết, mới khẽ nói:
– Song bảo, ta khai gì, bọn công an ở đây cũng báo cáo Tỉnh, Khu, Trung ương. Song, Ân, Hoàng đều biết. Mình khai ra, đến tai họ, họ giết mình ngay.
Tên phỉ lắc đầu:
– Ông ấy nói khoác để dọa ông thôi. Công an bí mật lắm. Có phải việc gì cũng báo cáo Tỉnh, Khu đâu? Mà ông Song, ông Ân là thá gì mà Tỉnh, Khu phải báo cáo các ông.
Quả thấy cũng xuôi tai. Tên phỉ tiếp:
– Nếu họ có quyền lớn thế thì sao họ không xin cho chúng mình ra rồi, cứ nằm ở đây. Tôi ngẫm kỹ rồi, nam giải thật. Mình không khai thì biết đến bao giờ mới về quê hương. Nhất là ông, tuổi già, có chết phải giữ nắm xương tàn ở quê hương chứ? Mình chết là mình thiệt. Các ông ấy có bao giờ thương đến mình. Tôi còn lạ gì bụng dạ ông Hoàng, ông Song, ông Ân.
Quả gật gù, bát rượu trên tay sóng sánh. Hôm sau, cuộc hỏi cung tiếp tục. Lại người mặt vuông chữ điền, đôi mắt sắc, cái píp ngậm trên miệng.
– Anh hãy khai cho chúng tôi biết tổ chức nổi loạn của các anh?
Hầu Vạn Quả lúng túng:
– Tôi không biết. Tôi không ở trong tổ chức của chúng nên không biết.
– Anh nên thành thật. Chắc anh sợ những lời khai ra, sẽ đến tai những tên cầm đầu, chúng sẽ giết anh. Tôi xin nói để anh rõ, ngoài chúng tôi ra, không ai có thể biết được lời khai của anh đâu!
Quả nhăn trán suy nghĩ. Người hỏi cung tiếp:
– Anh có biết hiện giờ bọn cầm đầu ở đâu?
Những điều tên phỉ khuyên và lời nói của người hỏi cung này làm hắn sôi lên nỗi căm tức đối với Hoàng, Song, Ân. Hắn tự nghĩ: “Ông cứ khai, cho chúng mày chết, ít ra ông cũng nhẹ tội. Chúng mày tưởng đổ hết tội lỗi lên đầu, bắt ông chịu à?”
Hắn uống chén nước rồi khai rõ buổi họp ở Sà Phìn.
– Hoàng đi giao lại quyền hành cho ai?
– Dạ, giao cho Mã Học Văn chỉ huy chung, Vàng Chúng Dình tổng tư lệnh quân đội.
– Anh có biết Dình hiện nay ở đâu? Số phỉ trong tay hắn là bao nhiêu không?
Quả nghĩ ngợi một lúc, cố đoán ra nơi ở của Dình, nhưng không đoán ra được, đành thành
thật:
– Tôi thật không biết nơi ở của nó.
– Ai có thể biết chỗ ở của hắn?
Mặt Quả bỗng sáng lên:
– Chúng Dình tin cẩn Văn, Minh lắm. Minh có thể biết nơi ở của Dình.
Hỏi cung Quả xong, Nghĩa lên ngựa phóng ngay về Phó Bảng gặp anh Thảo. Nghĩa trình bày lại những lời Quả khai.
Anh Thảo nói:
– Thế thì cậu nên dùng ngay Mã Chính Minh làm cơ sở. Từ Minh ta có thể tìm được Dình. Đó là con đường nhiều triển vọng!
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍