Một buổi sáng quang đãng, trên con đường dẫn vào Phó Bảng, có hai người, một trẻ, một già, cưỡi hai con ngựa hồng đi song song, vừa đi vừa trò chuyện thân mật. Người trẻ, mặt vuông chữ điền, đen sạm, mắt sắc, dáng người to khỏe, mặc chiếc áo da, miệng ngậm píp. Người già nét mặt hiền hậu, mồm hơi móm. Đó là Trần Tấn Nghĩa và đồng chí Lê Đình Thiệp.

Hai người chuyện trò ôn lại những kỷ niệm gắn bó họ với nhau.

Cuộc đời có nhiều mối dây liên hệ. Sự gắn bó giữa đồng chí và Nghĩa đã nói lên điều đó.

Sau khi đưa Nghĩa vào “Thanh niên cứu quốc”, đồng chí Thiệp tiếp tục giáo dục anh, gạt bỏ dần tính yêng hùng, hiệp sĩ trong anh. Một thời gian sau, Nghĩa chuyển sang công an, đồng chí sang quân đội.

Toàn quốc kháng chiến, hai người lên chiến khu. Năm 1947, Pháp cho quân nhẩy dù xuống Cù Văn (Thái Nguyên). Hôm đó, đồng chí Thiệp đang chỉ huy một đơn vị bộ đội chiến đấu thì bị một tốp lính dù Pháp, vừa nhảy xuống, bắn bị thương. Kiệt sức, đồng chí gục xuống. Lính Pháp xông đến hò hét toan bắt. Tình thế thật nguy ngập.

Ngay khi đó, một bóng người to lớn vụt chạy đến, xốc đồng chí lên vai, lao về phía trước.

Khi tỉnh lại, đồng chí thấy mình nằm trong một khu rừng vắng, bên cạnh, Nghĩa đang cầm súng lăm lăm đứng gác. Xung quanh yên tĩnh.

Đồng chí biết Nghĩa đã cứu mình, mở đường máu, vượt vòng vây quân Pháp chạy về đây. Và giờ đây, hai người lại cùng lên tiễu phỉ ở mảnh đất xa xôi này.
Là chiến sĩ trinh sát, được người cán bộ chỉ huy chung là người thân, Nghĩa rất mừng.

Nhận kế hoạch gây Mã Chính Lâm thành cơ sở, Nghĩa nghĩ ngay đến đồng chí Thiệp. Anh hiểu rằng, đồng chí Phó Chính ủy quân khu rất có uy tín với người Huyện đội trưởng.

Đúng như Nghĩa dự đoán, được đồng chí Thiệp đến thăm, Lâm rất vui, coi đó là một vinh dự lớn, một sự tin cậy.

Sau câu chuyện thăm hỏi, sau lời biểu dương sự đóng góp của Lâm đối với chiến dịch tiễu phỉ chung, đồng chí nói với Lâm:

– Anh Nghĩa là công an khu lên công tác, lại là người thân của tôi. Anh rất cần sự giúp đỡ của anh. Hai người làm quen với nhau đi.

Lâm tươi cười nhìn Nghĩa. Hai người chuyện trò.

Những ngày sau, Nghĩa thường cùng Lâm đi săn. Trong lúc săn bắn, họ tâm sự với nhau. Mới đầu, nghe nói Nghĩa là công an khu, Lâm cũng hơi chột dạ. Không biết mình có bị công an nghi ngờ, theo dõi hay không? Chí Song nói với Khu về mình thế nào, hay nó đổ riệt cho mình là hai mặt, dính líu với phỉ? Thằng này thì tráo trở lắm, có thể đổ vấy tội cho người khác để tranh công, dìm người khác, leo tên địa vị cao hơn. Lâm hiểu Song lắm chứ.

Trong những lần gặp gỡ, tiếp xúc với Nghĩa, Lâm luôn thăm dò, đề phòng, chưa hoàn toàn tin tưởng.

Nhưng càng tiếp xúc với Nghĩa, Lâm càng thấy người cán bộ công an này chân tình, trung thực, tin tưởng anh. Một hôm, Nghĩa tâm sự:

– Trước cách mạng tháng Tám tôi là lính thủy của Pháp. Thì anh tính, thanh niên mới lớn lên, ai mà chả có máu anh hùng, thích phiêu lưu mạo hiểm, xông pha trận mạc? Mới đầu tôi có vẻ tự hào về cuộc đời lênh đênh sóng nước, sống sung túc, ăn tiêu thỏa chí của mình. Anh tính, trước kia lương một quan huyện là 60 đồng Đông Dương. Với số lương đó, nếu giả như có tên quan huyện nào không nhận tiền đút lót, không tham nhũng – tất nhiên chả tên quan nào không tham nhũng – thì có một chiếc xe tay sang, nuôi một thằng quít, một cô sen và nuôi cả vợ con, hàng chục người sống sung túc. Thế mà lương tôi những 80 đồng, chưa kể tiền trợ cấp nguy hiểm sóng nước khi ở trên biển, tiền trợ cấp trước khi đi chiến dịch. Thế mới biết thằng Tây nó mua chuộc và xảo quyệt trong việc tuyển dụng người thuộc địa. Tôi đã từng đi 16 nước tư bản, đến cả Châu Âu, châu Phi. Tôi hiểu mình là cái công cụ chiến tranh của nó, làm bia đỡ đạn cho nó, rất nhục nhã, không có tự do. Vì thế, khi có người giác ngộ, tôi rất thấm thía. Tôi được nghe chuyện Bác Tôn Đức

Thắng, cũng là lính thủy của Pháp, khi “chiến hạm Pa-ri” tấn công Liên Xô, Bác đã kéo cờ búa liềm phản đối Pháp, ủng hộ Liên Xô. Còn mình thì lại đi kéo cờ xanh, đỏ của kẻ thực dân, bắn phá làng xóm, quê hương mình. Tôi bỏ quân ngũ, về với cách mạng. Cách mạng đón nhận tôi như đón đứa con lầm lạc trở về. Tôi được tin cậy hoàn toàn. Từ đó đã 15 năm rồi, theo cách mạng, biết bao gian nan nhưng vinh quang, tự hào lắm…

Lâm chăm chú nghe từng lời của Nghĩa. Lâm thành thật giãi bày:
– Cuộc đời anh cũng giống tôi quá. Tôi được ông Hoàng cho làm đại đội trưởng, bao lần chỉ huy lính Mèo đánh bọn Tàu Tưởng, họ Dương. Tôi cứ tưởng như thế là bảo vệ cho đất nước. Không ngờ ông Hoàng là người theo Pháp, Nhật, Tưởng. Hóa ra tôi chỉ bảo vệ quyền lợi của Hoàng, phản lại dân tộc Mèo. Vì thế, sau này, tôi theo cách mạng, không tính toán gì nữa. Duy còn một điều băn khoăn.

– Điều gì, anh?

– Tôi còn nhớ, hồi kháng chiến, một lần Chí Song nói với tôi: “Anh một lòng một dạ đi theo cách mạng nhỉ? Còn tôi, anh biết đấy, tôi còn có con đường riêng, rồi xem ai hơn ai?” Hôm vừa qua, hắn gặp lại tôi, cười mai mỉa: “Anh một lòng một dạ với cách mạng, giờ cũng chỉ là cán bộ Huyện, còn tôi và anh vợ anh đó, lại là cán bộ Khu, Tỉnh. Hà hà, ai đã khôn hơn ai” Tôi muốn chửi vào mặt hắn, nhưng phải cố kìm lại. Khổ một nỗi, vợ tôi, bà con họ hàng, thỉnh thoảng lại ca thán: “Người ta cũng theo cách mạng như anh, giờ là cán bộ cao cấp, còn anh!” Anh bảo biết ăn nói với bà con thế nào? Tôi chẳng tính toán gì, nhưng thấy những đứa cơ hội, lừa đảo, đểu giả, nó chỉ huy và lên mặt dạy những người ngay thẳng, tôi ức lắm!

Nghĩa biết đây là vấn đề tế nhị và khó giải thích. Anh nói xa xôi:
– Gái có công thì chồng chẳng phụ, cách mạng đối với cán bộ là thế. Còn đối với bọn cơ hội, thì dần dần anh sẽ hiểu thôi. Ở địa vị cao, chưa chắc đã được tin cậy bằng những người bình thường nhưng chân chính. Anh cứ tin vào điều đó. Anh đã biết hai lực lượng chuyên chính tin cậy của Đảng là quân đội và công an. Anh ở trong quân đội, lại được công an chúng tôi tin cậy, thế nghĩa là Đảng tin anh?

Những điều Nghĩa nói, củng cố dần niềm tin cho Lâm.

Hai người ngày càng gắn bó. Một hôm Lâm vui mừng nói với Nghĩa là vợ ở cữ. Không ngần ngại nguy hiểm, Nghĩa về thăm, chia vui với Lâm. Lâm cảm động, càng thân mật với Nghĩa.

Khi về, nhân nhắc đến gia đình Lâm, Nghĩa hỏi:

– Anh Chính Minh của anh bây giờ thế nào? Hình như anh vẫn quanh quẩn ở nhà?

Lâm buồn buồn nói:

– Lâu nay anh ấy khó hiểu lắm. Anh có tài, cũng yêu dân Mèo. Trước kia anh đánh đông dẹp bắc, có nhiều công lao. Từ ngày phỉ nổi đến giờ, anh nằm yên ở nhà.

– Tiếc thật, có tài như anh Minh mà theo cách mạng thì bọn phỉ chóng tan hơn, họ Mã được đồng bào suy tôn biết mấy!

Nghe nhắc đến họ Mã, Lâm cảm thấy vừa tự hào, vừa nuối tiếc. Lâm tiếc cho cha, cho anh.
Cha anh già, suốt đời gắn với Hoàng, khó bề ngăn cản, nhưng còn anh Minh, làm sao đây?

– Anh dẫn tôi gặp anh Minh được không? – Nghĩa mạnh dạn hỏi, sau khi đã suy nghĩ kỹ lưỡng.
– Được thôi. Bọn phỉ bây giờ co lại, xã Sủng Là hoàn toàn thuộc về ta. Anh tôi ở nhà, anh gặp được.

*

Một mình nằm bên bàn đèn, Minh chìm trong những suy nghĩ mông lung.

Sau khi phỉ nổi lên, Minh được phân công chỉ huy ngầm. Minh vẫn sống ở xã, ngày ngày liên lạc giữa cha và Vàng Chúng Dình. Nếu phỉ thắng lớn, có lẽ Minh cũng đã cầm một cánh tấn công. Những mục tiêu lớn bị quét, Minh nằm im, chỉ cho tay chân liên lạc với các tướng phỉ mà thôi.

Vốn là tay xông pha chinh chiến, có nhiều công lao, Minh coi thường tất cả những tướng lĩnh của Hoàng. Ngay Song, Ân, Minh cũng không phục. Minh muốn họ Mã mình có uy tín vượt lên trên tất cả các họ, kể cả họ Hoàng.

Có Mã Chính Lâm, một đứa em có tài quân sự, hăng hái, nổi lên trong các tướng của Hoàng, Minh mừng lắm. Minh hy vọng rằng, ba cha con họ Mã sẽ đồng tâm hiệp lực, làm mưa làm gió đất Đồng Văn này.

Văn ngày một già yếu, phải nhường việc xông pha trên bãi sa trường cho bọn trẻ, Lâm ngả về phía cách mạng, Minh thấy buồn nản.

Cách mạng phát triển ở Đồng Văn, Minh dần dần mất thế. Song, Ân đóng vai hai mặt, leo lên địa vị cao, Minh càng thất vọng. Giấc mộng anh hùng đành nén trong lòng.

Ngày nổi loạn bùng ra. Sau cuộc họp, Minh trở về cùng với cha chỉ huy ngầm bọn chân tay.

Nhìn thấy lực lượng mình suy yếu dần, quân cách mạng tràn lên như nước lũ, Minh không khỏi suy nghĩ. Minh cố xem xét những người cách mạng, những cán bộ Mèo trong huyện, kể cả Vù Mi Kẻ.

Một hôm, Minh gặp Nghĩa, Nghĩa mặc áo da, chân đi ghệt da, đầu đội mũ lông, râu đen rậm, trên ngực chéo hai băng đạn, cưỡi con ngựa hồng to hung hãn.

Vừa trông thấy thân hình lực lưỡng, cánh tay rắn chắc, mặt vuông chữ điền, đôi mắt sắc, với cách trang phục oai vệ, Minh giật mình. Thằng Lâm nói không ngoa. Quả là tướng của tay giang hồ mã thượng. Nhưng không biết chân tài thế nào đây? Để thử sức xem sao!

Một buổi chiều, Minh rủ Nghĩa phi ngựa trên đồi. Bỗng nhìn thấy một con chim đậu trên ngọn cây cao, Minh hỏi Nghĩa:

– Anh có bắn trúng con chim kia được không? Nghĩa nhìn con chim, quả quyết:
– Tôi bắn được!

Nghĩa rút ngay súng ra. Vẫn ngồi trên yên, anh thúc ngựa tiến lên, giương súng nhằm con chim, nổ một phát. Con chim trúng đạn rơi ngay xuống. Minh nhủ thầm: “Tiếng đồn quả không ngoa”!

Hai người dừng trên ngọn đồi, buộc ngựa vào gốc cây, ngồi trên một tảng đá. Minh tháo bi đông rượu mời Nghĩa cùng uống. Sau ngụm rượu, Minh hỏi:

– Anh đã đọc “Tam quốc” chưa?

– Đọc rồi.

– Anh thích những nhân vật nào nhất?

– Tôi thích những nhân vật anh hùng, vì nghĩa lớn, coi cái chết nhẹ như lông hồng, như Trương Phi, Quan Công, Triệu Tử Long…

– Anh đọc “Đông chu liệt quốc”, “Hán Sở tranh hùng” chưa?

– Đọc rồi.

– Anh thích nhân vật nào?

– Nhiều nhân vật tôi thích. Nhưng thích nhất nhân vật anh hùng, quả cảm như Kinh Kha một lần qua sông Dịch là không về. Nhân vật Hàn Tín, Phàn Khoái, Hạng Vũ đầy dũng khí còn để lại tiếng thơm muôn đời.

Máu nghĩa hiệp như được khuấy lên trong người, Minh hỏi:

– Anh thấy thanh niên Mèo chúng tôi thế nào?

Nghĩa rút một điếu thuốc, châm lửa hút, nhìn những đỉnh núi cao sừng sững trước mắt, chậm
rãi:

– Tôi rất thán phục người Mèo các anh. Đó là những người có tinh thần thượng võ, dũng cảm, ngay thật, yêu tự do và có tinh thần dân tộc cao lắm. Nhưng, chưa tìm đúng minh chủ…

Minh gật gù, rượu ngấm trong người, tinh thần sảng khoái. Minh đã gặp nhiều người Kinh lên đây, nhưng chưa ai hợp với mình như “đại ca” này.

Ba hôm sau, vào buổi sáng, hai con ngựa hồng sải dài trên đường vắng, đưa Minh và Lâm vào cánh rừng yên tĩnh.

Đến một khoảng rừng thưa, họ dừng ngựa. Trước mắt, những làn mây trắng quấn quanh đỉnh núi, trôi trong lòng những vách đá đen sẫm, cao ngất, như một dòng sông mây.

Lâm quay sang phía anh buồn bã, chiếc roi ngựa vẫn quấn trên tay:
– Anh Minh, vừa qua được biết tên Hầu Vạn Quả đã khai hết các cuộc họp của ông Hoàng, trong đó có cha, anh. Thật là rắc rối cho cha và anh.

Mã Chính Minh sa sầm mặt, mím môi dằn giọng:

– Thằng Hầu Vạn Quả khai hử? Nó phải chết? Ta sẽ hỏi tội nó. Lâm nói như than:
– Đã bao lần em nói với anh, bây giờ khác trước rồi. Cách mạng hùng mạnh rồi, các anh không thể lấy gậy chống trời, lấy cỏ gianh giật đổ cây lim. Thế mà anh vẫn không nghe ra. Anh xem từ trước đến giờ, ông Hoàng toàn lợi dụng cha con ta phục vụ cho dòng họ của ông, mình có được gì đâu. Trong phen nước sôi lửa bỏng này, họ bỏ về Hà Nội để những người ở đây chịu tội. Bọn nổi loạn đang thất bại, đang bị dồn vào thế bí, trước sau rồi cũng bị quét sạch mà thôi. Thế mà anh vẫn chưa nhận ra con đường sáng, anh vẫn cứ trung thành với những kẻ xấu, chẳng bao giờ nghĩ đến tương lai mình. Là người họ Mã, dù biết chuyện của cha và anh, không bao giờ em nói, em chỉ khuyên anh sự thật mà thôi. Em không đang tâm nhìn cha và anh bước vào chỗ chết!

Mã Chính Minh quất vun vút cái roi ngựa trên tay:

– Đã lên ngựa quất roi thì phải theo ngựa. Đã bao năm ngồi trên mình ngựa, từ ngày biết cầm khẩu súng đến giờ, tao chỉ biết chĩa súng, không biết quay súng bao giờ, chả lẽ bây giờ quay súng sao?

– Người anh hùng thức thời thì không nên cố chấp, quay súng lại phục vụ dân Mèo chứ phản bội dân tộc đâu mà anh lo?

– Tao có tội, giờ dù có quay về theo họ thì cũng bị trừng trị mà thôi!

– Không, nếu giờ đây, anh thật sự quay về với Chính phủ, bỏ con đường tối đi thì Chính phủ sẽ khoan hồng, anh sẽ có dịp lập công; anh sẽ có dịp phục vụ người Mèo, làm cho người Mèo có ăn có mặc. Đây là mình về với nhân dân chứ không phải là đầu hàng!

Minh im lặng, thấy khó vặn lại em. Nó là em mình, nó ít tuổi hơn mình, thế mà mắt nó nhìn xa hơn, bụng nó nghĩ sâu hơn, chân đi đường sáng hơn mình.

Thấy anh im lặng, biết đã chuyển, Lâm dấn thêm:

– Anh nên quay lại với Chính phủ đi thôi!

Minh vẫn im. Được, để xem thời cơ thế nào đã. Để xem bọn Sùng, Chiu, Dình thế nào đã, chưa phải đến lúc ta mất hết thời cơ.

*

Bị phỉ của Lồ Chúng Tính vây kín phía sau, Giàng Vạn Sùng liền vượt sông Nho Quế, sang Trung Quốc. Người ngựa thấm mệt, quần áo ướt sũng, Sùng cho ngựa đi lững thững bên bờ sông. Đói và mệt giày vò, rét cắt da, trong lòng buồn bã, chán nản.

Hình ảnh Mí Dính vừa chết cứ chập chờn, chập chờn trước mắt hắn.

Đến gần một gốc cây, hắn dừng ngựa nghỉ, mắt hướng về phía Lũng Cú. Con sông Nho Quế trước mắt ngoằn ngoèo giữa hai thành đá xanh rì, dòng nước đỏ như máu lững lờ chảy.

Nhiều ý nghĩ quanh quẩn trong óc Sùng. Hắn nhìn con tuấn mã đang mệt mỏi, nhìn khẩu súng thân thiết bao năm bên mình. “Ta đâu có phải là tên bất tài, hèn nhát? Bao nhiêu năm lăn lộn, chinh chiến, ta đã chịu khuất phục trước đứa nào đâu? Ta thua ư, có phải trời bắt ta? Không! Khi ta vươn lên, do bàn tay sức lực ta chứ có trời đất nào? Do số mệnh là gì, ta không biết, tại sao nếu số mệnh đã định, sao hồi 56 ta không bị chết, khi âm mưu nổi lên cùng với vụ Nậm Trịnh? Ta hết thời ư? Phải rồi, do ta hết thời rồi! Mà đã hết thời rồi thì có cố cũng không được.

Hay là ta đâm đầu xuống dòng sông Nho Quế này. Ta sinh ra bên nó, thì chết trong lòng nó. Còn gì nữa, nhà cửa rồi sẽ bị vợ con Mí Chú, Mí Sính, Thị Chúa phá tan tành thôi; Người Mèo ta thường trả thù ghê gớm. Nợ máu phải trả bằng máu, như ta đã trả thù Sính, Chú. Thằng con cả dũng mãnh của ta thì đã chết rồi. Thằng Mí Páo thì còn bé, còn thằng Mí De có trả thù cho ta được không? Còn gì nữa, chân tay ta tan tác rồi, đứa chạy, đứa hàng quân Cộng sản, đứa đánh lại ta. Ta chẳng còn mặt mũi nào nhìn thấy chúng. Cộng sản coi ta là phỉ, phỉ coi ta là kẻ phản bội, ôi, ta sống với ai?

Ta chỉ còn hy vọng ở Chí Song, Chí Ân, Chúng Dình. Chúng Dình còn sống, còn quân, thế nào cũng nổi lên. Làm thế nào để về được với Chúng Dình đây? Song, Ân khôn ngoan, thế nào cũng còn được Cộng sản tin dùng. Thế thì hy vọng của ta còn, phải cố gắng trả thù. Biết đâu ta lại chẳng sẽ quét được bọn Cộng sản đã đánh đuổi ta, giết được thằng Chúng Tính đã giết hại con trai ta?

Giữa lúc đó, một toán kỵ binh nhấp nhô tiến về phía hắn. Người nào người nấy quần áo ka- ki màu xanh, mũ lưỡi trai, khẩu súng vắt chéo trên lưng, băng đạn kín trước ngực. Sùng biết đó là Giải phóng quân Trung Quốc.

Nhìn những bóng người nhấp nhô trên lưng ngựa, đang tiến lại gần, người hắn nóng bừng, mệt mỏi tan đi, máu ham chiến rừng rực.

Có chết cũng chết trên lưng ngựa, hắn tự nhủ.

Đoàn người tiến lại gần, vừa tiến vừa chĩa súng về phía hắn.

Sùng biết họ đuổi theo bắt mình rồi, không thể lẩn tránh được nữa. Hắn nạp thêm đạn, nhảy lên ngựa, ẩn mình sau tảng đá, bình tĩnh chờ đoàn quân đến gần.

Còn cách đúng tầm, Sùng giương súng bắn một băng. Đoàn người cúi rạp xuống mình ngựa, lao đến. Sùng bắn một băng nữa rồi lên ngựa phi nước đại.

Tiếng hét vang lên phía sau, một vài phát súng bắn chỉ thiên. Tiếng vó ngựa to dần to dần.
Biết không thể chạy thoát, hắn chùng giây cương.

Năm con ngựa leo lên. Năm người chĩa súng về phía hắn. Một người hỏi bằng tiếng Quan
hỏa:

– Người ở đâu đến?

Sùng chỉ tay về phía Lũng Cú.

– Đúng nó là phỉ rồi! – Một người reo lên. Sùng im lặng.
Người ta giải hắn về biên giới, trao cho một đơn vị công an vũ trang. Các chiến sĩ giải hắn từ biên giới về Phó Bảng.

*

Sau khi bị đám phỉ của Lồ Chúng Tính đánh tan, bộ hạ của Giàng Vạn Sùng là Giàng Dúng Cáng kéo phỉ lẻn về nhà Sùng, đưa đứa con thứ hai của Sùng là Giàng Mi De vào rừng, tìm cách trả thù.

Hàng ngày, chúng cho phỉ tỏa đi tìm tung tích của Giàng Vạn Sùng.

Ba hôm sau, biết công an sẽ giải Sùng về Phó Bảng, qua đường Lũng Cú, Cáng tập họp phỉ lại nói:

– Bọn Cộng sản sẽ dẫn chủ tướng qua đây, bây giờ ta phải cứu thoát khỏi bàn tay của chúng, để chủ tướng về khôi phục lực lượng, chỉ huy chúng ta. Ý các anh thế nào?

Cả bọn hoa tay múa chân, hét lên:

– Phải cứu chủ tướng, phải cứu!

Cáng phác họa kế hoạch:

– Bây giờ ta chia quân thành hai nhóm. Một nhóm phục kích bên đường. Khi nào bọn Cộng sản dẫn chủ tướng qua thì ta tấn công. Tất nhiên chúng phải chống cự lại. Chờ cho chúng bận đối phó với quân ta phục kích, thì nhóm thứ hai sẽ lao ngựa lên cướp chủ tướng phóng đi. Nhất định ta sẽ thành công. Bọn cộng sản chắc là sẽ không ngờ. Anh em cần phải mau lẹ.

Nói rồi, chúng chia quân phục ngang con đường từ Lũng Cú về Phó Bảng.

Nhưng chờ mãi, một ngày, hai ngày chẳng thấy đoàn dẫn giải đi qua. Ngày thứ ba, một tên do thám phi ngựa về báo:

– Bọn công an dẫn chủ tướng đi theo đường tắt về Phó Bảng rồi!

Giàng Mí De vò đầu uất ức:

– Thế là cha sẽ chết về tay chúng rồi, cha ơi!

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn