Một tối mùa đông ở Hà Nội.

Mụ Síu lần hết chuỗi tràng hạt, gõ vài tiếng mõ kết thúc buổi tụng kinh thường lệ rồi lẹp kẹp lê dép sang phòng ông con rể.

Thấy mẹ vợ sang, Hoàng nhổm người lên khỏi mặt giường lò xo phủ chiếc chăn len, tựa vào chiếc gối dày, húng hắng:

– Tình hình Đồng Văn xấu lắm bà ạ. Những nơi nổi dậy bị dập, mỗi đứa tản về một nơi. Vừa qua thằng Hầu Vạn Quả, thằng Sùng bị bắt. Mưu đồ bí mật của ta sẽ bị lộ hết. Có lẽ tôi phải đích thân lên chỉ huy bọn chúng mới may ra cứu vãn được tình hình.

Mụ Síu nhón tay lấy một điếu “Đại tiền môn”, châm lửa hút, nhả khói, rồi thở dài thườn thượt:

– Tôi đã bảo mà, sểnh tay tôi ra một tí là hỏng hết mà. Trước kia, tôi chả khuyên ông là phải hết sức thận trọng, ở Hà Nội này hích ngầm chúng thôi! Ông lồng ngay về, họp họp hành hành, làm tóe loe ra, giờ đến nông nỗi này. Có Gia Cát sống lại cũng khó bề cứu nổi. Các ông cứ khinh con già này, cho là lú lẫn rồi mà!

Mụ giằn dỗi, oán trách ông con rể chí hiếu như vợ oán chồng, rồi lại thở dài thườn thượt:

– Giờ chỉ các ông chết cả nút. May cho tôi, ở hiền gặp lành, không dính dáng gì đến chuyện tầy đình này.

Hoàng trách người bạn tri kỷ, vị quân sư của mình:

– Từ xưa đến nay bà với tôi vốn sống chết có nhau, chung tình chung nghĩa, giờ tôi hoạn nạn, bà xa lánh được sao? Bà cũng nên bàn bạc, ban ý, tôi giờ đầu óc rối lên, không tỉnh táo sáng suốt như trước được nữa!

Mụ chép miệng:

– Ấy là nói thế thôi, đối với ông thì tôi vẫn “Nát xương tạc dạ còn ghi, dễ đem gan óc đền nghì trời xanh”. Tôi yên tâm sao được khi ông và con tôi hoạn nạn? Thế giờ ông định bàn chuyện gì?

– Bây giờ tôi lo thằng Sùng bị hỏi cung, tra tấn, nó sẽ khai hết mọi chuyện. Thằng Quả thì kệ mẹ nó. Nó có bị giết cũng chẳng tiếc làm gì. Nó mà khai thì ta chối phăng đi. Nhưng thằng Sùng, thằng Sùng thì phải cứu. Vì thế, tôi muốn báo cho thằng Song, thằng Ân, bằng giá nào cũng phải đấu tranh với bọn trên ấy gỡ tội cho thằng Sùng!

Mụ Síu lắc đầu:

– Nó chỉ huy phỉ, bị bắt rành rành mà ta còn cãi thì bằng vạch áo cho người xem lưng.

– Vẫn được. Hôm trước khi nó chưa bị bắt, thằng Song cho tôi biết là đã bày mưu cho nó giết bọn Dúng, Tính cơ mà? Lấy cớ đó có thể cãi được. Hơn nữa, thế ta mạnh, ở Trung ương có tôi, ở khu có thằng Song, ở tỉnh có thằng Ân. Mấy người hợp lại cãi, kêu van may ra ổn.

– Thế thì, ông cứ cho người về bàn với thằng Song!

– Khổ một nỗi giờ tôi không có người liên lạc. Mấy đứa liên lạc trước biến đâu mất, có đứa bị bắt, có đứa sợ, trốn, giờ lấy ai làm liên lạc? Tôi muốn hỏi bà điều đó, bà quen biết nhiều bọn người Kinh, bà tìm cho.

Mụ Síu ngẫm nghĩ một lúc, mặt mày tươi tỉnh hẳn lên:

– Con Hội được không?

Hoàng tiếc người vợ trẻ. Thấy Hoàng phân vân, Síu lên tiếng:

– Ông lại không muốn xa cô ta. Muốn làm đại sự mà ông cứ “xiêm y ràng buộc lấy nhau” thì làm sao được. Tôi không thể tìm người khác cho ông được đâu. Lớ ngớ lại vớ phải người của bọn cá thì hỏng hết. Ông quyết định đi!

Hoàng tĩnh trí lại, quả quyết:

– Tôi nghe lời bà!

Giữa lúc đó, Mỹ Thuận kéo tấm thân đẫy đà đi vào. Nét mặt thị đã già đi nhiều. Một lượt phấn dày trên mặt, đôi môi tô son nhạt. Thị hớt hải nói nhanh:

– Tôi đã đến gặp mấy bà có chồng là cán bộ trên khu dò hỏi. Tình hình tối tăm lắm.

Hoàng sẵng giọng:

– Tưởng bà có tin tức gì mới, chứ còn chuyện đó chúng tôi biết rồi!

Thuận tiu nguỷu, tức tối nhìn Hoàng.

Mụ Síu về phòng, cho gọi Hội lên giao việc. Hội đang cho con ăn cơm.
Từ ngày hòa bình đến giờ, được biết rõ về cuộc sống mới của số bạn bè cùng mình hầu hạ Hoàng ngày nào, Hội thấy thèm khát quá.

Cô Thịnh, người Hoa, bạn của Hội, trước ở Sà Phìn, sau khi trốn khỏi nhà, đã sung vào đơn vị Giải phóng quân. Giờ cô nghiễm nhiên trở thành chiến sĩ Giải phóng quân, học hành tiến bộ chẳng kém gì nam giới.

Cô Khánh, sau khi trốn về Hà Giang, đã được các chị ở tỉnh giúp đỡ, thành diễn viên đoàn văn công Tây Bắc. Sau đó, Khánh đã lấy chồng. Chồng Khánh là anh Quý. Quý trước kia cũng bỏ quê hương lên Hà Giang đi ở, sau đó làm liên lạc cho bộ đội, rồi chuyển sang công an ở tỉnh. Nghe nói, Khánh cũng chuyển từ đoàn văn công sang làm công an.

Người mà Hội lo lắng, cố dò hỏi nhất là Sinh Páo. Hội mừng nghe phong thanh Páo đi bộ đội.
Sau hòa bình, Páo chuyên tiễu phỉ ở Tây Bắc.

Nhiều lần, Hội muốn thoát khỏi cảnh tù túng, tôi đòi trong gia đình này. Biết tâm trạng của Hội, mụ Síu lại thẽ thọt khuyên bảo:

– Con phải biết rằng, chồng con là vua của người Mèo, vua của đất Đồng Văn, bọn người nghèo không ưa gì cụ, bọn Cộng sản càng ghét. Có kẻ luôn luôn tìm cách triệt đường sinh sống của cụ, của con. Nhưng thế của cụ mạnh, cụ là đại biểu Quốc hội, chúng không dám làm gì cụ cả. Còn con, nếu con xa cụ, thoát khỏi gia đình cụ, không ai bênh vực thì người ta sẽ đấu con. Mẹ biết cô Bích thường hay thì thụt, kích con thế này thế khác, vu oan cho cụ Hoàng là địa chủ, là có tội với Chính phủ, kéo con theo nó, để nó mối lái cho những thằng đầu trộm đuôi cướp, cho bọn Sở Khanh.

Nghe mẹ nuôi nói thế, Hội sợ. Mụ Síu ngọt nhạt:

– Với lại, con ra đi, cụ Hoàng bực, đuổi hai đứa con con đi, ai nuôi dạy chúng nó? Làm bà, làm mẹ ai chả muốn con cái sung sướng? Mẹ cũng thế, mẹ coi chúng nó như cháu ruột, mẹ chẳng đành lòng khi nhìn con và các cháu khổ, bơ vơ – Mụ lấy khăn tay thấm nước mắt rồi tiếp:

– Những buổi họp hành, những buổi bàn bạc của cụ, con đừng dại mồm nói ra. Cụ có sao rồi cả nhà, nhất là con con sống ra sao đây!

Hội càng thấy lo sợ. Thôi được, mặc kệ thiên hạ, mặc chuyện Hoàng và Chính phủ, nổi loạn, đánh nhau, âm mưu này khác. Hội mặc kệ, dây vào rồi làm khổ con. Hội chỉ biết yên ổn làm ăn, nuôi con thôi.

Nhưng rồi, trái với những dự tính của Hội, từ hôm nổi phỉ đến giờ, mẹ nuôi và chồng đe nẹt, sai bảo Hội đủ thứ, thỉnh thoảng bực bội gì, Síu, Hoàng, Thuận cứ giận cá chém thớt, chửi bới, đánh đập Hội. Và hôm nay gọi Hội lên chắc lại có chuyện gì đây?

Mụ Síu ngồi trên sập, vẫy tay bảo Hội ngồi bên rồi nói khẽ:

– Lâu nay tình hình Đồng Văn không biết thế nào, nhà cửa ra sao, mẹ và cụ Hoàng lo lắm. Ở đây hết tiền tiêu pha. Đấy con xem, quần áo bọn trẻ rách hết cả rồi, ăn uống kham khổ rồi. Bây giờ cụ Hoàng định nhờ người tin cẩn về Đồng Văn, nhưng mẹ thấy chưa nhờ được ai. Nhờ Chí Song ư? Thằng này gian tham lắm, chỉ nơi chôn cất tiền nong cho nó, rồi nó cuỗm hết, chẳng xí cho mẹ

con ta chút nào đâu, nhờ nó khác nào gửi trứng cho ác. Chí Ân cũng cùng một giuộc với thằng Song cả. Cụ Hoàng bận việc của Quốc hội, không về được rồi, chị Thuận con về thì rồi người ta nghi ngờ này nọ. Mẹ thì tuổi già sức yếu, đi đứng làm sao. Chỉ còn có con. Con nhanh nhẹn, thông thuộc đường đất, mẹ định cho con về, con thấy thế nào?

Hội biết rằng mụ Síu đã nói thì phải làm, trong mọi việc mụ cắt đặt như viên tướng. Mụ hỏi thế thôi, chứ không nhận rồi mụ cũng bắt làm, mà lúc đó thì lôi thôi, mụ xé xác ra. Biết không thể chối cãi được, Hội nhận lời về Đồng Văn.

Mụ Síu khen con hiếu thảo, bạo dạn rồi dặn:

– Con về nhớ lấy số thuốc phiện và vàng mẹ chôn ở chỗ này – Síu vẽ vẽ trên bàn – Nên đề phòng thằng Song, thằng Chủ. Thằng Chủ độ này bất trị, chắc nó thù hằn gì với cụ Hoàng nên nghe nói, nó tố cụ ghê lắm. Đừng cho biết, chúng đào hết.

Nhớ nghe ngóng tình hình Đồng Văn xem thế nào. Kẻ nào độc miệng vu oan giá họa cho cụ Hoàng thì về nói với mẹ!

Mãi hôm lên đường, mụ Síu mới đưa hai bức thư cho Hội rồi dặn nhỏ:

– Con đưa bức thư này cho thằng Song, còn bức này cho Mã Học Văn. Nhớ đưa tận tay, đừng cho ai biết, đừng gửi qua ai cả. Con phải bỏ vào nơi thật kín trong người, đừng cho bọn cán bộ nhìn thấy.

Hội chưa hiểu, hỏi:

– Thư gì mà bí mật thế hở mẹ?

– Thư đòi nợ chúng đấy. Chuyện tiền bạc, lộ ra công an biết tịch thu hết sạch. Mà thiên hạ chê cười.

Hội lên Phó Bảng hôm trước, hôm sau gặp Phạm Minh Đăng.

Người cán bộ vùng xuôi này đã trở thành người quen biết và gần gũi với Hội. Cũng là người xa quê hương lên vùng xa xôi hai người dễ thông cảm với nhau. Có điều làm Hội mến người cán bộ là chỉ có anh thông cảm hết hoàn cảnh khổ cực, cuộc đời oan trái của Hội. Từ trước, Hội vẫn bị mọi người xung quanh khinh bỉ, xa lánh. Những người nghèo thì cho Hội là vợ vua nên sợ hãi và căm thù. Những người Kinh lên đây cho Hội là ham giàu sang phú quý. Những người đàn bà đứng đắn thì cho Hội là đĩ thõa, tham vàng phụ ngãi. Vợ chồng Song, Ân coi khinh Hội ra mặt, cho chị trước sau cũng là kẻ tôi đòi, chẳng bao giờ nói năng với Hội được một lời tử tế, bình đẳng. Nhất là từ ngày Hội có con trai, người thừa kế gia tài của Hoàng, họ lại càng ghen ghét. Họ biết rằng, nếu không có Hội, không có thằng Thất, cái gia tài kếch xù kia sẽ về tay Song, và Ân sẽ được bấu xíu một phần. Hội có con trai, nguồn hy vọng của họ bị dập tắt, nỗi oán ghét của họ bùng lên. Lúc ngấm ngầm, khi trắng trợn họ mỉa mai Hội. Hễ khi nào thấy Hội đi với con, họ lại xì xạo nhưng cốt để cho Hội nghe thấy: “Có phải hạt máu của ông Hoàng đâu, của thằng nảo thằng nào đấy chứ!”

Anh Đăng thì khác hẳn, có lẽ anh hiểu rõ tâm địa những người trong gia đình Hoàng nên thông cảm với Hội. Anh hiểu thấu nỗi uất ức, lo sợ của chị khi có con trai.

Mấy hôm sau, Đăng dẫn một cán bộ gặp Hội, giới thiệu:

– Đây là anh Nghĩa, ở khu lên công tác. Anh rất cần sự giúp đỡ của chị.

Hội chưa hiểu, thành thật hỏi:

– Tôi giúp được anh điều gì? Tôi có biết gì đâu?

Nghĩa mỉm cười thân mật:

– Chị có thể giúp nhiều cho chúng tôi! Có những việc chỉ chị giúp được thôi!

Những ngày sau, Nghĩa thường xuyên gặp Hội. Qua những buổi chuyện trò với Nghĩa, chị biết rằng, cũng như anh Đăng, Nghĩa thông cảm với chị. Rộng hơn nữa, qua những điều Nghĩa nói, chị còn thấy cách mạng hiểu chị, tin cẩn và muốn giải thoát cho chị sống hạnh phúc, tự do và bình đẳng, không bị áp bức và khinh rẻ. Nghĩa cho biết, những bà con ở quê hương chị cũng muốn như thế.

Hội muốn nói một điều để cảm ơn anh nhưng không biết nói thế nào, Hội vẫn chưa biết các anh định nhờ mình điều gì.

Nghĩa nói:

– Chắc chị biết đấy, vừa qua có một số kẻ xấu ở đây đã nổi loạn chống lại Chính phủ. Chị có thể giúp Cách mạng, giúp chúng tôi tìm ra những kẻ đó, đem lại đời sống yên vui cho người nghèo khổ ở đây. Chị có thể giúp chúng tôi bằng cách cho chúng tôi biết, những ai thường hội họp với cụ Hoàng? Bàn những việc gì?

Hội kể lại những điều mình biết.

– Cụ Hoàng có gửi gì cho những người trên này không?

– Có, có thư cụ Síu gửi ông Văn, ông Song.

– Chị có thể cho chúng tôi mượn bức thư đó được không? Chúng tôi sẽ trả lại ngay cho chị.

Hội thành thật:

– Thư gửi Song thì còn, nhưng thư gửi ông Văn thì tôi gửi rồi.

*

Mã Học Văn và Mã Chính Lâm đang ngồi trên tràng kỷ, tranh cãi về thời cuộc.

Từ khi nổi phỉ đến giờ, khi nào cũng thế, hai cha con gặp nhau chẳng bao giờ nói được câu chuyện vui vẻ. Đụng đến vấn đề gì là mỗi người ở một cực. Văn dùng quyền làm cha mắng át đi. Lâm im lặng. Mỗi khi gặp cha, Lâm có cảm giác nặng nề như hòn đá tảng đè lên ngực. Vì là máu mủ cha con, vì tình thế mới, Văn không thể giết con nhưng Văn muốn người ta điều quách con đi một nơi nào xa, để Văn chỉ huy bọn phỉ dễ hơn. Nếu như bọn Song, Ân tìm cách làm mất uy tín của Lâm để Chính phủ thải hồi, không tin dùng Lâm nữa thì Văn càng mừng. Nhưng những điều đó chưa xảy ra, Lâm vẫn là huyện đội trưởng, chỉ huy dân quân phối hợp với bộ đội, công an tiễu phỉ.

Mỗi khi một tên phỉ nào bị bắt, Văn lại tìm cách đánh tháo; còn những người Văn tìm cách che giấu thì Lâm lại đi lùng bắt.

Từ chuyện Văn giấu ba nữ đặc vụ: Hầu Sử Chứ, Hồ Tòng Sử, Sần Sử Phán đến chuyện thu súng, từ chuyện mở Cổng Trời đến chuyện Hầu Vạn Quả… và hôm nay, hai cha con lại tranh luận về Giàng Vạn Sùng.

Hai người bắt đầu thì Chí Song, Chí Ân cùng Mã Chính Minh đến.

Không khí càng trở nên căng thẳng. Mỗi người đều sắp sẵn lý lẽ của mình.

Lần này, Chí Song tìm tài liệu, chứng cứ tỉ mỉ. Đó là sở trường của Song. Lịch sử của Đồng Văn, những con người ở Đồng Văn, hắn thuộc như cháo chảy nhất là Giàng Vạn Sùng, người chú rể của hắn. Trong khi đó, đối phương của hắn, Mã Chính Lâm, bị động và thuộc làm sao hết những chuyện xung quanh cuộc đời Sùng bằng hắn?

Đã thế, Chí Song lại khôn ngoan, hắn không muốn ra mặt tranh cãi với Lâm, hắn “nhường lời” cho Ân, vì Ân là anh vợ Lâm. Lâm và Văn đều phải nể vì.

Hỗ trợ cho những lời tấn công của Song, Ân, Mã Học Văn có tiếng nói quan trọng, đây là điều làm Lâm e ngại nhất.

Sau vài tuần rượu thay nước, với tư cách là một cán bộ cao cấp phụ trách vùng cao. Ân trang trọng tuyên bố:

– Huyện đội các anh giữ Giàng Vạn Sùng và nộp cho công an, tòa án xét xử, tôi cho đó là hành động lầm lẫn đáng tiếc. Theo như những người hiểu biết cuộc đời Sùng thì hắn ta là một người có nhiều công lao với người Mèo, với Lũng Cú nói riêng và Đồng Văn nói chung. Các anh biết đấy, năm 1945, Vàng Chú Sâu, bố Vàng Mí Sính, câu kết với quân Tàu trắng từ Quảng Tây vào chiếm Lũng Cú, Sùng đã chỉ huy thanh niên Mèo đánh lại, chém đầu Sâu, bêu giữa chợ. Thế bảo ông ta không có công bảo vệ Tổ quốc là gì?

Hiểu biết chuyện này khá tường tận, Lâm ôn tồn:

– Không phải như thế, Sùng giết ông Sâu để chiếm đất của ông chứ không phải đánh đuổi quân Tàu trắng. Anh cứ hỏi bà con khắp Lũng Cú xem có đúng không?

Ân cười mát:

– “Bà con” là ai? Hay là những người căm Sùng. Vả lại, có biết, cũng chẳng dám nói sự thật.

Thôi, chuyện ấy, anh không biết thì thôi – Ân cao giọng – thế tôi hỏi anh, Thằng Mí Sính quyến rũ, thông dâm với Thào Thị Chúa, hai đứa vu cho Sùng nổi phỉ chứ có phải Sùng nổi thật đâu? Có đúng không? Chính anh sai Sùng về đánh bọn Dúng, Tính, có đúng không? Sùng giết Dúng cơ mà!

Mã Chính Lâm lắc đầu:

– Không phải. Chính vì Sùng nổi phỉ, Chúa, Sính báo công an, Sùng giết Sính để trả thù. Khi tôi sai Sùng về đánh bọn Dúng, Tính, tức là tôi đã biết Sùng nổi phỉ rồi, đây là cho Sùng lập công chuộc tội thôi, vì bọn Tính không chịu hàng. Sùng giết Dúng là để bịt đầu mối, sợ Dúng khai hết âm mưu của Sùng chứ không phải giết vì cách mạng.

Thấy Ân bí, Song lên tiếng cứu vãn:

– Đó là anh suy luận thế thôi, để rồi chúng tôi trình lên trên, có văn bản rõ ràng.

Văn quát tướng lên mắng Lâm:

– Mày bị bôi đỏ từ đầu đến chân, từ ngoài vào trong rồi! Mày không còn biết tình nghĩa máu mủ là gì nữa, cút khỏi nhà này, cút!

Lâm đau đớn, không nói gì, lẳng lặng lên ngựa về Phó Bảng.

Mã Chính Minh ngồi như phỗng, không biết nói sao, một bên là cha, một bên là em, cha có quyền còn em có lý, bênh bên nào? Lâm đi rồi, Văn mới vào buồng mang bức thư của Hoàng ra. Văn trịnh trọng nói:

– Lão quan vừa mới gửi thư cho tôi.

Xin mời các vị đọc và bàn xem nên thực hiện lời chỉ giáo của cụ như thế nào. Chí Song cầm lấy thư xem qua rồi đưa cho Minh đọc.

Hà Nội 15-3-1960

Mon Sieur Mã Học Văn.

Nay tôi có mấy nhời thăm sức khỏe của anh và cả nhà, đều được mạnh khỏe cả thì tôi mừng.
Còn về phần tôi ở dưới này cũng bình thường thôi.

Sau tôi có mấy nhời nói cho anh rõ. Chúng ta từ trước đến nay rất thân tình. Tôi đi còn có anh ở nhà, hai nhà cũng như một.

Còn về công việc thì, nếu mà thằng nào không theo thì anh cứ cho nó biết tay mình mới được, không thì đứa nào cũng nghĩ chúng mình không dám làm việc gì cả. Tôi xin nhắc lại, anh cứ xem đứa nào cần thiết cứ thịt nó cho tôi và sau đó việc gì có tôi, chả sợ đứa nào nữa. Bọn chúng nó không phải là người.

Khi anh làm việc thì phải hết sức cẩn thận.

Còn đứa nào phản lại, không tin vào chúng mình nữa thì mình cũng thịt, đúng rồi, không sợ. Anh bảo Chiu và anh em, có cái gì cứ bàn bạc với anh và viết thư cho tôi biết.
Kính thơ

HOÀNG CHÍ TRUNG

Minh vừa đọc xong, Văn nói luôn:

– Đấy các anh xem, thư cụ dặn chúng ta thật rõ ràng. Cụ dặn phải kiên quyết, thằng nào tích cực làm tay sai cho Cộng sản, thằng nào nghi mình thì phải thịt nó đi. Cụ nhắc ta hai lần phải kiên quyết. Chắc trong thư gửi ông Song cụ dặn cụ thể từng việc hơn còn đây dặn tinh thần chung, phải kiên quyết. Cụ còn dặn chúng ta, khi làm việc với bọn Cộng sản phải cẩn thận, khéo léo. Vì đối với chúng, trong tình trạng này, ta cẩn thận bao nhiêu cũng chưa đủ.

– Cuối cùng cụ dặn phải trấn áp bọn trong hàng ngũ ta mà phản bội.

Các anh thấy thế nào?

Chí Song gật gù:

– Đúng, trong thư cho tôi, ông tôi dặn về việc chú Sùng. Phải bảo vệ chú và việc làm mất tác dụng của ông Quả đối với bọn đỏ.

Ân lên tiếng:

– Trong thư, ông có nhắc đến ông Mí Chiu, chắc có chuyện gì quan trọng cần bàn với ông Chiu chăng?

Mã Học Văn mỉm cười:

– Phải, trước khi đi cụ có nhắc riêng tôi rằng, cần phải nhắc nhở Chiu mạnh tay dùng món tiền xứng đáng khi cần thiết. Chắc cụ nhắc ta chuyện đó đây.

Cuộc họp đến chiều mới kết thúc. Song, Ân lên ngựa ra về.

Về đến ngôi “nhà trắng”, Song lục tìm tài liệu, cố ôn trí nhớ, gặp những người già sống ở Lũng Cú, viết luôn một bản tường trình về Giàng Vạn Sùng, cố thanh minh cho Sùng. Để cứu vãn

tình hình, Song gửi ngay bản đó lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mong xét lại vụ Sùng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử một đoàn cán bộ của Khu, Tỉnh, Huyện bao gồm các ngành: ủy ban, viện kiểm sát, tòa án, công an xuống ngay Lũng Cú điều tra về vụ này, Đoàn kiểm tra làm việc ngày đêm, với thái độ khách quan để có kết luận chính xác, sự thật về Sùng.

Song và phe cánh, cũng như Mã Chính Lâm, nhân dân và công an, theo dõi từng giờ từng phút, chờ câu trả lời xác thực.

Mã Chính Lâm bực bội nói với anh Đăng:

– Sự việc hiển nhiên như ban ngày, thế mà chúng còn cãi. Vô lý!

Anh Đăng cười:

– Còn có nhiều chuyện vô lý hơn nhiều. Thôi được, cứ phải làm cho hai năm rõ mười. Chúng mới hết xoay ta.

Còn Song huênh hoang với mọi người:

– Được rồi, để xem chân lý thuộc về ai? Tôi bênh gì ông Sùng, nhưng phải khách quan. Làm người cán bộ cách mạng phải khách quan, phải biết nói sự thật!

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn