Anh Thảo ngồi trước bàn. Xung quanh là Phạm Minh Đăng, Hoàng Trọng Kim, Vũ Đức Lạc và Trần Tấn Nghĩa – “Tứ hổ bình Bắc” của mình.

Anh quay sang Lạc:

– Chuyện tìm Tưởng Vô Thức của cậu đến đâu rồi?

Nghe hỏi đến chuyện Tưởng Vô Thức, Lạc chột dạ, mặt đỏ lên. Biết nói thế nào, chả lẽ giấu?
Lạc kể, giọng buồn buồn:

– Về Cắn Tỷ tôi được biết Tưởng Vô Thức đổi tên là Vàng Phìn. (Người ta thường gọi là Lão Vàng), Giàng Nàn Hồ, rồi làm thư lại cho Vàng Chỉn Cáo. Tôi bắt Giàng Nàn Hồ. Qua hỏi cung, và cho người nhận diện thì té ra không phải là Thức. Tôi trở về Bát Đại Sơn tìm kiếm. Có một người Hán ở Vân Nam sang, dạy chữ Hán cho con cái bọn Thổ ty. Bà con thường gọi là Lão giáo sư, và cũng chẳng ai biết tên thật hắn là gì. Lão có một cô con gái duy nhất, khá xinh gả cho một người Mèo ở trong thôn tên là Giàng Sín Hồ. Hai vợ chồng Sín Hồ ăn ở với nhau hòa thuận nhưng không sinh được con. Lão giáo sư ở với vợ chồng con gái. Khi còn dạy học, kiếm được tiền cung phụng cho con, lão được con quý mến, trọng vọng. Nhưng đến khi về già, không dạy được nữa, phải nhờ con cơm cháo, thuốc thang, hắn bị con rể rất ghét. Sín Hồ muốn đuổi lão ra khỏi nhà. Người vợ không nghe. Một hôm, Sín Hồ mắng rồi giết luôn bố vợ, cho xác vào quẩy tấu, địu ra chân núi chôn, trồng cây lanh lên trên để xóa dấu vết.

Nghe chuyện, tôi tìm ngay đến nhà Sín Hồ, đoán rằng Lão giáo sư là Tưởng Vô Thức. Nếu đích thực hắn là Thức thì ta bớt đi mối lo, không còn phải truy tìm nữa.

Tôi tìm đến nhà Sín Hồ, định hỏi han ngọn ngành, thì nghe một chuyện rất đau lòng.

Sau khi bố bị giết, không chịu đựng nổi, người con gái đã phát điên và chết. Sín Hồ bỏ sang bản khác. Tôi có ra tận mộ Lão giáo sư xem xét, trên mộ cây lanh mọc tốt um.

Tôi sang bản bên tìm đến chỗ ở mới của Sín Hồ. Đến nơi tôi được bà con xung quanh cho biết, sau khi vợ chết, Sín Hồ sống cô độc, ân hận với lương tâm, đã tự sát.

Thế là tắc. Từ hôm đó đến giờ, tôi cố tìm các nguồn tin khác, nhưng tên Tưởng Vô Thức vẫn bặt vô âm tín. Giờ thì tôi đành chịu bó tay.

Anh Thảo an ủi:

– Trong cuộc đấu tranh với bọn phản động, khi kinh nghiệm chưa dày, thất bại như thế là thường. Thua keo này ta bày keo khác. Cậu sẽ cùng với Nghĩa, Kim đi bắt Vàng Chúng Dình!

Lạc thở phào nhẹ nhõm.

Đến lượt Phạm Minh Đăng báo cáo. Đăng kể:

– Sau khi tổ chức họp dân, phát động quần chúng, tôi được bà con cho biết tên Giàng Chú Hầu theo phỉ, có nhiều tội ác, biết tung tích Vàng Chúng Dình và bọn tướng phỉ. Tôi và tiểu đội công an vũ trang đi tìm mãi, hàng tháng liền không thấy nó đâu. Mãi sau, dân bản cho biết có một cụ người Mèo tên là Giàng Mí Mỉ biết Hầu. Tôi tìm đến cụ Mỉ hỏi han, trò chuyện. Cụ cho biết nó trốn trong rừng sâu, không về bản. Giờ làm thế nào đây? Tôi hỏi cụ: “Cụ có thể rủ nó về được không?” Cụ đắn đo: “Rủ được nhưng bắt hụt thì sau này nó sẽ giết tôi!”. Tôi giải thích để cụ yên tâm. Cụ cho biết, nó chuyên làm nghề thầy cúng. Tôi liền mua một con gà trắng. Vào rừng, nói là bị ốm cần làm lễ tẩy ma, cụ mời Hầu về cúng. Tin cụ, Hầu theo về nhà.

Tối hôm ấy, tôi và hai chiến sĩ công an vũ trang phục ở quanh nhà cụ. Hầu mặc quần áo thầy cúng, nhập ma, nhảy nhót, giậm chân, bắt quyết gọi ma. Chúng tôi từ từ khép chặt vòng vây. Nhưng một chiến sĩ công an vũ trang vố ý chạm phải chuồng gà. Nghe tiếng động, Hầu cứ để nguyên cả quần áo thầy cúng lao ra cửa, chạy vào rừng. Không thể bắt sống rồi, chúng tôi nhớ lời cụ, nếu không giết thì nó sẽ trả thù cụ. Thế là chúng tôi đành nổ súng. Hắn ngã gục xuống dưới một gốc cây. Tiếc quá.

– Thôi thế cũng được – Anh Thảo an ủi Đăng rồi quay sang Nghĩa – Cậu cho biết tội trạng của Sùng Mí Chiu để ta quyết định đã nên bắt hay chưa?

Nghĩa trình bày:

– Theo lời khai của Hầu Vạn Quả, Giàng Vạn Sùng và những tên khác, Chiu cùng Dình tổ chức “Phản cộng ủy viên hội”. Hắn tham gia cuộc họp bàn với Hoàng, được phân công phụ trách

kinh tế trong cuộc nổi loạn này. Cái nguy hiểm của hắn hiện nay là vẫn ở trong vùng của ta, tung tiền mua chuộc cán bộ để bao che cho nó; mua chuộc bọn đã về hàng để không khai báo gì; mua chuộc quần chúng để họ im lặng. Hắn cho rằng tiền bạc có thể mua được tất cả. Một vài cán bộ ta lên tiễu phỉ bị mắc vào cạm bẫy, đến nhà hắn nhờ mua hộ len, tam thất… ăn uống, rượu chè, vô tình để lộ kế hoạch tấn công. Hắn có thể biết được kế hoạch bắt Dình của ta, vì vậy phải bắt hắn sớm ngày nào hay ngày ấy. Các chiến sĩ đã sẵn sàng. Xin ý kiến anh.

– Việc này xin giao cho cậu Đăng. Cậu ở đây lâu, nắm được nó hơn.

Đăng nhận lời, vui vì có dịp chuộc “tội” không bắt sống được Hầu.

Về huyện, anh cùng với hai chiến sĩ Bùi Sửu và Nguyễn Văn Tọa bàn bạc kế hoạch bắt Chiu. Các anh thấy phải có một cơ sở người Hoa giúp thì mới bắt được hắn. Các anh nghĩ ngay đến Quáng Sền. Sáng hôm sau, Quáng Sền vào nhà Chiu.

– Ông còn bản lề cửa bán không?

Mí Chiu trả lời:

– Còn, ông ạ!

Hai người đang mà cả thì Đăng đi vào. Chiu vồn vã:

– Mời ông xơi nước!

Chiu bước vào buồng. Sợ Chiu trốn, Đăng ra hiệu, Sền nói ngay:

– Ông cần khiêng bộ bản lề, tôi cùng khiêng với ông!

Vừa nói Sền vừa theo Chiu vào buồng. Chiu không lấy bản lề, mà lấy phích nước ra mời khách.

Đăng ra cửa, gãi đầu ra hiệu cho Sửu và Tọa đang ngồi ở hàng phở chờ mật hiệu của Đăng. Chiu mang phích ra thì Tọa, Sửu vào. Linh cảm thấy như có biến, hắn gượng cười:
– Mời các ông xơi nước. Các ông cần mua hàng Trung Quốc, tôi xin sẵn sàng giúp các ông.

Câu nói này của hắn trở thành nhạt nhẽo. Đăng nghiêm túc mặt tuyên bố:

– Ông bị bắt. Ông nghe lệnh đây!

Đăng đọc xong lệnh, Sửu, Tọa bắt luôn. Thấy thế, vợ Chiu chạy vào buồng, giấu bọc tiền rồi ra ôm mặt nức nở, khóc than.

Nhưng lúc này, chả ai buồn nghe lời than vãn của kẻ xưa nay chỉ biết có tiền, chẳng nghĩ đến tình nghĩa với ai.

Sau khi cho người giải Chiu về trại giam, Phạm Minh Đăng, Trần Tấn Nghĩa, Hoàng Trọng Kim, Vũ Đức Lạc về các địa bàn chuẩn bị tìm hang ổ của Dình.

*

Rừng Sửng Là.

Một buổi sáng mùa thu.

Trên tảng đá phẳng như mặt bàn, bên cạnh một vò rượu và chiếc bát sành to, đặt con gà trắng, hai chân bị trói chặt.

Xung quanh rừng núi yên tĩnh. Những sợi nắng vàng chảy qua kẽ lá, rơi xuống mặt đá, di động lung linh. Xung quanh lá rụng phủ dầy.

Ba con ngựa đứng bên gốc cây.

Minh, Lâm, Nghĩa đứng quanh bàn, vẻ mặt nghiêm trang.

Sau những ngày tranh cãi với em, Minh dần dần rõ sự thật. Trông vào những tên cầm đầu cuộc nổi loạn, Minh thấy bị mất dần, mất dần. Giàng Vạn Sùng vào nhà giam. Sùng Mí Chiu bị bắt. Hầu Vạn Quả vẫn chưa được thả về… tất cả những điều đó làm cho Minh càng hoang mang. Bức thư của Hoàng gửi về cho Văn, chẳng thấy nhắc đến chuyện cứu viện, vũ khí, máy bay gì, càng làm cho Minh thất vọng.

Minh còn được bọn tay chân tin cẩn cho biết, từ ngày trở về Đồng Văn, Song khinh anh em Minh ra mặt. Một hôm, Song, Ân uống rượu với nhau, Ân hỏi:

– Thằng Minh độ này làm ăn thế nào?

Song nói ngay:

– Thằng nghiện ấy ra cái gì. Chỉ núp sau bóng ông Hoàng ta thôi. Giờ như cây gỗ mục. Hay là nó hết hơi thuốc phiện rồi, bảo nó lên tôi cho mấy lạng!

Bị chạm vào tính nghiện ngập của mình, Minh bực lắm, đập tay xuống bàn:

– À, thằng phệ nó khinh ta, đã thế ta cho nó biết tay!

Giữa lúc ấy, Nghĩa cùng với ông Thiệp đến gặp. Minh hiểu rằng, những người này đã biết tội lỗi của cha con Minh, họ có thể bắt Minh và xử như là những tên nổi loạn khác. Thế nhưng, họ không bắt, vẫn giữ kín chuyện này như là muốn giữ danh dự cho họ Mã, muốn Minh theo về với cách mạng. Thế mà Minh vẫn phụ lòng những người đầy ân tình này được sao? Cứ chống lại một cách tuyệt vọng hay sao? Đến lúc nào đó, mà điều này không tránh khỏi, Minh sẽ bị bắt, bị đưa ra trước tòa, bị xử tử thì còn gì là danh dự họ Mã, còn gì là uy thế một trang anh hùng hảo hán nữa?

Lúc đó thằng Song lại vỗ tay cười. Minh thấy Lâm nói đúng, chỉ có hai anh em Minh mới cứu được thanh danh họ Mã.

Minh định nghe theo lời Lâm, trở về với cách mạng, chống lại bọn phỉ. Nhưng Minh còn một băn khoăn, hỏi Lâm:

– Anh là một tướng của cụ Hoàng, là tên chỉ huy phỉ, liệu cách mạng có tin anh không?

– Thế thì em và anh có khác gì nhau, mà họ tin em? Không tin, sao họ cất công bao lần gặp anh? Có khác gì “Tam cố thảo lư” của Lưu Bị.

– Liệu họ có “nương hết màu rồi lại bỏ đi” không? Bây giờ họ cần đến mình, khi thành công rồi, yên hàn rồi, họ lại quên công mình, tìm cách ám hại mình. Anh không quên chuyện Hàn Tín thời Hán đâu? Bao năm bỏ tài năng, xương máu ra xây đắp cơ nghiệp nhà Hán, cuối cùng bị Cao Tổ ám hại.

– Anh đa nghi như Tào Tháo! Cách mạng khác, bọn vua chúa khác, so sánh thế nào được. Rồi anh sẽ thấy!

Và hôm nay…

Minh mở nắp vò rượu trên mặt đá. Nghĩa cầm đầu, Lâm cầm chân gà. Minh nhẹ nhàng giơ con dao găm sáng loáng lên, từ từ hạ xuống, rồi đột nhiên, nhanh như chớp, phập một cái, cắt ngang cổ con gà. Chiếc đầu rơi ra khỏi cổ. Lâm nhấc cao thân gà hứng dòng máu chảy vào vò.

Minh rót rượu ra bát. Mùi rượu hòa với máu bốc ra cay cay, tanh nồng. Minh lấy một thẻ hương trong túi, rút ba nén, châm lửa, cắm xuống một đoạn thân cây chuối đặt trên mặt đá.

Mùi hương tỏa ra thơm ngát. Khói hương ngoằn ngoèo bay lên như sợi chỉ rồi tan ra trong không trung.

Minh bưng bát rượu lên ngang mặt, rì rầm khấn một hồi rồi nói lớn:

– Chúng tôi là Trần Tấn Nghĩa, 40 tuổi; Mã Chính Minh, 35 tuổi; Mã Chính Lâm, 33 tuổi; không kể là người Kinh, người Mèo; không kể quê hương khác nhau, miền xuôi hay miền ngược, gặp nhau ở nơi rừng xanh núi đỏ này, xin kết nghĩa làm anh em. Trời đất, Thánh thần chứng giám, phù hộ cho chúng tôi tình sâu nghĩa cả, sống chết có nhau đời đời. Sau này, nếu ai phản bội sẽ chết như con gà này!

– Xin thề – Minh giơ tay lên trời.

– Xin thề – Nghĩa nắm chặt bàn tay gân guốc.

– Xin thề – Lâm mắm môi cương quyết.

Thế rồi ba người chuyền tay nhau, lần lượt uống cạn bát rượu pha máu đỏ tươi. Mùi rượu, mùi hương, tiếng thề trong rừng vắng tạo nên bầu không khí hoang dã, linh thiêng, nghiêm trang và đầy hứng khởi.

Hơi rượu bốc lên, mặt mũi họ đỏ gay. Người nào cũng bừng bừng sát khí, hăng hái muốn chọc trời khuấy nước, mang thân nam nhi làm những việc kinh thiên động địa. Nghĩa nói trong hơi rượu:

– Chúng tôi xin thề trước Thánh thần, chúng tôi đồng tâm nhất trí làm việc nghĩa, chúng tôi thà sống chết có nhau, dù có phải vào nơi hang hùm nọc rắn cũng không bỏ nhau. Chúng tôi coi cái chết nhẹ như lông hồng, xứng đáng là những đứa con của họ Mã, họ Trần!

Được kích thích bởi những lời động viên hăng hái, nghĩa hiệp, khơi dậy bầu nhiệt huyết và chí khí anh hùng, tinh thần thượng võ của người Mèo, Minh giơ tay trên đầu nói lớn:

– Vì việc nghĩa, vì đại nghiệp, tôi xin hiến dâng thân mình, dù có chết cũng không ngã lòng!

Buổi lễ kết nghĩa kết thúc trong không khí trang nghiêm. Ba người lên ngựa phóng như bay trên con đường đá quấn quanh sườn núi. Dải mây như tấm lụa chăng ngang núi, quấn vào vó ngựa, nâng bước chân các trang anh hùng.

*

Anh Thảo rà ngón tay lên tấm bản đồ trải rộng:

– Đây là những nơi phỉ chiếm. Nếu để chúng đóng thành thế chân vạc như thế này, liên lạc được với nhau, thì chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi đánh người vào hang ổ Chúng Dình. Xin anh cho Trung đoàn 246 tấn công vào những vùng này, xua cho chúng tản bớt ra, xa nhau hơn. Những tên chỉ huy không dám tụ lại chỗ tên Dình. Sau đó, trung đoàn đánh mạnh phía tây, hút địch, làm chúng không chú ý phía đông, chúng tôi sẽ cho người lọt vào phía đông.

Đồng chí Thiệp gật đầu tán thành và trao đổi ngay với hai đồng chí Việt Hưng, Tiến Minh cho bộ đội đánh vào vùng Bát Đại Sơn, Phú Lúng, Sủng Là.

Sau đợt tấn công của Trung đoàn 246, dự đoán phỉ đã tản bớt ra khỏi nơi tập trung, anh Thảo cùng Nghĩa phác kế hoạch đưa người vào nơi Chúng Dình ở.

Một câu hỏi đặt ra cho các anh: Liệu Mã Chính Minh đã thực sự trung thành, toàn tâm làm việc cho ta hay chưa? Hay Minh lại phản bội, bề ngoài tỏ ra phục tùng ta, nhưng bên trong lại liên lạc, báo cho Vàng Chúng Dình biết, đưa các anh vào tròng?

– Cần phải kiểm tra lại Minh một lần nữa, – Anh Thảo căn dặn Nghĩa – Minh già dặn trường đời, cần phải cẩn thận.

Nhưng nên kiểm tra Minh bằng cách nào?

Nghĩa ngẫm nghĩ một lúc rồi trình bày kế hoạch:

– Hiện giờ ở Sủng Chéng xã Phú Lúng, có tên đặc vụ là Giàng Chỉn Mìn. Nó chỉ huy một số phỉ ở riêng rẽ, đang tìm cách liên lạc với Dình. Ta cử Minh cùng một số dân quân đi bắt Mìn. Qua đó, có thể thử thách lòng trung thành của Minh. Nếu như Minh phản bội thì ta biết trước để đối phó.

Ông Thảo chấp nhận, kế hoạch được thực hiện ngay. Minh nhận lời đi bắt Giàng Chỉn Mìn.

Giàng Chỉn Mìn là một trung đoàn trưởng quân Tưởng. Sau khi trung đoàn bị Giải phóng quân đánh tan, Mìn chạy sang Phú Lúng, sống lẩn lút ở đây. Mìn lấy một người vợ dân tộc Xuồng và sống bằng nghề đục cối đá. Ngày ngày, hắn lấy những khối đá to, đục thành những chiếc cối xay bắp.

Hắn có thân hình to lớn, cao một mét tám nhăm.

Vẫn nuối tiếc sự nghiệp dang dở, muốn tìm thời cơ hoạt động, trở lại địa vị cũ, hắn giao du với những tên giang hồ, lục lâm ở vùng này. Trong số những bạn hữu của Mìn, thân nhất có Vàng Chú Moa.

Moa là tay lưu manh, trộm cắp chuyên nghiệp trong vùng. Y ăn trộm rất tài tình. Giữa ban ngày, y vẫn dắt được trâu, bò trong bản, qua biên giới bán. Mọi cách chống trộm trâu bò đều bất lực trước thủ đoạn táo bạo của y.

Ngoài nghề trộm cắp, y còn có nghề độc đáo: bắt khỉ. Y bắt khỉ rất tài. Một lúc, có thể bắt được cả đàn khỉ.

Tình bạn giữa một tên thợ đục cối và tên bắt khỉ trở thành keo sơn.

Giàng Sè Páo lúc còn làm tổng giáp xã Phú Lúng, muốn thu phục hai đứa về làm tay chân của mình, nhưng Mìn, Moa không chịu, thích sống cuộc đời độc lập.

Khi phỉ nổi, theo Vàng Chúng Dình, Mìn đứng lên tổ chức phỉ cùng với Giàng Sè Páo trấn ngự vùng Phú Lúng. Lúc này, Mìn định bắt đầu khôi phục lại dòng dõi Đại Hán. Bọn chân tay coi Mìn như một chủ tướng. Ham mê chức vị chỉ huy, Mìn và Moa hục hặc với nhau. Mìn chỉ huy Moa. Không chịu, Moa ấm ức, ngấm ngầm muốn hạ bệ Mìn, nhưng chưa có dịp. Phỉ bị đánh, Mìn, Moa sống lẩn lút ở Phú Lúng.

Nhận lệnh phải bắt sống Mìn, một sáng, Mã Chính Minh cùng hai dân quân Mèo, đóng giả làm người buôn thuốc phiện lậu đi về xã Phú Lúng. Len lỏi trong các đường mòn, lọt qua bọn phỉ, Minh đến khu rừng. Đang đi, Minh bỗng thấy một tên béo lùn đang nấp ở khe đá. Thấy người đi lại, tên đó chạy ra vẫy tay cản đường. Minh nhìn kỹ và nói to:

– Vàng Chú Moa!

Người thấp lùn nhìn Minh rồi reo lên:

– A, Mã công tử!

Minh hỏi luôn:

– Anh đang làm gì ở đây?

– Tôi đang dụ khỉ.

Ngay lúc đó, Moa ra hiệu cho Minh nấp vào khe đá, nhìn ra phía trước.

Trên một bãi cỏ, cách đó khoảng dăm trăm bước, có một đống tro. Một đàn khỉ đang gọi nhau chí chách. Mỗi con quặp một bắp bắp. Bắt chước người, chúng vùi bắp vào đống tro rồi ngồi chờ, cười the thé.

Chờ cho khỉ đến đông, Moa giật một sợi dây. Một tiếng nổ đùng phát ra từ đống tro. Tro bay mù. Tiếng nổ đột ngột làm cho khỉ sợ quá ngất đi. Moa chạy ra cứ thế nhặt khỉ bỏ vào quẩy tấu.

Moa cuộn dây, địu khỉ, rủ Minh về nhà. Vừa đi y vừa giải thích:

– Tôi chôn sẵn pháo trong đống tro nóng, trên pháo che một tấm sắt mỏng. Khi kéo dây, lớp sắt dịch ra, than nóng rơi xuống làm pháo nổ.

Tối hôm ấy, trong bữa rượu nhắm với thịt khỉ, Mình và Moa dốc bầu tâm sự, Moa thở ngắn than dài về nỗi khổ cực hiện nay.

Sau khi an ủi Moa, Minh hỏi:

– Anh có biết Giàng Chỉn Mìn bây giờ ở đâu không?

– Có, Mìn hay đến đây, ăn thịt khỉ và hút thuốc phiện.

– Tôi rất cần gặp nó, anh giúp tôi được không?

Moa ngần ngại hỏi:

– Công tử cần gặp nó có việc gì?

– Tôi muốn bắt nó. Nếu anh rủ được nó về đây, tôi biếu anh năm lạng thuốc phiện.

Nghe nói bắt Mìn, Moa mừng lắm. Bớt đi một kẻ kình địch, lại được thưởng thuốc phiện, Moa nhận lời ngay. Moa quả quyết:

– Nó đang thiếu thuốc phiện, tôi mời thuốc, thế nào nó cũng đến.

Đúng như lời Moa nói, một buổi sáng, Mìn dẫn cái thân to như hộ pháp đi đến. Minh đón ngay vào nhà Moa, bày bàn đèn hút thuốc.

– Anh Mìn, lâu nay anh sống thế nào? Sao không đem số quân của anh chạy về với Vàng Chúng Dình mà cứ lén lút ở đây: Quân anh đông không?

Mìn thở dài sau hơi thuốc:

– Tôi bị bao vây. Nhiều lần muốn về với Dình nhưng không phá được vòng vây! Quân số cũng ít thôi, nhiều đứa bỏ về nhà rồi.

Giữa lúc đó, Minh ho một tiếng, một tốp người, súng trong tay, từ buồng xông ra. Mìn ngơ ngác nhìn những người đó. Hắn chợt hiểu, vùng dậy. Bị hai thanh niên ôm riết, hắn đeo hai người trên vai, chạy đi. Những người khác không dám bắn, Minh liền vớ luôn một thanh gỗ, giơ thẳng cánh đánh ngang chân Mìn. Mìn khuỵu xuống. Tốp dân quân ập vào trói hắn giải đi.

Minh được tin cậy.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn