Trong khi Hoàng Trọng Kim đang lăn lộn ở Vần Chải tìm cách làm tan rã lực lượng phỉ của Vàng Vạn Ly thì ở Phú Lúng, Vũ Đức Lạc đang nghĩ cách tìm ra tung tích Giàng Sè Páo.

Sau một thời gian tìm hiểu lai lịch Páo, anh biết rằng Páo cũng là chân tay thân tín của Mã Học Văn. Páo tin cẩn cha con Văn. Tuy biết Lâm theo cách mạng, nhưng hắn vẫn quý và thán phục người con trai thứ hai của Văn, một tướng trẻ có tài của Hoàng, đã từng oanh liệt một thời, xếp vào một trong bốn trang anh hùng nhất của đất Đồng Văn.

Thế là Lạc về huyện gặp Lâm.

Vừa giải quyết xong vụ Vạn Ly, Lâm nhận lời cùng Lạc về Phú Lúng.

Lạc đeo túi cứu thương, đóng vai một cán bộ y tế. Một chiến sĩ công an người Mèo mới vào ngành tên là Giàng Séo Dèn làm liên lạc. Ba người về Phú Lúng.

Họ đến nhà Páo vào một buổi trưa. Ngôi nhà ngói làm theo kiểu nhà người Hoa, hai tầng đồ sộ. Xung quanh nhà có tường đá vây kín, bốn phía có lỗ châu mai để canh gác. Nhà tựa lưng vào vách núi. Phía trước là một cái cổng to nhìn thẳng xuống con đường độc đạo từ dưới thung lũng đi lên. Phía sau, có cổng hậu dẫn thẳng vào cánh rừng rậm.

Ai đi lên, còn cách xa hai cây số đã lọt vào tầm mắt người ở đây. Nhiều lần, từ rừng về, Páo ngồi trên nhà, thoáng thấy bóng người đi lên là hắn nhanh chân chuồn qua cổng hậu, chạy biến vào rừng.

Các anh bước vào cổng. Một người đàn bà trẻ đang cho lợn ăn. Lâm biết đó là người vợ tư. Trong số bốn người vợ, người thứ ba có đứa con trai là Giàng Séo Pao, được hắn quý nhất. Người vợ tư ghen ghét người vợ ba.

Nhận ra Lâm, người thân quen với chồng mình, người đàn bà vui vẻ chào. Lâm ân cần nói với chị ta:
– Lâu ngày tôi không thăm gia đình. Hôm nay, nhân tiện về công tác ở xã nhà, tôi và đồng chí cán bộ y tế này – Lâm chỉ vào Lạc – đến hỏi thăm ông và các chị.

Chuyện trò hồi lâu, Lâm hỏi:

– Ông Páo có về thăm nhà luôn không?

Người đàn bà lắc đầu:

– Không!

– Thế thì chị có hay gặp ông ta không?

Người đàn bà im lặng, nghi ngại hồi lâu rồi mạnh dạn:

– Tôi không gặp. Chỉ có bà ba biết thôi!

Lâm, Lạc trò chuyện, hỏi han về tình hình gia đình, cố chờ người vợ ba về.

Gần tối, người vợ ba trạc 30 tuổi đi làm về. Đi theo có đứa con trai độ 7,8 tuổi. Đó là thằng
Pao.

Lâm, Lạc chào hỏi chị ta, vuốt ve đứa bé. Chị mời các anh ở lại nghỉ đêm.

Các anh nhận lời ở lại, chuyện trò, dò ý người vợ ba. Sáng hôm sau, Lâm nói với chị:

– Lâu ngày không được gặp ông nhà, tôi muốn cùng ông trò chuyện quá. Chị có thể cho chúng tôi gặp được không?

Chị biết từ chối không tiện, hứa:

– Khi nào ông ấy về, tôi báo các anh đến chơi.

Ba người chào chị ra về. Lâm về huyện, Lạc ở lại ủy ban xã, ngày ngày đeo túi thuốc, cùng Dèn đi thăm sức khỏe bà con dân bản, cố tìm một cơ sở liên lạc được với Giàng Sè Páo.

Ngày này qua ngày khác, khắp bản, nhà nào Lạc cũng vào thăm, tìm hiểu nhưng vẫn chưa ai nói với anh tung tích của Páo. Họ vẫn sợ hắn ta.

Một hôm anh cùng Dèn bước vào nhà một người dân ở gần nhà Páo. Cảnh nghèo nàn, cực khổ bày ra trước mắt. Gia đình đang ăn bữa chiều. Một chảo nấu đủ thứ rau: rau bí, rau cải già, đậu răng ngựa, lũng bũng như rau lợn. Hai đứa trẻ đang ngồi lấy muỗng múc rau ăn. Bố mẹ chúng ngồi nhìn, chờ cho con ăn xong rồi mới ăn.

Lạc và Dèn đều ái ngại trước cảnh đói rách của người dân Mèo nghèo khổ. Lạc hỏi, giọng buồn lắng xuống:
– Gia đình ta ăn rau không thôi à? Người mẹ nhìn hai con buồn bã:
– Bắp hết lâu rồi, lấy gì mà ăn, phải ăn rau thôi!

Lạc nói với Dèn:

– Chúng ta còn một túi gạo, sẻ cho các cháu một nửa đi!

Dèn lấy mủng, trút nửa túi gạo vào. Hai vợ chồng vẫn chưa hiểu:

– Cán bộ muốn đổi gì? Nhà chả có gì đổi cả đâu.

Dèn lắc đầu:

– Không đổi gì cả, cho thôi!

Người mẹ cảm động, chạy ra vườn, hái về một mủng đào, nói với các anh:

– Nhà chả có gì, chỉ có đào mời cán bộ thôi!

Lạc nhìn hai đứa bé. Một đứa bị lở chân, nước vàng chảy ra lớp nhớp. Anh lấy lá đào nấu nước rửa cho cháu rồi lục túi lấy suyn-pha tán nhỏ rắc vào chỗ lở.

Ba ngày sau, hai anh lại đến thăm gia đình này. Chỗ vết lở của đứa bé đã hết nước vàng, se khô. Anh lại rửa, tán thuốc tra cho cháu.

Thấy hai anh tận tình chữa cho con mình, người bố nói:

– Hai cán bộ chữa cho con tôi. Tôi nghèo quá, không có tiền trả cho cán bộ đâu.

Lạc giải thích ngay:

– Chúng tôi chữa cho dân, chữa không thôi, không lấy tiền đâu.

Ngồi trò chuyện một hồi, Lạc mới biết ông ta tên là Vù Mí Sèo.

– Từ hôm về xã đến giờ, chúng tôi gặp nhiều bà con rồi mà chưa gặp được ông Páo – Lạc nói
– chúng tôi muốn gặp ông Páo quá!

Vù Mí Sèo chép miệng:

– Ông ta ít về lắm, thỉnh thoảng mới về thôi.

– Ông có thấy ông ấy về bao giờ không?

– Có, tôi gặp một vài lần.

– Khi về ông ta ở nhà lâu không?

– Ở một lúc thôi. Ông ta thận trọng lắm. Thấy có người lạ là chạy vào rừng ngay.

Nói đến đây, ông nhìn quanh rồi thì thầm:

– Tôi nói cán bộ đừng cho ai biết nhé. Bà ba hay đưa cơm cho ông ấy đấy.

Mấy hôm sau, Lạc, Dèn và Lâm lại đến nhà Páo. Các anh gặp người vợ ba ở nhà. Lâm nói với chị:

– Chúng tôi chờ lâu quá mà không gặp được ông Páo. Tôi lại sắp về tỉnh rồi. Ông ấy cứ đi biền biệt thế này, rét mướt, mưa gió, chạy đi, chạy lại, nhỡ bộ đội, dân quân người ta bắn thì sao?

Nghe nói đến tình cảnh của chồng, chị ta lo lắng:

– Tôi biết thế, nhưng tôi chẳng làm sao được!

Lâm thành thật:

– Tôi nghe bà con nói, chị biết nơi ông Páo ở, chị đi mời ông về gặp tôi. Tôi không bắt ông đâu. Chị cứ nói tôi muốn gặp ông.

Nhận lời, chị ta ra đi.

Lâm, Lạc ở lại nhà chờ đợi, chuyện với người vợ tư.

Gần tối, có một người thân hình to lớn, tóc đỏ như râu ngô, mắt sâu, lông mày rậm, trước trán có một hạt kim cương, mũi khoằm như mỏ diều hâu, đi vào.

– A, ông Páo – Lâm reo lên.

Páo chào ba người rồi lấy bát múc rượu trong chum ở góc nhà, rót mật ong hòa với rượu mời các anh.

Lâm ngồi trò chuyện riêng với Páo.

Lạc chạy ra cổng sang nhà Sèo, biên một mảnh giấy nhờ ông mang đến ủy ban cho xã đội trưởng Hồng, nhờ đưa hai dân quân đến làm áp lực thêm cho việc lôi kéo Páo trở về.

Một lúc sau, Páo đang trò chuyện với Lâm bỗng nhìn ra con đường trước nhà. Thấp thoáng, một tốp dân quân súng ống đầy đủ, đang tiến lên.

Biết có biến, Páo vội vã nói:

– Các anh ngồi chơi. Tôi ra một thoáng rồi về ngay.

Nói rồi, Páo lẻn ra sau nhà, theo con đường mòn biến vào rừng.

Toán dân quân có gần chục người ập đến. Hắn đã đi xa. Lâm và Lạc đành ngồi im nói chuyện với vợ Páo như không hề có liên quan gì với toán này.

Một dân quân hỏi người vợ:

– Ông Páo vừa về đây, đi đâu rồi?

Chị ta chưa biết trả lời ra sao, Lạc nói thay:

– Chúng tôi vào đây thăm nhà, có thấy ông Páo về đâu?

Vợ Páo mừng thầm, cảm ơn Lạc. Toán dân quân ra về. Nhân khi người vợ ra sân, Lạc nói với Lâm:

– Anh ở lại đây để vợ nó tin. Tôi về trụ sở xem sao.

Lạc vội vã về ủy ban. Trong người, máu nóng đã bốc lên ngùn ngụt.

Vừa đến cổng ủy ban, gặp anh Hồng, không nén được bực tức, Lạc nói toáng lên:

– Các ông làm ăn chả ra sao cả. Đã bảo là chỉ đưa hai dân quân lên thôi. Thế mà ông lại cho kéo lên hàng tiểu đội để nó chạy mất, giờ thì bố tôi cũng không tìm được.

Lạc vừa nói vừa lên thang gác.

Hết thang, ngó vào trong nhà, Lạc đã thấy anh Thảo và Vù Mí Kẻ đang ngồi ở đó.

Lạc chững lại. Chết bỏ mẹ rồi, hóa ra từ lúc nãy đến giờ mình cứ chửi thủ trưởng và ông chủ tịch huyện này.

Thấy Lạc, anh Thảo cười, rút thuốc lá mời rồi vỗ vai:

– Cứ bình tĩnh nào. Thua keo này ta bày keo khác!

Lạc nén cơn bực bội:

– Tôi đã dặn trong thư là chỉ đưa hai người lên. Thế mà ta lên đông quá.

Anh Thảo cười:

– Các đồng chí ấy tưởng càng đưa nhiều người càng chắc ăn hơn, ai ngờ. Bây giờ ta tính thế
nào?

– Bây giờ có thánh cũng không tìm được nó.

Biết Lạc tức nói thế thôi, chứ anh vốn hăng say, chẳng chịu bỏ cuộc. Anh Thảo nói:

– Chả lẽ chịu thua hắn à? Ta phải tiếp tục chứ.

Lạc gượng gạo nhận lời. Vù Mí Kẻ nói:
– Thằng này nghiện thuốc phiện nặng lắm. Cứ chờ nó hết, ta đem thuốc ra nhử, rồi cảm hóa kéo nó về.

Cơn bực bội nguôi đi, Lạc vui vẻ nhận nhiệm vụ.

*

Lâm phải về huyện, chuẩn bị kế hoạch phối hợp với công an bắt Vàng Chúng Dình. Lạc cùng Dèn ở lại Phú Lúng.

Ngày ngày, hai người lại đeo túi thuốc, đến các nhà dân khám bệnh, tiêm thuốc cho bà con, thăm dò tin tức về Páo. Các anh lần lên tận những bản Mèo trên đỉnh núi cao chót vót. Một đêm mùa hanh, những “đác” nhỏ khô cạn, không còn một giọt nước. Khát quá, Lạc không sao ngủ được, cứ trằn trọc. Dèn hỏi:

– Anh làm sao mà không ngủ được thế?

– Mình khát nước quá, không sao chợp mắt được.

Suy nghĩ một thoáng. Dèn nói:

– Có mấy ống nước cất mang theo, tôi dập cho anh uống tạm, ngày mai tôi về trụ sở lấy ống khác nhé?

Lạc lắc đầu từ chối:

– Không, một ống nước lên đây là quý, ngày mai có người cần tiêm thì sao. Mình không uống
đâu.

– Cứ uống đi, mai tôi đi lấy mà!

– Không, đi lại, trèo leo vất vả lắm! Mình không uống đâu.

Lạc không sao ngủ được, thức trắng cả đêm. Sáng hôm sau, anh tìm một cây chuối rừng, vắt lấy nước uống. Uống xong, thấy người ngứa ran, anh vén chiếc áo lót lên xem. Chà, những con bọ chó cắn đỏ quanh bụng. Lúc này anh chợt nhớ câu: “Đồng Văn bọ chó, gió Thiên Phùng”.

Các anh ở lại bản này. Hôm thì theo dân lên nương, hôm thì ở nhà khám bệnh cho bà con.

Bản quá bẩn. Nhà cửa trống trải, đầy rác. Vào nhà những người đi vắng, nhìn chõ mèn mén của họ, các anh thấy ái ngại. Có những chõ để hai ba ngày, mèn mén đã thiu, chua loét. Các anh lấy bắp thổi chõ mới, đổ mèn mén đã thiu đi, thay mèn mén mới vào.

Một hôm, các anh tìm thấy một người quen của Páo tên là Cú Mí Lử. Hồi Páo làm tổng giáp thì Lử làm mã phài. Khi Páo làm chủ tịch xã thì hắn làm trưởng thôn. Trong số các trưởng thôn ở xã, Páo tin Lử nhất. Khi nổi phỉ, Lử cũng chỉ huy một trung đội. Các nơi thất bại, Lử bỏ về nhà làm ăn. Lử thường gặp và liên lạc với Páo.

Lử hết thuốc phiện, không xoay ra, thèm quá sinh ốm. Lạc cắt dăm đồng cân cho Lử. Có thuốc, Lử rít liền mấy điếu. Bệnh tình bay biến, tỉnh hẳn ra.
Lạc nằm bên trò chuyện, hỏi han về Páo, Lử nói:

– Hiện nay Páo ở trong rừng, nó chưa dám về đâu. Nhưng nó đang muốn về. Khi nào nó về tôi báo trước cho cán bộ biết.

Ít lâu sau, Lử báo cho Lạc biết. Páo nhớ vợ, nhớ con, đang muốn về thăm. Lạc về ngay nhà
Páo.

Người vợ ba Páo đang ôm thằng Giàng Sé Pao. Đứa con mê man trong tay mẹ. Lạc vội vã cặp nhiệt độ đo cho Pao. Nhiệt độ chỉ 40 độ. Anh lo lắng hỏi:
– Mấy hôm nay, cháu có nghịch nắng không?

Người mẹ buồn bã:

– Hôm kia, nó ra vũng tát cá. Trời nắng lắm. Rồi nó bị ốm. Tôi đã cho tìm thầy cúng về cúng ma mấy ngày liền, nó không khỏi. Giờ làm thế nào?

Biết Pao bị cảm nặng, Lạc nói:

– Chị để chúng tôi cho uống thuốc, cháu sẽ khỏi thôi.

Người mẹ vẫn lo lắng:

– Tôi cũng cho nó uống thuốc rồi, nhưng nó không khỏi mà!

Lạc bảo chị mang thuốc ra xem. Đúng là một viên thuốc cảm nhưng để lâu ngày, đã mủn. Lạc cùng Dèn lấy lá bưởi, chanh, tre, củ gừng đun một nồi nước xông.
Các anh cho đứa bé xông, uống thuốc cảm, đắp chăn kín, nằm yên. Lạc lại bảo người mẹ nấu nồi cháo hành.

Một lúc sau, Pao ngồi dậy, tỉnh tỉnh. Nó ăn cháo. Mồ hôi toát ra. Người mẹ vẫn lo. Gần tối, Pao tỉnh hẳn, nói chuyện bi bô. Người mẹ mừng lắm.

Lạc xin phép ra về. Vợ Páo nằn nì:

– Cán bộ y tế này, cán bộ chữa cho con tôi đỡ bệnh, tôi không để cho cán bộ về ngay đâu. Phải ở lại đây ăn cơm đã.

Lạc xếp xếp túi thuốc:

– Ông đi vắng, chúng tôi ở lại không tiện.

Vợ Páo cứ luống cuống, trở ra trở vào, không biết làm sao giữ khách. Cuối cùng đành nói:

– Nếu cán bộ ở lại đây, sáng mai tôi sẽ đi tìm chồng tôi về gặp.

Lạc nhận lời ở lại.

Sáng sớm hôm sau, người vợ dậy sớm, đi vào rừng. Gần trưa chị ta về. Đi sau là Giàng Sè
Páo.

Chào hỏi Lạc và Dèn xong, Páo lấy mười quả trứng gà, vục bát múc ra hai bát rượu, rót một bát mật ong. Páo đập trứng, hòa rượu đánh tan cùng mật ong.

Người vợ lấy thịt bò “lạp” vùi vào bếp. Mùi thịt thơm phưng phức bay lên.

Páo rót rượu ra bát, đặt trước mặt Lạc và Dèn, xoa hai tay vào nhau, trán giật giật, hạt kim cương lấp lánh, trịnh trọng:

– Vợ tôi cho biết, thằng Pao bị ốm, tưởng là bị chết. Thế mà cán bộ y tá chữa được cho nó khỏi rồi, không có cán bộ thì nó không còn sống với tôi được nữa. Tôi đội ơn cán bộ nhiều lắm. Vậy mời cán bộ ở lại đây, ăn bữa cơm với gia đình tôi. Hôm nọ đang định nói chuyện với cán bộ thì dân quân vào nên tôi phải đi.

Nghe mời ở lại nói chuyện, Lạc đã mừng thầm trong bụng. Có dịp tốt thuyết phục nó rồi đây.

Chiều hôm đó, Páo mổ gà, làm cơm mời cán bộ. Buối tối Páo sai vợ quét dọn, thu xếp cái giường sang nhất trong nhà cho hai người nằm. Hắn mang đến một lò sưởi bằng than, đặt bàn đèn trên giường, cùng Lạc nằm hút thuốc phiện và trò chuyện.

Nằm bên Páo, nhưng Lạc vẫn lo. Lạc đoán là thế nào Páo cũng cho phỉ về hộ vệ, bao vây quanh nhà. Biết đâu đêm đến phỉ chả vào giết anh và Dèn. Anh cứ thấp thỏm, quay ra quay vào, dự kiến cách đối phó khi có biến.

Như đoán biết nỗi lo lắng của Lạc, Páo hỏi:

– Cán bộ sợ phải không?

Không để Lạc trả lời, Páo tiếp luôn:

– Ở đây đã có tôi, không sợ gì cả. Tôi sẽ giao súng cho cán bộ, yên tâm.

Páo lấy ra hai khẩu pạc-hoọc liên thanh, hai hộp đạn đưa cho Lạc và Dèn rồi nằm rít thuốc.
Páo hỏi:

– Vợ tôi nói, thằng con ốm nặng, tưởng chết, cúng ma mãi cũng không khỏi, thế mà cán bộ chữa được. Chắc là cán bộ có phép, bảo con ma đi rồi?

Lạc lắc đầu:

– Không phải, do thuốc thôi.

– Thế cán bộ đun nước cho nó tắm là thế nào?

– Làm cho chất độc trong người nó thoát ra thôi. Không có con ma nào cả đâu.

– Ồ!

Páo tiêm một điếu thuốc, đưa dọc tẩu vào miệng Lạc:

– Cán bộ hút đi!

Lạc sợ quá. Từ trước đến nay, anh không biết hút thuốc phiện. Giờ làm thế nào. Không hút thì Páo không thân mật, cởi mở. Lạc đành liều rít thuốc, bị say, mắt lờ đờ, người chơi vơi như nằm trên không, da ngứa lẩn mẩn như bọ chó đốt.

Páo hút hết điếu này đến điếu khác, càng hút càng tỉnh. Hút xong, hắn lo lắng:

– Tôi sắp hết thuốc rồi, giờ không biết làm thế nào để mua thuốc cả. Mùa rét, không có thuốc thì chết mất.

Lạc lấy ra hai lạng thuốc phiện đưa cho Páo:

– Đây là thuốc thượng cấp cho tôi để pha chế thuốc chữa bệnh cho bà con. Ông cứ cầm lấy mà dùng. Tôi sẽ lĩnh số khác.

Páo ngần ngừ từ chối. Lạc không nghe. Páo trả tiền, anh không lấy. Páo cảm động và biết ơn
lắm.

Nằm trò chuyện một lúc, Lạc hỏi:

– Tôi là cán bộ y tá, tôi chỉ biết chữa bệnh cho bà con, tôi không biết chuyện chính trị, quân sự. Tôi hỏi, làm sao ông cứ phải ở trong rừng, không về nhà làm ăn với vợ, con?

Páo hút thêm điếu thuốc, chiêu một hớp chè nóng rồi thành thật:

– Tôi tin cán bộ y tá, tôi nói thật, tôi còn chỉ huy một số phỉ, chúng tôi có tội to lắm với Chính phủ, bộ đội bắt được thì giết chết, nên tôi không về.

Lạc nói:

– Ông cứ về đi, tôi bảo đảm hoàn toàn tính mệnh cho ông.

Páo như phát hiện ra điều gì đó, hỏi dồn:

– Cán bộ y tá làm sao có thể bảo đảm cho tôi được?

Lạc chột dạ, nhưng nói cứng:

– Tôi là cán bộ y tá nhưng tôi quen nhiều với cán bộ thượng cấp. Tôi chữa thuốc cho các ông, được tin cậy. Tôi nói các ông sẽ nghe tôi. Hơn nữa, Mã Chính Lâm cũng quen nhiều cán bộ thượng cấp, Lâm lại là huyện đội trưởng. Ông Kẻ – chủ tịch huyện – cũng sẽ bảo đảm tính mệnh cho ông!

Páo thấy có lý, gật gù:

– Tôi nghe thấy xuôi cái tai rồi, nhưng còn chân tay của tôi, không biết nó có nghe không?

Lạc nói ngay:

– Ông chỉ huy chúng, ông bắt chúng phải nghe chứ?

Páo lại rít thuốc, suy nghĩ, hồi lâu mới nói:

– Ừ, để tôi xem sao đã!

Sáng hôm sau, gà vừa gáy đợt đầu, Lạc đang nằm bỗng thấy hai vợ chồng Páo lách cổng đi ra. Một lúc sau, nghe tiếng gọi cổng, Lạc, Dèn nghi nghi. Có phải vợ Páo đi gọi phỉ về bắt mình không?

Páo ra mở cổng. Hai người đàn ông đi vào. Lạc, Dèn càng thấy nghi. Páo dẫn hai người đàn ông đến trước mặt Lạc, nói:
– Đây là anh em nhà tôi. Tôi vừa cho vợ tôi đi báo đến có việc.

Lúc này Lạc và Dèn mới yên tâm.

Hai người đàn ông bắt một con dê, ba con gà, nấu nước, hí húi làm thịt.

Một lúc sau, lại thấy một đám đàn bà, trẻ con đi đến. Họ túm tụm nấu xôi, thổi cơm, xào thịt, khói um cả một góc sân.

Páo đến trước Lạc, chắp tay cung kính:

– Hôm nay nhà tôi làm lễ ăn mừng thằng Pao được cứu sống. Cán bộ không được đi đâu cả.

Lạc từ chối:

– Chúng tôi còn phải đi chữa bệnh cho bà con chứ!

Sè Páo dẫn Séo Pao đến trước mặt Lạc. Như được dạy trước, đứa bé chắp tay, nói bằng tiếng Kinh chưa sõi:

– Mời cán bộ ở lại ạ!

Lạc phân vân không biết nên ở hay nên đi. Dèn nói với anh:

– Theo phong tục của người Mèo chúng tôi, người ta mời, anh nên ở lại.

Cỗ bàn đã làm xong, Páo bày biện, khấn bái rồi mời khách. Páo mời Lạc và Dèn ngồi vào chiếc bàn ăn đặt trước bàn thờ. Mọi người đứng xung quanh chờ đợi. Người lo nhất là Dèn. Dèn nghĩ bụng, gia chủ trọng vọng quá, không biết thủ trưởng Lạc nó có biết cư xử đúng với phong tục người Mèo ta không? Đấy, Páo lại sắp thưa chuyện rồi.

Dèn hồi hộp nhìn Lạc, chăm chú theo dõi, muốn ra hiệu cho anh, nhưng không biết làm thế
nào.

Páo đứng trước Lạc, khoát tay ra hiệu cho mọi người trong nhà quỳ xuống rồi trịnh trọng nói với anh:

– Đây là bà con thân thích của gia đình tôi. Tôi biết ơn cán bộ y tá chữa khỏi cho đứa con quý nhất của tôi. Gia đình tôi biết ơn cán bộ nhiều lắm.

Lạc lần lượt kéo tất cả mọi người đứng dậy, kéo Sè Páo ngồi bên trái, Séo Pao ngồi bên phải.
Mọi người trong gia đình mừng rỡ, hồ hởi. Lạc bưng một bát rượu, đứng lên nói:
– Hôm nay chúng tôi vui mừng vì cháu khỏi ốm. Ông Páo về thăm nhà. Bà con tề tựu đông đủ!

Nói rồi, Lạc cùng mọi người uống rượu. Cả nhà vui mừng, cùng tung hô chúc hai vị khách mạnh khỏe.

Một người từ nhà dưới bưng lên một đĩa đựng 3 cái đầu, 3 buồng gan, 6 đùi và 6 chân gà.

Dèn nhìn cái đĩa, lại lo sốt vó, không biết thủ trưởng Lạc làm sao đây? Nó có biết không? Làm không đúng với phong tục người Mèo ta thì họ không khoái, không tin, không nghe lời đâu. Không biết làm thế nào mách nước, Dèn lặng lẽ ngồi theo dõi Lạc.

Lạc lấy dao cắt ba buồng gan chia đều cho mọi người, dành ba cánh gan bỏ vào bát Sè Páo, Séo Pao và mọi người.

Dèn thở phào nhẹ nhõm. Nhưng còn chân gà thì sao đây?

Lạc lấy bốn chân gà, buộc thành từng cặp, treo lên bàn thờ, giành lại một cặp để bói.

Anh cầm chân gà, tách lớp da ra, ngắm đi ngắm lại chỗ vệt máu đen mờ mờ trong ống xương, nói với Páo:

– Năm nay ông vừa gặp tai nạn – đây, ông xem chỗ máu gà tụ ở chân đây – nhưng đã qua rồi. Tuy vậy, máu còn tụ chút ít, nếu không cẩn thận sẽ gặp tai nạn lớn. Ông xem, vạch lớn này, có thể là ông đi rừng gặp nạn, sẩy chân, sẩy tay, hùm báo bắt mà không ai biết. Cho nên ông phải tránh ở rừng, ở hang, những nơi vắng vẻ, mưa gió thất thường.

Sè Páo gật gù:

– Ừ, cán bộ nói đúng quá. Tôi vừa gặp lợn lòi mà. Có hôm trông thấy rắn đi qua trước mặt, chỉ tý nữa là giẫm phải nó.

Lạc uống một hớp rượu rồi chỉ vào năm ngón chân gà chĩa ra quắp vào.

– Ông thấy không? Đáng lẽ các ngón chân quặp lại, đây ngón giữa lại chĩa ra thế này, như thế nó chỉ ông phải đi theo đường thẳng, tránh đi đường ngang ngõ tắt, tránh đi vào nơi tối tăm, rừng sâu, núi hiểm.

Sè Páo im lặng ngồi nghe, gật gù suy nghĩ.

Bói xong, Lạc treo chân gà lên cạnh bàn thờ. Séo Dèn cùng mọi người nhìn Lạc thán phục. Sao thủ trưởng người Kinh mà biết xem bói giỏi thế nhỉ? Còn hơn ông thày mo bản mình rồi! Không biết nó học xem bói bao giờ mà làm đúng quá, nó biết phong tục người Mèo ta rồi.

Lúc này Lạc mới lấy ba đầu gà, tách hàm dưới ra khỏi hàm trên, đưa cho Séo Pao, Sè Páo, vợ Páo, mỗi người một hàm dưới, còn giành hàm trên cho ba người khác.

Páo vui mừng nói với con:

– Mày lễ cán bộ đi!

Rồi quay sang người nhà?

– Chúc rượu cán bộ đi!

Mọi người vui mừng nâng rượu chúc mừng Lạc. Không khí gia đình ấm cúng, vui như ngày tết. Lạc khuyên Páo:

– Đấy, ông xem, gia đình ai cũng vui, mừng đón ông. Ông hãy về đi. Sống với vợ con, bà con họ hàng. Ngày giỗ ngày tết có người đàn ông cúng bái tổ tiên. Ngày thường có người trông coi nhà cửa, ruộng nương, bảo ban con cái!

Páo đang vui, bỗng trầm hẳn xuống, hồi lâu mới nói:

– Tôi sẽ về hàng, nhưng tôi chỉ hàng thượng cấp của cán bộ thôi chứ không hàng cán bộ huyện, xã đâu. Súng ống bọn phỉ đang giữ trong rừng rồi. Tôi sẽ bảo nó hàng, nộp sau. Bây giờ, trong nhà tôi còn có bảy khẩu, tôi xin nộp súng và xin ra hàng, về nhà làm ăn, không chạy trốn, không làm phỉ nữa. Cán bộ viết giấy bảo đảm cho tôi đi!

Lạc làm giấy nhận súng, viết giấy bảo đảm.

Ăn uống xong, Lạc xin đi. Páo rót đầy một bi-đông mật ong, một ống bương rượu, một xâu thịt đưa cho Dèn, bảo mang theo ăn đường.

Páo lại dắt một con ngựa, buộc bảy khẩu súng lên yên, giao hai con khác cho Lạc và Dèn:

– Cán bộ lấy ngựa của tôi mà đi. Tôi cho một người mang súng đi theo. Nộp xong, nó dắt ngựa về.

Lạc, Dèn cưỡi ngựa ra đi. Một người thồ súng đi sau. Páo và cả nhà nhìn theo, mừng vui. Ba người đi về ủy ban. Hồng nhìn thấy Lạc cưỡi ngựa, mang súng về hỏi:
– Ngựa và súng nào thế?

– Của Sè Páo đó.

Hồng ngạc nhiên:

– Ông thuyết phục được nó rồi à?

– Được rồi!

Hồng cười:

– Ông nói phét nó vừa vừa chứ? Lần trước để xổng như thế, lần này có thuê kẹo nó cũng không về.

Đến khi nhận ra có người nhà Páo, Hồng cười xòa:

– Chà! Ông khá đấy!

Lạc trả ngựa cho người nhà Páo rồi chia tay Hồng và anh em dân quân, về huyện.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn