Anh Thảo và Phạm Minh Đăng đang ngồi ở phòng tài chính.

Ngoài đường, người đi lại rộn rập. Lúc thì một đơn vị bộ đội hối hả hành quân. Lúc thì một toán dân quân súng ống lỉnh kỉnh vội vã kéo qua.

Giữa lúc đó Nghĩa bước vào, bỏ chiếc mũ lông ra khỏi đầu, để lộ mái tóc dài trùm tai, trùm gáy. Bộ râu đen xì tua tủa. Đôi mắt trũng sâu, gò má cao gồ lên, da xanh xám. Anh Thảo bỗng thấy thương người chiến sĩ của mình, cố gượng cười:

– Trông cậu cứ như phỉ ấy. Không cẩn thận có ngày dân quân họ suỵt cho mấy phát thì tong đời. Đi tắm giặt, nghỉ ngơi đã, ta sẽ bàn việc sau.

Nghĩa lắc đầu:

– Công việc bắt Dình gấp lắm anh ạ. Không thể chần chừ được. Anh xin ý kiến Bộ để tôi thực hiện ngay!

Tối hôm ấy, anh Thảo, Nghĩa, Kim, Lạc, Đăng họp bàn kế hoạch bắt Vàng Chúng Dình rồi điện về Bộ.

Hôm sau điện của Bộ đến. Anh Thảo nói với anh em:

– Bộ cho ý kiến phải bắt Vàng Chúng Dình ngay. Bộ dặn phải thận trọng, bí mật để tiếp tục bắt nốt những tên tay chân khác, để bọn “hai mặt”, đang chui trong nội bộ ta không biết, không kịp phá. Tóm được tên này, ta mới có thể yên tâm.

Nhận lệnh, Nghĩa lại cùng Minh trở lại hang Chà Mần. Kim, Lạc, Đăng tổ chức người chuẩn bị gạo, thức ăn; người bao vây vòng ngoài, phối hợp tấn công và đưa Dình đi.

Trương tham mưu và Mã tráng sĩ về. Chúng Dình mừng vui, giãi bày tâm sự:

– Các ngài đi, ở nhà tôi mong từng giờ từng phút.

Rồi hắn hỏi:

– Các ngài chuẩn bị địa điểm khai hội thế nào rồi? Các tướng chỉ huy về đông đủ chưa?

Trương tham mưu hạ giọng:

– Lão quan ở Hà Nội chỉ thị về cho Lão tướng, lệnh chúng ta phải gấp rút tấn công địch quân. Tôi đã đánh điện cho Ngô tổng thống. Tổng thống hứa sẽ cho máy bay tiếp viện cho ta. Giờ ta phải chọn ngày lành tháng tốt để dấy binh!

Dình nghe nói, mở cờ trong bụng:

– Thật thỏa lòng mong đợi!

Trương tham mưu trầm ngâm:

– Trước ngày dấy binh, ta nên lập đàn cầu Thần. Muốn cầu cho linh nghiệm, ngài phải đuổi phỉ ra xa, trong này phải thật thanh tịnh, yên tĩnh. Phải ăn chay tụng niệm bảy ngày, bảy đêm. Ngài thấy thế nào?

– Tiên sinh dậy phải lắm! Lần trước ta chưa lập đàn nên chưa thu được toàn thắng. Lần này, lập đàn cầu, nhất định Thần thánh sẽ phù hộ quân ta.

Chúng Dình đuổi phỉ ra cách xa hang, chia thành hai vòng bao quanh phía ngoài. Trong hang, hắn cho người quét dọn sạch sẽ, thắp hương, lập đàn. Dình cùng Trương tham mưu, Mã tráng sĩ ăn chay, tụng niệm suốt bảy ngày đêm. Trong hang khói hương nghi ngút, tiếng khấn bái rì rầm, rì rầm.

Đêm thứ bảy, mưa tầm tã, rét thấu xương. Trời tối như mực, xòe bàn tay trước mặt nhìn không thấy. Bọn phỉ vây quanh hang chúi vào các ngách đá, đốt củi sưởi.

Nửa đêm, Hoàng Trọng Kim và Vũ Đức Lạc dẫn các chiến sĩ công an đến phía sau hang. Các anh dùng bao nối lại làm dây, lần lượt leo lên một vách đá dựng đứng thành vại – nơi từ trước đến giờ chưa ai qua được – đến đỉnh nủi. Từ trên đỉnh núi, theo đường bí mật họ đến cửa hang.

Chờ cho tốp phỉ gác cửa chúi vào các ngách sâu, vùi đầu trong những tấm chăn chiên quây quanh đống lửa, Kim, Lạc mới dẫn anh em lọt vào hang. Họ đi nhẹ nhàng, không một tiếng động.

Lúc này Vàng tổng tư lệnh, Trương tham mưu và Mã tráng sĩ vừa cầu Thần xong, đang nằm bên bàn đèn hút thuốc, bàn kế hoạch tấn công sắp tới.

Đã bảy ngày hút cầm chừng, giờ vớ được thuốc, Dình rít liền miệng. Hắn say, ề à nói:

– Lần này có Trương tham mưu bày kế, nhất định chúng ta sẽ thắng, sẽ đại thắng. “Liên bang Mẹo” nhất định được thành lập. Chúng tôi sẽ đặt quan hệ ngoại giao ngay với miền Nam các ngài. Phải thắt chặt mối bang giao giữa hai nước, ép Cộng sản Bắc Việt này ở giữa rồi quét sạch đi thôi.

Nghỉ một lúc, hắn lại say sưa:

– Cụ Hoàng sẽ làm chủ tịch Liên bang, tôi xin làm tổng trưởng quốc phòng, còn ngài nhận làm cố vấn tối cao cho chúng tôi thì hân hạnh quá!

Dình mơ màng trong giấc mộng vinh quang.

Bỗng một tiếng cú rúc ngoài cửa. Mấy bóng đen vụt vào. Dình giật mình kêu lên:

– Trương tiên sinh! Có gian phi!

Các cây nến phụt tắt, Dình chưa kịp nhỏm dậy thì một quả đấm như thép nện vào mắt làm hắn tối tăm mặt mũi. Một bàn tay cứng ép hắn nằm xuống.

Người ta xé áo nhét vào miệng hắn. Hai mắt bị một mảnh vải đen bịt kín.

Một chiếc võng có sẵn đòn khiêng được đưa đến. Dình bị vây trong võng như con lợn. Chiếc võng được chuyển ra cửa hang, rồi theo đường dây, kéo lên đỉnh núi, từ đó lại theo con đường tắt phía sau, dẫn ra khỏi khu vực phỉ đóng. Trời mưa tầm tã, những giọt mưa như kim chích vào mặt. Các chiến sĩ lặng lẽ khiêng Dình đi trong đêm. Đến sáng thì đã xa nơi phỉ đóng. Các chiến sĩ giấu hắn vào một căn nhà kín đáo và hôm sau đưa đi tiếp.

Cứ thế, ngày nghỉ, đêm đi, năm hôm đánh vật với con đường rừng gai góc, đá tai mèo nhọn hoắt, các chiến sĩ đưa Dình về trại giam Yên Minh.

*

Sau khi Vàng Chúng Dình bị bắt, số phỉ còn lại nháo nhác, tan rã dần.

Giàng Mí Thùng, Lồ Sinh Ly bị bắt. Vàng Dúng Mỉ về hàng. Giàng Dúng Cáng và số bộ hạ còn lại của Giàng Vạn Sùng ở Lũng Cú trốn ở trong rừng không dám hoạt động. Chỉ còn có Vàng Chỉn Cáo ở Cắn Tỷ vẫn ngoan cố chống lại ta.

Phạm Minh Đăng dẫn Trịnh Văn Sầu, Lương Phượng Kim, Nguyễn Văn Tọa, Đinh Quang Bạ… về Cắn Tỷ tìm cách bắt Cáo.

Nghe tin các tướng phỉ lần lượt bị bắt, Hoàng Chí Ân báo cho Cáo biết. Cáo sợ hãi trốn biệt trong rừng. Thỉnh thoảng, nửa đêm, Cáo mò về với vợ rồi sáng sớm lại đi. Cáo về, ở đây, chỉ có Giàng Xoá Mỷ biết. Mỷ canh gác cho Cáo rất cẩn mật.

Về đến Tráng Kìm, Đăng bàn với các chiến sĩ:

– Thằng này gian ngoan lắm. Ta phải thận trọng, bí mật. Trước hết ta bắt Mỷ. Từ Mỷ ta sẽ bắt Cáo. Bây giờ ta phân công người điều tra bám sát hai tên này.

Trịnh Văn Sầu đề nghị:

– Mình đã khốn khổ với thằng Cáo nhiều rồi. Ngày nọ, không có vợ chồng ông Chúng Pao thì mình bị nó cắt tiết rồi. Giờ các cậu cho mình được bắt Cáo.

Mọi người tán thành ngay. Thế là Tọa, Bạ vào tổ bắt Mỷ; Sầu, Kim vào tổ bắt Cáo.

Các chiến sĩ bí mật phục ở Cắn Tỷ.

Một đêm, cơ sở báo cho các anh biết, Giàng Xóa Mỷ về nhà. Lập tức một người ở cạnh nhà Mỷ mang ngay rượu thịt đến nói với hắn:

– Ông đi lâu ngày, bà con ở nhà mong nhớ quá. Hôm nay có rượu ngon mời ông dùng cho
vui.

Lâu ngày ở rừng không có rượu uống, vớ được rượu ngon, Mỷ uống tì tì. Chờ cho Mỷ uống thật say, bắt đầu nói lảm nhảm, tay cầm đũa cứ chọc vào cái bát đựng xương, gắp bỏ vào bát mình, người đó đập mạnh cái bát xuống mâm. Các chiến sĩ Tọa, Bạ ập vào bắt ngay Mỷ dẫn đến nộp cho Đăng.

Đăng khai thác ngay:

– Vàng Chỉn Cáo bây giờ ở đâu?

Mỷ ngần ngừ chưa dám nói. Đăng hỏi luôn:

– Nói ngay sẽ được nhẹ tội.

– Đêm mai Cáo sẽ về nhà.

Đêm sau, tất cả các chiến sĩ bao vây nhà Cáo.

Cáo nằm ở nhà. Thả bốn con chó dữ canh xung quanh. Các chiến sĩ phải cởi trần phơi sương cho hết hơi người. Gió gào ào ào. Trời rét như cắt. Sương rơi vào da như kim châm. Các anh cứ phơi. Những con chó không đánh được hơi, nằm im thin thít. Cáo không hay biết gì. Các anh ập vào bắt rất gọn.

*

Lạc vác ba lô cùng Hầu Mí Vù, một chiến sĩ trinh sát trẻ người Mèo, về Má Lé. Đã đến xóm Dỉ Thàng, hai người tìm đến nhà một bà cụ gần nhà Moa Soa Páo. Nghe các anh hỏi về những người trong gia đình Páo, bà cụ than thở, thương hại:
– Con Vù Thị Mỷ thật cơ cực. Người ta đi làm dâu đã nhiều, nhưng tôi chưa thấy ai khổ như con bé. Từ hồi nổi phỉ đến giờ, ông Páo và chồng nó là thằng Mí Lình hành hạ nó tàn tệ. Cảnh này rồi nó cũng đến chết dần chết mòn ở nhà chồng mất thôi! Ai lại có thai đứa con đầu lòng, chồng đánh đập hành hạ quá đến phải đẻ non và chết. Bố con nó chẳng thuốc thang gì cả. Ngô nó giấu đi, bố con ăn với nhau, con Mỷ chỉ ăn cháo. Thế thì sống sao được?

Đêm đêm, Vù nằm thở than, kể cho Lạc những chuyện khổ cực của các cô gái Mèo đi làm dâu với giọng buồn buồn:

– Người Mèo chúng tôi đi làm dâu khổ lắm thủ trưởng ạ! Lấy chồng rồi là phải phục dịch chồng, hầu hạ cơm nước, đun nước cho chồng rửa chân. Thủ trưởng có thấy lúc nào người phụ nữ ngơi tay vê lanh đâu? Đi chợ, giã gạo, làm gì cũng có nắm lanh buộc bên thắt lưng. Chồng đi chợ, vợ đi theo. Chồng cưỡi ngựa, vợ đi bộ. Chồng say rượu, vợ phải ngồi quạt, chờ khi nào chồng tỉnh mới được về. Chồng sống thì hầu hạ chồng, chồng chết thì phải lấy em chồng. Nhiều người bị chồng đánh đập quá con ở. Đấy là người chồng bình thường, chứ người nghiện hút, cờ bạc thì còn khổ trăm bề. Quanh năm làm lụng không đủ tiền cho chồng hút thuốc phiện, đánh bạc đâu.

Lạc buồn buồn nhắc đến Vù Thị Mỷ:

– Phải cứu cô ta thôi, không rồi cô ta chết mất!

Vù băn khoăn:

– Nhưng nhiệm vụ cấp trên giao cho ta là tìm tội trạng của Moa Soa Páo cơ mà! Ta chạy sang cứu cô ta rồi ảnh hưởng đến công việc, cấp trên lại phê bình!

Lạc quả quyết:

– Cứu một người dân bị hoạn nạn, giải thoát cho họ khỏi cảnh đau khổ cũng là nhiệm vụ của ta chứ sao? Vả lại, cô ta sẽ giúp nhiều cho công việc của ta. Ta cứ làm, có bị phê bình mình chịu.

Một hôm, hai người sang nhà Moa Soa Páo. Hắn đang ngồi trước cổng, cho con chó to xù ăn.
Hắn vừa vuốt ve con chó, vừa nựng nựng như nói với người:

– Con yêu của ta ơi, ăn ngon rồi canh nhà cẩn mật cho ta, con nhớ!

Hai người dừng lại gần cổng, Lạc bàn với Vù:

– Cậu nói chuyện với Páo, giữ chân nó cho mình. Mình vào thăm bệnh và hỏi thăm Mỷ một chút nhé! Chị ta biết tiếng Kinh phải không?

Hai người bước vào, Vù ngồi xuống vuốt ve con chó rồi nói với Páo:

– Chúng tôi là cán bộ y tế, được cấp trên cử về đây khám sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân. Hôm nay chúng tôi đến đây thăm gia đình ông.

Páo xoa hai tay:

– Dạ! Cán bộ về làm điều tốt cho dân chúng tôi, chúng tôi vui cái bụng lắm!

Nhưng trong lòng hắn nghĩ: “Phải tìm cách ngăn không cho bọn Cộng sản này dúng vào việc của chúng ông?”

– Hiện giờ có ai ở nhà không?

– Đi vắng hết rồi… à, chỉ mình con dâu tôi ở nhà thôi!

– Chị ta có bệnh gì không?

Páo tỏ vẻ thương hại:

– Khổ, nó bị ốm mấy tháng nay, tôi đã tìm các thày lang giỏi, thuốc thang nhiều mà không khỏi.

Lạc nói luôn:

– Thế à! Chúng tôi là cán bộ y tế, vậy ông cho vào thăm bệnh cô ta.

Soa Páo chột dạ. Hắn không muốn cho anh vào thăm, nhưng không biết từ chối thế nào. Vù nhanh ý nói luôn:

– Vào chữa bệnh một tý thôi mà.

Páo còn ngần ngừ, Vù giục Lạc:

– Ông đồng ý rồi đó, thủ trưởng vào đi!

Lạc nhanh chân đi vào nơi Mỷ đang nằm. Vù ngồi nói chuyện giữ chân Páo, cứ khen lấy khen để con chó đẹp, khôn, cả vùng này không ai có.

Mỷ nằm trên một chõng nứa quá ngắn, chân thò ra ngoài chõng. Xung quanh che bằng những cành cây. Gió lọt qua lạnh ngắt.

Lạc tự giới thiệu và xin khám bệnh cho chị. Chị ngồi dậy, thân mật chuyện trò bằng tiếng Kinh với người cán bộ.

Khám bệnh xong. Lạc lấy thuốc đưa cho chị rồi nói:

– Tôi muốn nói chuyện riêng với chị, việc cần lắm. Nói ở đây không tiện, chị có thể đến đâu đó, tôi gặp được không?

Nghe nói việc cần, Mỷ vui vẻ nhận lời ngay:

– Tôi có người anh ở Lũng Cú, cán bộ gặp tôi ở đó được không?

– Ở đâu cũng được, miễn là bí mật thôi. Bao giờ chị có thể đi được?

– Phiên chợ tới, tôi nói dối ông Páo là tôi đi chợ rồi đến gặp cán bộ.

Lạc nhìn thấy chị xanh xao, chân tay gầy guộc, ái ngại:

– Chị còn yếu lắm, đi làm sao được. Uống thuốc đỡ rồi hãy đi!

– Không, tôi đi được!

Lạc và Vù vừa bước khỏi cổng, tên Páo chạy ngay vào buồng Mỷ, nghiến răng:

– Thằng cán bộ hỏi mày cái gì thế?

Mỷ uất ức, máu sôi trong người nhưng cố nén:

– Nó khám bệnh cho tôi thôi mà!

Páo trợn mắt, lông mày sâu róm dựng lên:

– Đừng có giấu tao. Chắc nó muốn hỏi chuyện về tao chứ thăm bệnh thăm biếc gì? Tao nói thật, những việc chúng tao làm, mày đừng có bép xép. Mày nói với nó, tao giết, hiểu chưa?

Tối hôm ấy, thằng Mí Lình – chồng Mỷ về. Thằng này đã đi làm phỉ. Vừa qua các cánh phỉ của chúng bị đánh tan, Lình về nhà nhưng vẫn chờ ngày trở lại hoạt động. Hai bố con bàn bạc suốt đêm. Soa Páo nói với con:

– Mày phải đi theo dõi nó, không cho nó đi đâu. Nếu thấy nó đi phải giữ, nếu cần, mày phải tìm cách giết nó đi thôi. Còn nó, tao và mày còn gặp họa.

Mí Lình nhận lời. Từ hôm đó, hắn suốt ngày quanh quẩn ở nhà, lúc thì dọa dẫm đánh đập, lúc thì dỗ ngon dỗ ngọt Mỷ. Một buổi, nằm bên vợ, hắn nói:

– Nếu mày nói cho cán bộ biết chuyện của bố con tao, tao sẽ giết ngay, chẳng vợ con gì cả
đâu.

Hai bố con cùng chung tâm địa, độc ác như nhau, tìm cách ngăn cản, nhưng Mỷ vẫn giữ lời hứa. Chị mong đến ngày đi gặp cán bộ. Mỷ uống thuốc bổ của Lạc đưa, lấy thêm lá về dùng cho chóng khỏe.

Đã đến ngày hẹn. Hôm ấy Mí Lình ở nhà. Từ sáng, Mỷ trút bỏ chiếc váy lanh vá tầng vá đụp, mặc chiếc váy lanh lành nhất của chị. Nói là lành nhưng đã nửa mạc, màu trắng đã ngả sang màu vàng, nếp váy đã sờn. Chị tìm chiếc áo hoa xin của người chị họ hôm nào, lấy chiếc “đa-so” trùm lên vai, tìm quẩy tấu rồi nói với chồng:

– Hôm nay tao đi chợ, mua thuốc. Từ hôm đẻ non đến giờ, tao yếu lắm.

Mí Lình nhìn vợ:

– Mày đi một mình thôi à? Tao đi với chứ? Vợ chồng người Mèo ta có đi một mình như thế
đâu?

Mỷ biết nó nói dối để tìm cách kéo chị ở nhà, chứ nó chưa dám đi chợ đâu, nó còn sợ dân quân bắt lắm chứ, chị nói:

– Ừ thì đi, ai cấm mày, mày lấy ngựa đi!

Mí Lình dắt ngựa ra khỏi tàu, đóng yên, lấy ô đeo sau lưng, mặc bộ quần áo đen mới, đội mũ nồi, rồi dắt ngựa ra ngõ

– Đi! Lình hét.

Hắn cưỡi ngựa đi trước, Mỷ đi sau.

Bà con quanh đó lấy làm lạ. Không hiểu sao hôm nay vợ chồng Mỷ lại hòa thuận thế, dễ chừng đã mấy năm nay chúng lại mới đi chợ với nhau.

Mỷ nhìn chồng. Kể ra, nếu Mí Lình nó tốt, biết thương, thật tâm với mình, mình cũng yêu thương nó, ăn ở tình nghĩa với nó. Ai mà chẳng mong, lấy chồng được ăn ở êm ấm, hòa thuận với chồng. Nhưng nó nghe theo bố, bạc ác với mình quá. Từ ngày lấy nhau có bao giờ nó thương yêu mình đâu.

Đi được một quãng xa, Mí Lình vẫn thấy vợ dò dẫm theo, chân bước trên những tảng đá lạnh ngắt, run rẩy.

Thấy đi xa thêm, nguy hiểm cho mình, hắn bảo vợ:

– Tao thấy mày yếu lắm rồi, đi nữa về chết mất. Thôi về đi!

Mỷ biết mình yếu, chân bước chuyệnh choạng, nhưng không thể về được, bảo nó:

– Không đi thì không có thuốc, hay một mình mày đi mua thuốc cho tao?

– Tao không đi một mình đâu, phiên chợ sau mày hãy đi!

Mỷ kêu lên:

– Phiên chợ sau thì tao chết mất!

Tin là vợ đi chợ thật. Lình quay ngựa về.

Mỷ mừng quá, đi một quãng rồi tìm đường rẽ về Lũng Cú.

Chị vượt qua các dốc, các đỉnh núi cao, đến được nhà người anh.

Trong khi đó, Lạc và Vù đang thấp thỏm chờ đợi. Lạc lo cho Mỷ quá. Liệu bố con Soa Páo có giữ chị lại? Liệu chị có đủ sức đi đến đây không?

Hai người ra chân núi đón. Cho đến khi nhìn Mỷ run rẩy đi vào, mặt tím bầm, người lả đi, anh thấy ân hận, biết thế mình tìm gặp chị rồi. Anh dắt chị vào nhà, đốt củi, lấy thuốc cho chị uống.

Lạc hỏi về cuộc đời Mỷ. Đúng như bà cụ đã nói, bao nhiêu điều cay cực đã đổ lên đầu chị.
Cha con Páo đầy đọa hành hạ đến mức làm chị bị đẻ non.

Như thương tiếc đứa con chưa đủ tháng đã ra đời và chết yểu, chị òa lên khóc nức nở, rồi nói trong tiếng nấc:

– Cha con thằng Mí Lình dọa giết tôi. Các anh cứu tôi với!

Không thể chần chừ được nữa, Lạc về xin ý kiến anh Thảo, nhờ sự can thiệp của Ủy ban huyện Đồng Văn, đưa ngay Mỷ về bệnh xá huyện.

Một chiếc cáng được đưa đến nhà Soa Páo. Páo lo ngại, không muốn cho Mỷ đi:
– Nó là con dâu nhà tôi. Tôi chạy chữa cho nó, không cho nó đi đâu cả!

Lạc nói:

– Không được, chị ta ốm nặng, để ở nhà, chết mất!

– Nó đi, nó chết, con ma về bắt nhà tôi, cán bộ nghĩ sao?

– Chúng tôi chữa bệnh, không chết đâu!

Mọi người xáp lại khiêng Mỷ về bệnh xá.

Ở bệnh xá, Mỷ được chăm lo chu đáo. Các y sĩ, y tá ở đây, ai cũng thương, tận tình chăm sóc, cứu chữa cho chị. Sức khỏe chị hồi phục dần.

Nhưng một điều lo lắng lại canh cánh trong lòng chị. Khỏi bệnh rồi thì sống ra sao đây? Về đâu? Lại về nhà Páo ư? Bố con nó sẽ hành hạ mình đến chết thôi! Bố mẹ đẻ thì đã chết cả rồi, mà có sống cũng không về được. Con gái đã đi lấy chồng, tục Mèo cấm không cho về nhà bố mẹ. Muốn thoát khỏi nhà chồng, chỉ có hai cách: hoặc là tự tử, hoặc là đi làm “hầu phan”(1). Từ ngày hòa bình đến giờ, xã bỏ tục “hầu phan”, chả lẽ đến nhà bí thư, chủ tịch xã mà ở, ai cho?

Thật là oái ăm. Bệnh càng đỡ. Mỷ càng lo, thân thể càng khỏe khoắn, tâm trí chị càng rối loạn. Có thể ngày ra khỏi bệnh xá cũng là ngày chị vào rừng ăn lá ngón tự tử.

Công việc điều tra tội ác và những hoạt động của cha con Páo được tiến hành khẩn trương.

Lạc, Vù lặn lội ở Má Lé. Sau một thời gian ngắn, anh đã tập hợp được một số chứng cứ quan trọng.

Lạc trở về bệnh xá hỏi Mỷ, chị kể:

– Có những buổi, tôi ốm, nằm ở nhà, một số tên lạ mặt đến nói là gặp Páo để mua trâu, bò, thuốc phiện, nhưng chúng họp hành với nhau. Chúng bàn về chuyện mua vũ khí, tổ chức người nổi phỉ. Tôi hỏi thằng Mí Lình thì được biết có tên Vàng Chúng Dình. Sau đó, Giàng Vạn Sùng, Giàng Sàng Sấn đến họp. Khi nổi phỉ, bố con Páo đi theo. Đến giờ, bố con nó còn họp với một số tên, tay chân Sùng như Giàng Dúng Cáng, Giàng Mí De, nói là phải chờ thời cơ, có dịp là nổi lên.

Tập hợp xong hồ sơ về Páo, Lạc gặp anh Thảo, đề nghị:

– Tội hắn đã rõ ràng, ta cần bắt ngay. Mặt khác, Mỷ không thể sống với gia đình Páo được. Chị về, chúng sẽ giết. Chị xin ly dị chồng, ta nên bàn với tòa án cho phép chị ly dị anh ạ!

Anh Thảo băn khoăn:

– Ủng hộ việc ly dị của chị ta, liệu có phạm đến phong tục dân tộc không? Ta cần tìm hiểu kỹ rồi hãy thực hiện.

Lạc hỏi thêm những già làng, họ nói không phạm tục lệ gì. Các anh bàn với tòa án. Tòa án tán thành cho Mỷ ly dị chồng.
Mỷ thoát khỏi nhà Páo sống với gia đình người anh trai, ở Lũng Cú.

Ít lâu sau, có một thanh niên Mèo, cùng bản, yêu thương chị thật sự. Chị lấy người đó. Cuộc sống hòa thuận, đầm ấm đến với chị.

*

Giải quyết xong việc Mỷ đã đúng ngày 30 tết. Lạc và Vù từ Má Lé về phố Đồng Văn. Đi trong gió rét, mưa phùn, Vù nhớ bếp lửa ấm cúng, vợ con ở nhà, nói với Lạc:
– Lần sau có đi công tác ở đâu, tôi không đi với thủ trưởng Lạc nữa!
Lạc không hiểu, lo lắng hỏi:
– Sao Vù lại không đi với mình nữa. Mình có điều gì không tốt với cậu nào?
Vù thành thật:
– Thủ trưởng là người Kinh, đến ngày tết, thủ trưởng coi thường, không nhớ đến tổ tiên, ông bà, không nhớ vợ, nhớ con, cứ đi miết thôi.
Lạc cười xòa:
– Ai mà không nhớ nhà, nhớ vợ con? Ngày tết, ai mà chả muốn ở nhà? Người Kinh cũng như người Mèo thôi. Mình có ba thằng con trai ở nhà, mình nhớ chúng lắm chứ. Nhưng công việc chưa xong, về nhà thế nào được. Mình ăn một cái tết ngon còn chị Mỷ lại khổ bao cái tết. Thà ta về muộn một tý còn hơn. Thôi được, về phố Đồng Văn, mình mượn cho cậu một con ngựa, về nhà cho nhanh.

Về đến Đồng Văn, Lạc đi vào nhà người quen, mượn cho Vù một con ngựa. Giao ngựa cho Vù rồi, thấy trời đã gần tối, Lạc bảo:
– Trời sắp tối rồi, cậu ngủ lại đây, đón giao thừa với bà con, sáng mai về sớm. Đi đêm, nguy hiểm, vất vả lắm.

Vù lắc đầu, nhảy phốc ngay lên ngựa:

– Không, về sớm tí nào hay tí ấy thủ trưởng ạ! Vợ con tôi nó mong mà!

Lạc dặn:

– Hôm ra, nhớ đeo cho con ngựa cái ngù đỏ, dán hai “hoa thị” trên mông nó để trả bà con, năm mới mà!

Vù gật đầu, thúc ngựa, phóng đi ngay. Tiếng vó ngựa lộp cộp trên đường. Vù đi rồi, Lạc ở lại ăn tết với bà con phố Đồng Văn.
Anh Đỉnh mời Lạc sang nhà ăn tết. Trong bữa rượu, Đỉnh nhắc:
– Năm ngoái mình ăn tết trong vùng phỉ, năm nay mình ở nhà rồi. Còn anh, có dễ hai cái tết chưa được ăn ở nhà nhỉ?

Lạc cười. Nỗi nhớ nhà gợn lên trong lòng anh.

Cũng tết ấy, đám cưới Mai Xuân Hùng và Nga ở phố được tổ chức, theo nếp sống mới. Đây là đám cưới nếp sống mới đầu tiên ở huyện Đồng Văn. Lạc vui cái vui của những người bạn chiến đấu ở đây. Anh nghĩ đến một năm qua, bao biến đổi lạ lùng. Tết năm ngoái anh đưa đám Phương. Tết năm nay, anh dự đám cưới Hùng. Những chiến sĩ công an từ các nẻo đường về chiến đấu ở mảnh đất xa vắng này, đã trải qua những mất mát, đau thương và đón nhận niềm hạnh phúc như thế đó.

*

Bên bếp lửa cháy rừng rực trong ngôi nhà phòng tài chính huyện, anh Thảo trò chuyện vui vẻ với các chiến sĩ.

Nghĩa ngồi xoa tay trước bếp. Bộ râu đen nhánh mọc lởm chởm. Mái tóc đen trùm kín sau gáy. Đôi mắt trũng sâu.

Anh Thảo quay sang phía anh:

– Những “kẻ chủ mưu” bây giờ đang ở Hà Nội, ở Khu. Cậu chuẩn bị về Hà Nội, Khu theo dõi chúng. Nhớ cắt tóc, cạo râu sạch sẽ. Để như thế, về Hà Nội, họ cho là cậu điên đấy. Nhân dịp có thể về thăm cô ấy. Chuẩn bị đi!

Sau khi phân công Kim và Đăng ở lại tiếp tục bám địa bàn, anh nói với Lạc:

– Đã hơn một năm rồi, cậu chưa về thăm nhà, chắc cô ấy mong lắm. Công việc còn nhiều, nhưng ta giải quyết dần. Kỳ này mình về Hà Giang, nhân tiện cho cậu về thăm nhà vài hôm.

Nghĩa lên ngựa về trước, Lạc chờ cùng đi với anh Thảo.

Trước hôm về, nhớ lời vợ dặn, Lạc ra chợ mua một con chó giống Mèo rất đẹp. Giống chó to, chân cao, lông mượt.

Hôm sau anh Thảo cùng Lạc lên đường.

Hai người bịn rịn chia tay Kim, Đăng. Chỉ có một con ngựa giành cho anh Thảo. Anh nhường cho Lạc, Lạc từ chối. Cứ nhường đi nhường lại mãi, cuối cùng anh Thảo ra “lệnh”: mỗi người cưỡi một đoạn.

Con chó theo Lạc dẫn đi một đoạn thì giở quẻ, không chịu đi nữa, cứ nằm lăn ra đường kêu ăng ẳng. Quát mắng, kéo lôi thế nào nó cũng không chịu đi. Lạc cáu sườn lắm. Chả lẽ thả nó vào rừng? Anh toan đan chiếc rọ quẩy nó đi. Anh Thảo bảo:

– Thôi cứ cho nó lên ngựa, đến lượt ai cưỡi thì giữ nó. Đường núi, xa xôi, quẩy nó, khướt
lắm!

Lạc cứ băn khoăn. Mình đi bộ, thủ trưởng bế chó, đã không hay. Đến lượt mình và chó ngồi chễm chệ trên lưng ngựa, thủ trưởng đi bộ lóc cóc chạy theo thì chướng quá!

– Dạ, dạ, làm thế… anh là… Anh Thảo gạt đi:
– Đừng phân biệt chỉ huy, chiến sĩ, thủ trưởng, nhân viên gì ở đây! Trong cuộc sống riêng tư thế này, và kể cả trong chiến đấu cũng thế, ta phải bình đẳng, phải coi nhau như anh em trong nhà thôi. Nó là con vật, mình phải quý nó, bế nó, việc gì mà ngại?

Thế là hai người thay nhau đi bộ và ôm chó trên mình ngựa. Những người gặp các anh trên đường, ai cũng chỉ trỏ cười.

Về đến Làng Đán, bụng đói, hai người vào quán. Lạc sờ đến túi, hết nhẵn tiền rồi, lúng túng.
Biết thế, anh Thảo bảo:

– Mình còn hai đồng, mua cái gì ăn cho đỡ đói!

Lạc toan mua hai bát phở. Biết tính Lạc, anh Thảo bảo:

– Cho cậu một chén rượu uống cho ấm bụng, còn mua bánh dày, mình ăn và còn cho chó chứ!

Chó ăn bánh dày cứ bị dính răng, không nuốt được. Anh Thảo thương chó, ngồi nhá bánh dày đút cho nó ăn.

Lạc nhìn anh Thảo, cảm động, suy nghĩ, chỉ giữa những người đồng chí mới có tình yêu thương, sự san sẻ như thế.

Về đến Hà Giang, anh Thảo nhận một bức thư của gia đình. Anh đọc thư, mặt bỗng chùng hẳn xuống. Nỗi đau đớn thấm trong cõi lòng.

– Anh có chuyện gì buồn thế ạ? – Lạc hỏi. Anh Thảo lặng lẽ trả lời:
– Thằng con trai duy nhất của mình bị ốm, “mất” rồi. Hôm nọ, mình có nhận điện, biết nó bị ốm. Công việc bận quá chưa về thăm được, ai ngờ nó “đi”!

Lạc ngậm ngùi, thương người chỉ huy gặp nỗi đau xé ruột. Anh Thảo nói:
– Trên Khu cho mình về thăm nhà vài hôm, cậu thu xếp cùng đi xe với mình.

Hôm sau, chiếc com-măng-ca đưa anh và Lạc về phố Vĩnh Tuy.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn