Sau những chuyến đi Hà Giang, Hội không mang lại được những kết quả mong muốn cho mẹ con mụ Síu, Hoàng. Thư từ Hoàng gửi không cứu vãn nổi tình thế. Síu nghi là công an nắm được Hội. “Chà, bọn khố rách áo ôm với nhau, chúng dễ liên hệ với nhau lắm”! Về tiền bạc thì lại càng đáng buồn. Ở Sà Phìn, ông Chủ không những không đưa chìa khóa, còn dẫn cán bộ đến chỉ nơi Hoàng giấu súng, bạc già, tố cáo Hoàng. Ông nói với Hội giọng ngọng nghịu:

– Cô dại lắm. Tôi là em ruột mà nó còn đối đãi tàn tệ, huống là cô, mang tiếng là vợ, nhưng cũng chỉ là người hầu. Còn của nả à, đây là của tôi. Cô cứ về nói với nó, nói với thằng già độc ác thế!

Vợ Song lúc đầu cũng toan đưa chìa khóa kho “nhà trắng” cho Hội. Nhưng Song xúi vợ. Thị chối quanh không đưa nữa. Hoàng biết chắc là Chí Song đã lấy sạch số vàng đó tiêu pha hoặc giấu đi chỗ khác rồi.

Bị thất bại trong những âm mưu mới và em, cháu không chịu đưa tiền, vàng, Síu, Hoàng, Thuận càng bực bội. Bao nhiêu bực tức trút lên đầu Hội. Ngày ngày họ hành hạ, đánh đập, xỉ vả Hội không tiếc lời.

Giữa lúc đó, Hải, em trai Hội, về gặp chị. Sau một thời gian đi ở, Hải đã bỏ nhà chủ đi bộ đội.
Tìm thấy tung tích của chị, Hải đã về một nhà bà con ở Khâm Thiên, tìm gặp Hội.

Thỉnh thoảng Hội về Khâm Thiên gặp em. Chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Hải thương chị nhưng không biết khuyên chị thế nào.

Trong những ngày về đây, Hội quen một cán bộ tên là Chi. Chi góa vợ. Gặp Hội, hiểu hoàn cảnh, nỗi đau xót và tù túng, anh thương yêu, muốn cứu chị khỏi cảnh đọa đầy.

Biết điều đó, đầu tiên Hội sợ. Chắc gì anh cán bộ, lại là một đảng viên, yêu thương thực sự người vợ lẽ của một tên vua Mèo? Một tên trùm phản động. Liệu anh có thật bụng hay không? Anh có dám vượt qua điều tiếng của mọi người, thực tình yêu thương Hội hay không?

Nhưng dần dần, Hội biết anh thật sự yêu thương, thật sự thông cảm với hoàn cảnh éo le của chị, Hội gắn bó với anh.

Chuyện đó chẳng may đến tai Síu. Mụ nghiến răng, xỉa tay vào mặt Hội:

– Nhà tôi là nhà gia giáo, nền nếp, không có kẻ đĩ thõa như cô. Cô nghe lời đứa nào định bôi nhọ gia phong nhà tôi?

Từ đó, mụ giữ chịt Hội ở nhà, cấm cửa không cho bước ra ngoài, ngày ngày đánh chửi tàn tệ.

Hội sợ, muốn quên mối tình đó đi. Nhưng hình ảnh Chi cứ hiện lên trong giấc mơ chập chờn của chị. Càng bị cấm đoán, mắng chửi, chị càng thương Chi.

Hội nhờ cô Bách, người bạn gái, tìm gặp Chi, rồi trốn nhà đi gặp Chi.

Síu, Hoàng biết chuyện, gọi Hội vào buồng. Bà mẹ nuôi ngồi trên sập quát:

– Tôi đã dùng tình nghĩa mẹ con, khuyên bảo cô nhiều lần rồi mà cô vẫn không nghe. Cô cút khỏi nhà này, đi với thằng ma cô nào thì đi! Từ nay trở đi, cô đừng bén mảng đến đây, cô nghe rõ chưa? “Rõ phường mèo mả gà đồng gặp nhau”!

Hội lau nước mắt, tức tưởi:

– Bà không cho con ở thì con đi. Nhưng con xin bà cho con mang cháu đi theo, hoặc thỉnh thoảng về thăm nó.

Thằng Thất, con Hải thấy mẹ khóc, cứ bíu lấy chân mẹ, khóc theo. Mụ Síu đập tay xuống sập:
– Không con cái gì hết! Cô nuôi nó rồi cô làm hư cháu tôi à?

Hội quay sang Hoàng van nỉ:

– Con không dám xin thằng Thất, con chỉ xin con Hải thôi…

Hoàng cũng muốn giữ người vợ trẻ lại, nhưng cơn ghen ức lên cổ họng làm hắn ho lên sù sụ.
Hắn quắc mắt:

– Đã bảo đi là đi mà! Con cái gì?

Biết kêu than cũng không làm cho những con người lòng lang dạ thú này mủi lòng, Hội xách chiếc túi vải đựng vài bộ quần áo ra đi. Các thứ quần áo, đồ đạc khác, Hội vất lại trả, không thèm mang theo.

Hội về Khâm Thiên ở nhờ nhà bà con.

Mấy ngày sau, nhớ con quá, Hội lẻn về. Chị lấy khăn trùm kín đầu, kéo sụp chiếc nón che mặt. Đến gần nhà, Hội lẩn vào một đám đông đang mua bán. Hội vòng đi vòng lại nhiều lượt, ngó và nhà. Thấy thằng Thất, con Hải đang tranh nhau cái gì đó, Hội toan vào ôm lấy con. Nhưng bất thần, mụ Síu từ nhà trong lạch bạch đi ra.

Hội hoảng hốt chạy lẫn vào đám đông. Từ lúc đó, quanh đi quẩn lại mấy lần nhưng vẫn thấy mụ ở đó, Hội không dám quay lại nữa.

Hội về nhà cô Bích khóc lóc. Cô Bích nói thẳng:

– Còn tình nghĩa gì mà lưu luyến nơi hang hùm nọc rắn ấy nữa? Khổ cả đời người rồi, cô còn không thấy hay sao? Cô cứ xin ly dị quách cái thằng già đi thôi. Thời dân chủ, không sợ chúng đâu.

Hội lo lắng nhìn Bích:

– Cụ ấy có quyền, cụ ấy là đại biểu Quốc hội.

Đuổi Hội đi, Hoàng, Síu, Thuận tưởng rằng chỉ vài bữa, không có nơi nương tựa, không nơi ăn uống, nhớ con, Hội sẽ phải mò về. Nhưng cứ thấy Hội đi biền biệt, Síu cho người đi tìm. Tìm thấy nhà Hội ở, mụ đến nơi dọa người bà con của chị:

– Ông bà không được chứa chấp nó. Nếu ông bà còn dây dưa vào, tôi sẽ gọi công an đến can thiệp. Ông bà chứa chấp quân lộn chồng, đĩ điếm à? Cụ Hoàng là đại biểu Quốc hội đấy!

Mụ quay sang Hội, quát:

– Cô định bỏ nhà đi mãi à? Cô không thương con cô thật à? Được, cô đi lấy chồng đi. Chúng tôi mừng cho cô đấy. Nhưng mà, rồi cô đừng có trách cụ Hoàng ác, chúng tôi ác. Tôi nói thật để cô liệu!

Mẹ nuôi về rồi, nỗi lo sợ cứ lởn vởn trong óc Hội. Xưa nay mụ đã nói làm. Chắc mụ và Hoàng sẽ gây khó dễ, sẽ tìm cách hãm hại mình. Hoàng và hai đứa cháu: Song, Ân có nhiều quyền thế lắm.

*

Bệnh viện Việt Xô, ngày 29 tháng 7 năm 1962.
Trên một chiếc giường trải nệm trắng tinh, Hoàng đang nằm rên, đôi mắt mệt mỏi, lờ đờ.

Mấy tháng nay, cụ ốm nặng. Một phần vì tuổi già sức yếu. Cái làm cho cụ suy sụp nhanh là nỗi gian truân trong quá trình hoạt động căng thẳng, nhất là từ hồi nổi loạn đến nay. Một tay cụ – tất nhiên có vị nữ quân sư tối cao và những “tướng lĩnh” khác giúp sức – chèo chống với bao cơn sóng gió chính trị lớn ào qua, lay động Đồng Văn. Gần đây, những tin tức từ Đồng Văn tới tấp dội về. Hầu Vạn Quả khai về cụ, Sùng Mí Chiu bị bắt, Giàng Vạn Sùng thất trận, Vàng Chúng Dình vào nhà giam. Rồi chuyện gia đình: Chủ tố anh, Hội bỏ đi; Song, Ân hờ hững bất hiếu. Tất cả những chuyện đó làm cụ bất an. Không chịu đựng được với bao sóng gió, lo lắng, cụ kết bệnh. Síu, Thuận lập đàn, cầu cúng liên miên, nhưng bệnh tình không thuyên giảm.

Cụ được mang về bệnh viện Việt Xô cứu chữa. Síu, Thuận thay nhau túc trực, hết lòng chăm sóc, mong tai qua nạn khỏi.

Chiều nay thấy trong người phát buồn, cái chết chập chờn, Hoàng gọi bà mẹ vợ đến bên giường, phều phào:

– Tôi chắc không qua khỏi… Tôi đã sống qua nhiều niên, vinh quang đã lắm, gian truân đã nhiều, để gây dựng nên cơ nghiệp Vương quốc Đồng Văn. Bây giờ, việc lớn không thành, xẩy đàn tan nghé, tôi đi, việc trong gia đình, ngoài quốc gia, trăm sự nhờ bà định liệu. Tôi, tôi chỉ còn tin bà. Còn thằng Song, thằng Ân… cả vợ tôi… bà biết đấy, chúng tráo trở lắm…

Nói xong, Hoàng ngắc ngoải trong tiếng khóc thương thảm thiết của bà mẹ vợ, người nhân tình già, vị quân sư, bạn chiến đấu thân thiết nhất của mình.

Hôm sau, một chiếc xe ô tô lớn chở linh cữu Hoàng về Đồng Văn. Chiếc com-măng-ca chở mụ Síu, Mỹ Thuận, Chí Song và vị đại biểu của Ủy ban dân tộc Trung ương cùng con cháu Hoàng.

Khi xe qua con đường Cắn Tỷ, dưới chân Cổng Trời, mụ Síu quay sang vị đại biểu, than thở:

– Khổ thân ông Hoàng nhà tôi quá! Khi ông đi, còn phải ngồi kiệu, khiêng bộ. Ông đem hết sức mình vận động dân Mèo làm đường. Giờ đường làm xong, có ô tô lên thì ông lại mất rồi!

Vị đại diện nhìn vào bản Cắn Tỷ, nơi có nhà Vàng Chỉn Cáo, quay sang nói với Chí Song:

– Tôi được anh em cho biết, khi nghe nói ta làm đường ô-tô Hà Giang – Đồng Văn, Vàng Chỉn Cáo đã tuyên bố trước bà con: “Nếu đường ô tô qua được Cắn Tỷ này, tao sẽ lấy đầu tao làm đòn kê cho chúng mày băm rau lợn!”. Thế mà, giờ đây chúng ta đang ngồi ô-tô qua Cắn Tỷ nhỉ?

Chí Song miễn cưỡng gật đầu.

Xe dừng lại ở Thảm Mạ vì đường mới làm đến đó.

Song chạy vào Vần Chải, nhờ dân khiêng quan tài Hoàng về Phó Bảng. Nhưng không ai chịu khiêng.

Song cáu lắm. Giá như trước, hắn đã chém đầu hết. Nhưng lúc này, nóng nẩy bất lợi, hắn dùng đến phương sách cuối cùng:

– Thế tao trả tiền cho chúng mày. Cần bao nhiêu?

– Người nhà các anh thì các anh cho con cháu đến khiêng, dân chúng tôi chả ai khiêng đâu, đừng nói nhiều!

Song phải vào một nhà quen, mượn ngựa phóng về Phó Bảng, nhờ Ủy ban huy động người. Chủ tịch huyện Vù Mí Kẻ huy động dân quân cùng một số dân khiêng quan tài từ Thảm Mạ về Phó Bảng.

Về Phó Bảng, Thuận lại nói với Song:

– Tôi muốn đưa ông về Sà Phìn, chôn ông bên mộ cụ ông, cụ bà, anh xem thuê người giúp. Người Mèo không chịu, ta thuê người Hoa, người Thổ xem sao?

Song đi nhờ người Hoa, người Thổ ở Phó Bảng nhưng không ai nhận lời. Cuối cùng Mỹ Thuận đành làm ma chồng ở Phó Bảng.

Cũng như đám ma Cắm Sìn ngày nào, lần này, Mỹ Thuận lại đứng lên làm chủ tang lễ. Tang lễ được tổ chức đúng theo phong tục người Mèo.
Mỹ Thuận chọn một người thân tín đứng ra làm ông “xổng lỳ” nhận đồ phúng viếng, giao tất cho mụ.

Hội kèn chỉ toàn những ông già, phì phò thổi những bài ai oán. Thuận ôm lấy quan tài, khóc nức nở. Một người thổi kèn, hát bài “cúng ma”:

Ta chỉ cho mình đến đây

Ta chỉ đường cho mình tìm Tổ tiên…

Gần trưa, linh cữu được khiêng ra huyệt. Thuận cứ tưởng số dân đi theo ông “vua” của họ sẽ đông nghìn nghịt. Nhưng hóa ra phần lớn là trẻ con đi xem cho thỏa chí tò mò.

Chiều hôm ấy, khi những người đưa ma đã về hết, chỉ còn lại người nhà, Chí Song cứ nằng nặc đòi Mỹ Thuận họp kín chia gia sản. Mẹ con Síu cầm sẵn sơ đồ chỉ dẫn một số nơi chôn vàng, thuốc phiện, bạc già nên không muốn họp hành gì cả. Thuận trách đứa cháu bất hiếu. Thị nói với những người thân:

– Ông vừa nằm xuống mà cháu đã nghĩ đến chuyện vàng bạc, của nả. Tôi khác, tôi chỉ nghĩ đến người quá cố, không hề mảy may nghĩ đến bạc vàng!

Chí Song ấm ức trong lòng.

*

Ngay chiều hôm ấy (2-8-1962), khi ở Phó Bảng, Mỹ Thuận ra mộ khóc than Hoàng thì ở phố Đồng Văn, con rể Hoàng – tướng phỉ Giàng Vạn Sùng – bị dẫn ra pháp trường.

Sự việc này diễn ra làm Chí Song đau đầu, phá tan tất cả hy vọng hão huyền của hắn.

Sau khi đưa bản “Tường trình về sự kiện Giàng Vạn Sùng” gửi lên Quốc hội, Song tập trung theo dõi. Đoàn kiểm tra về Lũng Cú. Song hí hửng mừng thầm. Hắn biết rằng, ở Lũng Cú, nhiều bà con dân Mèo còn rất sợ oai Sùng. Nhất là tay chân của Sùng còn lảng vảng trong vùng. Chỉ một lời dọa dẫm, dân sẵn sàng giấu kín tội lỗi Sùng.

Song tung chân tay về Lũng Cú, dọa dẫm bắt dân phải khai báo sai, xóa nhòa sự thật về Sùng.

Nhưng rồi các tin tức từ Lũng Cú về cho biết, nhân dân đã cung cấp những sự việc thật về Sùng, Song cùng Chí Ân khiếu nại khắp nơi, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Tòa án vẫn kết án tử hình Sùng.

Và hôm nay, Sùng ra pháp trường.

Trên một bãi rộng cạnh phố Đồng Văn, dân chúng quanh vùng đến dự đông nghịt. Họ muốn tận mắt nhìn một tên tướng phỉ khét tiếng gian ác, đã gieo bao tang tóc cho bản làng, đền tội ác; muốn chứng kiến nỗi căm thù chất chứa trong lòng bao người hôm nay được trả.

Vợ Mí Sính có mặt trong đám người đến chứng kiến cuộc xử đó. Tấm khăn tang còn quấn trên đầu. Bộ mặt hốc hác, xanh xao của chị lúc này đượm vẻ căm thù, vẻ buồn và sự chờ đợi giờ phút trả thù cho chồng.

Thào Thị Chúa cũng đang ở trong đám đông. Vợ Sính rẽ người, đi lại phía Chúa đứng. Ngập ngừng một lúc, chị mạnh dạn hỏi Chúa:

– Mày cũng đến à?

Thào Thị Chúa nhìn chị ta không biết nói gì, lúng túng, tay vuốt vuốt trên thắt lưng mãi mới trả lời:

– Ừ!

Vợ Sính kéo Chúa ra một chỗ thưa người hơn, chân thành:

– Trước kia tao hiểu lầm mày. Nghe thằng Mí Dính nói mày quyến rũ chồng tao, tao giận mày lắm. Mấy lần tao mang dao đón đường định giết mày rồi ăn lá ngón tự tử. Đến khi chồng tao bị giết, mày bị bố con thằng Sùng ghét bỏ, tao mới biết, chúng bày cớ giết chồng tao và mày. Tao ghen quá hóa mù, mày bỏ qua cho tao. Chồng tao bị thằng Sùng giết, chồng mày cũng bị phỉ giết
– chị ngừng lại chấm nước mắt – mày đừng chấp nhặt chuyện cũ. Bạn gái, thân góa bụa với nhau cả thôi!

Thào Thị Chúa nghe nói, ngậm ngùi, thương người đàn bà cùng chung số phận với mình:

– Mày không nên cả nghĩ, tao chẳng oán mày đâu. Tao chỉ căm cha con thằng kia – Chúa chỉ về phía Vạn Sùng – Cha con nó hành hạ tao, định ám hại tao. Nó mà thắng, nó còn sống thì không biết mày và tao sống thế nào? Rồi cũng chết dần chết mòn với nó thôi!

Hai người còn đang trò chuyện thì bỗng tiếng hô nổi lên vang dội cả khu rừng:

– Đả đảo Giàng Vạn Sùng!

Tên Sùng bị dẫn ra pháp trường, đi về phía cọc bắn. Hắn bước đi nặng nề, lúc lúc như khuỵu xuống mặt cỏ. Con mắt đỏ những tia máu giờ tối sầm. Hắn không dám ngẩng nhìn cánh rừng, đỉnh núi, nơi mà trước kia hắn đã tung hoành, đã chỉ huy bộ hạ bắn chết Chú Sâu, Mí Sính, Mí Chú, Vạn Sính, các cán bộ Cam, Bảo. Nơi Mí Dúng chết trước mũi súng của hắn. Nơi đứa con trai cả gục xuống do viên đạn của chính chân tay mình.

Sùng bỗng giật mình khi những tiếng hô từ đám đông phát ra. Hắn nhìn mọi người, những con người trước kia trông thấy hắn mặt đã tái đi, run sợ, không dám nhìn, giờ đang bốc lửa căm thù, như muốn xông đến xé xác hắn. Sùng biết rằng, giá như có còn trên mình ngựa, nhưng với đám dân chúng này, hắn cũng không thể tung hoành như trước nữa rồi.

Ba phát súng nổ kết liễu đời một tên tướng phỉ tàn ác khét tiếng. Trong đám đông, có người nói:
– Thằng này bị bắn, ta chưa hả. Lẽ ra phải ném cho hổ, cho ngựa xé, hoặc tùng xẻo mới đúng!

*

Vàng Chúng Dình đang ngồi trong nhà giam.

Từ hôm bị bắt đến nay, Dình vẫn không hiểu tại sao người ta lại bắt được hắn. Ai dẫn đường? Bọn phỉ bảo vệ hang đi đâu? Hắn đinh ninh rằng Trương tham mưu, Mã Chính Minh cũng bị bắt cùng hắn. Giờ đây Trương tham mưu, Mã tráng sĩ thế nào rồi? Hắn cứ ân hận là sắp đến ngày tổng phản công, kế hoạch đã chuẩn bị xong, như con chim đại bàng sắp tung đôi cánh rộng, thì lại sa cơ, bị trời trói tay.

Từ hôm bị bắt đến nay, giữ vững tinh thần nghĩa hiệp của một Tổng tư lệnh, từ Đại quốc sang, giữ đúng lời thề với Trương tham mưu, hắn không hề khai báo gì cả.

Người ta đưa lời khai của Hầu Vạn Quả, Giàng Vạn Sùng, Lý Nhè Lùng, Vàng Vạn Ly, Giàng Chỉn Mìn… ra làm chứng bảo hắn khai, hắn lớn tiếng cãi:

– Đó chẳng qua là những lời khai bậy bạ của những kẻ tiểu nhân. Các ông đừng lấy những lời đó lung lạc tôi!

Giữa lúc đó, Nghĩa bước vào, mặt vuông chữ điền, miệng ngậm píp, mình khoác áo da, chân đi ghệt. Hắn quay sang nhờ người phiên dịch rồi chắp tay:

– Tiên sinh bị giam ở đâu? Sao từ hôm bị giam đến giờ, tôi không gặp tiên sinh?

Nghĩa im lặng không trả lời. Hắn cho là Trương tham mưu ngại nói chuyện trước mặt công an. Hắn tiếp tục hỏi:

– Tiên sinh có khỏe không, có bị tra tấn nhiều không?

Lúc này Nghĩa ngồi vào bàn hỏi cung, dõng dạc trả lời:

– Anh lầm rồi. Tôi đến để hỏi cung anh đây.

Dình sửng sốt, không tin vào lời Trương tham mưu nói. Hay là dịch sai?

– Tiên sinh nói sao? Nghĩa dõng dạc nhắc lại:
– Tôi là công an, tôi đến để bảo anh khai lại tất cả tội trạng của anh!

Một phiên tòa được lập. Dình bị kết án tử hình.

Ngày 11 tháng 8 Nhâm dần (9-9-1962), trời vừa sáng, trên một thung lũng rộng, người thuộc các dân tộc: Mèo, Tày, Dao, Lô Lố… từ các nơi đổ về chứng kiến cuộc xử tội Vàng Chúng Dình.

Tội nhân bị dẫn ra pháp trường.

Vàng Chúng Dình dáng người cao cao, xương xương bước ra. Hắn nhìn nhân dân và cán bộ với ánh mắt thách thức, căm thù.

Vị chánh án hỏi:

– Anh có cần nói lời cuối cùng gì không?

Dình ngẫm nghĩ một lúc. Hắn chẳng muốn nói gì. Ở đất nước xa lạ này, còn ai thân mà hắn phải nói? Vàng Mí Va hắn không biết giam ở đâu. Chí Song, Chí Ân không có mặt ở đây, mà có hắn cũng không muốn nói gì với bọn này. Bọn này sẵn sàng xỉ vả hắn để rũ tội. Hắn biết tâm địa đồng minh lắm chứ!

Mã Học Văn, Mã Chính Minh, không hiểu thế nào nên không cần nói gì. Biết đâu hai người theo Cộng sản rồi thì sao.

– Tôi xin gặp người đóng giả Trương tham mưu!

– Được! Anh chờ một phút!

Chúng Dình đứng chờ, bộ mặt bình thản pha uất ức.

Một phút sau, bóng dáng to lớn, quen thuộc của Trương tham mưu xuất hiện, đi đến trước mặt hắn.

Vàng Chúng Dình nhìn thẳng vào mặt Trần Tấn Nghĩa, đôi mắt tóe lửa.

– Trước khi chết, anh xin gặp tôi có điều gì? – Nghĩa dõng dạc hỏi. Chúng Dình tức tối nói rành rọt:
– Ta là người Mèo, ta sinh ra ở trên đời, trên có trời xanh, dưới có núi đá. Ta sinh ra với cây súng, ta chơi với cây súng, lớn lên với cây súng. Ta căm thù các anh, ta cầm súng tiêu diệt các anh…

Ta chỉ ân hận việc lớn chưa thành. Anh khôn hơn ta, anh thắng, ta dại hơn anh, ta thua! Ta chỉ mong anh bắn ta phát súng để tiễn biệt ta theo đúng phong tục người Mèo.
Ta muốn chết trong tiếng súng.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn