Thực ra, nguồn gốc của “đạo” là khác với “tôn giáo”.
“Một vật gì đó sinh ra cả trời đất, lặng lẽ, trống không, đứng riêng biệt không đổi thay, tuần hoàn không biết mệt mỏi, có thể làm mẹ thiên hạ; ta không rõ tên là gì, gọi nó là đạo” – Lão Tử |
Chữ “đạo” ban đầu có lẽ xuất phát từ tư tưởng triết học cổ xưa của Lão Tử, Kinh Dịch, Phật học,… đại khái chỉ về một cái thứ mà chúng ta không biết là gì, vô thủy vô chung, vô hình vô tướng,.. nhưng bao trùm cả vũ trụ và có nó thì mới có trời đất, cỏ cây hoa lá,.. Theo ngôn ngữ hiện đại thì có thể gọi nó là quy luật của tự nhiên. Tức là từ xa xưa, lâu lắm rồi, con người ta đã mơ hồ nhìn ra cái mối quan hệ giữa các thực thể trong tự nhiên, ràng buộc lẫn nhau bằng các quy luật vô hình nào đó. Và con người chỉ là một mắt xích của tự nhiên, thuộc về tự nhiên, và làm gì thì cũng dưới sự “quan phòng” của tự nhiên,.. chứ tuyệt đối con người không thể là một thực thể tách rời khỏi tự nhiên, chinh phục được tự nhiên, làm chủ được tự nhiên như nền khoa học hiện đại đã từng rêu rao. Hiểu được cái “đạo” ấy, người xưa tìm ra các biện pháp thực hành để làm sao sống, cư xử với đời một cách tự nhiên nhất, “đạo” nhất. Đó không hẳn là các phương pháp tu tiên, trường sinh bất lão cao siêu nào đó mà đơn giản chỉ là tối thiểu hóa sự can thiệp vào thiên nhiên cũng như sự bon chen giữa người với người, đồng nghĩa với giảm thiểu sự tham lam trong con người, từ đó làm trong sạch cái tâm người, dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc, an nhiên tự tại. Dần dà, “đạo” đi vào cuộc sống phát triển lên thành lề lối, thói quen, cách cư xử,.. hay còn gọi là đạo nghĩa ở đời.
Tuy nhiên, cái tham ái của loài người là vô cùng lớn nên không hẳn ai cũng có thể thực hành theo các “đạo” này. Nhưng ai cũng muốn mình được hưởng thành quả như những người hành đạo. Vậy là hình thức tôn giáo truyền thống hòa quyện với các “đạo” cho ra các biến thể mới. Như các ông Lão Tử, Như Lai đều được phong thành thánh, thành Phật, trở thành những thế lực siêu nhiên để ban phát phước lành cho người đời. Các tư tưởng tu thân hành đạo như thế bị hoán chuyển thành các tôn giáo cứu thế, độ trì.
Người ta nghĩ rằng XH càng phát triển thì “miếng bánh” của tôn giáo càng bị thu hẹp đi nhưng thực tế có lẽ không phải thế.
Ở Mỹ, lượng người “in God we trust” giảm đi nhưng “in Allah we trust”, “in Buddha we trust”, “in Bhaman we trust”,.. lại tăng lên rất nhiều, cùng với hàng trăm hệ phái tôn giáo mới ra đời. Có vẻ như trong lúc loài người lo chinh phục tự nhiên và chinh phục lẫn nhau, họ đã bỏ trống tâm hồn mình cho cỏ dại mọc nên bây giờ phải đi tìm sự cứu rỗi.
Còn ở Việt Nam ta, sau một thời gian nhà nhà kiếm tiền, người người kiếm tiền, nhà thờ, chùa chiền và các hình thức tôn giáo khác cũng đã nở rộ như nấm sau mưa.
Dường như, “ơn trên” lại đến mùa mưa móc!
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍