Một thí chủ nhắn bần đạo rằng có anh phóng viên gì ấy, quên cmn tên rồi, mới share bài viết của 1 trang có cái tên rất oách xà lách: Đại sự ký biển Đông, về việc tàu Hải cảnh TQ vừa “tiến sâu vào vùng biển Việt Nam”. Bần đạo chạy qua đọc thì thấy mình bị anh nhà báo này lốc từ hồi nảo hồi nào cmnr! À, phàm những kẻ lốc bần đạo thì chả thể tin được, huống hồ lại là nhà báo, lại là báo Thanh niên (he…he…) cho nên bần đạo phải tìm bài gốc đọc cho được.

    Vào đọc bài viết kia thì thấy nội dung chủ yếu nhắn nhủ thế này: Hải cảnh 5304 áp sát khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại mỏ Hải Thạch, tiến sâu vào vùng biển Việt Nam hơn so với Hải cảnh 5204 trước đó và cập nhật thông tin vũ khí của con tàu này. Trước khi đi vào phân tích vấn đề này, chúng ta cần ôn lại khái niệm về các vùng biển theo Công ước về luật biển UNCLOS 1982 mà VN là thành viên.

    Đường cơ sở (baseline)

    Đường này là “mốc” để tính chiều rộng lãnh hải mỗi quốc gia. Theo luật biển VN thì đường cơ sở (màu trắng trong hình 1) là đường nối 11 điểm xác định (bao gồm: Hòn Nhạn, Hòn Đá Lẻ, Hòn Tài Lớn, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Hải, Hòn Đôi, mũi Đại Lãnh, Hòn Ông Căn, đảo Lý Sơn, đảo Cồn Cỏ). Phần biển từ đường cơ sở đổ vào trong đất liền, gọi là Nội thủy. Phần biển từ đường cơ sở ra ngoài khơi chia thành nhiều phần: lãnh hải, khu vực tiếp giáp, khu đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Vùng phía bắc Cồn Cỏ thuộc vịnh Bắc Bộ, phân chia ranh giới biển theo Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ giữa VN & TQ.

    Nội thủy (Internal waters)

    Vùng này hợp nhất với lãnh thổ đất liền nên có chế độ pháp lý đất liền, nghĩa là đặt dưới chủ quyền toàn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối của quốc gia ven biển. Tàu thuyền nước ngoài muốn vào ra nội thủy phải xin phép nước ven biển và phải tuân theo luật của nước đó. Nước ven biển có quyền không cho phép.

    Lãnh hải (Territorial sea)

    Là vùng biển nằm ở phía ngoài nội thủy, trải rộng ra khơi 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Ranh giới ngoài của lãnh hải được coi là đường biên giới quốc gia trên biển (đường màu đỏ trong hình 1). Quốc gia ven biển cũng có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ trong vùng lãnh hải, song không tuyệt đối như nội thủy. Nghĩa là quyền của quốc gia ven biển được công nhận như ở lãnh thổ của mình (về lập pháp, hành pháp và tư pháp), trên các lĩnh vực phòng thủ quốc gia, cảnh sát, thuế quan, đánh cá, khai thác tài nguyên, đấu tranh chống ô nhiễm, nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên các tàu thuyền nước ngoài có quyền đi qua vùng lãnh hải của nước ven biển mà không phải xin phép trước nếu họ không tiến hành bất kỳ hoạt động gây hại nào. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

    Vùng tiếp giáp lãnh hải (Contiguous zone)

    Là vùng biển nằm ngoài lãnh hải, không vượt quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở (giới hạn bởi đường màu xanh trong hình 1). Vì vùng này đã nằm ngoài vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, nên quốc gia ven biển chỉ được thực hiện thẩm quyền hạn chế trong một số lĩnh vực nhất định đối với các tàu thuyền nước ngoài mà thôi. Quốc gia ven biển có thể tiến hành các hoạt động kiểm soát cần thiết nhằm để ngăn ngừa những vi phạm đối với luật lệ về hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư; đồng thời trừng phạt những vi phạm đã xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình. Nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, nên quốc gia ven biển cũng có chủ quyền về khai thác, thăm dò các tài nguyên biển vì mục đích hòa bình ở vùng biển này.

    Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive economic zone)

    Là vùng biển nằm ở ngoài lãnh hải có phạm vi rộng không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở (giới hạn bởi đường vàng trong hình). Như vậy phạm vi lãnh hải rộng 12 hải lý bên trong vùng đặc quyền kinh tế nên chiều rộng riêng của vùng đặc quyền kinh tế là 188 hải lý, bao gộp trong nó cả vùng tiếp giáp lãnh hải. Tại vùng này thì:

    * Đối với các quốc gia ven biển:

    – Quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế.

    * Đối với các quốc gia khác

     – Được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không.

    – Được tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm. Khi đặt đường ống phải thông báo và thỏa thuận với quốc gia ven biển.

    – Được tự do sử dụng biển vào các mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế.

    Thềm lục địa (Continental shelf)

    Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phận kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn. Thềm lục địa có thể được mở rộng hơn nữa nhưng không vượt ra khơi quá 350 hải lý cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Như vậy thềm lục địa cách đường cơ sở từ 200 đến tối đa là 350 hải lý tùy theo nền của lục địa. Quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, tài nguyên không sinh vật như dầu khí, các tài nguyên sinh vật như cá, tôm…) của mình nhưng không được đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước phía trên, không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền tự do của các quốc gia khác.

    Lãnh hải, đặc quyền kinh tế - Đạo Sĩ Chăn Gà
    Ảnh 1: Các khu vực biển, vị trí theo tọa độ trên Google Earth

    Tàu hải cảnh Trung Quốc có đúng luật không?

    Quay trở lại bài viết nói trên, việc tàu hải cảnh của TQ đi vào khu vực thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế (theo bài viết thì “Khu vực hoạt động của Hải cảnh 5304 cách Côn Đảo khoảng 135 hải lý”) là hoàn toàn bình thường theo công ước quốc tế và luật pháp Việt Nam, chả có gì đáng nói cả. Và điều đương nhiên, mọi sự di chuyển này đều nằm trong tầm theo dõi của các cơ quan chức năng VN với đầy đủ trang thiết bị và quyền lực cần thiết. Cho nên, chúng ta không cần phải “lên gân” về vấn đề này.

    Bài viết này khẳng định: “Sáng 22/2, tàu hải cảnh Trung Quốc đã di chuyển vào khu vực mỏ Hải Thạch với khoảng cách gần nhất đến giàn khai thác chỉ khoảng 1 hải lý. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy Hải cảnh 5304 đã di chuyển rất gần 1 kho chứa dầu thô nổi tại khu vực mỏ Hải Thạch (khoảng cách gần nhất có thể dưới 500 mét)” kèm một tấm hình vẽ vị trí tàu hải cảnh TQ lượn lờ quanh chỗ mà tác giả đánh dấu là giàn khai thác mỏ Hải Thạch.

    Ở đây, tác giả bài viết đã không đưa ra tọa độ của tàu nên khó lòng mà biết được thông tin trên có xác thực hay không vì vị trí dàn khoan có thể vẽ vào đâu chả được. Tuy nhiên, bần đạo cũng đã cố gắng thu thập tọa độ tàu (cùng nguồn Marine Traffice) và tọa độ các khu vực mỏ rồi đối chiếu thì thấy như ảnh 2. Theo đó, vị trí neo trong đêm 21/2 của tàu ở giữa 2 khu vực mỏ Hải Thạch (Lô 05-2) và mỏ Lan Tây (lô 6.1), cách 2 khu mỏ này khoảng 12 hải lý (22 km), còn trong suốt hành trình, khoảng cách gần nhất đến các mỏ này tầm 8 hải lý (15km). Như vậy là có sai số khá lớn với thông tin “đáng sợ” của trang ĐSKBĐ viết.

    Hải trình tàu CCG5304 - Đạo Sĩ Chăn Gà
     Ảnh 2: Hải trình tàu hải cảnh TQ 5304 qua các khu mỏ căn cứ theo tọa độ.

    Kết luận

    Việc theo dõi đường đi nước bước của các con tàu này đối với những người nghiệp dư có thể là một thú vui, một sự khảo cứu. Có điều, với trang Đại sự ký biển Đông và những người đằng sau, mọi sự có vẻ không đơn giản như vậy vì đích đến của họ rõ ràng chỉ nhắm đến các con tàu Trung Quốc, đánh vào tâm lý sợ hãi và bài Trung của dân ta. Họ ra vẻ công tâm cập nhật tình hình biển Đông nhưng họ chỉ tập trung vào sự hiện diện của tàu Trung Quốc (dù tàu họ không sai luật) mà lờ tịt đi những động thái từ các tàu chiến Mỹ.

    Tàu chiến Mỹ (tàu chiến, không phải hải cảnh) nhiều lần ngang nhiên tuyên bố rằng đã vào lãnh hải Việt Nam (Territorial sea) ở khu vực Côn Đảo để “thách thức sự tuyên bố chủ quyền quá đáng của VN” nhưng trang”Đại sự ký Biển Đông” này đã lờ tịt. Chả hề có thông tin cũng như cập nhật tình hình gì về đường đi nước bước của các con tàu chiến này! Sự âm trầm thâm hiểm trong các bài viết của trang này không rõ của vị GSTS nào trong thành phần Dự án nhưng rất giống cách viết của anh phóng viên chuyên biên giới, biển đảo gì đó kể trên mà bần đạo quên cmn tên rồi. À, cái trang Đại sự ký này cũng được sự lăng xê của báo Thanh niên nữa chứ, thật là trùng hợp!

    Các thí chủ cũng nên biết rằng, trên khu vực biển này cũng chả thiếu sự hiện diện của các tàu công vụ của các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia… Còn nhớ mấy năm gần đây, có ít nhất 2 vụ va chạm giữa tàu CSB và Kiểm ngư VN với tàu hải quân Indonesia trên vùng biển tranh chấp (chính là khu vực mà trang Marine Traffic gọi là Riau Archipelago thuộc Indonesia mà tàu hải cảnh 5304 vừa đi qua kia). Thật ra, giữa Indo và Việt Nam đã có Hiệp định về phân chia ranh giới thềm lục địa, đặc khu kinh tế từ 2007, nhưng chuyện giữa biển ai biết đó là đâu, he..he…

    Tóm lại, nếu các thí chủ không muốn bị “dắt mũi”, trở thành những lũ cừu cho đám lợi dụng tâm lý bài Trung chăn dắt thì hãy tỉnh táo mà tránh xa mấy trang đưa tin một chiều kiểu này. Nhìn họ kêu gọi đóng góp mỗi năm được ít nhất 200 triệu chỉ để đưa ra những thông tin nửa sự thật nhát ma thiên hạ thế này, bần đạo lấy làm phục lăn phục lóc! Trong khi đó, bài bần đạo viết là miễn phí thì chẳng mấy người quan tâm! He..he..

    2/2021
    Đạo Sĩ Chăn Gà

    © Đạo Sĩ Chăn Gà

    😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍