Chủ tịch Hồ Chí Minh được bạn bè và các dân tộc ưa chuộng hòa bình trên khắp năm châu ca ngợi về sự kết hợp nhuần nhuyễn những nét tinh hoa trên thế giới. Sự kết hợp này được thể hiện rõ trong suy nghĩ và hành động của Người.

1 – Ngày 31-5-1946, trước khi đi Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng rằng: Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ dĩ bất biến ứng vạn biến. Thực ra câu “Dĩ bất biến ứng vạn biến” chỉ là một vế trong đôi câu đối hoàn chỉnh mà vế thứ hai là “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” (Lấy tâm chúng sinh làm tâm của mình) trong nền văn hóa, triết học phương Đông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (bìa phải hàng 1)


Như chúng ta đã biết, mối quan hệ giữa bất biến và vạn biến, giữa cái không thay đổi và cái thay đổi, giữa bản thể và hiện tượng, giữa cái nhất (cái một) và cái đa (cái nhiều),… là vấn đề trung tâm của triết học xuyên suốt từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Dĩ bất biến ứng vạn biến tức là lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái luôn thay đổi). Ý nghĩa triết lý trên là ở chỗ dù mọi sự vật hiện tượng thiên sai vạn biệt, phong phú, đa dạng, thay đổi khôn lường nhưng đều xoay quanh trục của nó, đó là bản thể, cái mà Trang Tử gọi là “Chốt của đạo”.

Trong mối quan hệ giữa bản thể và hiện tượng thì bản thể là bất biến, không sinh không diệt; còn các hiện tượng biến chuyển không ngừng nay còn mai mất. Trong mỗi nền triết học, cái bất biến – bản thể không thêm không bớt này được gọi bằng những cái tên khác nhau, chẳng hạn như “Brahman” trong triết học Ấn Độ, “Đạo” trong học thuyết Lão Trang, “Thái cực” trong Kinh dịch, “vật chất” trong chủ nghĩa duy vật, “tâm” trong chủ nghĩa duy tâm; …

Trong chủ nghĩa duy vật biện chứng, bản thể là vật chất, nhưng nó luôn vận động biến đổi, luôn chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác; nó vĩnh viễn, vô cùng, vô tận; nó bất biến so với hiện tượng luôn luôn thay đổi. Mọi sự vật hiện tượng đều là những dạng cụ thể của vật chất, có kết cấu hoặc nguồn gốc vật chất, do vật chất sinh ra. Trong thế giới không có gì khác ngoài những quá trình vật chất đang vận động, chuyển hóa lẫn nhau, là nguồn gốc, nguyên nhân, kết quả của nhau.

2 – Ý nghĩa nhân sinh sâu xa của triết lý này còn là ở chỗ, trong cuộc sống nên nắm giữ cái lớn lao, đừng có sa vào những cái vụn vặt nhất thời, nên đứng ở chốt (cái bất biến) mà quan sát, từ đó dung hòa, quân bình vạn vật. Những bậc thánh nhân luôn đứng ở cái bất biến mà quan sát cái vạn biến, dùng bất biến ứng phó với vạn biến, do đó mà thánh nhân trường cửu (bất biến). Không nắm được cái bất biến mà suốt đời cứ chạy theo cái vạn biến thì cả đời mỏi mệt.

Nói cụ thể, trong cuộc đời mỗi người nên nhìn ra cái lớn, chứ đừng nên sa vào những cái vụn vặt, tầm thường; phải nhận ra đâu là bản thể trong cái hiện tượng, đâu là cái vĩnh hằng trong cái tạm thời, đâu là cái không thay đổi trong cái thay đổi, đâu là cái toàn thể trong cái cục bộ, đâu là cái bất biến trong cái vạn biến,…; còn nếu không, ta rất dễ lạc vào cái mê cung, lạc vào rừng rậm của những sự kiện lẻ tẻ, vụn vặt mà không biết đường ra.

3 – Vậy, với Hồ Chí Minh, vì Tổ quốc, vì dân tộc thì bất biến là gì? Một số nhà nghiên cứu cho rằng cái bất biến ở Hồ Chí Minh chỉ có ba, đó là độc lập, tự do, hạnh phúc. Theo tôi, cái bất biến ở Hồ Chí Minh tập trung ở bốn yếu tố liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau, đó là độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ. Điều này thể hiện rõ trong câu đầu tiên trên mọi văn bản từ khi lập quốc: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Nước Việt Nam là một nước dân chủ, nước độc lập, mọi người được tự do, hạnh phúc.

Vậy bốn yếu tố trên liên hệ với nhau như thế nào? Trước hết là độc lập, bởi lẽ nếu không có độc lập, tức bị vong quốc, mất nước, đất nước trong cảnh nô lệ lầm than thì làm gì có tự do, lấy đâu ra tự do, hạnh phúc, dân chủ. Chính vì vậy, nước bị mất độc lập thì việc đầu tiên là phải giành cho bằng được độc lập, và trong hoàn cảnh như vậy, độc lập cho đất nước là cái bất biến số một hàng đầu. Theo nghĩa này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: cái mà tôi cần nhất là Tổ quốc tôi được độc lập. Có độc lập rồi thì mới nói đến tự do, tự do gắn liền với độc lập, nước có được độc lập thì dân mới được tự do. Với lý do đó mà Bác luôn nhắc nhở: trước hết là phải giành cho kỳ được độc lập; tất cả cho độc lập; không có gì quý hơn độc lập, tự do. Mặt khác, độc lập còn gắn liền với dân chủ. Có độc lập rồi thì mới nói đến chuyện dân làm chủ; còn nếu không có độc lập thì cũng không thể có dân chủ. Có độc lập chúng ta phải lập tức xây dựng một nhà nước mà dân làm chủ, có nghĩa là bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Có như vậy mới đem lại được tự do, hạnh phúc cho dân.

Ở đây cần lưu ý rằng, điều kiện tiên quyết để có tự do, hạnh phúc, dân chủ là nước phải độc lập; nhưng không phải cứ có độc lập là có ngay tự do, dân chủ, hạnh phúc. Do đó, khi đã có độc lập rồi thì tự do, hạnh phúc, dân chủ lại nổi lên. Như vậy, mặc dù bốn yếu tố này nằm trong mối liên hệ mật thiết, không tách rời nhau, nhưng nhìn chung chúng lại chia ra làm hai cấp độ, một bên là độc lập, còn bên kia là tự do, hạnh phúc, dân chủ. Hai cấp độ này không tách rời nhau vì nếu có cái thứ nhất mà không có cái thứ hai thì cái thứ nhất cũng trở nên vô nghĩa.

Theo Người, có độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng để làm gì. Ngược lại, muốn có cái thứ hai thì đầu tiên, trước hết phải có cái thứ nhất. Cái thứ nhất là tiền đề không thể thiếu được, nhưng cái thứ hai mới là mục đích cuối cùng. Người cho rằng thắng đế quốc, phong kiến còn tương đối dễ, nhưng thắng bần cùng, nghèo nàn lạc hậu còn khó hơn nhiều. Từ đó, Người cho rằng đã hy sinh làm cách mạng, thì nên làm cho đến nơi để khỏi phải hy sinh nhiều lần, để dân chúng được hạnh phúc.

Lô-gíc đó tất yếu dẫn đến tư tưởng của Người là gắn giải phóng dân tộc (nước độc lập) với chủ nghĩa xã hội (dân được hưởng tự do, hạnh phúc, dân chủ) – tư tưởng trung tâm, cốt lõi của Người.

Như vậy, triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” có nghĩa là lấy cái bất biến (cái không thay đổi) ứng phó với cái vạn biến (cái thay đổi); ứng phó với cái vạn biến nhưng không xa rời, vứt bỏ, đánh mất cái bất biến; tuyệt đối không thể đem cái bất biến ấy ra mua bán, đổi chác. Hoàn cảnh luôn thay đổi, cuộc sống cũng như sự nghiệp cách mạng luôn thay đổi, phát triển, bởi vậy, sách lược trong từng lĩnh vực cụ thể cũng phải mềm dẻo, uyển chuyển, thay đổi (cái vạn biến). Nhưng dù có mềm dẻo, uyển chuyển, thay đổi như thế nào đi chăng nữa cũng không được quên mục đích cuối cùng (cái bất biến), bởi nếu không sẽ dễ bị lạc vào cái mê cung, rừng rậm của vạn biến, cái vụn vặt mà không biết đường ra. Đó là cái nhìn toàn cảnh có tính chất vĩ mô đối với cách mạng cả nước. Dĩ nhiên, nếu đi sâu vào từng lĩnh vực, phạm vi nhỏ hơn lại xuất hiện những cái “bất biến” và “vạn biến” ở cấp độ nhỏ hơn, trong phạm vi hẹp hơn. Từ đó ta có cách nhìn nhận, đánh giá một cách biện chứng, mềm dẻo, uyển chuyển; nhưng những cái “bất biến” nhỏ này đều phải hướng đến cái “bất biến” lớn nhất mà ta đã nói ở trên.

4 – Từ triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” này đã dẫn đến triết lý hành động ở Hồ Chí Minh. Ngay chữ “dĩ” cũng nói lên triết lý không phải để triết lý, mà triết lý phải dẫn đến làm, đến hành động. Đó cũng là triết lý hành động. Triết lý hành động là triết lý và hành động, nói và làm, lý luận và thực tiễn liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau. Trong lịch sử ta thấy có nhiều triết lý tách rời khỏi hành động, nói không đi đôi với làm, lý luận xa rời cuộc sống, chẳng hạn như triết lý của một số nhà tư tưởng Tây Âu thời trung cổ nhằm phục vụ cho mục đích của thần học và tôn giáo; triết lý tư biện theo kiểu trò chơi của những khái niệm (chơi chữ); triết lý của một số nhà không tưởng; … Học thuyết của họ đẹp thì có đẹp, hay thì có hay, nhưng không gắn với hoạt động, hành động thực tiễn mà đôi khi chúng trở thành trò chơi của lý trí, trí tuệ thuần túy. Ngay giai cấp tư sản hô hào, giương cao triết lý về tự do, bình đẳng, bác ái, nhưng sau khi đánh đổ giai cấp phong kiến thì nó lại phớt lờ triết lý mà nó nêu lên ban đầu. Nói thì hay nhưng về sau không thực hiện là vì quyền lợi ích kỷ của nó. Lý luận của các nhà triết học trước Mác chủ yếu chỉ là giải thích, lý giải thế giới chứ không gắn liền với nhiệm vụ cải tạo, cải biến thế giới. Chính vì vậy, sự xuất hiện của triết học Mác đã tạo ra một cuộc cách mạng trong triết học nói chung và trong triết lý hành động nói riêng vì nó không chỉ giải thích mà còn quyết tâm cải tạo thế giới bằng hoạt động thực tiễn của con người.

Như vậy, triết lý hành động Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa những tinh hoa của triết học Đông Tây trước đây mà còn kế thừa những tinh túy của triết học Mác – Lê-nin và đưa triết lý hành động lên tầm cao mới, trong đó triết lý và hành động, nói và làm, lý luận và thực tiễn không tách rời nhau, tạo nên một khối thống nhất. Điều này thể hiện rõ khi Người cho rằng lý luận phải liên hệ với thực tiễn, học phải đi đôi với hành. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng bởi lẽ khi đó thực tiễn không biết đi theo hướng nào, không biết đi về đâu giống như con tàu giữa biển khơi mù mịt nhưng lại không có la bàn. Còn lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông, tức lý luận để mà lý luận, lý luận trở thành trò chơi của lý tính và lý trí. Người còn ví không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi; lý luận và kinh nghiệm như hai con mắt của con người, có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng một mắt mờ. Bơm to, thổi phồng kinh nghiệm sẽ rơi vào bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa; ngược lại, bơm to, thổi phồng lý luận sẽ rơi vào bệnh giáo điều, kinh viện. Đó là hai loại bệnh tương đối phổ biến ở nước ta trước kia và hiện nay vẫn còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Phương châm của Người là độc thư bất vong cứu quốc, cứu quốc bất vong độc thư, nghĩa là đọc sách không quên cứu nước, đọc sách không chỉ nâng cao tầm hiểu biết, rèn luyện trí tuệ mà phải hướng đến cứu nước cứu người; cứu nước không quên đọc sách, tức cứu nước không quên nâng cao trí tuệ. Qua đây, ta thấy người cách mạng và người trí thức hòa quyện vào nhau, trong người cách mạng có người trí thức, trong người trí thức có người cách mạng, người cách mạng phải có trí tuệ, còn người trí thức phải phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, người trí thức của nhân dân.

Triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” ở Hồ Chí Minh đồng thời cũng là triết lý hành động, gắn với hành động bởi lẽ vì cái bất biến đó mà Người rời bỏ quê hương ra đi tìm đường cứu nước lúc mới hai mươi mốt tuổi; và cũng chính vì cái bất biến đó mà Người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho dân tộc, đặt lợi ích của dân, của nước lên trên hết, suốt đời hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Mỗi triết lý hành động đồng thời cũng là một triết lý sống, quy định một phong cách sống tương ứng. Triết lý hành động “Dĩ bất biến ứng vạn biến” đồng thời cũng là triết lý sống “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” (Lấy tâm của mọi người làm tâm của mình). Để đi sâu vào triết lý sống này ta hãy xem tâm, lòng mong muốn của người dân Việt Nam khi đó là gì? Đó là nước được độc lập, dân được tự do, mọi người được hạnh phúc. Bác đã lấy cái tâm (mong muốn) của mọi người làm cái tâm (mong muốn) của mình khi Người viết: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Bác đã lấy tâm của mọi người làm tâm của mình bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể như ra đi tìm đường cứu nước và khi đã tìm được cái “cẩm nang” thì trở về nước thức tỉnh nhân dân, tổ chức, đoàn kết, huấn luyện họ, đưa họ ra tranh giành tự do, độc lập. Đến độ chín muồi, Người đã tiến hành thành lập Đảng, đề ra chiến lược, sách lược cách mạng cho từng thời kỳ, kêu gọi toàn dân đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, … từ đó đã dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Với triết lý sống “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”, Bác và Đảng ta ngoài lợi ích của nhân dân không còn lợi ích nào khác. Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ đau là một ngày Bác ăn không ngon, ngủ không yên. Với triết lý sống “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” tất yếu sẽ dẫn đến phong cách sống “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” (Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc), lối sống vì mọi người, hòa đồng cùng xã hội, thậm chí cả thiên nhiên cây cỏ, lối sống không cho riêng mình, và chính vì không cho riêng mình cho nên trường cửu.

Với triết lý hành động, triết lý sống như vậy, nên Người thường viết ít, nếu có viết thì ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để thực hiện, để làm, tức viết không phải để mà viết, nói không phải để mà nói; viết, nói để thức tỉnh và từ đó kêu gọi, hô hào đồng bào đứng lên làm cách mạng. Có người cho rằng khi viết cần phải trau chuốt. Ngay trong “Đường cách mạng”, phương châm, chủ trương của Bác là phải kêu to, làm chóng để cứu lấy giống nòi, thì giờ đâu mà vẽ vời trau chuốt. Dân tộc ta khi đó nước bị mất, giống nòi có nguy cơ diệt vong, vì vậy không thể chỉ cứ triết lý về nguy cơ diệt vong của dân tộc, mà phải kêu to làm chóng để cứu lấy giống nòi.

Ở Hồ Chí Minh không chỉ triết lý gắn với hành động, đi liền với hành động mà ngược lại, ngay hành động cũng nói lên triết lý. Theo Giáo sư Trần Văn Giàu, hoạt động thực tiễn, hành động biểu hiện tư tưởng trung thành hơn gấp nhiều lần những bài văn được ngòi bút đẽo gọt. Cái đánh giá đúng sai của tư tưởng không phải nằm trong tư tưởng mà phải ở trong hoạt động thực tiễn. Chính thực tiễn, suy cho cùng là cái duy nhất kiểm tra tính đúng đắn của tư tưởng, là tiêu chuẩn của chân lý. Thực tiễn được tổng kết biến thành lý luận, tư tưởng. Như vậy, hoạt động thực tiễn nói lên tư tưởng.

Từ trước đến nay chúng ta quen cái lối nghiên cứu triết học, nghiên cứu tư tưởng qua câu chữ. Ngay đi theo hướng này cũng còn nhiều cái phải bàn, chẳng hạn có người chỉ dừng lại ở câu chữ bề ngoài mà chưa đi vào cái thần, cái hồn nằm sau các câu chữ. Theo Trang Tử, người ta dùng lời để đạt ý, được ý rồi hãy quên lời. Mặt khác, tư tưởng, triết lý, theo tôi, đâu chỉ thể hiện qua câu chữ. Những nhà hiền triết phương Đông thường ít viết, ít nói, nếu chỉ qua câu chữ của họ mà nói lên tư tưởng của họ thì e rằng không đầy đủ. Bởi vậy, triết lý, tư tưởng còn được biểu hiện, thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau như âm nhạc, hội họa, điêu khắc; qua hành động, hoạt động, hành vi, thái độ, cử chỉ, cách đối nhân xử thế của con người. Chúng ta cần giải mã, phát hiện đằng sau những di sản văn hóa vật chất và tinh thần, người xưa muốn gửi gắm những thông tin tư tưởng gì cho thế hệ mai sau, đặc biệt là những ý tưởng triết học.

Phương hướng này có vị thế vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi lẽ qua câu chữ chỉ phản ánh được một phần tư tưởng của Người. Những cử chỉ, hành động, hành vi, tác phong, lối sống, cách đối nhân xử thế của Người, đều toát lên một triết lý thâm sâu vi tế, triết lý suốt đời vì dân, vì nước.

5 – Triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” còn một khía cạnh nhận thức luận khá quan trọng mà ít người bàn tới. Cái bất biến trong nhận thức chính là cái tâm bình tĩnh, tỉnh táo, trong sáng, sáng suốt, minh mẫn. Với cái tâm này (bất biến) thì có thể ứng với cái vạn biến, tức nhìn nhận sự vật hiện tượng biến đổi bên ngoài rõ ràng hơn, khách quan hơn, đúng đắn hơn. Không thể nhìn vạn vật một cách chính xác, khách quan khi cái tâm đầy dục vọng, tham vọng đen tối, đầy cá nhân ích kỷ. Triết học phương Đông ví cái tâm bất biến như mặt hồ phẳng lặng, yên tĩnh, trong veo, không một gợn sóng, từ đó những viên cuội dưới đáy hồ cũng hiện lên rõ ràng; còn cái tâm đầy dục vọng đen tối, chao đảo, giống như mặt hồ nổi sóng, cát bụi mù mịt, bởi vậy, nhìn sự vật hiện tượng dưới đáy hồ không rõ, tức không nhìn ra đặc biệt là bản chất của sự vật hiện tượng.

Với tinh thần “Dĩ bất biến ứng vạn biến” đó, Hồ Chí Minh đã nhiều lần giáo dục cán bộ, đảng viên rằng, muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân; muốn cải tạo thế giới thì trước hết phải cải tạo bản thân mình; một dân tộc, một đảng viên và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Như vậy, với cái tâm bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, minh mẫn, với lòng dạ trong sáng (cái bất biến), chúng ta không những nhìn sự vật, hiện tượng biến đổi bên ngoài (cái vạn biến) một cách rõ ràng, khách quan, mà còn tránh được bệnh chủ quan duy ý chí.

Tóm lại, ở Hồ Chí Minh, từ triết lý:” Dĩ bất biến ứng vạn biến” dẫn đến triết lý hành động, triết lý sống “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”; hai cái đó quyện chặt vào nhau, gắn liền mật thiết, chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau; triết lý hướng đến hành động, hành động nói lên triết lý, trong triết lý đã bao hàm xu thế hành động, trong hành động có triết lý, triết lý và hành động gắn chặt với nhau tạo nên triết lý hành động Hồ Chí Minh mà không phải vĩ nhân nào cũng có được./. ————————————-
Nguyễn Hùng Hậu (TCCS)
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t 4, tr 161

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍