Theo số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP Trung Quốc tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP) sẽ đạt 17.600 tỷ USD năm nay, vượt Mỹ với 17.400 tỷ USD. Tất nhiên sự “vượt mặt” này chỉ có ý nghĩa về mặt danh nghĩa, trên 1 số phương diện, chỉ số cụ thể.

Tuy nhiên, tôi thì luôn tin là trong tương lai không xa, Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ để trở thành quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Còn họ có trở thành 1 bá chủ, 1 đế quốc như Mỹ hay không thì còn phụ thuộc rất nhiều vào việc tự thân phát triển của các nước khác cũng như năng lực phát triển của các đối trọng như Mỹ, Nga, Ấn Độ,…

Nếu nhìn vào bản đồ phát triển kinh tế – lực lượng sản xuất – trung tâm sản xuất của thế giới trong hơn 1 thế kỷ qua sẽ thấy rằng trung tâm của nó đã dịch chuyển từ châu Âu (TK 19), sang Bắc Mỹ (từ đầu TK20 đến thập kỷ 70), rồi sang Đông Á (Nhật – Hàn – Trung Quốc từ thập kỷ 70 TK 20) và hiện nay đang là quá trình dịch chuyển xuống phía Nam châu Á (Ấn Độ – Đông Nam Á).

Sản xuất công nghiệp phát triển kéo theo sự phát triển của lực lượng sản xuất (năng lực sản xuất, tri thức, kỹ năng,…) nên đây là điều tối quan trọng để phát triển năng lực của cả xã hội. Chính nhu cầu về lợi nhuận của các nhà tư bản đã đẩy trọng tâm của sản xuất công nghiệp di chuyển từ tây sang đông, từ bắc xuống nam như vậy.

Nền công nghiệp sản xuất tại Bắc Mỹ đã bị thu hẹp đáng kể (người ta ko còn thể tự hào về GE, GMG trên đất Mỹ nữa). Nền công nghiệp sản xuất bị dịch chuyển kéo theo công ăn, việc làm (đồng thời là sự tiến bộ của LLSX). Do đó, lực lượng thất nghiệp tại đây ngày càng tăng cao. Đa số việc làm tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, tài chính,… là những lĩnh vực ko tạo ra được sản phẩm vật chất cụ thể, ko bền vững (mà các cuộc khủng hoảng tài chính liên tiếp xảy ra là 1 minh chứng).

Các nước khối XHCN và Liên Xô xưa kia đã rất chú trọng vào công nghiệp sản xuất và điều đó đã tạo nên nền tảng bền vững cho kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự của khối này trong thời gian ngắn và từ xuất phát điểm thấp. Như trường hợp của Triều Tiên, dù bị bao vây cô lập về mọi mặt, nhưng sự phát triển về công nghiệp sản xuất từ thập kỷ 60 – 70 cũng đủ sức giúp họ duy trì đất nước, xã hội ổn định và nắm bắt được những kỹ thuật cao nhất của thế giới loài người như công nghệ hạt nhân.

Ở VN, sau khi mở cửa, định hướng phát triển của nhà nước về phát triển công nghiệp sản xuất có vẻ như đã không được chú trọng như xưa, thể hiện trong việc giáo dục đào tạo. Hàng loạt các ngành nghề kinh tế dịch vụ được mở ra ở tuyệt đại đa số các trường đại học, cao đẳng. Cộng thêm cái tính sĩ diện, thích làm cha thiên hạ của “một bộ phận không hề nhỏ” của dân ta, dẫn đến việc “nhà nhà quản trị kinh doanh, người người quản trị kinh doanh” trong khi chẳng có nền sản xuất ra hồn để quản trị. Việc hàng hà sa số “cử nhân, thạc sĩ” ra trường mà không có việc làm tương xứng chính là vì sự mất cân đối này. Nhiều người phải giã từ giấc mơ “cổ cồn trắng, văn phòng máy lạnh” để hòa mình vào lực lượng công nhân áo xanh, bỏ phí công sức “dùi mài kinh sử lệch pha” bấy lâu.

Thiết nghĩ các nhà quản lý có tâm thì nên chú trọng vào việc này, bắt đầu từ việc thúc đẩy sự phát triển giáo dục khoa học kỹ thuật và giảm nhiệt cho lĩnh vực kinh tế (dịch vụ). Chẳng hạn, ưu đãi về học phí cho các ngành kỹ thuật, nâng cao học phí cho các ngành kinh tế. Đẩy mạnh việc liên kết giữa doanh nghiệp và các trường kỹ thuật để tạo thêm nhiều cơ hội thực hành, thực tập, nghiên cứu cho sinh viên…
Một nền sản xuất công nghiệp phát triển không chỉ là cơ sở để phát triển nhanh chóng lực lượng sản xuất, góp phần thúc đẩy quá trình tiến lên CNXH theo con đường nhân dân ta đã chọn mà còn tạo một thế đứng vững vàng của Việt Nam trước sự bá quyền của Trung Quốc, nhất là trong tương lai, để tránh tình cảnh làm “sân sau” cho họ như Mỹ La tinh – Mexico đối với Hoa Kỳ.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍