Một nghi vấn khác đến nay vẫn chưa được minh bạch. Có một nhân vật người Mỹ hành tung quái lạ có mặt trong hải chiến Hoàng Sa. Trong bản tường trình công khai sau này người này cho biết tên là Gerald E. Kosh, tự nhận là viên chức Hoa Kỳ liên lạc với Vùng Chiến Thuật trực thuộc cơ quan Tùy viên quân sự của Mỹ ở Sài Gòn, và là cựu sĩ quan bộ binh, đã phục vụ 2 năm ở Việt Nam.

Tuy nhiên, một số nguồn khác lại cho thấy nhân vật này không đơn giản. Theo hồ sơ số 66, tài liệu lịch sử của văn phòng sử gia trực thuộc chính phủ Hoa Kỳ, phần đối ngoại của Hoa Kỳ, giai đoạn 1969-1976, quyển XVIII, phần Trung Quốc, 1973-1976 đã ghi nhận rằng Gerald E. Kosh là nhân viên của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (an employee of the Department of Defense).

Còn tạp chí Time, trong bản tin The World: Storm in the China Sea (Thế giới: “Bão” ở biển Trung Hoa) ngày 4/2/1974 cho biết rằng Gerald E. Kosh là sĩ quan lục quân Hoa Kỳ và một “tùy viên liên lạc địa phương” (“regional liaison officer”) của Tòa đại sứ Hoa Kỳ, cơ quan quyền lực cao nhất trong vùng tạm chiếm ở Việt Nam lúc đó.

Văn phòng Tù binh chiến tranh và các nhân viên mất tích (DPMO) thì liệt ông ta vào danh sách tù binh chiến tranh, phục vụ ở đất nước Nam Việt Nam (country: South Vietnam). Xin lưu ý là các chính phủ nước ngoài gọi “Nam Việt Nam” (South Vietnam) như một danh từ, một tên nước không chính thức, có ý nghĩa chính trị, một số báo chí trong nước đã nhầm lẫn với “miền Nam Việt Nam” (southern Vietnam), có ý nghĩa vùng miền địa lý.

Trung tá Lê Văn Thự, thuyền trưởng tàu HQ-16, người đã trực tiếp chở ông Kosh đến Hoàng Sa thì cho biết ông là “cố vấn” Mỹ. Vậy mà phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại khi phỏng vấn truyền thông thì lại cố gắng phủ nhận thông tin đặc biệt này mà chối rằng: “He just went for fun; not for fun exactly, but just to go out to see the island” (Anh ta đi chơi cho vui thôi; chính xác không phải cho vui, mà chỉ là đi ra ngoài để nhìn thấy đảo).

Kosh được Trung Quốc giữ lại và sau đó phóng thích vô điều kiện, có lẽ để bảo vệ Kosh khỏi tên bay đạn lạc trong chiến sự? Phải chăng vai trò và nhiệm vụ của Kosh là quan sát, giám sát quá trình “chuyển giao” tây Hoàng Sa từ tay Mỹ vào tay Trung Quốc thông qua hải chiến Hoàng Sa?

Trung Quốc “bắt” Kosh và đưa tất các tù binh về nước, cả Mỹ-ngụy đều được đối đãi tử tế một cách không hợp lý. Sau khi phỏng vấn tù binh chiếu lệ, 10 ngay sau Trung Quốc trả tự do cho ông Kosh và kèm thêm 4 quân nhân Sài Gòn (để ngụy trang?), nhưng đến cuối tháng 2/1974 thì 45 tù binh sĩ quan và binh lính Sài Gòn mới được trả tự do.

Có thể đặt vấn đề rằng thật ra người mà Trung Quốc muốn thả chính là Kosh, thả ngay lập tức thì quá lộ liễu, dư luận sẽ sinh nghi đặt dấu hỏi ngay, nên phải thả sớm nhưng vẫn trong một thời gian hợp lý giải thích được, và họ thả kèm theo 4 tù binh ngụy, nếu họ thả 1 mình Kosh thì quá lộ liễu, khó tránh khỏi sự nghi ngờ về mối quan hệ thật sự giữa Mỹ – Trung trong sự kiện này.

Đây là những động thái bất bình thường, không hợp lý, có thể nói lâu nay chưa hề có tiền lệ trong lịch sử CHND Trung Hoa. Theo tiền lệ, Trung Quốc không trao trả tù binh, nhất là tù binh Mỹ nhanh như thế. Họ đã từng giam giữ những linh mục, mục sư Hoa Kỳ nhiều chục năm sau khi thống nhất Đại Lục, thành lập nước CHND Trung Hoa năm 1949.

Xin lưu ý rằng xưa nay quân đội Trung Quốc do bị nhồi nhét trong quân trường lâu ngày, nên họ rất cuồng tín và cực đoan với những người mà họ cho rằng “xâm lược” cương thổ của họ. Quân dân ta đã trải nghiệm sự tàn bạo của quân đội Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh và xung đột quân sự chống bành trướng Bắc Kinh giai đoạn 1979-1991. Vậy thì hành động tốt đẹp khác thường, không phù hợp với thường lý của Trung Quốc đối với tù binh Mỹ-ngụy ở Hoàng Sa là một vấn đề cần đặt dấu chấm hỏi.

Còn nữa, “đại úy” Kosh khi ra đến Hoàng Sa đã lên đảo ngay, thay vì ở trên chiến hạm. Phải chăng ông Kosh đã biết sẽ có hải chiến và ở trên tàu nguy hiểm hơn? Thậm chí, phải chăng ông ta đã biết tàu HQ-16 (tàu đang chở ông ta lúc đó) sẽ bị “bắn lầm”?

Thiếu tá Phạm Văn Hồng và bức tranh “Gấu Trúc” do nhà cầm quyền Trung Quốc tặng ông lúc trao trả tù binh. Đây là thượng khách hay tù binh? Tù binh nhưng lại được tặng quà lưu niệm.

Nói chung, đây là một nhân vật đặc biệt và bí hiểm, vừa làm việc cho Bộ Quốc Phòng, vừa làm việc cho Tòa đại sứ. Trong suốt cuộc chiến 1954-1975, ông ta không sớm không muộn lại “trùng hợp”, “ngẫu nhiên” có mặt ngay vào đúng ngày 19/1/1974 ở Hoàng Sa, chính xác địa điểm và thời điểm xảy ra hải chiến Hoàng Sa.

Như vậy, có căn cứ để tin, hay ít nhất là nghi vấn rằng đây là một sĩ quan Mỹ, hoạt động dưới danh nghĩa “tùy viên” quân sự, được Tòa đại sứ cử ra Hoàng Sa để giám sát việc “chuyển giao” tây Hoàng Sa, tức phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa, cho người bạn mới Trung Quốc.

(còn tiếp)

Thiếu Long

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍