“Gà Tây” Thổ Nhĩ Kỳ gây chuyện vào đúng dịp lễ Tạ Ơn ở Mỹ |
Chẳng hạn như:
- Đây là lần đầu tiên một quốc gia trong khối NATO có hành động “đụng tay đụng chân” trực tiếp với Nga (hay Liên Xô) trong vòng nửa thế kỷ qua, dù rằng trong quá khứ, mối quan hệ giữa họ có nhiều khi căng thẳng hơn rất nhiều.
- Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện tại một thời điểm có thể nói là không thể dở hơn khi mà cả châu Âu đang sôi sục vì các vụ tấn công khủng bố tại chính các nước hùng mạnh nhất lục địa già. Trong khi đó, dư luận thế giới lại đang nghiêng về Nga như một lá cờ đầu, hiệu quả trong việc chống nhà nước Hồi giáo IS.
- Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trước sự kiện này cũng không hề tệ hay như lời thủ tướng Nga Medvedev là “mối quan hệ láng giềng tốt đẹp”. Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác lớn thứ 5 của Nga. Riêng trao đổi thương mại giữa 2 nước năm 2014 đạt 31 tỉ USD.
- Thổ Nhĩ Kỳ, dù là một thành viên NATO, nhưng lại không phải là một kẻ “hợp cạ” với bộ sậu Tây Âu, do đặc điểm riêng về văn hóa – tôn giáo, vị trí địa chính trị và có lẽ, sự tự tôn của hậu duệ đế quốc Ottoman.
Thực tế thì sau khi sự vụ xảy ra, cả Mỹ và NATO đều tỏ ra bối rối trước hành động của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù gượng gạo bênh vực Thổ nhưng Mỹ và NATO phải thừa nhận rằng Thổ đã sai (xem bài: Mỹ: Máy bay Nga bị bắn khi ở không phận Syria). Và chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, dù các bên vẫn còn đang đổ lỗi qua lại nhưng dư luận thế giới đều ngầm hiểu rằng đúng là Thổ đã “đâm sau lưng” Nga khi mà (1) phía Nga đã trưng ra bằng chứng cụ thể về việc máy bay họ trong không phận của Syria (tham khảo: Nga tung video chứng minh Su-24 chưa vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ) và xác nhận của viên phi công còn sống (tham khảo: Phi công Nga sống sót khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào), trong khi (2) Thổ Nhĩ Kỳ thì liên tục “tự vả vào mồm” với những phát ngôn tréo ngoe từ cấp lãnh đạo cao nhất nước: ban đầu thì cáo buộc máy bay Nga vi phạm lãnh thổ và đã cảnh báo máy bay Nga 10 lần trong vòng 5 phút, sau lại thành cảnh báo trong 17 giây, rồi “không biết đó là máy bay của Nga”.
Thổ: vì đâu nên nỗi?
Không ít người nghĩ rằng Thổ gây hấn với Nga là do tác động của Mỹ và NATO nhưng những phản ứng của khối này sau đó cho thấy họ có vẻ như đứng ngoài sự cố này. Sự bối rối, phiên họp khẩn với NATO cho thấy đây không phải là một hoạt động được tính toán cặn kẽ từ trước hay đã tham vấn bộ sậu này.
Một thông tin cách sự kiện này cả tháng trước từ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã có ý định bắn máy bay Nga vì “lo sợ mình thất bại (trong bầu cử), sẵn sàng đẩy đất nước của mình vào chiến tranh, sẽ cho bắn hạ các máy bay Nga trên không phận Syria, với lý do là họ xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ”. Đây là một lý do có vẻ hay ho nhưng cũng có thể là một ý tưởng đấu đá chính trị trong nội bộ nước Thổ bởi lẽ “giữ ghế” bằng cách đẩy đất nước vào một cuộc chiến với một siêu cường quân sự chắc hẳn là rất điên rồ.
Như vậy, nguyên nhân có vẻ hợp lý nhất là “lợi ích tài chính trực tiếp của một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến việc cung cấp các sản phẩm dầu được sản xuất từ các nhà máy so ISIL sở hữu” như thủ tướng Nga Medvedev đã nói. Cùng với đó là việc chính phủ Erdogan cũng không ưa gì chế độ của Bashar al-Assad và đang cùng với Mỹ – NATO “chống lưng” cho phe phiến quân ở Syria. Việc Nga can thiệp trực tiếp vào tình hình của Syria, bắn phá các đoàn xe dầu và cơ sở khai thác dầu của IS cũng như dội bom phiến quân Syria chẳng khác nào “tát nước vào mặt” Thổ. Ngoài ra, sức ảnh hưởng của Nga trong khu vực ngày càng lớn, lôi kéo được sự ủng hộ của cả Iraq, Ai Cập bên cạnh mối quan hệ nồng ấm với Iran, Jordan, khiến cho “tiểu bá” Thổ Nhĩ Kỳ không thể không nhấp nhổm cho vị thế của mình.
Nhưng như vậy đã đủ để Ankara trong một cơn bốc đồng ra lệnh bắn rơi máy bay Nga mà không thèm tham vấn NATO? Bởi lẽ, chẳng có gì đảm bảo rằng hành động đó sẽ làm Nga chùn bước mà ngược lại, khác gì đổ dầu vào lửa. Tôi cho rằng, rất có thể, đó là một trường hợp khẩn cấp và cực kỳ quan trọng đối với Thổ, khiến cho họ phải bất chấp mọi rủi ro. Chẳng hạn như cuộc tấn công đó của Nga đang nhằm vào một mục tiêu cực kỳ có ý nghĩa với Thổ: một buổi “giao hàng” rất giá trị, một yếu nhân nào đó của Thổ, một lực lượng nào đó mà Thổ dứt khoát không thể để mất,…. Và Thổ phải ra tay cấp kỳ để cứu vãn tình thế.
Nga: Tái ông thất mã…
Về phía Nga, bị thiệt hại không nhỏ, lại bị “vỗ mặt” công khai như vậy, tất nhiên là rất “nóng mặt” hay ít ra cũng phải tỏ ra như vậy. Trò chơi chính trị, lại của thượng tầng thế giới, không có chỗ cho những cảm xúc cá nhân thông thường hay đúng hơn, những cảm xúc đó chỉ là sự ngụy trang cho mục đích sâu xa. Cũng như cao thủ chơi cờ, không thể vì bị ăn mất một con tốt mà nổi giận, dồn “xe – pháo – mã” để tìm cách giành lại con tốt của đối phương.
Theo tôi thấy, người Nga không bất ngờ về tình huống này vì chắc chắn, trong tính toán đường đi nước bước của họ, hẳn là đã có dự trù cho nó. Không hẳn là với riêng Thổ, với riêng sự vụ cụ thể này.
Và thực tế những đối sách của họ đã cho thấy điều đó. Họ đã không vội “ăn miếng trả miếng” với Thổ mà từ từ siết chặt mục tiêu của mình trên cả 2 mặt trận: chính trị và quân sự.
Về chính trị, Nga nhanh chóng đưa ra những chứng cứ, lý lẽ thuyết phục chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã hành động sai trái, đúng như lời tổng thống Putin nói là: “hành động đâm sau lưng, do những kẻ đồng lõa với khủng bố thực hiện”. Cho dù Thổ Nhĩ Kỳ có lý giải thế nào thì cũng chẳng thể làm cho người dân châu Âu, đang trong cơn sốt chống khủng bố, thỏa mãn được thắc mắc vì sao một nước trong liên minh chống IS lại sẵn sàng “đâm sau lưng đồng đội”, mà lại là “đồng đội chiến nhất” đang hàng ngày trả thù cho họ, xoa dịu nỗi đau và nỗi sợ hãi của họ. Các nước NATO dù không ưa Nga đến đâu, trước tình cảnh đó, cũng chẳng dám đùa giỡn với dư luận nước họ để mà hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này, dẫn đến kết quả là khoét sâu thêm vào những mâu thuẫn trong khối NATO: mối quan hệ nhàn nhạt giữa Thổ và các thành viên Tây Âu sẽ càng thêm “thiếu muối”; các nước Tây Âu không thể đứng ra hô hào bảo vệ Thổ cũng khiến niềm tin giữa các thành viên, nhất là thành viên nhỏ, vào sức mạnh của khối giảm sút.
Và trong lúc dư luận thế giới đang đổ dồn vào cuộc đấu khẩu giữa các lãnh đạo Nga với Thổ, dõi theo những tuyên bố trừng phạt Thổ của Nga thì Nga âm thầm triển khai gọng kìm thứ 2: quân sự.
Về quân sự, sự cố bất ngờ này thực chất lại là một cú hích, khiến Nga “leo được vài bậc thang” trong việc tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực một cách danh chính ngôn thuận. Điều này đã được thực hiện một cách nhanh chóng khiến cho Mỹ và NATO hoàn toàn không kịp trở tay. Đầu tiên, chỉ vài giờ sau khi Su-24 bị phía Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, tuần dương hạm Moskva (lớp Slava) được trang bị hệ thống phòng không tầm xa S-300FM Fort-M (phiên bản hải quân của hệ thống S-300) tiến gần bờ biển Latakia. Tuần dương hạm này được lệnh bắn hạ bất kỳ mục tiêu nào gây nguy hiểm cho hoạt động của quân đội Nga ở Syria. Một ngày sau đó, Nga tiếp tục triển khai hệ thống phòng không tối tân S-400 Triumf đến Syria, tăng cường 10-12 tiêm kích làm nhiệm vụ hộ tống các máy bay ném bom. Theo CNN, khi can thiệp vào Syria, không quân Nga chỉ có 34 máy bay chiến đấu các loại ở sân bay Latakia. Số lượng này vẫn quá nhỏ so với 150 máy bay của Mỹ. Nhưng với “món quà” của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã có thể qua mặt Mỹ và NATO để tăng cường lực lượng mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
S-400 có thể khống chế khu vực rộng lớn từ căn cứ ở Latakia. Đồ họa: Mirror |
Cần phải biết rằng, hiện tại Mỹ, Nga và Pháp đang “chia sẻ” bầu trời Syria. Họ hầu như không gặp trở ngại nào trên không trung ngoại trừ việc cản trở chính nhau. Mặc dù trên danh nghĩa là cùng chiến tuyến chống IS nhưng 2 bên theo đuổi những mục đích khác nhau, đúng hơn là đối nghịch nhau. Trong tình thế “đồng sàng dị mộng” ấy, chỉ một sơ suất nhỏ hay một sự cố bất ngờ nào đó, họ có thể “đạp nhau ngã xuống giường”. Xét về thế và lực, nếu chuyện đó xảy ra, có vẻ như Nga đang lép vế hơn so với Mỹ & NATO. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Nga giờ đã nắm trọn bầu trời Syria và khu vực lân cận. Hệ thống tên lửa hải đối không và đất đối không mà Nga triển khai tại Syria đã đặt tất cả các thiết bị bay trong khu vực vào tầm ngắm. Hiệu quả đến ngay lập tức khiến tất cả các máy bay của Thổ phải dán bụng trên mặt đất, ít nhất cho đến khi tình hình lắng xuống. Điều quan trọng hơn nữa là Nga đã chiếm được quyền điều khiển chiến thuật sở trường của Mỹ: chiếm lĩnh bầu trời. Chúng ta biết rằng, hầu như tất cả các cuộc chiến tranh hiện đại của Mỹ đều “đến từ bầu trời”, với lực lượng không quân hùng hậu, áp đảo mọi đối thủ. Nhưng với nước cờ “mã nhập cung” của Nga, không quân Mỹ và NATO đã lâm vào cảnh “tướng khốn cùng” khi nhất cử nhất động của máy bay Mỹ, Pháp ở đây đều không thoát khỏi những “đôi mắt thần” của hệ thống tên lửa của Nga. Ở chiều ngược lại, Mỹ và NATO không có được hệ thống phòng không tương ứng tại khu vực này. Thế cờ này giúp Nga kiềm chế được các phản ứng không mong muốn từ phía Mỹ & NATO để rảnh tay giúp chính phủ Assad tăng cường làm chủ tình hình trên mặt đất.
hay “khổ nhục kế”?
Với rất nhiều lợi thế có được từ việc mất một chiếc SU-24 cùng 1 sỹ quan không quân như vậy, chúng ta cũng có thể đặt vấn đề rằng, phải chăng Nga đã dùng “khổ nhục kế”? Thông tin từ một nguồn dân sự (blogger, nhà báo) về việc Thổ có ý định tấn công máy bay Nga từ trước sự kiện này, dù đúng dù sai, theo lẽ thường, tình báo quân sự Nga sẽ phải lưu tâm nếu không muốn nói là họ phải biết rõ hơn. Nhưng các máy bay của Nga vẫn rất “hớ hênh”: SU-24 thì “đơn đao phó hội”, không có bất kỳ sự yểm trợ nào dù tác chiến ngay sát biên giới với Thổ. Rồi cũng rất nhanh sau sự cố, khi cuộc khẩu chiến còn trong giai đoạn khởi đầu, lực lượng phòng không Nga đã khiến Mỹ và NATO “đứng chôn chân” nhìn “sự đã rồi”. Phản ứng chính trị và quân sự của Nga quá nhanh và nhịp nhàng trước một tình huống bất ngờ nồng nặc mùi thuốc súng khiến cho ta có cảm giác họ chỉ đơn giản là làm những gì đã được lên kế hoạch sẵn.
Nhưng cho dù bất kỳ tình huống nào đã thực sự xảy ra, chúng ta có thể thấy rằng, rõ ràng người Nga đã làm chủ cuộc chơi này, dẫu là trong thế bị động hay chính họ vờ như bị động. Và nếu dư luận thế giới còn đang tò mò chờ đợi hành xử “xứng tầm” của Nga đối với hành vi gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ thì có lẽ họ sẽ phải thất vọng vì sẽ chẳng thể xảy ra một điều gì đó ghê gớm như họ đang hình dung đâu. Nga đã “bỏ con săn sắt” SU-24 để “bắt con cá rô” – ưu thế áp đảo về chính trị và quân sự trong khu vực.
Video phiến quân #Syria xả đạn vào phi công Nga đang nhảy dù khỏi chiếc #SU24 bị bắn lén bởi Thổ Nhĩ Kỳ.
Posted by Dư Luận Viên on Thursday, November 26, 2015
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍