Với một lực lượng hùng hậu như vậy, với tinh thần thượng võ của người dân Mèo như vậy, mà Hoàng chịu đầu hàng hay sao? Trong óc Văn cứ lởn vởn với ý nghĩ khó hiểu ấy.

Văn đang ngồi thì chợt có tiếng dép lê lẹp kẹp.

Một người đàn bà trạc 50 tuổi, mái tóc chải bồng, mắt xanh như mắt mèo. Đôi hoa tai vàng mặt kim cương xanh lấp lánh. Một sợi dây chuyền vàng ôm lấy cái cổ trắng xanh. Một bộ xà tích vàng xủng xoảng bên hông. Mụ mặc chiếc quần trắng, ống quần bỏ trong xà cạp, tay cầm một chiếc điếu can dài như chiếc gậy, vừa hút thuốc lào vừa làm gậy đánh con hầu.

Mụ lẹp kẹp đi đến bên Văn, vòng tay nhỏ nhẹ:

– Kính chào đại nhân!

Văn cũng cung kính chào lại.

Đó là Trần Thị Síu. Quê mụ ở mãi vùng Nam Định xa xôi. Từ hồi trẻ, mụ đi lang thang khắp đất Việt Nam, sống bằng nghề buôn bán. Qua bao tay người đàn ông, mụ thấy mệt mỏi, chán ngán, muốn sống cuộc sống gia đình có chồng có con như trăm ngàn người phụ nữ khác. Mụ lấy một người chồng ở một thị trấn hẻo lánh: Tuyên Quang. Hai vợ chồng mở một cửa hàng cà phê. Lấy chồng rồi nhưng mụ có hàng chục nhân tình, đủ các loại người, với các nghề nghiệp khác nhau. Chồng mụ là người nhu nhược. Hàng ngày, ông ta vẫn nhìn tận mắt những người nhân tình ngủ lại với vợ, nhưng không dám hé răng. Một lần, một bà hàng xóm thật thà nói cho ông ta biết vợ ông ăn nằm với một người lạ. Tưởng ông sẽ cám ơn bà về sự phát hiện và răn bảo vợ để khỏi mang tai mang tiếng. Không ngờ, ông ta tỏ ra ngạc nhiên và bực tức, nghiêm mặt nói với bà hàng xóm:

– Không bao giờ vợ tôi làm cái việc đốn mạt như thế! Tôi đã từng nhìn tận mắt, vợ tôi tát vào mặt những kẻ bờm xơm. Bà không nên gắp lửa bỏ tay người, bịa đặt chuyện xấu xa cho vợ tôi như thế. Tôi mong bà nên nghĩ lại và không được nhắc đến chuyện không thể có này. Tôi sẽ trị thẳng tay những kẻ bịa đặt nói xấu vợ tôi!

Bà hàng xóm vừa trố mắt ngạc nhiên vừa lẳng lặng rút lui, chẳng muốn làm ơn nên oán.

Ít lâu sau, hai vợ chồng lục đục. Tự nhiên người chồng lăn đùng ra chết, một cái chết bí ẩn. Mấy bà hàng xóm độc miệng bảo mụ giết chồng để theo trai. Mụ chửi họ một trận rồi bỏ cái đất bạc bẽo, độc địa với mụ, ngược lên phía Bắc. Mụ dừng lại ở thị xã Hà Giang, mảnh đất quân sự xa xôi đầy rẫy lính Tây, nhưng lại thiếu trò giải trí.

Mụ lại mở quán cà phê, sống như một bà hoàng. Với tính tình dâm đãng, biết nói tiếng Tây bồi, mụ đi hết với quan Tây này đến quan Tây khác. Mụ có tới 8 nhân tình là quan Tây. Quan nọ ghen với quan kia, tranh giành, xâu xé nhau vì mụ. Ngày ngày các quan chỉ huy lính dàn trận, bắn nhau trên các ngả đường, làm nhiều người dân bị trúng đạn, nhà nhà đóng cửa sầm sập như có loạn. Thấy thị xã mất trật tự trị an, ngài quan tư Chánh sứ dàn xếp các quan của mình, nhưng mãi không được, liền bắt mụ, lột hết quần áo, cạo đầu bôi vôi, dắt đi bêu khắp thị xã. Tưởng rằng dùng nhục hình An-nam như thế sẽ làm mụ cạch đến già, nhưng không, mụ tiếp tục ăn nằm với các quan Tây. Không còn cách nào khác, ngài quan chánh sứ đành phải nhờ bàn tay của công lý, trục xuất mụ khỏi Hà Giang.

Mụ sang Tàu, lấy một quan ba Tưởng, sinh được hai con gái: Trương Thị Mỹ Thành và Trương Thị Mỹ Thuận. Chồng mụ phải đi chinh chiến ở phía Bắc, mụ bỏ, bồng bế hai con về Phó Bảng, huyện lỵ Đồng Văn, mở hiệu cà phê và buôn lậu.

Khách uống cà phê của mụ ngày một đông. Đó là những quan Tây ở đồn Phó Bảng, những ông xếp, ông cai khố xanh trấn ải lưu đồn biên giới, những ngài tổng giáp, mã phài(1) của Hoàng, những thương gia người Tàu, người Kinh, những tên tướng cướp lục lâm vùng biên giới. Họ đến uống cà phê thì ít, nghe lẩy Kiều, kể chuyện Tàu và tằng tịu với mụ thì nhiều.

Cứ vài ba hôm, nhất là đến các phiên chợ, Hoàng lại nằm trên kiệu, có quân lính rước từ Sà Phìn ra Phó Bảng, vào quán uống cà phê và trò chuyện với bà chủ quán thông minh và khéo léo.

Cuộc đời giang hồ tạo mụ nhiều tài lạ. Mụ có giọng như hát. Những chuyện Đông Chu Liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa… mụ thuộc như cháo, có thể nói hết buổi này đến buổi khác. Truyện Kiều, mụ “đọc ngược” làu làu, cần dẫn chứng câu nào là mụ đọc vanh vách. Mụ nói được cả tiếng Tây (tất nhiên là tiếng Tây bồi), tiếng Quan hỏa và chẳng bao lâu nói được cả tiếng Mèo.

Về các thủ đoạn bóc lột và tàn sát thì ông Vua Mèo này có thể vượt các bạo chúa, nhưng về chuyện tế nhị của tình yêu, ông lại là một học trò không thuộc bài của bà me Tây sành sỏi này.

Biết ông Vua Mèo chú ý đến mình, mụ dùng một vài thủ thuật nhỏ để đưa ngài vào tròng. Trước mặt người đã từng được phong “Biên chinh khả phong”, mụ tỏ ra hết mực đoan trang. Đã có lần mụ đánh tiếng để ông Vua Mèo biết là trước kia, ở quê nhà, mụ đã từng được Vua nước Nam ban hiệu “Tiết hạnh khả phong”. Nhưng vì cuộc đời ghen ghét, sa cơ, mụ mới phải bỏ tổ ấm, ra đi, lưu lạc về đây. Một lần, Hoàng đến quán. Lúc này khách đang đông. Có ông mang cả một bộ nhung để định tặng bà chủ quán. Hoàng vừa ngồi một tí thì cô hầu của mụ ra nói với đám khách: “Hôm nay bà tôi khó ở xin phép các ngài vào hôm khác”, rồi cô đến nói nhỏ với Hoàng: “Xin mời Lão quan ở lại”.

Những ngày sau, mụ chủ quán tiếp hắn ở phòng riêng kín đáo. Có lần mụ khóc lóc, nỉ non kể về quãng đời lênh đênh của mình. Hắn cảm động, thương cảm lắm. Có nhiều đêm, chuyện trò say sưa hắn không về Sà Phìn, nán lại ngả lưng đêm ở ngay quán.

Cả dân phố Phó Bảng này cứ đinh ninh rằng chỉ vào phiên chợ sau, mụ Síu sẽ bước lên kiệu hoa, có đoàn người ngựa và lính tráng rước về làm “ái phi” của Hoàng. Nhiều người xưa nay vốn khinh bỉ, hay chửi mụ là đĩ thõa thì nay bắt đầu thay đổi thái độ, kính nể, tìm cách làm thân, hết lời ca ngợi mụ là chính chuyên, độ lượng. Còn những người hàng xóm trước kia mụ có vay chai rượu, lít dầu cũng không cho, thì nay đem biếu mụ đủ thứ, xun xoe nịnh nọt, một điều, “bà chị tôn kính”, hai điều “bà chị tôn kính”.

Nhưng bỗng dưng họ ngã ngửa người ra.

Một buổi tối, sau khi khách hàng về hết, mụ gọi Mỹ Thành vào phòng mình, vừa vuốt mái tóc dài chấm gót của con mụ vừa dịu dàng, âu yếm:

– Con gái quý của mẹ ơi! Mẹ thấy “ông” (bà không gọi là “cụ” như mọi khi) Hoàng là vua ở đất này, cai quản cả một vùng rộng lớn, giàu có, quyền hành trong tay không ai bì, muốn ai sống được sống, bắt ai chết phải chết. Ông hô một tiếng là hàng trăm đầu người dân rụng xuống, đến các quan Tây, quan Kinh cũng phải kiêng nể. Hàng ngày, hàng trăm lính phục dịch. Tiền của như nước, vung bạc già như cho gà ăn thóc. Toàn dân hàng năm nộp thuế cho ông. Trong nhà hàng chục tấn thuốc phiện. Dinh thự Sà Phìn có khác gì cung vua nước Nam. Mẹ nghĩ, nếu con nghe theo lời khuyên của mẹ, làm bạn trăm năm với ông ta thì cả đời con sung sướng mà cả đời mẹ cũng được thơm lây, mát mặt, rửa cái nhục bọn dân phố cứ khinh bỉ, xóa được cái đời lận đận…

Mỹ Thành tròn xoe mắt, ấp úng:

– Con cứ tưởng mẹ… mẹ với cụ ta!

Người mẹ nhân hậu nói như van:

– Con ơi, mẹ đã già rồi, còn sống được bao năm? Lấy ông ta chỉ ăn ở được dăm mười năm, rồi khi mẹ đã thành thân tàn ma dại, ông ta sẽ bỏ mẹ, chạy theo người khác. Cái gia tài to lớn kia lại về tay kẻ khác mất thôi!

– Cụ ta hơn cả tuổi mẹ, lại hai người vợ Mèo, hàng trăm phi tần, con, con không… Người mẹ nghiêm giọng:
– Những chuyện ấy thì đã sao? Người đàn bà ta cần nhất là sự nhàn nhã. Lấy ông ta con sẽ nhàn nhã suốt đời. Còn già ư? Mươi năm nữa, một vài lần sinh đẻ, con lại không già hơn ông ta sao? Mẹ van con, con nghe lời mẹ! Con chí hiếu của mẹ!

Người con gái bậm môi, tự dưng những giọt nước mắt trào ra, cô nén tiếng khóc:

– Con không đời nào!

Người mẹ không thể kiên tâm được nữa, thay đổi thái độ, nét mặt đanh sắt lại, nghiến răng ken két:

– “Cá không ăn muối cá ươn”! Tao khuyên bảo mày những điều phải, mày lại không nghe, bao năm tao lặn lội, gian truân để nuôi nấng mày khôn lớn. Giờ mày lại đền đáp công ơn tao thế à? Tao truyền lệnh cho mày, nghe đây, tao đã nhận lời gả mày cho ông ta rồi. Mày từ chối thì tao từ mày. Từ ngày mai, mày đi đâu ở thì đi, theo thằng tù đâm nào thì theo, không được ở đây nữa!

Thuyết phục con cả đêm không được, sáng hôm sau mụ lột hết quần áo, lấy roi cá đuối đánh một trận nhừ tử, rồi đuổi Mỹ Thành ra khỏi nhà.

Không chịu được cảnh nhục nhã, Mỹ Thành uống thuốc phiện tự tử. Người mẹ không hề rơi nước mắt, lẳng lặng chôn con và tiếp tục những âm mưu mới.

Mấy hôm sau, Hoàng ra Phó Bảng. Nghe tin Mỹ Thành chết, hắn buồn, tiếc món tiền đã trao trước cho người nhân tình già. Mụ Síu an ủi, khuyên hắn yên tâm, mụ sẽ trả nghĩa. Từ đó, người bưng cà phê hầu hắn là cô em gái: Mỹ Thuận.

Mỹ Thuận năm ấy mới 16 tuổi, xinh như một bông hoa. Mái tóc thề lơ lửng trên vai như một nữ sinh. Đôi mắt sáng rực, tình tứ, đôi môi đỏ chót, quyến rũ.

Sắc đẹp của cô gái non tơ này thu hút ngay đôi mắt hau háu của Vua Mèo.

Một buổi tối, sau một tuần rượu say chuếnh choáng, Hoàng bỗng thấy Mỹ Thuận đi vào. Bên ngoài, mụ Síu khẽ đóng cửa phòng lại…

Nửa giờ sau, mụ Síu bước tới. Chỉ còn lại tiếng khóc tấm tức của Thuận, tiếng đay nghiến của mụ Síu và tiếng phều phào của Hoàng:

– Thì biết làm sao? Cái đầu óc nó lú lẫn mà! Mụ Síu lau nước mắt:
– Bây giờ lộ chuyện ra, cả dân ở cái đất Đồng Văn khốn nạn này của cụ sẽ kháo ầm lên, chê cười tôi, chê cười cụ, rồi ngài quan Chánh sứ công minh lại khiển trách cụ.

Hoàng hoảng hốt:

– Thế thì bà muốn lấy bao tiền, tôi xin đền bà?

Mụ Síu giẫy nẩy như đỉa phải vôi:

– Xưa nay tôi chỉ sống bằng tình nghĩa thôi, tôi không thèm tiền, cụ đừng khinh tôi ra mặt. Cụ đã cướp đi cái quý giá nhất của con tôi thì cụ … phải lấy nó! Nếu không tôi sẽ làm ra nhẽ cho nhà xem!

Mấy hôm sau, lễ cưới được tổ chức rất linh đình theo đúng phong tục người Mèo.

Những chiếc kiệu hoa sơn son thiếp vàng; những lá phướn, cờ rực rỡ màu sắc thêu hai chữ “Hoàng”, “Trương”, những hàng ngựa hồng, ngựa bạch đeo ngù đỏ, những tên lính ăn mặc đồng phục, hàng ngũ chỉnh tề, những đám trai gái ăn mặc sặc sỡ rước Mỹ Thuận về làm vợ ba Hoàng. Những người già đã chứng kiến hai lần cưới vợ trước đây của Hoàng đều bảo đám cưới Mỹ Thuận to hơn đám cưới người vợ cả của hắn ngày nào nhiều.

Mỹ Thuận trong bộ quần áo trắng – biểu hiện cho sự trinh bạch của cô dâu – bước lên kiệu hoa. Một hồi khèn nổi lên, hai họ và dân chúng hát bài “đưa dâu”.

Phiên chợ sau người ta thấy quán cà phê của mụ Síu đóng cửa. Mụ thu xếp nhà cửa, gia tài, theo con gái về Sà Phìn. Để kỷ niệm nơi mẹ con mình đã sống, mụ bàn với con rể xây biệt thự ở Phó Bảng. Hoàng nhận lời ngay.

Khác với dinh thự xây dựng ở Sà Phìn theo đúng kiểu Tàu, biệt thự ở Phó Bảng xây theo kiểu
Tây.

Những đoàn ngựa thồ gạch và xi măng từ thị xã Hà Giang lên. Những thanh sắt mua từ bên Tàu về. Ròng rã hàng năm trời, ngôi nhà hai tầng bằng gạch và bê tông cốt sắt được dựng lên sừng sững giữa mảnh đất rừng núi xa xôi, hẻo lánh, bới không ra một viên gạch, một thanh sắt. Ngôi nhà nổi lên giữa rừng xanh, núi đỏ, được mệnh danh là ngôi “nhà trắng”.

Thỉnh thoảng mụ Síu, Hoàng, Mỹ Thuận ra thăm nhà, nghỉ ngơi, đón khách từ Hà Giang lên.
Còn ngày ngày mẹ con mụ vẫn ở Sà Phìn.

Mụ Síu được ông con rể trọng vọng, thán phục về tài giao dịch, coi như một “Thái hậu”, vì mụ không những có tài dẹp yên mọi mối bất hòa trong gia đình, giao thiệp với các khách quý, mà còn biết binh thư, có thuật dùng người.

Về phía mình, mụ Síu tự biết lượng sức và phát huy sở trường. Mụ nghĩ: về quân sự, ta không thể so với Mã Học Văn, chỉ huy quân đội chiến chinh ngoài vạn dặm. Về tiền tài, ta không thể bằng Sùng Mí Chiu, tiền của như nước. Về tài ngoại giao, ta không thể bằng Hầu Vạn Quả, trở đi trở lại từ Đồng Văn sang Tàu, từ họ Hoàng sang họ Dương như đi chợ, uốn ba tấc lưỡi xoay chuyển cả tình thế. Về trấn ải ở những nơi đầu sóng ngọn gió, ta không thể bì với Giàng Vạn Sùng ở phía Bắc, Vàng Chỉn Cáo ở phía Nam… Nhưng, việc ngồi sau bức màn trướng, dùng những lời lẽ ngọt ngào, dùng khóe thu ba của con gái làm cho Hoàng ngây ngất, dùng các mánh khóe để mua chuộc, thu phục, gây chia rẽ con người thì bọn kia không bằng ta. Ta sẽ có tất cả chỉ cần thủ đoạn khéo léo, chỉ cần lung lạc được một vị chúa của bọn chúng, chỉ cần lung lạc từng người. Ta sẽ có tài Mã Học Văn, Sùng Mí Chiu, Hầu Vạn Quả, Giàng Vạn Sùng, Vàng Chỉn Cáo… cộng lại.

Từ đó, mụ lao vào cuộc vật lộn, thâu tóm quyền bính cả cái “Vương Triều Đồng Văn”này vào tay mình.

Trận tuyến đầu tiên mụ phải dẹp yên là hai người vợ cả với những đứa con trai, con rể của họ. Mụ biết rằng, hai người vợ Mèo của Hoàng đã già, thật thà, không có mãnh lực thu hút tâm trí Hoàng như con mụ; nhưng đứa con trai của người vợ cả là mối nguy cơ đáng lo ngại nhất.

Hoàng Đình Phủ, con trai cả của Hoàng và người vợ cả, về danh chính ngôn thuận sẽ thay cha làm bang tá cai quản mảnh đất này. Cả dân Mèo cũng nghĩ và đón chờ Phủ thay cha. Phải tìm cách ám hại Phủ thôi. Ngày đêm mụ rắp tâm thực hiện mưu đồ đó. Đầu tiên mụ lôi kéo các tướng lĩnh, các con rể của Hoàng về phía mình, xa lánh Phủ. Mỗi tướng một cách, mụ dần dần tung các ngón mua chuộc. Mã Học Văn thì mụ tỏ ra tôn sùng, quý trọng, lúc nào cũng tâng bốc: “Nói dại, giá như ông Hoàng có sao, chỉ họ Mã mới thay thế được họ Hoàng nắm quyền dắt dìu trăm họ ở cái đất Đồng Văn này”. Đối với Sùng Mí Chiu, mụ hết nhận là “người cùng chung số phận từ Tàu trôi dạt sang”, lại tung những nguồn vàng, thuốc phiện, gạ Chiu hùn vốn cùng nhau buôn lậu. Với Hầu Vạn Quả, anh rể Hoàng, mụ chỉ cần biếu xén những quà quý, sâm nhung, rượu ngon. Đối với Giàng Vạn Sùng, Vàng Chỉn Cáo, mỗi khi họ về Sà Phìn, mụ lại đón tiếp thân mật, úp úp mở mở tiết lộ những cuộc họp bàn, những nguồn tin cơ mật giữa Hoàng và các tướng lĩnh. Khi họ ra đi mụ không quên rỉ tai, nói là sẽ kể công của họ với Hoàng. Bằng cách đó, mụ đã thu phục được tất cả các tướng dưới tầm tay của mụ. Nhưng vẫn chưa đủ…

Bây giờ, mụ Síu mong có cháu trai. Nỗi khao khát ấy dày vò ngày đêm, làm mụ mất ăn mất ngủ. Đứa cháu trai sẽ là một hòn núi chặn không cho Hoàng Đình Phủ ngồi lên ngai vàng. Và như thế mọi quyền lực tài sản của cái giang sơn này sẽ thu về tay mẹ con mụ.

Mụ sướng đến điên người khi thấy Thuận có mang. Mụ cầu Trời khấn Phật, mong ngày mong đêm cho con chóng đến ngày khai hoa kết quả. Nhưng niềm vui chưa hết thì nỗi lo lại ập đến. Nhỡ Thuận đẻ con gái thì sao?

Gần đến ngày Thuận sinh nở, mụ cử Sùng Mí Chiu về Hà Nội, tìm một nhà hộ sinh tư kín đáo, rồi đưa con về sinh ở đó.

Hôm Thuận về Hà Nội, mụ đi theo, chỉ đưa vài người hầu thân tín cùng đi.

Hàng ngày, chiếc xe Xi-tờ-rô-en chạy từ Hà Nội về thị xã Hà Giang. Đoàn lính phiêu kỵ Mèo phóng ngựa tưởng đến đứt ruột từ thị xã Hà Giang về Sà Phìn chỉ để báo tin bà Ba khỏe hay khó ở với Hoàng.

Ngày mong đợi của mẹ con mụ đã tới. Tiếng trẻ khóc oe oe báo hiệu một hạt máu Kinh – Hán
– Mèo ra đời. Mụ Síu chạy ngay vào phòng đẻ của con. Mỹ Thuận đang ôm đứa trẻ trên chiếc giường đuya-ra lò xo. Đứa trẻ đỏ hon hỏn bọc trong chiếc tã lụa. Chưa cần hỏi han về sức khỏe của con, mụ vạch ngay đám tã quấn quanh đứa bé ra xem. Mụ tái mặt như phải cảm: đứa bé là con gái!

Mụ đau đớn nhìn con, đôi mắt buồn thiu, bàn tay uể oải rút điếu thuốc “Con cú”, mệt mỏi châm lửa hút.

Mỹ Thuận lo lắng nhìn mẹ, đôi mắt rớm lệ:

– Làm thế nào hở mẹ! Mẹ cứu con với, mẹ ơi!

Mụ Síu lạnh lùng, bộ mặt đanh sắt lại:

– Phải đánh tráo thôi. Không còn cách nào khác cả. Nếu không thì mất hết!

Một bà đỡ được gọi đến. Mụ Síu nhỏ to bàn bạc. Mỹ Thuận hồi hộp nghe ngóng. Tiếng hai người thì thào. Bà đỡ nói:

– Chuyện này kể ra cũng khó đấy, tìm sao ra cho bà đứa bé lai Mèo? Vả lại, làm thế thì thất đức quá. Người mẹ kia họ biết, họ kiện thì chúng tôi vào tù.

Mụ Síu biết ngay đây là giọng lưỡi của kẻ vòi tiền. Chả nhân đức gì, cứ tiền vào, bảo họ bóp chết những đứa trẻ mới sinh, họ cũng bóp. Gớm, lại đạo đức giả. Lõi đời như mình mà con mẹ này còn bịp hay sao? Nghĩ thế mụ thẽ thọt:

– Tôi biết các bà chẳng muốn làm cái việc bất nhân này. Nhưng bà thương cho cháu, nó sinh ba lượt toàn con gái, giờ muốn có tý trai, cho có nếp có tẻ. Tôi xin hậu tạ!

Vừa nói, mụ vừa xỉa ra xếp tiền dày cộm. Bà đỡ khoái lắm rồi, nhưng vẫn ra bề đăm chiêu, chẹp miệng:

– Cũng là kiếp má hồng gặp chuân chuyên cả! Làm bà, làm mẹ, ai chả thích con trai!

– Chính thế, bà nhanh tay cho, không có hỏng việc!

– Được, bà cứ yên tâm. Vừa có một con mẹ nhà quê, mấy lần hữu sinh vô dưỡng, lần này sinh được đứa con trai, sợ lại “bỏ đi”, nên cố xoay tiền vào đây đẻ. Đứa bé cứng đáo để, những trên 3 ký. Chúng tôi chưa cho nó xem mặt con.

Bà đỡ bế đứa bé khỏi tay Thuận, nhanh nhẹn chạy đi. Một lúc sau, bà mang về một đứa bé đỏ hỏn bọc trong tấm áo rách. Bà đỡ thay tã, cố hé cho mụ Síu nhìn rõ chim đứa bé rồi trao cho Thuận. Hai mẹ con bà Síu mừng vui khôn xiết, ôm đứa bé vào lòng. Tin Thuận sinh con trai bay về Sà Phìn. Các văn võ bá quan họp lại đặt tên cho “thái tử” là Hoàng Đình Công.
Hai tháng sau, chờ cho Mỹ Thuận thật khỏe, mụ Síu mới cho người đến đón về Sà Phìn. Hoàng mở đại tiệc để toàn thể quân lính, dân chúng đón mừng một giọt máu dòng dõi họ
Hoàng ra đời.

Những ngọn đình liệu được đốt lên sáng trưng cả một vùng rừng núi. Những người Hán nấu nướng giỏi được trưng dụng đến nấu những món ăn theo kiểu Tàu. Những bàn đèn thuốc phiện được ngả ra… Một loạt súng thần công gầm lên rung chuyển khu rừng núi yên tĩnh, để chúc mừng một tráng sĩ Mèo.

Những đoàn trai Mèo thổi kèn nhảy múa, quấn quanh các cô gái mặc sặc sỡ với những chiếc váy lanh trắng xấp nếp, những chiếc “đa so” chín vòng, những thắt lưng thêu kim tuyến.

Những người lính Mèo uống rượu, hút thuốc phiện vô tội vạ, giả say xông bừa vào đám con gái, trêu ghẹo, cấu béo, cười khoái trá.

Khi ấy, trong một buồng kín, người vợ cả của Hoàng, lo cho số phận con trai là Hoàng Đình Phủ, ngồi khóc một mình. Hoàng Đình Phủ còn bé, thấy người ta mở tiệc, được ăn thì hớn hở, cười nói nô đùa. Người mẹ đau đớn nói với con:

– Rồi nay mai người ta giết mất con thôi. Con có biết lòng dạ bọn người độc ác như con hổ này đâu?

Hoàng Đình Công lớn lên trong sự chăm sóc, nâng giấc từng li từng tí của bà và cha mẹ. Mụ Síu về xuôi, đi hết chùa này đến chùa khác, đền này đến đền khác khấn bái, xin Mẫu cho Cháu làm con cầu tự. Trên cổ Công có đến chục cái bùa hộ mệnh và vuốt hổ. Tám tuổi, Công được đưa ngay sang Côn Minh học. Hàng tháng Hoàng cử người mang tiền sang cho con ăn tiêu thỏa chí. Cậy mình là con vua Mèo, Công chẳng chịu học chỉ ăn chơi, lêu lổng.

Mấy năm sau, khi Phủ đã lớn, lấy vợ đẻ con, nghe ngóng thấy các tướng bàn nhau đưa Phủ lên thay Hoàng, cai quản đất Đồng Văn, mẹ con mụ Síu lo lắng, vời các tay chân thân tín đến bàn định.

Một buổi, tự dưng Hoàng Đình Phủ lăn đùng ra chết. Chả ai hiểu nguyên nhân vì sao. Có người bảo Phủ bị ốm đột ngột, có người bảo Phủ đi rừng gặp ma, có người cả quyết như đinh đóng cột rằng mẹ con Síu đã đầu độc Phủ. Nhưng không ai nói chuyện ấy ra, sợ mụ thù thì mất đầu như chơi.

Người mẹ Phủ buồn, vật vã thương khóc con. Còn mẹ con mụ Síu thì mừng thầm trong bụng mặc dù vẫn ảo não chia buồn cùng người vợ cả xấu số. Cái chức “Thái hậu” chắc chắn sẽ về tay Mỹ Thuận.

Thế là Hoàng chỉ còn độc một đứa con trai là Hoàng Đình Công. Từ bấy, Thuận cũng không sinh đẻ thêm được nữa. Mấy lần Hoàng định lấy vợ tư, nhưng mẹ con mụ Síu quyết không cho lấy.

Công càng được nuông chiều, càng ăn chơi đàng điếm. Nhưng rồi, phúc bất trùng lai, năm Hoàng Đình Công 15 tuổi, từ Côn Minh về Sà Phìn chờ nhậm chức thay cha thì bỗng lăn đùng ra chết. Có người bảo là do người vợ cả và những người thân tín của Hoàng Đình Phủ ám hại. Còn những người bị gán tội này thì tìm thấy một con chó, bảo là chó điên, cắn Công.

Hoàng lập tức cho trói con chó lại, treo lên một chiếc giá như một tội nhân ngoài pháp trường, lập tòa án, luận tội, rồi sai Sùng Vạn Lù chĩa súng bắn vào đầu chó.

Hai mẹ con Síu đau đớn tưởng phát điên phát dại. Những người Mèo thì vui thầm, cho là ông trời có mắt.
Từ ngày Công chết đi, mẹ con mụ Síu càng khắc nghiệt, càng oán thù những người xung quanh, càng thâu tóm quyền hành vào trong tay. Còn Mỹ Thuận lại có một sự thu hút khác trong tình yêu.

*

Trong khi Mã Học Văn và mụ Síu đang ngồi uống trà chờ đợi buổi họp bàn với Hoàng thì Cắm Sìn phi ngựa trên con đường rẽ vào dinh Sà Phìn.

Đó là một người Cao Ly làm sĩ quan tình báo cho quân đội Nhật. Thân hình hắn to lớn. Mặt vuông chữ điền. Bộ ria đen xì vắt ngang qua mép. Hắn mặc bộ quần áo sĩ quan Nhật bằng dạ, màu cứt ngựa. Chân đi ủng da, gót có cựa của lính phiêu kỵ. Chiếc mũ lưỡi trai có tấm lá sen phủ gáy chụp trên đầu. Một bên hông đeo khẩu “Chiêu hòa” nhỏ. Một thanh kiếm dài dắt trên lưng ngựa. Tên Ô-Ka, sĩ quan Nhật đi theo bảo vệ.

Năm 1941, dưới danh nghĩa đại diện hãng buôn Chiêu Hòa, Cắm Sìn lên Đồng Văn, lập hai chi nhánh buôn bán ở phố Đồng Văn và Phó Bảng. Sìn cho Hoàng lập một cửa hàng đại lý ở thị xã Hà Giang, một dãy nhà ở Hà Nội, một chiếc xe Xì-tờ-rô-en để Hoàng đi lại buôn bán với người Nhật từ Hà Nội về Hà Giang.

Hắn còn xin với quân Nhật cho Hoàng được độc quyền buôn muối, gạo, dầu hỏa của Nhật về Đồng Văn. Nhờ đó, Hoàng đã giầu lại giầu thêm. Mối quan hệ giữa Cắm Sìn và Hoàng càng thêm khăng khít.

Hoàng cử Mỹ Thuận đứng ra cai quản những cửa hàng đại lý, buôn bán với người Nhật, có Sùng Mí Chiu trợ lý.

Mỹ Thuận gặp gỡ Cắm Sìn nhiều lần ở thị xã Hà Giang và Hà Nội.

Trước mắt Thuận, Cắm Sìn nổi lên với vẻ đẹp của một võ sĩ đạo, cường tráng và có phần hung hãn, táo bạo.

Cắm Sìn rất khôn ngoan trong cách chiều chuộng con người.

Khi thấy có món lợi lớn hắn lao theo ngay, dù lợi lâu dài hay trong khoảnh khắc. Sìn ngông cuồng trong mọi cám dỗ, sẵn sàng lao vào những cuộc thử thách súng đạn, tiền tài như con thiêu thân lao vào đống lửa. Vì thế, hắn mang cái tên Cắm Sìn (Kim Tiền = Tiền vàng).

Khi có những món lợi hiện ra trong tầm tay với, hắn coi thường mọi nguy hiểm, sử dụng cả hai sức mạnh, sức mạnh quân sự của một dũng sĩ đất Phù Tang và sức mạnh kinh tế của một tên tài phú. Vì thế, với tư cách một sĩ quan tình báo, hắn được chọn lựa đưa vào nắm một tên vua Mèo có nhiều quyền lực, đang ở thời kỳ cực thịnh của chế độ phong kiến, ở vùng đất xa lạ, hẻo lánh này.

Gặp Mỹ Thuận, Cắm Sìn thăm dò ngay những sở thích, những say mê của thị.

Với quyền hành của quân đội Nhật, với những miếng mồi về kinh tế, với những âm mưu được tính toán kỹ, hắn đã thành công dễ dàng sau vài lần gặp gỡ Thuận ở Hà Nội, Hà Giang, Phó Bảng và Sà Phìn.

Từ ngày gặp gỡ và thân với Cắm Sìn, Mỹ Thuận mới biết thế nào là tình yêu thật sự. Thị lao vào tình yêu say mê kỳ lạ, quên cả sợ hãi.

Mụ Síu biết rõ điều đó nên vẫn khuyên con phải kín đáo để tránh sự tấn công của kẻ thù vây quanh mẹ con mụ. Mụ thường kể lại quãng đời đau đớn, bất hạnh của mình trước kia do những mối tình bất chính gây nên, hòng rút cho con những kinh nghiệm xương máu, ngăn được con chút nào hay chút ấy.

Giờ đây, quân đội của Thiên Hoàng đã thắng lợi rực rỡ, quân Pháp rút đi không kèn không trống. Quân Nhật cướp lại mảnh đất Việt Nam trong tay Pháp một cách dễ dàng. Chỉ còn mảnh đất tận cùng phía Bắc đất nước này chưa chịu đón tiếp quân đội hắn, đem quân chống cự kịch liệt.

Sau khi cho toán quân đánh lên Cổng Trời, bộ chỉ huy quân đội Nhật ở Việt Nam và Cắm Sìn chờ đợi tin thắng trận, chờ đợi quân Hoàng đầu hàng không điều kiện và Sìn sẽ kéo quân lên trong tư thế một người chiến thắng, Hoàng sẽ phải sụp lạy dưới vó ngựa của hắn. Nhưng chờ mãi nửa tháng trời, sau bao đợt tấn công, quân Nhật vẫn không vượt qua được Cổng Trời. Không còn cách nào tốt hơn là đàm phán. Cắm Sìn được lệnh đi vòng phía đường Bảo Lạc (Cao Bằng) về Sà Phìn điều đình với Hoàng.

Lần này lên đây, hắn không còn phải ẩn dưới danh nghĩa một hãng buôn nữa mà đường hoàng là một đại diện của quân đội Thiên Hoàng, điều đình với Hoàng về sự hợp tác giữa quân đội Nhật và quân Mèo giữ vững đất Đồng Văn chống lại cuộc xâm lăng của bất kỳ nước nào, dẹp những cuộc nổi dậy của quần chúng và phong trào Cộng sản. Hắn lên đây với tư cách một sứ giả.

Hai hôm nay hắn đã đàm phán với Hoàng. Hoàng đã thuận mở Cổng Trời cho quân Nhật vào Đồng Văn. Thế là yêu cầu lớn nhất của hắn đã đạt được. Giờ hắn ở lại đây chỉ huy cuộc tiến quân của quân đội Nhật, vạch cho Hoàng những đường hướng chính trị trong tình hình mới.

Vừa thấy bóng dáng oai vệ, to lớn của Cắm Sìn, Mỹ Thuận đon đả chạy ra trước cửa dinh, nhanh nhẹn đón dây cương trong tay Sìn. Cắm Sìn nhẩy xuống ngựa bằng một động tác đẹp, giậm giầy có cựa cồm cộp. Liếc mắt nhìn xung quanh không có ai, hắn hỏi nhỏ:

– Lão già đang làm gì đó em?

– Lão đang hút thuốc và chờ đàm luận với Mã Học Văn. Suốt ngày hắn chỉ hút thuốc phiện. Công việc quốc gia đại sự mẹ em phải lo!

Từ trong lô cốt, Thào Sè Na bỏ ống cao su khỏi miệng. Hơi thuốc phiện nhả ra thơm thơm. Na khinh bỉ nhìn Thuận và Sìn, toan sai lính ra mở rộng cổng, nhưng sợ Mỹ Thuận phật ý, hắn liền tự mình chạy ra, vui vẻ chào Sìn rồi dắt cương ngựa giao cho Vù Mí Kẻ, mã phu của Hoàng, đưa vào tàu.

– Ta vào trung dinh gặp mẹ em đã!

Hai người vào gác hai của trung dinh. Mụ Síu đang ngồi đọc quyển “Tam quốc” bằng chữ nho, nhỏ li ti. Bên cạnh, một em bé gái trạc 10 tuổi, nhúm tóc đuôi chuột buông sau lưng, người mảnh dẻ, mặt trái xoan, da trắng, cười núm đồng tiền. Cô bé mặc áo hoa, quần lụa đen, đang thổi lò than hầu mụ Síu. Đó là bé Hội, con nuôi của Síu.

Cắm Sìn lễ độ, gập người chào cung kính:

– Xin chào lão bà!

Mụ Síu mấp máy đôi môi mỏng, bôi son đỏ chót, nhìn Sìn, bỏ sách, vòng tay trước ngực như người tế:

– Xin chào đại nhân!

Ba người ngồi quanh chiếc bàn tròn. Mỹ Thuận bổ đào bày vào một đĩa giang tây đặt lên bàn. Bé Hội rót nước pha trà. Mụ Síu đẩy chén trà Tàu ướp hoa nhài thơm nức đến trước mặt Cắm Sìn:

– Có tin gì thêm về cuộc hành quân của quân đội ngài tiến vào Đồng Văn này không?

Sìn bực bội:

– Cụ Hoàng đã ký giấy cho quân đội chúng tôi vào Đồng Văn. Thế mà khi quân đội chúng tôi từ Bảo Lạc sang đến phố Đồng Văn, bọn dân dám tự động đánh lại. Chúng vây quanh phố, dùng súng kíp, súng trường bắn tỉa chúng tôi. Tôi phải dùng súng cối mới đuổi được chúng đi. Bọn dân Mèo thật là nguy hiểm, man dại, không coi ai ra gì. Còn bọn ở Cổng Trời, cho đến chiều qua vẫn chưa chịu mở cổng.

Mụ Síu thủng thẳng:

– Cũng tại Mã Học Văn thôi. Ông ta vừa mới về đây, chắc là để hỏi lại Hoàng về chuyện mở Cổng Trời!

Sìn khẩn khoản:

– Nhờ lão bà nói với Mã Học Văn hộ, bảo ông ta đừng gây khó khăn cho công việc của chúng
tôi!

– Ngài cứ yên tâm, đâu sẽ vào đấy!

Mụ cười mỉm. Cắm Sìn vui vẻ báo tin:

– Tôi vừa mới được ngài Tổng chỉ huy quân đội Nhật ở Việt Nam trao lệnh phong cụ Hoàng làm “Tri Châu”.

Mụ Síu lơ đãng, cười:

– Chà, tri trâu, tri bò, cũng như chức bang tá của Pháp phong chứ gì? Chức với tước, chẳng làm cái thá gì, có tiếng mà chẳng có miếng!

Đến đây mụ lẹp kẹp đi ra, để cho con và Cắm Sìn trò chuyện với nhau.

Tâm sự một hồi với Thuận, Sìn vào hậu cung báo tin Nhật vừa phong Hoàng chức “Tri Châu”. Hoàng mừng lắm, hết lời ca ngợi người Nhật, Nhật Hoàng. Sìn đi ra. Văn được mời họp bàn với Hoàng, Síu và Thuận.

Hoàng rít xong điếu thuốc phiện, vớ lấy chiếc ấm tích nhỏ, chiêu một hớp nước chè Lũng Phìn đặc quánh rồi mới ngồi thẳng người lên, quay sang phía Mã Học Văn, thủng thẳng hỏi:

– Mã tướng quân đã mở Cổng Trời chưa?

Học Văn cố nén bực dọc, ấm ức trong lòng, ôn tồn thưa:

– Kẻ tôi tớ này muốn hỏi Lão Quan: Lão Quan đã ra lệnh cho quân ta canh giữ Cổng Trời, không cho quân Nhật lên, tại sao quân ta đang đánh thắng, Lão Quan lại lệnh mở Cổng? Hay là Lão Quan cho chúng tôi hèn yếu không giữ được Cổng Trời, chịu thua quân giặc?

Hoàng xua tay, nói nhanh:

– Không, không, ta biết tướng quân đang chiến thắng. Thám tử cho ta biết! Nhưng chuyện mở Cổng Trời, ta đã ngẫm kỹ rồi. Mã tướng quân cứ yên tâm. Ta sẽ nói rõ để tướng quân hiểu thấu lòng ta!

Hoàng nhón tay lấy một khẩu mía lùi bọc trong tấm khăn bông trắng tinh. Nhai xong, Hoàng lè bã. Bé Hội chạy đến nhặt bã mía trên miệng Hoàng, chạy đến góc phòng, bỏ vào ống. Hoàng lau tay, bắt đầu nói:

– Ngài Cắm Sìn, sứ giả của quân đội Nhật từ Hà Nội lên đây, xin ta cho mượn đường đưa quân lên biên giới đánh quân Tàu. Ta nghĩ, người Nhật mạnh, súng đạn như rừng, quân đội thiện chiến. Người Pháp tinh nhuệ, hùng hậu như thế mà còn bị thua. Ta có chống cự cũng khó bề giữ nổi mảnh đất Đồng Văn này. Nhưng giá như chỉ có việc chống quân Nhật ta cũng có thể làm được vì địa thế ta hiểm trở, núi cao, vực sâu, rừng ta trùng trùng điệp điệp, quân ta hăng hái, dân Mèo có tinh thần cao, quyết chí đánh giặc. Nhưng khốn nỗi bọn Dương Thụ Nghĩa chó má, nhân cơ hội này lại muốn khiêu khích ta. Ta muốn quét sạch họ Dương đã lâu, thu đất Mèo Vạc về tay ta. Nhân cơ hội này, mượn tay người Nhật giúp, ta có thể đánh chiếm đất, thôn tính họ Dương, bờ cõi thu về một mối. Vì thế, ta muốn hòa với Nhật, dồn sức đánh quân họ Dương. Mã tướng quân thấy kế đó thế nào?

Học Văn im lặng, suy nghĩ hồi lâu mới nói:

– Dù sao họ Dương cũng là người Mèo ta. Dương Thụ Nghĩa lại là em rể Lão quan, ta có thể thu xếp được, còn người Nhật không biết bụng dạ họ thế nào? Họ dùng cớ mượn đường để chiếm bờ cõi nước ta thôi!

Nghe Văn nói thế, Mỹ Thuận phật ý lắm. Cố bình tĩnh, thị gõ gõ móng tay hồng tỉa nhọn lên chiếc quạt ngà lợp lông chim trắng:

– Chắc Mã tướng quân chưa hiểu người Nhật đó thôi. Người Nhật cùng da vàng với ta, cùng người Châu Á với ta, không như người Pháp đâu, họ tốt lắm. Từ khi vào Việt Nam, họ chẳng đã giúp ta xây dựng cơ nghiệp là gì? Chỉ cần qua ông Cắm Sìn là tôi biết tất cả thiện chí của người Nhật. Tướng quân đừng lo!

Hoàng gật gù đồng tình với vợ, tiếp:

– Người Nhật như thế, ta không lo, còn họ Dương, kẻ thù không đội trời chung của ta, phải diệt chúng. Ta đã cử Giàng Vạn Sùng và Hầu Vạn Quả ra nơi biên ải. Giàng Vạn Sùng sẽ đánh bọn chúng, chiếm một số nơi mở đường để ta tập trung quân quét sạch họ Dương. Hầu Vạn Quả đi theo, nếu bọn Tàu Trắng kéo vào giúp Dương thì sẽ đàm phán. Quân Tàu Trắng là hai mặt, ai có lợi là nó giúp. Ta phải cho Quả mua chuộc chúng. Bây giờ ta muốn cử tướng quân cùng tráng sĩ đem quân lên phía Bắc, hợp với Giàng Vạn Sùng đánh quân Dương cho ta!

Mã Học Văn thấy Hoàng cả quyết, liền thưa:

– Lão quan đã quyết, kẻ bày tôi này xin tuân lệnh! Hoàng dặn thêm:
– Tướng quân gặp Sùng Mí Chiu lấy thêm vũ khí, bạc già, thuốc phiện để chống Dương và dàn xếp với quân Tàu Trắng.

Lúc này mụ Síu mới nói với Văn:

– Nếu như các tướng và dân chúng có hỏi, tướng quân giảng giải cho họ hiểu rằng: ta cho quân Nhật vào là để dân yên ổn, hòa bình, thu hoạch thuốc phiện. Cụ Hoàng đã cứu trăm họ khỏi cơn binh lửa bạo tàn đó!

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn