Năm 1989, Đoàn Văn Toại đã trở thành một nhà bình luận nổi tiếng về các vấn đề chính trị của Việt Nam, quê hương của ông ta. Toại đã chứng kiến sự tham nhũng của các nhà lãnh đạo chính trị của miền Nam Việt Nam, và sau đó trải nghiệm sự khắc nghiệt của những người Cộng sản thắng cuộc thời hậu chiến. Bây giờ, ở Mỹ, ông ta có lý do để thận trọng đối với sự lạc quan.


Toại viết tiểu luận cho các tờ báo, bao gồm Wall Street Journal. Ông ta đã từng làm việc như một nhà nghiên cứu tại Đại học Tufts ở ngoại ô Boston, và sáng lập một nhóm vận động có tên là Học viện về Dân chủ cho Việt Nam. Cùng với một đồng tác giả, ông ta đã xuất bản một cuốn hồi ký được đón nhận có tên gọi là Trại Gulag Việt. Ông ta đã phát biểu trên khắp thế giới.

Và sau đó, vào một buổi sáng mùa hè bên ngoài nhà Toại ở Fresno, California, một người đàn ông vũ trang với một khẩu súng lục cỡ nòng 9mm đã bắn ông ta. Một viên đạn cắm vào hàm Toại và phá nát sáu cái răng trước khi thoát ra ngoài bên dưới tai trái của ông ta. Một viên khác xuyên thủng ruột Toại.

Sau vụ nổ súng, Tổ chức “Việt Nam Diệt Trừ Cộng Sản và Phục Hồi Quốc Gia” đã nhận trách nhiệm về việc mưu sát Toại. FBI đã từ lâu coi nhóm tự xưng – VOECRN – như một vỏ bọc cho các hành động bạo lực của một tổ chức rất công khai thành lập những năm trước bởi các cựu sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tổ chức có tên gọi chính thức là Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam đã đưa tàn dư của cuộc chiến tranh trở về Mỹ. Các thành viên của nó muốn chiếm lại Việt Nam và công khai gây quỹ tài trợ cho một đội quân để làm đó. FBI, qua nhiều năm điều tra thất bại, cuối cùng đã tin rằng tổ chức này, thường được biết đến với cái tên “Mặt trận”, luôn sẵn sàng giết chết hoặc khủng bố những người ở Mỹ chỉ trích mục tiêu và hoạt động của nó.

Toại là một trong những người chỉ trích Mặt trận, và cái chết hụt của ông ta, không nghi ngờ gì nữa, đã có hiệu quả rõ ràng. Ông ta từ bỏ việc viết lách công khai. Ông ta từ chối các buổi nói chuyện.

Năm 1989, Đoàn Văn Toại bị bắn
tại nhà ở Fresno, Ca. Viên đạn
phá hủy hàm răng ông ta và
xuyên ra đằng sau mang tai.

“Tôi đã không nói nữa!” – ông ta cho biết.

Về việc đó, Toại có những người đồng cảnh ngộ. Những nạn nhân sống sót của hàng chục hành vi khủng bố được thực hiện đối với những người Việt nhập cư trên đất Mỹ trong những năm 1980 – FBI nghi ngờ Mặt trận chịu trách nhiệm nhiều vụ trong số đó – đã phải im lặng hoặc chuyển đi nơi khác. Một số phải từ bỏ công việc của mình hoặc rời khỏi cộng đồng của họ cũng như những hoạt động xã hội tích cực.

Tháng trước, ProPublica và Frontline đã tường thuật về những chiến dịch khủng bố nghi ngờ là của “Mặt trận” và những thất bại của chính quyền trong việc tìm ra kẻ chịu trách nhiệm cho những việc này. Hiện tại, những thông tin cung cấp cho cuộc nghiên cứu về “Những kẻ khủng bố ở Little Saigon” đã tăng chóng mặt, như sự giải thoát cho sự chờ đợi quá lâu của các nạn nhân. Những nạn nhân Việt-Mỹ đã trải qua tai họa kép của chiến tranh và sự di tản trước khi đến được nước Mỹ. Giờ đây, trong những hoàn cảnh khác nhau, họ lại phải trở lại cuộc sống mà họ nghĩ rằng họ đã bỏ lại phía sau, một cuộc sống đầy sợ hãi, một cuộc sống không hoàn toàn tự do, một cuộc sống mà trong đó tội ác đã không bị trừng phạt.

Có thể nói, như lời một nạn nhân, nó giống như một kiếp nạn thứ hai.

FBI liệt kê Toại trong hồ sơ của họ như là một nạn nhân “có thể” của Mặt trận. Nhưng đối với tất cả những nghi ngờ của FBI, cơ quan này đã không bao giờ thực hiện được vụ truy tố nào đối với các thành viên của “Mặt trận” cho dù, đến những năm 1990, họ đã tiến hành một chuỗi các vụ giết người, đốt phá và tấn công. Trong số những người bị giết có năm nhà báo Mỹ gốc Việt và FBI tình nghi “Mặt trận” đã đứng đằng sau hầu hết, nếu không phải tất cả, những vụ giết người này. Nhưng cơ quan này đã không thực hiện bất cứ vụ bắt giữ nào cho những vụ án mạng ấy.

Các nhà báo Mỹ gốc Việt cho rằng những tranh cãi chính trị làm vẩn đục cộng đồng họ trong năm 1980 phần lớn đã tiêu tan. Thậm chí sau đó, họ nói, đó chỉ là một thiểu số các phần tử cực đoan, những kẻ muốn bịt miệng những người bất đồng chính kiến.

Tuy nhiên, nhiều người trong số những người đã phải chịu đựng tình cảnh đó cho đến nay không muốn nói về trải nghiệm của họ. ProPublica và Frontline đã cố gắng để nói chuyện với càng nhiều nạn nhân càng tốt. Toại từ lâu đã không dám nói chuyện công khai về việc mình bị bắn. Những người khác mà chúng tôi đã liên hệ – bao gồm một thân nhân của nhà báo bị sát hại Lê Triết – đã không dám nói gì cả về nỗi đau, sự thất vọng của họ và chịu đựng sự sợ hãi.

Một số nạn nhân của hành vi bạo lực thời bấy giờ vẫn kiên quyết giữ sự im lặng của họ. ProPublica và Frontline đã sắp xếp một cuộc phỏng vấn với một phát thanh viên chương trình radio Việt-Mỹ, người đã “lên sóng” trong những năm đầy biến động ấy. Người cựu phát thanh viên này cuối cùng đã hủy cuộc phỏng vấn và gửi một tin nhắn cho biết ông vẫn còn lo lắng về việc nói chuyện về thời kỳ này. Một nhà văn có tiếng, người đã từng là mục tiêu ám sát sau khi “bật” lại “Mặt trận” trong một cuốn sách, cũng từ chối nói chuyện, giống như một người đàn ông khác, người đã thoát chết sau khi bị bắn. Tại San Jose, California, một người đàn ông khác đã từng nhận được lời dọa giết của VOECRN trong năm 1988 cũng đã quá sợ hãi để xem lại vụ việc.

Toại, 43 tuổi khi bị bắn, hồi phục trong một căn phòng bệnh viện được giám sát bởi một bảo vệ có vũ trang. Ông phải khâu nhiều mũi, và phải trồng nhiều răng giả cho cái miệng bị hư hỏng.

Nhưng cuộc sống mới ở Mỹ của ông đã mãi mãi thay đổi.

“Sau đó,” – Toại nói về vụ việc chưa được giải quyết của mình, “Tôi đã hiểu rằng đất nước này không an toàn.”

***

Hai mươi lăm năm sau án mạng của Lê Triết, một nhà báo 61 tuổi của tạp chí Virginia mà tiền thân là tờ Văn Nghệ Tiền Phong, một trong những người thân của ông chỉ đồng ý nói về vụ giết hại với điều kiện là người đó sẽ không được nêu tên.

Sau hết, người đó cho biết, các nhà chức trách đã không bao giờ bị bắt giữ những người chịu trách nhiệm. Thân nhân của Lê Triết chưa bao giờ dám nói công khai về vụ án và hậu quả của nó.

Ngay sau khi vụ ám sát Triết vào năm 1990, người thân của Triết đã nhận được một cuộc điện thoại đe dọa. “Người đó nói, ‘Tôi biết anh đang ở đâu. Tôi biết anh là ai. Tôi biết anh sống ở đâu. Vàanh không biết gì về tôi. Vì vậy, anh nên đề phòng sau lưng mình.'” Sửng sốt, người thân của Triết đã mua một khẩu súng lục và tập bắn.

“Tôi không thể quên được cảm giác của tôi trong những ngày đó. Bởi vì tôi biết cảnh sát đang ở trong bóng tối” – Người này cho biết.

Triết là người cuối cùng trong số năm nhà báo Mỹ gốc Việt thiệt mạng trong hàng loạt vụ bạo lực trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Một hoặc vài sát thủ đã bắn một loạt đạn cỡ nòng 9mm, giết chết cả Triết và Phu nhân, Đặng Trần Thị Tuyết, khi họ trở về nhà của họ ở Quận Fairfax, Virginia, sau một bữa tiệc tối.

Lệnh truy nã hung thủ giết vợ chồng Lê Triết.

Khi Sài Gòn rơi vào tay những người Cộng sản năm 1975, Triết cùng gia đình di tản sang Mỹ. Triết ở Virginia, ngoại ô thủ đô Washington, DC, một khu vực sau này trở thành một trung tâm cho những người tị nạn Việt. Đó không phải là một sự chuyển đổi dễ dàng – trong gần một thập kỷ, ông không bao giờ nhìn thấy một trong ba người con của ông, một người con gái ở lại Việt Nam.

Nhưng cuối cùng Triết cũng có một cuộc sống bình thường. Ông ta làm vận hành lò sưởi cho Cơ quan kiểm soát ô nhiễm nước của hạt Arlington và bắt đầu viết các chuyên mục cho báo Tiền Phong, điều đã đưa tên tuổi ông nổi tiếng rộng khắp trong cộng đồng người Việt. “Đó là những năm tháng hạnh phúc của ông ấy,” – người thân của Triết cho biết. “Ông ấy cho rằng mình đã thành công và sống một cách thoải mái.”

Trong lĩnh vực báo chí, Triết khá sâu sắc. “Ngòi bút của ông ấy rất sắc bén và ông ấy rất thông minh,” người thân của Triết nhớ lại. “Ông ấy tức giận với bất cứ điều gì bất công.”

Một trong những mục tiêu thường xuyên của ông ta là “Mặt trận”, tổ chức ông ta từng ủng hộ lúc ban đầu, nhưng sau đó tin rằng nó làm mê muội những người theo nó và chiếm đoạt tiền quyên góp. Khi nhà báo này và người vợ bị sát hại, người thân của ông ta ngay lập tức nghi ngờ tội ác là một sản phẩm của mối thù dai dẳng giữa tổ chức và ông ta.

Triết là nhân viên thứ hai của tờ Tiền Phong bị ám sát. Mười tháng trước đó, nhân viên dàn trang Đỗ Trọng Nhân đã bị ám sát một cách tương tự khi một tay súng vãi ít nhất tám phát đạn vào năm chiếc xe Datsun 200-SX đời 1980 của Nhân khi ông ta chuẩn bị lái xe đi làm. Những viên đạn đã bắn trúng người đàn ông 56 tuổi này ở vùng mặt, cổ, bụng, ngực, vai trái và tay trái. Hồ sơ cảnh sát cho thấy các viên đạn giết người đã được bắn từ một khẩu súng lục tự động cỡ nòng 9mm.

Theo các cuộc phỏng vấn và các tài liệu FBI, các nhà điều tra tin rằng các vụ giết người của Nhân, Đặng-Trần (ND: bà Tuyết – vợ ông Triết) và Triết có thể được thực hiện bởi cùng một hoặc vài sát thủ chuyên nghiệp.

Một số cựu thành viên của “Mặt trận” đã công khai phủ nhận bất kỳ sự tham gia nào trong các vụ giết người. Nhưng năm cựu thành viên cấp cao của “Mặt trận” đã nói với ProPublica và Frontline rằng tổ chức này điều hành một nhóm sát thủ.

Người thân của Triết cho biết, sau vụ án mạng, nỗi sợ hãi đã lên đến đỉnh điểm: choàng tỉnh giữa đêm, la hét hoặc khóc nức nở. Thân nhân này một thời đã rất thích tham dự các hoạt động lễ Tết, ký tặng sách tiếng Việt, các buổi trình diễn của các nhạc công gốc Việt. Nhưng cái chết của Lê Triết và vợ, và các cuộc gọi đe dọa sau đó, đã thay đổi tất cả. Họ đã chọn cách tránh xa những sự kiện văn hóa, cách ly mình ra khỏi của cộng đồng. Họ chuyển đến một khu phố mới cách xa cộng đồng gốc Việt tại Bắc Virginia và gần như cắt đứt mọi quan hệ với cuộc sống cũ.

“Niềm vui đối với cuộc sống của chúng tôi đã bị giới hạn một cách không công bằng,” – Người thân của Triết cho biết.

***
Nguyễn Tú A vẫn còn lo sợ cho sự an toàn của bản thân, dù rằng đã phải đóng cửa tờ báo 7000 bản của mình.

Cựu nhà xuất bản báo Nguyễn Tú A – không e dè, thẳng thắn – là một trong số ít các nạn nhân đã chia sẻ câu chuyện của mình mà không do dự.

Trong những năm 1980, Tú A xuất bản một tờ báo tiếng Việt hàng tuần được gọi là Việt Press. Nó có lượng phát hành nhiều đến 7000 bản. Và trong các trang báo, Tú A, giống như Toại và Triết, đã thách thức “Mặt trận”. Vài ngày sau khi Toại bị bắn, Tú A nhận được một thông cáo có chữ ký của VOECRN. Theo mô tả của FBI, đó là một hình ảnh của những giọt máu đang nhỏ thành một vũng máu. Có bốn từ trên tờ giấy này: “Ai là người tiếp theo?”

“Nguyễn Tú A đã viết một bài báo phê phán Mặt trận” – một đặc vụ FBI đã nhận xét trong một báo cáo và thêm rằng quan điểm chính trị của Tú A giống với Toại: ông ta tin rằng giao thương và ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ có thể tự do hóa chế độ này.

Tú A, hiện đang sống ở Westminster, California, cho biết các lời đe dọa, mặc dù không được thực hiện, cũng có hiệu quả: Ông ta đóng cửa tờ báo sau gần năm năm xuất bản; và mãi về sau, các lời đe dọa vẫn buộc ông phải sống trong một trạng thái cảnh giác liên miên. Ngẫm lại, tình trạng sống trong ngờ vực của ông ta là kết tinh của những cuộc điện thoại lạ mà ông ta chẳng bao giờ có thể xóa sạch khỏi tâm trí mình.

Ông ta kể, đó là khoảng 9:00 tối một đêm nọ, một người đàn ông nào đó gọi tới ông ta báo một tin khẩn cấp: anh trai của ông ta bị tai nạn xe hơi và được đưa tới một bệnh viện gần đó. Người gọi điện bảo Tú A cần phải đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Nghi ngờ, Tú A đã liên lạc với cảnh sát. Ông ta được cho biết rằng anh trai của mình không hề bị tai nạn, không bị thương và không được đưa đến bệnh viện nào cả.

Tú A đã không đi ra khỏi nhà.

“Đó là một cái bẫy,” – ông ta nói.

***

Đoàn Văn Toại luôn luôn nhấn mạnh rằng ông không biết ai đã bắn ông ta. Đó là những gì ông ta đã nói với cảnh sát vào năm 1989 và với ProPublica và Frontline trong một loạt các cuộc phỏng vấn năm nay, dù với máy quay hay không. Ông nói với chúng tôi rằng từ lâu ông ta đã từ bỏ ý tưởng nhìn thấy người bắn mình tại tòa án.

Dù vậy, theo hồ sơ FBI, các đặc vụ cho rằng “Mặt trận” có thể đứng sau vụ tấn công. Theo hồ sơ của cục điều tra, một nguồn tin đã nói với các nhân viên FBI rằng anh ta đã có mặt trong một cuộc họp chi hội của “Mặt trận” khi một người cầm đầu thông báo cho các thành viên rằng tổ chức này chịu trách nhiệm cho các vụ nổ súng. Nguồn tin cho biết người cầm đầu chi hội tiết lộ rằng Toại “đã bị trừng phạt bởi Mặt trận” vì những bài viết của ông ta.

Toại lớn lên trong một ngôi làng ở đồng bằng sông Cửu Long được gọi là Rạch Ranh. Mẹ ông trồng lúa còn cha ông, giống như nhiều người đàn ông của thế hệ mình, chiến đấu để đẩy thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam.
“Đó là một vùng đất yên bình. Đồng lúa phì nhiêu trên vùng đất phù sa màu mỡ.” – Toại đã viết như vậy trong Gulag Việt, tác phẩm mà ông ta là đồng tác giả với David Chanoff. “Cây trái đầy rẫy và luôn sẵn sàng để hái.” Thời còn bé, ông ta thường bắt cá bằng tay không.

Đoàn Văn Toại và tác phẩm “Vietnamese gulag” của ông ta.

Khi trưởng thành, Toại chuyển đến thành phố lớn – Sài Gòn – và sau đó làm quản lý chi nhánh cho một ngân hàng. Vị trí này đã cho anh một cái nhìn cận cảnh về nền văn hóa hối lộ và lại quả đầy nhiễu nhương của chính phủ ở miền Nam.

Và do đó, khi những người Cộng sản nắm quyền kiểm soát phía Nam vào năm 1975, Toại đã hy vọng. Khi đó, 30 tuổi, với một nụ cười cởi mở và mái tóc kiểu Kennedy, Toại nghĩ chế độ mới có thể là một liều thuốc giải cho vấn nạn tham nhũng. Ông ta đã làm việc trong Ban Tài chính cách mạng, cơ quan sẽ xem xét toàn bộ hệ thống tài chính trên vùng lãnh thổ do Cộng Sản kiểm soát.

Nhưng trong vòng hai tháng, ông ta đã bị ném vào một phòng giam, với khoảng 40 người đàn ông khác. Toại nói ông ta bị giam vì ngăn cản kế hoạch tịch thu tài sản cá nhân từ các chủ doanh nghiệp nhỏ và nông dân.

Các điều kiện sống rất khắc nghiệt. Ông nhớ tay quản giáo của mình đã trộn cát vào phần cơm của ông, làm cho nó gần như không thể ăn được. Những người giam giữ nói rằng cát sẽ khiến ông ta ngẫm nghĩ về những lỗi lầm của mình trong khi ông ăn. Ngày qua ngày, Toại và các tù nhân khác đã phải viết các bản tự kiểm để họ có thể được giáo dục về những lỗi lầm của họ và cam kết sẽ không tái phạm trong suốt cuộc đời của họ. Nhiều người đã chết do thiếu sự chăm sóc về y tế.

Cuối cùng, sau 28 tháng bị giam cầm, Toại được phóng thích khỏi nhà tù. Ông ta không bao giờ có được một lời giải thích cụ thể cho lý do tại sao ông ta đã bị cầm tù hay lý do tại sao ông được thả ra. Ông ta rời khỏi Việt Nam, sang Mỹ cùng vợ và ba đứa con.

Trong thời gian sống ở Mỹ, Toại tập trung vào tổ chức của mình, Học viện về Dân chủ tại Việt Nam, để tìm cách dần dần biến quê hương của mình trở nên một xã hội cởi mở hơn. Học viện này được hậu thuẫn bởi một dàn chính trị gia của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, bao gồm Thượng nghị sĩ Arizona John McCain, một người thân thiết với ông ta. Đối với Toại, mục đích là để “sử dụng các phương thức hòa bình và giáo dục và đào tạo để giúp những người Cộng sản Việt Nam thay đổi”, ông nhớ lại. Ông ta đã nhìn thấy một cơ hội lớn trong thời gian cuối những năm 1980 khi người bảo trợ chính của Việt Nam, Liên Xô, bắt đầu để dân chủ hoá trong thời đại của Glasnost và Perestroika.

Tuy nhiên, ý tưởng của ông ta đã không được ưa chuộng với người tị nạn Việt chống Cộng cực đoan.

Một số trong số họ, giống như những người thuộc “Mặt trận”, tin tưởng rằng cuộc đấu tranh vũ trang có thể lật đổ Cộng Sản. Với Toại, quan điểm này là lố bịch, và ông ta nhiều lần nói về điều đó ở những nơi công cộng và trong các bài tiểu luận của mình.

Và rồi ông ta bị bắn vào mặt.

Tỉnh dậy sau khi bị bắn, cảm giác sâu sắc về sự vỡ mộng bao trùm khắp Toại. Những lời ca tụng về một nước Mỹ tự do mà ông tìm kiếm sau khi thời gian bị giam giữ, bây giờ dường như là những lời nói vô vị so với thực tế. Trong một cuộc phỏng vấn tại gian bếp của nhà ông ở miền Nam California, nỗi thất vọng của Toại vẫn còn nguyên.

“Cái gọi là tự do báo chí là không thực sự tự do cho tất cả.” – Toại nói.

Toại rút lui khỏi tầm mắt của công chúng, từ bỏ chương trình vận động và các bài viết của mình. Hiện giờ, Toại sống một cuộc đời thầm lặng. Ông ta điều hành một cơ sở đào tạo nhỏ chuyên huấn luyện những người muốn mở một nhà hàng hay trở thành một trợ lý pháp lý. Một cách chuyên nghiệp, ông ta Mỹ hóa tên của mình, một quyết định có phần để tiếp tục che giấu quá khứ của mình. Và ông ta đã giữ tên đó tránh xa các tựa báo.

Khi được hỏi tại sao ông lại quyết định trả lời phỏng vấn của ProPublica và Frontline, ông ta nói đùa: “Bây giờ tôi đã 70 tuổi rồi và tôi không quan tâm nữa.”
——–
Nguồn: ProPublica và Frontline
Dịch: DLV.VN

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍