Hôm rồi tôi ngồi nói chuyện với 1 ông trưởng phòng XNK của 1 công ty xe hơi lớn của Nhật. Ông ấy bảo đang có kế hoạch chuyển sang Mỹ sống khi đến tuổi hưu. Ông bảo thích sang Canada hoặc Mỹ sống nhưng Canada thì buồn quá, mặc dù yên bình hơn. Sang Mỹ thì phải kiếm chỗ nào thanh bình chứ dứt khoát không sống ở mấy khu “truyền thống” của người Việt, mà theo ổng là “nhí nhố, quê mùa”. Ông kể mình gặp mấy người bạn đồng niên, vượt biên & di tản sang Mỹ từ hồi nảo hồi nào, mà thấy chán chường: “Các ông ngày xưa liều cả tính mạng vượt biển sang được đến đây rồi mà vẫn không khá lên được, so với 1 thằng ở lại nước như tôi”.
Hỏi tại sao ông ta muốn sang Mỹ sống thì cũng như nhiều người khác, lý do rất giống nhau: nước Mỹ phát triển văn minh, còn ở VN thì tham nhũng không phát triển được,..

Điều các vị ấy nói cũng chẳng sai, ngoài việc VN vẫn đang thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh, theo các thống kê. Nhưng đi so sánh tiềm lực kinh tế – KHKT giữa 1 siêu cường đứng đầu thế giới với 1 quốc gia có quy mô bé hơn về diện tích gần 10 lần, mới thoát ra khỏi 80 năm thuộc địa, 30 năm chiến tranh tàn khốc và 20 năm cấm vận toàn diện thì thật là khập khiễng. Có chăng là họ dùng lý lẽ ấy để che giấu đi những lý do thực sự đằng sau ham muốn trở thành “người Mỹ” của họ, những người CÓ TIỀN.
Có thể kể ra đây những nguyên nhân chính yếu sau:

– Thứ nhất là sự an toàn về tài chính. Nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế thị trường non trẻ, do đó, nó có rất nhiều lỗ hổng của bản thân nó và của những cơ quan – cá nhân vận hành nó. Những người trở nên giàu có ở VN thời gian vừa qua có rất nhiều người kiếm được tiền từ sự tham nhũng, lại quả, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép,… Đừng nghĩ thành phần này chỉ có ở các cơ quan quyền lực nhà nước mà thực ra nó hiện diện trong tất cả các lĩnh vực kinh tế khác. VD như ông bạn kể trên, là 1 trưởng phòng của 1 công ty liên doanh, với mặt bằng lương ở VN, cho dù cao lắm thì ổng nhận được 2 – 3000 USD / tháng. Nhưng thực tế thì tài sản của ông ta có thể lên đến hàng triệu USD. Có thể có những người kiếm thêm được từ các khoản đầu tư lành mạnh nhưng tin tôi đi, loại đó không nhiều đâu! Do đó, sang Mỹ là 1 cách hợp thức hóa và bảo toàn tài chính khỏi những rủi ro khi bị “bể kèo”. Thay vì đó, họ chỉ cần bỏ ra khoảng 500.000USD trong khối tài sản đồ sộ của mình để tham gia chương trình đầu tư & định cư Mỹ (EB-5) là kiếm được 1 cái thẻ xanh. Nói ra điều này có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên nhưng chính những người thường mạnh miệng chê bai tình trạng tham nhũng nhất, nhiều khi lại là những người “gần gũi” với tham nhũng nhất. Chính vì “gần gũi” nên họ biết rõ sự nguy hại, sự bẩn thỉu của nó nhưng thay vì tự khinh bỉ chính bản thân mình, họ chọn cách khinh bỉ người khác. Và họ chọn nơi “hạ cánh” mới như một cách hợp thức hóa cho sự trốn chạy khỏi quá khứ của chính mình.

“Thẻ xanh” là thẻ xác nhận tình trạng thường trú nhân của một người nước ngoài tại Mỹ

– Thứ hai là sự an toàn cho bản thân trước các rủi ro, biến động của xã hội. Con người ta ai ai cũng có ham muốn được “làm cha thiên hạ”, nhưng không được thì cũng chọn chỗ “cha thiên hạ” mà nương tựa cho nó yên lòng. Ở VN, cho dù là một trong những nơi được đánh giá là có sự ổn định chính trị xã hội hàng đầu khu vực & có thể cả trên thế giới, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do sự chống phá từ các thế lực mong muốn kiếm được lợi ích từ sự sụp đổ của hệ thống chính trị VN. Các cuộc “cách mạng” màu sắc hay hoa hòe vẫn thường xuyên rình rập. Ở Mỹ, dù mỗi năm có hơn 30.000 người chết vì súng đạn, nhưng bom đạn của đất nước này trút xuống khắp nơi trên thế giới lại đem đến cho người ta cảm giác yên bình giả tạo về 1 con tàu khổng lồ giữa đại dương, nếu so với “con thuyền cá” Việt Nam. Với họ, cái mác “công dân” của đế chế hàng đầu thế giới có liệu pháp an ủi tinh thần rất to lớn. Nó là khuếch đại của sự tự mãn của một người thích khoe mẽ chốn quê nhà với cái mác “người Hà Nội” hay “người Sài Gòn”

– Thứ ba là sự tự do. Nói vậy không có nghĩa là ở VN thì mất tự do. Đúng hơn là ở VN có nhiều quy tắc xã hội chặt chẽ, bất thành văn, là đặc điểm của nền văn hóa Á Đông cũng như những giới hạn trong quản lý xã hội đối với một đất nước còn đang phát triển. Điều đó khiến nhiều người cảm thấy gò bó, nhất là khi họ bị choáng ngợp trước luồng tư tưởng cởi mở của phương tây. Ở Mỹ thì vô tư, thích làm gì thì làm, miễn là có tiền! Chỉ sợ là chẳng bao lâu sau đó, chính những người đang “yêu tự do” lại cảm thấy hối hận và “sợ tự do” khi hậu duệ của mình lại biến đổi khác với nếp sống của mình quá nhanh.

– Thứ tư là vì sự giàu có. Các cụ có câu: “thấy sang bắt quàng làm họ”. “Bắt quàng làm họ” để làm gì nếu không phải mong muốn được hưởng “ké” lợi ích từ đó? Nước Mỹ giàu có & phát triển nên cơ sở hạ tầng, tiện nghi xã hội của họ rất tốt là lẽ đương nhiên. Do đó, một người CÓ TIỀN ở VN sang Mỹ có thể thoải mái với các tiện nghi ấy, chẳng hạn như ngự trong 1 chiếc xe sang trọng, vi vu trên những con đường mượt mà mà không phải chịu cảnh chen lấn với nhung nhúc xe máy, bụi bặm và ồn ào như ở VN. Nói chung là họ mong muốn được thỏa mãn sự thụ hưởng một môi trường giàu có xung quanh, thay vì ở VN, họ chỉ có thể hưởng thụ sự giàu sang của mình trong một phạm vi rất hẹp.

– Thứ năm là “vì tương lai con em chúng ta”. Với những kỳ vọng vào 4 điều kể trên, tất nhiên, những người này mong muốn rằng con cái họ sẽ có một tương lai tươi sáng khi ở đất khách quê người.

Như vậy, nguyên nhân thực sự của việc muốn “qua bển” chẳng có gì ngoài những động cơ cá nhân nhưng lại được ngụy trang bằng những lý do hết sức “ngoại cảnh”, cứ như thể tâm sự của một kẻ sĩ bất đắc chí. Tất nhiên, những động cơ cá nhân, cho dù đã được “màu mè hóa” thì cũng không phải là vấn đề gì to lớn cả. Điều cần phê phán ở đây là những con người này, bằng đủ mọi cách, đã kiếm được rất nhiều tiền từ quê hương, đất nước của mình, nhưng khi đã “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham” thì họ lại “xổ toẹt” nơi chôn nhau cắt rốn của mình để mang tài sản đó làm giàu cho ngoại quốc.

Nước Mỹ với vị thế siêu cường cùng đầu óc con buôn thượng thặng của mình, tất nhiên không thể bỏ qua cách kiếm tiền từ hình ảnh quốc gia. Chương trình đầu tư & định cư Mỹ (EB-5) là một cách mà nước Mỹ thu hút tiền đầu tư từ những người giàu trên khắp thế giới, nhất là từ những nước đang phát triển, mà hầu như chẳng phải bỏ ra cái gì, ngoài chính “thương hiệu Mỹ quốc”. Mỗi người tham gia để kiếm 1 cái “thẻ xanh” (“green card” là thẻ xác nhận tình trạng thường trú nhân của một người nước ngoài tại Mỹ), cần phải nộp một khoản tiền đầu tư ít nhất 500.000USD, tương đương với 250 lần GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014! Khoản tiền đầu tư này phải đảm bảo tạo công ăn việc làm cho ít nhất 10 người Mỹ. Mỗi năm nước Mỹ duyệt khoảng 10.000 cái thẻ xanh kiểu đó, vị chi là được “đầu tư” ít nhất 5 tỷ USD, tạo chỗ làm cho ít nhất 100.000 lao động, chỉ từ “giấc mơ Mỹ” của những người giàu có ngoài nước Mỹ. Không rõ là bao nhiêu phần trăm trong số đó đến từ những người mang quốc tịch Việt Nam, những người đang mang tiền từ đất nước mình đi vun đắp thêm sự giàu có cho ngoại bang nhưng luôn miệng kêu gào vì sự chậm phát triển của chính nơi họ kiếm được số tiền đó! Thật mỉa mai!

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍