PHẢN BÁC:
Tất cả những phong trào cấp tiến đáng chú ý nhất trong vòng 4 thập kỷ qua đều xuất hiện bên ngoài chủ nghĩa Mác. Phong trào nữ quyền, chủ nghĩa bảo vệ môi trường, bình đẳng cho người đồng tính, chính trị dân tộc thiểu số, quyền của động vật, chống toàn cầu hóa, phong trào vì hòa bình – tất cả những vấn đề này đã thay thế sự tận tâm đối với đấu tranh giai cấp, và đại diện cho những dạng thức mới của hoạt động chính trị, khiến chủ nghĩa Mác trở nên lỗi thời. Ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác đối với các phong trào nói trên là nhỏ bé và không mấy ấn tượng. Tất nhiên là vẫn có một cánh tả chính trị, nhưng điều đó chỉ đúng đối với một thế giới hậu giai cấp và hậu hiện đại mà thôi.

☭☭☭

BIỆN GIẢI:

Một trong số những trào lưu chính trị mới phát triển rực rỡ nhất hiện nay là phong trào chống chủ nghĩa tư bản, do đó khó có thể nói đã có sự đoạn tuyệt với chủ nghĩa Mác. Dù phong trào này có phê phán tư tưởng mácxít thế nào đi chăng nữa, thì sự chuyển biến từ chủ nghĩa Mác sang chống chủ nghĩa tư bản khó có thể nói là một bước ngoặt to lớn. Trên thực tế, chính những bàn luận của chủ nghĩa Mác về các xu thế cấp tiến khác đã tạo nên uy tín của học thuyết này. Chẳng hạn, lấy ví dụ cụ thể là mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác và phong trào phụ nữ. Nói đúng ra thì những mối quan hệ này đã được đề cập quá nhiều. Đã có những người Mác-xít nam giới từng bỏ qua vấn đề tình dục học, hoặc tìm cách dành riêng vấn đề chính trị nữ quyền phục vụ cho mục đích của mình. Trong truyền thống Mác-xít cũng gặp rất nhiều trường hợp mà may mắn lắm thì được coi là phi giới tính chứ không thì chỉ là kiểu trưởng giả đáng ghét mà thôi. Thế nhưng đó chưa phải là tất cả như một số nhà nữ quyền theo chủ trương ly khai thời kỳ những năm 1970 và 1980 muốn tin một cách vị kỷ. Nhiều nhà Mác-xít là nam giới đã học hỏi, tiếp thu một cách nhẫn nại và kiên trì chủ nghĩa nữ quyền trên cả phương diện cá nhân và chính trị. Đồng thời, chủ nghĩa Mác cũng đóng góp một phần không nhỏ đối với chủ nghĩa nữ quyền trên phương diện tư tưởng lẫn hành động thực tiễn.

Một loạt các câu hỏi quan trọng đã được đặt ra từ vài thập niên trước, khi cuộc tranh luận liên quan đến chủ nghĩa Mác và thuyết nữ quyền trở nên sôi động nhất1. Quan điểm Mác-xít đối với lao động trong gia đình là gì, một câu hỏi mà bản thân Mác gần như bỏ quên? Phải chăng theo quan điểm Mác-xít, phụ nữ cũng hình thành một giai cấp xã hội? Làm sao để một lý thuyết chủ yếu về sản xuất công nghiệp có thể lý giải các vấn đề như chăm sóc trẻ em, tiêu dùng, hoạt động tình dục và gia đình? Liệu gia đình có vị trí trung tâm trong xã hội tư bản? Hay có đúng là chủ nghĩa tư bản sẽ lùa con người vào trong những doanh trại công xã nếu điều đó mang lại lợi nhuận và không bị ai lên án? (Tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản công kích mạnh mẽ gia đình giai cấp trung lưu, một trường hợp mà Ăngghen, với mong muốn đạt tới sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tế, đã chấp nhận một cách đầy nhiệt huyết trong đời sống riêng ngoài đời của ông). Liệu có thể có tự do cho phụ nữ mà không cần đến xóa bỏ xã hội có giai cấp được không? Chủ nghĩa tư bản và chế độ phụ quyền có mối quan hệ như thế nào, dẫu biết rằng chế độ phụ quyền tồn tại lâu đời hơn rất nhiều trước chủ nghĩa tư bản? Một số người ủng hộ thuyết nữ quyền theo Mác-xít quan niệm rằng, chỉ khi nào chủ nghĩa tư bản bị lật đổ thì tình trạng áp bức phụ nữ mới chấm dứt. Một số khác (và có lẽ đáng tin cậy hơn) đưa ra luận điểm rằng, chủ nghĩa tư bản vẫn cứ tồn tại mà chẳng cần đến phương thức áp bức ấy. Theo quan điểm này thì bản chất của chủ nghĩa tư bản chẳng đòi hỏi sự khuất phục của người phụ nữ. Thế nhưng, cả hai vấn đề chế độ phụ quyền và xã hội có giai cấp trên thực tế có liên quan mật thiết với nhau đến nỗi thật khó mà hình dung nếu lật đổ cái này lại không làm rung cái kia.

Đa phần trong các tác phẩm của Mác không phân định rõ vai trò của giới tính – mặc dù điều này đôi khi có thể được lý giải là chủ nghĩa tư bản cũng như vậy, ít nhất là trên một số phương diện. Chúng ta đã chỉ ra rằng hệ thống tư bản chủ nghĩa không phân biệt giới, sắc tộc, hay huyết thống xã hội… khi nó xác định sẽ bóc lột ai hay sẽ bán hàng cho ai. Nếu như người lao động trong các tác phẩm của Mác luôn là nam giới thì cũng chẳng phải do bản chất của chủ nghĩa tư bản. Lý do là bởi bản thân Mác cũng là một quý ông đáng kính sống dưới thời đại theo truyền thống Victoria. Nhưng mặc dù vậy, Mác vẫn cho rằng mối quan hệ sinh sản thông qua hoạt động tình dục có tầm quan trọng bậc nhất. Trong Hệ tư tưởng Đức, ông thậm chí còn tuyên bố gia đình là mối quan hệ xã hội duy nhất. Khi nói về sản xuất ra bản thân đời sống – “của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi, nảy nở” – hai bản đại tự sự của lịch sử về sản xuất tính dục và sản xuất vật chất (mà nếu thiếu một trong hai cái này thì lịch sử nhân loại sẽ nhanh chóng kết thúc) được Mác coi là có mối liên quan mật thiết với nhau. Thứ đặc biệt nhất do con người tạo ra chính là con người. Theo đó, con người tạo ra sức lao động mà bất kỳ hệ thống xã hội nào cũng phải cần đến để duy trì sự tồn tại của mình. Tái sản xuất vật chất và sinh sản của con người đều có lịch sử riêng, mà không thể nhập vào làm một. Nhưng đồng thời, cả hai đều là nơi diễn ra những cuộc xung đột, những bất công truyền đời, và nạn nhân của mỗi quá trình đều có chung một lợi ích giải phóng chính trị.

Ph.Ăngghen (người đã thực hiện đoàn kết chính trị cũng như đoàn kết giới tính với giai cấp vô sản bằng việc ông đã yêu một người xuất thân từ tầng lớp lao động) cho rằng, giải phóng phụ nữ không thể tách rời với việc chấm dứt xã hội phân chia giai cấp (và do người tình của ông cũng là người gốc Ailen, nên ông đã bổ sung thêm phần chống thực dân vào trong mối quan hệ của họ). Nguồn gốc của gia đình, của chế độ sở hữu và của nhà nước của Ph.Ăngghen thực sự là một tác phẩm nhân loại học xã hội đầy ấn tượng, mặc dù còn đầy thiếu sót, nhưng cũng có rất nhiều những khái niệm hay. Tuy tác phẩm chưa bao giờ lên tiếng hoài nghi đối với sự phân công lao động mang tính quy ước về mặt giới tính, song nó vẫn coi sự áp bức phụ nữ của nam giới là “sự phục tùng nhóm người thượng đẳng”. Những người Bôn-sê-vích đã đặt vấn đề phụ nữ một cách rất nghiêm túc: cuộc sống nổi dậy lật đổ Sa hoàng được phát động bằng cuộc biểu tình diễn ra đúng ngày Quốc tế phụ nữ năm 1917. Ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng đã đặt ưu tiên chính trị đối với vấn đề nam nữ bình đẳng và lập ra một Ban thư ký Quốc tế phụ nữ. Và cũng chính Ban thư ký Quốc tế Phụ nữ này đã triệu tập được Đại hội Quốc tế Phụ nữ Lao động đầu tiên với sự tham dự của các đoàn đại biểu từ hai mươi quốc gia trên thế giới mà lời kêu gọi: “Vì phụ nữ cần lao trên toàn thế giới” của hội nghị đã coi mục đích của chủ nghĩa cộng sản và mục đích của phong trào giải phóng phụ nữ là gắn bó chặt chẽ với nhau.

Robert J.C.Young viết rằng: “Trước khi xuất hiện phong trào phụ nữ trong thập niên 1960, thật ấn tượng khi chỉ có những người nam giới của các phe phái xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa mới đặt vấn đề bình đẳng của người phụ nữ phải là bản chất bên trong của các hình thức giải phóng chính trị khác”2. Trong những năm đầu thế kỷ XX, chỉ có phong trào cộng sản mới đặt vấn đề về giới một cách hệ thống và đưa ra bàn luận bên cạnh những vấn đề khác liên quan đến chủ nghĩa dân tộc và thuộc địa. Young viết tiếp: “Chủ nghĩa cộng sản là cương lĩnh chính trị đầu tiên và duy nhất nhận thức được mối quan hệ đan xen giữa các hình thức bóc lột và thống trị khác nhau [vấn đề giai cấp, giới và chủ nghĩa thực dân]; đồng thời, thấy được sự cần thiết phải xóa bỏ mọi hình thức đó như là nền tảng cơ bản để thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng mỗi người”. Hầu hết các xã hội gọi là xã hội chủ nghĩa ngày nay đều nỗ lực thúc đẩy những tiến bộ về quyền của phụ nữ. Thậm chí, nhiều quốc gia trong số họ đã đặt “vấn đề của người phụ nữ” với một sự nghiêm túc đáng ca ngợi từ rất lâu trước khi phương Tây đề cập đến việc giải quyết vấn đề này một cách thực sự. Đối với những vấn đề giới và tình dục, thì thành tích thực tế của chủ nghĩa cộng sản có sai sót nghiêm trọng. Dù có như vậy, thì như nhà xã hội học Michèle Barett nhận xét: “không kể tư tưởng đấu tranh vì nữ quyền, thì từ trước đến nay chưa hề có một tiền lệ nào có được những phân tích có tính phê phán đối với vấn đề áp bức phụ nữ có thể sánh ngang tầm sự chú ý của mọi thế hệ những nhà tư tưởng Mác-xít dành cho vấn đề này”3.

Nếu như chủ nghĩa Mác có thể ví như là một người chiến sĩ kiên định đấu tranh vì nữ quyền, thì chủ nghĩa Mác cũng là người ủng hộ đầy nhiệt huyết cho các phong trào chống thực dân trên toàn thế giới. Thực vậy, trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác luôn là nguồn cảm hứng lớn nhất của những phong trào này. Do đó, những người Mác-xít đã trở thành đội quân tiên phong của ba cuộc đấu tranh chính trị vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại. Đó là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ, và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Phát xít. Riêng đối với các nhà lý luận thuộc thế hệ tiên phong của phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, thì chủ nghĩa Mác chính là xuất phát điểm không thể thiếu. Vào đầu những năm 1920 và 1930, những ai dù là nam hay nữ nếu bị phát giác là người cổ vũ bình đẳng giữa các dân tộc đều bị quy là những người cộng sản. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, đa phần chủ nghĩa dân tộc châu Phi, kể từ Nkrumah và Fanon trở đi, đều bị ảnh hưởng bởi một hình thức nào đó của chủ nghĩa Mác hoặc chủ nghĩa xã hội. Đa phần các đảng cộng sản ở các nước châu Á đều kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa dân tộc vào trong đường lối hành động của mình. Như Jules Townshend đã viết:

“Trong khi các giai cấp công nhân, ngoại trừ ở Pháp và Ý dường như là nằm im ở các nước tư bản phát triển (trong những năm 1960), thì giai cấp nông dân, cùng với tầng lớp trí thức ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh đang tiến hành cách mạng, hoặc xây dựng những xã hội mới theo con đường xã hội chủ nghĩa. Từ châu Á, nguồn cảm hứng được khuấy lên từ cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc năm 1966, và cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Cộng dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Ở châu Phi, những viễn cảnh giải phóng và chủ nghĩa xã hội của Nyerere ở Tanzania, Nkrumah của Ghân, Cabral của Guinea-Bisau, Franz Fanon của Angiêri. Còn Mỹ Latinh là cuộc cách mạng Cuba của Fidel Castro và Che Guevara”4.

Từ Malaysia đến vùng Caribe, từ Ailen đến Angiêri, chủ nghĩa dân tộc cách mạng khiến chủ nghĩa Mác phải tự xét lại mình. Cùng lúc ấy, chủ nghĩa Mác tìm cách đưa ra cho các phong trào giải phóng ở các nước thuộc Thế giới thứ ba điều gì đó mang tính chất xây dựng hơn là thay thế sự cai trị của giai cấp bản địa. Chủ nghĩa Mác cũng nhìn vượt lên trên sự tôn sùng dân tộc một cách mù quáng để hướng tới một viễn cảnh mang tính chủ nghĩa quốc tế nhiều hơn. Nếu chủ nghĩa Mác đã cổ vũ các phong trào giải phóng dân tộc tại các nước được gọi là Thế giới thứ ba ấy, thì đồng thời nó luôn nhấn mạnh rằng, quan điểm của những phong trào này cần hướng tới quốc tế xã hội chủ nghĩa hơn là chỉ giới hạn ở tư sản dân tộc. Vậy mà lời khuyến nghị ấy gần như bị bỏ qua.

Khi giành được chính quyền, những người Bôn-sê-vích tuyên bố quyền tự quyết đối với các dân tộc thuộc địa. Phong trào cộng sản thế giới đã phải hoạt động tích cực để biến tinh thần này thành hiện thực. Lênin là nhà lý luận chính trị đầu tiên trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của các phong trào giải phóng dân tộc, mặc dù ông có quan điểm phê phán chủ nghĩa dân tộc. Lênin cũng phản đối chủ nghĩa dân tộc lãng mạn cho rằng giải phóng dân tộc là một vấn đề của dân chủ cấp tiến, chứ không phải là thứ tình cảm thuộc chủ nghĩa Sô-vanh. Bằng một sự kết hợp sức mạnh có một không hai, chủ nghĩa Mác bởi vậy đã trở thành vừa ủng hộ phong trào đấu tranh chống thực dân, lại vừa lên án chống lại tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Như Kevin Anderson bình luận: “Trong hơn ba thập kỷ trước khi Ấn Độ giành được độc lập và hơn bốn thập kỷ trước khi các phong trào giải phóng ở châu Phi chiếm vị trí lãnh đạo trong những năm 1960, [Lênin] đã là người có công khái quát hóa các phong trào dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc thành lý luận, và coi các phong trào ấy là một nhân tố quan trọng trong nền chính trị học thế giới”5. Lênin viết vào năm 1920 rằng: “Tất cả các Đảng Cộng sản cần phải trực tiếp tham gia hỗ trợ các phong trào cách mạng diễn ra tại các dân tộc phụ thuộc và kém lợi thế (ví dụ như ở Ailen, và những người da đen ở châu Mỹ) và các nước thuộc địa”. Lênin công kích lại cái mà ông gọi là “chủ nghĩa Sô-vanh Đại Nga” tồn tại ngay trong Đảng Cộng sản Xô-viết. Tuy nhiên, quan điểm ấy đã không ngăn cản Lênin tán thành sự thôn tính Ukraina và sau đó là sự gia nhập bắt buộc của Georgia. Một số người Bôn-sê-vích khác, trong đó có Trotsky và Rosa Luxemburg, đã tỏ rõ lập trường chống chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ.

Bản thân Mác cũng còn đôi chút mơ hồ khi đề cập đến những vấn đề chính trị chống chủ nghĩa thực dân. Sự nghiệp thời kỳ đầu của Mác có xu hướng ủng hộ cuộc đấu tranh chống chính quyền thực dân chỉ khi nào cuộc đấu tranh ấy chắc chắn thúc đẩy mục tiêu cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mác từng tuyên bố gây xôn xao dư luận rằng có những dân tộc “không giữ vai trò lịch sử nào” và tất sẽ đi đến chỗ tuyệt diệt. Chỉ riêng ở châu Âu, người Séc, người Sôvenia, người Dalmatians, người Rumani, người Croatia, người Serb, người Moravi, người Ukraina và những dân tộc khác sẽ bị cất giữ trong lọ tro của lịch sử. Đã có lúc Ăngghen hăng hái ủng hộ việc chiếm Angiêri làm thuộc địa và Hoa Kỳ xâm chiếm Mexico; trong khi đó Mác lại tỏ ra không mấy kính trọng người hùng giải phóng Mỹ Latinh như Simon Bolivar. Ông còn nhận xét rằng, Ấn Độ đừng nên tự kiêu với lịch sử của mình; mà sự nô dịch của đất nước trước người Anh vô hình chung đã tạo ra những tiền đề cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra trên tiểu lục địa này. Nhưng đó không phải là cách nói sẽ giúp bạn kiếm được điểm cao nhất cho môn học về hậu chủ nghĩa thực dân ở các trường đại học Anh hay Mỹ.

Nếu như Mác có thể phát biểu một cách tích cực về chủ nghĩa thực dân, thì điều đó chẳng phải vì Mác ưa chộng hình ảnh một dân tộc này chà đạp một dân tộc khác. Lý do là Mác coi sự áp bức (mà ông phán xét là ghê tởm và hèn hạ) gắn liền với sự xuất hiện của tính hiện đại tư bản chủ nghĩa tại các nước “chưa phát triển”. Từ đó, Mác coi điều đó không những tạo ra một số lợi ích nhất định cho những nước này, mà còn là sự chuẩn bị cho con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta đã bàn về ưu nhược điểm của kiểu tư duy “theo mục đích luận” này.

Nói chủ nghĩa thực dân chứa đựng những khía cạnh tiến bộ có lẽ là khó nghe đối với hầu hết tác giả phương Tây thời hậu thuộc địa, vì họ sợ rằng thú nhận một điều gì đó là sai lầm chính trị đều có thể đem dâng nộp cho chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa vị chủng (ethnocentrism). Tuy nhiên, đó là điều bình thường đối với các sử gia Ấn Độ và Ailen6. Vậy một hiện tượng phức tạp kinh khủng như chủ nghĩa thực dân – từng tồn tại khắp nơi và trải qua nhiều thế kỷ – lại chẳng có một kết quả tích cực nào ư? Ở Ailen thế kỷ XIX, chính quyền đô hộ của người Anh đã đem đến nạn đói, bạo lực, hủy diệt, chủng tộc bá chủ và cả đàn áp tôn giáo. Nhưng theo chân họ còn có văn chương, ngôn ngữ, giáo dục, phần nào dân chủ, mà nhờ đó các phong trào dân tộc đã biết tổ chức và cuối cùng cũng giành lấy chính quyền. Đó là những thứ có giá trị đồng thời cũng thúc đẩy một sự nghiệp chính trị đáng trân trọng.

Trong khi đó có rất nhiều người Ailen tha thiết được hòa nhập vào thế giới hiện đại bằng cách học tiếng Anh thì cũng có một bộ phận người Rô-măng Ái Nhĩ Lan vẫn kẻ cả đeo đuổi thứ tiếng nói riêng của dân tộc mình. Chúng ta cũng thấy thành kiến tương tự ở một số học giả hậu thuộc địa ngày nay, mà đối với họ thì tính hiện đại của chủ nghĩa tư bản hoàn toàn là một thảm họa. Nhưng quan niệm ấy không được các dân tộc hậu thuộc địa chia sẻ mặc dù sự nghiệp của họ được các học giả đó ủng hộ. Dĩ nhiên sẽ tốt hơn đối với người dân Ailen nếu bắt đầu con đường dân chủ (và dần dần thịnh vượng) theo một cách ít đau buồn hơn. Người Ailen đáng lẽ không bao giờ phải chịu nỗi nhục của người dân thuộc địa như trước đây. Nhưng cũng nhờ có vậy họ đã giành được giá trị nào đó trong hoàn cảnh này.

Do đó, Mác rất có thể tìm thấy một số khuynh hướng “tích cực” nào đấy của chủ nghĩa thực dân. Nhưng dù có vậy, điều này không ngăn cản Mác tố cáo bản chất “man rợ” của chính quyền thực dân ở Ấn Độ và nhiều nơi khác, cũng như ngăn ông cổ vũ phong trào nổi loạn ở Ấn Độ (Indian Rebellion) năm 1857. Ông bình luận, sự tàn bạo của những kẻ nổi dậy năm 1857 phản ánh một cách trung thực bản chất cướp bóc của chính người Anh đối với đất nước Ấn Độ. Chủ nghĩa đế quốc Anh ở Ấn Độ không còn là một quá trình khai phá văn minh nhân đạo nữa mà trở nên một “cuộc báo thù đẫm máu”7. Thực trạng ở Ấn Độ đã bóc trần “thói đạo đức giả và sự man rợ cố hữu của văn minh tư sản” dẫu đội lốt đáng kính ở chính quốc, song lại trần trụi ở bên ngoài7. Thực vậy, như Aijaz Ahmad nhận định, chưa có một nhà cải cách Ấn Độ có tầm ảnh hưởng của thế kỷ XIX nào có một lời giải thích rõ ràng như Mác đã có đối với vấn đề độc lập dân tộc của Ấn Độ7.

Không những thế, Mác còn công khai từ bỏ ý kiến trước đó của ông về vấn đề xâm chiếm Mexico cũng giống như Ăngghen đối với việc Pháp xâm chiếm Angieri. Điều này, mà trong trường hợp Ăngghen phản ánh một cách chua xót, đã không cho thấy cái gì khác ngoại trừ đổ máu, chiến tranh, bạo lực và “sự ngạo mạn trâng tráo” của những kẻ khai phá văn minh đối với người dân bản xứ “có nòi giống kém cỏi hơn”. Ăngghen nhấn mạnh, chỉ còn cách duy nhất là tiến hành cách mạng mới có thể cứu vãn được tình thế. Mác cũng ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc Trung Quốc chống lại cái mà Mác khinh bỉ gọi là “những tên thương lái văn minh” thực dân. Nói cách khác, ông muốn sửa chữa lại thái độ sô vanh chủ nghĩa trước đây của mình, ủng hộ những cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa, cho dù dân tộc ấy có “vai trò lịch sử” hay không. Khẳng định bất kỳ một dân tộc nào áp bức dân tộc khác thì đồng nghĩa với tự tay trói mình. Mác coi nền độc lập của Ailen là tiền đề cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tại nước Anh. Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Mác viết rằng, mâu thuẫn của giai cấp công nhân với giới chủ ban đầu được diễn ra dưới hình thức là một cuộc đấu tranh dân tộc.

Tôi vẫn đi theo truyền thống là những vấn đề về văn hóa, giới, ngôn ngữ, sự khác biệt, bản sắc và dân tộc không tách rời các vấn đề liên quan đến quyền lực nhà nước, bất bình đẳng về mặt vật chất, bóc lột lao động, cướp bóc đến quốc, phản kháng chính trị của quần chúng và sự chuyển đổi cách mạng. Tuy nhiên, nếu loại trừ nhóm vấn đề thứ hai ra khỏi nhóm vấn đề thứ nhất thì chúng ta sẽ có một thứ gì đó từa tựa như lý luận hậu thuộc địa ngày nay. Đâu đó trên thế giới trong những năm 1980 đã tồn tại một quan điểm ấu trĩ cho rằng, chủ nghĩa Mác mang tai tiếng đã phải nhường đường cho một thứ chủ nghĩa hậu thực dân phù hợp hơn về mặt chính trị. Trong thực tế, điều này dẫn đến cái mà các nhà triết họcgoij là một sai lầm phạm trù, chẳng khác nào đem so một con chuột với khái niệm đời sống hôn nhân. Chủ nghĩa Mác là một phong trào chính trị quần chúng, trải khắp các châu lục và đi qua nhiều thế kỷ, là lý tưởng mà biết bao con người đã chiến đấu và thậm chí hy sinh vì nó. Trong khi đó, chủ nghĩa hậu thực dân là một thứ ngôn ngữ kinh viện, hiếm khi người ta nói tới, ngoại trừ trong vài trăm trường đại học, và thậm chí, chủ nghĩa hậu thực dân có lúc còn là thứ chẳng thể hiểu nổi, không khác gì tiếng Swahili8 đối với những người châu Âu bình thường.

Xét về góc độ lý luận, chủ nghĩa hậu thực dân bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ XX – thời điểm đang diễn ra các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tác phẩm quan trọng của trào lưu này là cuốn sách Đông phương học của Edward Said xuất hiện vào giữa năm 1970, đúng thời điểm một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của chủ nghĩa tư bản đã làm nhụt chí tinh thần cách mạng tại phương Tây. Song, có lẽ điều đáng nói là cuốn sách của Edward Said mang tính chất chống Mác-xít một cách mạnh mẽ. Chủ nghĩa hậu thực dân một mặt nào đó vẫn bảo vệ di sản cách mạng nhưng đồng thời lại rũ bỏ nó. Đó là một tiến trình hậu cách mạng thích hợp với một thế giới hậu cách mạng. Đấy là may mắn lắm nó mới tạo ra được một tác phẩm có kiến thức nghèo nàn và không gì đặc sắc còn nếu không thì nó chỉ còn là khoa quan hệ quốc tế của chủ nghĩa hậu thực dân.

Do đó, không phải giờ đây giai cấp dường như đã nhường chỗ cho vấn đề bản sắc và dân tộc. Mâu thuẫn giữa một bên là các tập đoàn xuyên quốc gia với một bên là những người công nhân bị trả lương rẻ mạt, thường là người dân tộc thiểu số và đa phần là lao động nữ ở những nước nam bán cầu thực chất là vấn đề giai cấp- theo đúng định nghĩa của từ này do Mác đưa ra. Hoàn toàn không phải là quan điểm “lấy phương Tây làm trung tâm”, chẳng hạn như về những người thợ hầm lò hay những công nhân lao động trong các xưởng máy phương Tây, giờ đây đã được thay thế bằng những quan điểm mang tính địa phương hơn. Giai cấp luôn là một hiện tượng mang tính quốc tế. Mác muốn nói rằng, giai cấp công nhân là người nhận thức được họ không có quê hương, nhưng trên thực tế chính chủ nghĩa tư bản mới là người như vậy. Về mặt nào đó, thì toàn cầu hóa chẳng phải là cái gì mới mẻ, bởi nếu lướt qua Tuyên ngôn của Đảng cộng sản có thể thấy ngay điều đó. Phụ nữ luôn chiếm số đông trong lực lượng lao động, và vấn đề áp bức dân tộc mãi mãi không thể tách khỏi bóc lột kinh tế. Cái gọi là các phong trào xã hội mới đa phần chẳng mới gì nhiều. Và quan niệm cho rằng họ đã thoát ra khỏi ảnh hưởng của một chủ nghĩa Mác chống đa nguyên và luôn bị giai cấp ám ảnh là đã bỏ qua một thực tế rằng, họ và chủ nghĩa Mác thật sự là đồng minh của nhau trong cả một thời gian dài.

Những người theo chủ nghĩa hậu thực dân nhiều khi quy kết Mác là người có quan điểm lấy châu Âu là trung tâm, luôn tìm cách áp đặt những giá trị phương Tây mang tính duy lý của người da trắng lên mọi lĩnh vực rất khác nhau của hành tinh này. Lẽ dĩ nhiên, Mác là một người châu Âu, như chúng ta có thể thấy trong mối quan tâm cháy bỏng của ông đối với giải phóng chính trị. Truyền thống các tư tưởng về vấn đề giải phóng đã làm nên trang sử của châu Âu, cũng giống như tình trạng nô lệ đã làm được lịch sử đó. Châu Âu là cái nôi của dân chủ nhưng cũng là nơi có những trại tập trung chết người. Nếu phải kể đến nạn diệt chủng ở Cônggô, thì ở châu Âu cũng phải kể đến những chiến sĩ Công xã Pari và phong trào đấu tranh đòi quyền bỏ phiếu cho phụ nữ (Suffraettes). Châu Âu ghi dấu ấn sự ra đời của chủ nghĩa xã hội và cả chủ nghĩa phát xít; là nơi chôn nhau của cả Sophocles9 và tài tử điện ảnh Arnold Schwarzenegger, quyền công dân và tên lửa hành trình Cruise, huyền thoại về chủ nghĩa nữ quyền và một di sản của nạn đói. Những nơi khác trên trái đất này tương tự như vậy cũng được đánh dấu bởi sự pha trộn giữa thực tiễn khai sáng và hành động áp bức. Chỉ những người quá ấu trĩ coi châu Âu chỉ có tiêu cực và hậu thuộc địa toàn là những điều tốt đẹp mới không nhận ra được thực tế này. Một số người trong số họ tự cho mình là những người theo chủ nghĩa đa nguyên. Trên thực tế, đa phần trong số họ là những người châu Âu mang trong mình mặc cảm tội lỗi, chứ đâu phải là những người theo chủ nghĩa hậu thực dân oán hận châu Âu. Cảm giác tội lỗi của họ hầu như không dành cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tiềm ẩn trong sự khinh miệt của họ đối với châu Âu.

Tất nhiên, Mác vẫn còn một số hạn chế nhất định do điều kiện xã hội thời đó. Quả thực, nếu tư tưởng của Mác vẫn còn giá trị thì đó cũng là điều không thể khác được. Mác là một học giả phương Tây thuộc tầng lớp trung lưu. Nhưng trên thực tế, không có nhiều học giả phương Tây thuộc tầng lớp trung lưu dám lên tiếng đòi lật đổ cả một đế chế và giải phóng công nhân trong các nhà máy. Và trên thực tế có rất nhiều người trí thức của chế độ thực dân đã không làm được như thế. Chẳng những vậy, có thể hơi trịch thượng khi nói rằng, tất cả những vị lãnh tụ dũng cảm có ý thức chống thực dân tiếp thu tư tưởng của Mác, kể từ James Connolly cho đến C.L.R. James, đều là những nạn nhân bị lừa dối của Phong trào khai sáng phương Tây. Cái phong trào vĩ đại ấy cổ xúy cho tự do, lý trí và tiến bộ (xuất phát từ chính tầng lớp trung lưu ở châu Âu thế kỷ XVIII) không những là sự giải phóng đầy mê hoặc thoát khỏi ách bạo chúa, nhưng đồng thời ẩn chứa trong nó một hình thức của chế độ chuyên quyền. Và chỉ có Mác mới là người có công thức tỉnh chúng ta trước mâu thuẫn này. Ông bảo vệ những tư tưởng của giai cấp tư sản về tự do, lý trí và tiến bộ; nhưng đồng thời cũng muốn tìm hiểu xem tại sao những tư tưởng đó lại phản bội chính mình mỗi khi được áp dụng trong thực tiễn. Do đó, Mác là một nhà phê bình của Phong trào khai sáng – và như tất cả các hình thức phê bình hiệu quả nhất, Mác là người trong cuộc. Cùng một lúc, Mác vừa là một nhà bảo vệ quan điểm vững vàng lại vừa là một nhà phản biện dữ tợn.

Những người đang tìm con đường giải phóng chính trị không được phép quá kén chọn thành phần xuất thân của những người đang dang tay giúp mình. Fidel Castro không quay lưng với cách mạng xã hội chủ nghĩa vì Mác là nhà tư sản Đức. Những người cấp tiến ở châu Á, châu Phi vẫn ngoan cố không quan tâm đến thực tế là Trotsky xuất thân là một người Nga Do Thái. Thường thì chỉ những người theo chủ nghĩa tự do thuộc tầng lớp trung lưu mới bận tâm “chiếu cố” đến những người lao động, ví dụ như bằng cách rao giảng với họ về chủ nghĩa đa văn hóa hay là về William Morris10. Trong khi đó, bản thân những người lao động lại không hay mắc chứng loạn thần kinh đặc quyền ấy và sẵn lòng đón nhận bất kỳ một sự giúp đỡ chính trị nào miễn là có lợi. Do đó, nó chỉ đúng với những người sống trong thế giới thực dân lần đầu tiên biết về tự do chính trị của Mác. Mác đúng là một người châu Âu, nhưng những tư tưởng của ông lại bén rễ trước tiên ở châu Á và ở cái gọi là Thế giới thứ ba thì những tư tưởng đó mới sinh sôi nảy nở mạnh mẽ nhất. Hầu hết những xã hội được gọi là mácxít đều không phải ở châu Âu. Dù thế nào thì các lý thuyết cũng chưa bao giờ được tiếp thu một cách đơn giản và triển khai thực hiện bởi đông đảo quần chúng nhân dân, chúng sẽ được làm lại một cách có chủ ý trong quá trình thực hiện. Điều đó đặc biệt đúng với phong trào chống thực dân đi theo chủ nghĩa Mác.

Những người phê phán Mác nhiều khi chú ý đến một khuynh hướng gọi là Prômêtê trong tác phẩm của ông: con người có quyền uy tối thượng trước tự nhiên cùng với một niềm tin vào sự tiến bộ không có giới hạn của con người. Quả thực là có một xu hướng như vậy trong tác phẩm của Mác, như ta có thể thấy ở một nhà trí thức châu Âu thế kỷ XIX. Vào cái thời 1860, người ta chẳng hề quan tâm đến vấn đề túi ni lông và khí thải cácbon. Bên cạnh đó, nhiều khi cần thiết phải chinh phục thiên nhiên. Nếu chúng ta không nhanh chóng xây dựng những con đê chắn sóng biển, thế giới chúng ta đang có nguy cơ bị mất Bangladesh. Những đợt tấn công của căn bệnh thương hàn chính là sự thử thách uy quyền tối cao của con người trước thiên nhiên. Xây dựng những cây cầu, tiến hành phẫu thuật não cũng có ý nghĩa như vậy. Vắt sữa bò và xây dựng thành phố là cách chinh phục thiên nhiên phục vụ cho mục đích của chúng ta. Ý niệm cho rằng chúng ta sẽ không bao giờ chiến thắng tự nhiên là sự ủy mị vô lý. Tuy nhiên, cho dù chúng ta có những lúc cần chiến thắng tự nhiên thì chúng ta chỉ có thể làm được điều đó bằng sự hòa hợp đầy cảm thông với những vận động nội tại trong lòng tự nhiên được gọi là khoa học.

Mác coi thói đa cảm ấy (mà ông gọi là “một thái độ ấu trĩ đối với tự nhiên”) phản ánh một quan điểm mê tín đối với thế giới tự nhiên, trong đó chúng ta chỉ biết quy phục trước uy quyền tối cao. Và cái mối quan hệ nhiều bí ẩn này với thế giới xung quanh chúng ta dường như lại xuất hiện trở lại trong thời hiện đại mà Mác từng gọi là chủ nghĩa sùng bái hàng hóa vật chất. Một lần nữa đời sống của chúng ta lại do thế lực xa lạ ở bên ngoài quyết định – những mảnh vật chất mang theo dạng thức sống hung ác. Đúng là những sức mạnh tự nhiên giờ đây không còn là ác quỉ hay nữ thần nữa, mà là dòng chuyển dịch của hàng hóa trên thị trường mà chúng ta hầu như không thể kiểm soát được giống như Ôđixê đứng trước thần biển vậy. Về điểm này, phê phán kinh tế học tư bản chủ nghĩa của Mác gắn chặt với mối quan tâm của Mác đối với tự nhiên.

Ngay từ tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, có thể thấy Mác đã đưa những yếu tố địa lý và khí hậu vào trong các phân tích xã hội của ông. Mác còn công khai lên tiếng rằng, tất cả các phân tích lịch sử “đều xuất phát từ những cơ sở tự nhiên ấy và những thay đổi của chúng do hoạt động của con người gây ra trong quá trình lịch sử”11. C.Mác viết trong Tư bản về “con người trong xã hội hóa, những người sản xuất liên hợp, điều tiết một cách hợp lý sự trao đổi chất đó của họ với giới tự nhiên, đặt sự trao đổi chất đó dưới sự kiểm soát chung của họ, chứ không để cho nó thống trị họ như là một lực lượng mù quáng”12. Cái bị đe dọa là “sự trao đổi” chứ không phải là quyền thế; sự kiểm soát hợp lý chứ không phải là thống trị bằng bạo lực. Bất luận thế nào thì chàng Prômêtê của Mác (nhân vật thần thoại yêu thích của ông) cũng không giống người ủng hộ nhiệt thành công nghệ mà giống một người chống đối chính trị nhiều hơn. Đối với Mác, cũng như là đối với Dante, Milton, Geothe, Blake, Beethoven và Byron thì chàng Prômêtê đều là hiện thân của cách mạng, của năng lực sáng tạo và là sự nổi loạn chống các vị thần13.

Sự qui chụp cho rằng Mác chẳng qua cũng chỉ là một người theo chủ nghĩa duy lý theo trường phái Khai sáng ra sức tước đoạt thiên nhiên nhân danh Con người là hoàn toàn sai lầm. Khó có thể tìm thấy nhà tư tưởng nào thời Victoria lại có được khả năng nhìn trước được chủ nghĩa môi trường hiện đại một cách ấn tượng như vậy. Một nhà bình luận thời hiện đại nhận xét rằng những tác phẩm của Mác “là những hiểu biết uyên bác nhất về những vấn đề phức tạp xung quanh quyền làm chủ thiên nhiên trong số những tư duy xã hội thế kỷ XIX, hay uyên bác nhất trong số những đóng góp của các giai đoạn trước đó”14. Ngay cả những người hâm mộ Mác trung thành nhất cũng thấy lời nhận xét này là sự đề cao quá mức, nhưng vẫn chứa đựng mầm mống chắc khỏe của sự thật. Ăngghen thời còn trẻ cũng tán đồng quan điểm sinh thái với Mác khi ông viết rằng “biến trái đất này thành một đối tượng để cò kè mặc cả – trong khi đó trái đất này là của tất cả chúng ta không trừ một ai, và cũng là điều kiện tồn tại đầu tiên của chúng ta – là bước cuối cùng để biến mình thành đối tượng để cò kè mặc cả”15.

Trái đất là điều kiện đầu tiên cho sự tồn tại của chúng ta. Tức là nếu ta muốn có một cơ sở nền tảng cho các hoạt động con người thì ta phải tìm kiếm nó ở trái đất. Đó là tuyên bố của Mác trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gotha, theo đó ông nhấn mạnh rằng, chính Tự nhiên chứ không phải lao động hay sản xuất nói một cách riêng rẽ, là gốc rễ của sự tồn tại của loài người. Ăngghen lúc về già cũng viết trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên rằng: “chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc của chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng những quy luật đó một cách chính xác” . Đúng là trong Chủ nghĩa xã hội: Không tưởng và Khoa học, Ăngghen nói về loài người như là “vị chúa tể sáng suốt và thực sự của tự nhiên”. Nhưng, cũng đúng là Ăngghen tự bêu diếu kiến thức về thiên nhiên của mình như là một thành viên nhiệt thành thuộc hội săn bắt quận Cheshire vậy. Nhưng nếu theo nguyên lý chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác thì không có ai và không có gì là hoàn hảo.

Mác từng nhận xét: “Ngay cả một xã hội, một nước, và thậm chí tất thảy các xã hội tồn tại trong một thời kỳ gộp lại, cũng đều không phải là kẻ sở hữu đất đai. Họ chỉ là những người chiếm hữu đất đai ấy, là những người sử dụng những đất đai ấy và với tư cách là những bonl patres familias (những người cha hiền của gia đình), họ phải để lại những đất ấy, đã được cải thiện, cho các thế hệ sau”16. Rõ ràng ông nhận thức rõ sự xung đột giữa một bên là sự khai thác tài nguyên thiên nhiên của chủ nghĩa tư bản vì mục đích trước mắt và một bên là sự sản xuất bền vững vì mục đích lâu dài. Mác nhắc đi nhắc lại rằng, phát triển kinh tế chỉ đạt được nếu không làm phương hại những điều kiện tự nhiên và toàn cầu là nơi mà hạnh phúc của các thế hệ tương lai sẽ phải trông cậy vào đó. Không có gì phải nghi ngờ là Mác sẽ đi đầu trong phong trào đấu tranh bản vệ môi trường nếu ông còn sống đến tận hôm nay. Là người có quan điểm bảo vệ môi trường sinh thái, Mác nhận xét rằng, chủ nghĩa tư bản “đang phung phí sức sống của mảnh đất này” và đang làm xói mòn một nền nông nghiệp “hợp lý”.

Trong tác phẩm Tư bản, Mác viết: “đất đai được canh tác một cách có ý thức và hợp lý, coi là sở hữu cộng đồng vĩnh viễn, là điều kiện sinh sống và tái sản xuất không thể di nhượng được của những thế hệ thường xuyên nối tiếp nhau của loài người”17. Theo quan điểm của ông, nền nông nghiệp tư bản chủ nghĩa thành công được là nhờ hút kiệt “nguồn gốc ban đầu của mọi của cải… đất đai và người lao động”. Khi phê phán tư bản công nghiệp, Mác bàn luận đến xả chất thải, tàn phá rừng, ô nhiễm sông hồ, các chất độc hại đối với môi trường và chất lượng không khí. Mác quan niệm rằng tính bền vững của môi trường sinh thái có tầm quan trọng đặc biệt trong nền nông nghiệp xã hội chủ nghĩa18.

Ẩn sau mối quan tâm của Mác đối với tự nhiên là một tầm nhìn triết học. Mác là một nhà duy vật chủ nghĩa và đồng thời là một nhà tự nhiên chủ nghĩa, theo đó con người là một bộ phận của tự nhiên và cố tình quên mất bản chất sinh học của chính mình. Thậm chí trong bộ Tư bản, Mác cũng viết tự nhiên là “cơ thể” của loài người: “mà (loài người) phải duy trì quá trình trao đổi không ngừng với nó”. Còn những công cụ sản xuất được coi như là “những cơ quan nối dài của cơ thể”. Toàn bộ nền văn minh, từ các thượng nghị sĩ cho đến tàu ngầm chỉ đơn giản là sự nối dài những năng lực cơ thể của chúng ta. Cơ thể và thế giới, chủ thể và khách thể tồn tại trong một cân bằng mong manh, do đó môi trường của chúng ta cũng mang tính biểu trưng cho hệ thống ý nghĩa của con người, cũng tương tự như ngôn ngữ vậy. Mác coi mặt đối lập của cái này là “sự tha hóa” – ở đó, chúng ta không thể tìm thấy sự phản ánh của chính mình trong một thế giới vật chất đầy thú tính, và do đó, đánh mất mối liên hệ với bản chất năng động nhất của chính chúng ta.

Một khi mối quan hệ qua lại giữa cái tôi và tự nhiên bị phá vỡ, nhân loại chúng ta sẽ rơi vào một thế giới vật chất vô nghĩa của chủ nghĩa tư bản, mà ở trong đó tự nhiên chẳng khác nào một thứ dễ bị uốn nặn theo bất cứ hình dáng nào mà chúng ta mong muốn. Cùng lúc đó, cái tôi bị tách khỏi Tự nhiên, bị tách khỏi cái thể xác của nó, và tách khỏi thể xác của những người khác. Mác còn tin rằng, thậm chí cả giác quan cơ thể của chúng ta cũng “trở thành hàng hóa” dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, giống như thể xác, được chuyển đổi thành một công cụ sản xuất trừu tượng đơn thuần, không thể nào cảm nhận được cuộc sống giác quan của chính nó nữa. Chỉ với chủ nghĩa cộng sản thì chúng ta mới lại cảm nhận nhận được thể xác của mình. Ông lập luận, chỉ khi đó, chúng ta mới có thể vượt lên trên lý trí mang tính phương tiện tàn nhẫn để tận hưởng niềm vui của thế giới tinh thần và thẩm mỹ. Thực vậy, công trình của ông mãi mãi “mang tính thẩm mỹ”. Trong tác phẩm Grundrisse của mình, Mác nhận xét rằng dưới chủ nghĩa tư bản, tự nhiên hoàn toàn trở thành đối tượng của thuyết vị lợi, và không được công nhận là “tự nó có quyền lực”.

Theo quan điểm của Mác, thông qua hoạt động sản xuất vật chất, con người điều chỉnh và kiểm soát “quá trình trao đổi chất” theo hai chiều giữa bản thân con người và tự nhiên, chứ không phải là uy quyền tối cao kiêu ngạo nào đó. Và tất cả những yếu tố này – tự nhiên, lao động, thể xác biết đau đớn và biết sản xuất cùng với các nhu cầu của thể xác – hình thành nên cái mà Mác goi là cơ sở hạ tầng tồn tại mãi mãi của lịch sử nhân loại. Đó là một bài văn tự sự chạy suốt các nền văn hóa nhân loại, để lại những dấu ấn không thể xóa nhòa lên các nền văn hóa ấy. Với tư cách là sự trao đổi “chất” giữa con người và tự nhiên, lao động của con người theo quan điểm của Mác là một điều kiện “vĩnh cửu” không thể thay đổi. Cái sẽ thay đổi – cái khiến cho các lào tự nhiên có lịch sử – là những cách thức khác nhau mà con người chúng ta tác động không ngừng lên tự nhiên. Con người tạo ra các phương tiện để duy trì sự tồn tại của mình theo nhiều cách khác nhau. Điều này hoàn toàn tự nhiên, theo cái nghĩa đó là cần thiết cho sự sinh sôi nảy nở của loài này. Nhưng nó còn mang tính văn hóa và lịch sử, kéo theo đó như nó vẫn vậy là những hình thức cụ thể của chủ quyền, xung đột và bóc lột. Không còn lý do nào để cho rằng, chấp nhận bản chất “vĩnh cửu” của lao động sẽ lừa dối chúng ta đi đến chỗ tin rằng các hình thái xã hội ấy cũng là vĩnh cửu.

Cái “điều kiện buộc phải chấp nhận có bản chất vĩnh cửu đối với sự tồn tại của con người” này có thể đối lập với sự áp bức của cái thể xác vật chất, tự nhiên theo quan điểm hậu hiện đại mà đang tìm cách hòa tan thành văn hóa. Chính cái từ “tự nhiên” đó gây ra sự rùng mình chính trị. Tất cả sự chú ý đến bản chất sinh học chung của chúng ta sẽ trở thành thứ tội ác tư tưởng có tên gọi là “chủ nghĩa sinh học”. Chủ nghĩa hậu hiện đại rất sợ cái bất biến mà nó tưởng tượng một cách sai lệch là sự xuất hiện ở khắp mọi nơi trên phương diện phản ứng chính trị. Do thể xác của con người hầu như không biến đổi trong quá trình tiến hóa, nên tư tưởng hậu hiện đại chỉ có thể thích ứng được với nó như là một “kiến tạo văn hóa”. Từ trước đến nay chưa có một nhà tư tưởng nào lại nhận thức được rõ như Mác về quá trình hòa giải về mặt xã hội giữa tự nhiên và thể xác. Quá trình hòa giải đó được gọi là lao động, đã đưa tự nhiên thành có ý nghĩa đối với con người. Lao động là một hành động có ý nghĩa. Không bao giờ chúng ta nhồi nhét vào một đối tượng vật chất nhất định. Thay vào đó, thế giới vật chất đối với chúng ta luôn chứa đầy ý nghĩa nhân bản, và thậm chí, một sự trống không cũng là một dấu hiệu có ý nghĩa nào đó. Tiểu thuyết của Thomas Hardy đã minh họa điều này một cách tuyệt vời.

Mác tin rằng, lịch sử xã hội loài người là một bộ phận của lịch sử tự nhiên. Điều đó có nghĩa là cùng với một số thuộc tính khác, thuộc tính xã hội là vốn có trong giống loài động vật như con người chúng ta. Sự hợp tác xã hội là cần thiết cho sự tồn tại vật chất của con người, nhưng đồng thời đó còn là một phần trong quá trình tự hoàn thiện của con người với tư cách là một loài. Do đó, nếu xét theo khía cạnh nào đó, tự nhiên là một phạm trù xã hội thì xã hội cũng là một phạm trù tự nhiên. Tuy nhiên, dễ nhận thấy rằng những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ chú trọng đến trường hợp thứ nhất mà lờ đi trường hợp thứ hai. Theo Mác, mối quan hệ giữa tự nhiên và con người không mạng tính đối xứng. Cuối cùng, như ông viết trong Hệ tư tưởng Đức, tự nhiên có vị trí kiểm soát toàn bộ. Đối với cá nhân mỗi con người, điều này được gọi là cái chết. Giấc mộng của Phaoxtơ về tiến bộ không giới hạn trong một thế giới vật chất, biết đáp lại thử thách của chúng ta một cách kỳ diệu, đã bỏ qua “vị trí ưu tiên của giới tự nhiên bên ngoài”. Ngày nay, hiện tượng này không còn được gọi là giấc mộng của Phaoxtơ, mà là giấc mơ Mỹ. Đó là một quan điểm âm thầm căm ghét vật chất bởi vì nó ngăn cản con đường chúng ta tiến đến vô hạn. Đó là lý do giải thích tại sao thế giới vật chất hoặc là cần phải chế ngự bằng sức lực, hoặc là phải được hòa tan vào trong văn hóa. Chủ nghĩa hậu hiện đại và tinh thần tiên phong là hai mặt của một đồng tiền. Nhưng không ai trong số họ có thể chấp nhận được thực tế rằng, chính những hạn chế của chúng ta khiến chúng ta được như hiện nay, cũng hoàn toàn giống như quá trình lịch sử nhân loại chính là sự không ngừng vượt qua giới hạn của những hạn chế ấy.

Mác quan niệm rằng, con người thuộc về tự nhiên nhưng con người có khả năng chế ngự tự nhiên; và sự tách biệt một phần như vậy với tự nhiên bản thân nó là một phần bản chất của con người19. Chính những công nghệ mà chúng ta sử dụng để tác động lên tự nhiên và văn hóa hình thành nên một thể thống nhất phức hợp, nhưng Mác cương quyết không chấp nhận hòa tan cái này vào trong cái kia. Từ những tác phẩm thời kỳ đầu nhưng sớm bộc lộ tài năng của mình, ông đã mong ước về một sự thống nhất tột bậc giữa tự nhiên và con người. Trong những năm tháng trưởng thành hơn sau này, ông thừa nhận rằng sẽ luôn tồn tại một sự không dung hòa hay tính không đồng dạng giữa tự nhiên và con người, và đích danh mâu thuẫn ấy chính là lao động. Rõ ràng là với đôi chút ân hận, ông phản đối trí tưởng tượng theo kiểu tô hồng, gần như tồn tại từ rất lâu cùng với con người, theo đó, một tự nhiên hết sức giàu có luôn sẵn lòng đáp lại mọi khát vọng của chúng ta:

Cuộc sống này với tôi kỳ diệu biết bao nhiêu,
Trái táo chín cứ đung đưa ngang tầm với.
Những chùm nho chín mọng ngả bên tôi,
Ép những giọt ngọt lịm vào môi tôi chờ đợi.
Trái xuân đào và đào tươi còn chờ tay hái,
Ruộng dưa kia như ngáng bước chân tôi.
Giờ đây chỉ còn tôi nằm im trên thảm cỏ,
Bởi kết quanh mình là những dải hoa tươi.
(Andrew Marvell: Khu vườn)

Mác tin vào cái mà ông gọi là “nhân cách hóa thế giới tự nhiên”. Nhưng trong quan niệm của Mác, tự nhiên vẫn có chút gì đó ngang bướng chống lại con người ngay cả khi có thể chế ngự được sự phản kháng của tự nhiên đối với nhu cầu của con người. Và điều này có những mặt tích cực của nó. Bởi vì rằng, vượt qua trở ngại là góp phần là góp phần làm nên tính sáng tạo của chúng ta. Một thế giới chỉ toàn những điều kỳ diệu chắc chắn sẽ trở thành nơi buồn tẻ. Và vào một ngày nào đó trong khu vườn kỳ diệu kia có lẽ Marvell lại ước quay trở về sống ở Luân đôn.

Liệu Mác có tin tưởng vào khả năng mở rộng vô tận sức mạnh của con người, nhất là theo một cách vi phạm vào những nguyên tắc môi trường sinh thái của chúng ta? Quả thật là có lúc Mác đã hạ thấp vai trò của những giới hạn của tự nhiên đặt lên sự phát triển của con người, một phần do những người có quan điểm chống lại ông như Thomas Malthus đã quá cường điệu nó. Mác ý thức rõ những giới hạn của tự nhiên đặt lên lịch sử, nhưng ông vẫn cho rằng chúng ta vẫn có thể mở rộng những giới hạn đó trong một quá trình lâu dài. Dĩ nhiên có một khuynh hướng rõ ràng mà ta gọi là chủ nghĩa lạc quan công nghệ – thậm chí đôi khi còn gọi là khúc ca khải hoàn trong tác phẩm của Mác: một viễn cảnh nhân loại khi các lực lượng sản xuất được giải phóng trong một thế giới mới lộng lẫy. Sau này một số nhà Mác-xít (đơn cử như Trotsky) đã mở rộng viễn cảnh này thành xã hội không tưởng cực đoan khi dự đoán về một tương lai gồm toàn những người hùng và những bậc vĩ nhân20. Tuy vậy, vẫn tồn tại một Mác khác, như chúng ta đã thấy, sự phát triển ấy cần phải thích hợp với phẩm giá và hạnh phúc của con người. Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới nhìn nhận sản xuất là có tiềm năng vô hạn, còn chủ nghĩa xã hội lại đặt sản xuất vào trong bối cảnh những giá trị đạo đức và thẩm mỹ. Và như Mác viết trong tập đầu tiên của bộ Tư bản: “dưới một hình thức phù hợp với sự phát triển toàn diện của con người”.

Như Ted Benton nhận xét, thừa nhận những giới hạn của tự nhiên là không phù hợp không những với giải phóng chính trị mà còn với những phiên bản không tưởng của giải phóng chính trị21. Tài nguyên của thế giới không phải để tất cả chúng ta sống ngày càng sung túc hơn, mà để cho tất cả chúng ta được sống đầy đủ. G.A.Cohen viết: “Lời hứa hẹn về sự giàu có không phải là dòng hàng hóa tuôn chảy không dứt, mà là sự đầy đủ được tạo ra bằng những cố gắng ít nhọc nhằn nhất”22. Cái ngăn trở điều đó diễn ra là chính trị chứ không phải là Tự nhiên. Như chúng ta đều biết, Mác quan niệm rằng, chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải mở rộng lực lượng lao động sản xuất; nhưng sự mở rộng đó không phải là nhiệm vụ của bản thân chủ nghĩa xã hội mà là của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội khai thác sự giàu có vật chất ấy chứ không phải tích lũy nó. Chỉ có Stalin, chứ không phải Mác, mới quan niệm chủ nghĩa xã hội là vấn đề phát triển lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa tư bản là một người học việc của thầy phù thủy: nó tập trung sức mạnh phóng ra như vũ bão để đe dọa hủy diệt chúng ta. Nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội không phải là khích lệ những quyền năng ấy mà đặt chúng dưới sự kiểm soát sáng suốt của con người.

Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với hai mối đe dọa lớn đối với sự tồn vong của nhân loại là quân sự và môi trường. Trong tương lai hai mối đe dọa này ngày càng có xu hướng hội tụ với nhau khi những cuộc tranh giành nguồn tài nguyên khan hiếm leo thang thành xung đột có vũ trang. Trong nhiều năm qua, những người cộng sản đã tỏ rõ ra là những người ủng hộ nhiệt thành cho hòa bình. Lý do cho việc đó có thể được Ellen Meiksins Wood tổng kết lại: “Điều hiển nhiên đối với tôi là, cái nguyên lý cạnh tranh, bóc lột và mở rộng không ngừng của tích lũy tư bản chủ nghĩa trong bối cảnh hệ thống quốc gia – dân tộc trong tương lai gần và tương lai xa sẽ dẫn đến mất ổn định; và chủ nghĩa tư bản… đang và sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đối với nền hòa bình thế giới trong một tương lai không xa”23. Nếu phong trào hòa bình phải đi tìm nguyên nhân gốc rễ của sự xâm lăng trên toàn cầu, thì nó không thể bỏ qua cái bản chất của con quái vật đang nuôi dưỡng sự xâm lăng đó. Và do đó có nghĩa là nó không thể bỏ qua những phát kiến của chủ nghĩa Mác.

Cũng tương tự như vậy với chủ nghĩa bảo vệ môi trường. Wood lập luận rằng chủ nghĩa tư bản không thể tránh khỏi hủy hoại sinh thái, bởi để tích lũy được, động lực phát triển của nó phải có bản chất chống xã hội. Hệ thống này có thể dung thứ cho sự bất bình đẳng dân tộc và bất bình đẳng giới, nhưng với bản chất của mình, nó không thể nào đến với hòa bình thế giới hay trân trọng thế giới vật chất. Wood còn nhận xét rằng, chủ nghĩa tư bản “có thể có một sự quan tâm nhất định đến vấn đề sinh thái, nhất là khi bản thân công nghệ bảo vệ môi trường mang lại lợi nhuận trên thị trường. Nhưng sự phi lý mang tính bản chất trong động lực tích lũy tư bản này, bất chấp tất cả để phục vụ cho yêu cẩu mở rộng tư bản và cả cái gọi là tăng trưởng, sẽ không tránh khỏi thù địch với sự càn bằng sinh thái”23. Câu khẩu hiệu xưa của những người cộng sản “Chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa man rợ” nghe có vẻ khải huyền với một số người. Nhưng khi lịch sử đang tròng trành trước viễn cảnh chiến tranh hạt nhân và thảm họa môi trường, thì khẩu hiệu ấy lại là một sự thật nghiêm túc hơn bao giờ hết. Nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ thì có lẽ chủ nghĩa tư bản sẽ là cái chết của chính chúng ta./.

☭☭☭

KẾT LUẬN

Vậy đấy, Mác có một niềm tin tha thiết vào con người và luôn nghi ngờ những giáo điều trừu tượng. Ông đã không quá câu nệ đến khái niệm về một xã hội hoàn hảo nhưng lại rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng. Mác không mơ tưởng gì về một tương lai trong đó tất cả chúng ta đều đóng khung trong những bộ đồng phục chật cứng, bị đóng dấu trên lưng những mã số An sinh xã hội. Thay vào đó, ông hy vọng nhìn thấy một tương lai đa dạng chứ không phải sự đồng nhất. Mác không hề nói rằng: con người chỉ là những con rối vô dụng của lịch sử. Thậm chí ông còn kiên quyết chống lại nhà nước hơn cả những người bảo thủ cánh hữu. Mác nhìn nhận chủ nghĩa xã hội chính là dân chủ ở tầm cao chứ không phải là kẻ thù của dân chủ. Mô hình xây dựng một xã hội tốt đẹp của ông chịu ảnh hưởng của hình thức tự biểu hiện mỹ học. Mác tin rằng vẫn có thể tiến hành những cuộc cách mạng không đổ máu, và rằng chống lại cải cách xã hội là điều không tưởng. Ông không hề chỉ tập trung vào tầng lớp lao động giản đơn nhưng cũng không hề coi xã hội chỉ bao gồm hai giai cấp đối kháng.

Mác không tôn sùng một cách quá đáng sản xuất vật chất. Trái lại, ông cho rằng cần hoàn toàn thủ tiêu sản xuất vật chất. Với Mác, lý tưởng là nghỉ ngơi chứ không phải là lao động. Nếu như ông quá chú trọng đến góc độ kinh tế học, thì chẳng qua là để làm giảm bớt tầm quan trọng của nó đối với con người. Chủ nghĩa duy vật của Mác mang đậm giá trị đạo đức và tinh thần cao cả. Ông hết lòng ngợi ca tầng lớp trung lưu, coi chủ nghĩa xã hội là sự kế thừa những di sản vĩ đại của tầng lớp trung lưu về tự do, dân quyền, và thịnh vượng. Quan niệm của Mác về tự nhiên và môi trường đáng ngạc nhiên là đã vượt xa thời đại mà ông đang sống. Không thể có người chiến sĩ kiên trung nào vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, hòa bình thế giới, chống chủ nghĩa phát xít và độc lập cho các nước thuộc địa như phong trào chính trị mà công trình của Mác đã sản sinh ra.
Và cũng chưa từng có nhà tư tưởng nào bị lắm hiềm khích đến như vậy!


Ghi chú:
1.[Để biết thêm chi tiết về những tranh luận này, tham khảo Juliet Mitchel: Bất động sản của phụ nữ (Women’s Estate), Harmondsworth, 1971; S. Rowbotham, L. Segal và H. Wainwright: Vượt lên trên sự phân tầng (Beyond the Fragments), Newcastle and London, 1979; L. Sargent (ed.): Phụ nữ và cách mạng (Women and Revolution), Montreal, 1981; và Michele Barrett: Sự áp bức phụ nữ ngày nay (Women’s Oppression Today), London, 1986.]
2.[Robert J. C. Young: Chủ nghĩa hậu thực dân: một cách tiếp cận lịch sử (Postcolonialism: An Historical Introduction), Oxford, 2001, tr.372-373, 142. ]
3.[T.Bottomore (Chủ biên): Từ điển tư tưởng mác xít (A Dictionary of Marxist Thought), Oxford, 1983, tr.190.]
4.[Jules Townshend: Chính trị học Mác xít (The Politics of Marxism), London và New York, 1996, tr.142.]
5.[Kevin B.Anderson: Sự phát hiện lại và kiên trì phép biện chứng trong môn triết học và chính trị học thế giới, trong S.Budgeon, S.Kouvelakis và S.Zizek: Khởi động lại Lênin: Hướng tới một chính trị thật sự (Lenin Reloaded: Towards a Politics of Truth), London, 2007, tr.121.]
6.[Xem thêm thuật chép sử của người Ấn Độ trong Aijaz Ahmad: In Theory: Classes, Nations, Literatures, London, 1992, Ch.6.]
7.[Aijaz Ahmad: In Theory: Classes, Nations, Literatures, London, 1992, tr.228, 235, 236.]
8.[Một ngôn ngữ được sử dụng nhiều ở một số nước châu Phi như Kenya, Somali, Mozambique… (ND).]
9.[Nhà viết kịch nổi tiếng của Hy Lạnh (497-407 trước Công nguyên – ND).]
10.[Nhà nghệ sĩ, nhà văn và nhà xã hội không tưởng người Anh thế kỷ XIX (ND).]
11.[Hệ tư tưởng Đức, tập 1, trong C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.1995, t.3, tr.29.]
12.[Công thức tam vị thế, tập thứ ba, quyển III: Toàn bộ quá trìn sản xuất tư bản chủ nghĩa,trong C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2002, t.25 (p.II), tr.545.]
13.[John Bellamy Foster: Mác và Môi trường (Marx and Environment), trong E.M.Wood và J.B.Foster (Chủ biên): Bảo vệ lịch sử (In Defense of History), New York, 1997, tr.150.]
14.[W.Leiss: The Domination of Nature, Boston, 1974, tr.198, 153.]
15.[Phép biện chứng của tự nhiên, trong C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2002, t.20, tr.655.]
16.[Địa tô đất xây dựng, Địa tô đất hầm mỏ, Giá cả ruộng đất, tập thứ ba, quyển thứ III: Toàn bộ quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa,trong C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2002, t.25 (p.II), tr.477.]
17.[Sự phát sinh của địa tô tư bản chủ nghĩa, tập thứ ba, quyển thứ III: Toàn bộ quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa,trong C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2002, t.25 (p.II), tr.532.]
18.[Xem thêm Ted Benton: Chủ nghĩa Mác và những giới hạn tự nhiên, Tạp chí Cánh tả mới, số 178 (November/December 1989), tr.83.]
19.[Để biết những giải thích kinh điển cho những tư tưởng của Mác về chủ đề này, tham khảo Alfred Schmidt: Khái niệm về tự nhiên trong Mác (The Concept of Nature in Marx), London, 1971.]
20.[Tham khảo thêm đoạn cuối cùng trong Văn học và Cách mạng của Trosky.]
21.[Benton: Chủ nghĩa Mác và những giới hạn tự nhiên (Marxism and Natural Limits), tr.78.]
22.[G.A.Cohen: Bảo vệ học thuyết Lịch sử của Các Mác (Karl Marx’s Theory of History: A Defence), Oxford, 1978, tr.307.]
23.[Ellen Meiksins Wood: Chủ nghĩa tư bản và sự giải phóng con người (Capitalism and Human Emancipation), Tạp chí Cánh tả mới, số 67, January/February 1988, tr.5.]

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍