I – Sự tan rã của Đảng CS Liên Xô và Liên bang Xô Viết
Tháng 7-1990, Đảng CS Liên Xô tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ 28. Đây là Đại hội cuối cùng trong lịch sử Đảng CS Liên Xô trước khi Liên Xô tan rã. Đại hội thông qua tuyên bố có tính cương lĩnh “tiến tới Xã hội chủ nghĩa dân chủ hóa nhân đạo” và một số nghị quyết khác. Từ đây, thể chế đa đảng và thể chế dân chủ nghị viện, ý thức hệ đa nguyên cũng chính thức trở thành phương châm chỉ đạo của Đảng. Các tổ chức chống Cộng thừa cơ được thành lập hàng loạt và phát triển lớn mạnh, triển khai cuộc đấu tranh với Đảng CS Liên Xô.
Kusov, Phó Chủ tịch Trung ương Đảng CS Nga ngày 28-2-1991 nói: “Sửa đổi Hiến pháp chỉ vẻn vẹn một năm, đã có khoảng 20 chính đảng cấp Liên bang, có hơn 500 chính đảng cấp nước cộng hòa. Hầu hết trong đó trở thành lực lượng chính trị cuối cùng thúc đẩy Đảng CS Liên Xô bị hạ bệ và giải tán”.
Dưới sự cổ vũ của phương châm dân chủ hóa tính công khai và thể chế đa đảng của Gorbachev, tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô đã không ngừng dâng cao, khuynh hướng ly khai dân tộc hẹp hòi ngày càng trở nên trầm trọng. Tổ chức Đảng của các nước cộng hòa tham gia Liên bang cũng ngày càng xa rời trung ương. Từ năm 1989, Đảng CS của một số nước cộng hòa như Latvia, Lithuania (Lít-va), Estonia… đã đưa ra yêu cầu tách khỏi hoặc độc lập với Đảng CS Liên Xô. Bất chấp sự phản đối của Đảng CS Liên Xô, ngày 20-12-1989, tại Đại hội 20, Đảng CS Lithuania thông qua Tuyên ngôn, quyết định về địa vị của Đảng CS Lithuania, tuyên bố Đảng CS Lithuania tách khỏi Đảng CS Liên Xô, giữ quan hệ đối tác bình đẳng với Đảng CS Liên Xô. Gorbachev liên tục lùi bước trước tình hình này. Cái gọi là “phái dân chủ” trong Đảng đã lợi dụng tình hình để hưởng ứng, phối hợp chặt chẽ với chủ nghĩa ly khai dân tộc ngoài Đảng, tiến hành hoạt động chia rẽ Đảng CS Liên Xô, từ đó làm tan rã Liên Xô.
Ngày 17-3-1991, Liên Xô tiến hành trưng cầu ý kiến nhân dân toàn Liên bang. Trong đó, số phiếu bảo lưu Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết chiếm 76,4 phần trăm. Số phiếu phản đối chiếm 21,7 phần trăm. Nhưng sáu nước cộng hòa Gruzia, Lithuania, Moldovia, Latvia, Armenia, Estonia từ chối trưng cầu dân ý.
Ngày 23-4-1991, Gorbachev nhân danh Trung ương Đảng CS và Xô Viết tối cao Liên Xô tiến hành gặp gỡ những người lãnh đạo của chín nước cộng hòa Liên bang (Nga, Ukraine, Belarus, Kazakstan…), ra tuyên bố 9+1 đề xuất nhanh chóng ký kết Hiệp ước Liên bang mới với tên gọi là Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG, xóa bỏ khái niệm “xã hội chủ nghĩa”. Sự kiện này về mặt luật pháp đã phá hoại thống nhất quốc gia, đặc biệt là thay đổi tính chất XHCN và phương hướng thống nhất của quốc gia. Cùng lúc, Yeltsin – Chủ tịch Xô Viết Liên bang Nga, cũng cố gắng làm tan rã nước này một cách không thương tiếc nhằm chiếm đoạt quyền lực tối cao.
Ngày 20-8 là ngày ký Hiệp ước Liên bang mới. Ngày 19-8, để giữ lại Liên Xô XHCN đồng thời ngăn chặn cái gọi là “phái dân chủ” lên nắm quyền, một nhóm lãnh đạo cao cấp của Đảng, chính quyền và quân đội Liên Xô đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở một số địa phương trong nước và thành lập Ủy ban tình trạng khẩn cấp do Phó Tổng thống Yanaev đứng đầu. Có thể coi đây là cuộc thử nghiệm cuối cùng của một số nhà lãnh đạo trong Đảng CS Liên Xô cố nhằm cứu vãn Liên Xô XHCN, tránh cho đất nước rơi vào thảm họa. Nhưng do họ không có niềm tin XHCN rõ ràng và kiên định, lại thiếu ý chí chính trị kiên cường trong đấu tranh thực tế, nên họ đã thất bại. Gorbachev đang đi nghỉ mát, có thái độ trước là lừng chừng, sau là phản bội, và đây cũng là điều góp phần đẩy nhanh tiến trình thất bại của sự kiện.
Sự kiện 19-8 kết thúc. Trung ương Đảng CS Liên Xô tự giải tán trước sự thúc ép của Gorbachev. 4.228 tòa nhà làm việc, 180 trung tâm chính trị xã hội, 16 cơ sở nghiên cứu chính trị xã hội,… của Đảng CS Liên Xô đều bị nhà cầm quyền Nga niêm phong và tịch thu. Tổ chức Đảng CS khắp các khu vực Nga và ở các nước cộng hòa Liên Xô nhanh chóng bị giải tán hoặc bị cấm hoạt động. Toàn Đảng tan rã theo. Vậy là một đảng lớn, có gần 20 triệu đảng viên, đã mất địa vị cầm quyền sau 74 năm cầm quyền.
Cho đến hôm nay, trong hồ sơ của Trung ương hay của địa phương, đều không thấy ghi chép gì khi thế lực thù địch xóa bỏ Đảng CS gặp phải sự chống đối của tổ chức các cấp của Đảng. Không hề thấy ghi chép gì về việc đảng viên Đảng CS Liên Xô tập hợp lại một cách có tổ chức để tiến hành bất cứ một hoạt động phản đối quy mô lớn nào nhằm bảo vệ Khu ủy, Thành ủy hoặc Huyện ủy của mình.
Mất Đảng tất yếu đưa tới mất nước. Ngày 25-12-1991 là ngày cuối cùng Gorbachev làm Tổng thống Liên Xô, cũng là ngày tồn tại cuối cùng của Liên Xô. 10 giờ sáng, Gorbachev đến Phủ Tổng thống ở Điện Kremli chuẩn bị đơn từ chức mà ông ta sẽ đọc vào tối hôm đó. 19 giờ, Gorbachev qua máy ghi hình của Đài Truyền hình Trung ương Liên Xô và Đài Truyền hình CNN (Mỹ) đọc thư gửi nhân dân Liên Xô và toàn thế giới, tuyên bố từ chức, ngừng mọi hoạt động của mình với chức vụ Tổng thống Liên Xô. 19 giờ 32 phút, quốc kỳ Liên Xô hình búa liềm đã in đậm trong lòng nhiều thế hệ người Liên Xô và nhân dân thế giới trên nóc điện Kremli ủ rũ hạ xuống trong gió lạnh. 19 giờ 45 phút, lá cờ ba mầu của Liên bang Nga thay thế.
Buổi sáng 26-12-1991, Viện Cộng hòa Xô Viết tối cao Liên Xô họp hội nghị lần cuối cùng. Hội trường chỏng trơ, vắng ngắt. Trên đoàn Chủ tịch chỉ có một mình Alychanov, Chủ tịch Viện Cộng hòa. Các đại biểu giơ tay biểu quyết thông qua tuyên ngôn tuyên bố “Liên Xô ngừng tồn tại”. Đảng CS Liên Xô, Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết – hai cái tên rực rỡ suốt hơn nửa thế kỷ, đã rút khỏi vũ đài lịch sử âm thầm như thế.
Sau khi Liên Xô tan rã, theo “liệu pháp sốc” của người Mỹ, ở nước Nga người ta tiến hành cưỡng chế thực hành cải cách tư hữu hóa trong lĩnh vực kinh tế. Kết quả rất nhanh là đưa đến một nền kinh tế tiêu điều và suy thoái nghiêm trọng. Đất nước nghèo đi nhanh chóng, xã hội rơi vào hỗn loạn. Phạm tội xảy ra tràn lan. Theo tài liệu của Bộ Nội vụ Nga, lúc đó toàn quốc xuất hiện hơn 8.000 băng nhóm tội phạm cỡ lớn có tổ chức. Trong Thông điệp tình hình đất nước năm 1996, Yeltsin cũng thừa nhận: “Nước Nga hiện nay đã vượt Italia, trở thành vương quốc băng đảng mafia lớn nhất thế giới”. Từ năm 1991 đến cuối thế kỷ 20, tổng giá trị sản xuất trong nước của Nga giảm xuống 52 phần trăm so năm 1990 (trong khi đó, vào thời kỳ chiến tranh từ năm 1941 đến năm 1945 chỉ giảm 22 phần trăm). Sản xuất công nghiệp cùng thời kỳ giảm 64,5 phần trăm. Sản xuất nông nghiệp giảm 60,4 phần trăm. Đồng rúp mất giá. Vật giá tăng cao hơn 5.000 lần. Từ năm 1992 trở đi, dân số nước Nga luôn có xu thế giảm. Tuổi thọ bình quân của người Nga năm 1990 là 69,2 tuổi. Còn năm 2001 là 65,3 tuổi. Thậm chí, tuổi thọ bình quân của nam giới ở một số vùng giảm xuống đến 10 tuổi.
Đảng CS Liên Xô bị diệt vong, Liên Xô tan rã mang lại hậu quả tai hại cho Nhà nước và nhân dân Liên Xô. Năm 2005 khi đọc Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga Putin nói: “Liên Xô tan rã là tai họa chính trị nghiêm trọng nhất của thế kỷ 20. Đối với nhân dân Nga, đó là một bi kịch thực sự”. Rất nhiều học giả Nga cũng rút ra kết luận rằng, Đảng CS Liên Xô sụp đổ, Liên Xô tan rã làm cho phát triển kinh tế – xã hội thụt lùi mấy chục năm.
Một đảng do Lenin sáng lập. Một Đảng từng lãnh đạo giai cấp công nhân Nga lật đổ ách thống trị của nước Nga Sa hoàng, xây dựng thành công Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên. Một đảng từng lãnh đạo nhân dân chống lại sự can thiệp vũ trang của 14 nước, bảo vệ thắng lợi thành quả cách mạng. Một đảng đã lãnh đạo chiến thắng phát-xít Đức trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và cống hiến to lớn cho thắng lợi của thế giới trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Một đảng giành được thành tựu rực rỡ trong xây dựng CNXH và đi đầu trong việc đưa vệ tinh nhân tạo vào vũ trụ. Vì sao lại mất địa vị cầm quyền sau 74 năm cầm quyền?
Một đảng khi có 20 nghìn đảng viên đã lãnh đạo Cách mạng tháng Hai lật đổ ách thống trị chuyên chế Sa hoàng; khi có 35 vạn đảng viên đã giành được thắng lợi của Cách mạng XHCN tháng Mười và nắm chính quyền toàn quốc; khi có hơn 5.540.000 đảng viên lãnh đạo nhân dân chiến thắng phát-xít Đức hung bạo, lập chiến công bất hủ, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai, vậy mà khi có gần 20 triệu đảng viên thì lại mất địa vị cầm quyền, mất Đảng, mất nước. Rốt cuộc, vấn đề là ở chỗ nào?
II – Lý luận cơ bản và phương châm chỉ đạo của Đảng CS Liên Xô
Điều đó chứng tỏ trên thế giới ngày nay, có rất nhiều người kiên trì cho rằng, thời đại chúng ta vẫn rất cần lý luận của Marx cũng như khoa học tự nhiên cần lý luận của Einstein. Chỉ cần không mang bất cứ thiên kiến nào người ta đều có thể rút ra kết luận rằng, Marx là một vĩ nhân lịch sử đã có cống hiến bất hủ cho xã hội và tinh thần của loài người. Chủ nghĩa Marx – Lenin, lấy tên Marx và Lenin, vẫn là cơ sở lý luận của tư tưởng chỉ đạo cho chính đảng giai cấp công nhân.
Năm 1848, khi Chủ nghĩa Cộng sản còn bị coi như một “bóng ma” lởn vởn trên bầu trời châu Âu thì Marx và Engels đã lần đầu tiên khởi thảo cương lĩnh lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Marx. Đó là Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Trong Tuyên ngôn, từ đầu chí cuối, xuyên suốt một tư tưởng cơ bản: phương thức sản xuất, phương thức trao đổi chủ yếu của mỗi thời đại và cả cơ cấu xã hội được sản sinh tất yếu, từ đó làm nên nền tảng chính trị, tinh thần và lịch sử của thời đại đó. Vì vậy, toàn bộ lịch sử xã hội loài người từ khi có giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp, mà đấu tranh này, hiện đã đi đến giai đoạn giai cấp vô sản bị bóc lột, bị áp bức. Nếu không đồng thời làm cho toàn xã hội vĩnh viễn thoát khỏi bóc lột, áp bức thì không thể giải phóng mình ra khỏi sự khống chế của giai cấp tư sản bóc lột mình, áp bức mình. Marx và Engels, hai nhà tư tưởng vĩ đại, lần đầu tiên chỉ ra điều kiện thật sự để giai cấp công nhân cùng toàn thể loài người được giải phóng và tuyên bố chân lý: Sự diệt vong của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là điều không thể tránh khỏi.
Đảng Bolshevik do Lenin đứng đầu kiên định tuân theo nguyên lý cơ bản của Marx và Engels, kết hợp với tình hình mới ở trong nước và quốc tế lúc bấy giờ, đã sáng tạo, làm phong phú và phát triển chủ nghĩa Marx một cách mạnh mẽ. Lenin đã phân tích một cách khoa học cơ sở kinh tế, mâu thuẫn và khủng hoảng sâu sắc của chủ nghĩa đế quốc, vạch ra quy luật kinh tế chính trị của chủ nghĩa đế quốc phát triển không đều, nêu ra luận thuyết mới: cách mạng XHCN có thể trước hết giành được thắng lợi ở một nước hoặc một số nước. Người còn trình bày cặn kẽ quan niệm về địa vị đặc thù của dân tộc và thuộc địa ở thời đại đế quốc chủ nghĩa, chỉ rõ phương hướng của phong trào giải phóng dân tộc. Người đã kịp thời tổng kết kinh nghiệm đấu tranh giai cấp trước và sau Cách mạng Tháng Mười; kế thừa, bảo vệ, phát huy mạnh mẽ lý luận về chuyên chính vô sản và học thuyết nhà nước của chủ nghĩa Marx. Lenin đã trình bày sâu sắc các vấn đề trọng đại như tính tất yếu và hình thức của chuyên chính vô sản, thực chất và nhiệm vụ của chuyên chính vô sản, lực lượng lãnh đạo của giai cấp vô sản và cơ sở của liên minh công – nông, phải phát triển triệt để dân chủ và tăng cường giám sát của nhân dân, v.v. Người chỉ rõ, muốn tiến hành cách mạng vô sản, thực hiện và củng cố chuyên chính vô sản, vấn đề quan trọng hàng đầu là giai cấp vô sản phải xây dựng chính đảng cách mạng thật sự của mình, tức Đảng Cộng sản. Chính đảng này là đảng được vũ trang bởi lý luận Marxist. Lenin còn khẳng định, do các nước tư bản khác vẫn còn tồn tại, cuộc đấu tranh giữa CNXH và CNTB sẽ còn lâu dài, sẽ bao quát suốt cả thời đại lịch sử, các nước XHCN đều phải sẵn sàng cảnh giác với mối nguy hiểm tiến công của chủ nghĩa đế quốc và dốc sức để ngăn chặn nguy hiểm đó.
Dưới sự lãnh đạo của Lenin, đảng Bolshevik và giai cấp công nhân Nga lần đầu tiên trong lịch sử loài người đã tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng vô sản và xây dựng chính quyền nhà nước chuyên chính vô sản; lần đầu tiên thông qua thực tiễn cách mạng, đã biến lý luận của Chủ nghĩa xã hội khoa học trở thành hiện thực. Lenin cho rằng, trong suốt thời kỳ lịch sử đi lên CNXH, phải kiên trì chuyên chính vô sản; đồng thời, chính đảng của giai cấp vô sản căn cứ vào thực tiễn và tình hình thay đổi mà điều chỉnh đúng mức nhiệm vụ và chiến lược phát triển của mình.
Từ ngày đầu thắng lợi Cách mạng Tháng Mười, Lenin đã tỉnh táo thấy rằng, nhiệm vụ trung tâm của giai cấp vô sản Nga đã chuyển từ giành được nước Nga sang quản lý nước Nga. Đây là sự tìm tòi bước đầu của đảng Bolshevik sau Cách mạng Tháng Mười không lâu về sự quá độ đi lên CNXH xuất phát từ tình hình nước mình. Thế nhưng, kế hoạch này vừa bắt đầu đi vào thực thi thì thế lực thù địch trong và ngoài nước Nga Xô Viết đã gây ra cuộc nội chiến.
Trong chiến tranh, vì thiếu lương thực nên cư dân ở các thành phố đói ăn nghiêm trọng, bọn gian thương ra sức nâng giá lương thực, đầu cơ trục lợi, ra sức kiếm tiền, đe dọa chính quyền cách mạng vừa mới ra đời; rồi nữa là tình trạng vật tư cực kỳ thiếu thốn… Và đảng Bolshevik áp dụng đúng lúc một loạt chính sách chính trị, kinh tế mà về sau được gọi là Chủ nghĩa Cộng sản thời chiến. Chẳng hạn như, bắt buộc trưng thu lương thực của nông dân, thậm chí kể cả tất cả lương thực cần thiết cho cuộc sống để cung cấp cho quân đội và nuôi sống công nhân, mở rộng chế độ sở hữu nhà nước ở thành thị, thậm chí định xóa bỏ tiền tệ ở trong lĩnh vực lưu thông, thực hành chế độ phân phối bằng hiện vật… Chính sách cộng sản thời chiến đã phát huy tác dụng to lớn đối với quá trình đập tan sự can thiệp vũ trang của nước ngoài, bảo vệ thắng lợi thành quả của Cách mạng Tháng Mười.
Tuy nhiên, những chính sách này cũng bộc lộ mặt trái nghiêm trọng, nó làm cho không ít nông dân và công nhân bất mãn, thậm chí xảy ra binh biến một số nơi. Chính quyền Xô Viết mới ra đời lại một lần nữa đứng trước khủng hoảng nghiêm trọng. Tháng 3-1921, Đảng CS Nga Bolshevik triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ 10. Trong báo cáo chính trị, Lenin đã tổng kết sai lầm và bài học trong lãnh đạo nhà nước từ chiến tranh bước sang xây dựng hòa bình. Người thừa nhận: “Cuộc sống hiện thực cho thấy trước đây chúng ta đã sai, bây giờ chúng ta đang vận dụng Chính sách kinh tế mới để sửa chữa rất nhiều sai lầm. Chúng ta đang học tập thế nào để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước tiểu nông mà không phạm phải những sai lầm này”. Năm 1921, Đảng CS Nga bắt đầu thực hiện Chính sách kinh tế mới lấy thuế hiện vật thay cho chế độ trưng thu lương thực thừa, cho phép nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại, thực hành chế độ tô nhượng, chế độ cho thuê, v.v. làm nội dung chủ yếu. Kinh tế Liên Xô nhanh chóng được phục hồi và phát triển rõ rệt.
Rõ ràng đây là sự tìm tòi thành công của Đảng CS Nga xuất phát từ thực tế xây dựng CNXH ở nước Nga lúc bấy giờ, cũng là cống hiến quan trọng của Lenin đối với lý luận Marxist. Sự chuyển biến từ chính sách cộng sản thời chiến đến chính sách kinh tế mới hẳn không phải là sự chuyển đổi chính sách về ý nghĩa nói chung mà là sự chuyển biến tư duy chiến lược của Lenin, tìm tòi con đường XHCN. Trên thực tế, khi thực hành Chính sách kinh tế mới, Lenin đã kết hợp vấn đề xây dựng CNXH với vấn đề làm thế nào lợi dụng vai trò thị trường để tìm tòi. Sau khi Lenin qua đời, Stalin kế nhiệm người lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Liên Xô, ông đã vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Marx – Lenin.
Tuy nhiên, cùng lúc đó Trosky lại cho rằng, không thể xây dựng CNXH ở nước Nga lạc hậu, chỉ có phương Tây làm cách mạng, mới có thể cứu vãn cách mạng nước Nga, nên tập trung toàn lực để thúc đẩy, đốt lên cách mạng phương Tây. Stalin chỉ rõ, bản chất thực sự của lý luận này là khinh thường nhân dân Nga, không tin tưởng sức mạnh và khả năng của giai cấp vô sản Nga. Ông nói, giai cấp vô sản Nga giành được thắng lợi nhưng không dẫm chân tại chỗ, không thể ngồi chờ vào thắng lợi và giúp đỡ từ giai cấp vô sản phương Tây mà không làm gì. Stalin nói như đinh đóng cột rằng: Chúng ta lạc hậu hơn các nước tiên tiến 50 năm đến 100 năm, chúng ta phải chạy hết khoảng cách này trong 10 năm, hoặc chúng ta làm được điều này, hoặc chúng ta bị người ta đánh ngã.
Về phương châm phát triển công nghiệp, Stalin cho rằng cần phải làm cho Liên Xô từ một nước nhập khẩu máy móc và thiết bị trở thành nước sản xuất máy móc và thiết bị. Muốn không trở thành nước phụ thuộc về kinh tế của thế giới tư bản thì phải thực hành công nghiệp hóa XHCN, kiên trì nguyên tắc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Về mặt chế độ kinh tế cơ bản XHCN, Stalin đề ra chế độ công hữu tư liệu sản xuất, kinh tế kế hoạch, hợp tác xã nông nghiệp… để cấu thành cơ sở của nền kinh tế quốc dân XHCN ở Liên Xô, đề ra quy luật kinh tế cơ bản XHCN là dùng biện pháp làm cho sản xuất XHCN không ngừng tăng lên và không ngừng hoàn thiện trên cơ sở kỹ thuật cao để bảo đảm đáp ứng cao nhất nhu cầu vật chất và văn hóa của toàn xã hội không ngừng tăng lên.
Nhờ kết hợp chặt chẽ những lý luận và phương châm chỉ đạo này với thực tế phát triển biến đổi ở trong và ngoài nước lúc bấy giờ, Đảng CS Liên Xô và Stalin đã dẫn dắt Đảng và nhân dân nhanh chóng thực hiện công nghiệp hóa XHCN và tập thể hóa nông nghiệp, làm cho chế độ XHCN cơ bản được xác lập ở Liên Xô và đã giành được thắng lợi trong chiến tranh chống phát-xít, đặt nền móng cho việc thực hiện kinh tế cất cánh về sau. Đồng thời với việc giành được từng thắng lợi liên tiếp, do nhiều nguyên nhân hạn chế của thời đại và do thổi phồng vai trò cá nhân đến mức không thích đáng…, phương pháp tư tưởng của Stalin trên một số vấn đề đã rơi vào chủ nghĩa siêu hình và chủ nghĩa chủ quan, do đó đã có lúc xa rời tình hình thực tế, xa rời quần chúng, làm cho một số tư tưởng và hành vi đi chệch với quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Marx – Lenin.
Chẳng hạn như về lý luận giai đoạn phát triển của CNXH, Stalin từng phủ nhận xã hội XHCN còn tồn tại mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp nên đã đưa ra quá sớm rằng: CNXH đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Về mặt lý luận quan hệ hàng hóa, một mặt lần đầu tiên thừa nhận tồn tại sản xuất hàng hóa dưới chế độ XHCN, nhưng mặt khác ông lại nêu ra, từng bước thu hẹp phạm vi hoạt động của lưu thông hàng hóa và mở rộng phạm vi hoạt động của trao đổi sản phẩm bất chấp tình hình phát triển lực lượng sản xuất xã hội lúc bấy giờ thực hành chế độ công hữu đơn lẻ và phương thức phân phối đơn lẻ. Ông coi thường phát triển công nghiệp nhẹ, đặc biệt là nông nghiệp.
Mớ lý luận “nhà nước toàn dân, đảng toàn dân” này thể hiện tập trung trong cương lĩnh Đảng CS Liên Xô được đại hội nói trên thông qua. Cương lĩnh viết: “Chuyên chính vô sản không cần thiết nữa, Liên Xô là một nhà nước ra đời bởi nhà nước chuyên chính vô sản trong giai đoạn mới tức giai đoạn hiện nay đã biến thành nhà nước của toàn dân”. Học thuyết về nhà nước là một bộ phận hợp thành rất quan trọng trong lý luận cơ bản của chủ nghĩa Marx, nhưng lý luận “nhà nước toàn dân, đảng toàn dân” của Khrushchev lại làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ngộ nhận rằng, trong xã hội Liên Xô không còn tồn tại thế lực chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội, không tồn tại đấu tranh giai cấp nữa. Do đó mất cảnh giác đối với việc phục hồi CNTB.
Khrushchev phủ nhận toàn bộ Stalin về chính trị, tuy về kinh tế cố tiến hành các điều chỉnh chính sách nào có lợi cho việc phát triển lực lượng sản xuất nhưng cách làm cụ thể vẫn rập theo biện pháp cũ, bất chấp quy luật khách quan của phát triển kinh tế. Như sau Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn kiên trì ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, nhất là công nghiệp quân sự, coi thường phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, không tiến hành cải cách kịp thời và có hiệu quả đối với thể chế kinh tế kế hoạch tập trung cao độ, ngược lại còn tăng cường hơn nữa cũng có nghĩa là cứng nhắc hóa thể chế đó. Kết quả làm cho hiệu suất sản xuất xuống thấp, lãng phí ghê gớm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân.
Năm 1961, Khrushchev tuyên bố trước Đại hội lần thứ 22: “Liên Xô đã bước vào thời kỳ triển khai toàn diện xây dựng chủ nghĩa cộng sản, phải cơ bản xây dựng xong chế độ CSCN trong 20 năm”. CNCS mà Khrushchev đề cập không phải là ý tưởng khoa học của chủ nghĩa Marx – Lenin mà còn xa rời tình hình của Liên Xô lúc bấy giờ. Cho đến khi Khrushchev bị hạ bệ, cái gọi là CNCS của ông ta vẫn chỉ là lầu son gác tía, huyền ảo hư vô.
Brezhnev lên cầm quyền đã sửa chữa một số lý luận và thực tiễn sai lầm của Khrushchev. Tháng 6-1967, Đảng CS Liên Xô thông qua Đề cương 50 năm Cách mạng XHCN Tháng Mười, nhấn mạnh: “Nhà nước toàn dân vẫn có tính giai cấp, nó sẽ tiếp tục sự nghiệp chuyên chính vô sản”. Đồng thời Brezhnev cũng có chương trình sửa đổi, bổ sung với lý luận “đảng toàn dân”. Tháng 2-1976, Brezhnev nhấn mạnh: “Trong điều kiện CNXH phát triển, khi Đảng CS đã trở thành “đảng toàn dân”, nó quyết không mất đi tính giai cấp của nó. Đảng CS Liên Xô trước đây, hiện nay vẫn là chính đảng của giai cấp công nhân”. Về vấn đề cơ bản lý luận xây dựng CNXH, Brezhnev điều chỉnh CNCS của Khrushchev thành “chủ nghĩa xã hội phát triển”.
Khrushchev (áo trắng) là lãnh đạo Liên Xô đầu tiên thăm Mỹ. Ông được cho là người đưa ra thuyết “chung sống hòa bình”, có xu hướng làm dịu sự đối đầu với Mỹ và phương Tây. |
Ở thời kỳ Brezhnev, Liên Xô đạt đến vị thế sánh vai với Mỹ về lực lượng quân sự. Brezhnev dựa vào đó đưa ra chủ nghĩa Brezhnev về chính sách đối ngoại.
Những năm 60-70 của thế kỷ 20, khoa học công nghệ cao như điện tử, tin học, sinh học,… của thế giới tư bản phát triển rất mạnh, nhưng Liên Xô thiếu tìm hiểu kịp thời, thiếu coi trọng sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học, do đó kém sức đối phó. Đó là nguyên nhân rất quan trọng làm cho kinh tế Liên Xô từng bước đi đến trì trệ. Từ tình hình những năm 80 của thế kỷ 20, Liên Xô cần phải cải cách. Nhưng cải cách phải với tiền đề kiên trì chế độ cơ bản XHCN, không ngừng kiện toàn, hoàn thiện chế độ kinh tế, chính trị XHCN Liên Xô, không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản, củng cố địa vị cầm quyền, tiến tới không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia XHCN Liên Xô, không ngừng cải thiện đời sống của đông đảo nhân dân. Nếu Đảng Cộng sản cầm quyền kiên trì lý luận và đường lối của chủ nghĩa Marx- Lenin, giải quyết đúng đắn kịp thời các vấn đề tồn đọng và mâu thuẫn trước mắt, dũng cảm sửa chữa sai lầm thì Đảng và Nhà nước Liên Xô có thể chuyển nguy thành an, tiếp tục đưa sự nghiệp XHCN tiến lên.
Sau khi Gorbachev lên cầm quyền, người ta có ấn tượng là ông ta sẽ sử dụng cải tổ để chấn hưng Liên Xô. Nhưng thực tế nhanh chóng chứng minh rằng, trong việc phản lại lý luận cơ bản của chủ nghĩa Marx thì ông còn đi xa hơn cả Khrushchev. Gorbachev, đã đánh giá chủ nghĩa Marx như thế này: “CNCS là một loại thuyết cải lương xã hội không tưởng, cũng có nghĩa rằng, nó là một khẩu hiệu dường như không thể thực hiện được. Về thực chất, trong toàn bộ những kết luận kinh tế cụ thể mà Marx dựa vào đó để xây dựng lâu đài thế giới quan của CNXH khoa học của ông không có cái nào được chứng thực trong thực tiễn”. Diễn biến thế giới quan của Gorbachev từng bước tiếp nhận trọn gói quan niệm tư tưởng của giai cấp tư sản, cuối cùng làm ông ta ngả về CNTB, phản bội chủ nghĩa Marx, trở thành kẻ phản bội CNXH và CNCS. Tháng 11-1987, Gorbachev chính thức xuất bản tác phẩm Cải tổ và tư duy mới của ông ta. Trong cuốn sách đó, ông ta đưa ra cái gọi là “quan điểm mới” như tính công khai, dân chủ hóa, đa nguyên hóa, đặt giá trị của toàn nhân loại cao hơn tất cả,… để thay thế một loạt nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx. Tháng 6-1988, lần đầu tiên ông ta nêu cụ thể mục tiêu của cải tổ là phải xây dựng một xã hội XHCN nhân đạo dân chủ, căn bản khác với chế độ XHCN hiện thực mà ông ta gọi là CNXH cực quyền. Phải khẳng định rằng, thực chất cái gọi là CNXH nhân đạo dân chủ của ông ta là sử dụng lý luận cũ của đảng dân chủ xã hội phương Tây để thay thế cơ sở lý luận Marxist. Tháng 6-1988, Gorbachev khẳng định lý luận nhà nước toàn dân của Khrushchev; tháng 2-1990, nhấn mạnh thêm, nhà nước pháp chế toàn dân loại trừ bất cứ chuyên chính của giai cấp nào để loại trừ chuyên chính vô sản. Ngày 2-7-1990, trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội Đảng lần thứ 28 Đảng CS Liên Xô, Gorbachev nói phải xem xét tính hạn chế của mọi lý luận, thực chất có nghĩa phải xem xét tính hạn chế của chủ nghĩa Marx – Lenin.
Ngày 25-7-1991, tại Hội nghị toàn thể Trung ương ĐCS Liên Xô, Gorbachev nhấn mạnh, trước đây Đảng thừa nhận chủ nghĩa Marx – Lenin là nguồn cổ vũ cho mình, bây giờ cần phải làm cho trong kho tư tưởng của chúng ta bao gồm mọi tài sản của CNXH nước ngoài và tư tưởng dân chủ. Nói toạc ra, bản chất của các diễn đạt đó là lấy tư tưởng dân chủ xã hội phương Tây làm tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Gorbachev muốn dựa theo mô hình thể chế dân chủ tư sản kiểu phương Tây để cải tạo thể chế chính trị của CNXH. Tức là làm cho Đảng CS Liên Xô từ bỏ địa vị cầm quyền, vai trò của Đảng chỉ bó hẹp ở tổ chức nghị viện và bầu cử tổng thống. Điều đó về cơ bản, đã vứt bỏ nguyên tắc xây dựng đảng của chủ nghĩa Marx. Biện pháp cụ thể của ông ta là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực hành thể chế đa đảng, đồng thời thực hành tư hữu hóa, vứt bỏ toàn diện chế độ XHCN, từ đó đạt đến mục tiêu khôi phục toàn diện chế độ chính trị, kinh tế và văn hóa của CNTB…
Ngày 25-5-1989, Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô khóa đầu tiên được triệu tập theo phương án cải tổ của Gorbachev. Một số đông nhân sĩ phe đối lập chính trị trong và ngoài Đảng do Yeltsin làm đại diện được bầu làm đại biểu nhân dân Liên Xô. Tại hội nghị, chương trình nghị sự và nội dung đã sắp đặt trước đều bị sửa đổi, phương châm lãnh đạo của Đảng bị công kích toàn diện, những người lãnh đạo của trung ương đảng bị chất vấn và chỉ trích. Địa vị lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô bị đe dọa công khai. Thực tế cho thấy, Gorbachev không chỉ muốn thay đổi hoàn toàn thượng tầng kiến trúc và hình thái ý thức của Liên Xô XHCN, ông ta còn chú ý đến việc thay đổi cả cơ sở kinh tế XHCN của Liên Xô. Một mặt, ông ta phủ định kinh nghiệm thành công mấy chục năm xây dựng XHCN của Liên Xô, mặt khác coi lý luận kinh tế của phương Tây là kinh thánh của cái gọi là “cải tổ”. Tháng 4-1991, nhà kinh tế học phái tự do Yavlinsky và GS đại học Havard cùng vạch ra cương lĩnh cải tổ kinh tế Liên Xô. Cương lĩnh được gọi là kế hoạch Havard. Tư duy cơ bản của kế hoạch này là: dưới sự viện trợ của phương Tây, tiến hành cải tổ kinh tế cấp tiến, xây dựng kinh tế thị trường lấy chế độ tư hữu làm cơ sở và chế độ chính trị dân chủ của phương Tây. Đó chính là bản sao của chủ nghĩa tự do mới của phương Tây, bắt đầu bán rao ầm ĩ từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Nó nhấn mạnh cơ chế thị trường hoàn toàn tự do, phản đối sự điều phối của nhà nước, chủ trương chế độ tư hữu, phản đối chế độ công hữu. Kế hoạch Havard này hoàn toàn bất chấp tình hình thực tế của Liên Xô, với ý đồ thông qua liệu pháp sốc: 500 ngày nhanh chóng chuyển sang thể chế thị trường tự do phương Tây. Kế hoạch Havard đầy mầu sắc lý luận chủ nghĩa tự do này được Gorbachev đặc biệt coi trọng.
Lenin từng khẳng định chính quyền Xô Viết là tiền đề vô cùng quan trọng, là sự bảo đảm cơ bản cho các quyết định, cho tính chất của phương hướng phát triển nhà nước và xã hội. Mấy chục năm sau, Gorbachev đã vứt bỏ điều đó, kết quả là làm cho CNXH Liên Xô thay đổi tính chất một cách cơ bản. Cơ sở lý luận đúng đắn mà Lenin đặt nền tảng cho Đảng CS Liên Xô dần dần bị Khrushchev, nhất là sau đó đến Gorbachev bóp méo, cắt xén, sửa đổi và phản bội như vậy. Cần đặc biệt chỉ ra rằng, Gorbachev phất lá cờ chủ nghĩa xã hội nhân đạo dân chủ, về cơ bản là thay thế Chủ nghĩa Marx- Lenin và CNXH, còn có tính lừa bịp hơn cả CNTB mà Yeltsin từng rêu rao một cách trắng trợn, do đó nó càng nguy hiểm hơn. Nền móng không vững, mất cơ sở lý luận của chủ nghĩa Marx – Lenin, Đảng CS Liên Xô tan rã là điều không thể tránh khỏi.
III – Công tác tư tưởng và tác phong của Đảng CS Liên Xô
Thư viết một cách sắc bén rằng: “Từng dòng cái gọi là trào lưu suy ngẫm lại lịch sử nổi lên trong xã hội thực ra là dòng nước ngược, chủ trương tây hóa cả gói”. Bà còn nói, những bài báo gây xôn xao trên báo chí hiện nay chỉ có thể làm người ta mất phương hướng, là bôi đen Liên Xô XHCN.
Lá thư chỉ ra rất nhiều hiện tượng không bình thường lúc bấy giờ, như: hoạt động rầm rộ của các tổ chức bất hợp pháp được thế lực thù địch trong và ngoài nước ủng hộ; những luận điệu được giới truyền thông và các cuộc hội thảo tâng bốc vô tội vạ về thể chế nghị viện, thể chế đa đảng phương Tây, phủ định hoàn toàn địa vị lãnh đạo của Đảng CS và giai cấp công nhân, công kích độc ác đối với lịch sử Liên Xô và chế độ XHCN… Bức thư nhanh chóng được đăng tải trên báo chí. Ở một số địa phương, một số tổ chức đảng tiến hành thảo luận sôi nổi. Bộ Chính trị Đảng CS Liên Xô triệu tập hội nghị khẩn cấp để thảo luận đối sách ngăn chặn, đánh trả “thế lực chống đối cải tổ”. Kết quả, Gorbachev đã điều Ligachev, Ủy viên Bộ Chính trị, một người kiên trì chủ nghĩa Marx – Lenin, nguyên phụ trách ý thức hệ sang phụ trách nông nghiệp, và thay vào đó là Yakovlev.
Nina Andreyeva |
Dưới sự chỉ đạo của Yakovlev, ngày 5-4, báo Sự Thật đăng bài phản kích đánh trả và đè bẹp hoàn toàn đối với Nina Andreyeva. Báo Sự Thật gọi bức thư của Nina Andreyeva là tuyên ngôn của phần tử chống cải tổ, gọi Andreyeva là kẻ thù của cải tổ, phần tử của chủ nghĩa Stalin, phái bảo thủ quan liêu, đại biểu quyền quý của Đảng. Sau đó, các loại ngôn luận, bài viết công kích, chửi bới Đảng CS Liên Xô và chế độ XHCN tới tấp tung ra. Trào lưu tư tưởng chống Chủ nghĩa Marx tràn ngập. Toàn bộ lịch sử Liên Xô bị miêu tả như một mớ đen ngòm. Từ đó, “con đê” công tác tư tưởng và ý thức hệ của Đảng CS Liên Xô đã rạn nứt, nhanh chóng sạt lở, đứng bên bờ vực sụp đổ.
A.N.Yakovlev sinh năm 1923, là một trong bốn học sinh đầu tiên được cử sang học tại Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tháng 7-1985, Gorbachev đề nghị Yakovlev làm ứng cử viên Trưởng ban Tuyên truyền T.Ư Đảng CS Liên Xô. Và Yakovlev được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách truyền thông. Yakovlev có sự thù hận đặc biệt đối với CNXH. Ông phủ định Cách mạng Tháng Mười, phủ định thành tựu xây dựng của Liên Xô. Trong mắt ông, những thứ mà Liên Xô đã có chỉ có thể là tội ác. Cái mà Liên Xô giành được chỉ có thể là sự nguyền rủa. Sau này, trong tác phẩm tiêu biểu của ông, Một cốc rượu đắng, Yakovlev viết: “Chủ nghĩa Marx không đứng vững trong cuộc sống hiện thực Cách mạng Tháng Mười, đã chà đạp phong trào tiến tới dân chủ, làm cải cách lại Liên Xô tức là phải thụt lùi”. Cửa quan, đập nước của ý thức hệ mà Đảng CS Liên Xô nắm giữ đã mở tung cho thế lực chống Cộng, chống Liên Xô là từ giờ khắc Gorbachev đưa ra “Tính công khai”. “Tính công khai” là từ mà Lenin sử dụng đầu tiên. Chủ ý của nó là con kênh để liên hệ chặt chẽ hơn nữa với quần chúng, kịp thời tìm hiểu dư luận xã hội và ý thức, nguyện vọng của nhân dân lao động. Còn đến Gorbachev, chủ ý và tính chất của nó đã có sự thay đổi căn bản.
Là người hận thù CNXH nhưng Yakovlev lại giữ trọng trách về tuyên truyền trong Đảng CS Liên Xô. Trong ảnh, “bộ đôi” Gorbachev và Yakovlev trên một chuyến bay. |
Tháng 1-1987, tại Hội nghị toàn thể Ban chấp hành T.Ư Đảng CS Liên Xô, Gorbachev nêu ra phương pháp cải tổ thể chế cũ, tức tính công khai về mặt tư tưởng và dân chủ hóa về đổi mới xã hội. Điều này trở thành lệnh tổng động viên, thúc giục các phe đối lập trên toàn Liên Xô ra sức lên án Đảng CS Liên Xô. Thực chất của cái gọi là tính công khai và dân chủ hóa của Gorbachev là muốn công khai đối với thế lực và trào lưu tư tưởng thân phương Tây, chống Liên Xô, chống cộng sản, chống CNXH, chống chủ nghĩa Marx. Còn đối với ngôn luận bày tỏ bảo vệ Đảng CS Liên Xô, CNXH ở Liên Xô và Chủ nghĩa Marx – Lenin như Andreyeva thì phải tiêu diệt. Trào lưu tư tưởng chủ yếu nhất của tính công khai đưa ra đầu tiên là cái gọi là “Ngẫm lại lịch sử”. Tháng 1-1987, Gorbachev nêu ra, trong lịch sử Liên Xô, không nên có nhân vật và chỗ trống bị lãng quên. Kết quả là phong trào thẩm tra, xem xét lại, cho đến thanh toán toàn bộ Đảng CS Liên Xô và lịch sử Liên Xô XHCN ào ào, dấy lên như bão. Trào lưu tư tưởng phủ định hoàn toàn Stalin như lửa tàn bùng cháy trở lại, hừng hực. Họ ra sức vẽ ra số người bị Stalin giết hại trong các cuộc thanh trừng, bơm to gấp mấy chục lần số người bị giết nhầm thành hàng triệu, thậm chí hàng mấy chục triệu. Họ coi công nghiệp hóa đất nước của Stalin làm là vô tích sự. Họ ra sức xuyên tạc, khuếch đại sai sót của Stalin thời kỳ đầu chiến tranh, thậm chí phủ nhận thắng lợi của chiến tranh Vệ quốc. Trào lưu tư tưởng thanh toán này bắt đầu từ cuối năm 1987. Mũi nhọn phê phán từ chĩa vào cá nhân Stalin tiến tới chĩa vào CNXH ở Liên Xô từ những năm 20 tới những năm 50 của thế kỷ 20. Sau năm 1989, việc phê phán Stalin dần dần chuyển sang phê phán, phủ định Cách mạng Tháng Mười, Chủ nghĩa Lenin và bản thân Lenin. Năm 1989, các ban ngành hữu quan của Liên Xô ra lệnh bãi bỏ môn học Chủ nghĩa Marx – Lenin trong trường học, đổi giáo trình Chủ nghĩa Marx – Lenin ở cấp trung học thành môn Xã hội và con người. Một số bài viết nêu lên một cách úp mở, coi sai lầm của Stalin có liên quan tới Cách mạng Tháng Mười, Chủ nghĩa Lenin và bản thân Lenin. Được cổ vũ chính thức của nhà nước, cuộc phê phán này trong ý thức hệ tiến tới như một cơn lốc mạnh mẽ, lôi cuốn toàn bộ xã hội và ngày càng dữ dội.
Một số tờ báo và tạp chí đặc biệt cấp tiến như Họa báo, Tia lửa và Tin tức Moscow, dần dần bộc lộ bộ mặt thật của nó, mượn phủ định quá khứ, phủ định lịch sử Đảng CS Liên Xô, phủ định CNXH, để tiến tới công khai phất lá cờ cải tổ theo hướng TBCN. Một số tờ báo và tạp chí lớn lấy cớ bóc trần lịch sử, tiết lộ tài liệu ẩn giấu, đăng tải cái gọi là loại tiểu thuyết tư duy lại,… với lượng phát hành tăng vọt đột biến. Tạp chí Thế giới mới nhờ đăng tiểu thuyết Quần đảo Gulag của Solzhenitsyn mà lượng phát hành từ 420.000 bản tăng lên 2.500.000 bản. Sau đó, các loại ấn phẩm phi chính thức đua nhau ra đời. Mặt trận báo chí của Đảng CS Liên Xô dần bị đánh chiếm. Đảng CS Liên Xô đã mất quyền chủ đạo trong lĩnh vực tư tưởng và ý thức hệ, gây nên hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Tư tưởng của Đảng CS Liên Xô bị đảo lộn. Tư tưởng của nhân dân bị đảo lộn… Còn CNTB thì trở thành thiên đường tự do và giàu có. Năm 1994, nhà văn Boldarev khi nhìn lại tình cảnh của thời kỳ này đã nói: “Trong sáu năm, báo chí đã thực hiện được mục tiêu mà quân đội châu Âu có trang bị tinh nhuệ nhất cũng không thể thực hiện được khi xâm lược nước ta bằng lửa và kiếm vào những năm 40. Quân đội đó có thiết bị kỹ thuật hàng đầu nhưng thiếu một thứ. Đó là hàng triệu ấn phẩm mang vi trùng”.
Không chỉ có báo và tạp chí trở thành trận địa chống Chủ nghĩa Marx, chống CNXH mà đài truyền hình cũng không chịu kém. Phái đối lập ra sức chen vào truyền hình, đòi phát trực tiếp để thoát khỏi kiểm soát. Một số phóng viên trẻ mở chương trình chính luận, truyền hình trực tiếp trên kênh 1, công khai công kích, phê phán Đảng CS Liên Xô. Mùa xuân năm 1989, sau khi sửa đổi Hiến pháp cho phép tiến hành bầu cử đại biểu nhân dân trên toàn Liên Xô, phái đối lập nắm lấy cơ hội hoạt động tranh cử thông qua truyền hình, đã truyền bá khắp cả nước luận điệu chống Liên Xô, chống cộng sản một cách hợp pháp. Cái gọi là truyền thông cởi mở và phong trào tranh cử tự do trên thực tế đã lũng đoạn, đã làm gay gắt thêm cuộc khủng hoảng lòng tin, thành khởi đầu cho việc phủ định Đảng CS Liên Xô về chính trị và tổ chức.
Giới trí thức Liên Xô cũng trở nên hỗn loạn. Một số người Leninist từng kiên định trước đây, giây lát biến thành đấu sĩ chống lại cái gọi là “chủ nghĩa cực quyền”. Trào lưu tư tưởng cấp tiến trong đội ngũ trí thức Liên Xô lan ra nhanh chóng. Môn triết học Marxist trong trường đại học trở thành đối tượng chế nhạo. Nhiều phòng nghiên cứu, giảng dạy CNCS khoa học trên toàn quốc chỉ trong một đêm biến thành cơ sở truyền bá chính trị, học thuyết phương Tây. Một số khá đông phần tử trí thức nhân văn cúi đầu bái phục mô hình phương Tây, quay lại bày tỏ nỗi bất mãn đối với lịch sử và hiện tại nước Nga. Trong đó có số ít tinh hoa trí thức đã trở thành người cổ súy và đội tiên phong làm tan rã Đảng CS Liên Xô, lật đổ chế độ XHCN Liên Xô.
Vào giữa năm 1988, Liên Xô xuất bản một tập luận văn chính trị Không có sự lựa chọn nào khác do nhà sử học Anphanasiev chủ biên, lấy khởi xướng chế độ chính trị – kinh tế phương Tây làm mục tiêu chính. Tác giả của tập luận văn là một số người một thời là danh nhân trong giới trí thức Liên Xô. Trong số họ, có nhà kinh tế học Popov, nhà chính trị học Bolaski, nhà triết học Phlorov… Các nhân vật này phê phán Stalin, phê phán chế độ và thể chế của Liên Xô, sao chép, rập khuôn theo cái gọi là phương thuốc trị bệnh cho đời của phương Tây, cố đẩy Liên Xô càng đi càng nhanh, càng đi càng xa trên con đường sai lầm. Những người chỉ biết nói tiếng Anh hay mấy câu hoa mỹ mập mờ, khó hiểu của phương Tây thường thường được tâng bốc là “đại gia” tri thức cao siêu, không những được giới truyền thông tôn sùng mà không ít người còn một bước lên trời, từ chủ nhiệm phòng nghiên cứu, chủ nhiệm phòng giảng dạy hoặc chủ nhiệm phòng thí nghiệm bỗng chốc trở thành đại biểu nhân dân, thậm chí là bộ trưởng, phó thủ tướng…
Và ở đây, không thể không nhắc tới Yegor Gaidar, nhân vật hạt nhân của phái cải tổ thị trường. Tốt nghiệp nghiên cứu sinh kinh tế học Đại học Moscow và sùng bái chế độ TBCN, năm 1986, ông cùng với một nhóm nhà kinh tế học tâm đầu ý hợp, tổ chức một cuộc hội thảo kinh tế học ở ngoại ô Leningrad và hình thành một đoàn thể chính trị: “Phái cải cách trẻ”. Đây là nhóm học giả trẻ hoàn toàn tiếp thu lý luận chính trị kinh tế phương Tây. Vậy là, đội ngũ lý luận và tinh hoa tư tưởng của Đảng CS Liên Xô bao nhiêu năm chuyên tâm đào tạo, chỉ trong một đêm bỗng chốc quay nòng súng, cùng với một số quan chức Đảng, Chính phủ, cán bộ quản lý kinh tế, thế lực kinh tế mầu xám và cả thế lực xã hội đen trở thành người đào mồ chôn Đảng CS Liên Xô và chế độ XHCN Liên Xô.
Nguyên nhân gây ra tình hình này là rất phức tạp, nhưng cơ bản nhất là từ khi Đảng CS Liên Xô gỡ bỏ dấu ấn của Chủ nghĩa Marx – Lenin trong ý thức hệ, kết quả là đã thả ra lũ “âm binh” tiêu diệt lại mình. Tư tưởng sa sút làm cho Đảng CS Liên Xô đứng trước tai họa bị nhấn chìm. Đến năm 1991, khi dư luận chính thống hàng triệu lần lặp đi lặp lại rằng Đảng CS Liên Xô và thực tiễn CNXH ở Liên Xô thất bại, khi các giới truyền thông bôi đen hình ảnh các lãnh tụ đảng, sau khi đông đảo đảng viên và quần chúng nhân dân ngộ nhận, coi những lời nói hoang đường và luận điệu xằng bậy là chân lý…, thì trong giờ phút nguy cấp, các thế lực thù địch tuyên bố giải tán Đảng CS, lật đổ chế độ XHCN, không còn ai đứng lên để bảo vệ Đảng Cộng sản và CNXH. Đối với một đảng cầm quyền Marxist – Leninist, công tác tư tưởng mạnh mẽ chính là lý tưởng, là ý chí và là kèn lệnh liên kết lòng đảng, quy tụ lòng dân, dẫn dắt đảng và nhân dân mình thống nhất bước đi, dấn bước tiến lên. Khi kèn lệnh đó bị tước đoạt, khi lý tưởng và ý chí bị sụp đổ, đảng đó không thể tồn tại!
Cung điện Smolnui, vệ binh Lobanov chặn Lenin lại. Một nhân viên liền nói: “Đây là đồng chí Lenin”. Lobanov trả lời, cả đồng chí Lenin cũng phải xuất trình giấy tờ. Sau khi đưa giấy tờ của mình, Lenin biểu dương chiến sĩ Hồng quân đã nghiêm chỉnh chấp hành nhiệm vụ.
Bên câu chuyện về lòng trung thành, chúng ta học được nhiều hơn là sự gương mẫu của lãnh tụ vô sản, là tác phong của đảng Bolshevik do Lenin sáng lập, gắn bó máu thịt với nhân dân. Tác phong của một đảng cầm quyền liên quan đến sự quy tụ lòng người, thậm chí là sự sinh tử, tồn vong của đảng.
Trước khi giành được chính quyền, đảng Bolshevik do Lenin lãnh đạo với khẩu hiệu “Hòa bình – Ruộng đất – Bánh mì” đã kêu gọi nhân dân tập hợp lại dưới lá cờ cách mạng, bởi đảng đại diện cho lợi ích căn bản của đông đảo nhân dân, dựa vào nhân dân, dẫn dắt nhân dân chiến đấu thực hiện lợi ích thiết thân nên mới giành được thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười.
Gần gũi, hòa mình vào quần chúng là tác phong của Lenin. Chính điều này tạo nên sự gắn kết bền chặt giữa ĐCS Liên Xô và nhân dân, giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng Tháng Mười. |
Sau khi thành lập chính quyền Xô Viết, nhân dân trở thành chủ nhân của đất nước. Sự ủng hộ của hàng trăm triệu người dân là cơ sở không thể xa rời, dù trong chốc lát, để một đảng cầm quyền củng cố địa vị cầm quyền. Lãnh tụ của Đảng phải hòa làm một với đảng viên bình thường. Đảng CS phải hòa làm một với đông đảo quần chúng. Bằng hành động của mình, Lenin đã nhắc nhở toàn Đảng rằng, chỉ dựa vào hai bàn tay của đảng viên để xây dựng xã hội CSCN là cách nghĩ ấu trĩ. Đảng viên chỉ là một giọt nước trong biển cả nhân dân. Lenin định ra quy tắc quản lý trong cơ quan Xô Viết: mỗi một cơ quan phải dán thông báo ngày, giờ và thời gian tiếp quần chúng. Phòng tiếp quần chúng cần phải đặt ở nơi có thể tự do ra vào và về cơ bản là không cần giấy ra vào. Mỗi một cơ quan Xô Viết đều phải có sổ đăng ký, phải ghi lại họ tên của người đến gặp, tóm tắt ý kiến chủ yếu của vấn đề. Ngày chủ nhật và ngày nghỉ cũng cần phải quy định giờ tiếp dân. Và bản thân Lenin cũng làm như vậy. Theo thống kê mà Phòng tiếp dân ghi chép, thì từ ngày 2-10 đến ngày 16-12-1922, Lenin đã tiếp 125 lượt người, bình quân mỗi ngày tiếp 2-3 người. Phóng viên Hoa Kỳ là Elbert William tận mắt nhìn thấy cảnh tiếp dân, gọi văn phòng làm việc của Lenin là phòng tiếp khách lớn nhất thế giới. Bởi Lenin biết rằng, nếu đảng không được nhân dân toàn tâm toàn ý ủng hộ thì Đảng Bolshevik đừng nói giữ chính quyền hai năm rưỡi, ngay cả hai tháng rưỡi cũng không giữ nổi.
Nhìn lại lịch sử của Liên Xô thế kỷ 20, có thể nói không có Lenin thì không có thắng lợi của Cách mạng XHCN, không có Stalin thì cũng không có cường quốc XHCN đầu tiên trên thế giới. Tên tuổi Stalin tượng trưng cho ý chí, sức mạnh, có sức truyền cảm, hiệu triệu to lớn. Ông đã cùng với đảng viên và nhân dân, bằng trí tuệ và sức mạnh chung, đã giành được thắng lợi vĩ đại trong Chiến tranh Vệ quốc, rồi thực hiện công nghiệp hóa XHCN ở một nước nông nghiệp lạc hậu. Trong thời kỳ xây dựng hòa bình, Stalin vẫn luôn giữ tác phong sinh hoạt giản dị. Lật lại tác phẩm của Stalin, có thể nhìn thấy trong phát biểu và bài viết của ông nhiều lần trích dẫn chuyện Antaeus trong thần thoại Hy Lạp. Antaeus có sức mạnh phi thường. Sức mạnh đó bắt nguồn từ người mẹ của ông, Gaia – Thần Đất. Antaeus bị đối thủ giết chết trên không trung bởi vì đôi chân của thần cách rời mặt đất, cũng tức là không thể nào được bổ sung, hấp thu dinh dưỡng và năng lượng. Qua thí dụ, Stalin muốn nói với mọi người rằng, Đảng CS cũng như Antaeus, quần chúng nhân dân chính là người mẹ Thần Đất. Sau khi Stalin trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng và nhà nước, đã xuất hiện tình trạng chủ yếu dựa vào nghe báo cáo, xem công văn, gửi chỉ thị, ra mệnh lệnh để tìm hiểu tình hình và giải quyết vấn đề, rất ít đi vào thực tế, tiếp xúc quần chúng. Rồi do thắng lợi của Chiến tranh Vệ quốc, uy tín quốc tế của Liên Xô tăng lên, tư tưởng sùng bái đối với Stalin trong Đảng cũng ngày càng nặng. Điều đó đã làm cho lãnh đạo lớp trên rất khó nghe được ý kiến của quần chúng, ý kiến của cấp dưới cũng khó đến cấp trên.
Lenin tạo ra cơ chế tốt nhất để quần chúng nhân dân có thể bày tỏ ý kiến. |
Thời Khrushchev, tệ quan liêu, xa rời thực tế càng lan rộng. Thói xấu ba hoa, phô trương, bất chấp sự thật, tâng bốc lẫn nhau, a dua và nịnh bợ ngóc đầu dậy. Khrushchev nắm trong tay quyền lực của Đảng và nhà nước, phải chịu trách nhiệm đối với tình hình. Khrushchev phê phán sùng bái cá nhân đối với Stalin song lại tán thưởng, thậm chí cổ vũ người ta sùng bái ông ta. Ngày 14-10-1964, sắp bị hạ bệ, Khrushchev đọc bài diễn thuyết cuối cùng. Ông ta rơi nước mắt và nói: “Các đồng chí có mặt tại đây lâu nay không công khai, thành thực nêu ra bất cứ khuyết điểm và sai lầm nào của tôi. Lúc nào cũng hùa theo, bày tỏ sự ủng hộ đối với tất cả kiến nghị của tôi. Các đồng chí cũng thiếu tính nguyên tắc và dũng khí”. Lời nói của Khrushchev từ một khía cạnh nào đó đã phản ánh vấn đề nghiêm trọng là tác phong của Đảng CS Liên Xô.
Thời Brezhnev, trạng thái tinh thần của số đông cán bộ lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô là bằng lòng với hiện trạng, không muốn cải cách, không muốn tiến thủ. Đã có một câu nói “bí mật” lưu hành trong Bộ chính trị T.Ư Đảng CS Liên Xô lúc bấy giờ: “Không, chúng ta không cần thay đổi cái gì hết”. Alphanasiev, Tổng Biên tập báo Sự Thật, từng nhiều lần tham gia khởi thảo văn kiện quan trọng của đảng. Sau này, ông viết trong hồi ký, nói lên nỗi đau lòng trước tác phong của Đảng CS Liên Xô ngày càng trì trệ. Ông thí dụ: phương thức, phương pháp và trình tự dự thảo báo cáo của T.Ư Đảng trước đại hội đã định hình. Mở đầu luôn luôn là tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Khởi thảo văn kiện không yêu cầu có tư duy mới, chỉ cần khéo thay đổi hình thức mới cho những tư tưởng có tính tập quán đó, tìm ra phương thức diễn đạt mới.
Là người lãnh đạo tối cao Đảng CS Liên Xô, song Brezhnev thích hư vinh, thích nghe kẻ khác nịnh bợ, tâng bốc. Ông đặc biệt đam mê vinh dự và khen thưởng. Theo thống kê, trong thời gian Brezhnev cầm quyền, tổng cộng ông được tặng hơn 200 tấm huân chương các loại, kể cả huân chương Lenin, huân chương anh hùng Liên Xô. Trong hàng ngũ đưa tang sau khi ông chết, có tới 44 sĩ quan quân đội bưng bê các loại huân chương và bằng khen của ông. Một thời gian, tệ nạn tham quyền, hưởng thụ, mua danh bán tước, a dua, nịnh hót, tham ô, hối lộ, đặc quyền hoành hành trong Đảng CS Liên Xô. Nhiều người gia nhập Đảng CS không để cống hiến vì sự nghiệp xây dựng CNXH, vì lý tưởng CSCN, mà để kiếm chức tước, vun vén lợi ích cá nhân. Từ đó dẫn đến tác phong ngày càng tồi tệ.
Tháng 3-1985, Gorbachev trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng CS Liên Xô. Nếu trước đó, vấn đề nổi bật tồn tại trong tác phong của Đảng CS Liên Xô là dần dần xa rời, rồi đi ngược lại nguyên tắc lãnh đạo tập thể, nhất là xa rời quần chúng nhân dân, thì đến thời Gorbachev, vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn. Gorbachev thích đi khắp nơi để xem xét tình hình, thích diễn thuyết, viết văn, và thích xuất hiện trước ống kính. Gorbachev không chỉ vứt bỏ lãnh đạo tập thể mà còn xa rời thực tế, xa rời nhân dân, không nghe thấy hoặc là không thèm nghe nỗi khổ và tiếng kêu của nhân dân, hoàn toàn dựa vào quyết sách chủ quan. Valeri Pulkin, thư ký của ông hồi tưởng lại như sau: Trong phòng làm việc của mình, Gorbachev thường xuyên đọc to những lời bình luận của nước ngoài về “cải tổ vĩ đại” của ông. Đôi khi ông đọc mấy giờ liền những bình luận đó. Và thời gian cứ từng phút trôi qua như thế mà khối lượng công văn cần chờ giải quyết gấp thì lại không xem. Ryrykov, từng là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, nói: Gorbachev không biết, không tin, cũng không muốn lắng nghe ý kiến của người khác, chỉ thích thao thao bất tuyệt, chỉ một mình ông ta huyên thuyên bất tận, tán dương hoa mỹ những tư tưởng cứng nhắc, trống rỗng, vô vị.
Không ít người Nga sau khi suy ngẫm lại đã cho rằng, chủ ý của Gorbachev là muốn khi lên cầm quyền thì lập nên công lao vĩ đại. Phong cách lãnh đạo của ông ta là bắt đầu bằng diễn thuyết, kết thúc bằng diễn thuyết. Gorbachev nói không đi đôi với làm, lái thuyền theo gió, tính toán mưu kế. Trước khi làm Tổng thống Liên Xô, Gorbachev nhiều lần tuyên bố: Đảng chính là tất cả của tôi. Tôi có thể từ bỏ chức vị Tổng thống Liên Xô bởi vì điều quan trọng nhất trong trái tim tôi là Đảng CS Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, ông ta nói trong một cuộc đối thoại với Tikida Daisaku: Tôi cảm thấy rất vinh hạnh, trong năm tháng cải tổ có thể xóa bỏ hậu quả tai hại do ảnh hưởng của CNCS gây ra cho ý thức của mọi người.
Lenin tiếp xúc với quần chúng để lắng nghe, còn Gorbachev tiếp xúc quần chúng để diễn thuyết. |
Ligachev, nguyên Ủy viên Bộ chính trị T.Ư Đảng CS Liên Xô, nói một cách đau lòng: lúc đó trong Đảng, ngoài xã hội hình thành một thói xấu, nói một đằng, làm một nẻo. Đó là một nguyên nhân quan trọng làm cho khuynh hướng ly tâm trong Đảng CS Liên Xô phát triển. Chủ nhiệm Ban Biên tập Đài Truyền hình Moscow, nói như sau: Tôi từng là một đảng viên của Đảng CS quang vinh. Tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức đảng. Nhưng những người như Gorbachev phất lá cờ cải tổ, trên thực tế là để tranh giành quyền lực, không hề xem xét nguyện vọng, yêu cầu của đảng viên và nhân dân. Họ sớm trở thành một tầng lớp quan liêu đặc thù đứng trên cao. Người lãnh đạo đảng và tác phong của đảng tồi tệ như vậy làm thế nào có thể để chúng tôi đi theo họ được?
Sau khi bị hạ bệ, Gorbachev thừa nhận: mất đi sự ủng hộ của nhân dân thì mất đi tài nguyên chủ yếu, xuất hiện nhà mạo hiểm chính trị và nhà đầu cơ chính trị. Đó là sai lầm tôi mắc phải, sai lầm chủ yếu. Không, đâu phải là sai lầm. Đó là sự phản bội nhân dân. Ông ta lấy danh nghĩa nhân dân, phất lá cờ nhân đạo và dân chủ để làm tổn hại lợi ích cơ bản của nhân dân, và cuối cùng đối lập với nhân dân. Nhiều người trong ban lãnh đạo Đảng CS Liên Xô do Gorbachev đứng đầu đã phản bội nhân dân. Nhân dân có thái độ thờ ơ đối với Đảng vì Đảng đã không đại diện cho lợi ích cơ bản của họ vào giờ phút then chốt, sống còn. Sau sự kiện 19-8, lớp người chân chính trong Đảng CS Liên Xô vừa căm phẫn cực độ, vừa bất lực. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, nguyên soái S.F.Akhromeev, kết thúc đời mình bằng khẩu súng ngắn từng theo ông suốt cuộc đời. Trong bức thư tuyệt mệnh, ông để lại nỗi đau buồn, phẫn nộ và than thở, xót xa: “Tất cả những gì tôi phấn đấu cho Đảng đều đã tiêu tan”.
IV – Tầng lớp đặc quyền của Đảng CS Liên Xô
Đây là một cửa hàng đặc biệt, chuyên phục vụ một số khách hàng đặc biệt, và hôm đó là ngày cuối cùng trước khi cửa hàng tuyên bố bị đóng cửa. Người dân Liên Xô gọi các khách hàng đặc biệt của cửa hàng đặc biệt này là những người thuộc tầng lớp đặc quyền. Tầng lớp đặc quyền này từng bước hình thành dưới thời Brezhnev và tiếp tục phát triển dưới thời Gorbachev; và đó là một chất xúc tác gây nên sự tan rã từ bên trong Đảng CS Liên Xô, là cũng một trong các nhân tố quan trọng thúc đẩy biến cố Liên Xô.
Sau Cách mạng Tháng Mười, chiến tranh và nạn đói đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền Xô Viết còn non trẻ. “Rồi sẽ có bánh mì và sẽ có tất cả”, câu nói đầy ấn tượng của Vasili trong bộ phim Lenin trong Tháng Mười đã trở thành câu nói thịnh hành một thời ở Liên Xô. Ngày nay, người ta khó có thể tin rằng những người làm việc gần gũi với Lenin từng nhường nhịn, chia sẻ cho nhau chỉ một mẩu bánh mì, nhưng đây là sự thật của lịch sử. Nhà làm phim đã dựa vào một câu chuyện có thật hồi ấy để dựng nên tình tiết này trong phim. Năm 1918, chính quyền Xô Viết gặp phải một cuộc khủng hoảng lương thực. Tại một cuộc họp của UBND, Churuva lúc đó đang là Ủy viên nhân dân phụ trách vấn đề lương thực, bất ngờ bị ngất xỉu. Người ta phải khẩn cấp điều bác sĩ đến khám. Khám xong, bác sĩ kết luận, Churuva bị ngất xỉu do đói!
Là quan chức cao nhất phụ trách vấn đề lương thực của chính quyền Xô Viết, Churuva nắm trong tay quyền điều động hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu tấn lương thực, nhưng lại không giữ cho riêng mình số thực phẩm đủ để no bụng. Ngay sau đó, Lenin kiến nghị xây dựng nhà ăn điều dưỡng để bảo đảm cho những đồng chí đang ngày đêm lo lắng cho nhân dân được no. Điều này hoàn toàn đúng và không có gì phải bàn cãi.
Nhà ăn điều dưỡng do Lenin khởi xướng năm ấy dần dần mở rộng thành cửa hàng cấp đặc biệt, rồi dần dần quy mô và số lượng của nó đã có sự thay đổi căn bản. Sau nửa thế kỷ, chỉ có những cán bộ đặc biệt cao cấp của Liên Xô mới có thể ra vào tòa nhà không hề có biển hiệu này. Đây là cửa hàng cung cấp đặc biệt lớn nhất Moscow. Vào dịp cuối tuần, những chiếc xe hơi lũ lượt kéo đỗ trước của tòa nhà, chật kín cả dãy phố. Ở đây có đủ các loại hàng hóa xa xỉ của nước ngoài, như rượu Brandy của Pháp, Whisky của Scotland, thuốc lá thơm Mỹ, Chocolate Thụy Sĩ, coffee của Italia, giầy da của Áo, len dạ Anh, máy thu thanh Đức, máy ghi âm Nhật Bản,… có cả các mặt hàng khan hiếm ở Liên Xô. Báo chí đã nói công khai rằng, đối với những nhân vật thuộc tầng lớp trên thì chủ nghĩa Cộng sản đã được xây xong từ lâu! Chỉ riêng Moscow đã có hơn 100 cửa hàng như vậy. Tầng lớp đặc quyền trong điện Kremlin có quy tắc riêng của mình, chức vụ càng cao đặc quyền càng lớn thì sự chênh lệch về đãi ngộ vật chất mà họ được hưởng so với dân thường càng lớn. Đương nhiên những người được hưởng đặc quyền này chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong đội ngũ cán bộ Đảng CS Liên Xô. Thế nhưng thứ đặc quyền này phải chăng là căn nguyên đầu tiên của sự bất mãn xã hội mà tầng lớp này đã gây ra?
Thời kỳ Liên Xô vừa bắt đầu xây dựng CNXH, mọi người phấn đấu gian khổ hướng tới một cuộc sống mới. Khi đang phải phấn đấu vất vả để thực hiện lý tưởng chung, xã hội không chấp nhận những hàng vi dành chiếm độc quyền, mưu lợi cá nhân. Vào lúc nhà nước, dân tộc đứng trước nguy cơ tồn vong, nếu nói cán bộ lãnh đạo Đảng CS Liên Xô có đặc quyền gì đó thì đó chính là xung phong ra trận, xả thân chiến đấu, tắm máu sa trường, lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược trong tiếng réo hờn căm của Kachiusa.
Thời Stalin, yêu cầu của Đảng với cán bộ nhìn chung rất nghiêm khắc. Khi đó Liên Xô cũng đang phải đương đầu với môi trường chiến tranh tàn khốc và cả sóng to gió lớn của cuộc đấu tranh chính trị. Từng đoàn cán bộ, đảng viên đi ra tiền tuyến. Sự thay đổi cán bộ lãnh đạo diễn ra thường xuyên, tầng lớp đặc quyền không có cơ hội hình thành. Sau khi lên nắm quyền, Khrushchev đã thực hiện chính sách “cán bộ đặc biệt” theo quy định tại Điều 25 – Điều lệ Đảng CS được Đại hội 22 của Đảng CS Liên Xô thông qua. Cán bộ đảng viên cần thay đổi thường xuyên. Tại các buổi bầu cử diễn ra tại tổ chức đảng cơ sở hàng năm đều có hàng loạt bí thư bị thay thế sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Tỷ lệ thay đổi cán bộ lãnh đạo lên tới 60 phần trăm. Bởi vậy, trong thời kỳ này Liên Xô vẫn chưa hình thành tầng lớp người thật sự được hưởng đặc quyền trong Đảng. Tầng lớp đặc quyền trong Đảng CS Liên Xô chỉ từng bước hình thành sau khi Brezhnev nắm quyền, nhất là vào giai đoạn cuối thời Brezhnev.
Tháng 4-1966, Đảng CS Liên Xô tổ chức Đại hội 23. Đây là Đại hội Đảng đầu tiên diễn ra sau khi Brezhnev nắm quyền điều hành công tác của BCH TƯ. Đại hội đã sửa đổi Điều 25 trong Điều lệ Đảng. Brezhnev đặc biệt tâm đắc câu nói của Khrushchev, người một thời gian dài phụ trách công tác ý thức hệ trong Đảng rằng: “Sự ổn định của đội ngũ cán bộ là sự bảo đảm cho thành công”. Brezhnev theo đuổi sự ổn định của đội ngũ cán bộ một cách phiến diện sau đó phát triển thành chế độ chức vụ. Thực chất là chế độ chức vụ suốt đời, áp dụng với cán bộ lãnh đạo. Chính sách cán bộ của Brezhnev đã khiến cho các thành viên trong tầng lớp lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô gần như không có biến động trong suốt một thời gian dài. Tại Đại hội 23 của Đảng CS Liên Xô, số ủy viên tái đắc cử và liên nhiệm đạt tỷ lệ 79,4 phần trăm. Tại Đại hội 25, không tính số ủy viên T.Ư đã qua đời thì tỷ lệ Ủy viên T.Ư liên nhiệm cao tới 90 phần trăm.
Trong hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng cấp tỉnh từ năm 1978 đến năm 1981, chỉ có năm trong số 156 vị trí bí thư tỉnh ủy có sự thay đổi về nhân sự. Đến mùa xuân năm 1978, độ tuổi bình quân của 58 vị phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng và bộ trưởng là 70. Thực tế này đã tạo ra một đội ngũ lãnh đạo già nua, đương chức suốt đời. Hậu quả của chế độ cán bộ này là vừa khiến cho tầng lớp lãnh đạo thiếu đi sức sống vừa dễ hình thành một lực lượng hạt nhân trong tầng lớp đặc quyền. Xét về khách quan, chế độ cán bộ lãnh đạo suốt đời làm cho đội ngũ, tầng lớp đặc quyền không ngừng mở rộng, kéo theo sự không ngừng tăng lên cơ quan hành chính được lập ra để bố trí ngày càng nhiều cán bộ lãnh đạo. Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, số cơ quan cấp ban, bộ trực thuộc T.Ư Đảng CS Liên Xô lên tới 20. Trong đó, đại bộ phận trùng lặp với các cơ quan của chính phủ. Thậm chí tên gọi của những ban, bộ này cũng giống hệt nhau. Như Ban Nông nghiệp, Ban Công nghiệp quốc phòng, Ban Công nghiệp nặng và năng lượng, Ban Chế tạo cơ khí, Ban Văn hóa… Dưới thời Brezhnev, Đảng CS Liên Xô đã tạo đất cho tầng lớp đặc quyền sinh sôi, nảy nở. Nhiều cán bộ cấp cao không khỏi sửng sốt trước chế độ đãi ngộ đặc biệt mà họ được hưởng ngay sau khi được đề bạt.
Ligachev kể lại trong hồi kí rằng: Năm 1983, khi được bổ nhiệm làm Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng CS Liên Xô, ngay ngày hôm sau ông đã được cấp một chiếc xe ô-tô cao cấp. Khi ông yêu cầu thay cho mình một chiếc xe đẳng cấp thấp hơn một chút, không ngờ ông bị Chánh văn phòng T.Ư Đảng phê bình lại rằng: đồng chí làm như thế là một sự đòi hỏi đặc biệt, làm mất phong độ của cơ quan. Nếu không ở trong cuộc, người ta không thể tưởng tượng được những hưởng thụ do đặc quyền mang lại.
Dưới thời Brezhnev, con cái tầng lớp đặc quyền chỉ cần dựa vào địa vị đặc quyền của bố mẹ là có thể dễ dàng được vào học tại những trường đại học tốt nhất. Sau khi tốt nghiệp lại được nhận vào các ban, ngành ưu việt nhất, đồng thời nhanh chóng được nắm giữ những cương vị quyền lực quan trọng. Thậm chí, đặc quyền còn có thể trở thành “lá bùa hộ mệnh” để cán bộ lãnh đạo mặc sức tham nhũng mà không bị cản trở. Rubanov, con rể của Brezhnev, đã dựa vào quyền thế của bố vợ, quan lộ phất như “diều gặp gió”. Chỉ trong vòng 10 năm, ông ta đã từ một sĩ quan cấp thấp trở thành thượng tướng, sau đó được bổ nhiệm làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ. Trong thời gian này, ông ta đã tham ô, nhận hối lộ 650 nghìn rúp, gây ra vụ án “phò mã” chấn động cả nước. Còn Yuri, con trai Brezhnev thì được bổ nhiệm làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại thương Liên Xô khi còn rất trẻ.
Tháng 1-1982, tại sân bay Moscow, một công dân Liên Xô chuẩn bị lên máy bay ra nước ngoài du lịch, nhân viên hải quan đã tìm thấy một lượng lớn kim cương cất giấu trong chiếc túi bí mật trên người. Kết quả điều tra cho thấy, đây là sưu tập cá nhân của nữ huấn luyện viên dạy sư tử ở Rạp xiếc Trung ương. Sau đó không lâu, chuyên gia mỹ thuật và giám đốc của rạp xiếc bị bắt giữ. Người ta còn tìm thấy số kim cương trị giá khoảng 1 triệu USD và nhiều đồ vật quý giá khác tại nhà riêng của chuyên gia mỹ thuật và khoảng 500 nghìn bảng Anh cùng nhiều đồ trang sức, tác phẩm hội họa đắt tiền tại nhà riêng của giám đốc. Đáng nói là, những thứ này đều thuộc sở hữu của Galina – con gái Brezhnev. Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, vụ buôn lậu đồ trang sức, kim cương còn liên quan Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại thương Yuri. Vụ việc này lẽ ra thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ xử lý, nhưng sau đó lại được chuyển sang cho Ủy ban An ninh quốc gia (KGB). Trong khi Phó Chủ tịch thứ nhất của KGB là Svigun, người trực tiếp chỉ đạo vụ án này lại là anh em cọc chèo với Brezhnev. Kết quả là, câu chuyện kết thúc ở đó. Con trai Brezhnev là Yuri và con gái của ông ta là Galina vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Trong 17 năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Selokhov đã lợi dụng chức quyền, biến của công thành của tư. Ông ta không chỉ chiếm khu biệt thự cấp nhà nước lớn nhất của Bộ Nội vụ và nhà khách Bộ Nội vụ làm của riêng mà còn chiếm một tòa chung cư rất lớn ở số 24, phố Hensen. Một lượng lớn tài sản cá nhân của Selokhov và người nhà ông ta được cất giữ trong khu biệt thự cấp nhà nước và tòa chung cư này. Tại một khu biệt thự, chỉ tính thảm trải nhà đã xếp tới bảy tầng, dưới gầm giường nhét đầy những bức tranh sơn dầu của các danh họa Nga.
Dưới thời Brezhnev, tình trạng tham nhũng tại Moscow và các nước cộng hòa thuộc Liên bang ngày càng nghiêm trọng. Năm 1980, nhân viên điều tra tình cờ mua một lô cá trích đóng hộp, sau khi mở nắp mới phát hiện bên trong đựng toàn trứng cá Cavian cực đắt. Cá trích sao lại biến thành trứng cá Cavian được?
Sau một thời gian vất vả điều tra, vụ việc đã được làm sáng tỏ. Thì ra một số quan chức Bộ Ngư nghiệp Liên Xô đã bí mật giao dịch với một công ty để họ đóng trứng cá Cavian sản xuất tại Sochi và Astrakhan vào trong những hộp dán nhãn cá trích rồi vận chuyển ra nước ngoài. Công ty phương Tây mua với giá cá trích, sau đó bán chuyển tay. Những người tham gia từ phía Liên Xô sẽ được hưởng lợi nhuận hậu hĩnh từ khoản doanh lợi kếch xù được gửi vào tài khoản ngân hàng Thuỵ Sĩ. Hành vi buôn lậu này diễn ra trong suốt 10 năm. Kết quả điều tra cho thấy, vụ án này làm Liên Xô tổn thất hàng triệu USD, hơn 300 người dính líu vụ án. Trong đó, có những quan chức cấp cao như Thứ trưởng Ngư nghiệp, Phó Cục trưởng Sản xuất, Tiêu thụ, Quản lý ngư nghiệp cùng các cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại thương, Bộ Công nghiệp thực phẩm, Hạm đội Thái Bình Dương, rồi nhân viên cửa hàng tại Moscow và các thành phố khác. Người chịu trách nhiệm phân phối loại sản phẩm đóng hộp này là thị trưởng thành phố Sochi – Volokov, Bí thư thứ nhất Khu ủy Krasnodar trực tiếp quản hạt Sochi là Maidunov. Ông ta là người thân tín của Brezhnev. Khi được lệnh tham gia điều tra vụ án, ông ta đã ra sức bao che cho Volokov. Sau khi báo Văn học đăng tin Volokov bị bắt, Maidunov rất lo lắng, nhiều lần đã lên Moscow cầu cứu Brezhnev. Do mức độ nghiêm trọng của vụ án, Chủ tịch KGB là Andropov đích thân báo cáo vụ việc này với Brezhnev. Trước một loạt chứng cớ rõ ràng, Brezhnev hỏi: “Theo đồng chí nên giải quyết thế nào?”. Andropov đáp: Vụ này phải đưa Maidunov ra tòa. Brezhnev bảo: Làm thế không được. Bây giờ chúng ta không có người đáng tin cậy ở Krasondur, liệu có thể tạm thời thuyên chuyển Maidunov đến nơi khác được không? Sau đó Maidunov mặc dù bị cách chức nhưng lại được điều lên Moscow làm Thứ trưởng Bộ Lương thực Thực phẩm, được sống trong một căn hộ sang trọng tại Moscow. Câu chuyện đã kết thúc một cách “êm đẹp” như thế…
Những chiếc Zil limousines dành riêng cho tầng lớp lãnh đạo Liên Xô |
Tầng lớp đặc quyền trong Đảng CS Liên Xô trước hết là xuất phát từ chức tước. Có người cho rằng, chức tước càng cao thì đặc quyền càng nhiều, nếu muốn làm quan hoặc thăng chức thì phải lấy lòng, hối lộ các lãnh đạo liên quan. Chức tước vì thế mà có giá. Tại một số nơi, ngay cả chức bí thư đảng ủy cũng có giá. Năm 1969, chức bí thư thứ nhất của một khu ủy Azerbaijan có giá 200 nghìn rúp, bí thư thứ hai có giá 100 nghìn rúp. Hiện tượng mua quan, bán tước cũng tồn tại ở các nước cộng hoà khác trong Liên bang với các hình thức, mức độ khác nhau.
Hội nghị toàn thể tháng 2 năm 1973, TƯ Đảng Gruzia từng chỉ rõ: Trước đây, công tác tuyển chọn và sử dụng cán bộ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của Chủ nghĩa Lenin. Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo không phải căn cứ vào năng lực công tác và phẩm chất đạo đức của họ, mà dựa vào thao túng đằng sau, dựa vào quan hệ quen thân gia đình, dựa trên nguyên tắc có trung thành với cá nhân cấp trên hay không.
Để bảo vệ những lợi ích hiện có, tầng lớp đặc quyền chống lại bất cứ sự cải cách nào ảnh hưởng đến đặc quyền của mình. Bởi vậy, không thể chủ động ngăn chặn tình trạng tham nhũng đang lan tràn trong toàn Đảng, toàn xã hội. Brezhnev lạnh lùng với từ “cải tổ” rằng: Cải cái gì, cứ làm tốt công việc là được rồi. Cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô và trợ lý của ông soạn thảo một báo cáo về cải tổ kinh tế gây nên sự bất mãn và tẩy chay của một bộ phận các tầng lớp đặc quyền quan liêu. Kết quả, trợ lý của ông bị cách chức.
Một dacha (nhà ngoại ô) có tên Zaria của Gorbachev tọa lạc trên một khu đất rộng 50 ha, ở vùng Crime |
Tầng lớp đặc quyền đã làm tổn hại nghiêm trọng thanh danh của CNXH, tạo ra hố ngăn cách lớn trong xã hội, làm hư hỏng xã hội. Khoảng cách giữa người dân bình thường và tầng lớp đặc quyền ngày càng lớn. Trong xã hội Liên Xô, người dân bình thường tự gọi mình là “chúng ta”, còn gọi những người đặc quyền là “bọn họ”. Thế nhưng, khi nói đến tầng lớp đặc quyền trong Đảng CS Liên Xô, chúng ta phải nhấn mạnh mấy điểm sau đây:
– Thứ nhất: Tầng lớp đặc quyền chỉ là khái niệm đặc chỉ đối với một bộ phận cực nhỏ các phần tử thoái hoá, biến chất lạm dụng chức vụ mưu lợi riêng trong đội ngũ cán bộ Đảng CS Liên Xô khi đó. Việc phương Tây gọi 600 – 700 nghìn cán bộ, đảng viên Đảng CS Liên Xô khi đó là tầng lớp đặc quyền hoàn toàn là sự tuyên truyền rắp tâm nhằm phá hoại Đảng CS Liên Xô. Nhìn chung, đại đa số cán bộ, đảng viên của Đảng CS Liên Xô khi đó đều là những người liêm khiết, chí công, hăng hái cống hiến. Họ kiên định đi theo con đường XHCN.
– Thứ hai: Phải phân biệt sự chênh lệch hợp lý với đặc quyền trong lĩnh vực phân phối. Khi đó, mặc dù trong nội bộ Đảng CS Liên Xô và trong xã hội Liên Xô tồn tại tầng lớp đặc quyền và hiện tượng đặc quyền nghiêm trọng, nhưng đồng thời với nó là chủ nghĩa bình quân theo kiểu “ăn chung nồi” tồn tại nghiêm trọng trong lĩnh vực phân phối của Liên Xô.
– Thứ ba: Không chỉ chú ý đến hiện tượng độc quyền tồn tại trong lĩnh vực phân phối mà phải chú ý đến hơn biểu hiện của hiện tượng này trong lĩnh vực khác như: xây dựng chính sách, bổ nhiệm cán bộ, uốn cong luật pháp để mưu lợi riêng cho bản thân và tập đoàn nhỏ đồng thời né tránh sự giám sát của kỷ luật Đảng và quy định pháp luật. Điều này còn nghiêm trọng hơn vì nó phá hoại mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, dẫn đến sự thay đổi tính chất của Đảng. Căn bệnh này càng bộc lộ rõ hơn dưới thời Gorbachev.
Tham quan một biệt thự, là nơi ở cũ của của Gorbachev trước khi ông ta lên nắm quyền, chúng ta thấy như sau: Qua cửa chính là một sảnh rộng. Tầng một có ban công bọc kính và phòng chiếu phim, chiếc bàn ăn dài 10m, phòng bếp giống như một xưởng chế biến thức ăn lớn, còn có một tủ lạnh ngầm dưới đất. Trên tầng hai, đi qua sảnh lớn là tới thẳng phòng tắm nắng, văn phòng, phòng ngủ. Mọi thứ bày biện và trang trí trong tòa biệt thự đều hết sức xa xỉ. Xét về một ý nghĩa nào đó thì cuộc sống cá nhân xa hoa tột đỉnh này còn xa mới bộc lộ được bản chất cuộc sống của tầng lớp đặc quyền. Cái gọi là “cải tổ” của Gorbachev sau khi lên nắm quyền đã trở thành chất xúc tác để tầng lớp đặc quyền chuyển biến thành giai cấp tư sản mới. Sự cải tổ rùm beng là cơ hội tuyệt vời để tầng lớp đặc quyền tha hồ mưu lợi cá nhân.
Giải thể được ĐCS và Nhà nước là “cú làm ăn chót” của bộ phận đặc quyền, tiến tới công khai vơ vét tài sản quốc gia của Liên Xô. |
Dưới thời Gorbachev, tầng lớp đặc quyền đã không còn thỏa mãn với việc theo đuổi hưởng thụ cá nhân, mà còn mong muốn chiếm hữu lâu dài mọi đặc quyền hiện có. Thậm chí còn để lại cho con cháu đời sau. Đồng thời, tầng lớp đặc quyền còn phát hiện ra rằng CNXH, lòng tin vào CNCS thường trực nơi cửa miệng và ánh hào quang đảng viên Đảng CS mà họ mang trên mình đã không còn giá trị sử dụng. Họ thấy rằng, những đặc quyền mà họ vốn có phải được thay đổi hình hài và CNTB là chế độ thích hợp nhất để hợp pháp hóa những lợi ích hiện có của họ. Đặc biệt, trong lúc Đảng CS Liên Xô và đất nước đang đứng trước nguy cơ tồn vong. Giữ vững lợi ích đặc biệt của mình và hợp pháp hoá chúng, tầng lớp đặc quyền đã không ngần ngại lột bỏ mặt nạ, công khai thúc đẩy vứt bỏ CNXH đi theo con đường của CNTB, tư hữu hoá toàn diện. Trong thời gian này, tầng lớp đặc quyền lợi dụng quyền lực đang nắm trong tay để ra sức vơ vét, làm giàu cho bản thân. Nhất là các vị quan kinh tế trực tiếp quản lý tài sản của doanh nghiệp nhà nước. Họ lợi dụng sự hỗn loạn về thương mại hoá, thị trường hoá, kinh tế tự do hoá do Gorbachev tiến hành để làm một cuộc lật bài kinh tế, trực tiếp chiếm đoạt tài sản nhà nước thành tài sản riêng. Có kẻ thực hiện các cuộc giao dịch giữa quyền – tiền để có những ưu đãi và quota xuất khẩu nguyên liệu và vũ khí, bòn rút tài sản xã hội. Có kẻ thu siêu lợi trong các cuộc giao dịch chứng khoán, hàng hóa trả chậm rồi thành lập ngân hàng và các cơ quan tài chính khác. Một bộ phận thiểu số đó, sau này, trở thành những ông trùm tài chính mới.
Năm 1991, trong số hàng vạn triệu phú ở Moscow, đại bộ phận nguyên là những cán bộ làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền. Kết quả điều tra tiến hàng trong tháng 6 năm đó cho thấy, trong tầng lớp cán bộ cao cấp Liên Xô có tới 76,7 phần trăm số người cho rằng nên đi theo con đường tư bản. Chính những kẻ gọi là đảng viên Đảng CS này đã làm cách mạng bằng cách “cách đi cái mạng của Đảng CS Liên Xô”. Bọn họ không chỉ vơ vét cho đầy túi tham mà còn tiếp tục nắm giữ những cương vị cao, kiểm soát quyền lực của nhà nước. Nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, ngoại trừ một số ít nhân vật ngự trên đỉnh ngọn kim tự tháp quyền lực, còn lại một phần cán bộ biến thành những “quý nhân” của nước Nga. Họ chiếm 75 phần trăm số quan chức bên cạnh tân tổng thống; 57,1 phần trăm trong số lãnh tụ những chính đảng mới và 73,4 phần trăm trong số những quan chức của chính phủ mới. Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ David Code có một câu nói có thể gọi là “đúng tim đen”: Đảng CS Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình. Trước khi Đảng CS Liên Xô sụp đổ không lâu đã có một cuộc điều tra dân ý về chủ đề: “Đảng CS Liên Xô đại diện cho ai?”. Kết quả là, số người cho rằng Đảng CS Liên Xô đại diện cho nhân dân Liên Xô chiếm 7 phần trăm, đại diện cho công nhân chiếm 4 phần trăm, đại diện cho toàn thể đảng viên chiếm 11 phần trăm. Trong khi đó, có tới 85 phần trăm số người được hỏi cho rằng: Đảng CS Liên Xô đại diện cho quan chức, cán bộ và nhân viên nhà nước.
Khi thấy ĐCS Liên Xô không còn đại diện cho lợi ích của mình, người dân buộc phải đứng ở phía còn lại, dù phần đông trong số họ phải trả cái giá không hề rẻ. |
Sự hình thành và phát triển của tầng lớp đặc quyền trong Đảng CS Liên Xô đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài. Trong giai đoạn này, những kẻ tham nhũng lộ liễu hay lén lút đều tham lam chiếm đoạt tài sản nhà nước thuộc sở hữu của nhân dân. Trong khi đó, đối với tầng lớp đặc quyền, Đảng CS Liên Xô đã đi từ chỗ ít ngăn chặn đến không tấn công, rồi bao che, thậm chí dung túng, khiến cho khối u ác tính này phát triển và lây lan nhanh chóng trên chính cơ thể của mình.
Khi Đảng CS Liên Xô đã bị khối u ác tính làm cho thối rữa, biến chất thì bản thân nó bị nhân dân phỉ nhổ.
V – Những vi phạm về nguyên tắc xây dựng Đảng
Tháng 12-1905, Hội nghị thứ nhất Đảng Bolshevik đã lần đầu áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ và nêu rõ trong nghị quyết: Nguyên tắc chế độ tập trung dân chủ không có gì phải tranh cãi. Tháng 4-1906, theo đề nghị của Lenin, Đại hội đại biểu thống nhất lần thứ 4 Đảng Bolshevik thông qua điều lệ tổ chức, trong đó điều hai quy định: Mọi tổ chức của Đảng đều được xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là lần đầu tiên nguyên tắc tập trung dân chủ được xác định trong điều lệ Đảng. Tháng 7-1920, điều lệ gia nhập Quốc tế Cộng sản do Lenin quy định: Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản cần được xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Kể từ đó, nguyên tắc tập trung dân chủ trở thành nguyên tắc phổ biến mà ĐCS các nước trên thế giới đều tuân thủ.
Khi Lenin còn sống, Đảng thực hiện chế độ lãnh đạo tập thể. Hạt nhân lãnh đạo của Đảng là BCH T.Ư Đảng. Khi đó, số ủy viên T.Ư còn ít, tổ chức hội nghị tương đối dễ dàng và thực hiện chế độ lãnh đạo tập thể theo hình thức: khi quyết định một vấn đề nào đó, mỗi một ủy viên đều có quyền bình đẳng phát biểu ý kiến. Sau khi thảo luận kỹ càng sẽ tiến hành bỏ phiếu và thông qua theo đa số. Mỗi một ủy viên chỉ có một phiếu biểu quyết. Trong các cuộc họp của Đảng, báo cáo của Lenin thường nhận được sự đánh giá cao của đa số các đại biểu. Tuy nhiên, cũng có một số ít phê bình gay gắt báo cáo của Lenin và Lenin luôn lắng nghe một cách nghiêm túc. Đảng có lãnh tụ và lãnh đạo các cấp, nhưng không có sự sùng bái cá nhân đối với họ. Mỗi một đảng viên được hưởng đầy đủ các quyền quy định trong điều lệ Đảng. Trong Đảng không chia ngôi thứ cao cấp, và tuyệt đối không có đảng viên đặc biệt. Cơ quan lãnh đạo và lãnh đạo các cấp của Đảng được bầu lên đều thông qua bầu cử, phải báo cáo công tác trước đảng viên và có thể bị bãi miễn. Lenin cho rằng: Trong Đảng có quyền tự do thảo luận, phê bình và phát biểu ý kiến. Nếu không có quyền tự do thảo luận và phê bình thì giai cấp vô sản sẽ không sẽ không thể nhất trí trong hành động. Trong các cuộc họp Đảng khi đó, không có sự tung hô, tâng bốc. Vấn đề góp ý, phê bình tự nhiên như việc con người hít thở khí trời vậy.
Trong nội bộ Đảng Bolshevik, dưới sự chủ trì của Lenin, mọi ý kiến đều bình đẳng. Nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số được tôn trọng. |
Năm 1921, khi giải tán phe đối lập trong Đảng, Lenin đã yêu cầu phải xem xét nghiêm túc những vấn đề mà phe đối lập đặc biệt quan tâm cũng như ý kiến thiết thực của họ chống lại tình trạng quan liêu, phát huy dân chủ và tinh thần tự chủ của công nhân. Song song với việc nhấn mạnh tính dân chủ trong đảng, trong đó có việc bảo vệ quyền lợi của bất kỳ thiểu số nào, Lenin còn nhấn mạnh tới tính tập trung trong Đảng, đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số”, “bộ phận phục tùng tổng thể”. Tuyệt đối không cho phép trong Đảng xuất hiện hoạt động phe phái, cũng như khuynh hướng vô chính phủ. Lenin nêu rõ: Nhất trí trong hành động, tự do trong thảo luận và phê bình, đây là kỷ luật mà chính đảng dân chủ giai cấp tiên tiến cần phải có. Đặc biệt, sau khi Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, trong bối cảnh nước ngoài can thiệp vũ trang, nội chiến trong nước phức tạp, các thế lực thù địch trong và ngoài nước sử dụng mọi thủ đoạn phá hoại đoàn kết trong Đảng, tư tưởng “phi vô sản” tràn lan trong Đảng, Lenin đã đặc biệt nhấn mạnh tính tập trung, đoàn kết, kỷ luật. Người nói: Giai cấp vô sản thực hiện tập trung vô điều kiện là một trong những điều kiện cơ bản để chiến thắng giai cấp tư sản. Bất kỳ ai, dù chỉ là một chút lơi lỏng kỷ luật thép của chính đảng giai cấp vô sản thì người đó trên thực tế đã tiếp tay cho giai cấp tư sản chống lại giai cấp vô sản. Đây chính là hình thái gốc của nguyên tắc tập trung dân chủ mà Lenin đề xướng, xây dựng và hướng dẫn thực hiện.
Sau Cách mạng tháng Mười, do sự can thiệp vũ trang của chủ nghĩa đế quốc và sự phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước, Đảng Bolshevik không thể không áp dụng chế độ tập trung cao độ, quyền lực tối cao tập trung vào Bộ Chính trị T.Ư Đảng, chế độ ủy nhiệm cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền thay thế cho chế độ bầu cử trong thực hiện mệnh lệnh chiến đấu. Điều này bảo đảm cho chính quyền Xô Viết non trẻ vượt qua được những thử thách gay gắt, song cũng để lại một hệ lụy là đời sống dân chủ trong Đảng bị suy yếu, quyền dân chủ của đảng viên bị hạn chế, dẫn đến khuynh hướng một số tổ chức Đảng và cá biệt một vài lãnh đạo có tính chuyên quyền, độc đoán, đòi hỏi đặc quyền, quan liêu, xa rời quần chúng.
Trước tình hình đó, Lenin muốn xây dựng một cơ quan giám sát trong Đảng có tính độc lập, có uy tín cao để tăng cường và hoàn thiện chế độ giám sát trong Đảng, bảo đảm quán triệt chế độ tập trung dân chủ trong Đảng. Từ Đại hội IX đến đại hội XII, dưới sự chỉ đạo của Lenin, việc xây dựng cơ chế giám sát trong Đảng có sự phát triển rất lớn. Lenin đã đích thân chủ trì Đại hội X, Đại hội XI Đảng CS Liên Xô lần lượt thông qua Nghị quyết về Ủy ban Giám sát và Điều lệ Ủy ban Giám sát. Năm 1923, khi lâm bệnh nặng, Lenin vẫn viết bài Chúng ta cần làm gì để cải tổ Viện kiểm sát công nông cho Đại hội XII, trong đó trình bày một cách khoa học về tư tưởng giám sát và chế độ giám sát của Đảng và Chính phủ.
Đại hội đại biểu XI là Đại hội cuối cùng Lenin tham gia. Dưới dự lãnh đạo của Người, Đại hội đã xây dựng được một hệ thống giám sát trong Đảng tương đối hoàn chỉnh, đó là thành lập Ủy ban Kiểm tra T.Ư và Ủy ban Giám sát T.Ư. Đồng thời quy định các ủy viên trong hai ủy ban này phải có 10 năm tuổi đảng trở lên. Ủy ban Kiểm tra T.Ư gồm ba người, chủ yếu phụ trách công tác kiểm tra cơ quan trung ương và Ban Bí thư, cũng như kiểm tra tình hình sử dụng kinh phí T.Ư. Ủy ban Giám sát T.Ư và Ủy ban Giám sát các cấp do đại hội đảng các cấp bầu ra, chủ yếu phụ trách công tác giám sát của tổ chức các cấp tương ứng.
Thời kỳ đầu, Stalin làm Tổng Bí thư, chế độ tập trung dân chủ và các chế độ giám sát liên quan tiếp tục được quán triệt tốt. Khi họp Bộ Chính trị, Stalin thường không nói gì, ông ngậm tẩu đi đi, lại lại chung quanh bàn họp, chăm chú lắng nghe từng đồng chí phát biểu. Cuối cùng ông mới lên tiếng, quyết định sau khi bàn thảo. Năm 1936, Hiến pháp Liên Xô sau khi được toàn dân thảo luận trong năm tháng rưỡi được trình lên Đại hội đại biểu Liên bang Xô Viết thông qua. Đêm 21-6-1941, đêm trước ngày phát-xít Đức tiến công Liên Xô, Stalin đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị đến tận sáng. Sau Đại hội XVII của Đảng CS Liên Xô vào năm 1934, vị trí của Stalin trong Đảng vững như bàn thạch, uy tín của ông không ai sánh kịp, lời khen ngợi dành cho ông không ngớt. Trong nhiều vấn đề, ông bắt đầu tỏ ra quá tự tin, thậm chí độc đoán.
Rồi đại hội Đảng không thể diễn ra theo đúng định kỳ, Đại hội XVIII diễn ra vào năm 1938 và phải 13 năm sau, Đại hội XIX mới được tổ chức. Đương nhiên, chiến tranh là một nhân tố khiến cho việc tổ chức đại hội bị hoãn lại, nhưng nhân tố mang tính quyết định vẫn là do sinh hoạt chính trị trong Đảng không thường xuyên. Một minh chứng nữa là sau chiến tranh, từ năm 1947 đến năm 1952 không có một hội nghị toàn thể T.Ư nào được tổ chức. Trong các văn bản của Bộ Chính trị Đảng CS Liên Xô năm 1934 rất khó có thể tìm được một nghị quyết do các ủy viên Bộ Chính trị biểu quyết thông qua, mà đa số nghị quyết là do Stalin trình bày miệng sau đó thư ký chép lại. Trên rất nhiều văn kiện trong tháng 9, còn đặc biệt chú thích “chưa trưng cầu ý kiến”. Tuy nhiên, cũng không thể dựa vào đó mà kết luận rằng, mọi quyết sách trong thời gian này đều là kết quả từ sự độc đoán của Stalin. Zhukov, lãnh đạo cao cấp của Đảng và quân đội Liên Xô đã viết trong hồi ký: Trong suốt thời kỳ chiến tranh, Bộ Chính trị T.Ư Đảng, Ban Tổ chức T.Ư Đảng và Ban Bí thư đã họp tổng cộng hơn 200 lần để nghiên cứu thảo luận về những vấn đề trọng đại như: quốc phòng, ngoại giao, phát triển kinh tế. Ủy ban Quốc phòng do Stalin lãnh đạo đã đưa ra hơn 10.000 nghị quyết. Trong Ủy ban Quốc phòng, thường xuyên có những ý kiến trái ngược nhau. Nếu không đạt được ý kiến nhất trí thì ngay lập tức hai bên tranh luận cử đại diện tham gia một ủy ban chuyên môn, chịu trách nhiệm đưa ra kiến nghị đã được hiệp thương nhất trí để bàn thảo tại hội nghị lần sau.
Từ thời Stalin, chế độ giám sát đồng bộ tương đối hoàn chỉnh do Lenin đích thân xây dựng đã không được thực hiện một cách triệt để. Đến năm 1934, Điều lệ Đảng do Đại hội XVII thông qua đã đưa ra quy định mới về chức năng của Ủy ban Giám sát. Theo đó, Ủy ban này có ba quyền hạn: giám sát việc thực hiện các nghị quyết của BCH T.Ư, xem xét và xử lý những phần tử vi phạm kỷ luật Đảng, xem xét và xử Íy những phần tử vi phạm đạo đức Đảng. Nghĩa là cơ quan giám sát chỉ giới hạn trong việc kiểm tra hoạt động của tổ chức cấp dưới, giám sát hoạt động của những phe đối lập và đảng viên bất đồng ý kiến. Về căn bản, cơ quan giám sát không thể giám sát cơ quan lãnh đạo và thành viên cơ quan lãnh đạo thuộc tổ chức đảng ngang cấp. Tính nghiêm trọng của vấn đề còn thể hiện ở chỗ, bản thân cơ quan giám sát được giao trọng trách điều tra, xử lý chủ nghĩa quan liêu lại cũng bị nhiễm căn bệnh quan liêu. Việc giám sát các tổ chức đảng và các cán bộ cấp dưới thường được tiến hành chiếu lệ. Kiểu kiểm tra qua loa, chiếu lệ diễn ra ngày càng nhiều, gây phản cảm cho cấp dưới.
Sinh hoạt dân chủ trong Đảng không thường xuyên, công tác giám sát trong Đảng không được thực hiện nghiêm chỉnh đã tạo điều kiện cho các hoạt động tiêu cực trong đảng phát triển. Khi thảo luận Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVIII, các ủy viên trong Bộ Chính trị chỉ có khen và khen. Stalin nói: Báo cáo các đồng chí thảo luận đã bị bỏ, báo cáo mới sửa các đồng chí còn chưa xem. Sau một lát lúng túng, Beria, con người rất giỏi nịnh bợ, nói: Bản thân bản báo cáo này đã quá hay, tin rằng sau khi được đồng chí Stalin sửa chữa báo cáo sẽ còn tuyệt vời hơn nữa (!) Hồi ấy, trong Đảng CS Liên Xô, mọi người hầu như không nói thật. Trên đây chỉ là một thí dụ về thói nịnh bợ, nói vuốt đuôi. Đối với những đồng chí có ý kiến bất đồng trong Đảng, Stalin đã có lúc sai lầm khi áp dụng phương thức đấu tranh tàn khốc, đấu tranh thẳng thừng, mở rộng, thậm chí là mở rộng nghiêm trọng phạm vi đối tượng bị công kích. Bởi vậy rất khó có thể nghe tiếng nói khác trong Đảng và quyền giải thích chân lý luôn bị cá nhân.
Dưới thời Khrushchev và Brezhnev, về hình thức vẫn nhấn mạnh lãnh đạo tập thể, song thật ra chỉ là thay đổi từ một người quyết định thành một vài người quyết định mà thôi. Trên thực tế, không có sự thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo quy định trong điều lệ đảng, các cuộc họp của Đảng, nhất là đại hội đại biểu Đảng, là định chế quan trọng để thực hiện chế độ tập trung dân chủ, giám sát dân chủ trong Đảng.
Thế nhưng theo biên bản còn lưu lại của một tổ chức đảng khu vực thuộc Kazakhstan thì từ năm 1974 đến năm 1975, tổ chức này đã tổ chức 72 cuộc họp, tổng cộng có hơn 600 nguời phát biểu, nhưng chỉ có 12 người nêu ý kiến đối với những người lãnh đạo Đảng, còn những người khác hầu như đều nói những lời sáo rỗng, khuôn phép, tán tụng. Những người dám nói thật, dám phê bình đều bị công kích, và bức hại. Tại một hội nghị quán triệt tinh thần Đại hội 25 của Đảng, một kỹ sư cấp cao của Cục đường sắt Nam Ural phát biểu ý kiến, cho rằng: Báo cáo công tác của Brezhnev tại đại biểu thiếu tinh thần phê bình, việc ca tụng thái quá công lao của ông chính là kiểu “sùng bái cá nhân”. Sau đó, người này bị khai trừ khỏi Đảng. Trong thời gian này, các báo Đảng cũng thường mở những chuyên mục về giám sát, thế nhưng đối tượng giám sát của những báo này đều là cán bộ cấp vừa và thấp. Thỉnh thoảng mới có một hai tin phê bình cán bộ cấp cao, nhưng đều là sau khi họ không còn đương chức.
Thời kỳ đầu, Brezhnev có sửa đổi một chút đường lối tổ chức của Khrushchev, như: tăng cường sự lãnh đạo của T.Ư trong thể chế quản lý vùng; bảo đảm sự ổn định tương đối của đội ngũ cán bộ. Xét về tổng thể, những sự sửa đổi này lúc ấy đã đóng vai trò tích cực nhất định nhưng chưa thể giải quyết vấn đề về cơ bản, không những thế còn gây ra những hệ luỵ mới. Cuối cùng, thời Brezhnev lại xuất hiện các biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, bằng cách vứt bỏ giám sát trong Đảng, dùng ý chí cá nhân hoặc thiểu số để thay thế trí tuệ của đa số.
Vào năm 1979, tình hình tại Afghanistan có biến động, lãnh đạo Afghanistan nhờ Liên Xô đưa quân sang giúp. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 3, mọi người đều nhất trí rằng: Không có bất cứ lý do gì để đưa quân sang Afghanistan. Tuy nhiên, ngày 4-12, Brezhnev đã cùng Bí thư T.Ư Suslov, Chủ tịch KGB Andropov, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng tổ chức cuộc họp bí mật gồm năm người, thay đổi nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định đưa quân đội đến Afghanistan. Cuộc chiến này kéo dài mười năm, 50 nghìn binh sĩ hy sinh, tổn thất hàng chục tỷ USD, gây đau thương cho không biết bao nhiêu gia đình. Cuộc chiến trở thành vết thương tứa máu của Liên Xô.
Thời Gorbachev càng đi ngược lại với nguyên tắc tập trung dân chủ, khiến cho cái gọi là “dân chủ” đi tới một cực đoan khác. Tại Hội nghị toàn thể T.Ư tháng 2-1990, Gorbachev chủ trương: Nhận thức lại nguyên tắc tập trung dân chủ với trọng điểm tập trung vào dân chủ hóa và quyền lợi của quần chúng đảng viên; trong quan hệ cấp trên – cấp dưới thực hiện nguyên tắc tự trị trong các tổ chức Đảng; trong quan hệ T.Ư với địa phương, T.Ư Đảng ở các nước cộng hòa trong Liên bang nếu không đồng ý với nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng CS Liên Xô thì có thể không thực hiện. Điều đó có nghĩa là Đảng CS Liên Xô không còn là một tổ chức chiến đấu thống nhất về ý chí và hành động. Hội nghị toàn thể đó đã đánh dấu một bước đi quan trọng trong diễn biến chính trị của Liên Xô, báo hiệu Liên Xô sẽ có một sự thay đổi to lớn. Khẩu hiệu “dân chủ hoá, công khai hóa” đã làm xuất hiện một trào lưu tự do tư sản và đây chính là điều mà Gorbachev cần để thực hiện đường lối chính trị của mình. Ông ta muốn lấy nó để đẩy nhanh việc thực hiện đa đảng và tư hữu hóa ở Liên Xô, đẩy nhanh sự suy vong của Đảng CS Liên Xô. Những nhân vật sùng bái CNTB trong Đảng được thể lấn lướt, trong khi một số nhà lãnh đạo Đảng khác của Liên Xô lại từng bước nhượng bộ. Dẫn đến một hậu quả khác của việc tập quyền quá mức trong một thời gian dài của Đảng CS Liên Xô, đó là trào lưu tư tưởng tự do tư sản tràn lan. Cái gọi là dân chủ và tự do tuyệt đối, bề ngoài là phủ nhận quyền uy và kỷ luật tổ chức, nhưng bên trong là để thực hiện quyền uy, trật tự và tự do của sự thống trị của CNTB.
Tháng 7-1990, Đảng CS Liên Xô tổ chức Đại hội 28. Trong báo cáo trình bày tại Đại hội, Gorbachev công khai phê phán nguyên tắc tập trung dân chủ, cho rằng: trong Đảng có một luồng tâm tư mãnh liệt chủ trương xoá bỏ nguyên tắc này khỏi điều lệ Đảng; bởi toàn bộ thực tiễn trước đây đã khiến thanh danh của nguyên tắc này trở nên tồi tệ. Và Điều lệ Đảng do Đại hội thông qua đã chính thức xóa bỏ nguyên tắc chỉ đạo của bộ máy tổ chức và toàn bộ hoạt động của Đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ. Như vậy là, nguyên tắc tập trung dân chủ và giám sát trong Đảng – những điều được coi là chuẩn tắc sinh hoạt trong đảng của Đảng CS Liên Xô, đã bị vứt bỏ. Điều đáng nói là Gorbachev đã lấy khẩu hiệu “dân chủ hóa” để che đậy việc dùng biện pháp chuyên chế cực đoan cá nhân, tiến hành đường lối của ông ta. Khi họp Bộ Chính trị, ông ta thường không lắng nghe ý kiến của các ủy viên khác. Thậm chí một mình ông ta thao thao bất tuyệt một, hai giờ đồng hồ, sau đó coi đây là chỉ thị hay nghị quyết của Đảng để thực hiện. Ngày 24-8-1991, khi chưa hề thực hiện bất cứ một trình tự pháp lý nào, thực chất là tự ý cá nhân, ông ta đã quyết định và tuyên bố giải tán BCH T.Ư Đảng CS Liên Xô.
Đường lối cán bộ là bộ phận rất quan trọng cấu thành đường lối tổ chức, chính vì vậy Stalin có một câu nói nổi tiếng rằng: Sau khi xây dựng được đường lối chính trị đúng đắn kinh qua sự kiểm nghiệm của thực tiễn, cán bộ đảng sẽ trở thành lực lượng quyết định đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Dưới thời Stalin, hầu như các sinh hoạt chính trị chỉ có tính dân chủ hình thức. |
Sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô gắn liền với một loạt sai lầm trong công tác cán bộ của Đảng. Điều lệ Đảng CS Liên Xô quy định: tổ chức Đảng các cấp đều phải do bầu cử, thế nhưng trên thực tế, dưới thời Stalin, một số ứng cử viên của tổ chức đảng các cấp thường do một số người quyết định. Việc bầu cử trong Đảng, thực chất chỉ là việc thực hiện một cách hình thức. Năm 1952, Đoàn chủ tịch Đại hội 19 – tương đương với Bộ Chính trị, gồm 25 người đều do Stalin và một, hai người nữa quyết định rồi công bố. Việc cá biệt một số nhà lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ thay vì tiến hành bầu cử bầu ra cơ quan lãnh đạo và thành viên cơ quan lãnh đạo đã làm mất đi sự giám sát cần có đối với nhiều nhà lãnh đạo, bất chấp ý kiến của đông đảo đảng viên và quần chúng. Điều đó tạo điều kiện để một số người, thậm chí là một số kẻ tham vọng, đề bạt người quen thân, tẩy chay người bất đồng ý kiến với mình. Hồi Khrushchev học tại trường đại học, đúng vào dịp đấu tranh trong Đảng đang diễn ra gay gắt, ông ta cũng như nhiều đảng viên khác đứng về phía Stalin. Đồng thời ông ta thông qua nhiều kênh, đặc biệt thông qua vợ của Stalin, bạn cùng học với ông ta ở đại học, để bắn tin tới Stalin cái gọi là “sự trung thành của mình”. Trong hồi ký, Khrushchev viết: Sở dĩ tôi được đề bạt vì Stalin luôn chú ý đến tôi qua vợ của ông, là Nadezhda. Bà luôn tán tụng tôi trước mặt Stalin, Stalin liền bảo Kananovich giúp đỡ tôi. Kể từ đó, Khrushchev a dua, nịnh bợ Stalin đến độ không gì có thể hơn được. Mấy chục năm sau, Gorbachev cũng có một hồi ức tương tự, ông ta kể rằng: Khi giữ chức Bí thư T.Ư Đảng, Chernenko bảo tôi, “Brezhnev biết đồng chí đứng về phía đồng chí ấy, trung thành với đồng chí ấy. Đồng chí ấy rất coi trọng điều này”.
Cũng chính bởi vứt bỏ chế độ tập trung dân chủ trong vấn đề cán bộ, tiêu chuẩn chính trị, nguyên tắc tài – đức trong việc tuyển chọn, đề bạt cán bộ của Đảng dần bị thay thế bởi quan hệ quen thân, cho nên hiện tượng xây dựng ê kíp, kéo bè, kéo cánh trong Đảng trở nên phổ biến. Dưới thời Brezhnev, khi xem xét, cân nhắc, đề bạt một ai đó, vấn đề quan trọng hàng đầu không phải là căn cứ vào năng lực của người đó, mà xem xem người đó có quan hệ với phe của Brezhnev hay không? Brezhnev tốt nghiệp Học viện Luyện kim Dneprodzerzhynsk, từng làm việc trong thời gian dài tại Ukraine, Moldova, Kazakhstan, Dnepropetrovsk. Nhiều người thân tín chung quanh ông ta đều là những kẻ không có đủ tài – đức, trong đó không ít người là cấp dưới và bạn bè ông ta ở những nơi ông ta từng học tập và công tác. Người ta gọi đây là phe Dnepropetrovsk. Phe Dnepropetrovsk từng oai phong, hiển hách một thời. Nikolai Tikhonov, con người tài – đức rất đỗi bình thường, nhưng do là đồng hương kiêm bạn học của Brezhnev mà được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.
Gorbachev lên nắm quyền làm một cuộc thay đổi nhân sự rầm rộ. |
Khi Gorbachev lên nắm quyền, ông ta ra sức phanh phui, thậm chí phóng đại tiêu cực trong Đảng, mượn đủ lý do để đề bạt người thân, làm một cuộc thay đổi lớn về nhân sự trong đội ngũ cán bộ. Đặc biệt là ông ta thẳng tay thay thế những cán bộ phản đối cái gọi là “cải tổ” của ông ta và kiên trì con đường XHCN. Đồng thời đề bạt những cán bộ ủng hộ chủ trương “tây hóa hoàn toàn” của ông ta. Lên nắm quyền hơn nửa năm, Gorbachev đã cải tổ Bộ Chính trị và Ban Bí thư, bổ sung tám người vào các vị trí ủy viên chính thức, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Cách chức hai người, đồng thời cách chức thay thế hơn 20 bộ trưởng và hàng chục lãnh đạo cấp bộ trong Hội đồng Bộ trưởng và các ban đảng. Chỉ trong mấy năm, 92,5phần trăm trong 150 bí thư khu ủy, thành ủy, tỉnh ủy bị thay đổi. Với các cán bộ làm việc trong lĩnh vực liên quan ý thức hệ, Gorbachev cất nhắc những người ủng hộ mình, tẩy chay những người phản đối. Trong giai đoạn 1986-1988, một loạt tờ báo có ảnh hưởng nhất tại Liên Xô đều có người mới tiếp quản, như: báo Tin tức, họa báo Đốm lửa, Tin tức Moscow, báo Sự thật, Đoàn Thanh niên cộng sản, tuần san Luận cứ và sự thực, báo Sự thật Moscow, báo Đoàn viên Thanh niên CS Moscow, tạp chí Tuổi trẻ, tạp chí Thế giới mới, Bộ Biên tập báo Sự thật, tạp chí Người đảng viên Đảng CS, báo Kinh tế đều có sự điều chỉnh lớn về nhân sự. Trong đó, Kosolapov, Chủ biên Tạp chí Người đảng viên Đảng CS, ấn phẩm lý luận quan trọng nhất của TƯ Đảng CS Liên Xô, người cực kỳ am hiểu lý luận chủ nghĩa Marx bị cách chức. Sau đó, các cơ quan báo chí rất có ảnh hưởng này bắt đầu “quạt gió châm lửa” khuynh đảo dư luận, góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô và sự giải thể của Liên Xô.
Đường lối cán bộ của Gorbachev đã tạo ra sự hỗn loạn chưa từng có trong đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, quân đội Liên Xô, đã làm tổn hại to lớn uy tín của Đảng CS Liên Xô, khiến đông đảo cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân không tin Đảng, lạnh nhạt với các nghị quyết và chỉ thị của Đảng. Tổ chức Đảng các cấp và đội ngũ cán bộ về cơ bản cũng trong tình trạng tê liệt, các chính sách và chỉ thị không ra khỏi điện Kremlin. Đến lúc này, Đảng CS Liên Xô đã rơi vào tình thế không thể nào cứu vãn nổi.
VI – Chân dung một số lãnh đạo Đảng CS Liên Xô
Lịch sử hơn 100 năm qua đã chứng minh, chính Đảng của giai cấp công nhân trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền cần phải có một đội ngũ lãnh đạo kiên trì và không ngừng phát triển chủ nghĩa Marx, đồng thời phải có tài tổ chức, vận động và lãnh đạo. Trong quá trình lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, xây dựng CNXH, cũng phải có một đội ngũ lãnh đạo kiên trì và phát triển Chủ nghĩa Marx, kiên trì định hướng XHCN, kiên trì đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng.
Trong lịch sử Đảng CS Liên Xô, Lenin là tấm gương về lãnh tụ. Lenin tham gia cách mạng từ khi còn trẻ. Trên con đường đi tìm chân lý, Người đã nhiều lần bị bắt, bị lưu đầy, sau đó lưu vong ở nước ngoài. Trải nghiệm cách mạng gian khổ đã khẳng định quyết tâm, ý chí của Người quyết lật đổ chế độ chuyên chế Sa hoàng, phấn đấu không mệt mỏi cho lý tưởng Cộng sản. Lenin kiên định tin theo và theo đuổi CNCS, điều này gắn chặt với quá trình không ngừng học tập và nghiên cứu Chủ nghĩa Marx của Lenin, giúp Người có sự quan sát và dự cảm sâu sắc về đặc trưng tình thế cách mạng và xu thế phát triển của thời đại bấy giờ. Sau Cách mạng Tháng Hai năm 1917, ở nước Nga có hai chính quyền cùng tồn tại. Một là chính quyền Xô Viết đại diện cho công nhân, binh sĩ. Hai là chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản. Khi đó Lenin đang ở nước ngoài. Người kiên quyết thực hiện chủ trương: thành quả cách mạng mà giai cấp công nhân giành được không thể giao lại cho giai cấp tư sản, và Đảng Bolshevik cần giành lấy chính quyền. Trong khi đó, một số lãnh đạo trong Đảng Bolshevik lại không đồng ý với lập trường của Lenin. Nhóm Kamenev cho rằng, Đảng Bolshevik chưa trưởng thành đến độ xây dựng được chuyên chính vô sản, bởi vậy cần phải ủng hộ chính phủ lâm thời.
Lenin không dựa vào uy tín cao trong Đảng để áp đặt quan điểm của mình. Người dùng các tranh luận để thuyết phục và tạo sự đồng thuận. Ảnh: Lenin thảo luận cùng Trosky và Kamenev. |
Tháng 4-1917, Lenin về Nga. Tại Đại hội đại biểu ở Petrograd, Lenin trình bày Luận cương tháng Tư, trong đó đưa ra quyết sách chuyển từ giai đoạn I là cách mạng dân chủ tư sản sang giai đoạn II là cách mạng XHCN. Nhóm Kamenev và Zinoviev phản đối chủ trương của Lenin. Nhiều người trong Đảng lúc đầu không hiểu ý đồ chiến lược trong Luận cương tháng Tư. Ngày 21-4-1917, Ủy ban Petrograd của Đảng Bolshevik thảo luận Luận cương của Lenin. Molotov kể lại trong hồi ký: Tôi chưa bao giờ phản đối Lenin, nhưng cho dù là tôi hay bất kì ai đó luôn sát cánh bên Lenin đều không hiểu rõ ngay ý tứ của Người. Tất cả những người Bolshevik khi đó đều nói về cách mạng dân chủ tư sản, nhưng Lenin lại nói về cách mạng XHCN. Khi đại đa số các đồng chí trong Đảng vẫn chưa lĩnh hội được chiến lược do mình nêu ra, Lenin đã hết sức kiên nhẫn, nhiệt tình trình bày một cách sâu sắc, căn cứ vào tính khách quan, mục tiêu chiến lược và sách lược, phản bác quan điểm sai lầm của người phản đối. Qua cuộc luận chiến, các đồng chí nhất thời chưa hiểu ra, đã thay đổi thái độ. Cuối cùng, Luận cương tháng Tư của Lenin đã được toàn Đảng chấp nhận, để chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng XHCN.
Trong Đảng Bolshevik, uy tín của Lenin cao hơn rất nhiều người khác, song Người luôn duy trì nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phát huy trí tuệ tập thể và sức mạnh tập thể. Năm 1921, Lenin đã viết thư cho Phó ủy viên T.Ư phụ trách ngoại giao của Liên Xô: “Đồng chí đã lặp lại không dưới một lần rằng, Trung ương chính là tôi, nhưng như thế là đồng chí đã nhầm. Đồng chí tuyệt đối không nên viết ra những lời như vậy!”. Dưới thời Lenin, T.Ư Đảng do Người lãnh đạo là tổ chức của những nhà chính trị có niềm tin mãnh liệt vào CNCS. Volovsky – nhà cách mạng Nga cùng thời với Lenin – đánh giá về Lenin như sau: “Ông rất giỏi trong việc tập trung kinh nghiệm và tri thức của từng người giống như tiêu điểm của thấu kính vậy, đồng thời biến chúng thành tư tưởng chung, khẩu hiệu chung trong phòng thí nghiệm trí tuệ phong phú của mình”.
Sau khi Lenin qua đời, T.Ư Đảng cần một người chèo lái mới, và trong các ứng cử viên có Trosky, Bukharin, Zinoviev, Stalin. Trosky không có một cương lĩnh hoàn chỉnh về xây dựng CNXH, thậm chí ông còn cho rằng CNXH không thể xây dựng thành công ở Liên Xô. Bukharin có một hệ thống phương án và chương trình xây dựng CNXH nhưng lại thiếu khả năng lãnh đạo. Zinoviev không thật sự nổi bật trên cả hai phương diện lý luận và tổ chức. Stalin mặc dù có những khuyết điểm nhưng ông có niềm tin chính trị kiên định và ý chí thép, năng lực tổ chức và khả năng vận dụng tổ chức hơn hẳn người khác. Stalin tham gia cách mạng rất sớm; từ năm 1902 đến năm 1913, từng tám lần bị bắt, bảy lần bị lưu đày, sáu lần trốn thoát khi bị lưu đày. Cuộc đấu tranh đã tôi luyện nên tính cách kiên cường của Stalin. Từ lúc tham gia cách mạng cho đến khi qua đời, niềm tin cách mạng của ông không hề lung lay. Trong suốt thời gian cầm quyền, điểm xuất phát và điểm đích của ông đều vì sự lớn mạnh của đất nước, vì sự sung túc của nhân dân.
Stalin là nhà cách mạng kiên cường. |
Uy tín của Stalin ngày càng tăng cao, quyền quyết sách tối cao trong Đảng dần dần tập trung vào tay ông. Mặc dù Stalin cho rằng sùng bái cá nhân là có hại, thậm chí không thể tha thứ, thậm chí ông nhiều lần tỏ rõ căm ghét sự sùng bái dành cho ông, nhưng trong sinh hoạt chính trị của Đảng và Nhà nước, có lúc ông quá tự tin vào trí tuệ của mình, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Đối với những người không cùng ý kiến trong tập thể lãnh đạo, có lúc Stalin dùng “bàn tay sắt”, thậm chí đã sử dụng phương thức đấu tranh tàn khốc. Kết quả là nhìn bề ngoài nội bộ Đảng có vẻ không có mâu thuẫn, mọi người đồng thuận, song nguyên tắc lãnh đạo tập thể đã bị vi phạm. Nghị quyết được nhất trí thông qua, song trên thực tế đã biến thành phục tùng ý chí của cá nhân lãnh tụ.
Mặc dù có những khuyết điểm nhưng không thể phủ nhận được đóng góp to lớn của Stalin đối với nhân dân Liên Xô và Đảng CS Liên Xô. Kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Stalin, Thủ tướng Anh khi đó là Churchill, phát biểu ý kiến tại Hạ viện, đã đánh giá về Stalin: “Trong những năm tháng thử thách ác liệt, chính Stalin – vị Thống soái thiên tài, kiên cường, bất khuất đã lãnh đạo đất nước mình. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao của nước Nga. Stalin là nhân vật kiệt xuất nhất. Ông đã sống cuộc đời mình trong những năm tháng phức tạp, khó lường, khắc nghiệt, tàn khốc. Ông đã để lại cho thời đại chúng ta những ấn tượng đáng kính. Lịch sử và nhân dân sẽ không bao giờ quên một người như thế”.
Sau khi Stalin qua đời, Đảng CS Liên Xô từng có thời kỳ đã nhấn mạnh trở lại nguyên tắc tập thể lãnh đạo, nhưng sau khi Khrushchev giữ chức Bí thư thứ nhất ĐCS Liên Xô vào năm 1957, quyền lực của Ban Chấp hành T.Ư một lần nữa tập trung vào Khrushchev.
Stalin đã thực hiện chính sách cứng rắn loại bỏ những cá nhân và ý kiến đối lập, trong quá trình nắm quyền lãnh đạo tối cao Liên Xô. Trong số đó, có những người là đồng chí, đồng đội thời gian khó. |
Khrushchev làm công nhân mỏ ở Ukraine, rồi trưởng thành trong chiến tranh cách mạng và chiến tranh Vệ quốc. Khrushchev từng có tình cảm trong sáng với cách mạng nhưng lại thiếu tu dưỡng về chủ nghĩa Marx. Molotov đã đánh giá về Khrushchev: “Ông ấy chưa từng mặn mà với những khái niệm như thế nào là chủ nghĩa Lenin, thế nào là chủ nghĩa Marx và cũng chưa từng nghĩ đến. Ông ta bế tắc về lý luận, chính vì vậy ông ta đi ngược lại với học thuyết về nhà nước và học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx. Tại Đại hội 22, ông ta đã nêu ra lý thuyết sai lầm “Nhà nước toàn dân”, “Đảng toàn dân”. Cương lĩnh mà ông ta ra sức chủ trương thông qua tại Đại hội đã hủy bỏ cốt lõi của Chủ nghĩa Marx là chuyên chính vô sản. Ông ta cảnh báo mọi người không được hấp tấp, nhưng ông ta lại đẩy sự hấp tấp đến mức cực đoan, tuyên bố rằng “Liên Xô về cơ bản phải xây dựng xong CNCS trong vòng 20 năm”. CNCS của ông ta chẳng qua chỉ là khoai tây cộng với thịt bò mà thôi”. Bắt đầu từ thời Khrushchev, Đảng CS Liên Xô dần dần đi xa rời một số nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marx, khiến Liên Xô bắt đầu chệch hướng, tạo mầm mống cho sự sụp đổ. Khrushchev phê phán tệ sùng bái cá nhân, chủ trương xét lại các sai lầm của Stalin, nhưng ông ta là một phần tử hai mặt, nhiều mưu mô, tham vọng. Tháng 3-1939, trong 20 phút phát biểu ý kiến tại Đại hội Đảng lần thứ 8, ông ta đã 32 lần ca tụng Stalin là thiên tài, người thầy, vị lãnh tụ vĩ đại nhất của nhân loại, vị tướng bách chiến, bách thắng và là… cha đẻ của mình… Hơn mười năm sau, chính Khrushchev lại là người nguyền rủa Stalin là hung thủ, cường đạo, tên độc tài lớn nhất trong lịch sử nước Nga… Ông ta trút mọi ngôn từ dơ dáy lên Stalin, phủ định công lao của Stalin với lịch sử và nhân loại. Nguyền rủa của ông ta với Stalin thực chất là sự lăng mạ nhân dân và Đảng CS Liên Xô, phủ định một số nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Marx – Lenin, CNXH. Khrushchev phản đối sùng bái cá nhân nhưng chính ông ta lại ra sức sùng bái cá nhân.
Khi Stalin còn sống, Khrushev luôn sát cánh và tỏ ra là người bạn chiến đấu trung thành. |
Khi giải quyết những vấn đề trọng đại liên quan vận mệnh của Đảng và đất nước, Khrushchev thiếu tư duy tỉnh táo và sự suy xét sâu xa, thường xuất phát từ ý muốn chủ quan, bồng bột nhất thời, thậm chí dùng biện pháp mạo hiểm cấp tiến để đạt mục đích. Năm 1961, Khrushchev tuyên bố tại Đại hội 22: Liên Xô đã bước vào thời kỳ triển khai toàn diện công cuộc xây dựng CNCS, sẽ cơ bản xây dựng xong xã hội cộng sản trong vòng 20 năm. CNCS mà Khrushchev đề cập không phải là lý luận khoa học của chủ nghĩa Marx, và hoàn toàn xa rời tình hình Liên Xô lúc bấy giờ. Đến khi Khrushchev bị hạ bệ, cái gọi là CNCS của ông ta vẫn chỉ là ảo ảnh. Ngày 14-10-1964, Khrushchev từ nơi nghỉ về Moscow chủ trì Hội nghị Đoàn chủ tịch T.Ư Đảng CS Liên Xô. Tại Hội nghị, các thành viên trong Đoàn chủ tịch đã chỉ trích, phê phán những sai lầm của Khrushchev trong chính sách đối nội, đối ngoại và ép ông ta tự nguyện về hưu. Khrushchev buộc phải ký vào văn bản từ chức. Nhà cải cách thô lỗ không có tố chất của một lãnh tụ đó đã bị hạ bệ, mãi cho đến khi qua đời ông ta vẫn không hiểu nguyên cớ do đâu. Nhà lãnh đạo mới thay thế là Brezhnev.
BREZHNEV xuất thân từ một gia đình công nhân ở Ukraine. Thời Stalin, sau khi học xong, Brezhnev làm quản lý kỹ thuật, rồi trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Trong chiến tranh Vệ quốc, Brezhnev làm lãnh đạo trong quân đội. Sau chiến tranh, ông liên tục giữ cương vị lãnh đạo Đảng tại địa phương. Có thể nói, Brezhnev đã chấm dứt sự hỗn loạn từ những cải cách thô thiển, sai lầm dưới thời Khrushchev. Có người đánh giá Brezhnev là một nhân tài làm việc theo nguyên tắc.
Cũng có người cho rằng, Brezhnev xử lý công việc khá chắc chắn nên mới duy trì được sự ổn định của Liên Xô trong 18 năm. Thời kỳ Brezhnev là thời kỳ ổn định hiếm có trong lịch sử Liên Xô. Trong 18 năm, kinh tế Liên Xô có sự phát triển nhất định, xã hội tương đối ổn định, đời sống người dân được nâng cao. Nhưng trong thời kỳ này cũng xuất hiện không ít hiện tượng tiêu cực. Đặc biệt cuối đời Brezhnev, lãnh đạo Đảng CS Liên Xô càng ngày càng xa rời sự thay đổi, phát triển của thời đại, xa rời yêu cầu của quần chúng nhân dân. Trong tư tưởng và hành động, họ tỏ ra bảo thủ, cứng nhắc, duy trì hiện trạng theo kiểu tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại, thiếu ý chí cách mạng tiến công.
Đời sống XH-CT Liên Xô dưới thời Brezhnev được coi là ổn định. |
Đầu những năm 80 của thế kỷ 20, xã hội Liên Xô xuất hiện những dấu hiệu khủng hoảng tương đối nghiêm trọng, một số mâu thuẫn ngày càng bộc lộ rõ. Tuy nhiên xã hội Liên Xô khi đó tương đối ổn định, chế độ y tế, giáo dục và dịch vụ công cộng có chất lượng khá cao. Nhân tài khoa học chiếm 1/4 thế giới, Liên Xô trở thành một trong hai siêu cường có vị trí hàng đầu trên trường quốc tế. Đây là lý do khiến ngày nay không ít người cho rằng, thời kỳ Brezhnev là thời kỳ người dân có được đời sống tốt nhất. Sau khi Brezhnev qua đời, Đảng CS Liên Xô trải qua thời kỳ quá độ tạm thời dưới sự lãnh đạo của Andropov và Chernenko. Đến tháng 3-1985, quyền lãnh đạo Đảng CS Liên Xô chuyển vào tay thế hệ lãnh đạo thứ năm do Gorbachev đứng đầu.
GORBACHEV sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng nông thôn Stavropol. Ông ta tốt nghiệp đại học ở Moscow. Thời trẻ, khi Gorbachev hình thành thế giới quan, cũng là thời kỳ Khrushchev phủ định hoàn toàn Stalin, phủ định lịch sử của Đảng, chủ trương Đảng toàn dân và Nhà nước toàn dân. Đối với Gorbachev, điều này để lại một ấn tượng làm lung lay, thậm chí sụp đổ niềm tin vào lý tưởng Cộng sản. Tháng 3-2001, trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Ngọn hải đăng Nga, Gorbachev nói: “Chúng tôi là những đứa con của Đại hội 20 Đảng CS Liên Xô. Lịch sử Liên Xô những năm 60 đã ảnh hưởng rất lớn tới chúng tôi. Thời trẻ chúng tôi tin theo Đảng, trung thành gia nhập Đảng, nhưng sau Đại hội 20, tư tưởng của chúng tôi bắt đầu có sự thay đổi”. Từ năm 1993, trong một năm rưỡi, Gorbachev nhiều lần nói chuyện với nhà hoạt động xã hội Nhật Bản Daisaku Ikeda. Họ cùng xuất bản cuốn sách Đối thoại, bài học tinh thần của thế kỷ XX. Trong đó, Gorbachev không chỉ chĩa mũi dùi vào Stalin mà còn chĩa thẳng vào Lenin, chĩa thẳng vào Marx, vào chủ nghĩa Marx – một học thuyết đã chỉ rõ quy luật phát triển của xã hội loài người và được thực tiễn chứng minh là đúng đắn.
Tháng 6-1988, Gorbachev phát biểu ý kiến: Liên Xô cần thực hiện một nền dân chủ không hạn chế (!). Cũng trong tháng đó, cái gọi là Tổ chức Phi chính thức tổ chức mít-tinh tại trung tâm Moscow. Họ giơ biểu ngữ đòi hủy bỏ cơ quan tư pháp và hành pháp của Nhà nước Liên Xô, đòi có quyền tham gia bầu cử vào Xô Viết, công khai chủ trương thực hiện đa đảng. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19 tổ chức tại Moscow ngày 28-6 đến 1-7-1988, Gorbachev đọc báo cáo có nhan đề Tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội 27 Đảng CS Liên Xô và nhiệm vụ đi sâu cải tổ. Ông ta đưa ra một loạt phương án cải tổ với mục tiêu xây dựng mô hình mới là “CNXH dân chủ nhân đạo”. Đây thực chất là sự phủ nhận triệt để lý luận cơ bản chủ nghĩa Marx, áp dụng chế độ chính trị của tư bản phương Tây; thực hiện đa đảng qua cái gọi là phân chia lại quan hệ quyền lực giữa Đảng với Xô Viết; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô với tư cách là Đảng cầm quyền, làm lung lay nền tảng giai cấp và nền tảng xã hội của Đảng. Sau Đại hội này, tính công khai không hạn chế và dân chủ kiểu phương Tây đã nhanh chóng tạo ra một loạt cái gọi là các tổ chức độc lập trong đời sống chính trị Liên Xô.
Tại Đại hội 27, Gorbachev đưa ra mô hình “CNXH Dân chủ nhân đạo”. Chỉ sau đó vài năm, CNXH biến mất khỏi đường lối chính trị của Liên Xô. |
Ngày 28-12-1987, bài xã luận trên báo Sự thật cho biết: Liên Xô khi đó có trên 30.000 tổ chức đoàn thể phi chính thức. Những tổ chức này ngang nhiên tuyên truyền chống Cộng, hô hào thành lập Đảng đối lập và công đoàn độc lập. Ngày 28-6-1988, diễn ra Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Đảng CS Liên Xô và Hội nghị này trở thành bước ngoặt cơ bản thay đổi chế độ chính trị của Liên Xô. Trước Hội nghị 19, Đảng CS Liên Xô là hạt nhân lãnh đạo của đất nước, Bộ Chính trị là cơ quan quyết sách tối cao, Ban Bí thư giúp Bộ Chính trị xử lý công tác chính trị, tổ chức hằng ngày. Sau Hội nghị 19, bộ máy lãnh đạo Liên Xô tiến hành cải tổ, giải tán 23 ban trước đây trực thuộc T.Ư Đảng. Các cuộc họp của Bộ Chính trị ít dần, thậm chí mấy tháng không họp. Bộ máy tối cao của Nhà nước cũng khởi động cơ chế phân quyền nhằm làm suy yếu và để tiến tới phủ nhận vai trò của Đảng. Đảng CS Liên Xô mất quyền kiểm soát tình hình. Ngày 25-5-1989, Liên Xô tổ chức Đại hội Đại biểu nhân dân lần thứ nhất, thực hiện phương án cải tổ của Gorbachev, một loạt thành viên phe đối lập chính trị trong và ngoài Đảng, tiêu biểu là Yeltsin, được bầu làm đại biểu nhân dân Liên Xô.
Tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ nhất, gần như mỗi thời khắc, mỗi vấn đề đều có sự đấu tranh gay gắt. Hàng triệu công nhân Nga ngồi xem truyền hình trực tiếp. Những gì họ nhìn thấy là một cảnh hỗn loạn. Từ tháng 10 đến tháng 12-1989, Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ hai, các đại biểu của đoàn nghị sĩ khu vực như Sakharov, Popov một lần nữa kêu gọi đưa việc sửa đổi Điều 6 trong Hiến pháp vào chương trình nghị sự. Hội nghị toàn thể T.Ư Đảng CS Liên Xô tháng 2-1990 là hội nghị quan trọng của quá trình thực hiện đa đảng. Yeltsin đại diện cho “phe dân chủ” phát biểu: cần phải chuyển chế độ độc đảng sang chế độ đa đảng, đồng thời chuẩn bị phối hợp hành động với các chính đảng khác. Gorbachev hoan nghênh quan điểm này, ông ta nói, cần sửa đổi Hiến pháp Liên Xô, cần hủy bỏ quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô trong Hiến pháp.
Ngày 12-3-1990, Đảng CS Liên Xô tổ chức Đại hội đại biểu bất thường lần thứ ba. Đại hội thông qua nghị quyết về lập chức tổng thống Liên Xô và luật bổ sung sửa đổi Hiến pháp Liên Xô. Lời đề tựa, trước hết xóa đi vai trò lãnh đạo của Đảng CS, đội tiên phong của toàn thể nhân dân, đồng thời nội dung trong Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô cũng bị sửa đổi. Điều này thực chất là xóa bỏ cơ sở pháp lý của việc Đảng CS Liên Xô cầm quyền suốt 73 năm kể từ sau Cách mạng Tháng Mười. Hiến pháp sửa đổi còn thêm một chương về Tổng thống Liên Xô. Sau đó bầu Gorbachev làm Tổng thống đầu tiên.
Tháng 7-1990, trong Báo cáo đọc tại Đại hội 28, Gorbachev lại ra vẻ mà nói rằng, Đảng CS Liên Xô thông qua bầu cử, giành lấy và duy trì vị thế của Đảng cầm quyền… Thực chất là che đậy âm mưu của ông ta muốn phá hủy Đảng CS Liên Xô. Sau Hội nghị toàn thể T.Ư tháng 2-1990 và Đại hội đại biểu nhân dân bất thường Liên Xô, vai trò lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô đã mất đi sự bảo vệ của Hiến pháp. Trong khi đó, các tổ chức phi chính thức của phe đối lập chưa đăng ký nhưng đã hoạt động có tính chất như chính đảng, lại được bảo đảm của Hiến pháp giống như địa vị của Đảng CS Liên Xô. Sau khi lên nắm quyền, Gorbachev cử Yeltsin làm Bí thư thứ nhất Thành ủy Moscow. Để có vốn liếng chính trị, Yeltsin liền mượn danh nghĩa này để công kích tình trạng tham nhũng của tầng lớp đặc quyền, từ đó ra sức công kích các đồng chí kiên trì đường lối đúng đắn trong Đảng. Yeltsin chĩa mũi nhọn vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng CS Liên Xô, nhất là Ligachev (Li-ga-chốp) – nhân vật thứ hai trong Đảng kiên trì con đường XHCN. Yeltsin kiên trì công kích sự chậm chạp trong tiến trình cải cách của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, đồng thời phê phán tác phong làm việc của Ligachev. Tuy nhiên, ông ta đã gặp phải sự phê phán của hầu hết Ủy viên T.Ư Đảng. Sau đó không lâu, Yeltsin bị cách chức Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư thứ nhất Thành ủy Moscow, nhưng Gorbachev vẫn để Yeltsin làm Ủy viên T.Ư Đảng và chuyển sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng Nhà nước. Ngày 29-5-1990, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Liên bang Nga, với 535 phiếu tán thành, 502 phiếu chống, Yeltsin trúng cử chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên bang Nga, với kết quả nhiều hơn bốn phiếu so với số phiếu luật định. Từ đó ông ta giành được quyền lực cao nhất.
Yeltsin nhận được sự che chở của Gorbachev vì là người rất hăng hái trong việc công kích những cá nhân kiên định con đường XHCN trong Đảng CS Liên Xô. |
Tháng 7-1990, Yeltsin tuyên bố ra khỏi Đảng. Ngày 9-6-1991, Liên bang Nga tổ chức tổng tuyển cử tổng thống lần đầu tiên, Yeltsin đã đánh bại ứng cử viên Bacatin do Gorbachev đề cử, trúng cử chức Tổng thống Liên bang Nga. Một tháng 8 ngày sau, tức ngày 20-7-1991, Yeltsin ban bố sắc lệnh phi đảng hóa và tuyên bố nghiêm cấm hoạt động của các chính đảng trong cơ quan nhà nước các cấp cũng như các đoàn thể quần chúng và doanh nghiệp cơ sở, tức là chĩa thẳng mũi dùi vào Đảng CS Liên Xô. Ông ta đã giáng một đòn cuối cùng vào sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô và sự giải thế của Liên Xô. Đối với một Đảng cầm quyền, khi người bảo vệ hàng đầu cho các nguyên tắc mà nó dựa vào để sinh tồn và phát triển lại biến thành người đi đầu phá hoại các nguyên tắc đó, nếu không bị ngăn chặn kịp thời, chính đảng ấy sẽ đi đến vực thẳm của thảm họa.
VII – Các thế lực thù địch tiến công Đảng CS Liên Xô bằng “diễn biến hòa bình”
Dưới thời Khrushchev, các thế lực chống cộng và chính quyền phương Tây căn cứ vào tình hình đã tăng cường thực thi “diễn biến hòa bình”, âm mưu phương Tây hóa, phân hóa Liên Xô. Từ khi nắm quyền, Reagan chủ trương ngoại giao cân bằng, thẩm thấu tư tưởng, văn hóa với Liên Xô và các nước Đông Âu qua truyền bá quan điểm phương Tây về tự do, nhân quyền với hạt nhân là lợi ích cá nhân. Reagan cho rằng, trong cuộc đấu tranh giữa CNTB và CNXH, nhân tố quyết định cuối cùng không phải là đọ sức đạn hạt nhân và tên lửa mà là cuộc đọ sức của ý chí và tư tưởng.
Mở cửa đưa luồng gió dân chủ – tự do phương Tây kèm những điều khoản về viện trợ kinh tế, Gorbachev hy sinh nhiều lợi ích quốc gia của Liên Xô. |
Trong khi đó, Gorbachev lại ra sức cổ súy cho cái gọi là tư duy mới chính trị quốc tế. Ông ta tuyên bố, sự sinh tồn và lợi ích toàn nhân loại cao hơn tất cả; Liên Xô và Hoa Kỳ ngoài việc lĩnh hội đạo lý vĩ đại cùng nhau sinh tồn thì không có một lựa chọn nào khác. Điều này về cơ bản là xóa bỏ một sự thật hiển nhiên: giữa CNXH và CNTB, giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản vẫn tồn tại một cuộc đấu tranh quyết liệt. Thế lực chống Cộng ở phương Tây nhận thấy thời cơ đã đến, liền triển khai toàn diện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Và Gorbachev, với tư cách Tổng Bí thư Đảng CS Liên Xô, lại mở toang cánh cửa để đón chúng vào. Phương Tây hóa, phân hóa Liên Xô là sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để thẩm thấu ý thức hệ. Hai đài phát thanh được thành lập ở Tây Âu nhằm vào Liên Xô, là đài Châu Âu tự do và đài Tự do, hằng ngày phát thanh bằng sáu thứ tiếng, đưa tin về các sự kiện quốc tế, các sự kiện tại Liên Xô và các nước Đông Âu; tuyên truyền thành tựu, lối sống và giá trị quan của xã hội phương Tây. Bên cạnh đó là đài BBC phát bằng 40 thứ tiếng, rồi đài Sóng điện Đức bằng 35 thứ tiếng. Bốn đài phát thanh này hằng ngày chĩa vào Liên Xô và Đông Âu, với trọng điểm là phủ định lịch sử cách mạng Liên Xô, phóng đại, thổi phồng những vấn đề xã hội của Liên Xô và các nước Đông Âu, kích động tâm lý bất mãn, hướng sự bất mãn này vào Đảng CS và chế độ XHCN.
Người ta tài trợ cho một số cơ quan nghiên cứu lập phương án đánh vào những tình cảm nhân dân Liên Xô dành cho Lenin và Stalin. Các tác phẩm chống Lenin, Stalin xuất hiện đầy rẫy trên các báo, đài phát thanh, đài truyền hình, phim ảnh,… Họ kích động nhân dân Liên Xô đề nghị mai táng thi hài Lenin. Phương Tây còn ca tụng tư duy cải tổ của Gorbachev, nhằm làm suy yếu và hủy bỏ uy tín của Đảng CS Liên Xô, của chế độ XHCN, tuyên truyền cho cái gọi là cuộc sống tươi đẹp ở phương Tây và tính ưu việt của chế độ tư bản. Phương Tây rất chú trọng dùng lối sống và sự tiêu dùng của nó để tác động và ảnh hưởng đến đông đảo khán giả Liên Xô, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên. Gorbachev không những mất cảnh giác, mà còn cổ vũ việc tiếp nhận ảnh hưởng từ phương Tây. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị năm 1985, Gorbachev đã nói: “Người Liên Xô phải tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài, đừng sợ, rồi mọi người sẽ thấy thế giới thật bao la, muôn mầu muôn vẻ”.
Tháng 12-1988, Liên Xô ngừng gây nhiễu những đài phát thanh phương Tây vốn được coi là đài phản động, đồng thời chi bốn triệu rúp nhập khẩu báo chí của phương Tây về bán công khai, điều này đã tiếp thêm sức tiến công của phương Tây vào Liên Xô. Trước và sau những năm 90, trào lưu tư tưởng vứt bỏ CNXH trong xã hội Liên Xô lên đến cao trào. Và không ít thế lực chính trị quyết định quay lưng với CNXH, đi thẳng đến CNTB. Điều này hoàn toàn phù hợp với một định nghĩa của phương Tây về cuộc tuyên truyền hữu hiệu nhất là “tuyên truyền để đối tượng đi theo hướng mà ta chỉ định nhưng lại làm cho đối tượng lầm tưởng rằng hướng đó là do đối tượng tự quyết định”.
Yeltsin luôn được chào đón ở phương Tây. Trong ảnh, Yeltsin gặp gỡ James Baker, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tại Nhà Trắng. |
Thủ đoạn thứ hai mà người ta đã áp dụng là viện trợ kinh tế, thương mại, kỹ thuật để dẫn dụ công cuộc cải tổ của Liên Xô theo hướng phương Tây mong muốn. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ đã lợi dụng Ủy ban tổng trù bị Paris bí mật thành lập tháng 11-1949 để phong tỏa cấm vận và hạn chế thương mại với các nước XHCN, coi đây là thủ đoạn để dụ và ép các nước CNXH nhượng bộ chính trị. Từ năm 1989, Gorbachev bắt đầu cải tổ cơ bản về thể chế chính trị, dẫn đến động loạn xã hội và mâu thuẫn dân tộc. Tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, Gorbachev liền cong lưng, quỳ gối xin cầu viện từ phương Tây. Phương Tây thấy rằng, công cuộc cải tổ Gorbachev thực hiện tại Liên Xô phù hợp với yêu cầu của mình, liền ra sức bày tỏ sẵn sàng viện trợ. Gorbachev cũng hy vọng vào sự thành công của cuộc cải tổ, vào sự bố thí của phương Tây.
Tháng 5-1991, Gorbachev cử nhà kinh tế học Yalinski đi Hoa Kỳ cùng các chuyên gia Đại học Harvard lập kế hoạch Harvard. Theo đó, mỗi năm phương Tây viện trợ cho Liên Xô từ 30 tỷ – 50 tỷ USD, tổng cộng trong 5 năm là 150 -200 tỷ USD, nhưng Liên Xô phải thực hiện tư hữu hóa, dân chủ hóa triệt để, đồng thời cho các dân tộc quyền tự quyết… Chương trình này kèm theo cả điều kiện gắn với tình hình cải tổ của Liên Xô, cứ nửa năm xem xét một lần. Theo cách nói của phương Tây thì cải tổ nhiều viện trợ nhiều, cải tổ ít viện trợ ít, không cải tổ không viện trợ. Tuy nhiên, viện trợ của phương Tây chỉ là mồi nhử. Tổng thống Nixon khi đó đã nói: Lợi ích chiến lược lúc này không phải là cứu vớt Moscow về kinh tế mà là phá hủy chế độ XHCN ở Liên Xô. Ngày 16-7-1991, Gorbachev mang các văn kiện, trong đó có kế hoạch Harvard, đến London gặp gỡ bảy nguyên thủ phương Tây xin viện trợ. Nhưng kết quả lại làm ông ta vô cùng thất vọng, bảy nước phương Tây không hề cam kết bất cứ một khoản viện trợ nào. Dù vậy, Gorbachev vẫn làm theo kế hoạch Harvard, đưa công cuộc cải tổ ở Liên Xô vào con đường theo hướng phương Tây dẫn dụ. Nhờ đó, Gorbachev nhận được danh hiệu mỹ miều do phương Tây ban tặng là “nhà cải tổ vĩ đại”, đồng thời nhận được giải Nobel hòa bình năm 1990. Các tập đoàn tư bản ở các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Anh, Đức,… còn cung cấp cho Gorbachev rất nhiều tiền dưới hình thức nhuận bút và hình thức khác. Tác phẩm đầu tiên của vợ ông là Raisa xuất bản tại Hoa Kỳ, lập tức được trả ba triệu USD tiền nhuận bút.
Thủ đoạn thứ ba mà người ta áp dụng là lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp công việc nội bộ của Liên Xô. Lâu nay, phương Tây vẫn lợi dụng vấn đề nhân quyền để công kích và bôi nhọ chế độ XHCN, rêu rao rằng chế độ XHCN chà đạp quyền công dân. Họ kết hợp giữa ngoại giao nhân quyền với thẩm thấu ý thức hệ và chính trị, lợi dụng cái gọi là nhân quyền nhằm gây sức ép với các nước XHCN. Sau khi Hiệp định Helsinki được ký kết năm 1975, các nước phương Tây đã hỗ trợ cho các phần tử chống đối ở Liên Xô rất mạnh mẽ. Sự hỗ trợ này gồm cả vật chất, tiền bạc, trong đó có cả những vinh dự hão.
Năm 1977, Tổng thống Carter đã tiếp A.I Solzhenitsyn, tác giả cuốn Quần đảo Gulag. Ông ta còn đích thân gửi thư cho một nhân vật khác là Sakharov, bày tỏ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lời hứa là thúc đẩy nhân quyền tại nước ngoài. Tháng 4-1979, Hoa Kỳ dùng hai điệp viên Liên Xô bị bắt tại Hoa Kỳ để trao đổi với năm người vốn đối đầu với Đảng CS và chính quyền Xô Viết, nhằm ủng hộ những người này. Tháng 12-1979, chính phủ Carter tổ chức Tuần nhân quyền để gây sức ép với Liên Xô, tạo thanh thế cho các phần tử chống đối. Năm 1989, riêng khoản ngân sách QH Hoa Kỳ dành cho thúc đẩy cái gọi là dân chủ đã lên 25 triệu USD. Số tiền này chủ yếu để phát triển và ủng hộ những phần tử chống đối tại các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô. Đầu những năm 80 của thế kỷ 20, hoạt động chống đối tại Liên Xô dần suy yếu. Nhưng, với việc Gorbachev thực hiện công khai và dân chủ hóa, các tổ chức phi chính thức và các ấn phẩm tuyên truyền cho tự do hóa tư sản dưới nhiều hình thức đã phát triển như nấm sau mưa. Gorbachev đã hoàn toàn bị khuất phục trước cuộc tiến công về nhân quyền, cũng như sức ép từ phương Tây, trong đó nổi bật là việc khôi phục quyền cho Sakharov.
Sakharov là cha đẻ bom H của Liên Xô. Hoa Kỳ ra sức ủng hộ ông ta chống đối chế độ XHCN. Đầu năm 1980, ông ta bị cưỡng chế đến sống ở thành phố Gorky. Nhưng ngày 16-12-1986, Gorbachev đích thân gọi điện thoại mời ông ta trở lại Moscow, cấp biệt thự và khuyến khích tham gia hoạt động chính trị. Sau đó, chính quyền còn chấp thuận ý kiến của Sakharov, trả tự do cho 140 nhân vật chống đối khác. Tháng 3-1989, Sakharov tranh cử đại biểu nhân dân Liên Xô nhưng thất bại. Lập tức, Gorbachev tăng chỉ tiêu cho Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, giúp ông ta đắc cử. Sau đó Sakharov trở thành một trong các nhân vật lãnh đạo đoàn nghị sĩ liên khu vực chống đối Đảng CS Liên Xô hung hãn nhất. Tháng 12-1989, Sakharov qua đời vì bệnh tật, Gorbachev bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn tuyên bố: “Đây là tổn thất lớn lao”.
Do thái độ này của Gorbachev, ngày càng có nhiều phong trào chống đối được công khai hóa, hợp pháp hóa. Đảng CS Liên Xô bất lực, để cho phe chống Cộng, chống CNXH tiến công điên cuồng hơn. Gorbachev không những cho phép các tổ chức phi chính thức tồn tại mà còn đồng ý cho thành lập các đảng dựa trên các tổ chức phi chính thức, tiến tới thực hiện chế độ đa đảng. Để rồi đảng đối lập đã giành chính quyền tại một loạt địa phương dưới cái gọi là bầu cử tự do. Ngày 28-12-1987, xã luận đăng trên báo Sự thật cho biết, Liên Xô khi đó đã có hơn 30.000 tổ chức, đoàn thể phi chính thức. Những tổ chức này ngang nhiên hô hào chống Xô Viết, chống Cộng, tuyên truyền thành lập các tổ chức đảng và công đoàn độc lập.
Cả Gorbachev và Yeltsin đều làm rất tốt điều mà phương Tây mong muốn trong việc làm tan rã sức mạnh của Nhà nước và Đảng CS Liên Xô. |
Thủ đoạn thứ tư trong chiến lược phương Tây hóa, phân hóa Liên Xô mà người ta tiến hành là thò tay vào vấn đề dân tộc, phá hoại quan hệ dân tộc, tạo động loạn trong nội bộ Liên Xô.
Trên thực tế, từ lâu ở Liên Xô đã tồn tại một số vấn đề dân tộc, việc Gorbachev thực hiện chính sách dân chủ hóa giữa các dân tộc khiến các vấn đề này ngày càng phức tạp, từ đó làm cho xung đột dân tộc nghiêm trọng hơn. Các nước phương Tây đã tranh thủ cơ hội, đổ dầu vào lửa. Ngay sau khi Liên Xô thực hiện chương trình cải tổ, một số nghị sĩ Hoa Kỳ đã tới Latvia kích động vấn đề dân tộc ở Liên Xô, công khai tuyên bố rằng Hoa Kỳ chưa bao giờ thừa nhận sự vị trí của Liên Xô với các nước vùng biển Baltic, và nhân dân vùng biển Baltic có quyền quyết định độc lập hay không.
Mùa xuân năm 1989, khi phong trào ly khai diễn ra sôi sục tại ba nước cộng hòa vùng ven biển Baltic, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô đã gặp gỡ các thế lực ly khai tại địa phương, tìm hiểu ý đồ, chương trình hành động của họ rồi bày tỏ sự ủng hộ. Từ đó tiếp tục đẩy lên thành “Phong trào con đường biển Baltic” với sự tham gia của hai triệu người dân, thể hiện quyết tâm ly khai. Trong thời gian này, họ công khai nêu khẩu hiệu “Đả đảo Đảng CS Liên Xô” và đòi tách khỏi Liên Xô. Ngày 1-12-1989, nguyên thủ hai nước Hoa Kỳ và Liên Xô gặp nhau tại Malta. Bush gây áp lực với Gorbachev: không được dùng vũ lực với ba nước ven biển Baltic, nếu không làn sóng chống Xô sẽ tràn khắp Hoa Kỳ. Bush còn nhiều lần gặp lãnh đạo phong trào ly khai vùng Baltic bày tỏ sự ủng hộ đối với họ. Tháng 1-1991, tình hình Lithuatania (Lít-va) trở nên căng thẳng, Mỹ lập tức lên án quân đội Liên Xô khiêu khích, đòi Liên Xô quay về bàn đàm phán, đồng thời thông qua các kênh ngoại giao bày tỏ lập trường cứng rắn với Liên Xô. Đích thân Bush gọi điện cho Gorbachev yêu cầu ông ta thực hiện lời cam kết không sử dụng vũ lực với các nước cộng hòa vùng Baltic, nếu không sẽ ngừng viện trợ cho Liên Xô. Dưới sức ép của Hoa Kỳ, ngày 30-1, Gorbachev ra lệnh cho lực lượng quân nhảy dù và bộ binh đã được phái đến kiểm soát tình hình ở Lithuatania rút khỏi Lithuatania, đồng thời cam kết với Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy tiến trình chính trị theo con đường “kiên trì Hiến pháp”, mong muốn đối thoại cùng lực lượng ly khai ven biển Baltic. Kể từ đó, chính quyền Trung ương Liên Xô mất đi quyền kiểm soát với ba nước cộng hòa này. Sự thắng thế của lực lượng ly khai ba nước vùng Baltic đã dẫn đến hiệu ứng domino đòi giải thể Liên Xô.
Thủ đoạn thứ năm, cũng là thủ đoạn chí tử nhất mà Hoa Kỳ và phương Tây áp dụng trong chiến lược phương Tây hóa và phân hóa với Liên Xô là trăm phương nghìn kế hỗ trợ thế lực chống đối trong nội bộ Đảng CS Liên Xô, ra sức nâng đỡ những kẻ rắp tâm phá hủy Đảng CS Liên Xô và chính quyền Xô Viết. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô đã tiếp xúc với Yeltsin. Sự hăng hái của Yeltsin trong việc chống cộng, chống CNXH đã để lại cho Đại sứ Hoa Kỳ ấn tượng sâu sắc. Hoa Kỳ coi Yeltsin là đối tượng vận động trọng điểm, dồn toàn lực ủng hộ mọi hành động của ông ta nhằm chống lại T.Ư Đảng CS Liên Xô, chống lại chính quyền Liên bang, chia rẽ Đảng CS Liên Xô và chia rẽ Liên Xô. Sau khi Yeltsin bắt đầu có xung đột với Gorbachev, bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị, họ tìm cách lợi dụng mọi cơ hội để tiếp xúc mật thiết hơn với ông ta. Năm 1989, Yeltsin được bầu làm đại biểu nhân dân Liên Xô và vào Xô Viết tối cao. Tháng 9 năm đó, Yeltsin thăm Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ phá lệ thông thường, tiếp đón trọng thị nhân vật này trong một chuyến thăm phi chính thức. Tổng thống, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao, cựu Tổng thống Reagan đều lần lượt gặp gỡ Yeltsin. Về nước, Yeltsin tăng cường các hoạt động chống Cộng. Ông ta vận động thay đổi Hiến pháp để xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô. Bên trong Đảng, ông ta lãnh đạo phe cương lĩnh dân chủ âm mưu phá hoại triệt để Đảng CS Liên Xô, giành lấy quyền lãnh đạo Đảng CS Liên Xô. Hoa Kỳ đứng ngoài can thiệp, thúc đẩy Yeltsin và Gorbachev bắt tay hợp tác. Đây thực chất là hành động can thiệp trực tiếp vào hoạt động đấu tranh chính trị ở Liên Xô. Năm 1991, Yeltsin đắc cử Tổng thống Liên bang Nga. Ngay lập tức, Hoa Kỳ vội mời Yeltsin sang thăm và dành cho ông ta nghi lễ đón tiếp đối với một nguyên thủ quốc gia (dù lúc đó Yeltsin vẫn chưa nhậm chức). Không chỉ Tổng thống Bush có cuộc hội đàm rất dài với Yeltsin mà cả Phó Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Thương mại, lãnh đạo Thượng Nghị viện cũng như lãnh đạo Liên đoàn lao động, Liên đoàn sản xuất, những ông chủ của các tập đoàn lớn, lãnh đạo các đoàn thể lần lượt hội kiến Yeltsin. Yeltsin đã báo đáp ân huệ mà Hoa Kỳ dành cho mình. Tháng 12-1991, trước khi mật bàn với lãnh đạo Ukraine về việc giải thể Liên Xô, ông đã ta thông báo việc này với Hoa Kỳ và được Hoa Kỳ ủng hộ.
Đêm trước sự kiện chính biến ngày 19-8, một nhân sĩ ở Liên Xô là Popov đã mật báo với Đại sứ Hoa Kỳ rằng, có người đang hoạch định một âm mưu lớn. Sau sự kiện 19-8, Tổng thống Hoa Kỳ hai lần điện thoại cho Yeltsin để trấn an tinh thần và cổ vũ ông ta. Các nước phương Tây cũng tỏ rõ ràng lập trường ủng hộ Yeltsin. Thủ tướng Tây Ban Nha tuyên bố phong tỏa 200 triệu USD viện trợ dành cho Liên Xô, chỉ trích Liên Xô có nguy cơ quay lại thời chiến tranh lạnh. Nhật Bản lên án Ủy ban tình trạng khẩn cấp của Liên Xô là không hợp pháp và tuyên bố dừng viện trợ. Lãnh đạo Đức bày tỏ sự ủng hộ với Yeltsin về việc “khôi phục trật tự Hiến pháp”. Lãnh đạo Pháp công kích mạnh mẽ Ủy ban tình trạng khẩn cấp của Liên Xô, yêu cầu Cộng đồng châu Âu tổ chức cuộc họp cấp cao về tình hình Liên Xô. Ngân hàng Thế giới tuyên bố tạm dừng thảo luận kiến nghị về viện trợ kỹ thuật cho Liên Xô.
Sự thoái hóa và phản bội trong nội bộ là bài học lớn nhất trong các bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô. |
Lúc này, Gorbachev sát cánh cùng Yeltsin để đối phó Ủy ban tình trạng khẩn cấp khi đó đang muốn cứu Liên Xô. Ban lãnh đạo Đảng CS Liên Xô đứng đầu là Gorbachev từ chỗ khuất phục đến chào đón chiến lược phương Tây hóa, phân hóa, cộng thêm nội công ngoại kích của lực lượng chống đối Đảng CS Liên Xô, đã đẩy Đảng CS Liên Xô đi vào cảnh cùng đường trong cuộc chiến không có khói súng. Đảng CS Liên Xô từ hưng thịnh đến bại vong, đất nước Liên Xô từ lớn mạnh đến tan vỡ. Sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô, sự chấm dứt của chế độ XHCN ở Liên Xô, sự giải thể của Liên Xô với tư cách là một quốc gia thống nhất đa dân tộc là sự kiện chính trị phức tạp do nhiều nguyên nhân tổng hợp gây nên. Bao gồm nhân tố trong và ngoài nước, trong và ngoài Đảng, nhân tố lịch sử và hiện thực, nhân tố kinh tế, nhân tố chính trị, nhân tố văn hóa, tư tưởng và cả nhân tố xã hội… Thế nhưng, là rường cột của đất nước và nhân dân Liên Xô, là cốt thép của sự nghiệp XHCN ở Liên Xô, sự thoái hóa và biến chất trong nội bộ Đảng CS Liên Xô chính là một nhân tố chủ yếu bên trong dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của tòa lâu đài kiên cố này.
Cuối năm 2005, kết quả một cuộc điều tra dư luận của hai cơ quan mang tính trung lập nổi tiếng ở Nga cho thấy: 66phần trăm người Nga ngày nay cảm thấy nuối tiếc cho sự sụp đổ của Liên Xô; 76phần trăm số người cho rằng Liên Xô có rất nhiều điểm đáng để tự hào; 72phần trăm và 80phần trăm số người được hỏi lần lượt cho rằng thời Gorbachev và Yeltsin đã đi con đường sai lầm; chỉ có 1phần trăm số người được hỏi mong muốn sống dưới thời Yeltsin. Sau khi nhậm chức tổng thống Nga vào năm 2001, Putin từng nhiều lần chỉ thị cần phải chấm dứt tình trạng hỗn loạn trong sách giáo khoa lịch sử, cần phải bồi đắp niềm tự hào của thế hệ thanh niên với Tổ quốc và lịch sử. Tháng 7-2004, Bộ Giáo dục Nga xuất bản lại bộ giáo trình tóm tắt lịch sử Đảng CS Liên Xô Bolshevik. Những năm gần đây, Nga xuất bản nhiều sách khẳng định công lao to lớn của Stalin, trong đó tiêu biểu nhất là cuốn Đại nguyên soái Stalin (Kapov) và cuốn Stalin của Emily Ianov. Tượng Stalin từng bị đẩy đổ vào những năm 50 của thế kỷ 20 đã được dựng lại ở một số địa phương ở Nga vào dịp chuyển giao thế kỷ. Gần đây, giới lý luận Nga dấy lên một cuộc tranh luận rầm rộ, trong đó tuyệt đại đa số đều phê phán chủ nghĩa tự do mới đã gây nên thảm họa khôn cùng cho nước Nga, và khẳng định di sản của Marx ngày nay vẫn còn giá trị quan trọng.
Ngày 8-12-2004, trong bài viết dài kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Stalin, Chủ tịch Đảng CS Nga Zuganov nói: Những năm gần đây trong bối cảnh đất nước suy tàn, hỗn loạn và khủng hoảng liên tiếp, sự quan tâm của mọi người trong việc suy xét đánh giá lại Stalin ngày càng tăng. Đó là sự thật ai cũng rõ. Zinoviev là người gần như cả đời chỉ có biết đến việc phê phán Stalin và Liên Xô. Những năm 30 của thế kỷ XX, ông còn là thành viên trong một nhóm âm mưu ám sát Stalin. Thế nhưng gần đây khi suy ngẫm lại ông đã nói rằng: Liên Xô có được những thành tựu vĩ đại sở dĩ là nhờ có được sự lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô và Stalin. Cần phải đánh giá lại những hoạt động trấn áp của Stalin những năm 30, dù rằng trong đó có rất nhiều hành vi quá mức nhưng sự xây dựng chế độ mới thường đi kèm với sự đấu tranh với các thế lực chống phá. Sự trấn áp của Stalin trên thực tế đã tiêu diệt những kẻ biến chất thực tế và ẩn giấu tiềm tàng. Đến cả Solzhenitsyn, tác giả đã kịch liệt phủ định Stalin khi suy ngẫm lại cũng phải thừa nhận “Tôi đã hại Tổ quốc Nga”. Còn cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk, một trong ba nhân vật hàng đầu tham gia ký kết hiệp định giải thể Liên Xô sau này cũng nói: “Nếu như năm 1991, tôi biết được cục diện đất nước sẽ phát triển đến như cục diện như hôm nay thì khi đó tôi đã nhất quyết chặt đứt cánh tay mình chứ không ký vào Hiệp định”.
Bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô thật đau đớn và sâu sắc. Tư liệu trên đây chỉ là một tài liệu để tham khảo. Cần phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu để rút ra những kết luận khách quan, khoa học có ý nghĩa cảnh báo nhằm xây dựng các Đảng Cộng sản Marxist – Leninist vững mạnh, đủ bản lĩnh để đập tan những âm mưu và thủ đoạn chống phá thâm độc của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội; lãnh đạo cách mạng không ngừng tiến lên.
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍
@Trần Vinh: Đúng như vậy! Việc này nhiều người đã tiên liệu từ thời điểm Ông NTD lên thay Ông PVK, nhất là khi Ông NTN lên nắm PTT vầ kiêm bộ trưởng GD-ĐT. Một ông thì dễ bị các thầy dùi học ở Mỹ giật dây, một ông thì chỉ có biết nói suông, đúng là nguy cơ cao! Đ ã v ậy còn vụ trẻ hóa cán bộ (vô hiệu hoá lứa có thâm niên bản lĩnh hơn); kết nạp đảng ồ ạt cũng theo hướng trẻ hóa, chưa có thành tích gì (vô hiệu hoá lớp đảng viên trung kiên) nhằm pha loãng đảng. Tất cả các vụ này diễn ra dường như có một bàn tay sắp xếp… Và bây giờ, ở nhiệm kỳ 2, với một TT dễ bị những lý lựng nghe bùi tai giật dây… nên đúng là được mùa nấm độc & nấm dại hoành hành khắp nơi! Cố lên các bạn, hãy góp sức đưa đất nước lướt qua giai đoạn mờ mịt này (trong Tử vi gọi là giai đoạn tử vi cư hợi: vua rời bỏ ngai và hoạn quan, gian thần chi phối chính trường)
VN ta hiện nay cũng rất gay go, bọn báo chí ngày càng công khai công kích CNXH, càng ngày càng nhai lại thường xuyên luận điệu phương tây.
Báo chí VN đang làm bầy vẹt cho tư bản phương tây 1 cách không công.
Các bạn chỉ cần xem 1 chương trình thời sự quốc tế hàng ngày bất kỳ trên VTV1 thì rõ, 100% thời lượng là để truyền quan điểm Anh Mỹ, rất hiếm 1 chương trình thời sự VTV nào mà lại không dành hẳn vài phút cho thằng Ô-3-ma múa mỏ.