Mấy ngày gần đây dư luận lại xôn xao về đề xuất phương án đổi tên nước trở lại thành Việt Nam dân chủ cộng hòa thay cho tên hiện hành. Đề xuất này vốn không hề mới, nhưng nó nóng lên vì gắn với đợt tổng kết 3 tháng lấy ý kiến sửa đổi hiến pháp của ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp. Tôi không rõ số liệu cụ thể mà Ủy ban tổng kết thế nào nhưng qua những gì báo chí thể hiện thì tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi Ủy ban lại cho rằng đây là một đề xuất có tính nghiêm túc. Tôi dẫn nguồn như sau:

Báo Pháp luật TP.HCM: Thêm phương án về tên nước: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Điều 1 dự thảo tiếp thu, bên cạnh cách viết cũ (tên nước là CHXHCN Việt Nam), xuất hiện phương án mới, phản ánh chính xác hình thức chính thể và chủ quyền quốc gia về lãnh thổ: “(1) Nước VN là một nước dân chủ cộng hòa, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. (2) Tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH)”.
Phương án này thể hiện ý kiến nhiều tầng lớp nhân dân, cho rằng VNDCCH là tên gọi gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đã được long trọng tuyên bố với nhân dân và toàn thế giới qua bản tuyên ngôn độc lập do Hồ Chủ tịch tuyên đọc ngày 2-9-1945 lịch sử. Tên gọi ấy được khẳng định trong HP 1946, 1959 và chỉ chính thức được thay đổi bởi HP 1980. Tên nước ấy gắn với hai cuộc kháng chiến, hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam và công cuộc xây dựng đất nước. Về mặt pháp lý, tính đến thời điểm này, tên gọi ấy được sử dụng nhiều hơn so với tên nước hiện nay.

Trở lại với VNDCCH tạo ra sức lôi cuốn, tập hợp đoàn kết dân tộc, tạo đồng thuận toàn xã hội, thuận lợi hơn trong quan hệ quốc tế, góp phần phát huy, tranh thủ các nguồn lực kiến thiết, phát triển đất nước, vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay. Trở lại với tên gọi ấy không phải là phủ nhận định hướng XHCN. Định hướng ấy nằm trong nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cả ở những nội dung cần thiết trong HP mới.

Báo Dân trí: Đề xuất phương án mới về tên nước: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Tên gọi này cũng được cho là phản ánh đúng trình độ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với tính chất của nền kinh tế định hướng XHCN. Tên gọi này có khả năng lôi cuốn, tập hợp đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận chung trong xã hội, đồng thời thuận lợi hơn trong quan hệ hợp tác với các nước khác trên thế giới…

Việc lựa chọn tên nước theo phương án này, UB dự thảo nhận định, không làm ảnh hưởng đến việc tiếp tục phát triển đất nước theo định hướng XHCN bởi chủ trương, đường lối, pháp luật của nhà nước cũng như bản thân các quy định của Hiến pháp vẫn đang khẳng định mục tiêu này. Thực tế, trong giai đoạn từ 1954 đến 1976, với tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước vẫn khẳng định và thực hiện công cuộc xây dựng CNXH.

Từ những lập luận đó, UB Dự thảo thể hiện lại Điều 1 để làm rõ hơn hình thức chính thể và chủ quyền của Nhà nước, đồng thời đề xuất phương án quy định tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong những vấn đề mà tôi gạch chân ở trên, điều đầu tiên mà tôi đặt dấu hỏi là cụm từ “Phương án này thể hiện ý kiến nhiều tầng lớp nhân dân” của báo Pháp luật TPHCM. Không hiểu đây là nguyên văn thông báo kết quả của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp hay là của tác giả bài báo (Nghĩa Nhân) sáng tác ra? “Nhiều tầng lớp nhân dân” ở đây là những tầng lớp nào? mỗi tầng lớp có bao nhiêu “nhân dân”? Những “ný nuận” khác tôi gom lại như dưới đây:
1. Tên gọi gắn liền với Tuyên ngôn độc lập, với chính thể cộng hòa đầu tiên, do Bác Hồ đặt.
2. Tạo sức lôi cuốn, đoàn kết dân tộc, thuận lợi trong quan hệ quốc tế…
3. Phản ánh đúng trình độ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, tại sao tên gọi đầu tiên của nước ta là Việt Nam Dân chủ cộng hòa?

Chữ Cộng hòa trong tên nước thể hiện chế độ nghị viện (quốc hội) và có trong hầu hết tên các nước trên thế giới nên không bàn tới nữa. Chữ “dân chủ” vốn là một thuộc tính của các cuộc cách mạng tư sản chống lại sự thống trị của chế độ phong kiến, giai cấp quý tộc và đối lập với “quân chủ”. “Dân chủ” ở đây cũng không có nghĩa là toàn bộ nhân dân lao động được làm chủ đất nước mà chỉ dành cho giai cấp tư sản, chủ thể của cuộc cách mạng tư sản.

Cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 có 2 nhiệm vụ chính là: “phản đế, phản phong”, tức lật đổ chế độ phong kiến và ách thống trị của thực dân Pháp (“đế” là “đế quốc”, “phong” là “phong kiến”). Năm 1945, cách mạng tháng 8 thành công nhưng mới chỉ lật đổ được chế độ phong kiến chứ gốc rễ của thực dân vẫn bám chặt trên mảnh đất hình chữ S này (mục tiêu “dân chủ”). Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập năm 1941 với mục đích Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật – Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Tức là  trong thời điểm bấy giờ, việc giành độc lập dân tộc là mục tiêu tối thượng, không phân biệt tầng lớp nhân dân, quan điểm chính trị, tôn giáo,… miễn là “người yêu nước”. Ngoài ra, để tránh việc trở thành quân cờ trong tình hình đối đầu ý thức hệ nóng bỏng của thế giới bấy giờ, cần thiết phải có một cái tên nước trung dung, không ngả nghiêng theo phe nào cả. Có được điều đó là nhờ con mắt tinh tường và kinh nghiệm của Bác Hồ sau bao năm lăn lộn ở chính trường quốc tế. Vì vậy tên gọi “Việt Nam dân chủ cộng hòa” bấy giờ là hoàn toàn hợp lý.

Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – 2/9/1945

Những năm gần đây, các vị “bất đồng chính kiến” rất hay lợi dụng những câu nói của Bác để làm bình phong cho ý đồ của mình, hòng “lòe” thiên hạ vốn tin yêu tuyệt đối vào Người. Nhưng khi lợi dụng hình ảnh Bác, họ đã không biết, không hiểu hoặc cố tình quên rằng những điều Bác nói, Bác làm (hay bất kỳ nhân vật lịch sử nào khác) là thuận theo hoàn cảnh lịch sử, điều kiện cụ thể bấy giờ chứ không nhất thiết là phải áp dụng cho muôn đời sau (trừ những thứ đã là chân lý). Các thế hệ sau phải biết kế thừa và phát huy những thành tựu, di sản của Bác và thế hệ đi trước lên những tầm vóc cao hơn chứ không phải chăm chăm đòi quay trở lại “xuất phát điểm” như thế. Đó là suy nghĩ của những kẻ bất tài hoặc những kẻ âm mưu phá hoại sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Thứ hai, tại sao nước ta đổi tên thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thống nhất đất nước (cách mạng dân tộc, dân chủ), nhân dân ta đã đạt được một cột mốc mới trong sự nghiệp cách mạng của mình. Để đánh dấu chặng đường này và vạch ra phương hướng cho chặng đường tiếp theo, Quốc hội khóa VI ngày 2/7/1976 đã quyết định đổi tên nước thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Những lý do chính khác của việc thay đổi này là:

  • Khẳng định với thế giới và nhân dân rằng nước Việt Nam chúng ta kiên định xây dựng đất nước tiến lên theo con đường CNXH.
  • Thực trạng bấy giờ là đất nước ta đang tồn tại 2 tên nước: Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa miền nam Việt Nam. Do đó, tất yếu phải có một cái tên chung vừa thể hiện được bản chất, mục tiêu của chế độ vừa “tạo sự đoàn kết dân tộc” (chắc chắn không thể lấy tên CHMNVN đặt tên nước còn dùng VNDCCH thì có vẻ “áp đặt” đối với những người dân miền Nam, nhất là những người trung dung hoặc có liên quan đến chế độ cũ).

Như vậy, ngay việc đổi tên nước năm 1976 đã bao hàm ý nghĩa “đoàn kết dân tộc” rồi. Vậy mà bây giờ lại có những kẻ cố tình lộn ngược cái ý nghĩa đó rồi rêu rao rằng nhằm mục đích bảo vệ cho điều ấy! Ngu xuẩn hay lố bịch?

Quốc hội khóa VI – 1976. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang phát biểu.

 Họ còn nặn ra những “lợi ích” mơ hồ như: tạo ra sự lôi cuốn (?), tạo đồng thuận toàn xã hội (?), thuận lợi hơn trong quan hệ quốc tế (?),…
Đây thực sự chỉ là những cái lý lẽ vu vơ của những kẻ mồm loe mép dãi, vung vít những từ ngữ sáo rỗng để lòe bịp thiên hạ mà chẳng có một cơ sở khoa học, thực tế nào cả.

  • “Tạo sự lôi cuốn”: phải chăng các vị này học tập mấy đứa trẻ chơi Facebook, kiếm cái nick thật kêu và cái avatar thật gợi để “lôi cuốn” người khác? Thế nào là cái tên nước “lôi cuốn”? Tên “Cu Ba”, “Hai ti”, “Séc”, “Ê-cu-anh-đó (Ecuador)” có lôi cuốn không nhỉ? Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã “lôi cuốn” hai đế quốc Pháp, Mỹ sống chết nhảy vào tranh giành đó. Quý vị muốn “lôi cuốn” kiểu đó nữa hay không? Khuyến mãi cho quý vị một cách giải thích mang “tầm quốc tế” về cái tên Việt Nam để quý vị xem nó có “hấp dẫn” không nhé: V.I.E.T.N.A.M = Viagra In Every Time. Night And Morning.
  • “Tạo sự đồng thuận xã hội”: Ối giời, vậy ra bấy lâu nay xã hội Việt Nam đang rất chia rẽ về cái tên nước à? Thông tin này ở đâu ra? Số liệu thống kê thế nào? Ai đảm bảo rằng sau khi đổi tên thành VNDCCH thì toàn xã hội lại đồng thuận cả? Dân Việt Nam bấy lâu nay ngoài việc lo “cơm áo gạo tiền” lại còn thừa thời gian để đi tranh cãi đến mức chia rẽ về cái tên nước nữa cơ đấy!
  • “Thuận lợi hơn trong quan hệ quốc tế”: nhảm nhí! Cái tên CHXHCN Việt Nam gặp bất lợi gì khi gia nhập Liên Hợp Quốc (20/09/1977), ASEAN (28/07/1995), WTO (07/01/2007) à? Hay do cái tên CHXHCN Việt Nam sẽ gặp bất lợi nếu chịu cúi đầu làm chư hầu cho Mỹ, Nato? Hay do cái tên CHXHCNVN viết dài hơn, tốn nhiều mực in hơn VNDCCH? Chẳng biết thuận lợi hơn cái gì chứ trước mắt là cả đống bất lợi cho các nước, doanh nghiệp quốc tế có quan hệ với Việt Nam khi phải thay đổi chứng từ có liên quan.. Muốn thuận lợi, muốn kêu gọi người ta đến hợp tác làm ăn với mình thì cái cần thay đổi là cung cách làm việc, môi trường đầu tư, thủ tục hành chính,.. chứ nào phải thay đổi cái tên? Một chuyện giản đơn như thế mà các vị “lật pháp” há chăng không hiểu?

Chưa hết, bên cạnh đó còn có những lý lẽ thể hiện sự thiếu hiểu biết hoặc cố tình bóp méo lịch sử như: Tên nước ấy gắn với hai cuộc kháng chiến, hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam và công cuộc xây dựng đất nước; Về mặt pháp lý, tính đến thời điểm này, tên gọi ấy được sử dụng nhiều hơn so với tên nước hiện nay; Tên gọi ấy được khẳng định trong HP 1946, 1959 và chỉ chính thức được thay đổi bởi HP 1980.

Tên nước CHXHCN Việt Nam đã được Quốc Hội thông qua từ ngày 2/7/1976, cùng với đó là Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô, Quốc ca. Vậy thì các vị cho ý kiến này lấy tư cách gì mà nói rằng khoảng thời gian từ lúc đó đến khi hiến pháp 1980 ra đời thì tên nước CHXHCNVN là không có tính pháp lý? Không có pháp lý mà tên nước CHXHCNVN được ghi nhận là thành viên thứ 149 của Liên Hiệp Quốc (1977) trong khi VNDCCH không có một giây phút nào là thành viên của tổ chức này? Không có pháp lý mà tên nước, quốc huy được sử dụng trong mọi văn bản pháp luật, công hàm quốc tế trong giai đoạn này à? Giả sử mà Quốc hội bấy giờ không cảm thấy cần thiết phải sửa đổi hiến pháp năm 1980 mà duy trì hiến pháp 1959 đến ngày nay thì 37 năm qua nước CHXHCNVN là không có tính pháp lý à?

Rồi từ cái lý luận củ chuối ấy mà họ cho rằng hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam gắn với cái tên VNDCCH chứ không phải CHXHCNVN. Trên Đôi Mắt có tài liệu “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua“, xuất bản tháng 10/1979, được coi là “Sách trắng” của Bộ ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, mời quý vị tham khảo. Rồi “Về mặt pháp lý, tính đến thời điểm này, tên gọi ấy được sử dụng nhiều hơn so với tên nước hiện nay” (?!). Câu này không ngu ngơ thì cũng tối tăm vô cùng. Sử dụng nhiều hơn là thế nào? Có ai đã thống kê bao nhiêu văn bản pháp luật, công văn, chứng từ,.. sử dụng VNDCCH và CHXHCNVN để so sánh tên nào được dùng nhiều hơn chưa? Còn nếu tính theo năm thì VNDCCH được sử dụng 31 năm trong khi CHXHCNVN tính đến nay là 37 năm. Mà trẻ con tiểu học cũng biết rằng 37 lớn hơn 31 nhé! Thật ra thì việc so sánh ít – nhiều kiểu này chẳng khác gì trò trẻ con?!

Thứ ba, phải chăng tên gọi là phải phản ánh chính xác thực trạng đất nước?

Theo quan niệm của người Việt Nam, việc đặt tên cho con cái là một vấn đề hệ trọng, bởi nó thể hiện mong muốn, ước nguyện của bậc cha mẹ đối với tương lai của con cái. Cái tên cũng chính là lời nhắc nhở cho người con ghi nhớ điều mà cha mẹ mong đợi ở mình để từ đó cố gắng hoàn thành ước nguyện ấy. Như vậy, cái tên có trước khi nguyện ước của đấng sinh thành trở thành hiện thực. Ví dụ như một đứa bé mới sinh được đặt tên là Trung Hậu thì không có nghĩa rằng người ta thấy nó trung hậu ngay từ lúc lọt lòng mà đặt tên như vậy. Hay như ông Nguyễn Phước Tương cố mãi mà không được công nhận hàm giáo sư nên tự đổi tên mình thành Tương Lai với mong ước sẽ thành giáo sư trong tương lai. Có điều ông này cố mãi, cố quá đến giờ, ở cái tuổi có thể “quá cố” bất cứ lúc nào nhưng vẫn chẳng được ai công nhận hàm giáo sư nên đành cố đấm ăn xôi tự gọi mình là giáo sư Tương Lai.

Quay trở lại tên gọi CHXHCNVN, như trên đã phân tích, đó là lời khẳng định nguyện vọng của nhân dân Việt Nam xây dựng đất nước tiến lên theo con đường XHCN. Bây giờ các vị ấy lại lấy lý do rằng ngày trước với tên VNDCCH, nước ta cũng đi theo con đường XHCN nên giờ có đổi tên cũng chẳng ảnh hưởng gì đến “con đường đã chọn”. Tên nào cũng chẳng thay đổi bản chất của vấn đề thì đổi để làm gì? Làm một cái việc vô nghĩa như thế với đủ loại tốn kém và phiền hà kèm theo, tưởng đâu chỉ là chuyện của những kẻ có vấn đề về thần kinh mới nghĩ ra.

Quốc huy nước VNDCCH và CHXHCNVN

Nhìn ra thế giới thì thế nào? Liên Xô ngay từ thời kỳ đầu thành lập đã mang tên là Liên bang CHXHCN Xô Viết mà như Lê Nin giải thích rằng “CHXHCN” có nghĩa là chính quyền Xô viết quyết tâm thực hiện bước chuyển lên chủ nghĩa xã hội chứ hoàn toàn không có nghĩa là đã thừa nhận chế độ kinh tế hiện nay là chế độ xã hội chủ nghĩa. Điều đó giống như nước ta hiện nay: tên nước phản ánh mục tiêu, nhiệm vụ và quyết tâm chính trị của giai cấp cầm quyền. Nếu hiểu một cách trụi lủi như các vị “lật pháp” rằng tên nước cần phải “thể hiện đúng trình độ phát triển hiện nay của đất nước” thì không lẽ vài năm sau trình độ của đất nước lên 1 mức mới thì lại phải đổi tên nước lần nữa và cứ thế cứ thế đổi? Các nước phát triển trên thế giới hiện nay danh xưng chỉ có chữ Cộng hòa và tên nước như: Cộng hòa Pháp, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Ý, Liên bang Nga, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ,… chẳng nước nào có chữ Dân chủ cả. Vậy phải chăng ở những nước đó không có Dân chủ? Hay những nước như vậy đương nhiên là có dân chủ rồi nên không cần viết vào tên nước nữa? Nếu hiểu theo ý thứ hai này thì Việt Nam chẳng hề có dân chủ nên phải đặt tên là Việt Nam dân chủ cộng hòa? Rồi sau khi đổi tên nước thành VNDCCH được vài năm, các nhà “lật pháp” lại kiến nghị rằng nước ta hiện giờ đã thừa dân chủ rồi nên bỏ cái chữ dân chủ đi cho thành Việt Nam Cộng hòa? Ôi… tư duy các nhà “lật pháp”!!!!

Một vấn đề nhỏ nữa là trong cách hành văn tiếng Việt, danh xưng, tước hiệu, họ, chức vụ,.. đứng trước tên của đối tượng. Đầu thế kỷ 20, ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc còn nặng nề nên cách gọi thường hơi hướng kiểu Tàu. Ví dụ: Tương Lai tiên sinh chứ không gọi tiên sinh Tương Lai… Theo cách đó, tên nước Việt Nam đã được đặt là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tương tự Trung Hoa Dân quốc, Đại Hàn dân quốc,… Ngày nay, tôn ti trật tự trong tiếng Việt đã ổn định, đi vào khuôn khổ, nề nếp nên danh xưng nước CHXHCN Việt Nam là “chuẩn men” chứ đổi lại thành VNDCCH thế nào cũng có bạn rận rành tiếng Việt lại lu loa lên rằng Nam Trung Hải đã thò tay vào sâu đến nỗi chỉnh sửa cả cái tên quốc gia!

Nói thêm chút về cấu trúc tiếng Việt ở đây:
Trong tiếng Việt thì danh từ đi trước và tính từ bổ nghĩa theo sau. Do đó một số ý kiến cho rằng đúng ngữ pháp thì phải là “Việt Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” (Việt Nam là danh từ, CHXHCN là tính từ theo sau) và do đó “Việt Nam dân chủ cộng hòa” là đúng ngữ pháp. Theo quan điểm của tôi, CHXHCN Việt Nam là đúng ngữ pháp vì: Cộng hòa là một danh từ (đầy đủ là “Nền cộng hòa”) còn XHCN là một tính từ bổ nghĩa cho danh từ “cộng hòa” trước nó. Hai từ này ghép lại là một cụm danh từ “CHXHCN”, nghĩa là “nền cộng hòa theo chủ nghĩa xã hội” và là danh xưng đứng trước danh từ Việt Nam. Tương tự vậy, “Việt Nam Dân chủ cộng hòa” đổi đúng theo ngữ pháp Việt Nam phải là “Cộng hòa dân chủ Việt Nam” (2 chữ “cộng hòa” và “dân chủ” đổi chỗ cho nhau). Nhìn sang tiếng Anh thì có thể thấy rõ hơn: Socialist Republic of Viet Nam, trong đó: Socialist (XHCN) là tính từ của Republic (Cộng hòa) of (của) nước Việt Nam.

Thứ tư, những hệ lụy trước mắt nếu đổi tên nước theo ý kiến của các nhà lật pháp

Trước bất kỳ sự thay đổi nào, một vấn đề luôn luôn được đặt ra là: làm điều đó chúng ta được gì và mất cái gì? Ví dụ khi bạn muốn đổi một cái điện thoại thì bạn phải trả lời được câu hỏi: mua nó bạn được trải nghiệm tính năng gì mới và khả năng tài chính của bạn có đáp ứng nổi điều đó một cách thoải mái không? Đôi khi chỉ vì “lỡ yêu rồi” nên cũng ráng “bóp mồm bóp miệng” để “rước được em nó về rinh”. Nhưng danh xưng một quốc gia thì đâu thể tùy hứng thế được! Đổi tên nước là một sự kiện trọng đại của quốc gia và chỉ xảy ra khi có những biến động chính trị to lớn và kéo theo nó là những thay đổi có hệ thống, phức tạp, phiền hà và tốn kém.

Chẳng phải quá thông minh để hình dung ra những phiền hà và tốn kém như sau: Thay đổi toàn bộ quốc huy, quốc danh trên các con dấu, biểu mẫu, tài khoản quốc tế, chứng từ quốc tế, sổ sách, ĐỔI TIỀN,.. Một con số khổng lồ, chưa kể đến khoảng thời gian mất cho những việc đó và những trục trặc, gián đoạn mà các công dân phải gánh chịu trong quá trình chuyển giao này. Tôi còn nhớ, sau khi “xứ Đoài” vinh dự được “nhập hộ khẩu Thủ đô” không bao lâu, tôi đi làm lại chứng minh nhân dân. Khi khai báo nguyên quán Hà Tây, cô nàng cán bộ lạnh lùng phán một câu: làm gì có tỉnh nào là tỉnh Hà Tây? Chợt rùng mình nghĩ giả sử các nhà “lật pháp” thành công, không biết bao nhiêu sương Sa Pa, Đà Lạt có đủ để bọc những câu tương tự: làm gì có nước nào là nước CHXHCN Việt Nam?

Mới chỉ là “kiến nghị” vu vơ mà đã có “hệ lụy” thế này đây!

Vậy đất nước này đánh đổi một khối lượng khổng lồ ngân sách, thời gian, sức lực cùng bao hệ lụy kèm theo để được cái gì? Chẳng được gì cả ngoài những cái “bánh vẽ” (đã chứng minh ở trên) và một cái tên nước “mới”, “tái chế” từ cái tên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của chính mình, đồng thời chứng minh cho thiên hạ thấy rằng mình vừa dốt lịch sử, vừa dốt tiếng Việt lại thích … đi giật lùi! Chuyện này còn hài hước hơn việc ta có một cái áo đã sử dụng chán chê, vứt đâu đó và lãng quên đi, cho đến một ngày ta gặp nó trong một tiệm quần áo cũ, lúc này kiểu áo đó đang “mốt” lại và ta phải bỏ ra một khoản tiền kha khá để mua lại nó.

Thế thì kẻ nào thực sự được hưởng lợi từ câu chuyện hài hước trên nếu nó thành sự thật? Đương nhiên, dễ thấy nhất và cụ thể nhất là các nhà máy in, các cửa hàng khắc dấu, băng rôn cờ hiệu,…- những con kiến cặm cụi đi tha những mảnh vụn lợi ích rơi vãi từ cái mỏ của đàn kền kền quốc tế, của đám sâu đang đục khoét rường cột chế độ – và sự hí hửng, thỏa mãn của lũ rận khi chúng nhấm nháp chút hoa hồng của hợp đồng bán nước mà quan thầy ban cho. Và chắc chắn một điều, biên lai của “bữa tiệc mừng tên mới” này sẽ do nhân dân Việt Nam thanh toán!

Vậy thì… có ai quen biết với các vị trong Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp không nhỉ? Hãy nhắc họ rằng ngày cá tháng tư đã qua được nửa tháng rồi trừ phi họ muốn bán món cá ươn khi cho rằng đề xuất đổi tên nước này là một điều nghiêm túc!

CẬP NHẬT 1:
Vậy là không phải chuyện cá ươn tháng tư nữa rồi. Hôm nay vnexpress.net phỏng vấn nhà “lật pháp” Nguyễn Minh Thuyết tại đây. Tôi đọc qua thì chẳng thấy có điều gì mới mẻ ngoài ba cái luận điệu cũ rích, rẻ tiền mà tôi đã phân tích ở trên. Xin điểm qua vài vấn đề mà ông “Giáo xư” này đưa ra:
NMT: Theo tôi, chúng ta nên trở lại với tên đầu tiên đã đặt khi mới giành được độc lập. Tên gọi này thể hiện đúng bản chất của chế độ là Cộng hòa Dân chủ. Thể chế Xã hội chủ nghĩa cũng là một kiểu nhà nước dân chủ, tuy nhiên tên Cộng hòa Dân chủ khái quát và phổ biến hơn.
Đôi mắt: Về “tên gọi” và “bản chất chế độ” thì tôi đã phân tích ở trên. Nhưng nếu nói “thể chế Cộng hòa Dân chủ là khái quát hơn và phổ biến hơn” thì không hiểu ông này muốn nói cái gì? Nếu phổ biến hơn nữa thì bỏ chữ Dân chủ đi cho thành Việt Nam cộng hòa đi. Bản chất chế độ “Cộng hòa dân chủ” là bản chất như thế nào? Cộng hòa Pháp, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ,… không có chữ dân chủ thì bản chất nó như thế nào? Không hiểu ông GS này nói mà có hiểu những gì mình nói hay không?

NMT: Đối với đông đảo kiều bào nước ngoài, kể cả những người đã ra đi trước năm 1945 thì cái tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn là một tên gọi quen thuộc, gần gũi. Nó cũng sẽ tạo điều kiện để nhiều kiều bào xích lại gần hơn với đất nước.
Đôi mắt: Ông này lấy cái gì chứng minh rằng tên gọi VNDCCH là “một tên gọi quen thuộc, gần gũi” với kiều bào hơn để “tạo điều kiện để nhiều kiều bào xích lại gần hơn với đất nước”? Kiều bào trước ra đi do sự kiện 30/04/1975 thì thấy tên gọi VNDCCH “quen thuộc” với “nỗi ám ảnh bị xâm lược”, nên đến tận bây giờ vẫn có những “kiều bào” kêu gọi “báo thù”, “quốc hận”,… Giáo với chẳng sư!

NMT: Cái tên cũng giống như bức tượng Phật trong nhà. Có tượng hay không có tượng, tượng gỗ hay tượng đồng thì thế gian vẫn có Phật. Cái tên không phải là chỉ dấu cho một sự đổi hướng nào. Lấy tên nào thì mục tiêu của chúng ta vẫn là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Đương nhiên, đổi tên nước sẽ dẫn đến việc chi tiêu một khoản tiền nhất định để đổi con dấu, biển hiệu của cơ quan nhà nước, giấy tờ giao dịch… Tốn kém là có, nhưng cũng không lớn đến nỗi không nên làm. Nếu so sánh thì lợi ích đem lại lớn hơn nhiều. Và cũng phải cân nhắc, những gì không nhất thiết phải đổi như đồng tiền chẳng hạn thì không nên đổi.

Đôi mắt: ông này đúng là “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”! Miệng thì leo lẻo có tượng hay không có tượng (có đổi tên hay không đổi tên) thì bản chất sự việc không đổi, vậy thì đòi đổi tên nước làm cái gì? Ông ta căn cứ vào đâu mà nói là “tốn kém không đến nỗi lớn”? “Ích lợi đem lại” là những cái bánh vẽ mà tôi đã phân tích trong bài. Cái ông giáo sư này có thấy trên thế giới này có nước nào mà tên nước trên đồng tiền khác với tên nước thực hay không?
Lạy trời cho đất nước này bớt đi cái đám “giáo sư” như vậy!

CẬP NHẬT 2:
Liên quan đến bài viết này có một số bạn như Phạm Như Ý có ý kiến rằng: “Mỗi người một quan điểm, ai cũng có lý lẽ riêng và có quyền bày tỏ chính kiến của mình. Một số người ủng hộ có vị trí cao trong xã hội như nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão”. Bên cạnh đó, tôi lên Facebook cũng có nhiều người ủng hộ tên “VNDCCH” nhưng sau khi “đấu lý” không được, họ vẫn bảo lưu quan điểm của họ nhưng với lý lẽ “dù sao thì tôi vẫn thích cái tên VNDCCH hơn”!
Thưa các bạn đọc!
Việc đòi đổi tên nước thật ra không phải là vấn đề mới mà đã âm ỉ hàng chục năm nay, giờ bất chợt “bùng lên” cùng sự kiện nhà nước lấy kiến nghị sửa đổi hiến pháp. Nếu chỉ là một quan điểm đơn thuần thì không nói làm gì, nhưng đây là một trong những mục tiêu của “diễn biến hòa bình”: đổi tên nước, rồi đòi bỏ quyền lãnh đạo của ĐCS, rồi trung lập quân đội,…
Nhưng cho dù biết là thế, tôi cũng không phản đối nếu như lý do họ đưa ra là đúng, là thuyết phục và có lợi ích cho đất nước này. Vậy như tôi phân tích ở trên, các bạn xem họ đúng chỗ nào và dân lợi chỗ nào?
Về đối tượng, tôi không lên án ai nếu chưa biết rõ về họ (thông qua các hành động phá hoại hoặc âm mưu phá hoại sự yên ổn của đất nước) mà “đánh” vào cái tư tưởng mà tôi cho rằng sai trái. Do vậy, tôi có thể hiểu và thông cảm cho từng CON NGƯỜI cụ thể chứ không chấp nhận thỏa hiệp với TƯ TƯỞNG sai trái.
Về vấn đề tên nước này, tôi chia thành phần ủng hộ ra thành các loại sau:

  1. Thành phần cố tình cổ vũ cho việc này nhằm mục đích phá hoại sự ổn định chính trị của đất nước (rận chủ, lật pháp và đám giật dây sau lưng).
  2. Thành phần thích cái tên VNDCCH một cách tự nhiên, cảm tính, vì nhiều lý do như: tên đầu tiên của đất nước, tên Bác Hồ đặt, tên nghe hay,…
  3. Thành phần có vai vế trong XH mà tôi không chứng minh được nằm trong loại 1 (coi như họ theo loại 2), tích cực ủng hộ phương án đổi tên nước, phát biểu cổ vũ trên báo chí mà không đưa ra được một lý luận hợp lý nào, như ông Vũ Mão.

Thành phần 1 thì đã nói trong bài. Thành phần 2 nếu là những người hiểu lý lẽ thì khi được “tư vấn” sẽ biết cân đối nặng nhẹ mà thay đổi ý kiến của mình. Nếu họ vẫn thích theo sở thích cá nhân, còn thiệt hại của đất nước thì “sống chết mặc bay”, tôi cũng tôn trọng ý kiến của họ (làm gì có cái gì hoàn hảo được đâu!). Riêng đối với loại thứ 3, một số bạn đưa ra làm “lá chắn” (ông ấy to thế, quan trọng thế mà còn ủng hộ,..), tôi lấy trường hợp ông Vũ Mão làm ví dụ để trình bày như sau:

1. Với cá nhân ông Vũ Mão (và các ông bà tương tự), tôi tôn trọng và biết ơn ông về những gì đã làm cho đất nước. Tuy nhiên, thành tích trong quá khứ chỉ có giá trị tham khảo đối với những vấn đề hiện tại. Không thể lấy huy chương vàng mà 1 VĐV đoạt được năm ngoái ra làm cơ sở chắc chắn rằng anh ta sẽ đoạt HCV năm nay! Ông Hoàng Văn Hoan đã từng là một “cây đa cây đề” của cách mạng Việt Nam nhưng điều đó không đảm bảo rằng ông ta đã không sai lầm khi bắt tay với Trung Quốc để chống lại dân tộc mình. Đối với một vấn đề cần tranh luận, tôi tin vào lý lẽ chứ không thể tin vào “cái tên” được. Ví dụ bây giờ, ông Lê Đức Anh nói không thể đổi tên nước thì các bạn nghe ai hay chỉ cân đong đo đếm xem “tên tuổi” ông nào to hơn? Do đó, nếu ông Vũ Mão nhận định sai thì tôi có thể thông cảm cho cá nhân ông ấy chứ không thể “thông cảm” cho cái tư tưởng, cái lý lẽ sai được.

2. Về những điều ông Vũ Mão phát biểu trên báo Dân trí, tôi thấy chẳng có gì khác mấy so với lý lẽ của ông Nguyễn Minh Thuyết mà tôi đã phân tích ở trên. Tôi lược qua vài lý luận hơi “tươi mới” của ông ấy cho mọi người cùng đánh giá:
“Cho rằng việc này thực sự hợp lòng dân”: câu này rất vô bổ, sáo rỗng. Đã ai thống kê bao nhiêu người đồng ý, bao nhiêu người không đồng ý mà ông ấy nói vậy? Đây là bệnh chung của các quan chức thì phải, cái gì cũng rất chung chung, khái quát, kiểu: “tham nhũng những năm gần đây đã giảm nhiều rồi” mà chẳng đưa ra được số liệu giảm thế nào, nhiều là bao nhiêu,..
“Đảng ta phát động phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Việc lấy lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một việc làm rất thiết thực. Tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hoà được Bác Hồ đặt ra, được quy định trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959.”: Lý này thì chẳng hề mới, vẫn dựa vào cái bóng của Bác. Ngoài việc tôi phân tích lý do tên nước là VNDCCH ở phần trên, xin hỏi thêm một câu cho những người có cùng quan điểm với ông Vũ Mão: các vị lấy cơ sở gì để nói rằng nếu Bác còn ở lại với chúng ta và vẫn tham gia chính sự đến hết năm 1976 thì Bác lại không đồng ý đổi tên nước thành CHXHCN Việt Nam? hay thậm chí rất có thể Bác lại là người tiên phong trong việc đề nghị điều đó?
“Trong nhiều năm qua, tôi đã nhiều lần được gặp gỡ, “tiếp xúc với các cử tri Việt Kiều”. Tôi hiểu được nguyện vọng của bà con. Tôi tin rằng việc đổi lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ được bà con hoan nghênh. Như thế, càng có lợi cho sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc.”: lại là con bài “đoàn kết dân tộc”, lại chủ quan khi cho rằng “tôi tin rằng việc đổi lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ được bà con hoan nghênh”. Như đã nói ở trên, tên VNDCCH gắn liền với chiến tranh, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, dẫn đến nỗi “ám ảnh” ăn sâu trong đầu của không ít kiều bào là “VNDCCH xâm lược VNCH”. 1976 đổi tên nước cũng một phần là xóa bỏ cái nỗi “ám ảnh” đó. Còn muốn xem kiều bào “hoan nghênh” thế nào thì mời mọi người xem ý kiến của độc giả hải ngoại đối với bài viết của tôi trên KBCHN.
“Tôi nghĩ bạn bè quốc tế cũng rất vui đón nhận tên gọi nói trên”: Vâng, lại nghĩ giùm cho cả thế giới! Có thể họ “vui vẻ” đó nhưng các bạn có bao giờ không đặt dấu hỏi cho một công ty đang làm ăn với mình bỗng dưng đổi tên, đổi dấu không? Chí ít là phải cảnh giác thế này: chắc nó gặp khó khăn nên đổi tên cho hợp phong thủy chăng? Vậy có ai mà “vui vẻ” tiếp tục làm ăn với 1 công ty như vậy không? Đổi tên nước thì một thằng nước ngoài vô tư nhất cũng phải đặt dấu hỏi về tình hình chính trị của nước này: cái gì biến động? có ảnh hưởng gì đến “nồi cơm” của mình không? chuẩn bị “đảo chính” à?.v.v… Vậy họ có “ngãng ra” để nghe ngóng một thời gian không? Ở đó mà “vui vẻ đón nhận”, trừ những thằng đã “biết trước” điều này!
“Các nước cùng thể chế chính trị như nước ta thì hầu như không nước nào đổi tên để có cụm từ xã hội chủ nghĩa như nước ta. Trung Quốc từ năm 1949 đến nay vẫn giữ nguyên gọi là nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa”: Chẳng có nước nào trong các nước này trải qua cảnh bị chia đôi đất nước và chiến đấu sát nhập lại được như nước ta. Vậy thì họ đâu cần đổi tên nước làm gì vì một trong những lý do đổi tên nước là có 1 cái tên chung? Một chuyện nữa là nếu nói cùng thể chế chính trị, sao ông ấy không nói về các nước thuộc Liên bang Xô Viết ngày trước cũng đều là CHXHCN? Mà tại sao chúng ta cứ phải nhìn xem thế giới họ đặt tên thế nào thì mình bắt chước? Nước Cu Ba theo CNXH nhưng tên chỉ là Cộng hòa Cu Ba, giống như các nước đại tư bản vậy!
– Nói về “tốn kém” thì lại giống như ông Nguyễn Minh Thuyết, ông Vũ Mão cũng ý rằng “không đáng bao nhiêu so với đại cuộc” dù cái “đại cuộc” được gì mất gì thì tôi đã phân tích ở trên (phải chăng phần lớn các ông “quan” đều có cái suy nghĩ tiêu tiền nhà nước như vậy?). Xin hỏi đã có ai hình dung (chưa cần thống kê) là sẽ tốn bao nhiêu tiền (chưa tính phiền toái) cho việc này chưa mà các ông ấy cứ nói nhẹ tênh vậy nhỉ? Một cây cầu, một con đường bị “ngắt nhéo” thì ít ra người dân còn có cầu, có đường mà đi nhưng tốn kém để đổi tên nước thì người dân được gì ngoài việc đọc tên nước nó hay, nó sướng? Những câu dạy thuộc dạng “chân lý” của Bác Hồ như về “tiết kiệm”, “chống lãng phí” thì ai cũng thuộc và đọc rất to nhưng cái việc mà các ông đang ủng hộ làm này là “lãng phí” hay “tiết kiệm”? Phải chăng các ông ấy chỉ thích “vận dụng” lời Bác theo ý của mình?

3. Mỗi cá nhân đương nhiên là sẽ có quan điểm riêng của mình. Nhưng khi đã là người gánh vách trọng trách của xã hội thì bắt buộc người ta phải biết cân nhắc, biết đắn đo lợi – hại đối với đất nước, với nhân dân trước khi đưa ra ý kiến của mình. Với vai trò như ông Vũ Mão, ông Nguyễn Minh Thuyết thì những phát biểu một cách tùy tiện như thế thật vô trách nhiệm, bởi lẽ đến một dân đen như tôi còn hình dung ra những tiêu cực của việc mà các ông ấy đang ủng hộ, thì chẳng có lý gì các ông ấy lại không nghĩ đến được. Giả sử nước ta đổi tên thật, mất một đống tiền và công sức (trong thời buổi “thóc cao gạo kém” hiện nay), sau cơn hoan hỉ của những người thích cái tên VNDCCH, mà nước ta vẫn không thể “đi lên” như ước nguyện thì những ông như Vũ Mão, Nguyễn Minh Thuyết,.. cũng nào phải gánh vác trách nhiệm gì ngoài việc mang tiếng “dự sai”!? Không lẽ lúc đó lại quay về CHXHCN Việt Nam? Năm rồi nước ta cũng có khối cái luật, quy định được “đưa vào rồi lại đưa ra” đó thôi! Không lẽ đất nước này đã đến mức cần phải nghe theo lời của các “thầy phong thủy” đổi tên nước đặng mong đổi vận để phát triển?! Ôi cái sự đời!!!

Nói tóm lại, mỗi người có một ý thích đối với cái tên nước nhưng nếu là một người có lòng với đất nước thì cần phải tỉnh táo nhìn nhận vấn đề một cách khoa học, cân nhắc thiệt hơn chứ đừng để mình ngã vào “đám đông”.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍