Những ngày gần đây, rộ lên cùng lúc hai bài thơ về đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và “hậu duệ phát xít Nhật” Trần Mạnh Hảo. Về bài “thơ cứt” của Trần Mạnh Hảo thì trên Đôi Mắt cũng đã có đăng một bài đối đáp của tác giả Thiên Lý. Riêng về bài thơ của bác Nguyễn Khoa Điềm thì tôi có nhiều băn khoăn, phần vì bác từng là một nhà chính trị cao cấp, phần vì trước giờ tôi chưa thấy tên tuổi bác dính dáng gì đến đám “rận sỹ chấy thức” cả. Còn chuyện bác là nhà thơ nổi tiếng thời kháng chiến chống Mỹ thì tôi không cho là một “yếu tố giảm trừ” vì các vị như ông Nguyên Ngọc, ông Trần Mạnh Hảo, ông Bùi Minh Quốc,…cũng từng là những tên tuổi lớn trong làng văn học Việt. Tôi tìm hiểu thì được biết bài thơ “Đất nước những tháng năm buồn” của Nguyễn Khoa Điềm được gửi cho blog Quê choa và được ông Lập đăng lên ngày 22/04. Hai ngày sau, blog Quê choa đăng bài “Đất nước có bao giờ buồn thế này chăng?” của Trần Mạnh Hảo mà như tác giả của bài “thơ cứt” này thổ lộ thì ông ta lấy cảm hứng từ bài thơ của NKĐ để viết bài này.

Con ếch” TMH còn bộc bạch thế này:

Nguyễn Khoa Điềm thế hiện trong bài thơ “ Đất nước những năm tháng thật buồn” là một con người cô đơn tuyệt đối trong một xã hội mà đảng cộng sản muốn tập thể hóa cả tấm hồn con người. Sao trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa vui hơn tết này mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại thấy đất nước mình buồn thảm dường ấy ? Những câu thơ tuyệt hay mà nhà thơ rút ra từ gan ruột đã làm tôi choàng váng.

Tôi không tin vào những bài thơ nhàn nhạt, tôi chỉ tin vào thơ hay. Anh Điềm làm thơ hay như thế khiến tôi tin anh đang thành thật bộc lộ con người cô đơn, con người gần như tuyệt vọng vào một đất nước đang bị băng hoại như đất nước ta hôm nay. Có khá nhiều người vẫn lên án nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chỉ vì anh đã từng là ủy viên bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam phụ trách trưởng ban tuyên giáo…Xin nhắc lại một câu danh ngôn phương Tây : “ Quyền lực làm tha hóa con người”. Vâng, đã đi theo ma thì phải mặc áo giấy. Nếu Trần Mạnh Hảo hay nhà thơ Bùi Minh Quốc… do ma đưa lối qủy dẫn đường mà bỗng dưng vào được bộ chính trị đảng cộng sản, biết đâu ta lại chẳng sắt máu hơn anh Điềm hồi ấy…, biết đâu ta vẫn còn diện áo giấy để làm ma văn học ? Hãy để anh Điềm được quyền làm một nhà thơ công dân, được quyền mặc áo vải, được nói thật với trang giấy và độc giả bằng những vần thơ nhỏ máu…
Tôi bắt đầu yêu quý lại nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm bằng bài thơ rất hay này của anh…”

Ngoài lề một tý: Chỉ qua vài câu “bộc bạch” như thế của TMH, chúng ta có thể thấy được bản chất a dua, phản trắc của con người này. Ông ta và NKĐ là nhà thơ cùng thời, cùng sinh hoạt làng văn,.. chắc chắn chẳng lạ gì nhau. Có lẽ thời NKĐ đương chức đã biết bản chất ông ta, đã “đánh” vào những bài “thơ cứt” khác của ông ta nên ông ta thù. Nay có 1 bài thơ của NKĐ mà ông ta “cảm” rằng nó hơi hướng đi theo con đường của ông ta đang đi, ông ta đã quay ngoắt lại ca ngợi “bài thơ rất hay”“bắt đầu yêu quý lại nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm”.

Ngoài ra, tôi cũng thấy nhà thơ Lê Duy Phương có viết lại một bài cho NKĐ, cũng đăng trên quê choa (!) như sau:

ĐIỀM ƠI
Khi Điềm còn ở trên cao
Cái buồn thế sự đã vào chúng tôi
Bây giờ trời đã chiều rồi
Ngẫn ra thì muộn khóc cười làm chi
Phố phường vẫn lắm người đi
Hoa vẫn nở chẳng có gì khác đâu
Khác là ở chốn xa sâu
Trẻ em đi học không cầu qua sông
Khác là tận ngoài biển đông
Chủ quyền ta họ nói không lâp lờ
Riêng màu đỏ của ngọn cờ
Ở Đại Nội hay biển bờ xa xôi
Vẫn luôn phơi phới đỏ tươi
Nhạt là nhạt ở tình người Điềm ơi.

Vào các weblog khác thì tôi thấy các “nặc nô” ca ngợi bài bác Điềm lên tận mây xanh, dù rằng chẳng biết chúng có hiểu gì về thơ không hay cứ ngửi thấy gì có mùi “chống chế độ” là chúng lại tru lên (TMH là kẻ tru to nhất, bằng thơ!). Nhiều người cũng bắt đầu phê phán bác Điềm như một kẻ “phản tỉnh”, một người lúc về hưu thì mới “ý kiến ý cò” chứ lúc đương chức thì lặng thinh,… Cơ mà, sao bài “Đất nước 2” của bác Điềm lại toàn được những trang blog chống chế độ, phản dân tộc hay loại “bô shit” như quê choa đăng nhỉ?
Mang theo cái băn khoăn của mình, tôi có viết bài “đối đáp” với bác Điềm thế này:

Hai đất nước của bác Điềm

Nửa đêm lọ mọ in tờ nét,
Thấy bác Khoa Điềm khóc nước chẳng vui
Chung quanh im ắng người say giấc
Lập hạ, đàn ve khan tiếng ngủ vùi…

Đất vẫn là nơi anh đến trường
Nước vẫn là nơi em tắm
Đất nước vẫn là nơi tình nhân hò hẹn (*)
Chỉ khác là bác đã hết trẻ như xưa
Đã hết nổi sôi, hết là một phần “đầu máy”
Như người thợ già đứng bên đường ray
vấn đoàn tàu ngày ngày đi qua, sao tiếng còi buồn quá vậy?
người thợ trẻ sao lái tàu run rẩy?
hướng con tàu sao chẳng thẳng như xưa?
Đất vẫn là nơi hội tụ nắng mưa
Nước vẫn là nơi trăm con sông tìm về biển rộng
Cờ Đại Nội vẫn phần phật trong gió lộng
Sắc hồng kỳ vẫn nhuộm thắm hừng đông
Những con cá vẫn bơi trên sông
Có những dòng sông đã chết và những dòng sông đang sống lại
Chỉ khác là con cá hanh khắc khoải
Ngại những dòng lành mà vương vấn những dòng tanh
Đất vẫn là nơi các bà các cô khỏe mạnh,
Hớn hở yêu đời, í ới bài thể dục ban mai
Nước vẫn là nơi đầu sóng ngọn gió
Dáng phong ba vững trãi đêm ngày.
Ly cà phê sáng vẫn dậy mùi xa bay
Chỉ khác vị vì chua cay trong đầu lưỡi
Nước mắt vẫn rơi, xen kẽ những nụ cười
Như cuộc sống bao đời nay vẫn thế.

bác ơi bác
hãy nhìn rất xa
vào bốn ngàn năm đất nước (**)
quang gánh tảo tần cong vòng lưng mẹ
dời non lấp bể mặn chát lòng cha
bao máu đã đổ cho đất nước sinh ra
bao xương thịt đắp thành hình hài tổ quốc
tuy lòng người khác nhau sau trước
qua cơn cuồng phong sóng lại yên bình.

đất nước những tháng năm này một phần bác xây lên
sao không dám tin vào ngày mai tốt đẹp?
Mỗi thế hệ là một mảnh ghép
mỗi con người là viên gạch xây thêm
những cây thông trên núi Ngự Bình hãy cứ xanh làm nến
như quốc kỳ vẫn rực cháy trong đêm…

———————————————————————–
(*) Ý thơ trong bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
(**) Ý thơ trong bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm:
Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước

Viết xong bài này rồi tôi vẫn chưa yên tâm vì không lẽ ý thơ của một nhà chính trị mà lại “rõ như ban ngày” vậy sao? Não con người ta có 2 phần: bên trái thì xử lý các vấn đề về phân tích, lập luận, số liệu,…; bên phải thì phụ trách mảng nghệ thuật, sáng tạo, màu sắc, mộng mơ, “đi mây về gió”,… Do đó những người thiên về ” bán cầu não phải” như TMH thì có khả năng thơ phú nhưng về chính trị, lý luận thì thích gì phán nấy. Ông NKĐ là một nhà chính trị cao cấp (cựu ủy viên BCT), một nhà thơ nên chắc chắn ông “thuận” cả 2 bán cầu não. Vậy phải chăng ông gửi gắm điều gì trong bài “đất nước 2” này?
Tôi đọc đi đọc lại bài thơ mới của ông và phát hiện những điều mà trong lúc bức xúc đã không để tâm tới:

“Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc”
“Tin tốt lành” có thể là bất cứ lĩnh vực nào chứ không cứ gì là các vấn đề xã hội, kinh tế như đám rận đã và đang nhai đi nhai lại mỗi ngày.
“Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác”
Cả xã hội đều đang ngủ hay cả “thượng tầng” đều đang ngủ mà không để ý đến “cả bầy ve vừa lột xác”? Phải chăng đó là cách nói ví von cho hiện tượng “tư bản hóa” một “bộ phận không nhỏ đảng viên”? Phải chăng có những con sâu đã cảm thấy quá bức bối trong cái kén và rục rịch đòi hóa bướm?
“Sao mình thức ?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?”
Phải chăng đó là một câu hỏi về tương lai của sự nghiệp cách mạng dân tộc mà các thế hệ lãnh đạo đi trước đã gầy dựng? Phải chăng đó là lời khẳng định ông vẫn đang “mải mê đeo đuổi” sự nghiệp ấy dù rằng “chung quanh yên ắng cả”? Biết ai còn thức cùng ông?
“Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác ?”
Những câu này phải chăng bộc lộ rõ hơn sự trăn trở của ông? Sớm mai dậy, cờ có đổi màu cùng với sự lột xác của những “con ve”? Trên dòng “sông vắng” (ngoài dòng chảy của đất nước, dân tộc), có những “con cá hanh” đang đi tìm đồng loại của chúng để liên kết lại?
“Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay …”
Phải chăng niềm hy vọng vẫn thấp thoáng “trên đỉnh núi”? vẫn còn đó những gương mặt thức cùng ông để canh chừng “lũ ve sầu lột xác”“con cá hanh đi tìm đồng loại”?

Nói tóm lại, nếu hiểu theo ý này thì “nỗi buồn” của bác Điềm là hoàn toàn khác, hoàn toàn trái ngược với “nỗi buồn” của đám Trần Mạnh Hảo. Đó là “nỗi buồn” của một tấm lòng ngày đêm trăn trở với vận mệnh đất nước, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc chứ không phải “nỗi buồn” vu vơ, bệnh hoạn của đám người đang phỉ nhổ vào lịch sử, vào đất nước vì lợi ích cá nhân nhỏ nhen của họ. Và nếu đúng vậy, đám “rận sỹ chấy thức” quả thật đã bị troll một vố “cay sống mũi, xụi sống lưng” (cụm từ này tôi mới “sáng tạo” đó nha)!
Nếu đúng như vậy, bài thơ “Đất nước 2” của bác Điềm mới thực sự là một bài thơ hay chứ “tênh hênh” như cách “thẩm định thơ” của đám “rận sỹ chấy thức” và đám “nặc nô” thì quả thực là phí một đời làm thơ của bác ấy.
Khi “ngộ” đến đây rồi thì tôi tin rằng bài thơ của bác Điềm nhằm mục đích chuyển tải những thông điệp như đã phân tích ở trên. Chỉ thắc mắc một điều là tại sao bài thơ của bác ấy lại được gửi vào một “thùng rác” như quê choa, để rồi được phát tán đi khắp nơi như một thông điệp “chống chế độ” với sự “thẩm thấu thơ” ngu dốt của đám “rận chủ”? Dẫu ngượng ngùng vì bài đối đáp trong lúc vội vã của mình, nhưng ngẫm lại đó cũng có thể là lời nhắn nhủ đến bác í nếu suy luận trên của mình là sai hoặc cho những ai còn muốn diễn giải bài thơ của bác Điềm theo ý Trần Mạnh Hảo đã “tư duy”!

Đất nước những năm thật buồn

Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ

Cả bầy ve vừa lột xác

Sao mình thức ?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành ?

Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác ?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người

Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi ?

Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay …

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍