Trong bài đăng mới đây của bạn TTCS, tác giả cho rằng vụ bạo loạn tại Bình Dương là kết quả của một quá trình “mâu thuẫn giai cấp” và sự kích động tinh thần dân tộc cực đoan, bài Hoa của hệ thống báo chí cũng như một số Netizens (cư dân mạng) mang danh “dư luận viên” mà bạn ấy cho là “phản cách mạng”. Về cơ bản thì tôi đồng ý với tác giả, nhất là vế thứ 2 nhưng tôi cũng trao đổi với tác giả rằng đối với sự việc xảy ra lần này, nguyên nhân mâu thuẫn giai cấp chỉ là một phần không chính yếu. Ngay từ khi vừa nổ ra sự kiện này, tôi đã cho rằng đây là một âm mưu dàn xếp kích động gây bạo loạn và nằm ngoài ý thức chủ quan của người công nhân. Bất cứ ai theo dõi các quả “chém gió” của tôi trên facebook đều thấy rằng từ đầu đến cuối tôi không hề nhắc đến người công nhân như một tác nhân chính của việc đập phá, bạo loạn này. Và thực tế đã chứng minh điều đó.
Vậy nguyên nhân nằm ở đâu?
Theo tôi là có 3 yếu tố quan trọng nhất, đó là:
1. Như bài viết của TTCS đã nói: sự kích động có hệ thống của báo chí phản cách mạng ẩn mình trong “nền báo chí cách mạng” về hình ảnh Trung Quốc (cũng như các bạn bè quốc tế đã từng giúp đỡ VN trong thời kháng chiến chống Mỹ). Tinh thần bài Hoa ngấm ngầm này kết hợp với hành động khiêu khích của chính quyền Trung Quốc tại biển Đông làm bùng lên làn sóng chống Trung Quốc trong dư luận Việt Nam, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên vốn chân phương trong suy nghĩ, tình cảm.
2. Sự chủ quan của chính quyền các cấp, dẫn tới việc bật đèn xanh cho các hoạt động biểu tình, tuần hành tự phát của các “phe phái” trong xã hội, bao gổm phần lớn là những người yêu nước vô tư và chống Trung Quốc bằng một tình cảm tự nhiên. Cùng với đó là sự cổ vũ hết mình của các phương tiện thông tin đại chúng về các cuộc biểu tình, tuần hành này. Tất cả đều hồ hởi, “tự sướng” mà quên đi lý do vì sao mà Nhà nước lại ban hành các quy định pháp luật về việc tụ tập đông người.
3. Kế hoạch gần hoàn hảo của các thế lực thù địch nhắm vào việc làm rối loạn xã hội Việt Nam giữa lúc tình hình bên ngoài đang căng thẳng. Đây có thể gọi là đòn “nội công ngoại kích” rất lợi hại.
Ba yếu tố này là đã phối hợp với nhau để tạo nên một sự kiện có thể nói là làm choáng váng nền an ninh trong nước.
Thế lực thù địch là ai?
Đã lâu rồi, cùng với sự mở cửa của Việt Nam và nền ngoại giao trong thời kỳ mới, người ta không gọi đích danh một cách công khai đâu là “thế lực thù địch”. Nhưng chúng ta có thể hiểu “thế lực thù địch” là bất kỳ kẻ nào có âm mưu lật đổ Nhà nước Việt Nam hiện nay vì mục đích chính trị của họ hoặc có dã tâm xâm lấn lãnh thổ Việt Nam. Với thể chế chính trị của mình, Việt Nam có rất nhiều kẻ thù ngấm ngầm, những kẻ cảm thấy chế độ này là một rào cản cho họ khai thác thị trường – tài nguyên Việt như ý muốn của họ, là những kẻ cảm thấy Việt Nam là một cái gai trong mắt họ vì là một tấm gương cho những quốc gia muốn thoát ra khỏi cái vòng kim cô của đế quốc, là những kẻ ôm mối hận cũ từ ngày 30/04/1975 (đây có lẽ chỉ là chiêu bài để khoét sâu vào mâu thuẫn trong các thế hệ, ý thức hệ của người Việt) – tóm lại là những ông chủ nước Mỹ và đương nhiên cùng với đó là đám diều hâu trong chính quyền Trung Quốc.
Vậy trong thời điểm hiện tại ai là kẻ mong muốn một Việt Nam bất ổn nhất? Trung Quốc vì họ đang gây hấn với chúng ta ở biển Đông và họ không muốn thấy một Việt Nam với những người dân đồng lòng vững bước chống chọi với họ? Bất ổn trong nước có thể khiến chính phủ và nhân dân Việt Nam bị xao nhãng tại “mặt trận trên biển”, tạo nên một hình ảnh Việt Nam xấu xí trong mắt quốc tế (giúp Trung Quốc dễ dàng tranh thủ trên mặt trận ngoại giao), đánh vào nền kinh tế nhỏ bé vốn đang phải gồng mình cho các chi phí quốc phòng những năm vừa qua, đồng thời khơi dậy tinh thần bài Hoa cực đoan tại Việt Nam (cũng chính là giúp chính quyền Trung Quốc tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân trong nước đối với vấn đề Việt Nam). Thực sự là rất nhiều lợi!
Tuy vậy đối với ông kẹ Mỹ thì tạo một cuộc “cách mạng” tại Việt Nam lúc này cũng có nhiều lợi ích không kém. Thứ nhất, không phải đến bây giờ Mỹ mới muốn “mần cách mệnh” tại Việt Nam mà thực chất họ đã xúc tiến làm điều này rất lâu rồi và chưa bao giờ thành công. Hai lần “hoành tráng” nhất là các vụ trên Tây Nguyên năm 2001 và năm 2004. Ngay cả khi thế giới dậy sóng với cái gọi là “mùa xuân Ả rập” và “cách mạng màu” ở một số nước thuộc Liên Xô cũ thì Việt Nam vẫn bình chân như vại. Các phong trào “dân chủ” tại Việt Nam ngày càng bị biến tướng thành các sô diễn hài. Chút an ủi là CIA có thể bấu víu vào các lực lượng công giáo phản động để có chút thành tích báo cáo xin ngân quỹ hàng năm. Do đó, Mỹ luôn luôn sẵn sàng cho một cuộc “cách mạng” tại Việt Nam, bất kể lúc nào. Thứ hai, dù Mỹ không thích chút nào việc Trung Quốc có thể áp chế Việt Nam và thực sự Mỹ luôn lên tiếng phản đối Trung Quốc như một cách làm mất thể diện nước này trên quốc tế chứ không hẳn là vì lòng hào hiệp mà bênh vực Việt Nam nhưng viễn cảnh đẩy Việt Nam và Trung Quốc sa lầy vào một cuộc chiến hoặc chí ít là thế giằng co kéo dài còn mình thì “tọa sơn quan hổ đấu” quả thật cũng là một kết quả mỹ mãn giành cho Mỹ. Thứ ba, nếu “cách mạng” thành công thì việc một chính phủ bù nhìn của Mỹ được lập lên tại Việt Nam quả là một giấc mơ không thể ngọt ngào hơn. Lúc đó Mỹ sẵn sàng vỗ ngực, “ra tay nghĩa hiệp” đưa tàu vào Việt Nam lập căn cứ quân sự để hỗ trợ “đồng minh”. Tất nhiên, hãy quên đi chuyện Mỹ sẽ vì VN mà “chiến” với Trung Quốc mà không biết chừng, để việc đưa quân vào VN được êm thấm, Mỹ – Trung Quốc và chính quyền tay sai bấy giờ lại không có một phi vụ “đi đêm” mới để tạo nên một “hải chiến Hoàng Sa” thứ 2.
Mỹ thừa hiểu rằng, tham vọng của Trung Quốc là biến khu vực Đông Nam Á này trở thành sân sau của họ như kiểu Mỹ La Tinh đối với Mỹ. Với sự trỗi dậy đầy thực lực của Trung Quốc, việc đối đầu trực tiếp giữa 2 bên là một điều sẽ khiến cả 2 thân bại danh liệt, nhất là khi con gấu Nga đang tỉnh dậy sau giấc ngủ đông. Việc tốt nhất mà Mỹ có thể làm là cố gắng giữ lấy ảnh hưởng vốn có ở khu vực này và nhặt nhạnh thêm được cái gì hay cái nấy trên cơ sở thỏa hiệp ngầm với Trung Quốc.
Do đó, thực sự là khó để xác định kẻ nào là chủ mưu trong vụ việc này (tất nhiên là đối với giới “gõ phím bình thiên hạ” như tôi chứ không phải đối với giới an ninh). Mà cũng có thể các thế lực đó cùng thực hiện (kết hợp hoặc riêng lẻ) vì một khi cơ hội đã đến, ai cũng phải giành lấy phần. Như trong phim Ván Bài Lật Ngửa, chúng ta thấy thế trận tình báo luôn đan xen giữa Ta – CIA – Hoa Nam tình báo cục chứ chẳng hề chân phương một chọi một.
Cơ hội đã đến như thế nào?
Điều đáng ngại nhất ở Việt Nam đối với bất cứ kẻ thù nào là sự ổn định chính trị với sự đồng lòng cao trong các tầng lớp nhân dân. Muốn đập được một hòn đá tảng như vậy là điều vô cùng gian nan nên cách hay nhất là phải làm cho tảng đá đó rạn nứt từ bên trong. Khổ nỗi bao nhiêu công sức dồn cho đòn đánh “diễn biến hòa bình””suốt hơn 20 năm trời, chỉ tính từ khi Liên Xô tan rã, chỉ đem lại kết quả khiêm tốn là những gánh hài rong mang tên “dân chủ”. Người thì mộng đốt một đống lửa lớn cho tan đá nát vàng nhưng ki cóp mãi cũng chỉ gom được vài cọng rơm dặt dẹo, được người đời mỉa mai là “rận chủ”, “dân oan” (sau đây tôi sẽ gọi tắt đám ô hợp này là Ra-chu-da-oa). Bao nhiêu chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “bất công xã hội”,… cùng với sự tiếp tay không nhỏ của một nền báo chí đang trên đà tha hóa cũng không thể lôi người dân Việt ra khỏi chiếc giường êm ái để xuống đường mỗi sớm cuối tuần. Nhưng cơ hội đã đến và có lẽ đây cũng là lý do duy nhất có thể khiến người Việt khởi động tinh thần phản kháng chính trị của họ: chống Trung Quốc.
Điều đáng nói ở đây là không phải lời kêu gọi của “20 tổ chức dân sự” (quân bài cao cấp hơn đám Ra-chu-da-oa của Mỹ), lại càng không phải sự cảm động của người dân Việt đối với sự “tận tụy” của đám Ra-chu-da-oa đã kéo rất đông người dân xuống đường tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM ngày chủ nhật 11/05/2014. Họ xuống đường bởi chính lời hô hào của các đội “dư luận viên”, “cờ đỏ” – kẻ thù online của 2 nhóm kia – cũng như bởi dòng máu của họ sục sôi theo màu cờ sắc áo mà đội này mang theo (!). Mọi việc diễn ra rất êm đẹp. Tình yêu nước nở hoa rực rỡ trên các phương tiện truyền thông đại chúng sau đó. Chính quyền địa phương hỉ hả phớt lờ đi Nghị định của chính phủ về việc bảo đảm trật tự công cộng. Báo giới hồ hởi quên bẵng thói quen bới móc thường ngày. Khi yêu, người ta nào kể đến những lề thói thường tình làm chi! Nhưng đối với những kẻ không có tình yêu, đây lại là một cơ hội lớn!
Bạo loạn có phải là tự phát?
Sáng ngày thứ ba, 13/05/2014, tin tức từ Bình Dương đổ về: công nhân công ty giày Thông Dụng của Đài Loan bỏ làm việc để đi tuần hành, biểu tình chống Trung Quốc. Rồi lượng người biểu tình tăng cao do công nhân tại các công ty khác được kêu gọi đi theo, có thể bao gồm từ nơi khác chạy đến. Rồi đập phá. Rồi đốt, rồi cướp,… Rồi bạo loạn… Đêm đó tôi thức đến 2 giờ sáng để theo dõi thông tin trên FB và từ những người bạn gần “vùng chiến sự”, để xác định rằng những ước đoán của mình ban ngày là chính xác.
Tại sao tôi lại cho rằng đây là một sự kiện có tổ chức chứ không phải do sự bộc phát của công nhân?
Thứ nhất, những người công nhân này khởi hành với một mục đích không phải vì sự công bằng trong lao động. Có thể họ có những bức xúc nhất định trong mối quan hệ với giới chủ nhưng ít nhất lúc này họ không nghĩ tới điều đó. Hãy nhìn những gương mặt tươi roi rói, với cờ quạt, áo xống đỏ rực, đội mũ bảo hiểm chở nhau đi ngay hàng thẳng lối,… trong giai đoạn đầu của sự kiện, bạn sẽ hiểu rằng họ đi vì một phong trào, vì một tình cảm trong sáng.
Thứ hai, ngay khi công nhân rời khỏi nhà máy, đã có những người chuẩn bị sẵn cờ, biểu ngữ,.. trang bị cho đoàn. Điều này cũng dễ hiểu nếu “ban tổ chức” là người của công ty Thông Dụng nhưng sẽ không hợp lý nếu họ chuẩn bị cho cả công nhân của các công ty khác. Theo thông tin mà các bạn ở hiện trường cung cấp buổi tối hôm đó thì một số công nhân nói vụ biểu tình được tổ chức bởi “công đoàn Thuận An” (?!). Điều này không hợp lý vì nếu công đoàn của huyện Thuận An tổ chức thì sẽ phổ biến rộng rãi cho toàn bộ các khu công nghiệp trong vùng chứ không thể chỉ công ty Thông Dụng. Nhưng lại rất hợp lý vì đó là cách để những kẻ chủ mưu lôi công nhân ra khỏi vị trí làm việc của họ.
Thứ ba, quy mô lan rộng và nhanh của “phong trào”. Chỉ trong vòng 1 ngày, quy mô cuộc bạo loạn đã lan tỏa khắp một khu vực rộng lớn các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai và một phần TPHCM. Một phong trào tự phát thật khó lòng có khả năng lan tỏa như dây dẫn thuốc nổ, nhất là trong môi trường “ẩm ướt” về tinh thần đấu tranh chính trị hoặc mâu thuẫn lao động như ở nước ta hiện nay. Ngay từ đêm 13/05, tôi cũng được biết có một số “mũi nhọn” tìm cách xâm nhập vào trung tâm TPHCM. Ngày hôm sau, khi “đại quân” đã bị trấn áp tan tác thì vẫn còn rất nhiều nhóm nhỏ, sử dụng xe gắn máy, vẫy cờ đi khắp các khu công nghiệp để “tái lập đàn”. Đó chắc chắn không phải là sự tự phát, vô tổ chức của những người công nhân bức xúc vì “mâu thuẫn giai cấp” được.
Thứ tư, sau khi mọi việc tương đối ổn, nhiều báo đưa tin về việc những kẻ quá khích liên lạc với nhau qua bộ đàm. Đây hiển nhiên là quá bất thường đối với một vụ việc đơn thuần tự phát. Tại sao lại là bộ đàm? Vì loại này có thể giúp người ta liên hệ nhanh chóng, không bị ảnh hưởng khi sóng điện thoại bị vô hiệu hóa, không bị theo dõi hay lần tìm hay ghi âm như sử dụng điện thoại di động.
Thứ năm, trong sự kiện này có sự đóng góp tích cực của các băng nhóm giang hồ, điều tôi cũng biết chắc ngay từ khi bắt đầu xảy ra loạn (vì sự xuất hiện của các tay giang hồ địa phương là điều đương nhiên trong các vụ đốt phá, cướp bóc,…). Chính những tay giang hồ này đã kích động và “làm mẫu” cho bạo loạn, đồng thời là các nhóm “xung kích” vào TPHCM, khuấy động các khu vực chung quanh để “gầy đàn”. Điều bất thường ở chỗ, rừng nào cọp nấy, giang hồ khu vực Thuận An, Bình Dương dù có phấn khích mấy cũng không ngu xuẩn mà kéo đến lãnh địa của kẻ khác để gây rối nếu như không có 1 kế hoạch hợp tác từ trước hoặc món lợi của việc gây rối này quá lớn đến mức chúng không thể không làm.
(Còn tiếp)
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍