Bữa trước thấy trên Dân trí có đăng bài Sự tích lễ Vu Lan của ông Thái Bá Tân với lối “thơ 5 chữ” quen thuộc, tôi nảy sinh ý nghĩ tìm hiểu về ngày lễ quan trọng của Phật giáo này. Phần vì ngày rằm tháng 7 đã đến cạnh bên, phần vì tôi vốn chẳng thể gạt ra khỏi đầu mình sự nghi ngại về cái “tâm” của ông dịch giả vốn đã quá ô danh vì những bài thơ “ăn theo dân chủ”, dù ông ta đã tỏ ra hiểu biết về Phật giáo.

Mới sơ hiểu, tôi đã thấy trong “bài thơ” của ông Thái Bá Tân có một số chi tiết chưa từng thấy, từng nghe trong tài liệu Phật giáo nào (mà tôi đã tham khảo và “hỏi thăm”). Ông này viết:
“Bà này khi còn sống
Từng tranh ăn với con
Bây giờ xuống địa ngục
Thói xấu ấy vẫn còn”.
Đây hình như là một sự “sáng tạo” của ông Tân, dựa trên cái cách nhìn đời u ám của ông ta. Có nhiều dị bản về truyền thuyết Mục Kiền Liên cứu mẹ nhưng chẳng có cái nào trong số đó đề cập đến việc bà mẹ tranh ăn với con cả.
Về việc Phật Như Lai dạy Mục Liên cách cứu mẹ, ông thày dạy kèm tiếng Anh này mô tả một cách vô cùng trần tục và rời xa bản chất của vấn đề:
Đức Phật nghe rồi đáp:
“Mẹ ngươi quá lỗi lầm
Nên ngươi không thể cứu
Chờ tháng Bảy, ngày Rằm
Ngày mọi người hoan hỷ
Hãy làm lễ Vu Lan
Mời mọi người đến dự
Mâm cỗ bày trên bàn”
Ngày rằm tháng 7 là ngày “xá tội vong nhân” theo quan niệm dân gian, là ngày tết Trung Nguyên với tục cúng lễ tổ tiên theo Nho giáo và Đạo giáo, là ngày Tự tứ (Tùy ý) của Phật giáo (người tu hành cầu xin nhau chỉ ra những lỗi lầm của bản thân mình – giống “phê bình và tự phê bình” trong ĐCS). Vậy thì ngày này là ngày trang nghiêm chứ đâu phải ngày lễ hội “hoan hỷ”? Đã thế còn “mời mọi người đến dự, mâm cỗ bày trên bàn”, chẳng khác gì một buổi tân gia, đầy tháng, hỷ hiếu gì đó.

Việc ông Thái Bá Tân cho tôn giả Mục Kiền Liên trở thành người “trông coi chuyện âm phủ”, tức Địa tạng vương Bồ Tát, có lẽ theo sự diễn giải của hòa thượng Tuyên Hóa, một nhà sư Hoa kiều bên Mỹ, khi giảng về kinh Pháp hoa. Tuy nhiên tuyệt đại đa số tài liệu về Phật giáo đều nói rằng Mục Kiền Liên và Địa tạng vương Bồ tát là hai nhân vật riêng biệt. Xem ra, ông Tân cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” chứ chẳng hề để tâm đến việc tìm hiểu ngọn ngành sự việc.

Trải qua lớp bụi 2500 năm lịch sử, Đạo phật nói chung và các truyền thuyết Phật giáo nói riêng đã khoác lên mình những tấm áo văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ khác nhau của những vùng đất mà Phật pháp được truyền đến. Do đó, việc tồn tại những dị bản về câu chuyện Vu lan là có thể hiểu được. Trong Kinh Vu lan bồn chỉ nói mẫu thân Mục Kiền Liên là “Rằng mẹ ông gốc tội rất sâu” chứ không hề đề cập cụ thể “gốc tội” là gì. Do đó, tùy thuộc vào cách dẫn giải kinh, các dị bản trong dân gian ra đời, mà phổ biến là các cốt chuyện sau:
– Chi li nhất là dị bản “Trung Hoa hóa” kể Mục Kiền Liên tên thật là La Bốc, sinh ra trong một gia đình giàu có. Mẹ là bà Thanh Đề, vốn tham làm, coi thường Phật pháp, gây nhiều ác nghiệp nên khi chết bị đọa xuống địa ngục A tỳ.
– Bản dân dã thì kể: bà Thanh Đề là nông dân nghèo nhưng mộ đạo. Một bữa bà lên cúng gạo cho chùa nhưng trụ trì đi vắng. Trước khi đi, trụ trì đã dặn các sư là sắp có 1 đại thí chủ tới thăm nên khi thấy bà Thanh Đề là nông dân nghèo, các sư không để ý. Bà Thanh Đề đem lòng sanh hận, lấy thịt chó làm nhân bánh cúng chùa nên lâm vào ác nghiệp.

Tôi vốn không mê tín nên thấy cách diễn giảng của thượng tọa Thích Nhật Từ (trong video clip cuối bài này) là hợp lý hơn cả. Tuy nhiên, một số vị am hiểu đạo Phật cũng khuyên rằng nếu để ý đến nội dung câu chuyện thì lại là “chấp tướng”, nên chỉ cần hiểu về ý nghĩa của chuyện mà thôi. Có thể đối với các dị bản truyền thuyết thì như vậy, nhưng riêng đối với “bài thơ” của ông Thái Bá Tân thì tôi vẫn phải “chấp tướng” vì như những gì phân tích ở trên, “bài thơ” đó đã làm lệch lạc những thông tin (về ngài Kiều Mục Liên), sự trong sáng của tinh thần Phật giáo (lễ Vu Lan).
Do đó, tôi cũng xin lấy lối viết “5 chữ một hàng” của ông Thái Bá Tân để “đính chính” lại sự tích ngày lễ Vu Lan như sau:

Sự tích lễ Vu Lan

Xưa ngài Mục Kiền Liên
Vốn dõi dòng quyền quý
Ngộ “Tử Biệt Sinh Ly”
Nên quyết lòng dốc chí
Dứt bỏ mọi địa vị
Biệt gia đình thoát ly
Tầm đạo thầy khai trí
Thoát cõi sinh vô thường.

Trải mấy chục năm trường,
Ngài tìm ra chân lý
Thành Vương Xá bái sư
Như Lai thông tâm trí.

Mục Liên chứng quả vị
A la hán, lục thông
Thấu mẹ là ngạ quỷ
Đói khát giữa cánh đồng.

Tình mẫu tử mênh mông
Cồn cào như biển rộng
Nỗi bi ai trong lòng
Xót như chà muối hạt.

Dâng mẹ cơm một bát
Gạo mùa mới thơm hương
Và ly đầy nước mát
Từ buổi sớm tan sương.

Mẹ Mục Liên sung sướng
Ngỡ đau khổ đã qua
Sợ chúng ma tranh hưởng
Giấu cơm ăn riêng bà.

Nhưng ôi thật xót xa
Miếng cơm như phát hỏa
Mục Liên dẫu tài ba
Cũng xuôi tay bất khả.

Ngài vội về tịnh xá
Cầu sư phụ cứu nguy
Phật dạy: trong thiên hạ
Cứu mẹ ông, không người.

Này Mục Liên, ông ơi
Gieo nhân thì nhận quả
Là quy luật muôn đời
Nghiệp mẹ ông nặng quá.
Giờ hãy nghe lời ta
Cầu mười phương tăng chúng
Cùng chuẩn bị đèn hoa
Kinh vu lan đồng tụng.
Phải nhằm ngày cho đúng
Rằm tháng bảy tròn trăng
Cũng là ngày tự tứ
Hợp chú nguyện chư tăng.

Mục Liên trút gánh nặng
Theo lời Phật tổ bày
Giải đạo huyền đã đặng
Bao hắc nghiệp tan ngay.

Đạo hiếu đã vẹn đầy
Mục Liên bạch Phật tổ
Vu Lan bồn từ đây
Cho chúng sanh phổ độ.

Trong nhân gian từ đó
Ngày báo hiếu mẹ cha
Cầu siêu sinh thoát khổ
Dẫu là bảy kiếp qua./.

Bài Pháp Thoại: SỰ TÍCH MỤC LIÊN THANH ĐỀ & Ý NGHĨA VU LAN
Thượng tọa: Thích Nhật Từ
Thuyết giảng tại: Chùa Phước Linh (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍