Lúc trước tôi không thích chính trị chính em mà chỉ lo “cày cuốc” kiếm cơm qua ngày. Như bao người khác, hàng ngày lướt web, thấy đủ trò xốn mắt của đám Showbiz Việt, của thanh thiếu niên hiện nay nên tập tành viết blog “chửi chúng chơi”. Nhưng khi vô tình “bập” vào các trang blog tự xưng “lề trái lề triếc”, mắt thấy tai nghe những hành xử, lời lẽ còn xốn mắt hơn nữa của đám “già đầu tối dạ” nhân danh “nhân sĩ – trí thức” này nọ, tự dưng thấy cảm thông cho đám trẻ kia. Do đó, Đôi mắt ra đời với mong muốn tìm hiểu ngọn ngành nguồn gốc của những mớ bòng bong xã hội hiện tại trong đống hổ lốn các vấn đề chính trị, tôn giáo để thỏa mãn bản thân và những người nào có hứng thú.

Trong thời gian vừa qua, Đảng cộng sản Việt Nam đã có nhiều chuyển động tích cực trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tha hóa trong nội bộ Đảng để từng bước làm trong sạch đội ngũ Đảng. Chứng kiến nỗ lực của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ban đầu tôi tính viết bài này như những lời “tâm sự” với ông bằng tư cách của một công dân trẻ, ngoài Đảng. Nhưng sau nghĩ lại, việc viết riêng cho một người đức cao vọng trọng sẽ hạn chế sự thoải mái trong ngôn từ, vả lại đây là vấn đề chung của Đảng và mọi người dân nên tôi chuyển biến thành một bài “tâm sự” với Đảng và tất cả những người đang nỗ lực làm trong sạch Đảng. Do không có điều kiện tìm hiểu nhiều về tư tưởng lý luận của ĐCSVN và lại không phải là Đảng viên nên đây là góc nhìn Đảng từ dưới lên, từ ngoài vào. Các bác có ý tưởng xây dựng nào thì cùng góp tay vào cho nó hoành tráng, chứ không lẽ cứ để các “rận sỹ – chấy thức” độc quyền “kiến nghị” hoài thì ngại quá. Bác nào quen biết ông TBT hay các ông Đảng viên khác thì góp một tay chuyển giùm thông điệp này tới họ. Đảng làm tiên phong thì chúng ta là hậu cần, hoặc chí ít cũng là “cổ động viên”, góp sức mình hỗ trợ, ủy lạo tinh thần Đảng chứ nhỉ? Nào bắt đầu … soi Đảng …

☼☼☼

Là một công dân còn tương đối trẻ, được sinh ra và lớn lên trong điều kiện đất nước đã hoàn toàn sạch bóng ngoại xâm, được thở bầu không khí tự do – độc lập của nước nhà và được dạy dỗ về những công lao của Đảng cộng sản Việt Nam trong công cuộc giải phóng đất nước nên Đảng với tôi (và có lẽ hầu hết công dân Việt) đã trở thành một thực thể gần gũi và tự nhiên mặc dù khá trừu tượng. Những cái cụ thể nhất thể hiện hình ảnh của Đảng chỉ là cờ đỏ búa liềm, tượng Các Mác, Lê nin, thẻ Đảng viên của người thân,… Lớn lên đi học trong môi trường Đại học dù bị “nhồi nhét” không ít lý thuyết về Lịch sử Đảng, Kinh tế chính trị Marx – Lenin,.. nhưng có vẻ như sự trừu tượng càng lớn hơn! Đó cũng là lẽ thường tình, như món ăn dù được coi là ngon đến mấy nhưng bị ép uổng ăn đến mức phát ngán thì cũng sẽ tạo ra tác dụng ngược cho người “được ăn”, và khó mà tiêu hóa nổi.

Cho đến bây giờ, khi đọc những khái niệm về Đảng, tôi vẫn cảm thấy khá mơ hồ:
“Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” – Trích dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992.
Tất nhiên sự trừu tượng – mơ hồ này là đối với những công dân bình thường trong thời buổi hiện nay, không có nhu cầu hoặc ý thích tìm hiểu sâu về Đảng nói riêng và chính trị nói chung (còn đối với Đảng viên mà cũng mơ hồ thì miễn bàn!). Nhưng niềm tin yêu dù mạnh mẽ và trong sáng đến đâu cũng rất dễ bị xao động nếu chỉ được xây trên những giá trị mơ hồ! Thực ra, những khái niệm kiểu “chính thống” trên là hợp lý khi “lắp ráp” vào trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước nhưng tôi tự hỏi, có cách nào không để Đảng đến với nhân dân gần gũi và dễ hiểu hơn nữa ngay từ cái “khái niệm về Đảng” trong ngôn ngữ đời thường, trong những bài giảng nơi trường học, trong những bài nói chuyện, phát biểu, bài báo,…? Ví dụ như: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội ngũ tập hợp những cá nhân ưu tú của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh; vận hành theo nền tảng lý luận của CN Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh..”. Bác Hồ là bậc thầy trong lĩnh vực này. Người đã gói gọn cả lịch sử và đường lối đấu tranh cách mạng vào cuốn sách mỏng “Đường kách mệnh” với lối văn đơn sơ, bình dân nhất có thể!

Trong lịch sử hào hùng của mình, có khi nào Đảng lại đứng trước tình thế “khủng hoảng về niềm tin” mà nếu không được chỉnh đốn kịp thời thì sẽ “liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ” như thế này chưa? Đảng đã đứng vững qua những cơn cuồng phong hung bạo nhất của thời đại bằng sự đoàn kết từ bên trong nhưng nay lại đứng trước một thách thức lớn hơn: viên kẹo độc bọc đường đang ngậm trong miệng. Vượt qua được thử thách này là sự đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển vững bền của Đảng. Bởi lẽ chiến thắng được bản thân mình là chiến thắng khó khăn và hiển hách nhất! Những người mạnh mẽ có thể chiến đấu lại thú dữ nhưng rất khó để chống lại một vài tế bào ung thư nếu không kịp thời cắt bỏ chúng trước khi di căn sang các tế bào lành mạnh khác. Cây cổ thụ có thể chống chọi với mọi cơn bão lớn nhưng nếu không chịu chặt bỏ những cành, chi bị sâu đục thì cũng có ngày đổ gục bởi cơn gió nhẹ. Như chúng ta đã biết, trong cái rủi là sự sụp đổ của ĐCS Liên Xô lại cũng có cái may là để lại cho ĐCS Việt Nam một bài học vô giá để tự răn mình (Một đảng khi có 20 nghìn đảng viên đã lãnh đạo Cách mạng tháng Hai lật đổ ách thống trị chuyên chế Sa hoàng; khi có 35 vạn đảng viên đã giành được thắng lợi của Cách mạng XHCN tháng Mười và nắm chính quyền toàn quốc; khi có hơn 5.540.000 đảng viên lãnh đạo nhân dân chiến thắng phát-xít Đức, góp phần quyết định chấm dứt Thế chiến thứ hai, vậy mà khi có đến 21 triệu đảng viên thì lại mất địa vị cầm quyền, mất Đảng, mất nước.).

Có người sẽ hỏi rằng nếu tôi không phải là một Đảng viên thì tại sao phải quan tâm đến công việc của Đảng, sự tồn tại của Đảng làm gì? Những câu hỏi như vậy là của những người chưa hiểu về mối tương quan giữa Đảng với đất nước, với dân tộc, với mỗi cá nhân trong xã hội. Khác với hầu hết những đảng phái chính trị khác trên thế giới, sinh ra để tranh giành quyền lợi chính trị trong một quốc gia cho giai cấp, tôn giáo, các nhóm lợi ích chính trị,.. mà nó đại diện, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị đại diện cho khát vọng và lợi ích của đại đa số nhân dân Việt Nam. Khát vọng, lợi ích đó là: Độc lập – tự do cho tổ quốc (đã hoàn thành), đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, môi trường trong sạch,… Chính vì vậy, Đảng và đường lối của Đảng có ảnh hưởng trực tiếp và mật thiết với vận mệnh quốc gia, với an ninh, đời sống, kinh tế của mỗi người dân, trong đó có tôi. Vậy không quan tâm sao được?

Chúng ta đang đi trên một con tàu mà Đảng là thuyền trưởng kiêm hoa tiêu để lèo lái dân tộc Việt vượt qua sóng gió đi về bến bờ của CNXH – CNCS. Điều này có vẻ giáo điều và văn chương sáo rỗng nhưng quả thực là khi nói đến điều này tôi không thể tránh được việc không liên tưởng đến sứ mệnh của Christopher Columbus xưa kia. Trước khi ông ấy tìm ra châu Mỹ thì “thế giới mới” còn không nằm trong trí tưởng tượng của hầu hết mọi người. Chỉ có niềm tin mãnh liệt vào mục đích chuyến đi của Columbus, của những nhà tài trợ và thủy thủ đoàn cộng với tài lèo lái vượt qua sóng gió của cả đoàn thám hiểm mới đem lại thành công rực rỡ đến vậy. Mà CNXH đâu có phải là một cái gì đó mơ hồ thái quá như những kẻ thiếu trí tưởng tượng thường rêu rao?! Nói gọn lỏn lại thì CNXH là xây dựng được một xã hội phát triển mà trong đó của cải xã hội được phân phối một cách công bằng dưới sự điều phối của nhà nước.

Do đó, việc bảo đảm “sức khỏe” cho người “thuyền trưởng (hoa tiêu)” ấy là tối cần thiết. Chỉ cần “ông ta” đổ bệnh hoặc mất ý chí là kéo theo sự tan rã của cả một tập thể. Có những kẻ sẽ nhăm nhăm giành các con thuyền cứu hộ để tự lo thân mình trước. Có những kẻ lại mong chiếm đoạt con tàu để xẻ thịt bán cho đám gian thương đang chầu chực. Có kẻ lại chiếm vị trí thuyền trưởng để rồi với khả năng hạn chế đưa tàu đâm vào đá ngầm hoặc sa vào nanh vuốt của đám hải tặc… Đến khi đó, những thủy thủ và hành khách dại khờ, giống như hầu hết công dân bình thường trong xã hội, sẽ phải quay cuồng giữa bão tố đại dương, những con cá mập với hàm răng nhọn hoắt, những tên cướp biển với súng ống sẵn sàng nhả đạn,.. mà không biết bấu víu vào đâu. Có lẽ chẳng cần tưởng tượng gì nhiều, cứ nhìn qua những “thành quả” của “mùa xuân Ả Rập” thì rõ. Hai mươi mấy năm qua, các loại cách mạng từ “nhung” tới “màu”, rồi “hoa nhài hoa sói”,.. đã diễn ra trên khắp thế giới đã đem lại được những gì nổi bật ngoài một Đông Âu ngập tràn mafia và đĩ điếm, một Trung Đông nhầy nhụa máu và thuốc súng?

Vậy thì chúng ta sẽ “chăm sóc sức khỏe” cho “người thuyền trưởng kiêm hoa tiêu” Đảng CSVN như thế nào?
Muốn làm được điều đó, chúng ta cần biết Đảng đang gặp vấn đề gì về sức khỏe. Rất may là Đảng đã tự chẩn đoán cho mình một cách chính xác và thậm chí đã tự lên sẵn phác đồ điều trị mang tên “Nghị quyết trung ương 4”. Bệnh tình của Đảng là: có một bầy sâu đang đục khoét ngay trong thân của nó. Ở đây tôi sẽ không bàn về nội dung của nghị quyết TW4 vì đó là phương pháp điều trị của người trong cuộc mà sẽ nhìn vấn đề này dưới góc nhìn “từ dưới lên, từ ngoài vào”.

Bệnh tình của Đảng đã rõ rồi nhưng để trị dứt điểm nó không đơn giản là chỉ uống vài viên kháng sinh liều cao. Điều quan trọng nhất là phải tìm được nguồn gốc của bệnh tình. Mà muốn biết nguồn gốc của bệnh tình thì cần xác định được bản chất của Đảng. Thần thoại Hy Lạp có chuyện về một anh chàng tên Antaeus có sức mạnh vô địch, vật thắng được tất cả mọi người đi qua con đường mà anh ta trấn giữ, cho đến khi bị Hec-quyn (Heracles) bóp chết bằng cách không cho chạm vào mặt đất vì phát hiện ra anh ta được tiếp thêm sức mạnh mỗi khi chạm đất bởi là con của nữ thần đất Gaia. Đảng CSVN là một chính Đảng được sinh ra từ lòng dân, đại diện cho những khát vọng của nhân dân nên sức mạnh của Đảng sẽ là vô địch nếu vẫn bám rễ được vào đất mẹ – lòng dân. Hiện nay, một bộ phận Đảng viên đã không cần đến một sức mạnh Héc-quyn nào mà tự nhấc mình ra khỏi “đất mẹ” bởi sự dao động trong tư tưởng, bởi sự quan liêu, bởi cá nhân chủ nghĩa và nhất là bởi động cơ “theo Đảng kiếm ăn” (cũng dễ hiểu vì ngay cả trong tự nhiên, sống bên cạnh những “gã khổng lồ” luôn luôn có những kẻ cơ hội bám theo để kiếm ăn). Do đó, bàn về Đảng thì không thể tách rời khỏi dân được vì như thế có khác nào chỉ nói đến cái ngọn mà không nói đến cái gốc, nói đến cái cây xanh tươi mà không nói đến nguồn dinh dưỡng (đất và nước) nuôi cây được như thế.

Bởi xuất phát từ tâm nguyện của nhân dân nên Đảng mới có cái sức mạnh Thánh Gióng dẫn dắt nhân dân làm nên cuộc Cách mạng tháng 8 khi chỉ có 5000 Đảng viên. Bởi bám rễ trong nhân dân nên Đảng mới không ngừng phát triển dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt mà mỗi tấm thẻ Đảng phải đổi bằng máu của chính những người Đảng viên, từ hơn 750.000 trong kháng chiến chống Pháp lên đến hơn 1.5 triệu Đảng viên khi kháng chiến chống Mỹ thành công. Ngày nay, trong điều kiện “dễ thở” hơn, Đảng có điều kiện phát triển mạnh mẽ là điều dễ hiểu. Với lượng Đảng viên gần 3.7 triệu người hiện nay (chiếm gần 4% dân số), Đảng CSVN hiện đang là một trong những chính Đảng lớn của thế giới. Tuy nhiên, có vẻ như Đảng đã phát triển không cân đối, khi chú trọng về bề nổi (số lượng) nhưng thiếu sự tương ứng về chiều sâu (chất lượng). Nói cách khác, cái cây đại thụ này đã tập trung đẻ cành, thêm lá, tán rộng xum xuê mà không để ý đến việc bộ rễ của mình có theo kịp để cắm sâu hơn nữa vào đất mẹ hay không. Chú trọng đến nền tảng, đến gốc rễ, đó là cái lẽ căn bản của sự bền vững đối với mọi sự vật trên đời.

Nói tóm lại, biện pháp căn cơ nhất để chữa dứt điểm “bệnh tình” cho Đảng cũng chính là củng cố và phát triển hơn nữa cái vũ khí truyền thống của Đảng: mối liên kết mật thiết với nhân dân. Có rất nhiều cách để làm điều đó và Đảng càng thực hiện được nhiều thì sức mạnh và sự vững bền của Đảng càng tăng lên. Tôi có thể ví dụ một số biện pháp như sau:

1. Đối với Đảng viên:
1.1 – Phải bám sát dân để “được” dân giám sát: Tại khoản 2 điều 4 dự thảo sửa đổi hiến pháp 2012, có nói rằng “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân”. Đó là điều đúng đắn và đương nhiên. Không có điều đó thì nhân dân cũng luôn luôn giám sát Đảng dù công khai hay không. Vậy thì để chứng tỏ cho người dân thấy sự quang minh chính đại của mình, thiết nghĩ Đảng nên có biện pháp cụ thể hơn nữa để tạo điều kiện cho nhân dân giám sát mình.
Theo tỷ lệ hiện nay thì cứ 25 người dân (khoảng 6 hộ gia đình) thì có 1 Đảng viên. Như vậy một khu phố, thôn xóm chí ít cũng phải vài Đảng viên (1 chi bộ). Vậy phải làm sao để các Đảng viên này thay vì chỉ được đánh giá chung chung trong chi bộ của mình còn phải chịu sự giám sát của toàn bộ nhân dân trong khu vực đó. Đảng viên là tiên phong, là những lá cờ đầu nên Đảng viên phải dấn thân, phải cống hiến và hy sinh (quyền lợi) trên tinh thần tự nguyện, bất kỳ thời kỳ nào chứ không phải chỉ trong chiến tranh. Xưa khó khăn, vào Đảng là phải chấp nhận “ăn như tu – ở như tù – làm như lãnh tụ” nhưng nay điều kiện đất nước đã tốt hơn thì có thể “xí xóa” hai điều kiện trên nhưng dứt khoát phải giữ lại điều kiện cuối (vì Đảng chính là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội mà). Mà làm lãnh đạo thì phải biết “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” mới được. Để được như thế thì các Đảng viên phải thực sự hòa mình vào môi trường chung của nơi mình sinh sống chứ không phải chỉ hoàn thành nghĩa vụ tại nơi làm việc và “đóng cửa bảo nhau” trong chi bộ. Đảng cần quy định các Đảng viên ngoài việc sinh hoạt tại chi bộ quản lý thì còn có trách nhiệm tham gia các hoạt động của địa bàn sinh sống như: các buổi họp dân phố, các hoạt động xã hội tại địa phương,.; hàng quý hoặc nửa năm mỗi Đảng viên cần phải có ít nhất một bài nói chuyện hay tiếp xúc với nhân dân nơi sinh sống để giải đáp thắc mắc của dân về chính sách, đường lối của Đảng, giúp đỡ những khó khăn còn tồn tại của nhân dân trong phạm vi khả năng của mình,…
Tại mỗi địa phương đều có sẵn một nguồn vốn quý nhưng đang dần bị mai một theo thời gian, đó là các vị lão thành cách mạng – những người đã thực sự được trui rèn qua ngọn lửa cách mạng. Việc các Đảng viên hòa nhập vào nhân dân nơi sinh sống cũng là điều kiện để được truyền nhiệt từ ngọn lửa ấy và học hỏi thêm về kinh nghiệm “bám dân”. Mỗi Đảng viên phải thực sự là một hạt nhân tích cực của xã hội, là một tuyên truyền viên (bằng chính việc làm của mình) đúng nghĩa của Đảng. Từ đó, nhân dân sẽ có điều kiện giám sát trực tiếp và đánh giá các Đảng viên, bên cạnh sự đánh giá của chi bộ. Có như thế “19 điều cấm” và những giới hạn khác đối với Đảng viên mới được giám sát nghiêm túc và trung thực. Có như thế, giá trị “cống hiến – hy sinh” của người Đảng viên mới thực sự được đánh giá đúng đắn. Có như thế người Đảng viên mới tự rèn luyện mình để câu khẩu hiệu “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” mới không chỉ là chót lưỡi đầu môi.

Nếu Đảng thực sự làm được điều này, chắc chắn sau một thời gian, những “cây tầm gửi” theo Đảng vì mục đích tiến thân thaydấn thân sẽ tự động phải “giã từ lý tưởng”! Điều đó chẳng hề làm Đảng yếu đi mà trái lại càng tăng thêm sức mạnh chính nghĩa của Đảng, tựa như những tế bào ung thư được cắt bỏ. Quý hồ tinh bất quý hồ đa – bài học của ĐCS Liên Xô còn ngay trước mắt.

1.2 – Nên có các biện pháp rèn luyện, trau dồi đạo đức cho các cán bộ Đảng các cấp: Đảng đã chỉ ra “tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Đây là căn bệnh nan giải, không dễ gì chữa được trong ngày một ngày hai vì nó là “tâm bệnh”. Đối phó với nó, chúng ta cần phải sử dụng nhiều biện pháp phối hợp. “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời” nhưng thói quen cũng khó sửa chẳng kém gì. Cứ nhìn mấy người hút thuốc lá thì rõ. Biết là hại đủ đường nhưng không tài nào vứt bỏ được điếu thuốc con con. Vậy thì tiền bạc, ăn chơi, nhảy múa và bao trò vui đời thường khác có dễ bỏ được không?

Không phải vấn đề tôn giáo nhưng tôi nghĩ Đảng nên khuyến khích các cán bộ của mình nên tham khảo những triết lý của Phật giáo về việc tu tâm dưỡng tính. Điều này tuyệt nhiên không liên quan gì đến việc đi chùa chiền cúng bái mong tài ước lộc một cách dị đoan đang nở rộ trong xã hội (bao gồm 1 bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên) hay xung khắc với sự vô thần của CN Mác – Lê Nin cả. Một buổi tham thiền, một cuộc trò chuyện với các cao tăng,.. về nhân tình thế thái có thể ích lợi rất nhiều hơn những lời kêu gọi đao to búa lớn. Ví dụ như các Đảng bộ có thể lên thu xếp cho các cán bộ Đảng viên hàng tháng tham gia một buổi nói chuyện và tham thiền với một vị cao tăng về những vấn đề “hot” trong xã hội, trong đời sống. Các buổi nói chuyện chỉ thuần về việc tu dưỡng đạo đức nhưng “giáo trình” có thể được cấp lãnh đạo Đảng duyệt trước cho phù hợp với đường lối của Đảng.

Con người khi dính vào bả danh lợi thì thường mờ hết cả lí trí. Việc tham thiền và nói chuyện kiểu đó sẽ như một ly trà hương sen buổi sớm, làm tinh thần sẽ trở nên minh mẫn hơn, lòng người sẽ mở rộng hơn. Theo thời gian, những người đã trót “nhúng chàm” nhiều khả năng cũng “ngộ” được ra nhiều. Ngoài ra, theo sơ hiểu của tôi, có nhiều sự tương đồng giữa triết lý của Phật giáo và CN Mác, Tư tưởng Hồ Chí Minh khi đều cùng đề cao vấn đề đạo đức. Đó là lý do vì sao đạo Phật có thể trường tồn và hòa nhập vào văn hóa Việt cả ngàn năm nay cũng như CN Mác Lê Nin được nhân dân ta đón nhận và phát huy thành những chiến công vang dội địa cầu. Muốn có được đạo đức cách mạng như lý tưởng của Đảng thì điều thiết yếu là mỗi đảng viên phải có đạo đức cá nhân.

1.3 – Rà soát, chỉnh đốn lại toàn bộ tác phong, hình ảnh của các quan chức Đảng viên. Đảng CSVN là đại diện cho nhân dân lao động thì hình ảnh của các quan chức Đảng phải làm sao cho phù hợp với điều đó. Đặc điểm đặc trưng cho nhân dân lao động là sự thanh đạm về vật chất nhưng giàu có về tình cảm. Hãy xem lại hình ảnh của chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng – nhà nước xưa kia và so sánh với các quan chức bây giờ thì thấy thế nào? Tại sao ngày xưa các lãnh đạo Đảng có thể xuống tận ruộng để gặp nông dân thì ngày nay các quan chức phải ngồi xe hơi bóng loáng (bọc thép) để đi “thăm dân”? Đó là biểu hiện sống động nhất của việc “xa dân”, cụ thể hơn là xa tầng lớp nhân dân mà Đảng đại diện.
Nhiều người có thể biện hộ rằng do đời sống kinh tế bây giờ khác, do là hình ảnh đại diện cho “quốc thể” khi tiếp xúc với nước ngoài,… Tôi thì không cho rằng vậy. Đời sống kinh tế đúng là đã khác xưa nhưng đã đến mức đại đa số nhân dân lao động có cái khả năng xa xỉ như thế chưa? Quốc thể không có nghĩa là phải ăn mặc bóng bảy, ngồi xe siêu sang,… vì người ta làm ăn với mình thì chỉ nhìn vào cái cơ sở hạ tầng, GDP,.. là biết mình thế nào rồi chứ đâu phải nhìn vào bộ cánh của các quan chức? Ngược lại, hình ảnh các lãnh đạo giản dị, tình cảm mới thực sự là đúng với bản chất đại diện của nhân dân lao động, mới tạo sự khác biệt trong con mắt quốc tế. Mà trong “làm ăn”, nếu tạo được sự khác biệt, đó là một lợi thế để thành công (khác biệt chứ không phải “dị thường” như quan điểm của ông Dương Trung Quốc đâu nhé!).

Như vậy, kết hợp giữa cái lý (siết chặt kỷ luật) và cái tình (tạo điều kiện cho Đảng viên tự trau dồi đạo đức cá nhân) sẽ là phương pháp hiệu quả để trị “căn bệnh” nan y này.

2. Về giáo dục và truyền bá đường lối, tư tưởng chính trị của Đảng:
Những lý luận của Mác – Ăng-ghen thực sự là những đề tài hóc búa đối với hầu hết mọi người, kể cả các học giả hàng đầu thế giới, hay nói một cách hài hước như tác giả Rius trong cuốn “Nhập môn Mác” thì thế này:
“Mác, thưa quý ông, thưa quý bà, thực sự là một “gã khó nhai”, một “thiên tài Giéc-manh khổng lồ”, vượt rất xa khỏi hiểu biết khoa học vào thời của mình. Ông cứ thế mà tạo ra triết học về triết học, không thèm bận tâm có bao nhiêu người hiểu mình. Kết quả là gì? Là một loạt những tác phẩm loại cao cấp. Thực là hết sức nặng nhọc, quá sức dày đặc đối với độc giả bình thường. Mác quả là khó tiêu hóa!”
Do đó, hoàn toàn dễ hiểu khi hầu hết mọi người, kể cả các Đảng viên bình thường không có hứng thú hay điều kiện tìm hiểu sâu về lý luận Mác – Lê Nin, luôn luôn cảm thấy mơ hồ về “nền tảng tư tưởng”. Đến như kinh thánh của Ki tô giáo, dù đã tồn tại 2000 năm nay với hàng tỷ tín đồ (1,2 tỷ hiện tại) vẫn phải có những ông cha đạo giảng giải ngữ nghĩa trong kinh cho các giáo dân. Chính sự “khó nhai” dẫn đến sự “không hứng thú”, rồi dẫn tới đối phó, xuyên tạc (kiểu như cộng sản là bỏ của nhà ra dùng chung…).
Vậy thì, Đảng phải có biện pháp làm sao cho dân hiểu một cách đúng đắn về những khái niệm cơ bản, những yếu tố chủ chốt trong tư tưởng chính trị của mình để từ hiểu, dân mới tin. Có một điều chắc chắn là để đa số mọi người cùng hiểu thì những vấn đề đó phải được đơn giản hóa, bình dân hóa, đời sống hóa,… chứ không dùng ngôn ngữ lý luận hàn lâm được. “Đường kách mệnh” của Bác Hồ là một ví dụ thành công điển hình. Hay như các triết lý Phật giáo ấy, dù một người vô thần như tôi chẳng thuộc câu kinh câu kệ nào nhưng vẫn lõm bõm lãnh hội được đôi điều, do sự thẩm thấu của triết lý ấy vào trong văn hóa Việt.

Để “cài đặt” tư tưởng chính trị vào nhân dân thì còn khó hơn tôn giáo rất nhiều vì một đằng là để quản lý xã hội, một đằng cảm hóa cá nhân. Tuy nhiên, phương pháp dẫn đến thành công là giống nhau: không ào ạt như mưa rào mà âm thầm, nhẫn nại như mưa dầm, len lỏi vào từng lớp đất. Tư tưởng phải bám sát thực tiễn, phải vận dụng phương pháp luận “biện chứng duy vật” (hỏi đáp – phản biện – dẫn chứng thực tế) để đem đến sự thấu hiểu cặn kẽ cho người dân chứ không giảng giải từ chương được.
Tôi lấy ví dụ:

  • Trong giáo dục: Thay vì bắt sinh viên đọc những cuốn sách “khó nhai” dày cộp thì chương trình chỉ nên tập trung vào những vấn đề chính của CN Mác – Lê Nin, đưa ra những dẫn chứng cụ thể về CNTB hiện nay, cập nhật, đối chiếu lý thuyết với các sự kiện trên thế giới, tạo ra diễn đàn cho sinh viên tranh luận và giải đáp, dẫn nguồn cho sinh viên tự tìm hiểu,.. Đương nhiên, trường hợp này các giảng viên cũng phải là người thực sự phải hiểu biết rõ ràng về lý luận của Mác.
  • Thông thường người dân vốn không quan tâm đến những vấn đề chính trị phức tạp mà chỉ mong muốn làm sao yên ổn làm ăn. Do đó, khi gặp khó khăn trong cuộc sống họ cảm thấy mất phương hướng nên thường bấu víu vào những luận điệu xuyên tạc của những kẻ chống đối chế độ như là một cách giải đáp cho vấn đề của họ. Việc Đảng viên phải “cắm rễ” trong dân như đã đề cập ở trên cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng để kịp thời giúp người dân hiểu ra đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước và vạch trần luận điệu sai trái của đám chống đối kia. Tôi lấy ví dụ, việc nhân dân lao động toàn thế giới hiện tại được làm việc 8h một ngày, 5 ngày một tuần, có ngày tôn vinh lao động 1/5 là từ đâu nếu không phải là từ kết quả đấu tranh của phong trào Công nhân thế giới theo CN Mác – Ăngghen mà cụ thể là Quốc tế 2. Ấy vậy mà những kẻ đang được thụ hưởng thành quả ấy lại quay lại cắn vào tư tưởng tiến bộ đã đem lại cho họ cái cuộc sống dễ thở hôm nay…
  • Phải luôn luôn đối thoại với nhân dân về những vấn đề “nóng” của xã hội. Có thể xây dựng những diễn đàn, chương trình phát thanh, tivi theo kiểu “Talk show” để nói về tư tưởng chính trị, đường lối của Đảng với những sự kiện thời sự để từ đó thực sự tạo nên được luồng lưu thông tư tưởng giữa người dân và Đảng, vừa nâng cao trình độ lý luận của Đảng viên bằng sự cọ xát thực tế vừa “phổ cập hóa” lý tưởng của Đảng một cách đơn giản để biến lý tưởng ấy thành lý tưởng của cả dân tộc một cách bền vững. Tôi lấy ví dụ như câu hỏi “tại sao Việt Nam chỉ có 1 Đảng mà không đa đảng như những nước khác?”. Ấy là vì ĐCS VN là chính đảng của toàn thể nhân dân lao động, tức là đại diện cho lợi ích của tuyệt đại đa số người dân Việt rồi thì cần gì 1 đảng phái nào khác để đối chọi, tranh giành với lợi ích của tuyệt đại đa số chúng ta? Nhưng là đại diện cho nhân dân mà vẫn để nhân dân mơ hồ về con đường đang đi, mơ hồ về những lợi ích mà Đảng đang đấu tranh cho họ là chưa tròn trách nhiệm.
  • Phải chú trọng vào việc trau dồi kiến thức lịch sử, chính trị cho các thế hệ trẻ một cách khoa học, nhất là trong thời đại mở ngày nay. Một thời gian dài, việc “nhồi nhét lý tưởng” một cách giáo điều gây nên các “phản ứng phụ” như hiểu sai vấn đề, không hiểu dẫn đến “dị ứng”,… Khi Đổi mới, mọi người từ Đảng viên đến người dân đều lao vào kiếm tiền, rồi hưởng thụ. Lý tưởng một thời bỗng nhẹ hơn tờ giấy bạc. Nếu Đảng không kịp thời truyền lửa lại cho những thế hệ trẻ, nguy cơ biến chất của lý tưởng là hiện hữu trong tương lai gần, nhất là khi các thế hệ cách mạng năm xưa đang không còn nhiều thời gian nữa.
  • Truyền thông là quyền lực thứ 4 trong một xã hội hiện đại (Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp và truyền thông). Do đó, việc kiểm soát quyền lực này cần phải chú trọng đúng mực vì buông lỏng nó thì tác hại chẳng kém gì việc buông lỏng 3 thứ quyền lực kia (trong khi cái quyền lực thứ 4 này cứ ra rả kêu gọi Nhà nước phải “nhìn lại” 3 quyền lực kia!). Thực tế hiện nay, truyền thông nước nhà như một mớ hổ lốn, bát nháo hay như tác giả Đông La gọi là “nghịch lý truyền thông“. Hãy sử dụng nó hiệu quả như một kênh chính để kết nối Đảng với nhân dân. Muốn vậy, phải tạo được sự “hấp dẫn” cho những “chuyên mục Đảng” chứ đừng khô khan và giáo điều bằng những bài luận dài lê thê với thứ ngôn ngữ “khó nhai”. Đề nghị trên kia của tôi cũng có thể coi là 1 biện pháp.

Nói tóm lại, nếu Đảng mà làm tốt được cả 3 vấn đề: gần dân, chỉnh đốn – trau dồi đạo đức cá nhân và đạo đức cách mạng cho Đảng viên (tinh lọc đội ngũ), tuyên truyền hiệu quả thì chắc chắn sự nghiệp của Đảng và dân tộc sẽ tiếp tục phát triển vững bền.

Hầu hết con người đều có tính vị kỷ, đố kỵ với cái được của người khác và không muốn chia sẻ cái mình có được. Năng lực, xuất phát điểm, môi trường, lợi thế của mỗi người trong xã hội là khác nhau nên đưa đến sự cách biệt giữa các giai tầng xã hội. Những người có tà tâm thì lợi dụng vị thế của mình để tiếp tục vơ vét của cải, bóc lột (sức lao động), hà hiếp người khác. Người có từ tâm thì làm từ thiện, giúp đỡ người khó khăn,… CNXH là một quá trình cải tạo tư duy con người để đưa đến một xã hội phát triển mà trong đó cách biệt giữa người với người được thu hẹp tối đa (công bằng). Đó là đại từ thiện, đại nhân văn nhưng trong quá trình cải tạo ấy sẽ đụng chạm đến rất nhiều lợi ích của nhiều người, nhất là “tầng lớp trên” của xã hội (đóng thuế nhiều). Vì vậy, việc chống đối là dễ hiểu, nhất là khi nó được chống lưng bởi các thế lực tài phiệt nước ngoài (có liên quan mật thiết đến quyền lợi của họ). Trong điều kiện khó khăn như thế, Đảng cần phải hết sức nỗ lực để làm sạch mình cho xứng đáng với vai trò lãnh đạo và tiên phong của nhân dân.

Hot!

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍