Những ngày này cả nước đang nhộn nhịp đón mừng kỷ niệm 69 năm ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh. Lẽ tất nhiên là các phương tiện truyền thông từ trung ương đến địa phương, từ chính thống đến báo chợ, báo vườn, báo lá cải,… cùng đua nhau đăng bài về sự kiện trọng đại này. Nhưng cũng từ đó chúng tôi phát hiện ra một sự thật đáng buồn là cách làm báo thiếu tư duy, thiếu hiểu biết,vô trách nhiệm dường như đã ngấm quá sâu vào một “bộ phận không nhỏ” những người làm báo Việt hiện nay. Và càng thất vọng hơn nữa khi tình trạng này đã bùng phát như dịch bệnh Ebola, không chừa một đơn vị truyền thông tin tức nào, kể cả ở “thượng tầng” như Báo điện tử Chính phủ (http://baodientu.chinhphu.vn), Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài truyền hình Việt Nam (VTV).
Đó là chúng tôi đang nói về một tấm hình mà các báo đưa ra để nói về buổi mít-tinh tại nhà hát Hà Nội trong cuộc cách mạng tháng 8 với 3 đặc điểm mà bất cứ ai hiểu biết cơ bản về lịch sử Việt Nam đều có thể nhận ra là nó không thuộc về thời điểm 1945. Đó là bức hình sau:
Bức ảnh trên hiện nay được các báo chú thích theo ý là “mít-tinh ngày 19.8 trước Quảng trường Nhà hát Lớn”, trong khi thể hiện rất rõ: lá cờ nửa xanh nửa đỏ (dù ảnh đen trắng) của Cộng hòa miền Nam Việt Nam; di ảnh của Hồ Chủ tịch và ngôi sao “gầy” trên quốc kỳ Việt Nam (thời điểm trước 1954 là “sao béo”). Có thể nói đây là sự mất căn bản về lịch sử của các “nhà báo”. Hình ảnh này hiện tràn lan trên hầu hết các trang báo mạng, diễn đàn,.. trong các bài viết về Cách mạng tháng 8 (!). Dưới đây, tôi chỉ lấy ví dụ về một số trang đáng chê trách nhất trong việc này.
1. Báo điện tử Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (http://baodientu.chinhphu.vn/gallery/23/Nhung-buc-anh-ve-Cach-mang-thang-Tam-nam-1945-tai-Ha-Noi/album21.vgp)
2. Đài tiếng nói Việt Nam (http://vov.vn/chinh-tri/phat-huy-hao-khi-cua-cach-mang-thang-tam-346435.vov)
3. Báo Giáo dục Việt Nam (http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Chum-anh-Tong-khoi-nghia-gianh-chinh-quyen-thang-81945-tai-Ha-Noi-post82761.gd)
Thật trớ trêu là trong khi dư luận và chính những người làm giáo dục than phiền về việc “dốt sử” của thế hệ HSSV sau này nhưng một tờ báo của chính những người làm giáo dục lại “dốt sử” không hề kém!
Sự việc này làm tôi nhớ lại một sai sót còn đáng chê trách hơn nữa của VTV. Một sai lầm có thể nói là mang tính “đổi trắng thay đen”. Đó là trong bộ phim tài liệu “Biển đông dậy sóng – tập 2: Lời thề đất nước” phát sóng trên VTV1 vào “giờ vàng” – 20h – ngày 02/07/2014 có sử dụng một hình ảnh tuyên truyền của ngụy quân Sài Gòn trong trận chiến Xuân Lộc (4/1975) để minh họa cho chiến thắng giải phóng Trường Sa của hải quân nhân dân Việt Nam.
Hình ảnh “ăn mừng chiến thắng” tại phút thứ 3:12 trong tập 2 phim tài liệu “Biển Đông dậy sóng” |
Bức ảnh này thực chất là hình ảnh những người lính sư đoàn bộ binh 18 quân đội Sài Gòn “ăn mừng” với các “chiến lợi phẩm” khi đẩy lùi được quân giải phóng trong đợt tấn công đầu tiên vào phòng tuyến Xuân Lộc, tháng 04 năm 1975. Hình ảnh này vẫn được coi là “di sản chiến tích” của những kẻ một thời lầm đường lạc lối và nay lại được các báo Việt đem ra làm minh họa cho “chiến thắng giải phóng đất nước”!
Chỉ cần vào google tìm kiếm với từ khóa “Giải phóng Trường Sa” hay “Giải phóng miền Nam” là cho ra 1 đống liên kết đến hình ảnh này! |
Hình ảnh “niềm vui ngày chiến thắng” trên trang tin Báo Mới. |
Tấm ảnh này được đăng trên các trang web nước ngoài và các trang “truyền thống” của những người lính chế độ Sài Gòn đang tha hương như một “chiến tích” của quân đội VNCH trong trận chiến Xuân Lộc. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây là một tấm ảnh được dàn dựng để tuyên truyền của chế độ Sài Gòn trong cơn hấp hối. Tại sao như vậy?
Bởi lẽ trên hầu hết các tấm ảnh về chiến dịch giải phóng miền Nam, chúng ta chỉ thấy các lá cờ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam (tiền thân là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) chứ không có lá cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bấy giờ và lá cờ của Đảng Cộng sản. Điều này không phải là ngẫu nhiên mà là một “nghiệp vụ chính trị”. Ngay cả khi hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng Trường Sa năm 1975, lá cờ được kéo lên trên các đảo là lá cờ nửa đỏ nửa xanh của cộng hòa miền Nam Việt Nam dù rằng thời điểm đó ai cũng biết CHMNVN làm gì có lực lượng hải quân.
Kéo cờ giải phóng ở đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa năm 1975. |
Bức ảnh về trận chiến Xuân Lộc được sử dụng trong bộ phim tài liệu phát trên VTV được giới thiệu trên trang Wikipedia tiếng Anh là theo nguồn “archives of United States Joint U.S. Public Affairs Office (JUSPAO), Vietnam Documents and Research Notes Series”.
Đây có lẽ là tấm ảnh gốc, với ghi chú “Những người lính quân đội VNCH đang khua những lá cờ cộng sản chiếm được sau khi họ thắng “hiệp một” tại Xuân Lộc. |
Bức ảnh này là một “di ảnh chiến tích” của đám tàn quân sư đoàn bộ binh 18 chế độ Sài Gòn… |
… và được đăng trên rất nhiều trang web ở hải ngoại của đám tàn quân này. |
Với cách làm truyền thông “ăn xổi ở thì” của “người lớn” kiểu này thì trách sao phần lớn giới trẻ hiện nay lại ngu ngơ về truyền thống dân tộc, lịch sử đất nước đến vậy. Phải chăng đối với không ít những người làm báo bây giờ, lịch sử cũng chỉ là một trong những phương tiện để cho họ kiếm tiền và “làm màu” như các cô cậu xì-tin trong bức ảnh một thời “gây xôn xao dư luận” dưới đây?
Tuổi trẻ đất cảng Hải Phòng “làm màu” trên Mương 14 với tờ giấy “khai man” tuổi Hồ Chủ tịch sớm hơn đến 50 năm! |
© Nguyễn Thanh Tùng
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍