Nguyên bí thư thành ủy Tp.HCM Đinh La Thăng và cựu chủ tịch Fulbright Việt Nam: “Người ngã ngựa, kẻ chia bào” |
“Một người không thể tham gia vào hoạt động man rợ mà không trở thành một kẻ man rợ … người ta không thể bảo vệ được các giá trị của con người bằng thứ bạo lực chủ đích và vô cớ mà không gây ra thiệt hại cho những giá trị mà người ta đang cố bảo vệ.”
– J William Fulbright, Sự kiêu ngạo của quyền lực
Hơn 48 năm sau cuộc thảm sát tàn bạo, một đòn thù đối với con người và những giá trị nhân bản, giáng xuống ngôi làng nhỏ ở tỉnh Bến Tre, đồng bằng sông Cửu Long, công lý, công bằng và sự chính đáng đã giành được một chiến thắng nho nhỏ khi theo một nguồn tin đáng tin cậy, Bob Kerrey, cựu thống đốc bang Nebraska, cựu thượng nghị sĩ Mỹ, cựu chủ tịch trường New School, cựu chiến binh được tặng thưởng huân chương, và là một tội phạm chiến tranh tự thú, đã lặng lẽ từ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường đại học Fulbright Việt Nam (FUV).
Mới một năm trước đây, Kerrey được bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Kerry chính thức công bố bổ nhiệm tại Rex, khách sạn mang tính biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), trong chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Barack Obama viếng thăm Việt Nam, và nay đã phải ra đi không kèn không trống. Người thay thế ông này là bà Đàm Bích Thủy, một nữ doanh nhân Việt Nam nổi tiếng, hiện đang là hiệu trưởng FUV.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6 năm ngoái, chính Bob Kerrey đã nói ví von rằng cho dù trời có sập xuống thì ông ta cũng không từ chức. Phát ngôn này là một sự quay ngoắt lại với một phát ngôn ngay trước đó, khi ông ta trả lời phỏng vấn của một phóng viên của tờ New York Times rằng ông ta sẽ từ chức nếu cảm thấy vai trò của mình đang gây nguy hại cho sự hợp tác giáo dục giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi không phải là nhà ngoại giao và do đó không cần phải chơi trò chơi câm lặng. Bob Kerrey đã được bổ nhiệm với sự phô trương ầm ĩ và sự phô trương phải đồng hành cùng thất bại của ông ta.
Không bao giờ nói không bao giờ
Không bao giờ nói không bao giờ và không bao giờ được quên lời dạy sáng suốt vĩnh cửu trong đoạn Cách ngôn 16:18 (trong Kinh thánh – ND): “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tính tự cao đi trước sự sa ngã.” Sự kiêu ngạo của Kerrey khiến ông ta tự chôn chân mình hòng trì hoãn điều không tránh khỏi. Đó là một cuộc tranh cãi nóng bỏng và, quan trọng nhất, là sự chống đối chính thức, cứng rắn và kiên định của người Việt Nam, buộc ông ta phải làm đúng. Nó không chỉ là về Bob Kerrey. Rốt cuộc thì ông ta đã làm tổn hại FUV, đúng như một số dự đoán.
Sự rút lui dù quá muộn màng của Kerrey là niềm hân hoan và đúng như dự đoán của nhiều người. Tuy nhiên, đó lại là sự thất vọng cay đắng đối với những người ủng hộ ông ta , cả người Việt và người Mỹ, những người có thể vẫn đang tự hỏi tại sao một người chỉ huy một đơn vị đặc nhiệm của Hải quân Hoa Kỳ đã giết hại 21 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở thôn Thạnh Phong vào tháng 2 năm 1969 lại không được coi là phù hợp về đạo đức để đảm nhận vai trò lãnh đạo như vậy.
Hãy nhớ rằng đây là một người đàn ông bị căm ghét và ô nhục khi “sở hữu” những tội ác chiến tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở thành phố Hồ Chí Minh, một trong số rất nhiều tội ác như vậy trong bể máu của cuộc tàn sát ở quy mô công nghiệp của cuộc chiến mà Mỹ đã gây ra tại Việt Nam Nam.
Những con quỷ trong quá khứ cần phải đối mặt là của ai?
Đỉnh điểm của cuộc tranh luận công khai nhằm bảo vệ việc bổ nhiệm Bob Kerrey bao gồm một bài viết đăng trong tháng 7 năm 2016 với tựa đề “Tranh cãi về vai trò của Bob Kerrey trong thời chiến, Việt Nam đương đầu với những quỷ của mình trong quá khứ” trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một cơ quan tư vấn chính sách có máu mặt ở Washington D.C. Được viết bởi một người phụ nữ Việt Nam trẻ, được đào tạo bởi nền giáo dục Hoa Kỳ và có quan hệ gần gũi với FUV, bài viết là một cố gắng nhằm xoay chuyển tình thế trước Việt Nam và là một ví dụ mẫu mực về sự nhập nhằng trong mối liên hệ giữa chính trị và trao đổi giáo dục.
Tác giả đã viết về việc bổ nhiệm Kerrey và kết quả của cuộc tranh luận như là một tín hiệu tốt lành bởi vì “vượt lên trên những vấn đề đạo đức của việc có một người lính đã ra lệnh giết chóc thường dân trong Chiến tranh Việt Nam để khám phá ra hai sự phát triển quan trọng ở Việt Nam” trong mối quan hệ Mỹ-Việt.
Theo lý luận sai lầm của tác giả, tôi đoán rằng chúng ta nên biết ơn Bob Kerrey và những người ủng hộ ông ta làm lãnh đạo hội đồng quản trị FUV ủy đã cho chúng ta cơ hội vàng này để “tái khẳng định nguyện vọng của Việt Nam để trở thành một đối tác chiến lược của Hoa Kỳ” và “Nói lên những quan điểm thẳng thắn của họ về chiến tranh Việt Nam”. Nghĩ mà xem, điều đó chả khác gì một tuyệt chiêu giành lấy chiến thắng từ từ hàm răng của thất bại, hoặc vắt nước chanh khỏi quả chanh. Niềm hy vọng của sự trơ tráo chăng?
Dưới đây là những điểm mấu chốt của bài viết theo quan điểm của tôi.
Trước tiên, nó tái khẳng định mong muốn của Việt Nam để trở thành một đối tác chiến lược của Hoa Kỳ.
Tại sao? Vì một số người Việt Nam, vì nhiều lý do, không liên quan gì đến những người vô tội đã bị giết, những người sống sót, hoặc niềm kiêu hãnh quốc gia đã chọn ủng hộ Kerrey trong lần hiện thân mới của ông ta tại FUV? Bởi vì một số người Việt Nam quan tâm đến những món hàng báu bở mà họ cho rằng sẽ là của họ trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ – Việt ngày càng mở rộng mà không cần quan tâm đến ký ức thiêng liêng của các nạn nhân của Kerrey trong vụ giết ở Thạnh Phong và hàng triệu người Việt Nam chết trong các hoàn cảnh tương tự? Theo sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, bất chấp sự ghê tởm về đạo đức đến cỡ nào, họ nuốt chửng niềm tự hào dân tộc như họ đã làm trong quá khứ.
Thứ hai, bằng cách thúc đẩy các cá nhân lên tiếng với những quan điểm có vẻ thẳng thắn của họ về cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc tranh luận cho thấy một nỗ lực ngày càng không thể xem thường nhằm thúc đẩy công chúng Việt Nam công khai đặt câu hỏi về những câu chuyện kể một chiều bởi Đảng Cộng sản cầm quyền.
Cảm ơn Bob lần nữa, những người Harvard, và công ty đã tạo cảm hứng và khuyến khích người Việt nói lên suy nghĩ của họ về “Chiến tranh Việt Nam” và thách thức một câu chuyện kể tuyên giáo. Sự mỉa mai của tuyên bố này đã vượt quá giới hạn và chính nó, cùng với toàn bộ tinh thần của bài viết, hoàn toàn là sự ác ý.
Đây rõ ràng là một nỗ lực để thay hình đổi dạng và chuyển hướng sự tranh cãi về việc bổ nhiệm Kerrey và kéo nó khỏi sự tập trung vào “những vấn đề đạo đức của việc có một người lính đã ra lệnh giết chóc thường dân trong Chiến tranh Việt Nam” để giảm thiểu sự ảnh hưởng tai họại của nó đối với quan hệ công chúng.
Cuối cùng, tình thế tiến thoái lưỡng nan Kerrey không phải là về tương lai của Việt Nam. Thay vào đó, nó cho thấy mối quan hệ phức tạp của Việt Nam với quá khứ và, đáng chú ý hơn, là nỗ lực mở đầu tiên của quốc gia để kiểm tra nó một cách nghiêm túc.
Gã giàu có đó là tiếng nói đại diện của một quốc gia đã lựa chọn không đi theo con đường ăn năn hối cải đầy khó khăn để vượt qua quá khứ đẫm máu của mình, nhưng thay vào đó đã tìm cách thanh minh cho lịch sử bằng một chương trình kéo dài 13 năm để tưởng niệm 50 năm cuộc chiến (2012-2025).
Trong một cuộc phỏng vấn được tiến hành để đáp lại lời kêu gọi ông từ chức, Kerrey nói rằng “Chúng ta phải đặt cuộc chiến này đằng sau chúng ta”. Tôi có cảm giác dai dẳng rằng những gì Bob Kerrey tuyên bố đã phản ánh quan điểm của chính phủ ông ta và hầu hết đồng bào của ông ta, nhằm mục đích bưng bít cuộc chiến, sửa đổi lịch sử hòng rũ bỏ toàn bộ những thứ bẩn thỉu mà cuộc chiến của họ gây ra.
Hãy tiến lên vì chúng ta chắc chắn rằng địa ngục sẽ không phán xét bất kỳ điều gì chúng ta đã làm. Hãy tiến lên vì “chúng ta là một đế chế và chúng ta tạo ra thực tại của riêng mình”, và bên cạnh đó, như là bài viết trên CSIS, Việt Nam cần Mỹ như một con ngáo ộp trong việc ngoại giao với Trung Quốc? Vậy nên, chả có vấn đề gì cả. Chúng ta là đặc biệt.
Câu hỏi tu từ rõ ràng là: ai vẫn phải đối mặt với những “con quỷ quá khứ” của ai?
Hơn cả nhiều hành động quân sự và kinh tế, FUV trong mắt người dân Việt Nam như một biểu tượng mạnh mẽ cho sự hòa giải Mỹ-Việt, và Kerrey là một trong những kiến trúc sư trưởng của Mỹ.
Đó là một sự cường điệu khác của những người hoặc không nắm bắt được sự thật hoặc không quan tâm vì họ thiếu hiểu biết về các vấn đề chính trị. Mặc dù Kerrey đã tham gia vào một số hoạt động liên quan đến mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, ông ta không hề hoạt động tích cực và cũng không đóng vai trò nổi bật như những nghị sĩ đồng nghiệp của ông ta và cũng là cựu chiến binh như Max Cleland, Chuck Hagel, John Kerry, John McCain và Chuck Robb.
Đinh La Thăng, được mô tả là “Bí thư tiến bộ, thẳng thắn của đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh và là thành viên của Bộ Chính trị,” đã có một phát biểu thiếu thận trọng dù hoàn toàn hợp ý với đám đông ủng hộ Kerrey. Những lời ủng hộ nhiệt tình của ông ta đối với Bob Kerrey chỉ là quan điểm cá nhân của ông ta chứ không phản ánh quan điểm của chính phủ và người dân mà ông ta đang phụng sự. (Thăng gần đây đã bị tước bỏ chức vụ bí thư thành ủy và mất ghế trong Bộ Chính trị).
Lập luận của những người phản đối và người ủng hộ Kerrey cho thấy đa số hai bên đều có chung một mong muốn: thấy Việt Nam nổi lên như một đối tác chiến lược của Hoa Kỳ. Sự khác biệt nằm ở phương pháp đề xuất của họ – những người phản đối muốn khép lại quá khứ; những người ủng hộ muốn đương đầu với nó.
Thật tình mà nói thì đó là điều vô nghĩa. Mặc dù cả hai có thể ủng hộ một mối quan hệ song phương vững chắc nhưng trong khi người trước muốn dựa trên sự bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi, thì kẻ sau xem Hoa Kỳ là đối tác bề trên có chương trình nghị sự và các mục tiêu được ưu tiên. (Nếu bạn nghi ngờ về điều này, vui lòng tìm hiểu tất cả các thể loại liên quan đến giáo dục trên Wikileaks.) Những người ủng hộ quan tâm về các thỏa thuận thương mại và các hợp đồng vũ khí hơn là sự đối đầu trong quá khứ.
Lá thư
Mùa hè năm ngoái, trong cuộc tranh cãi xung quanh FUV và chủ tịch hội đồng quản trị, tôi đã soạn thảo một bức thư gửi cho Kerrey vào tháng Chín yêu cầu ông từ chức ngay lập tức và nhắc nhở ông về điều ông ta đã nói vào đầu tháng Sáu trước khi sự ngoan cố và tính kiêu ngạo của ông ta đã chiến thắng sự linh động, khiêm tốn và khôn ngoan. Dưới đây là một số trích đoạn của lá thư:
Chúng tôi có niềm tin vững chắc rằng ông không bao giờ nên được bổ nhiệm vào vị trí này và khi được đề nghị, ông nên từ chối. Chúng tôi tin rằng có những vị trí thích hợp hơn để ông có thể hỗ trợ cho FUV, và có những người phù hợp hơn cho vị trí này mà không có tỳ vết lịch sử như ông.
Mark Bowyer, một người nước ngoài ở Việt Nam đã bày tỏ sự nghi ngờ trong bài viết trên blog vào đầu tháng 6 năm 2016 rằng “nhắc nhở thế giới về những hành động tàn bạo của Mỹ ở Việt Nam, phải chăng là cách vận dụng hợp lý nguồn vốn chính trị tích lũy được trong chuyến thăm thành công gần đây của ông Barack Obama.”
Shawn McHale, giáo sư về lịch sử và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington, đã bình luận như sau về cuộc phỏng vấn của ông với chương trình “Hiện tại & của WBUR”:
Bob Kerrey đang để cho cái tôi của mình chen vào sự bình thường hóa giữa Mỹ và Việt Nam. Người này có thể đã làm được nhiều việc tốt – nhưng với việc giết chóc thường dân, một tội ác chiến tranh, ông ta không thể thích hợp để được đứng đầu Hội đồng Quản trị Fulbright University Việt Nam. Vì lợi ích của trường đại học, ông ta nên nhận ra rằng ông ta không phải là người phù hợp cho công việc này.
Việc bổ nhiệm ông là một vấn đề về chính trị và cảm xúc mà nó sẽ không biến mất đi, nhất là ở Việt Nam. Hồi đầu tháng 6, ông đã nói với Thời báo New York qua email rằng ông sẽ từ chức nếu cảm thấy vai trò của mình đang gây tổn hại cho FUV. Và bây giờ chính là thời điểm đó.
Chúng tôi cũng đã đưa ra một số lời khuyên cá nhân chân thành:
Có thể nói, rất nhiều cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam để ăn năn. Có những chuyến đi ngắn và cũng có những hành trình dài. Mỗi người đều có sự đóng góp khiêm tốn, cố gắng tìm cách bù đắp, sửa chữa những sai lầm quá khứ… Trên bình diện cá nhân, như bạn có thể tưởng tượng, họ cũng thấy rằng trải nghiệm này là một phương pháp điều trị và thậm chí là để thanh tẩy tâm hồn.
Chúng tôi sẵn lòng cho ông một số lời khuyên. Đi du lịch đến Thạnh Phong. Sắp xếp để gặp gỡ các thành viên trong gia đình nạn nhân và những người sống sót. Yêu cầu sự tha thứ của họ. Hãy đốt hương và cầu nguyện ở phần mộ của những người mà ông và đội của ông đã giết. Và hãy làm tất cả những điều này với sự chân thành, ăn năn và khiêm tốn nhất.
Cung cấp những thứ đáp ứng nhu cầu địa phương, xây dựng một cái gì đó có giá trị lâu dài và có ích cho cộng đồng. Chúng tôi tin rằng những hành động này sẽ được đánh giá cao và có thể giúp ông tìm ra liệu pháp bình an. Ông cũng có thể mời các thành viên khác của đơn vị của mình tham gia cùng.
Bức thư đã được ký bởi 46 người khác, bao gồm Daniel Ellsberg, Robert Chenoweth, Linh Đinh, WD Ehrhart, CJ Hopkins, Ann Hibner Koblitz, Neal Koblitz, Shawn McHale, Nguyễn Thanh Việt, Andrew Pearson, Deryle Perryman, John Stauber, Jeffrey St Clair, David Swanson, Michael Uhl, Douglas Valentine, Peter Van Buren và Brian Willson.
Dấu hiệu của sự kết thúc
Có một thực tế là người Việt Nam có giới hạn và niềm tự hào của riêng họ. Nếu bạn đẩy mạnh quá, nó sẽ bật ngược lại. Tháng 12 năm ngoái, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã viết một bài phê bình về các sự kiện truyền thông lớn của Việt Nam trong năm 2016, trong đó việc bổ nhiệm Kerrey là một sự cố lớn.
[Một dấu hiệu của mức độ quan tâm đến vấn đề này ở Việt Nam là thực tế bài viết Bob Kerrey và Đại học Fulbright tháng 7 năm 2016 của tôi – họ nghĩ gì? đã được dịch ra tiếng Việt trong vòng vài giờ sau khi đăng]
Ông Tuấn nói về “một chiến dịch bất thường cho việc bổ nhiệm ông Kerrey tại Đại học Fulbright” và mô tả nó như là một nỗ lực để làm biến dạng lịch sử. “Kerrey là một cựu chiến binh đã chỉ đạo và tham gia một cuộc tàn sát dã man của những thường dân vô tội ở tỉnh Bến Tre trong cuộc xâm lược nước Mỹ của Mỹ”, ông viết. Ông Tuấn mô tả chiến dịch truyền thông của những người ủng hộ ông ta tại Việt Nam và Mỹ là “cực kỳ khó chịu” bởi vì nó “làm tổn thương tinh thần của những người vô tội đã chết vì những tội ác như vậy.” Ông Tuấn cũng nhắc nhở độc giả của mình rằng Kerrey đã thú nhận về những tội ác bị phơi bày trước tiên bởi giới truyền thông Mỹ năm 2001.
Trong trường hợp này, sự bổ nhiệm Kerrey không chỉ là một thảm hoạ quan hệ công chúng đối với FUV; nó đã trở thành một cái gai đẫm máu đâm sâu vào mối quan hệ Mỹ-Việt. Sự hiện diện của ông ta trở thành một trách nhiệm pháp lý và một vấn đề song phương thảo luận ở cấp cao nhất. Như Linh Đinh, một nhà văn và nhà thơ người Mỹ gốc Việt, đã viết cho tôi: “Tình huống bệnh hoạn và vô ích này không những làm tổn hại ông ta mà còn cả trường đại học. Bám khư khư vào đó, ông ta đang tập trung mọi sự chú ý vào tội ác chiến tranh của mình.” Dẫu sao thì vẫn có những tia hy vọng như các nhà giáo dục gọi là “thời điểm có thể dạy được”.
Nếu Bob Kerrey ở lại, FUV sẽ vẫn là một dự án và đèn đỏ sẽ không thay đổi. Nếu ông ta chịu rời bỏ, đèn đỏ hẳn đã nhanh chóng chuyển sang đèn xanh. Chuyến viếng thăm của John Kerry tới Việt Nam trong tháng 1, lần cuối trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, và chuyến thăm trong tháng hai của Drew Gilpin Faust, Chủ tịch Đại học Harvard, là một tín hiệu rõ ràng rằng thời điểm đó đã có sự thay đổi và rằng họ đã sẵn sàng cho một Đại học Fulbright Việt Nam không có Bob Kerrey trong vai trò chủ tịch hội đồng quản trị.
Hiện tại, với việc chiếc ghế chủ tịch không còn có Kerrey ngồi trên, FUV có thể yên tâm rằng đơn xin cấp phép hoạt động gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo (MoET) lần này sẽ được chấp thuận. Sau đó, nó có thể tiến hành các quyết định nhân sự, gây quỹ, tuyển dụng sinh viên …
Thời gian từ chức của Kerrey cũng rất thuận lợi với việc Việt Nam tham gia các cuộc họp APEC (Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương) trong năm nay, đỉnh điểm là cuộc họp các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vào tháng 11 tại Đà Nẵng.
Trò chơi kết thúc
Rất có thể chính những người đã đưa Kerrey vào vị trí này cũng là những người đã đem tin xấu đến và thuyết phục ông ta rằng việc ông ta từ chức là vì lợi ích cao nhất của FUV, tất nhiên, cùng với sự thúc giục khẩn cấp từ những người bạn quyền lực và các đồng nghiệp của họ ở Washington DC. Người bạn của họ có thể đóng vai trò hậu trường trong việc gây quỹ cho FUV. Tên tuổi của ông ta vẫn nằm trong phần “nhóm sáng lập” trên trang web của trường – mà không đề cập gì đến hội đồng quản trị.
Chiến lược để cho Kerrey từ chức từng bước một là khôn ngoan, ít nhất là theo cách nghĩ của chúng tôi, những người đã và đang dõi theo vụ này mà không có ý định để cho nó “chìm xuồng” được. Chúng tôi đã chờ đợi thời khắc này từ mùa hè 2016 trong sự phẫn nộ và cuối cùng, may mắn thay, chua xót thay, nó đã xảy ra dù chỉ như một cơn gió thoảng. Không rối loạn, không ồn ào. Mớ hỗn độn được làm sạch và rời đi như thể chưa từng có gì xảy ra.
Không cần phải thừa nhận rằng “đã có một sai lầm”, chỉ có một thực tế rõ ràng hiển nhiên là sự biến mất huyền diệu của Joseph Robert “Bob” Kerrey như một tiếp nối hợp lý cho câu chuyện buồn này. Ra khỏi tầm mắt, ra khỏi tâm trí là kết thúc sự việc ư? Họ đã nhầm lẫn và hy vọng thái quá.
Việc xử lý thầm lặng có thể giúp Bob Kerrey, FUV, và chính phủ Hoa Kỳ giữ được thể diện, nhưng chắc chắn nó sẽ không giúp gì cho những gì mà người Đức gọi là Vergangenheitsbewältigung, cuộc đấu tranh để vượt qua quá khứ của bản thân, điều chưa bao giờ là một trong những điểm mạnh của nước Mỹ và phần đông công dân của họ.
Nó cũng không giúp tha thứ cho những đứa trẻ to xác trong nhóm người đã bổ nhiệm Kerrey cũng như tha thứ cho ông ta khi chấp nhận ngồi vào cái ghế đó. Thực sự thì họ đã nghĩ gì? Nói chung, họ đã mù, câm, điếc trước những nỗi đau của con người và mối liên hệ sống động giữa quá khứ và hiện tại.
Những gì bà Tôn Thị Thị Ninh, cựu đại sứ của Việt Nam tại Liên minh châu Âu và là một người thẳng thắn phản đối sự bổ nhiệm Kerrey, nói trong mùa hè năm ngoái càng ngẫm càng thấy hay. Trong một phát biểu được công bố rộng rãi, bà cáo buộc sự bổ nhiệm Kerrey như là một hành động “cho thấy sự vô cảm đối với cảm xúc của người Việt Nam, và tôi có thể nói, không quan tâm đến ý kiến của chúng tôi, lòng tự trọng và phẩm giá của chúng tôi”.
“Nếu phía Mỹ khăng khăng giữ quyết định của mình, thì đối với tôi, không còn có thể coi đây là một dự án chung như nhóm sáng lập vẫn khẳng định. Vì rằng như trong một cuộc hôn nhân, hai bên cần phải lắng nghe, tôn trọng cảm xúc và suy nghĩ của nhau. Nếu không, Đại học Fulbright sẽ là một dự án của một trường đại học Mỹ ở Việt Nam được xây dựng và quyết định bởi người Mỹ, trong đó ý kiến đóng góp của người Việt Nam chỉ là thứ yếu.”
Nạn nhân và các “thiệt hại ngoài dự kiến” khác
Sự thiếu sót, nhưng lại chính là điều quan trọng nhất, trong vở bi kịch quái gở này là các nạn nhân, thành viên gia đình của họ, và những người sống sót trong vụ thảm sát, hầu như bị lãng quên.
Mùa hè năm ngoái, một số “học giả” đã viết rằng đây là lúc để nhìn về phía trước và nên tha thứ cho ông Kerrey vì những tội ác chiến tranh của ông ta. Theo họ, việc ông ta trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị của FUV cũng là một cách để chuộc lỗi. “Quá khứ là quá khứ, hãy để quá khứ ngủ yên trong quá khứ.” Vấn đề là các nhà bình luận không phải là ông trời, cũng không phải là những nạn nhân của Kerrey, dù là nạn nhân sống hay là chết. Vậy họ là cái quái gì mà đòi ban phát sự tha thứ và cứu chuộc?
Trong một bài báo hồi đầu năm của Calvin Godfrey, một phóng viên điều tra Mỹ đã thuật lại cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Rừng (Sáu Rừng), cựu trưởng thôn Thạnh Phong, một cựu chiến binh của Mặt trận Giải phóng Quốc gia, cho biết Kerrey đã mời ông uống trà với ông ta. Ông nói: “Tất nhiên, tôi chấp nhận lời xin lỗi của ông ta. Nhưng tại sao lại hỏi tôi? Tôi nghĩ rằng sẽ là tốt hơn nếu ông ta đến thăm hỏi những người liên quan còn sống, và có thể cung cấp một số tiền để chăm sóc các ngôi mộ của người chết.”
Hy vọng chân thành của tôi là ông Kerrey sẽ đi đến Thạnh Phong, nơi diễn ra vụ thảm sát và chỉ cách Tp.HCM ba giờ rưỡi lái xe. Ngoài việc uống trà và trò chuyện với ông Rừng, ông nên gặp và xin lỗi bà Bùi Thị Lượm, người có bà ngoại, bốn dì và mười người anh em họ bị giết bởi Đội biệt kích của Kerrey (Kerrey’s Raiders), cái tên được biết đến của đơn vị ông ta.
Như bà Lượm cũng đã nói trong cuộc phỏng vấn đó, chưa từng có một người Mỹ nào đến gặp và nói lời xin lỗi với bà. Đó là việc quá quen thuộc đối với một quốc gia quá huyễn hoặc bản thân và tôn thờ chủ nghĩa dân tộc đến mức thoả hiệp với cả những góc tối nhơ bẩn của quá khứ của mình, bao gồm cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam.
Mark Ashwill / Counterpounch
Dịch bởi Nguyễn Thanh Tùng
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍