PHẢN BÁC:
Những người Mác-xít là những người cổ vũ cho hành động chính trị bạo lực. Họ không tán thành biện pháp cải tổ dần dần và ôn hòa, mà thay vào đó là sự lựa chọn những cuộc hỗn loạn vấy máu. Một nhóm thiểu số những kẻ nổi dậy vùng lên, lật đổ chính phủ và áp đặt ý chí của mình lên đại đa số. Đay là một trong số những điều khiến cho chủ nghĩa Mác và dân chủ không thể song song cùng tồn tại. Bởi vì họ thường coi đạo đức chỉ là tư tưởng thuần túy, nếu những người Mác-xít không bị rơi vào tình trạng lôn xộn thì quan điểm chính trị của họ sẽ áp đặt lên toàn dân chúng. Mặc dù mục đích đã biện minh cho những phương tiện ấy, song đã có rất nhiều người phải bỏ mạng trong quá trình này.

☭☭☭

BIỆN GIẢI:

Ý niệm về cách mạng thường gợi lên những hình ảnh bạo lực và sự hỗn loạn. Điều này đối lập với cải cách xã hội, là những gì mà chúng ta có xu hướng coi là hòa bình, ôn hòa và diễn tiến dần dần. Tuy nhiên, đó là một sự đối lập sai lầm. Nhiều cải cách đã từng là bất cứ thứ gì ngoại trừ hòa bình. Lấy ví dụ về phong trào dân quyền ở Hoa Kỳ, một phong trào không hề có tính cách mạng nhưng gây ra chết chóc, đánh lộn, phân biệt chủng tộc và đàn áp tàn bạo. Ở những nước Mỹ Latinh thuộc địa của thế kỷ XVIII và XIX, mọi cố gắng cho cải cách dân chủ đều làm bùng lên xung đột bạo lực xã hội.

Một số cuộc cách mạng, ngược lại, lại diễn ra khá hòa bình. Có những cuộc cách mạng nhung lụa bên cạnh những cuộc cách mạng bạo lực. Không có nhiều người chết trong cuộc nỗi dậy ở Dublin năm 1916, cuộc nổi dậy đã dẫn tới độc lập một phần cho Ailen. Cuộc cách mạng Bônsêvích năm 1917 cũng có ít máu đổ đến đáng ngạc nhiên. Thực tế, việc tiếp quản những vị trí then chốt ở Mátxcơva được hoàn thành mà không một tiếng súng nổ. Chính phủ, theo lời của Isaac Deutscher, “bị hất nhẹ nhàng ra khỏi chỗ”1, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân đối với những người nổi dậy là quá lớn. Khi hệ thống Xôviết đổ vỡ hơn bảy mươi năm sau, phần đất đai rộng lớn với một lịch sử xung đột bạo tàn này đã sụp đổ mà không đổ nhiều máu, giống như những gì đã diễn ra trong những ngày nó thành lập.

Đúng là một cuộc nội chiến đẫm máu đã theo sát ngay sau cách mạng Bônsêvích. Nhưng đấy là bởi vì trật tự xã hội mới xuất hiện cùng với sự tấn công của lực lượng cánh hữu cũng như ngoại xâm. Quân đội Anh và Pháp đã ra sức ủng hộ lực lượng Bạch vệ phản cách mạng.

Đối với chủ nghĩa Mác, một cuộc cách mạng không được mô tả bởi việc nó kéo theo bao nhiêu bạo lực. Đó cũng không phải là một cuộc lật đổ hoàn toàn. Nước Nga đã không thức dậy trong buổi sáng sau cách mạng Bôn-sê-vích để chợt nhận thấy tất cả quan hệ thị trường đã bị xóa bỏ và toàn bộ nền công nghiệp giờ đây thuộc sở hữu nhà nước. Ngược lại, thị trường và sở hữu tư nhân đã tồn tại một thời gian dài sau khi những người Bôn-sê-vích tiến hành xóa bỏ một cách dần dần. Đảng cánh tả đã sử dụng đường lối ủng hộ giai cấp nông dân. Không hề có việc ép buộc vào hợp tác nông nghiệp; thay vào đó, quá trình này diễn ra dần dần và nhận được sự đồng thuận.

Các cuộc cách mạng thường được chuẩn bị trong một thời gian dài, và có thể mất hàng thế kỷ để đạt được mục đích. Giai cấp trung lưu ở châu Âu không xóa bỏ chế độ phong kiến qua một đêm. Giành quyền lực chính trị là một hành động trước mắt; thay đổi phong tục tập quán, thể chế và thói quen của xã hội kéo dài hơn rất nhiều. Bạn có thể tổ chức toàn bộ ngành công nghiệp theo phương thức xã hội chủ nghĩa bằng một mệnh lệnh chính phủ, nhưng chỉ một mình pháp luật không thể sản sinh ra những con người cảm nhận và cư xử khác với ông bà của họ. Điều đó phải có một quá trình thay đổi về giáo dục và văn hóa lâu dài.

Những người nghi ngờ tính khả thi của sự thay đổi như thế nên nhìn kỹ lại bản thân mình. Bản thân chúng ta ở nước Anh thời hiện đại là sản phẩm của một quá trình lâu dài, một cuộc cách mạng đạt tới đỉnh điểm vào thế kỷ XVII, và dấu ấn thành công của nó là ở chỗ hầu hết chúng ta hoàn toàn không biết về thực tế đó. Những cuộc cách mạng thành công là những cuộc cách mạng kết thúc bằng việc xóa sạch mọi dấu vết của chính chúng. Để làm được như vậy, chúng làm cho hoàn cảnh đấu tranh dường như xuất hiện hoàn toàn tự nhiên. Như thế, chúng khá giống như việc sinh đẻ. Để hoạt động như một con người “bình thường”, chúng ta phải quên đi nỗi đau và sợ hãi về sự sinh sản của chúng ta. Nguồn gốc thường gây đau thương, dù là của cá nhân hay nhà nước chính trị. C.Mác nhắc nhở chúng ta trong cuốn Tư bản rằng, nhà nước Anh hiện đại, được xây dựng trên sự bóc lột thậm tệ những người vô sản xuất thân từ nông dân, đã xuất hiện nhuốm đầy máu và vấy bẩn từ đầu đến chân. Đấy là một lý do tại sao ông chắc sẽ phải kinh sợ khi chứng kiến sự thành thị hóa một cách cưỡng ép của Stalin với giai cấp nông dân Nga. Hầu hết các nhà nước chính trị đều xuất hiện thông qua cách mạng, xâm lược, chiếm đóng, cướp đoạt hay hủy diệt (trong trường hợp của những xã hội như Hoa Kỳ). Nhà nước thành công là những nhà nước thành công trong việc quét sạch lịch sử đẫm máu này khỏi tâm trí những công dân của chúng. Những nhà nước còn quá mới để có thể xóa đi nguồn gốc không chính đáng của mình – ví dụ như Israel và Bắc Ailen – chắc chắn sẽ ngập chìm trong xung đột chính trị.

Nếu chính chúng ta là sản phẩm của một cuộc cách mạng thành công mỹ mãn, thì bản thân điều đó chính là câu trả lời cho sự quy kết mang tính bảo thủ rằng, tất cả các cuộc cách mạng đều kết thức bằng thất bại, hay quay trở lại như những gì trước đó, hay làm mọi thứ tồi tệ hơn gấp một nghìn lần, hay ăn thịt chính con của mình. Có lẽ tôi bỏ sót lời tuyên bố này trên báo, nhưng nước Pháp dường như đã không khôi phục tầng lớp quý tộc phong kiến trong chính phủ, hay nước Đức không không phục tầng lớp địa chủ. Trên thực tế, nước Anh có nhiều tàn dư phong kiến hơn mọi quốc gia hiện đại nhất, từ Thượng viện đến quan cảnh vệ Black Rod2, nhưng nói chung, bởi vì họ tỏ ra hữu dụng cho tầng lớp trung lưu cầm quyền. Giống chế độ quân chủ, họ tạo ra thứ không khí thần bí dùng để giữ cho đông đảo quần chúng khuất phục và tôn kính. Việc đa số người Anh không coi Hoàng tử Andrew đang phát tiết ra một không khí mê hoặc thần bí gợi ý rằng, có lẽ có những cách đáng tin cậy hơn để chống đỡ quyền lực.

Đa số người phương Tây hiện nay sẽ dứt khoát tuyên bố phản đối cách mạng. Điều đó có thể có nghĩa là họ chống lại một số cuộc cách mạng này, nhưng lại ủng hộ những cuộc cách mạng khác. Cách mạng của người khác, giống như thức ăn của người khác trong nhà hàng thường hấp dẫn hơn là của chính mình. Đa số những người này sẽ tán thành không do dự cuộc cách mạng thủ tiêu quyền lực của nước Anh ở Mỹ vào cuối thế kỷ XVIII, hay các quốc gia thuộc địa từ Ailen, Ấn Độ đến Kenya và Malaysia giành độc lập. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ khó có thể nhỏ nước mắt cay đắng khi khối Xô Viết sụp đổ. Khởi nghĩa của người nô lệ từ Spactacus đến các bang miền Nam nước Mỹ chắc chắn tìm được sự ủng hộ của họ. Nhưng tất cả các cuộc khởi nghĩa này đều kéo theo bạo lực – mà trong một số trường hợp, còn nhiều bạo lực hơn cả cách mạng Bônsêvích. Vậy thì tại sao không thành thật thú nhận rằng, sao lại phản đối cách mạng xã hội chủ nghĩa chứ không phải phản đối bản thân cách mạng?

Tất nhiên, có một nhóm nhỏ những người được gọi là những người theo chủ nghĩa hòa bình hoàn toàn bác bỏ bạo lực. Họ thật đáng ngưỡng mộ vì lòng dũng cảm và kiên quyết trong nguyên tắc của họ, cho dù thường phải đối mặt với những lời chửi rủa công khai. Nhưng những người theo chủ nghĩa hòa bình không phải là những người duy nhất ghê tởm bạo lực. Đa số mọi người đều như thế, ngoài trừ một vài kẻ tàn ác và tâm thần. Chủ nghĩa hòa bình đáng bàn không phải là thứ chỉ đưa ra tuyên bố đạo đức giả rằng, chiến tranh thật kinh khủng. Những trường hợp mà tất cả mọi người đều đồng ý thường nhàm chán, tuy nhiên, chúng cũng có lý nào đó. Người theo chủ nghĩa hòa bình đáng bàn duy nhất là người bác bỏ không chỉ chiến tranh hay cách mạng, mà còn khước từ việc đập vào đầu tên giết người, đủ làm bất tỉnh chứ không giết hắn, khi hắn đang chĩa súng vào những đứa trẻ trong lớp học. Bất kỳ ai ở trong tình huống làm hay không làm điều đó sẽ có nhiều lời giải thích tại hội nghị PTA tới. Theo nghĩa rất hẹp, chủ nghĩa hòa bình phi đạo đức một cách thô thiển. Đa số đồng ý với sự cần thiết phải sử dụng bạo lực trong những trường hợp cực đoan và ngoại lệ. Hiến chương Liên hợp cho phép sự kháng cự vũ trang đối với một lực lượng chiếm đóng. Nhưng bất kỳ sự xâm lược nào như thế phải được giới hạn bằng một số tiêu chí nghiêm ngặt. Nhưng chủ yếu đó phải là tính phòng thủ, phải là biện pháp cuối cùng sau tất cả những thứ khác đã được thử và thất bại, phải có cơ hội thành công thỏa đáng, không được gây ra sự giết hại những người dân vô tội v.v. và v.v…

Trong sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đẫm máu của mình, chủ nghĩa Mác đã gây ra nhiều bạo lực ghê gớm. Cả Stalin và Mao Trạch Đông đều là những kẻ sát nhân hàng loạt ở mức độ gần như không thể tưởng tượng nổi. Hầu như không có người Mác-xít nào ngày nay, như chúng ta đã thấy, cố gắng bảo vệ những tội ác ghê sợ này, trong khi nhiều người phi Mác-xít lại bảo vệ, ví dụ, sự hủy diệt ở Dresden hay Hiroshima. Tôi đã từng nói rằng, chủ nghĩa Mác, hơn bất kỳ trường hợp phái tư tưởng nào khác, đã cung cấp rất nhiều lời giải thích có sức thuyết phục về việc làm thế nào mà những hành động tàn ác của con người như Stalin lại xuất hiện, và vì thế, phải làm thế nào để chúng có thể được ngăn chặn khỏi tái diễn. Nhưng tội ác của chủ nghĩa tư bản thì sao? Nói thế nào với bể máu man rợ được biết đến là Thế chiến thứ nhất, trong đó sự xung đột giữa những cường quốc đói khát thuộc địa đã đẩy những người lính thuộc tầng lớp lao động tới cái chết vô ích? Lịch sử của chủ nghĩa tư bản, bên cạnh nhiều thứ khác, là một câu chuyện của chiến tranh toàn cầu, bóc lột thuộc địa, tội diệt chủng và nạn đói. Nếu một phiên bản sai lệch của chủ nghĩa Mác sinh ra nhà nước Stalin, thì một biến đổi cực đoan của chủ nghĩa tư bản sinh ra chủ nghĩa phát xít. Nếu một triệu người chết trong nạn đói khủng khiếp ở Ailen những năm bốn mươi của thế kỷ XIX, thì đó chủ yếu là do chính phủ Anh đương thời đã quá tuân theo những quy luật của thị trường tự do trong chính sách cứu trợ đầy ai oán của họ. Chúng ta đã thấy rằng, C.Mác viết với sự tức giận được kìm nén trong cuốn Tư bản về quá trình đẫm máu, kéo dài khiến giai cấp nông dân Anh bị đẩy khỏi ruộng đất. Chính lịch sử bóc lột tàn bạo này nằm ẩn dưới sự thanh bình của cảnh làng quê nước Anh. Nếu so sánh với giai đoạn khủng khiếp này, một giai đoạn đã trải qua một thời gian dài, thì một sự kiện như cách mạng Cuba chỉ là một bữa tiệc trà.

Đối với những nhà Mác-xít, sự đối lập nằm trong chính bản chất của chủ nghĩa tư bản. Điều này đúng không chỉ với mâu thuẫn giai cấp mà nó kéo theo, mà còn với những cuộc chiến tranh mà nó gây ra khi những quốc gia tư bản xung đột về tài nguyên thế giới hay phạm vi ảnh hưởng đế quốc. Ngược lại, một trong những mục tiêu cấp bách của phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế là hòa bình. Khi những người Bônsêvích nắm quyền, họ rút nước Nga ra khỏi sự tàn sát của Thế chiến thứ nhất. Những người xã hội chủ nghĩa, với lòng căm thù chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa sô vanh, đã đóng vai trò chính trong phần lớn phong trào hòa bình xuyên suốt lịch sử hiện đại. Phong trào công nhân không phải là bạo lực, mà chấm dứt bạo lực.

Những người Mác-xít có truyền thống thù địch với cái họ gọi là “chủ nghĩa phiêu lưu”, với nghĩa là nóng vội đẩy một nhóm nhỏ những người khởi nghĩa chống lại lực lượng khổng lồ của nhà nước. Cách mạng Bôn-sê-vích được tạo nên không phải bởi một nhóm những người âm mưu bí mật mà bởi những cá nhân được bầu công khai từ những thiết chế đại diện của nhân dân, được biết đến là Xô-viết. C.Mác hoàn toàn quay lưng lại với những cuộc nổi dậy nửa vời của những người lính mặt mũi bặm trợn chĩa đinh ba trước xe tăng. Theo ông, cuộc cách mạng thành công cần những tiền đề vật chất nhất định. Không phải chỉ là vấn đề của ý chí sắt đá và lòng dũng cảm. Rõ ràng thành công hơn nhiều trong một cuộc khủng hoảng lớn mà ở đó giai cấp thống trị đang suy yếu và chia rẽ, với lực lượng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ và được tổ chức tốt, hơn là khi chính phủ mạnh lên, còn phe đối lập thì nhu nhược và phân tán. Theo đó, có một sự liên quan giữa chủ nghĩa duy vật của C.Mác – sự nhấn mạnh của ông khi phân tích lực lượng vật chất tồn tại trong xã hội – và vấn đề về bạo lực cách mạng.

Đa số những cuộc phản kháng của giai cấp công nhân nước Anh đều diễn ra hòa bình, từ phong trào Hiến chương đến những cuộc diễu hành của những người thất nghiệp những năm 1930. Nhìn chung, các phong trào công nhân phải dùng đến bạo lực chỉ khi bị khiêu khích, hay tại những thời điểm thật cần thiết, hay khi những cách thức hòa bình đã rõ ràng thất bại. Điều này rất giống với những gì đã diễn ra với phong trào đòi quyền đi bầu cử của phụ nữ ở Anh cuối thế kỷ XIX (còn được gọi tên là Suffragrettes). Sự bất đắc dĩ phải đổ máu của những nguời lao động trái ngược hoàn toàn với sự sẵn sàng dùng roi và súng của những ông chủ. Họ cũng không tùy tiện sử dụng bất kỳ thứ gì như nhà nước tư bản đã sử dụng tiềm lực quân sự hà khắc sẵn sàng triển khai vũ khí chống lại những người biểu tình và diễu hành hòa bình đã trở thành chuyện bình thường. Như triết gia người Đức Walter Benjamin đã viết rằng, cách mạng không phải là đoàn tàu chạy trốn; nó là việc ứng dụng chiếc phanh khẩn cấp. Chính hỗn loạn của các lực lượng thị trường, còn chủ nghĩa xã hội đang cố gắng giành quyền làm chủ tập thể nào đó từ con thú giận dữ này.

Nếu các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa có gây ra bạo lực, thì chủ yếu là vì giai cấp có tài sản hiếm khi nhường lại quyền lợi của họ mà không tìm mọi cách giữ lại. Ngay cả khi như thế, vẫn có những lý do hợp lý để hy vọng rằng, việc sử dụng sức mạnh là ở mức thấp nhất. Đó là vì, đối với chủ nghĩa Mác, một cuộc cách mạng không giống như một cuộc đảo chính, hay sự bột phát của tình trạng bất mãn. Các cuộc cách mạng không phải chỉ là những cố gắng để hạ bệ nhà nước. Một cuộc đảo chính quân sự cánh hữu có thể làm thế, nhưng những người Mác-xít coi đó là một cuộc cách mạng. Theo nghĩa đầy đủ nhất, cách mạng xuất hiện chỉ khi một giai cấp xã hội lật đổ sự cai trị của giai cấp khác và thay thế nó bằng chính quyền của riêng mình.

Trong trường hợp cách mạng xã hội chủ nghĩa, điều này là giai cấp công nhân có tổ chức, cùng với những đồng minh khác của mình, giành quyền từ giai cấp tư sản, hay tầng lớp trung lưu tư bản chủ nghĩa. Nhưng C.Mác coi giai cấp công nhân cho tới giờ vẫn là giai cấp lớn nhất trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, chúng ta đang nói tới ở đây là hành động của đại đa số, không phải một dúm những kẻ nổi loạn. Vì chủ nghĩa xã hội là sự tự chủ của nhân dân, không ai có thể thay mặt bạn làm một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, cũng giống như không ai có thể thay mặt bạn trở thành chuyên gia chơi bài poker. Như G.K.Chesterton viết rằng, sự tự quyết của quần chúng nhân dân như vậy là “giống như việc viết bức thư tình của chính mình hay việc tự hỉ mũi. Có những thứ chúng ta muốn một người tự làm, kể cả khi anh ta làm không tốt”3. Người hầu của tôi có lẽ khéo léo hơn rất nhiều trong việc hỉ mũi cho tôi hơn chính bản thân tôi, nhưng sẽ đáng tự trọng hơn khi tôi tự làm điều đó, hay ít ra là thỉnh thoảng (nếu tôi là Hoàng tử Charles). Cách mạng không thể do một tiểu đội toàn những người âm mưu trao vào tay bạn. Hay như Lênin khẳng định, nó cũng không thể bị mang ra nước ngoài và bị áp đặt vào mũi giáo, như Stalin đã làm ở Đông Âu. Chính bạn phải chủ động tham gia vào việc tạo ra nó, không thể như kiểu nghệ sĩ chỉ dẫn trợ lý của mình đi ra và đánh một con cá mập nhân danh anh ta (điều tương tự chắc chắn sẽ sớm xảy ra với những nhà viết tiểu thuyết). Chỉ khi đó, những người đã từng không hề có sức mạnh mới có được kinh nghiệm, hiểu biết và tự tin để tiến tới làm lại toàn bộ xã hội. Những cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể là những cuộc cách mạng dân chủ. Chính giai cấp thống trị mới là nhóm thiểu số phi dân chủ. Những cuộc khởi nghĩa như thế lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân là bởi vì bản chất tự nhiên của họ là bức tường thành vững chắc nhất chống lại lực lượng chống đối. Theo đó, những cuộc cách mạng có nhiều khả năng thành công cũng chắc chắn sẽ là những cuộc cách mạng ít bạo lực nhất.

Điều này không phải để nói rằng, cách mạng sẽ không châm ngòi cho một phản ứng đẩm máu từ những chính quyền đang hoảng sợ sẵn sàng khủng bố chống lại lực lượng cách mạng. Nhưng ngay cả những nhà nước chuyên quyền cũng phải dựa vào sự ưng thuận thụ động nào đó từ những người bị cai trị, tuy miễn cưỡng và tạm thời. Bạn không thể cai quản tốt một quốc gia mà lúc nào cũng nằm trong tình trạng bất mãn triền miên với nhà nước, mà còn phủ nhận mọi sự tín nhiệm vào sự cai trị của bạn. Bạn có thể bắt giam một số người trong một số thời điểm, nhưng không phải bắt giam tất cả mọi người mọi lúc. Một nhà nước mất tín nhiệm như thế có thể tồn tại trong một thời gian khá dài. Chẳng hạn, chế độ đương thời ở Burma hay Zimbabwe. Nhưng, cuối cùng, ngay cả bạo chúa cũng phải chịu thất bại. Dù hệ thống phân biết chủng tộc ở Nam Phi có tàn bạo và dã man đến đâu, cuối cùng cũng đến lúc để nhận ra rằng, nó không thể kéo dài hơn nữa. Có thể nói tương tự về chế độ độc tài ở Ba Lan, Đông Đức, Rumani và những quốc gia Xô Viết khác vào cuối những năm 1980. Điều đó cũng đúng với nhiều người Đảng Ulster ngày nay, những người sau nhiều năm đẫm máu buộc phải nhận ra rằng, việc bài trừ những công nhân Cơ Đốc giáo đơn giản là không thể thực hiện được.

Vậy thì, tại sao những nhà Mác-xít lại mong đợi ở cách mạng chứ không phải là ở nền dân chủ nghị viện và cải cách xã hội? Câu trả lời là, họ không mong đợi, hay nói rõ ra là không hoàn toàn như vậy. Chỉ những người được gọi là cực tả mới như vậy4. Một trong những sắc lệnh đầu tiên của những người Bôn-sê-vích khi họ lên nắm quyền ở Nga là xóa bỏ án tử hình. Trở thành một nhà cải cách hay một nhà cách mạng không giống như ủng hộ đội bóng Everton hay Arsenal. Hầu hết những nhà cách mạng cũng là những người ủng hộ nhiệt thành cải cách. Không phải bất kỳ cải cách cũ xưa nào, và không phải chủ nghĩa cải cách nào cũng là một liều thuốc chính trị chữa bách bệnh; nhưng những nhà cách mạng không mong sự thay đổi xã hội chủ nghĩa đến nhanh như sự thay đổi chế độ phong kiến hay chế độ tư bản chủ nghĩa. Có lẽ họ không khác biệt lắm với những nhà cải cách, ví dụ, bác bỏ việc đấu tranh chống lại những kết cục thương vong bởi vì chúng làm sao nhãng sự tập trung vào cuộc Cách mạng trên hết. Ngược lại, họ nhìn nhận những cải cách như thế theo khía cạnh dài hạn hơn và căn bản hơn. Cải cách là rất quan trọng; nhưng sớm hay muộn bạn sẽ tới điểm mà hệ thống không cho phép đi tiếp, mà đối với chủ nghĩa Mác, điều này được biết đến như là quan hệ sản xuất của xã hội. Hay, theo ngôn ngữ bớt tính kỹ thuật bóng bảy, một giai cấp thống trị kiểm soát nguồn lực vật chất và không hề muốn trao lại chúng. Chỉ khi ấy, một lựa chọn quyết định giữa cải cách và cách mạng dần dần hiện ra. Cuối cùng, như nhà sử học xã hội chủ nghĩa R.H.Tawney đã nhận xét, bạn có thể bóc một củ hành từng lớp vỏ một, nhưng bạn không thể lột từng cái móng của một con hổ. Tuy nhiên, việc bóc vỏ hành làm cải cách nghe đơn giản quá. Giờ đây, chúng ta coi đa số các cuộc cải cách như là những nét đặc trưng quý báu của xã hội tự do – bỏ phiếu phổ thông, phổ cập giáo dục không mất tiền, tự do báo chí, công đoàn… – đã đạt được bằng đấu tranh nhân dân bất chấp sự kháng cự tàn bạo của giai cấp thống trị.

Những nhà cách mạng cũng không nhất thiết phải bác bỏ nền dân chủ nghị viện. Nếu nó có thể giúp cho mục đích của họ, thì điều đó rõ ràng là tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, những nhà Mác-xít dè dặt với dân chủ nghị viện – không phải vì nó mang tính dân chủ, mà bởi vì nó không đủ tính dân chủ. Quốc hội là thể chế mà những người bình thường được thuyết phục để giao phó hoàn toàn quyền lực của mình, và qua đó họ có rất ít quyền kiểm soát. Cách mạng nói chung được cho là trái ngược với dân chủ, giống như việc nhóm thiểu số xấu xa ngấm ngầm lật đổ ý chí của đại đa số. Trên thực tế, với tư cách là một quá trình mà con người nắm chính quyền bằng chính sự tồn vong của họ thông qua hội đồng và hội nghị, nó sẽ mang nhiều tính dân chủ hơn hơn bất kỳ thứ gì đang có hiện tại. Những người Bôn-sê-vích đã có một kỷ lục ấn tượng về sự tranh luận công khai trong đội ngũ của họ, và ý tưởng họ sẽ lãnh đạo đất nước như một đảng chính trị duy nhất không nằm trong chương trình ban đầu của họ. Ngoài ra, như chúng ta sẽ thấy sau này, quốc hội là một bộ phận của một nhà nước có nhiệm vụ đảm bảo cho quyền tối thượng của tư bản đối với lao động. Đây không chỉ là quan điểm của những người Mác-xít. Như một nhà phê bình thế kỷ XVII viết, Quốc hội Anh là “bức tường sở hữu”5. Cuối cùng, C.Mác cũng cho rằng, quốc hội hay nhà nước không đại diện cho nhiều quần chúng nhân dân như là quyền lợi của sở hữu tư nhân. Cicero, như chúng ta đã thấy, nhiệt liệt tán thành quan điểm này. Không quốc hội nào trong một trật tự tư bản chủ nghĩa lại dám đối đầu với sức mạnh kinh hoàng của quyền sở hữu bất di bất dịch này. Nếu quốc hội đe dọa cản trở quá sâu vào sở hữu tư nhân, nó sẽ nhanh chóng bị đuổi ra khỏi cửa. Bởi vậy, sẽ rất kỳ quặc nếu những nhà xã hội chủ nghĩa coi những phòng tranh luận này là một phương tiện tất yếu để phát triển sự nghiệp của mình, chứ không phải chỉ là một trong nhiều phương tiện.

Chính C.Mác dường như tin rằng, ở những đất nước như nước Anh, Hà Lan và Mỹ, những nhà xã hội chủ nghĩa sẽ đạt được mục đích của mình bằng những phương tiện hòa bình. Ông đã không bác bỏ quốc hội hay cải cách xã hội. Ông cho rằng, một đảng xã hội chủ nghĩa có thể nắm quyền chỉ với sự ủng hộ của đa số giai cấp công nhân. Ông là một chiến sĩ ủng hộ nhiệt thành các cơ quan cải cách, chẳng hạn như các đảng chính trị của giai cấp công nhân, công đoàn, hiệp hội văn hóa và những tờ báo chính trị. Ông cũng biện hộ cho những biện pháp cải cách cụ thể như mở rộng quyền bầu cử và rút ngắn ngày làm việc. Trên thực tế, ở một khía cánh nào đó, ông khá lạc quan cho rằng, chính quyền bỏ phiếu phổ thông sẽ chôn vùi sự cai trị của tư bản chủ nghĩa. Đồng nghiệp của ông, Ph.Ăngghen cũng gắn tầm quan trọng đáng kể cho sự thay đổi xã hội mang tính hòa bình và luôn mong đợi cuộc cách mạng phi bạo lực.

Một trong những vấn đề đối với các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là chúng gần như chắc chắn nổ ra ở những nơi mà chúng khó giữ vững được nhất. Lênin ghi nhân sự trớ trêu này trong trường hợp cuộc nổi dậy Bôn-sê-vích. Những người bị đàn áp dã man và bị bỏ đói có lẽ sẽ cảm thấy chẳng có gì để mất khi tiến hành cách mạng. Mặt khác, như chúng ta đã thấy, điều kiện xã hội lạc hậu đẩy họ đến chỗ nổi dậy là điểm xuất phát tồi tệ nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những điều kiện như vậy, lật đổ nhà nước sẽ dễ dàng hơn nhiều, nhưng bạn không phải trao trả những tài nguyên mà đáng lẽ sẽ giúp bạn xây dựng một sự thay thế khả thi hơn. Những người cảm thấy bằng lòng với hoàn cảnh của họ thì không có xu hướng làm cách mạng. Nhưng những người cảm thấy vô vọng lại không như vậy. Điều đáng buồn cho những nhà xã hội chủ nghĩa là con người sẽ cực kỳ miễn cưỡng chuyển đổi tình cảnh của họ chừng nào vẫn còn có cái gì đó trong tình cảnh đó dành cho họ.

Những người Mác-xít đôi khi bị chế giễu về sự bàng quan chính trị có chủ định của giai cấp công nhân. Những người bình thường có lẽ sẽ thờ ơ với những vấn đề chính trị hàng ngày của nhà nước mà họ cảm thấy không quan trọng với họ. Tuy nhiên, nếu nhà nước tìm cách đóng cửa các bệnh viện của họ, rời chuyển nhà máy của họ đến Tây Ailen, hay đặt một sân bay trong vườn sau của họ, chắc chắn họ bị thúc đẩy phải hành động. Cũng cần nhấn mạnh rằng, một kiểu hờ hững nào đó cũng là hoàn toàn hợp lý. Chừng nào một hệ thống xã hội vẫn có thể mang lại cho công dân của nó vài khoản thù lao ít ỏi, thì không hề phi lý khi họ gắn với những gì họ có, hơn là nhảy vào một tương lai bất định. Không nên chế giễu một chủ nghĩa bảo thủ như thế.

Trong bất kỳ trường hợp nào, đa số mọi người đều quá bận rộn với việc giữ cho bản thân mình tồn tại, mà không bận tâm mấy với các viễn cảnh tương lai. Cũng dễ hiểu là, tình trạng chia rẽ xã hội không phải là thứ mà đa số mọi người háo hức đi theo. Họ chắc chắn sẽ không đi theo chỉ bởi vì chủ nghĩa xã hội nghe có vẻ là một ý tưởng tốt đẹp. Chỉ đến khi nào tình trạng nghèo khổ bắt đầu lấn át những hạn chế của sự biến đổi sâu sắc thì một cú nhảy vào tương lai mới bắt đầu dường như là một lời đề nghị hợp lý. Các cuộc cách mạng có xu hướng nổ ra khi người ta chấp nhận hầu như bất kỳ sự thay thế nào cho hiện tại. Trong tình cảnh ấy, không có nổi dậy mới là bất hợp lý. Sau nhiều thế kỷ phấn đấu cho quyền tối cao của tư lợi, chủ nghĩa tư bản có lẽ sẽ không phàn nàn gì khi những nhân công của nó nhận ra rằng, lợi ích chung của họ nằm ở việc cố gắng làm điều gì đó khác biệt vì một sự thay đổi.

Cải cách và dân chủ xã hội chắc chắn có thể mua chuộc cách mạng. Bản thân C.Mác cũng có đủ thời gian chứng kiến bước đầu của quá trình này ở nước Anh thời Victoria, nhưng chưa đủ để ghi nhận tác động đầy đủ của nó, Nếu một xã hội có giai cấp có thể ném cho những kẻ chân tay của nó đủ đầu thừa đuôi thẹo, thì khi đó xã hội ấy vẫn có thể an toàn. Khi nó không làm được như vậy, thì chắc chắn (dù không với nghĩa là tất yếu) rằng, những người ở phía thiệt thòi sẽ tìm cách thay thế nó. Tại sao lại không? Còn có gì tồi tệ hơn là chẳng còn tí đầu thừa đuôi thẹo nào cả? Tại thời điểm này, đánh cuộc vào một tương lai khác trở thành một quyết định hợp lý nhất. Và dù lý trí con người có mất sạch, nó vẫn đủ mạnh để biết khi nào việc ruồng bỏ hiện tại đổi lấy tương lai là chắc chắn có lợi.

Những người đặt câu hỏi: ai sẽ hạ bệ chủ nghĩa tư bản có xu hướng quên rằng, theo nghĩa nào đó, điều này là không cần thiết. Chủ nghĩa tư bản hoàn toàn có khả năng sụp đổ dưới những mâu thuẫn nội tại mà không cần thậm chí một cái đẩy nhẹ nhất từ đối thủ của nó. Trên thực tế, nó đã đến rất gần điểm đó chỉ vài năm trước đây. Kết quả của một vụ nổ lớn toàn hệ thống, tuy nhiên, lại dễ trở thành chủ nghĩa man rợ hơn là chủ nghĩa xã hội, nếu không có một lực lượng chính trị có tổ chức nào sẵn sàng đưa ra một sự thay thế khác. Một lý do cấp bách, tại sao chúng ta cần một tổ chức như thế, trong sự kiện khủng hoảng vô cùng lớn của chủ nghĩa tư bản, một vài người chắc chắn sẽ bị tổn thương, và một hệ thống mới có lợi cho tất cả có lẽ sẽ được lôi ra từ đống đổ nát.


Ghi chú:
1.[Isaac Deutscher: Stalin, Harmondsworth, 1968, p.173.]
2.[Thượng viện Anh (và một số nước khác trong Khối thịnh vượng chung) vẫn duy trì một phẩm hàm gọi là Black Rod (người cầm gậy đen), có nhiệm vụ duy trì trật tự trong các cuộc họp (ND).]
3.[G.K.Chesterton: Tính chính thống (Orthodoxy), New York, 1946, p.83.]
4.[Trong những năm 1970 đoàn kết chiến đấu, niềm tin trong sáng của một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa nhiều khi được đánh giá bằng câu trả lời cho những câu hỏi chẳng hạn như: “Anh sẽ sử dụng tòa án luật tư sản nếu bạn của anh bị giết hại?” hoặc “Anh sẽ viết bài ủng hộ báo chí tư sản chứ?”. Tuy nhiên những người trong sáng thực sự hay những người cực tả là những người có thể trả lời một cách rõ ràng là “Không!” đối với câu hỏi “Bạn sẽ gọi đội cứu hỏa tư sản chứ?”.]
5.[Christopher Hill: Người Anh của Chúa: Oliver Cromwell và Cách mạng Anh (God’s Englishman: Oliver Cromwell and the English Revolution), London, 1990, p.137.]

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍