Trong sự xuống cấp đáng báo động của nền tảng đạo đức xã hội ngày nay, cá nhân tôi luôn cho rằng có sự “đóng góp” đáng kể của hai lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng con người: giáo dục và báo chí – truyền thông. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (GDVN) thuộc Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam vinh dự thay lại có “chân” trong cả hai mảng này. Có lẽ để tương xứng với cái thế “hai hàng” đặc biệt của mình, trang báo này có vẻ như ngày càng nỗ lực để trở thành kẻ phá hoại (sự thật) nhiều gấp đôi những tờ báo biến chất khác. “Thành tích” mới nhất của họ là tiếp tục xuyên tạc về sự kiện ngày 14/3/2015 tại tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội, tất nhiên, với “liều lượng” táo bạo, mạnh mẽ hơn hẳn những bài báo trước đó, bằng một thứ ngôn từ mà chỉ có mang danh “giáo dục” mới có thể đưa lên mặt báo được! Đấy là tôi đang đề cập đến bài báo “Hành động của những kẻ vong ân bội nghĩa” của tác giả Xuân Dương (đăng lúc 14:17 ngày 18/03/2015) và đã chỉnh sửa thành “Một hành động không thể chấp nhận được!” sau khi bị nhiều độc giả phản ánh.

GDVN đăng tải trên tài khoản facebook của họ.

1. Trong bài viết trước, tôi đã nói về “một nửa sự thật” trong các bài báo mô tả “dư luận viên” như những kẻ “cản trở người yêu nước”, trong đó các bạn có thể thấy được bức tranh toàn cảnh về sự kiện này, cũng như chân dung của “những người yêu nước”, do đó không đề cập lại ở đây. Trong các bài báo trước, dù các tác giả có cố tình đưa ra “một nửa sự thật” thì họ vẫn còn biết giấu đi cái “đuôi”: họ không nói họ biết gì về các thông tin, hình ảnh liên quan trên mạng. Còn phóng viên Xuân Dương của báo GDVN thì khác, không ngần ngại khoe rằng mình đã tìm hiểu để biết “trên Internet tràn ngập hình ảnh rất phản cảm ghi lại một đám thanh niên, cả nam cả nữ ăn nói hùng hổ, chỉ tay giơ biểu ngữ ngăn cản một số người được nói là đi thắp hương tưởng niệm.”. Không những thế anh (chị) ta còn “soi” đến các cá nhân trong nhóm mặc áo DLV đủ để xúc phạm họ từ hình thể bên ngoài: “người con gái vênh váo ở nhiều góc chụp, từ bàn tay chĩa lên và cái miệng chua ngoa đang lý sự” đến mỉa mai tư cách con người “thấy đó không phải là những kẻ vô học, không phải là những kẻ ăn đói mặc rách”. Thật ra, đó chính là thủ thuật “quy nạp” của tác giả này, từ hình ảnh một cá nhân để biến thành ấn tượng đối với cả một tập thể người mặc áo DLV trong tâm trí người đọc. Phải chăng tác giả nghĩ mình có sứ mệnh “giáo dục” người đọc về hình tượng DLV như vậy? Và tất nhiên, trong cả bài dài say sưa lên án những người mặc áo DLV, như các phóng viên khác, tác giả Xuân Dương cũng lờ tịt đi việc cung cấp đến các độc giả khả kính của mình hình ảnh “những người yêu nước”, “đối trọng” của “những người mặc áo DLV” trong sự kiện này. Có cảm giác rằng tác giả Xuân Dương, và các vị phóng viên có bài viết tương tự, đã đứng trong hàng ngũ “những người yêu nước” tại tượng đài Lý Thái Tổ và Bờ Hồ trong ngày 14/3 đó, nên chỉ có thể nhìn thấy từ một phía và “ngại nói về bản thân”!

“Những người yêu nước” của lều báo!

Không dừng lại ở việc tìm cách bôi nhọ hình ảnh những người thanh niên mặc áo DLV, tác giả Xuân Dương còn tự tiện quy chụp (hoặc cố ý hướng người đọc đến suy nghĩ) rằng họ “được sự hậu thuẫn từ các tổ chức phản động, từ bộ máy tuyên truyền bên kia biên giới để cố tình bóp méo lịch sử”. Trong khi đó, chính ông Chung, giám đốc CA Hà Nội, cũng chỉ phát biểu rằng họ “không thuộc quản lý của Công an và Ban tuyên giáo thành ủy” chứ chẳng đưa ra một thông tin, đánh giá nào khác đối với những thanh niên này. Phải chăng hiện nay một số báo chí, phóng viên tự cho mình cái quyền phán xét tất cả, hơn cả vị quan tòa nghiêm khắc nhất khi mà không cần đến các thủ tục điều tra, tố tụng? Là một người đã “nghiền ngẫm” trên internet những “tràn ngập hình ảnh” về các DLV thì ắt hẳn tác giả cũng thừa biết kẻ nào mới thực sự đáng được coi là “được sự hậu thuẫn từ các tổ chức phản động, từ bộ máy tuyên truyền bên kia biên giới để cố tình bóp méo lịch sử”. Các DLV tự phát tồn tại chính là bởi vì cần phải chống lại những kẻ “được sự hậu thuẫn từ các tổ chức phản động, từ bộ máy tuyên truyền bên kia biên giới để cố tình bóp méo lịch sử”. Ấy vậy mà tác giả không ngại ngần đổi trắng thay đen, đem cái mũ “phản động” chụp ngược lại cho những người “chống phản động”. Làm một việc như thế thì chỉ có 2 lý do: hoặc tác giả có mưu đồ đen tối riêng, hoặc khả năng nhận thức của tác giả có vấn đề. Thực sự thì rất đáng quan ngại khi những con người với những “tố chất” như thế lại được chấp nhận ở nơi tự xưng là “giáo dục Việt Nam”.

Gia đình, người thân, bạn bè của tác giả và những người duyệt đăng bài viết sẽ nghĩ gì? Họ có cảm thấy xấu hổ vì đã sinh ra những đứa con không hiểu được những điều đơn giản như vậy? Ngôi trường mà họ đã theo học nghĩ gì khi đào tạo nên những kẻ không biết đâu là phải là trái, là trắng là đen để gián tiếp cổ vũ cho những kẻ phá hoại đất nước và vùi dập những người có ý nguyện tốt đẹp như vậy? Đơn vị chủ quản của họ nghĩ gì khi để một tờ báo mang danh “giáo dục Việt Nam” đăng một bài viết lệch lạc, ấu trĩ như vậy?
Mở ngoặc: Khúc này xin lỗi phải “đạo văn” của tác giả Xuân Dương mới diễn tả hết được sự bức bối trong lòng!

2. Với cách viết báo như vậy, không lạ gì khi đã có rất nhiều độc giả gọi điện, góp ý kiến (nhất là trên facebook của báo) phản ánh. Nhưng qua những trao đổi giữa hai bên, chúng ta có thể hiểu vấn đề rằng khi một bài báo tệ hại chường mặt trên tờ báo thì nguyên nhân không chỉ nằm ở khả năng của người viết.

Ông Đào Ngọc Tước, phó tổng biên tập báo GDVN, khi được phản hồi từ người đọc thì cho rằng “tôi thì tôi chưa biết đúng sai thế nào” nhưng “quyết định sửa lại một phần nội dung cho nhẹ nhàng hơn”. Lạ kì thật, một người làm báo, phó tổng biên tập, “chưa biết đúng sai thế nào” nhưng lại rất mau mắn sửa lại bài viết. Phải chăng làm báo kiểu GDVN thì không cần phải kiểm duyệt, xác minh nội dung trước? Nếu đã biên tập, biết bài báo có những ngôn từ không phù hợp thì tại sao lại không chỉnh sửa mà đến khi bị độc giả phản ứng lại vội vàng âm thầm chỉnh sửa? Ông Tước nói “chúng tôi phải tin vào một vị lãnh đạo, như vậy, đã nói rồi”, “phải tin vào cơ quan chức năng” nhưng thử hỏi “vị lãnh đạo” ấy có nói câu nào giống như bài viết này đã quy chụp ngoại trừ việc ông ấy xác nhận là những người mặc áo DLV đó không thuộc sự quản lý của cơ quan nhà nước? Hay làm báo là có quyền “nhét chữ” vào mồm người khác, kể cả các vị lãnh đạo? Ông Tước lại nói “tài liệu trên mạng chỉ có thể làm tài liệu tham khảo thôi, chứ không thể làm tài liệu để chúng tôi sử dụng được”. Thế thì tờ báo này dựa vào đâu để mô tả, tô vẽ những người thanh niên này là “vênh váo”, “chua ngoa”, “thấy đó không phải là những kẻ vô học, không phải là những kẻ ăn đói mặc rách”? Ông Tước tiếp tục cho rằng “nếu như thông tin từ phía cơ quan hữu quan, của người có trách nhiệm nói rằng đó là dư luận viên của nhà nước thì chúng tôi lại phải khác chứ”, “nếu bây giờ có kết luận các bạn ấy là chuẩn thì chúng tôi sẵn sàng (sửa lỗi),… Thật là nực cười cho lý lẽ của tờ báo này! Họ lên án, quy chụp người khác là “vong ơn bội nghĩa”, là “phản động”,.. chỉ bởi vì những người này không thuộc cơ quan nhà nước quản lý. Và theo lý của họ thì nếu những người thanh niên này, vẫn với những hành động như thế, nhưng có “tư cách pháp nhân”“người của nhà nước” thì là “chuẩn”, tức sẽ lại là những người “nhân nghĩa ngời ngời”, “yêu nước hừng hực”!? Một kiểu tiêu chuẩn kép, thượng đội hạ đạp! Cao quý thay các vị làm báo và giáo dục!

Phó TBT báo GDVN trả lời phản ánh của bạn đọc.


Xem những gì mà trang facebook của báo GDVN trả lời phản ảnh của bạn đọc thì còn đáng ngao ngán hơn. Họ thừa nhận rằng họ biết về “một số đối tượng xấu lợi dụng tưởng niệm phía bên kia, người lớn biết cả đấy, có biện pháp đấu tranh cả đấy”, tức là thừa hiểu đâu mới là kẻ “được sự hậu thuẫn từ các tổ chức phản động, từ bộ máy tuyên truyền bên kia biên giới để cố tình bóp méo lịch sử” nhưng vẫn khăng khăng “bài báo không viết sai bất kỳ chi tiết nào” (tức nhóm DLV có thể là “phản động”, là “vong ơn bội nghĩa”, là “ít nhất là ra trước tòa án dư luận”, là nỗi xấu hổ của gia đình, bè bạn, nhà trường,..), đồng thời nhất định đổ mọi lỗi lầm lên đầu những bạn trẻ ấy bằng một cách giảng giải rất “giáo dục”!

Thêm một kẻ té nước theo mưa!
***

Như nhiều lần đã khẳng định, tôi không tán thành cách hành động của các bạn trẻ mặc áo DLV nhưng tôi tôn trọng tinh thần chống cái sai trái của họ. Sự nhiệt huyết của tuổi trẻ trước những cảnh chướng tai gai mắt nhưng không được sự hướng dẫn đúng mức của người lớn, người có trách nhiệm, dù sao cũng đáng thương hơn đáng giận. Điều cần làm là hướng dẫn, dìu dắt họ đi đúng quỹ đạo của luật pháp chứ không phải tìm cách vùi dập họ. Còn những kẻ núp sau tấm màn che đạo đức, lợi dụng con chữ (biết chữ mà không biết nghĩa) để mà bôi đen tẩy trắng, bẻ cong sự thật quả là đáng lên án, đáng căm hận. Đáng buồn thay báo GDVN và một số tờ báo ăn theo sự kiện này lại lựa chọn con đường đó./.
——–
Phụ lục:
1. Một số trao đổi giữa báo GDVN với bạn đọc trên facebook.

2. Nguyên văn bài viết Hành động của những kẻ vong ơn bội nghĩa!”

HÀNH ĐỘNG CỦA NHỮNG KẺ VONG ÂN BỘI NGHĨA!
(Xuân Dương)

Ngày 14/3/2015, kỷ niệm 27 năm lính Trung Quốc xả súng sát hại 64 chiến sĩ công binh hải quân nhân dân của chúng ta, chiếm đoạt đá Gạc Ma.

Một số người dân Thủ đô Hà Nội đã tập trung trước khu vực tượng đài Vua Lý Thái Tổ và tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (bên Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội) để dâng hương tưởng nhớ các chiến sỹ đã hy sinh anh dũng trong trận chiến không cân sức chống giặc ngoại xâm ngày 14/3/1988. Trong trận chiến này, 64 chiến sĩ công binh hải quân đã anh dũng hy sinh bảo về biển đảo thân yêu của tổ quốc.

Không khó để tìm thấy các hình ảnh dã man của binh lính Trung Quốc khi chúng nã pháo vào các chiến sĩ hải quân Việt Nam tay không kết vòng tròn bảo vệ lá cờ tổ quốc trên đá Gạc Ma.

Hoạt động tưởng niệm này đã bị một số thanh niên ngăn cản. Nhóm thanh niên này tự xưng là “dư luận viên”, trên áo của họ có logo với dòng chữ “Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc”?

Sự kiện này ngay lập tức được báo chí nước ngoài đăng tải với những bình luận không chính xác, thiếu khách quan và đầy toan tính như đổ lỗi cho cơ quan chức năng của chúng ta đứng sau nhóm thanh niên này.

Để làm rõ vấn đề, Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã có ý kiến trao đổi cùng báo chí. Theo tướng Chung “Chúng tôi luôn tôn trọng hành vi, hoạt động của người dân có lòng yêu nước với tất cả các sự kiện, đặc biệt liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ, những người đã tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước…”, “nhóm người trên không thuộc quản lý của Công an thành phố và Ban tuyên giáo”.

Dâng hương tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ hy sinh vì tổ quốc là việc làm truyền thống của người Việt, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Những ngày này, bên kia biên giới, bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Trung Quốc không ngớt khoe khoang “chiến công” đánh chiếm Gạc Ma, không ngớt xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ hình ảnh người chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam. Dùng pháo và đại liên bắn vào các chiến sĩ công binh hải quân tay không đứng bảo vệ đảo đá là hành động hèn nhát mà chỉ những kẻ dã man mới làm như vậy.

Tri ân các liệt sĩ không phải chỉ là bằng lời nói mà còn phải bằng những việc làm cụ thể: dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ ở Hà Nội, xây khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Nha Trang – Khánh Hòa; hay như gần đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo tỉnh ngành Y tế Nghệ An bố trí công việc cho con một liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma 1988 là những việc làm được Đảng và Nhà nước tôn trọng, khuyến khích, được nhân dân hết lòng ủng hộ.

Vậy thì những kẻ tự xưng là “dư luận viên” ấy, chúng là ai và nhân danh cái gì?

Chỉ từ hôm qua đến nay, trên Internet tràn ngập hình ảnh rất phản cảm ghi lại một đám thanh niên, cả nam cả nữ ăn nói hùng hổ, chỉ tay giơ biểu ngữ ngăn cản một số người được nói là đi thắp hương tưởng niệm. Trong số ấy, có hình ảnh người con gái vênh váo ở nhiều góc chụp, từ bàn tay chĩa lên và cái miệng chua ngoa đang lý sự ấy để thấy đó không phải là những kẻ vô học, không phải là những kẻ ăn đói mặc rách.

Sự khẳng định của Tướng Chung là rất rõ ràng, chúng “không thuộc quản lý của Công an và Ban tuyên giáo thành ủy”.

Vậy phải chăng chúng được sự hậu thuẫn từ các tổ chức phản động, từ bộ máy tuyên truyền bên kia biên giới để cố tình bóp méo lịch sử?

Không khó để tìm trong tàng thư của công an những người này là ai, sống ở đâu bởi vì hình ảnh của chúng là rất rõ ràng.

Gia đình, người thân, bạn bè của những kẻ ngăn cản buổi lễ dâng hương tưởng niệm này sẽ nghĩ gì? Họ có cảm thấy xấu hổ vì đã sinh ra những đứa con không hiểu đạo lý như vậy? Ngôi trường mà chúng đang theo học nghĩ gì khi đào tạo nên những kẻ không biết đâu là tổ quốc, dân tộc đâu là nối giáo cho giặc như vậy?

Nên nhớ, dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì tổ quốc hoàn toàn khác với những hành động bạo loạn, đập phá như đã từng xảy ra khi Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Đảng, nhà nước và đặc biệt là lực lượng thực thi pháp luật như công an, kiểm sát, tòa án đã có hành động kịp thời, trừng trị thích đáng những kẻ gây bạo loạn, giữ gìn kỷ cương, phép nước.

Thiết nghĩ Công an thành phố Hà Nội cần phải huy động lực lượng, cần phải tìm ngay những kẻ gây rối tại buổi lễ tưởng niệm, dù là hành động tự phát song không thể không có kẻ tổ chức, nhất là có thể còn có những thế lực đứng sau nhóm người này. Cần phải đưa chúng, ít nhất là ra trước tòa án dư luận để những kẻ ngông cuồng đang đi ngược lại quyền lợi quốc gia, dân tộc, đi ngược lại đạo lý làm người nhận thức được hành động của chúng cũng là tội lỗi.

Việc nhanh chóng tìm ra nhóm người này không phải là để an ủi vong linh các liệt sĩ đã ngã xuống cho nước Việt, cho người Việt có cuộc sống hôm nay mà là lời xin lỗi của những người đang sống gửi tới vong linh các liệt sĩ vì đã không dạy bảo lớp người trẻ tuổi đến nơi đến chốn, để có những kẻ dám xúc phạm đến cả những điều thiêng liêng nhất trong đạo lý dân tộc.

Nhóm người này không phải là hình ảnh đại diện cho thế hệ trẻ của đất nước, nhưng không thể để “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể để dư luận xã hội bức xúc vì việc làm của một nhóm người như vậy.

Người viết có một tâm nguyện, rằng bất kỳ ai đã ngã xuống trong cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại đều phải được tôn trọng, nên có nơi thờ cúng để mọi người có thể dâng hương tưởng niệm.

Như ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung “Công an thành phố đang tổ chức xác minh và khi có kết quả sẽ thông tin tới báo chí” [1]. Người viết mong muốn bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tại Hà Nội góp phần giúp Công an sớm vạch mặt, chỉ tên những kẻ đã tổ chức gây rối tại buổi lễ tượng niệm liệt sĩ Gạc Ma vừa qua bằng cách tìm hiểu tên tuổi, nơi cư trú của nhóm người này.

Xin mượn bài viết thay một nén nhang tạ lỗi trước anh linh các liệt sĩ vì hành động vô lễ mà những kẻ thiếu hiểu biết đã gây nên.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍