Tôi lên Facebook thấy các bạn lập rất nhiều hội chống phản động, chống Tàu và chống .. đủ các loại mà các bạn ấy cho rằng có hại cho đất nước. Mỗi người có một cách thể hiện khác nhau nhưng tựu chung lại thì cũng vì tình cảm với quê hương đất nước. Gay cấn nhất là những “trường đoạn” tranh luận giữa các bạn và những thành viên khác có tư tưởng lệch lạc. Những người này có thể là những bạn trẻ còn thiếu hiểu biết về lịch sử và non nớt về chính trị hoặc cũng có thể là những “bạn già” chống phá chế độ nhưng lại đội lốt “giới trẻ” nên thường có cách tranh luận rất chợ búa, bất kể đúng sai. Những “lý luận” của họ đưa ra thì chẳng có gì là mới mẻ, vẫn mấy cái trò xuyên tạc và bôi nhọ từ thuở xa xưa nhưng các bạn còn non nớt “bập” phải thì lại ngỡ như lượm được “bí kíp thất truyền” mà chẳng thèm kiểm chứng trong khi “đám già” thì lại lấy đó làm mồi nhử đi lừa bịp những bạn trẻ. Để chứng minh điều này, tôi xin giới thiệu với các bạn bài viết dưới đây của GS Trần Chung Ngọc, một người thuộc “giới già” nhưng đã từ bỏ “phe chống cộng” và gia nhập “phe sự thật”. Bài viết đã bẻ gãy nhiều luận điệu phổ biến mà “giới già chống cộng” đã “dày công” xả ra cộng đồng để đầu độc “giới trẻ” sau này.

Về vài thắc mắc của “giới trẻ” – Tác giả: Trần Chung Ngọc
Ngày hôm qua, ngày 25 tháng 9 Tây, tôi nhận được từ một người bạn, bài “Đâu Là Sự Thật? Thắc mắc của các sinh viên trẻ đang sống trong lòng VNXHCN” trong đó giới trẻ (??) có nêu vài thắc mắc, nói là nhận được trong hộp thư của anh ta ta, và đề nghị tôi giúp “giới trẻ” biết “đâu là sự thật?”.

Đọc bài này tôi có cảm tưởng đó là bài của “giới già” của chế độ cũ cải lão hoàn đồng, vì những câu hỏi “giới trẻ “ đặt ra là những câu “giới già” chống Cộng đã đặt ra từ lâu, nhưng chẳng có ai buồn trả lời vì không đáng để trả lời trước những câu hỏi chỉ chứng tỏ sự hiểu biết thấp kém của người hỏi. Nay, “giới trẻ” lại nhặt lại những câu hỏi trên và đặt cho các chú, các bác những thắc mắc mà thật ra nếu hiểu biết chút ít về lịch sử thì chẳng có gì phải thắc mắc cả.

Những thắc mắc “giới trẻ” đặt cho, nguyên văn: “các bác, các chú, là những người đã và đang phục vụ cho đảng và nhà nước Việt Nam và những người vẫn khư khư cho rằng chiến tranh Việt Nam là cần thiết để “giải phóng miền Nam” thoát khỏi sự “kìm kẹp của Mỹ, Ngụy” v…v…” vì vậy có người đã lên tiếng thách thức từ lâu: “đố có thằng CS nào dám trả lời những câu hỏi này“.

Tôi không phải là một “thằng CS”, nhưng vì đã nghiên cứu nhiều về cuộc chiến Việt Nam, cho nên tôi nghĩ tôi có thể tạm trả lời những thắc mắc của “giới trẻ”. Xin đừng hiểu lầm là tôi trả lời thay cho “các chú”, “các bác”, mà đây chỉ là làm sáng tỏ vài điều trong lãnh vực học thuật, để giúp cho “giới trẻ” hiểu biết hơn. Với danh nghĩa của một bác, năm nay bác đã quá tuổi “cổ lai hy” 10 năm rồi, bác nghĩ, tuy với sự hiểu biết không phải là toàn trí của Thượng đế, nghĩa là cái gì cũng biết, bác cũng có thể tạm trả lời những thắc mắc của “giới trẻ” sau đây.

۞۞۞

Câu hỏi: Giới trẻ chúng tôi, thành phần lớn lên sau chiến tranh không hiểu biết lý do tại sao đã có cuộc chiến Ðông Dương lần thứ 2 (1954-1975), mà báo chí ngoại quốc thường gọi là chiến tranh Việt Nam (Vietnam War).

Chúng tôi đã được học tập dưới hệ thống nhà trường xã hội chủ nghĩa (XHCN) về lý do tại sao có cuộc chiến tranh Việt Nam qua những cụm từ như “chế độ khát máu Mỹ-Diệm”, ”miền Nam bị Mỹ, Nguỵ kìm kẹp”, “đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào”, “ách thống trị thực dân kiểu mới của Mỹ”, “giải phóng miền Nam” v.v…

Nhưng ngày nay, với sự phổ biến của công nghệ thông tin, chúng tôi đã biết nhiều hơn trước. Về lý do tại sao đã có và do ai gây ra cuộc chiến Việt Nam 1954-1975, hoàn toàn không phải như chúng tôi đã được tuyên truyền trong nhà trường.

TCN: Vấn đề ở đây là “giới trẻ” đọc những thông tin thuộc loại nào, ở đâu, thông tin đó có đáng tin cậy không, và dựa trên những sự kiện lịch sử nào. “Giới trẻ” không nói ra nhưng qua đoạn trên với cụm từ như “chúng tôi đã được tuyên truyền trong nhà trường”, chúng ta cũng biết đó là những thông tin thuộc loại nào. Vấn đề mà giới trẻ nên tìm hiểu là “Chế độ Mỹ-Diệm có khát máu không?”; “Miền Nam có bị Mỹ, Ngụy, kìm kẹp không”; và “Miền Nam có cần phải giải phóng không” và “giải phóng” khỏi cái gì, tại sao lại phải giải phóng?. “Giới trẻ” đã biết nhiều hơn trước về lý do tại sao đã có và do ai gây ra cuộc chiến Việt Nam 1954-1975, nhưng không hề nêu ra những lý do đó để chứng minh là những điều học trong nhà trường (Bolsa, San Jose, Sydney v…v….) “hoàn toàn không phải như chúng tôi đã được tuyên truyền trong nhà trường”, cho nên độc giả không thể biết đó là những lý do nào, có đúng hay không. Sự thực lịch sử đã rõ: Chỉ có một lý do căn bản: đó là cuộc chiến chống xâm lăng, và chế độ Diệm là do Mỹ dựng lên để phá Hiệp Định Geneva, ngăn cản sự thống nhất đất nước của Việt Nam. Chắc “giới trẻ” không tin hoặc không chịu nhận như vậy. Nhưng không tin và không chịu nhận là một chuyện còn sự thật lịch sử ra sao lại là một chuyện khác. Này nhé:

Mỹ hiện diện ở Việt Nam với tư cách gì? Giáo sư Mortimer Cohen đã có một nhận định rất chính xác về những lý do biện minh cho sự can thiệp vào Việt Nam của Mỹ trong cuốn From Prologue To Epilogue In Vietnam, Publisher Retriever Bookshop, N.Y., 1979, trang 208:

Trong 21 năm bị lôi cuốn vào Đông Dương, Chính Phủ Mỹ đã đưa ra những “lý do” về những hành động của mình. Những lý do này vô giá trị. Lý do duy nhất mà Mỹ vào Đông Dương là để ngăn chận vùng này khỏi rơi vào tay Cộng Sản bằng một cuộc bầu cử, một cuộc cách mạng nội bộ… Và đó cũng đủ để gọi là lý do.

Thêm nhiều lý do. Và thêm nhiều lý do nữa. Chúng mọc lên như măng tháng 5. Trước khi chiến tranh Đông Dương chấm dứt, những lý do có thể chứa đầy một cuốn sách. Không lý do nào chính đáng, hợp lý.

Nếu Mỹ không có lý do gì chính đáng hay hợp lý để can thiệp vào chuyện nội bộ Việt Nam thì bản chất sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam là gì? Các trí thức Mỹ đã có câu trả lời. Trước hết là của Daniel Ellsberg, một nhân viên cao cấp trong Tòa Năm Góc (The Pentagon):

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, vậy mà 27 năm sau, Daniel Ellsberg còn viết trong cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, Viking, 2002, p.255:

“Theo tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ”.
(In terms of the UN Charter and our own avowed ideals, it was a war of foreign agression, American aggression.)

Thứ đến là nhận định của hai Giáo sư ở đại học Iowa, John Carlos Rowe và Rick Berg, trong cuốn Chiến Tranh Việt Nam Và Văn Hóa Mỹ (The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New York, 1991), trang 28-29:

Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức dấn thân vào việc phá hoại Hiệp Định Genève năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố, [chế độ Ngô Đình Diệm] cho đến năm 1961, giết có lẽ khoảng 70000 “Việt Cộng”, gây nên phong trào kháng chiến mà từ 1959 được sự ủng hộ của nửa miền Bắc tạm thời chia đôi bởi Hiệp Định Genève mà Mỹ phá ngầm… Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương.

“Giới trẻ” nên biết rằng những nhận định trên không phải là hệ thống nhà trường xã hội chủ nghĩa (XHCN) tuyên truyền cho “giới trẻ”, mà là của chính các viên chức cao cấp trong chính quyền Mỹ và của các bậc khoa bảng trong xã hội Mỹ. Vậy thì nay chắc “giới trẻ” đã biết rõ lý do tại sao có cuộc chiến Việt Nam 1954-1975. Không biết thì phải học. Sự học hỏi để biết sự thật không bao giờ có thể nói là muộn. Vì sự thật sẽ cởi trói những quan niệm sai lầm trong đầu óc của chúng ta. “The truth will set you free”, Chúa Giê-su đã nói như vậy.

Người tự xưng “Giới trẻ”: Tuy nhiên, chúng tôi cũng còn vài thắc mắc rất đơn giản. Kính mong các bác, các chú, là những người đã và đang phục vụ cho đảng và nhà nước Việt Nam và những người vẫn khư khư cho rằng chiến tranh Việt Nam là cần thiết để “giải phóng miền Nam” thoát khỏi sự “kìm kẹp của Mỹ, Ngụy” v…v… giải thích giùm:

Câu hỏi 1: Sau năm 1954, sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hiệp địnhGeneveđã được ký kết ngày 27/10/1954 chấm dứt chiến tranh Ðông Dương lần thứ nhất. Trong thời gian chủ tịch Hồ Chí Minh (HCM) lãnh đạo chính quyền miền Bắc,tại sao 1 triệu người miền Bắc đã phải lên tàu đua nhau bỏ chạy vào miền Nam để cho “Mỹ – Diệm kìm kẹp” mà không ở lại cùng nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và chủ tịch HCM? Số 1 triệu người này có thể còn nhiều lần hơn nếu nhà nước không dùng bạo lực ngăn chặn, không cho họ ra đi! Tại sao, ngoại trừ một số các cán bộ đảng viên cộng sản (CS) tập kết ra Bắc, người dân miền Nam lại không đua nhau chạy ra Bắc theo chế độ CS của chủ tịch HCM, màtuyệt đại đa số cứ nhất quyết ở lại cho “Mỹ – Diệm kìm kẹp”? Theo hiệp định Geneve thì lúc đó mọi người được hoàn toàn tự do lựa chọn đi ra miền Bắc hay ở lại miền Nam cơ mà??

TCN: Câu hỏi của “giới trẻ” không đơn giản nhưng câu trả lời thì rất đơn giản. Người Việt Nam vốn không ai muốn bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng trong cuộc chiến chống Pháp trở lại Việt Nam không phải là không có sự chia rẽ trong đại khối dân tộc, giữa những người yêu nước kháng chiến và những người theo Pháp, hoặc chống Cộng theo lệnh của Giáo hoàng. Trong gần một triệu người di cư vào Nam năm 1954 thì tới 80% là Công giáo. Người Công giáo di cư vì tin vào lời tuyên truyền của Lansdale: “Đức Mẹ đã vào Nam”; “Chúa Giê-su đã vào Nam”.

Các giám mục và linh mục kéo nhau chạy trước thì con chiên phải chạy theo để cho các bề trên còn có người để mà chăn dắt. Hơn nữa, khi đó người Công giáo Việt Nam, từ trên xuống dưới, tuyệt đối tuân theo lệnh của Giáo hoàng: không hợp tác với CS, không đọc sách báo của CS, và phải chống Cộng cho Chúa đến chết, bất kể là Cộng đang lãnh đạo dân chúng kháng chiến chống Pháp, có chết cũng được làm “thánh tử đạo” và được Chúa cho lên thiên đường.

Thành phần di cư còn lại không ít thì nhiều thuộc quân đội Quốc Gia, bác thuộc thành phần này, và gia đình, các thương gia có máu mặt. Còn người dân nghèo thì di cư rất ít. Như trên đã nói, người Việt Nam vốn không ai muốn bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Hơn nữa, người miền Nam tin tưởng rằng đất nước sẽ thống nhất vào 2 năm sau, 1956, theo quy định của Hiệp Định Geneva, nên không có lý do gì phải chạy ra Bắc. Người dân thường chỉ muốn ở đâu ở đó, yên ổn làm ăn, cùng với làng xóm, họ không ngờ rằng Diệm sợ thua trong cuộc Tổng Tuyển Cử và theo lệnh Mỹ, phá hoại Hiệp Định Geneve, không chịu thi hành điều khoản Tổng Tuyển Cử để thống nhất đất nước.

Câu hỏi 2: Tại sao hồi còn chiến tranh Việt Nam (trước 30/4/1975),mỗi khi có giao tranh giữa quân đội miền Nam (VNCH) và bộ đội “giải phóng” thì dân chúng đều chạy về phía có lính miền Nam trú đóng, chứ không chạy về phía bộ đội “giải phóng”?Nếu dân miền Nam bị “Mỹ, Ngụy kìm kẹp”, cần phải được “giải phóng”, thì lẽ ra họ phải hồ hởi mà chạy về phía các “đồng chí bộ đội”, tay bắt mặt mừng và cám ơn “được giải phóng”, chứ sao lại bồng bế nhau mà chạy trối chết để xa lánh các “đồng chí” ấy?Ðua nhau chạy vế phía có lính miền Nam để tiếp tục bị “kìm kẹp”, không lẽ họ ngu đần đến nỗi chỉ thích bị “Mỹ, Ngụy kìm kẹp”chứ không muốn được “giải phóng” à?

TCN: Đây là một câu hỏi rất ngớ ngẩn, chứng tỏ “giới trẻ” chỉ theo luận điệu thiếu trí tuệ của “giới già” chứ chẳng hiểu gì về tình hình đất nước. Dân chúng miền Nam sống trong một số thành thị và làng mạc, được coi là nằm trong vòng kiểm soát của VNCH. Mỗi khi xảy ra cuộc giao tranh ở đâu thì người dân chạy đi bất cứ đâu để tránh bom đạn. Chạy đi đâu khi cuộc giao tranh chưa ngã ngũ, làm sao giữa cuộc giao tranh lại có thể “chạy về phía các “đồng chí bộ đội”, tay bắt mặt mừng và cám ơn “được giải phóng””, hay chạy về phía có lính miền Nam trú đóng??. Quân đội giải phóng đánh trận xong rồi tan biến, vào đâu không biết, nhưng chắc chắn là nếu không có người dân ủng hộ thì không thể nào tồn tại. Quân giải phóng không có căn cứ nhất định. Vậy dù người dân có muốn chạy về phía quân đội giải phóng hay chạy về nơi trú đóng của lính miền Nam cũng không biết chạy về đâu. Phản ứng trước hết là chạy về nơi nào mình cảm thấy có thể an toàn. Câu hỏi trên đặt trên giả định là người dân đều có ý thức và lập trường chính trị vững chắc như “giới trẻ”, biết đâu là biên giới giữa Quốc và Cộng và ngay giữa cuộc giao tranh, lao đầu vào bom đạn, để mà chạy về một phía theo sự chọn lựa của mình, trong khi bản chất của cuộc chiến tranh nhân dân là không có giới tuyến. Thật đúng là “giới trẻ” còn cần phải học hỏi thêm nhiều mới tránh được những câu hỏi ngớ ngẩn, hoàn toàn vô nghĩa.

Câu hỏi 3: Năm 1975, sau khi chiến tranh chấm dứt,“bộ đội giải phóng” chiếm toàn bộ miền Nam, đất nước thống nhất, Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào. Tại sao dân miền Nam lại lũ lượt trốn chạy ra đi, bất chấp nguy hiểm, bão tố, cá mập, hải tặc mà vượt Biển Ðông; bất chấp các bãi mìn, hay bị Khơ-me Ðỏ chặt đầu; để bằng đường bộ băng qua Campuchia sang Thái Lan?

Theo ước tính của các cơ quan truyền thông, thông tin quốc tế thì hơn 1 triệu người đã đi bằng hình thức này (http://archives.cbc.ca/id-1-69-324/ l….ty/boat_ people).

TCN: Có rất nhiều lý do để cho người dân miền Nam bỏ nước ra đi. Những người có mặc cảm tội lỗi với nhân dân thí dụ như cường hào ác bá, hay cậy thế Công giáo hiếp đáp dân chúng, có những hành động có tội với dân chúng như cướp đất, cưỡng bách cải đạo v…v…, sợ trả thù, thì mới phải trốn chạy, còn người dân thường ra đi vì nhiều lý do khác nhau. Trường hợp cá nhân bác, nguyên là một sĩ quan trong quân lực VNCH, tuy đã giải ngũ, nhưng lại đi học ở Mỹ về, cho nên bác tìm đường ra đi vì không muốn đặt cuộc đời trong tương lai của bác vào những ẩn số hậu chiến mà bác biết là không thể nào kiểm soát được. Đợt di cư đầu tiên gồm vài trăm ngàn người cùng gia đình, hầu hết là thành phần mà Mỹ nghĩ rằng có thể nguy hiểm đến tính mạng vì đã hợp tác với chính quyền miền Nam hay Mỹ, nên có chương trình bốc đi di tản. [The Pentagon had been told to plan for the movement of 175,000 South Vietnamese who were in danger of being executed by the Communists for their service to the South Vietnam government or the United States.] Về sau một số người thuộc giai cấp trung lưu ra đi vì không muốn sống dưới chế độ khắc nghiệt của CS với nhiều chính sách sai lầm về xã hội, về giáo dục ở miền Nam sau năm 1975, thí dụ như cải tạo, xét lý lịch vào đại học v..v…, con cháu không có tương lai. Một số lớn ra đi sau 1977 là vì tình trạng kinh tế kiệt quệ của đất nước sau cuộc chiến.

Miền Nam sống nhờ viện trợ Mỹ, vốn là một vựa thóc nhưng dân miền Nam lại phải ăn gạo Mỹ, thật ra là Thái Lan, nhập cảng. Miền Bắc đổ hết cả vào chiến tranh cho nên sau cuộc chiến, CS không có chiếc đũa thần để vực lại nền kinh tế quốc gia ngay lập tức như người dân mong muốn.

Chúng ta đừng quên là Mỹ đã cấm vận Việt Nam suốt 19 năm, Ấn Độ muốn giúp Việt Nam 100 trâu bò để cầy cấy cũng không được, và người Việt chống Cộng hải ngoại yêu cầu Mỹ đừng bỏ cấm vận, để cho người dân chết đói, nổi loạn, do đó chính quyền CS sẽ sụp đổ. Trong hoàn cảnh đất nước như vậy, ý thức sống còn của con người rất mạnh, nên tìm đường ra đi, hi vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hơn nữa những tin tức từ những người tỵ nạn ở nước ngoài lọt về, thường có tính cách khoa trương về xe cộ, nhà cao cửa rộng v…v… cho nên rất quyến rũ đối với những người ở nhà đang sống trong hoàn cảnh vật chất khó khăn của cả nước. Đó là điều dễ hiểu.

Đừng có nói là tất cả những người ra đi đều là để tị nạn chính trị hay tôn giáo. Columbia Encyclopedia nhận định: “Tuy người Việt Nam tiếp tục chạy khỏi Việt Nam cho tới giữa thập niên 1990, những đợt thuyền nhân về sau được coi là thuộc thành phần tỵ nạn kinh tế chứ không phải là tỵ nạn chính trị.” [Although people continued to flee Vietnam into the mid-1990s, nearly all later boat people have been regarded as economic, not political, refugees.]

Chúng ta cũng nên biết rằng, một Hội Nghị ở Geneva vào năm 1989 đã quyết định là những thuyền nhân đến sau ngày 16 tháng 6, 1988, ở Hồng Kông, và 14 tháng 3, 1989, ở các quốc gia Đông Nam Á khác, không tự động được hưởng quy chế tỵ nạn, mà phải xem xem ai là những người thực sự là tỵ nạn “vì có lý do vững chắc sợ bị trấn áp” và ai là những di dân vì kinh tế. [The conference decided that all Vietnamese boat people arriving after a cutoff date – June 16, 1988, in Hong Kong and March 14, 1989, for other Southeast Asian nations – would no longer receive automatic status as refugees, but would be screened to decide who among them were real refugees with a ”well-founded fear of persecution” and who were economic migrants.]

Tình trạng di dân vì kinh tế là một tình trạng xã hội trên thế giới, không riêng gì ở Việt Nam. Nước Mỹ đang phải đối phó với vấn nạn người Mễ xâm nhập Mỹ bất hợp pháp và không có hi vọng giải quyết dù đã xây bức tường cao ngăn cách những con đường xâm nhập của người Mễ ở biên giới, và đã huy động cả một lực lượng hùng hậu để kiểm soát biên giới. Những người Mễ này bất chấp nguy hiểm, đói khát, rắn độc v..v.. để cố tìm cách vào Mỹ, nhiều khi phải bỏ mạng giữa đường. Nhưng có ai quy trách cho chính quyền Mễ đâu. Nước Mễ là nước có thể gọi là toàn tòng Công Giáo dưới sự quan phòng của Chúa, vậy tại sao người dân lại phải bỏ nước bất chấp nguy hiểm. Tôi đã gặp không thiếu người Việt di cư, và với “background” của họ thì tôi không thể nào nghĩ rằng họ sẽ bị CS bạo hành nếu ở lại. Một số nữ giới ở Phi Luật Tân cũng phải đi làm đầy tớ ở nước ngoài, có ai đổ tội đó cho chính quyền Phi Luật Tân đâu.

Câu hỏi 4: Chúng tôi đã được học tập là “Mỹ- Diệm đã ban hành đạo luật 10/59 tố Cộng, diệt Cộng, lê máy chém đi khắp miền Nam”, nào là “bè lũ tay sai quân phiệt ”Nguyễn Văn Thiệu”, nào là “ghi khắc tội ác dã man của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai”… v.v…. Khi học xong, đọc hay nghe những dòng chữ như thế, thì chúng tôi nghĩ, chắc hẳnchế độ ở miền Nam dù với Diệm hay Thiệu thì cũng tàn ác kinh khủng lắm, thế nhưng tại sao lại suốt từ 1954 cho thời điểm ngày “Giải phóng” 30/4/1975 – 20 năm trời, không hề có hiện tượng người dân miền Nam từ bỏ, trốn khỏi miền Nam để xuống tầu đi vượt biên? Thay vì đến khi bộ đội ta từ miền Bắc vào Nam “giải phóng”, lẽ ra phải ở lại mừng vui, thì họ lại kéo nhau ra đi là thế nào?Thế thì có tréo cẳng ngỗng không? Tại sao hàng ngàn dân miền Bắc, nhất là từ Hải Phòng, đã có kinh nghiệm sống dưới sự lãnh đạo của Bác và Ðảng hơn 20 năm, cũng bỏ miền Bắc XHCN, vượt vịnh Bắc Bộ sang Hong Kong mong có cơ hội được sống với thế giới tư bản, chứ nhất định không ở lại miền Bắc XHCN “tươi đẹp, thiên đường”?

TCN: Đây là một câu hỏi rất ngớ ngẩn nếu không muốn nói là ngu. Trong thời gian từ 1954 đến 1975, người dân miền Nam vượt biên với tư cách gì, và nước nào nhận cho làm dân tỵ nạn. Nếu có lọt vào nước nào thì cũng chỉ là với tư cách di dân lậu, bất hợp pháp, và có thể bị cầm tù hoặc trục xuất về nguyên quán. Vì kết cuộc của cuộc chiến mà bản chất là giữa thế giới tự do và thế giới CS cho nên mới có vấn đề một số nước nhận người Việt Quốc gia là dân tỵ nạn CS. Và dần dần làn sóng tỵ nạn trở thành một gánh nặng cho những quốc gia mà các thuyền nhân đổ tới.

Vào giữa thập niên 1980, Á Châu và phần còn lại của thế giới phải chịu gánh nặng mà họ gọi là sự mệt nhọc của lòng từ bi. [But by the mid 1980s, Asia and the rest of the world was suffering from what was dubbed compassion fatigue] . Năm 1996, Liên Hiệp Quốc quyết định ngưng tài trợ cho những trại tỵ nạn trong đó còn khoảng 40000 thuyền nhân, và Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, và Phi Luật Tân đã gửi trả về Việt Nam hầu hết những người tỵ nạn còn lại. [Columbia Encyclopedia: In 1996 the United Nations decided to end the financing of the camps holding the remaining 40,000 boat people, and Hong Kong, Thailand, Indonesia, Malaysia, and the Philippines returned most of the remaining refugees to Vietnam.]

Từ 50 đến 60% thuyền nhân Việt Nam đến Malaysia không được phép nhập nội và bị đẩy ra lại ngoài biển [New York Times, April 17, 1990: As many as 50 to 60 percent of those Vietnamese boat people arriving in Malaysia are now being sent back out to sea, diplomats say.] Nói tóm lại, những đợt thuyền nhân về sau bỏ nước ra đi cũng giống như người Mễ, muốn có một đời sống đầy đủ vật chất hơn. Đó là sự chọn lựa cá nhân chứ hầu hết không có liên hệ gì với chính quyền miền Nam hay với Mỹ mà phải sợ CS truy tố, bạo hành.

Chuyện thuyền nhân là chuyện đã đi vào quá khứ. Chuyện ngày nay mà “giới trẻ” cần tìm hiểu là tại sao lại có rất nhiều người thuộc những lớp thuyền nhân trên lại trở về thăm viếng quê hương đất tổ, mang cả tỷ đô-la về cho chính quyền mà ngày xưa mà họ phải bỏ ra đi bất kể những bất trắc, nguy hiểm, trong khi những người chống Cộng ở hải ngoại thường hô hào không du lịch Việt Nam, không mua hàng Việt Nam v…v…

Về những điều mà “giới trẻ” được học tập như: “Mỹ- Diệm đã ban hành đạo luật 10/59 tố Cộng, diệt Cộng, lê máy chém đi khắp miền Nam”, hay “ghi khắc tội ác dã man của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai” thì “giới trẻ” cũng nên tìm hiểu xem đó là sự thật hay là những điều mà Nhà Nước bịa ra và bắt “giới trẻ” học tập.

Hiện nay tài liệu lịch sử về chính quyền Ngô Đình Diệm đã rõ ràng. “Giới trẻ” có thể đọc trên http://www.sachhiem.net/TCN/TCNls/TCNls06.php, bài “Vài Nét Về Cụ Diệm”, hoặc trên http://www.sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH63_1a.php, bài “Ngô Đình Diệm: Con Người Và Tội Ác” của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang.

Còn chuyện đế quốc Mỹ có tàn ác dã man không thì chính người Mỹ đã viết nhiếu về vấn đề này. “Giới trẻ” có thể đọc http://www.intellnet.org/resources/american_terrorism/Vietnamese victims.html, bài “American Terrorism and Genocide of the Vietnamese People, 1945-1974”. Bài này đã được dịch ra tiếng Việt là CHỦ NGHĨA KHỦNG BỐ VÀ DIỆT CHỦNG DÂN TỘC VIỆT NAM CỦA MỸ 1945 – 1974 và đăng trên http://www.sachhiem.net/TCN/TCNts/TCNts25.php với bản gốc bằng tiếng Anh. Sau đây là vài đoạn ngắn trong đó:

* Những tội phạm chiến tranh thuộc Thủy, Lục, Không quân Hoa Kỳ đã tàn sát 3 triệu người ở Việt Nam, trong rất nhiều nơi như Mỹ Lai. Hầu hết các nạn nhân là đàn bà và trẻ con.

CIA có ngay cả một chương trình khủng bố chính thức của quốc gia Mỹ ở Việt Nam, được biết là “Chiến Dịch Phụng Hoàng” hay “Kế Hoạch Phụng Hoàng”. [Kế hoạch Phụng Hoàng còn được biết dưới tên “Kế Hoạch Ám Sát” (Douglas Valentine, The Phoenix Program, p. 191: “Phoenix was labeled an Assassination Program”).] Qua Kế Hoạch Phụng Hoàng, nhiều trăm ngàn người đã bị tra tấn đến chết trong những “trung tâm thẩm vấn” trên khắp Nam Việt Nam. Những trung tâm tra tấn này được dựng lên bởi Mỹ rõ ràng cho mục đích đó. Phụ nữ luôn luôn bị hãm hiếp như là một phần của tra tấn trước khi bị giết. Khủng bố, hãm hiếp và giết người hàng loạt một cách đại qui mô trên khắp miền quê là chính sách của tập thể Lục Quân, Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Thủy Quân Hoa Kỳ. Cuộc tàn sát ở Mỹ Lai là một chiến dịch trong Kế Hoạch Phụng Hoàng.

Chính sách diệt chủng dân Việt Nam của Mỹ có nguồn gốc từ ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Mỹ đã ủng hộ Pháp trong toan tính lấy lại quyền cai trị đẫm máu của thực dân Pháp ở Đông Nam Á.

* Quá nhiều “con em của chúng ta” đã phạm phải những tội ác cuồng dâm chống nhân loại. Lính Mỹ tra tấn tù binh. Lính Mỹ hiếp người qua đường hậu môn, hãm hiếp và bạo sát đàn bà và con gái. Lính Mỹ tàn sát toàn thể đàn ông, đàn bà, trẻ con trong nhiều làng – kể cả con nít – ở nhiều, nhiều nơi như Mỹ Lai và Thanh Phong.

* John Kerry, Trung Úy Thủy Quân, hiện là Thượng Nghị Sĩ Mỹ và đã là ứng cử viên Tổng Thống trong kỳ bầu Tổng Thống Mỹ vừa qua, đã làm chứng trước Ủy Ban Ngoại Giao của Thượng Viện năm 1971 như sau:

“Tôi muốn nói rằng vài tháng trước ở Detroit chúng tôi có một cuộc điều tra trong đó có 150 quân nhân đã được giải ngũ trong danh dự đã làm chứng cho những tội ác chiến tranh phạm ở Đông Nam Á. Họ nói những câu chuyện của thời đó là chính họ đã hãm hiếp, cắt tai, chặt đầu, kẹp giây điện từ những bộ máy truyền tin vào nhưng cơ quan sinh dục rồi quay điện, chặt chân tay, làm nổ tan xác, bắn chơi vào các thường dân, triệt hạ cả làng theo kiểu của Thành Cát Tư Hãn, bắn trâu bò, chó, làm trò chơi, đầu độc các kho lương thực và hầu như là tàn phá toàn diện miền quê Nam Việt Nam, ngoài sự tàn phá thông thường của chiến tranh và sự tàn phá thông thường và đặc biệt của những cuộc bỏ bom trên đất nước này.”

Như vậy thì bản chất chính quyền Ngô Đình Diệm ra sao, và những tội ác dã man của “đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai..” như thế nào thì “giới già” chúng tôi đã biết, chỉ có “giới trẻ” là không biết đến mà thôi. Vào thời đó, người dân có muốn bỏ ra đi cũng không bỏ được. Bỏ đi đâu, nước nào sẽ nhận như là dân “tỵ nạn Quốc Gia”?? Sở dĩ “giới trẻ” đặt ra những câu hỏi ngớ ngần là vì kiến thức về cuộc chiến Việt Nam còn thiếu sót rất nhiều, nếu không muốn nói là đã bị “giới già” ở hải ngoại, giới chống Cộng cho Chúa, tuyên truyền một chiều bất kể sự thật.

Câu hỏi 5: Năm 2005, sau khi hoà bình đã về trên quê hương được 30 năm, đảng CS đã lãnh đạo đất nước được 30 năm, (chính quyền Sài Gòn chỉ lãnh đạo miền nam có 20 năm thôi, 1954-1975), thì tại sao dân chúng vẫn còn lũ lượt tìm cách rủ nhau ra đi.Trai thì đi lao động cho nước ngoài, rồi tìm cách trốn ở lại, gái thì cắn răng chịu đựng tủi nhục lấy toàn đàn ông (già cả, tàn tật, hết thời, …) của Ðài Loan, Singapore, Ðại Hàn, để có cơ hội thoát khỏi Việt Nam ??? Tại sao du học sinh, thành phần gọi là tương lai của đất nước vẫn luôn tìm mọi cách (ngay cả khi chưa học xong) để ở lại nước ngoài, như lập hôn thú (giả có mà thật cũng có) với người Việt hải ngoại, chứ nhất định không chịu trở về Việt nam???

TCN: Trước đây bác đã nhận định: Khi kỹ nghệ phát triển thì nó sẽ kéo vào những tệ đoan xã hội và đó là điều không thể tránh được. Không tránh được và cũng rất khó kiểm soát, ngăn chận. Với một chính sách khôn ngoan, cương quyết, chính quyền cũng chỉ có thể giảm thiểu được sự nguy hại của những tệ đoan xã hội. Không nước nào là không có những tệ đoan và vấn nạn xã hội, nhưng không có ai đổ tội cho chính quyền. Chỉ có những người chống Cộng thiếu trí tuệ mới đổ tất cả những tệ đoan xã hội lên đầu CS, không biết rằng kiểu chống Cộng như vậy là kiểu chống rẻ tiền.

Trong thời VNCH ở miền Nam, không phải là không có những du học sinh và cả sĩ quan cao cấp trong quân đội được chính quyền cho đi du học ở ngoại quốc nhưng không chịu về nước, tìm cách ở lại. Hơn nữa, vào thời đó đâu có phải ai muốn xuất ngoại cũng được. Không thể lấy chồng ngoại quốc được vì có đâu mà lấy, nên vì hoàn cảnh phải đi làm gái điếm v…v… Thời nửa triệu quân đội Mỹ hiện diện trên đất nước, số gái điếm là bao nhiêu và người ngoại quốc đã gọi thành phố Saigon như thế nào, chắc “giới trẻ” không hề biết, hoặc có biết cũng há miệng mắc quai. Nhưng ai cũng biết vì đồng đô-la và vì thao túng quyền hành nên trong dân gian đã có câu truyền tụng rộng rãi: [Nhất đĩ, nhị Cha…], gái điếm đã leo lên tột đỉnh của nấc thang xã hội.. Chúng ta hãy lấy thí dụ về nước Mỹ. Sau đây là một số thống kê của chính nước Mỹ.

– Thống kê năm 2000: 14 triệu người tuổi từ 12 trở lên dùng ma túy (6.3% dân số).

– Năm 2001: 15.980 vụ giết người, 90.491 vụ hiếp dâm. Cứ 2 phút lại có một người bị hiếp (tài liệu của bộ Tư Pháp)

– Trên 1 triệu gái mãi dâm hành nghề trên đường phố, nhà tắm hơi (sauna), phòng tẩm quất (massage parlor) và qua điện thoại, trong đó có 300.000 vị thành niên. Thành phố New York tốn $43 triệu mỗi năm để kiểm soát các vấn đề liên quan đến mãi dâm. Mới gần đây đài ABC phanh phui ra vụ các tên ma cô đi đến các trung tâm thương mại (shopping mall) tuyển mộ gái mãi dâm từ lớp tuổi 12.

– 4.000 vụ phá thai mỗi ngày. Năm 1999 có 1.365.730 vụ phá thai.

– 14.000.000 người nghiện rượu.

– Có 2.200.000 tù nhân Mỹ đang ngồi tù. Cả thế giới có 9.000.000 người đang ngồi tù, Mỹ chiếm 22% trong khi tỷ lệ dân số của Mỹ trên thế giới chỉ có 5%.

– Ở Trung Quốc thì cứ trong 100.000 người có 111 người ngồi tù, ở Mỹ là 686 người, gấp hơn 6 lần trong khi dân số Mỹ chỉ bằng 24% dân số Trung Quốc.

– 50% các cặp vợ chồng do Chúa kết hợp đi đến ly dị.

– Từ 4% đến 10% dân chúng đồng tính luyến ái. Tỷ lệ “gay” trong giới linh mục gấp 4 lần tỷ lệ ở ngoài dân gian.

– Trên 5000 linh mục Công Giáo bị truy tố về tội cưỡng dâm trẻ em phụ tế và nữ tín đồ.

Nhưng đâu có thấy ai nói là chế độ tư bản, tự do đã tạo ra những tệ đoan như vậy hay là chính quyền Mỹ đã lãnh đạo nhân dân cả mấy trăm năm mà để xẩy ra như vậy.

Câu hỏi 6: Những năm gần nay, những người Việt trước nay đã trốn đi vượt biên, chạy theo để “bám gót đế quốc”, là “rác rưởi trôi dạt về bên kia bờ đại dương”, là “thành phần phản động”, là “những kẻ ăn bơ thừa, sữa cặn” như nhà nước Việt Nam vẫn từng đã nói. Nay được chào đón hoan nghênh trở về Việt Nam làm ăn sinh sống và được gọi là “Việt kiều yêu nước”, “khúc ruột ngàn dặm”? Có đúng họ “yêu nước” không? Tại sao họ không dám từ bỏ hoàn toàn quốc tịch Mỹ, Pháp, Canada, Úc, xé bỏ hộ chiếu nước ngoài và xin nhập lại quốc tịch Việt Nam và vĩnh viễn làm công dân nước Cộng Hoà XHCN Việt Nam???

TCN: Đúng là “giới trẻ” cần phải học hỏi nhiều về cách đặt vấn đề. Nhưng không trách được vì cách đặt vấn đề phản ánh trình độ hiểu biết của người đặt. Trước hết, một người yêu nước thì ở đâu cũng có thể yêu nước qua những hoạt động giúp nước của họ, không nhất thiết cứ phải từ bỏ quốc tịch khác hay xé hộ chiếu để về sống nơi quê nhà.. Những người sống trên đất nước của mình không nhất thiết là những người yêu nước mà rất có thể là Việt gian. Không cần phải từ bỏ quốc tịch khác nhưng vẫn có thể góp phần xây dựng đất nước thay vì tìm cách phá hoại đất nước.

Trên http://giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=3153 có một bài của Nhật Anh, viết theo tờ Wall Street Journal, về chủ đề: Việt kiều đổ về nước làm ăn, đăng ngày 18/12/2008. Sau đây là vài đoạn trong bài viết này:

Việt Kiều Đổ Về Nước Làm Ăn [Nhật Anh viết theo Wall Street Journal]: Việt Kiều và những ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của Việt Nam.

Xu hướng Việt kiều quay về sinh sống và đầu tư kinh tế ở Việt Nam đã bắt đầu từ những năm 1990. Với bộ luật năm 1994 quy định về chính sách nhập cư và khuyến khích người Việt Nam sống ở nước ngoài về đầu tư tại quê hương đã lôi cuốn rất nhiều Việt kiều về nước làm việc và sinh sống, đặc biệt là những người có năng lực làm việc, có thể cống hiến cho tương lai đất nước.

Dù là những người chủ các quán rượu, các câu lạc bộ đêm các phòng trưng bày nghệ thuật, các cửa hàng thời trang, các công ty kiến trúc hay các xưởng phim,… thì tất cả họ đều mang một phong cách làm việc mới, một tiêu chuẩn quốc tế và một sự pha trộn văn hóa vào Việt Nam để giúp Việt Nam ngày càng hiện đại hơn.

“Việt Kiều đã mang lại những ảnh hưởng to lớn tới hầu hết các lĩnh vực trong đời sống ở Việt Nam” kể từ năm 1986, khi đất nước bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới, và mở cửa nền kinh tế, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, ông MarkSidel, một giáo sư luật học tại trường Đại Học Iowa nói.

Bên cạnh việc đầu tư vào kinh tế, giáo sư Sidel cũng nói thêm rằng Việt kiều đã đem lại những ý tưởng mới và hàng loạt những kĩ năng chuyên nghiệp vào Việt Nam, đó chính là chìa khóa để đổi mới và xây dựng quốc gia.

“Việt Nam vẫn phải thận trọng với một số ít Việt Kiều thuộc các nhóm phản động ở nước ngoài về Việt Nam với mục đích chống phá chính phủ, để thiết lập nền chính trị của họ ở Việt Nam”, giáo sư MarkSidel nhấn mạnh. Nhưng hầu hết Việt Kiều trở về nước đều không quan tâm đến chính trị, và “họ được chào đón ở tất cả mọi lĩnh vực của đời sống”.

Có Việt Kiều ở ngoại quốc, lấy việc về làm ở Việt Nam [outsource] vừa rẻ, vừa giúp cho một số người Việt có công ăn việc làm, và rất thành công. Chúng ta thấy trong khi giới trẻ Việt kiều có nhiều người tha thiết với sự đóng góp để phát triển quốc gia thì một số người vẫn đi buôn thù hận và nhắm mắt nhắm mũi chống Cộng một cách rất cuồng tín.

Sau bao năm năng nổ vận động như: ngăn cản bỏ cấm vận, cản trở việc thông qua quy chế PNTR cho Việt Nam, cản trở Việt Nam gia nhập WTO, van xin ông Bush lợi dụng dịp APEC để ép Việt Nam về nhân quyền, khoa trương mấy cái nghị quyết ấm ớ của hạ viện Mỹ, của quốc hội Âu Châu v…v… với mục đích để “Đen về thay thế Đỏ” mà không mang lại một kết quả nhỏ nhoi nào. Hàng năm vẫn có nhiều trăm ngàn “Việt Kiều” về thăm quê hương đất tổ, và không chỉ về có một lần, vẫn gửi cả mấy tỷ bạc về Việt Nam, vẫn mua hàng của Việt Nam. Hàng năm, đến Tết, vẫn có cả trăm ngàn “Việt kiều” về quê ăn Tết. Đối với những người đã về thăm quê hương thì họ thấy rõ sự thực về Việt Nam hơn ai hết, cho nên tất cả những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt v..v.. về Việt Nam ở hải ngoại chẳng còn một giá trị nào, chỉ có thể lừa bịp được những kẻ ngu ngơ ngốc nghếch

Ba năm sau ban hành Nghị Quyết 36 chúng ta có thể đọc được bản tin ngày 04/10/2007 những đoạn như sau:

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực về tư duy và hành động, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định.

Số Việt kiều về thăm quê hương, tìm hiểu điều kiện đầu tư ngày càng tăng, từ 300.000 người năm 2003 lên hơn nửa triệu người trong năm 2006. Tính đến hết năm 2006, có 2.050 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước, với số vốn là 14.500 tỷ đồng. Lượng kiều hối bà con gửi về nước năm sau cao hơn năm trước, từ 2,7 tỉ USD năm 2003 lên 4,8 tỉ USD năm 2006.

Hàng năm có hàng trăm lượt chuyên gia trí thức về nước nghiên cứu, giảng dạy, hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu; nhiều hội, đoàn và các tổ chức nghề nghiệp của người Việt, đặc biệt là ở các nước phát triển đã thực hiện các hoạt động, các dự án hợp tác khoa học, công nghệ và các hoạt động mang tính nhân đạo trợ giúp đồng bào trong nước.

Vậy họ có yêu nước không? Câu trả lời nằm trong câu hỏi. Đừng có lẫn lộn yêu nước với yêu CS.

Câu hỏi 7: Trong bộ môn lịch sử chương trình lớp 12, chúng tôi được giảng dạy rằng, “Mặt trận Giải phóng Miền Nam” thành lập ngày 20/12/1960 với mục tiêu “đấu tranh chống quân xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Theo như chúng tôi tìm hiểu, năm 1961 khi Ngô Ðình Diệm ký Hiệp ước quân sự với Mỹ, thì miền Nam lúc ấy chỉ có các cố vấn Mỹ và một ít quân mang tính yểm trợ (US Support Troopes) với nhiệm vụ chính là xây dựng phi trường, cầu cống, đường xá… Mỹ chỉ bắt đầu đưa lính vào miền Nam từ năm 1965, sau khi lật đổ và giết Ngô Ðình Diệm do Diệm tiêu diệt Phật Giáo và bắt tay với Cộng Sản. Quân Mỹ thực sự đổ quân vào miền Nam sau sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964. Vậy thì vào thời điểm 20/12/1960, làm gì có bóng dáng lính Mỹ nào ở Miền Nam, làm gì đã có ai xâm lược mà chống?? Các bác, các chú chống ai, chống cái gì vào năm 1960???

TCN: Những lý luận và câu hỏi ở trên của “giới trẻ” chứng tỏ trình độ hiểu biết của “giới trẻ” rất thấp, không chịu nghiên cứu, cho nên vẫn nêu những thắc mắc về những vấn đề mà lịch sử đã viết rõ. Sau đây là một bài học ngắn về lịch sử cho “giới trẻ”. Trước hết là chẳng làm gì có sự kiện vịnh Bắc Việt, tất cả đều do Mỹ ngụy tạo để có cớ oanh tạc miền Bắc. Đây là một sự thật lịch sử mà chính Mỹ cũng không thể phủ nhận.

Vậy từ đâu mà có Mặt Trận Giải Phóng, và MTGP được thành lập để làm gì. Tài liệu Ngũ Giác Đài đã viết rõ. Chúng ta có thể đọc trong The Pentagon Papers, Gravel Edition, Volume 1, Chapter 5, “Origins of the Insurgency in South Vietnam, 1954-1960” (Boston: Beacon Press, 1971), Mục G. THE VIET CONG; 1. Diem and Communists, vài đoạn như sau:

Ngô Đình Diệm nắm quyền trong một quốc gia mà dù tất cả những hứa hẹn trên đầu môi chót lưỡi là cho tự do cá nhân và theo kiểu chính phủ Mỹ, vẫn chỉ là một chế độ độc đảng, một tập đoàn đầu sỏ chính trị gia đình trị trong đó không có sự thực thi dân chủ cũng như những điều kiện tiên quyết để cho dân chủ. Ngày 11 tháng 1, 1956, trong sắc lệnh CPVN số 6, Tổng thống Diệm ban bố những biện pháp rộng rãi của chính phủ nhằm “bảo vệ quốc gia và trật tự công cộng”, gồm quyền bắt giam “những cá nhân bị coi là nguy hiểm cho quốc gia” hoặc cho “quốc phòng và an ninh chung” trong những trung tâm cải tạo. Một tháng sau ngày Hiệp Định Geneva quy định toàn dân bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 21 tháng 8, 1956, chính phủ VN tuyên bố sắc lệnh số 47, định nghĩa sự vi phạm luật có thể bị xử tử hình bất cứ hành động nào của ai hỗ trợ cho bất cứ tổ chức nào bị chỉ định là Cộng sản. Hơn nữa, chính phủ VN bắt buộc phải dùng bạo lực để củng cố quyền lực trong vùng thôn quê.

Một bài trong tờ Foreign Affairs vào tháng 1, 1957, một phân tích gia Mỹ đã viết rõ như sau:

Nam Việt Nam nay là một quốc gia-cảnh sát tùy tiện bắt giữ và cầm tù, kiểm duyệt báo chí chặt chẽ và không có một lực lượng chống đối chính trị hữu hiệu… Tất cả những kỹ thuật về chiến tranh chính trị và tâm lý cũng như là các chiến dịch bình định bởi những cuộc hành quân quân sự rộng lớn là dùng để chống những đối lập ngầm.

Trong cuốn Chiến Tranh Việt Nam Và Văn Hóa Mỹ (The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New York, 1991), John Carlos Rowe and Rick Berg, hai giáo sư ở đại học Iowa viết, trang 28:

Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức hiến thân vào việc phá hoại Hiệp Định Genève năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố, cho đến năm 1961, giết có lẽ khoảng 70000 “Việt Cộng”, gây nên phong trào kháng chiến mà từ 1959 được sự ủng hộ của nửa miền Bắc tạm thời chia đôi bởi Hiệp Định Genève mà Mỹ phá ngầm. Trong những năm 1961-62, Tổng thống Kennedy phát động cuộc tấn công thẳng vào vùng quê Nam Việt Nam với những cuộc thả bom trải rộng, thuốc khai quang trong một chương trình được thiết kế để lùa hàng triệu người dân vào những trại (ấp chiến lược?) nơi đây họ được bảo vệ bởi những lính gác, giây thép gai, khỏi quân du kích mà Mỹ thừa nhận rằng được dân ủng hộ.

Chúng ta nên nhớ là chính quyền Diệm do Mỹ dựng lên chứ người dân Việt Nam chẳng mấy người biết Diệm là ai, có thành tích yêu nước gì. Và từ chính sách cai trị gia đình trị, tôn giáo trị, cùng săn lùng kháng chiến vì sự cuồng tín của một người Công giáo tự nhận là một phán quan Tây Ban Nha săn lùng lạc đạo, người dân sống trong vòng sợ hãi vô pháp luật, trong sự kỳ thị, thao túng của chính quyền Công giáo, nên Mặt Trận Giải Phóng ra đời, chống chính quyền Ngô Đình Diệm, đồng thời chống chủ của Diệm là Mỹ.

Chúng ta cũng không nên quên là ông Diệm đã bị ám sát hụt tại Ban Mê Thuột ngay từ năm 1957, ngày 21 tháng 5. Rồi đến cuộc đảo chánh thất bại của lực lượng nhảy dù của Đại Tá Nguyễn Chánh Thi ngày 11 tháng 11, 1960, vụ dội bom dinh độc lập của 2 sĩ quan VNCH ngày 27 tháng 2, 1962.

Vậy hi vọng nay “giới trẻ” đã hiểu các chú các bác chống cái gì? Các chú các bác đây nên hiểu là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Một lời khuyên: Trước khi tham gia những diễn đàn bàn về chính trị và hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ ở Việt Nam, các cháu nên chịu khó nghiên cứu các vấn đề cho cẩn thận. Tất cả những tài liệu mà bác trích dẫn đều là của những bậc khoa bảng trong phe Quốc Gia, để đối với phe CS, và trong thế giới tự do viết, tuyệt đối không có một tài liệu nào của CS cả.

Ngày xưa bác ở phe chống Cộng, chiến tranh chấm dứt, sau khi tìm hiểu lịch sử, bác đã đăng ký vào phe của sự thật, sự thật lịch sử dựa trên những tài liệu khả tín của những tác giả trí thức ngoại quốc không liên hệ đến sự đối nghịch ý thức hệ Quốc-Cộng.. Bài của các cháu chẳng phải là nêu những thắc mắc của “giới trẻ’ mà thực ra chỉ là những luận điệu chống Cộng cũ kỹ của “giới già” trên một số diễn đàn hải ngoại mà bác đã đọc nhiều và chẳng buồn phê bình làm chi.

Nếu các cháu có thắc mắc gì thêm mà thuộc lãnh vực nghiên cứu và hiểu biết của bác thì bác sẽ sẵn sàng giảng giải cho các cháu. Bác xin nhắc lại là bác không có bộ kiến thức thuộc loại toàn trí, nghĩa là cái gì cũng biết, của Thượng đế. Vậy bác chỉ có thể trả lời những gì bác biết mà thôi. Chúc các cháu ngoan ngoãn, học giỏi, sử dụng thêm khả năng trí óc để mà giúp nước.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍