Rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam đều thừa nhận: Nhân dân Việt Nam đang được hưởng thành quả của sự nghiệp giải phóng dân tộc, được sống trong độc lập, tự do, cơm no, áo ấm. Đối với quan niệm của nhân dân Việt Nam thì đó là quyền con người cơ bản nhất. Một thực tế không thể phủ nhận là ngày nay, công dân Việt Nam được tự do phát biểu chính kiến của mình về mọi vấn đề. Sự đồng thuận trong xã hội đạt được là kết quả của những tranh luận dân chủ rộng rãi. Người dân Việt Nam tin tưởng vào sự đúng đắn và hiệu quả của nền dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thiết nghĩ, những nỗ lực của Việt Nam có thể xem là thành quả đối với những người có thiện chí, thật sự mong muốn Việt Nam thịnh vượng, người dân được hưởng các quyền con người một cách thiết thực.

Nhưng điều đó sẽ không bao giờ thỏa mãn đối với những cá nhân, tổ chức luôn mang sẵn định kiến đối với Chính phủ Việt Nam. Họ hy vọng dùng áp lực chính trị, kinh tế và các thủ đoạn khác hòng xóa bỏ chế độ xã hội hiện hữu, đưa Việt Nam sang con đường khác. Cần phải nhận thức rằng dân chủ và nhân quyền mà họ muốn áp đặt vào Việt Nam hòng thay thế cho thể chế dân chủ do cách mạng Việt Nam tạo nên sau gần ba phần tư thế kỷ đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một hành động can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền và là thành viên của LHQ, một quốc gia đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, hành động của họ thật phiến diện, lố bịch và đáng bị lên án mạnh mẽ.

Về những “cái loa cổ vũ dân chủ thuê”

Điển hình là vụ việc Chủ tịch Trung tâm Công lý và Nhân quyền Robert F. Kennedy (RFK Center) gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bức thư đề ngày 13-6-2013 của bà Kerry Kennedy, cháu gái cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, bày tỏ “quan ngại” về tình trạng của “nhà hoạt động dân chủ” Lê Quốc Quân đang bị giam giữ và chờ ngày ra tòa về tội gian lận thuế. Tiếp đó, Giám đốc Quỹ quốc gia vì dân chủ Mỹ (NED) Carl Gershman cũng gửi thư cho Thủ tướng Việt Nam, sau đó cao ngạo trao đổi với VOA Việt ngữ rằng: “Chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp rằng chúng tôi hết sức đề cao tầm quan trọng của quyền tự do bày tỏ quan điểm. Nếu một nhân vật như luật sư Lê Quốc Quân bị bắt vì đã thực thi điều mà chúng tôi hiểu là quyền của công dân được bảo đảm trong Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền thì Việt Nam sẽ cảm nhận những hậu quả từ Hoa Kỳ…”. Góp mặt trong dàn “đồng ca” vu khống, bóp méo tình hình nhân quyền của Việt Nam, hô hào, kéo bè, kéo cánh đòi trao “giải thưởng” nhân quyền Robert F. Kennedy cho Lê Quốc Quân còn có Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW).

Vậy “Giải thưởng Nhân quyền Robert Fank Kennedy” là gì đối với Lê Quốc Quân mà NED, HRW phải nhọc công như vậy? Đây là giải thưởng hàng năm do “Quỹ tưởng niệm Robert F. Kennedy” lập ra năm 1984 dành cho những người “đấu tranh cho nhân quyền” trên khắp thế giới. Ngoài khoản tiền thưởng 30.000 USD Mỹ, những người đoạt giải còn nhận được sự hỗ trợ pháp lý và kỹ thuật trong đấu tranh cho nhân quyền của “Trung tâm Công lý & Nhân quyền Robert F Kennedy”. Năm 1995 họ đã từng trao giải này cho hai kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam đó là Đoàn Viết Hoạt và Nguyễn Đan Quế.

Lật lại nguồn gốc các tổ chức “nhiệt tình” với Lê Quốc Quân chúng ta sẽ hiểu ngay vấn đề. HRW được thành lập năm 1978, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, dưới cái tên Helsinki Watch. Năm 1988, Helsinki Watch hợp nhất với các tổ chức phi chính phủ khác ở Mỹ cùng chung mục đích trở thành tổ chức Human Rights Watch, đặt trụ sở tại New York (Hoa Kỳ). Tổ chức này ban đầu có chức năng “giám sát”, “thu thập các tư liệu” về tình hình vi phạm nhân quyền ở Liên Xô và giúp đỡ “các nhóm bảo vệ nhân quyền trong Liên bang Xô viết”. Ngày nay HRW tự cho mình cái quyền theo dõi nhân quyền ở các nước trên toàn thế giới và hằng năm ra báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới. Những báo cáo này thường tập trung vào việc xuyên tạc, bôi nhọ các nước XHCN.

Còn NED là cơ quan do Tổng thống Ronald Reagan thành lập năm 1983. Ngân sách của NED do Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp. Để hình thành một cơ quan cổ vũ dân chủ trên khắp thế giới, NED có chương trình học bổng nghiên cứu sinh mang tên là “Reagan-Fascell”. Trong suốt lịch sử hoạt động, NED đã nhận nhiều nghiên cứu sinh đến từ các quốc gia vừa mới chuyển tiếp sang thể chế dân chủ như Ba Lan, Ukraine hoặc các nước như Singapore, Iran và Venezuela… Với đủ mánh khóe khác nhau, NED đã xía vào những vấn đề nội bộ của các quốc gia khác bằng cách tài trợ, cung cấp kiến thức kỹ thuật, huấn luyện, tài liệu học tập, máy điện toán, máy fax, máy sao tài liệu, phương tiện đi lại… cho những nhóm chính trị được tuyển chọn, những tổ chức dân sự, nghiệp đoàn lao động, phong trào đối kháng, nhóm sinh viên, nhà xuất bản và phương tiện truyền thông khác.

Allen Weinstein, người soạn thảo quy chế thành lập NED, năm 1991 đã nói thẳng rằng: “Rất nhiều những việc chúng tôi làm ngày nay đã được CIA làm lén lút 25 năm trước”. Như vậy, có thể thấy NED được tạo ra dưới danh nghĩa của một “tổ chức tư nhân” để giải quyết những công việc của CIA. Trên thực tế, những hoạt động của NED không khác những hoạt động ngầm, lén lút của CIA, nhưng được công khai ngụy trang đằng sau mỹ từ “tranh đấu cho dân chủ”. NED đã dính líu vào chính trị, bầu cử ở nhiều quốc gia trên thế giới. NED cũng đã có những sách lược dùng tiền nuôi các tổ chức tay sai trên khắp thế giới và huấn luyện các tay sai về phương thức hoạt động, kỹ thuật… nhằm khuynh đảo những chính quyền không nằm trong đường lối, ảnh hưởng của Mỹ. Trong “Con Ngựa Thành Troie: NED”, William Blum viết: “NED là một tổ chức thường hoạt động đối ngược hẳn lại cái tên của tổ chức đó hàm chứa” là: “ủng hộ những cơ chế dân chủ trên thế giới qua những nỗ lực tư nhân, không thuộc chính phủ”. Hầu như từng xu một của NED là từ chính phủ liên bang như đã được kê rõ trong những bản kê khai tài chính của mỗi bản phúc trình hàng năm của NED.

Lê Quốc Quân trong cái vỏ bọc “tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền”

Lê Quốc Quân sinh năm 1971, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam, nhà ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tháng 9-2006, Lê Quốc Quân sang Washington, D.C (Hoa Kỳ) dự chương trình học bổng nghiên cứu sinh “Reagan-Fascell” của NED và là người đầu tiên từ Việt Nam được nhận vào chương trình Reagan-Fascell của NED. Điều đó chẳng phải vì Quân giỏi giang gì mà vì NED đã nhìn thấy khả năng “tiềm tàng” của Quân, là “hạt giống” cho kế hoạch của tổ chức này tại Việt Nam. Được xem là “có học”, với bằng cử nhân ngoại ngữ và thạc sỹ luật, nhưng lâu nay, Lê Quốc Quân thông qua blog cá nhân, thường xuyên có những bài viết, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin sai sự thật cho các trang tin, báo đài nước ngoài để nói xấu chế độ, xuyên tạc chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và kích động người dân. Chỉ trong tháng 5 và 6-2012, trên blog của mình, Lê Quốc Quân đã viết và đăng tải rất nhiều bài xuyên tạc, bôi nhọ chế độ. Là người hiểu biết về pháp luật, nhưng Lê Quốc Quân đã liên tục vi phạm pháp luật Việt Nam, là một nhân vật thường xuyên xuất hiện tại các đám đông gây rối trật tự công cộng với vai trò kích động, lôi kéo. Lê Quốc Quân còn trực tiếp “xuống đường”, gây rối trật tự công cộng. Năm 2008, Lê Quốc Quân tham gia tụ tập đông người, kích động gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ tại 42 Nhà Chung, Hoàn Kiếm và 178 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội. Tháng 4-2011, Quân gây rối trật tự công cộng bên ngoài phiên tòa xét xử vụ án Cù Huy Hà Vũ, bị Công an Quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo. Tháng 11-2011, Quân tiếp tục tham gia tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ. Công an Quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo. Căn cứ Nghị định 163/NĐ-CP và hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Công an Quận Hoàn Kiếm trong năm 2011 đối với Lê Quốc Quân về hành vi gây rối trật tự công cộng, ngày 13-01-2012, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã ra Quyết định số 16/QĐUB đưa Lê Quốc Quân vào giáo dục tại xã, phường trong thời hạn 6 tháng để chính quyền và nhân dân giáo dục, giúp đỡ Quân tiến bộ. 20h ngày 20-01-2012, UBND phường Yên Hòa tổ chức họp tổ dân phố để công bố quyết định trên, nhưng Lê Quốc Quân vắng mặt, mặc dù đã được thông báo về cuộc họp. Đáng chú ý, trong thời hạn áp dụng quyết định giáo dục tại phường, Lê Quốc Quân tiếp tục có các vi phạm như: Không thực hiện trách nhiệm của người được giáo dục, hàng tháng không làm bản kiểm điểm, không báo cáo bằng văn bản với người được phân công trực tiếp giúp đỡ về sự tiến bộ của mình; hai lần đi khỏi nơi cư trú nhưng không khai báo tạm vắng, vi phạm Luật Cư trú đối với người đang thuộc diện quản lý, giáo dục tại xã, phường.

Ngày 27-12-2012, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an Thành phố Hà Nội đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Quốc Quân, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam vì có hành vi phạm tội trốn thuế được quy định tại Điều 161 Bộ Luật Hình sự. Kết quả điều tra bước đầu xác định: Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam có trụ sở làm việc tại tầng 5, nhà A9, D2, phố Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, do Lê Quốc Quân làm Giám đốc được thành lập từ năm 2001, từ đó đến nay đã 13 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lần cuối cùng vào ngày 5-6-2012 với ngành nghề kinh doanh: Cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ, xử lý dữ liệu, dịch vụ nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường. Lợi dụng pháp nhân trên, Lê Quốc Quân trực tiếp và chỉ đạo nhân viên dưới quyền tìm một số cán bộ, chuyên gia kinh tế để lấy thông tin cá nhân làm các hợp đồng thuê chuyên gia tư vấn, cộng tác viên khống với mục đích để hợp thức việc tăng chi phí của công ty, sau đó làm thủ tục kê khai với cơ quan thuế nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Bằng thủ đoạn trên, trong hai năm 2010 và 2011, Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam đã lập và ký hợp đồng với 9 chuyên gia tư vấn nhằm tăng chi phí và giảm thu nhập cho Công ty với số tiền là 1,75 tỷ đồng, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 437 triệu đồng.

Động cơ, hành vi của Lê Quốc Quân đã vi phạm Điều 161, Bộ luật Hình sự. Điều 161 quy định: Người nào trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng… thì bị coi là phạm tội trốn thuế và bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm; trốn thuế với số tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Người trốn thuế với số tiền từ 600 triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Đối với những người đang tự trao cho mình sứ mệnh vạch chương trình nghị sự cho cả thế giới, thì dân chủ, nhân quyền không chỉ là những chủ trương có tính nhất thời, mà là một quốc sách lâu dài. Nó không chỉ là một mắt xích trong một chiến lược, mà bản thân nó là một chiến lược để áp đặt các giá trị Mỹ, giá trị phương Tây cho toàn thể nhân loại. Mỹ và một số nước phương Tây mặc nhiên coi những giá trị dân chủ, nhân quyền của mình là giá trị chung của nhân loại. Hễ ở đâu, quốc gia nào làm điều gì trái với ý họ là họ lên giọng phán xét ngay đó là “sự vi phạm dân chủ, nhân quyền”. Trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, dân chủ, nhân quyền đang là một vấn đề cần giải quyết, nhưng đó không phải là một trở ngại không thể vượt qua. Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân. Những tổ chức, cá nhân nhân danh bảo vệ “nhân quyền”, mang sẵn thiên kiến với Việt Nam cổ xúy cho hành vi trốn thuế vi phạm pháp luật núp dưới vỏ bọc “đấu tranh cho nhân quyền” của Lê Quốc Quân là không thể chấp nhận được. Đó là sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam, ẩn chứa những toan tính chính trị.

(Bài viết của tác giả AMARI TX đăng tải trên tạp chí nhân quyền Việt Nam tháng 8-2013)

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍