Trong kho tàng truyện cổ tích Trung Hoa thường có các con vật sống lâu quá thành “tinh” tức là có khả năng biến thành người. Con vật ấy thường là con hồ ly. Nhưng chỉ là đội lốt người thôi, còn bản tính nó vẫn là con cáo quỷ quyệt độc ác. Song nó chỉ lừa người được một lúc nào rồi cái đuôi cáo lòi dần ra bị người lật tẩy phải cúp đuôi chạy trốn.


Hàng ngàn năm mối quan hệ Việt – Trung gần đấy mà xa đấy, ấm lạnh mơ hồ, na ná câu chuyện “liêu trai”. Giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc lúc nào cũng tỏ ra hữu hảo nơi đầu môi chót lưỡi: “Việt Nam-Trung Hoa núi liền núi sông liền sông, chung một biển Đông mối tình hữu nghị…”. Chính vì mối tình hữu nghị “núi liền núi sông liền sông” ấy mà cương thổ của người Lạc Việt khởi thủy từ châu thổ sông Hoàng Hà cứ bị đẩy lùi đến nay chỉ còn toen hoẻn một giải đất mỏng manh cong cong giống bàn chân người Giao Chỉ! Đến lúc “chung một biển Đông” thì họ lè ra cái “đường lưỡi bò” sắc lẻm liếm lẹm toàn bộ hải đảo gần xa tới ven bờ cát trắng. Biển mênh mông đấy mà họ “khoán cho” người Việt chỉ còn được khoảnh nước không hơn gì cái “đầm” cái “phá”! Người Hán chẳng cần giấu dã tâm bành trướng: “Dầu mất hàng ngàn năm để đồng hóa giống nòi Lạc Việt thì người Trung Quốc vẫn kiên trì”. Với tâm địa ấy họ không thiếu gì mưu sâu mẹo độc lúc chiến lúc hòa, lúc ngọt lúc sẵng, nụ cười hữu hảo chưa tắt đã thay bằng những lời hăm dọa, nụ hôn huynh đệ chưa rời miệng đã đầy máu phun người, cùng với cái vỗ lưng êm ái là lưỡi dao oan nghiệt xuyên thấu tâm can… Nhìn chung mối quan hệ ấy thiện ít ác nhiều. Đó là bài học từ tổ tiên xa xưa người Việt mình đã truyền đời căn dặn cháu con.

Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, Cụ Hồ ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 chấp nhận cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc thay thế cho 200.000 quân Tàu Tưởng rút về nước để phá thế gọng kìm và nội công ngoại kích. Đến như cố vấn tối cao Vĩnh Thụy cũng nghi ngờ nói với Võ Nguyên Giáp: “Tôi đã nhận độc lập từ tay Nhật. Tôi đã thoái vị nhường quyền cho Việt Minh. Nay các ông gài sồ lùi ư?”! Trước các vị nhân sỹ trong Quốc hội, Cụ Hồ giải thích: “Các vị quên lịch sử đất nước ta rồi sao? Nếu quân Tưởng ở lại thì chúng sẽ ở lại hàng ngàn năm!”. Hơn 10 năm sau, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta đang rất cần sự chi viện toàn diện nhưng Cụ Hồ đã kịp đẩy lùi về bên kia biên giới hàng chục vạn binh lính và lực lượng công nhân Trung Quốc đang rầm rập kéo sang với lời từ chối khéo: “Nợ tiền bạc chúng tôi còn có thể trả nhưng nợ xương máu thì không bao giờ trả được!”. Cụ biết tỏng Tàu “đen”, Tàu “đỏ” đều lòng lang dạ sói. Thật đại phúc cho dân tộc ta đã qua được giai đoạn lịch sử ngặt nghèo. Tuy nhiên hoặc là trong phút hoan ca ta lơ là cảnh giác để mắc mưu người. Hoặc là lúc nội tình ta rối rắm, anh em tranh giành xâu xé chạy theo phe này phái nọ, kẻ yếu hèn lại muốn trèo cao quên mối thù xưa ngả vào lòng ông bạn láng giềng. Họ luôn xuất hiện đúng lúc làm cơ đồ ta bao phen nghiêng ngả.

Lịch sử từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, cả hai nước Việt Nam và Trung Hoa đều gặp họa xâm lăng, có lúc phải nương dựa vào nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Tưởng rằng mối quan hệ gọi là “mới” được mở ra thật sự xóa đi những tội ác xưa của kẻ tội đồ với người bị nạn, tạo ra một “kỷ nguyên mới” trong “tình bạn mới”. Nhưng ngay sau ngày lập nước thì con “hồ ly tinh” ấy đã lòi cái đuôi ra. Hiệp định Genève 1954 cản trở một nước Việt Nam thống nhất. Sự kiện quần đảo Hoàng sa 1974 là sự liên minh giữa hai kẻ cướp chia nhau món hời trong lúc chủ nhà đang giữa cơn giông bão. Sự kiện biên giới Tây nam là đưa giáo cho phường phản trắc đâm sau lưng bạn. Sự kiện 1979 ở biên giới phía Bắc là chiếc nhẫn đính hôn với người tình mới của tên phụ bạc. Sau đó là những nụ cười nham hiểm của kẻ mưu sâu tăm tối và đến bây giờ lộ nguyên hình là tên cướp ngày trắng trợn!

Kẻ cầm đầu dưới bộ áo thụng văn nhân nho nhã là lực lưỡng một thân hình lỗ mãng của tên đồ tể, giao chiếc loa cho lũ thuộc hạ tuôn ra những lời vô đạo: Tướng Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng QGPNDTH nói hoạch toẹt ra khi qua thăm Mỹ: “Những điều chúng tôi sẽ làm là đảm bảo sự an toàn của giàn khoan 981 và đảm bảo rằng mọi hoạt động sẽ tiếp tục”. Viên giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị dầu khí quốc tế thuộc Đại học Dầu khí Trung Quốc Bành Xương Vĩ nói với đài BBC tiếng Việt và tiếng Trung rằng: “Khi Việt Nam tiến hành khai thác dầu khí cùng với các nước khác ở gần đường chín đoạn, Trung Quốc đã không phản ứng thái quá. Bởi vậy sự can thiệp của Việt Nam vào hoạt động của giàn khoan 981 là không đúng mực và thiếu hợp lý”. Nghĩa là bất chấp sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế, chúng đương nhiên áp đặt hải giới trên biển Đông theo “đường lưỡi bò” mà chúng tự nghĩ ra!

Thái độ ăn cướp trắng trợn này đang bị nhân dân cả nước vô cùng căm phẫn và quyết liệt phản đối, được dư luận thế giới đồng tình. Diễn biến thế nào chưa ai dám nói nhưng nguy cơ cả nước ta đang đứng trước một cuộc chiến tranh xâm lược mới là điều có thật. Trên thế giới này không dân tộc nào thấm thía sự tàn khốc của chiến tranh mà vì thế càng thiết tha với hòa bình yên ổn như dân tộc Việt Nam. Phải chăng bởi có vị trí địa-chính trị quá ư đặc biệt mà lịch sử dân tộc ta thời nào cũng chịu số phận nghiệt ngã đứng đầu sóng ngọn gió của các thế lực bành trướng và tranh chấp? Với chủ trương “thiên hạ đại loạn” là mảnh đất màu của chủ nghĩa đại Hán, Trung Quốc không bao giờ để cho thế giới yên bình đặc biệt là một nước Việt Nam hòa bình ổn định và phát triển. Trước hết với chính sách “thân xa lấn gần”, các nước lân bang là người phải căng đầu mệt sức đối phó với mọi thủ đoạn xảo trá tinh ma lấn dần cương thổ lúc êm ái thâm trầm, lúc ào ào như họa cháy rừng hoặc nước thủy triều dâng. Với số dân gần tỷ rưỡi người, họ nhẫn tâm sẵn sàng thí mạng nửa số dân cùng đinh để thực hiện bằng được tham vọng ấy. Dân tộc Việt Nam ta dù không bao giờ muốn thế nhưng khẩu hiệu “Tổ quốc hay là chết!” luôn đè nặng trên vai!

Trên thế gian này không dân tộc nào hiểu rõ người hàng xóm Bắc phương như người Nam Việt. Trải mấy ngàn năm giữ nước và dựng nước, người Việt Nam vẫn khắc cốt ghi tâm tội ác diệt chủng kia: “Trúc Nam sơn không ghi hết tội, nước Đông hải không rửa sạch mùi”. Và cũng hơn chục lần nhân dân ta đã “đánh cho chúng biết nước Nam này là có chủ”.

Trong chiều dài lịch sử, chưa bao giờ chúng ta có một tổ quốc Việt Nam thống nhất toàn vẹn từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau với gần 100 triệu con người đầy lòng tự tin đang đồng tâm hiệp lực xây dựng một quốc gia cường thịnh, văn minh và có ý thức đầy đủ về tinh thần độc lập-tự chủ-tự cường. Tuy nhiên đang có tiếng nói lạc lõng khuyên chúng ta chỉ có cách hãy ngả hẳn theo người Mỹ. Với tinh thần “lấy ân trả oán” chúng ta những muốn làm “tiêu vong” món nợ máu xương của tất thảy mọi kẻ thù lịch sử mà người Việt Nam luôn thấm thía rằng món nợ của người phương Bắc chồng chất lên gấp nhiều lần món nợ của người phương Tây. Nhưng điều cốt tử cần thấu hiểu là nhân dân ta làm nên chiến thắng mọi cuộc xâm lược từ xưa đến nay đều trước hết: “Tự ta, ta phải dốc lòng… gắng trí khắc phục gian nan… nhân dân bốn cõi một nhà… tướng sỹ một lòng phụ tử” (Bình Ngô đại cáo). Đành rằng trong thế giới ngày nay với các phương tiện vận chuyển và truyền thông hiện đại không thể thiếu sự đồng tình và giúp đỡ của những người yêu chuộng hòa bình và công lý gần xa, ngay cả ở quốc gia đang gây tai họa cho ta. Một nước nhỏ mà dựa vào sức mạnh bên này để chống lại bên kia có khác chi hành động tự sát? Những tấm gương nhãn tiền ta đều thấy cả. Hơn nữa thời đại “thế giới lưỡng cực” đã qua rồi. Trong bối cảnh thế giới đa cực, tinh thần “bác ái” bị khuất lấp bởi tinh thần thực dụng: “Lợi ích quốc gia là tối thượng”! Sự liên kết của cộng đồng thế giới mới chỉ ở mức cảnh báo răn đe! Các nước lớn vừa hợp tác vừa kiềm chế lẫn nhau. Các mối liên minh vụ lợi không bền vững. Vai trò của Liên hiệp quốc bị hạn chế bởi những nhóm lợi ích khác nhau. Các cuộc chiến tranh liên tiếp xảy ra đây đó không ai kiềm chế được. Mỗi quốc gia muốn tồn tại vững vàng càng phải nêu cao ý chí tự lực tự cường.

Nhìn vào lực lượng quân sự, xưa nay các quốc gia xâm lược đều mạnh hơn ta rất nhiều lần về dân số, quân số và trang thiết bị quân sự. Vậy mà chúng ta đều thắng vì chính nghĩa luôn thuộc về ta nên mới có thể: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo). Kẻ gây chiến tranh xâm lược dù bằng những thủ đoạn gian manh xảo trá thế nào cũng không giấu kín được cái đuôi con “hồ ly tinh” của nó. Kinh nghiệm lịch sử cho ta biết khi người láng giềng chĩa mũi giáo sang một nước lân bang chưa hẳn vì họ dư sức mạnh mà còn vì những mâu thuẫn nội tại không giải quyết được thì phải hướng sang người. Dù sao yếu tố địa lý và mối quan hệ hàng xóm lân bang cũng là những điều kiện để họ tạo nên những yếu tố bất ngờ nguy hiểm. Tin rằng những người có trọng trách lo công việc an ninh, quốc phòng đã có các phương án đối phó cụ thể nếu sự cố xảy ra.

Vấn đề chủ yếu lúc này là mỗi người trong vai trò trách nhiệm của mình dám nhìn thẳng vào sự thật. Đúng là chưa bao giờ nước ta có một tư thế chững chạc đàng hoàng trước cộng đồng thế giới như bây giờ. Nhưng không được quên rằng đó là nhờ sự hy sinh phấn đấu quên mình của biết bao thế hệ. Có được những vị chủ soái đức độ tài ba lại có một đội quân trung thành dũng cảm đã tạo nên sức mạnh không kẻ thù nào thắng được. Gia tài vô giá đó cần không ngừng được gia cố bồi đắp bởi các thế hệ tiếp theo. Tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, bè cánh, lười biếng, giả dối, háo danh, hình thức… đang làm trì trệ sự phát triển của đất nước và tác hại hơn cả là làm lung lạc niềm tin của nhân dân với các cấp cầm quyền. Đánh giặc mà không tin vào chủ soái thì làm sao thắng? Lòng yêu nước luôn tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam không kể gái trai già trẻ. Nhưng nó chỉ được động viên hội tụ để phát huy thành sức mạnh vô song khi có một đội ngũ lãnh đạo từ cơ sở đến thượng tầng đầy tinh thần trách nhiệm và tài năng, thật sự thể hiện ý chí kiên cường bất khuất, không sợ gian khổ hy sinh, sẵn sàng phấn đấu vì độc lập của tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Đội ngũ lãnh đạo ấy chính là cha ông của mỗi chúng ta đã làm nên kỳ tích vẻ vang trao cho thế hệ hôm nay. Lẽ nào lớp cháu con không xứng đáng?

Biển Đông đang dậy sóng. Bởi muốn hòa bình, chúng ta phải nhún nhường nhân nhượng. Nhưng nếu như ta càng nhún nhường nhân nhượng mà lũ cướp nước càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa thì con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung hôm nay lại nghe theo lời Bác Hồ vang dậy núi sông như khi chúng ta phải đương đầu với thực dân Pháp 70 năm về trước: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.

Chiến tranh đang rập rình trước ngõ mà mỗi thời nó mang một hình thức khác nhau. Cái kiểu “ôm cột mốc di động trên biển” về bản chất chẳng khác gì “ôm cột mốc lấn biên trên đất liền” họ đã tiến hành dầm dề dai dẳng cho ta có những thiệt thòi. Coi chừng là người ngay sẽ bị phân tán tiềm năng lực lượng để kẻ gian tạo thế lựa thời xông vào giết người cướp của! Trong khi một nhà nước độc lập có chủ quyền không chỉ mải lo một việc che chắn phên giậu biên cương mà việc chăm lo cải thiện dân sinh dân chủ cũng là điều bức thiết. Đó là nguy cơ có thể xảy ra thế giặc “nội công ngoại kích” xuất kỳ bất ý. Việc nước là việc của dân nhưng việc dân cũng là việc nước. Đó là sự thử thách lòng trung của mỗi người dân và cũng là thử thách lòng thành của những người lo việc nước.
Nguyễn Văn Thịnh
(Tác giả gửi trực tiếp cho Đôi-Mắt.vn)

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍