Từ khi loài người biết sống quần tụ và hình thành xã hội, do yêu cầu tất nhiên của cuộc sống, đòi hỏi phải có những người hiểu biết về tự nhiên, con người và xã hội. Từ sự hiểu biết nảy ra những phát minh sáng chế, xã hội càng phát triển. Số người hiểu biết ngày càng nhiều, thành một bộ phận dân chúng không thể thiếu, có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển của một cộng đồng hay một quốc gia. Những người hiểu biết ấy ở ta, xưa gọi là sỹ phu, nay gọi là trí thức.
Tuy nhiên, cần thống nhất nội dung ý nghiã của từ trí thức. Hiện nay, người ta thường hiểu có tấm bằng đại học đương nhiên là trí thức. Mà trí thức là nhân tài. Người trí thức không chỉ hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của mình, họ có thể vươn tới nhiều lĩnh vực và tạo ảnh hưởng xã hội rộng rãi. Người Mỹ nói: “Nhân tài của quốc gia giống như vàng trong khoáng sản”, hàm ý phải đãi, phải luyện mới ra nhân tài. Ông cha ta có sự thận trọng trong từng cách gọi: nho sỹ, sỹ phu, kẻ sỹ, người tài, hiền tài hàm ý phẩm chất khác nhau. Hiền tài mới là nguyên khí quốc gia.
Người tự trọng không ai tự nhận mình là trí thức. Căn cứ vào sở học, sở hành mà cộng đồng thừa nhận họ. Có nên chăng hãy dùng cụm từ “người có học” để chỉ người có chút học vấn và hiểu biết chuyên môn thay cặp từ “trí thức” hay là “kẻ sỹ” dành cho những người chẳng những có học vấn cao, lại có phẩm hạnh tốt, nhân cách xứng đáng được cộng đồng nể trọng gửi niềm tin nơi họ. Nhìn vào việc làm của một bộ phận không nhỏ những người gọi là có học trong đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay, người ta không khỏi lo lắng đặt ra câu hỏi: Truyền thống kẻ sỹ Đại Việt đi đâu?! Rồi lại tự trấn an: Quy luật tự nhiên cũng như xã hội phàm là “nhẹ nổi nặng chìm”. Đành rằng đất nước tuy bình mà chưa yên lại du nhập đủ các ngưồn văn hóa thập cẩm ngoại lai theo trào lưu “mở cửa”, xu hướng “tự khẳng định mình” trong mỗi con người có cơ hội tung hoành thỏa sức. Khổng Tử xưa đã phân biệt sự khác nhau giữa bậc “nho quân tử” với hạng “nho tiểu nhân”: “Nho quân tử” là người học đạo thánh hiền để sửa mình cho thành người có phẩm giá tôn quí, dẫu bần cùng cũng không làm điều trái đạo. “Nho tiểu nhân” là người mượn tiếng học đạo thánh hiền để cầu danh cầu lợi, miệng nói những điều đạo đức mà bụng nghĩ làm những việc bất nhân bất nghĩa”. Bây giờ ta gọi là trí thức chân chính và trí thức cơ hội, thậm chí còn tệ hơn!
Người ta đang nói nhiều đến Xã hội dân sự hay xã hội công dân (société civile) là nó được hình thành sau khi hình thái các quốc gia đã tương đối ổn định. Cùng với việc mở mang giữ gìn bờ cõi là công cuộc xây dựng phát triển đất nước phục vụ dân sinh, trong xã hội hình thành những thành phần dân chúng: sỹ–nông–công–thương và quyền công dân được minh định. Xã hội dân sự suy cho cùng chính là mối quan hệ giữa cá nhân hoặc cộng đồng hay là một nhóm cộng đồng với nhà nước để giải quyết thỏa đáng các vấn đề xã hội đang bức xúc. Thực ra xã hội nào cũng có lúc yên lúc biến hoặc song song tồn tại những con sóng ngầm dưới mặt nước yên – vừa chiến vừa hòa. Không biến về nạn giặc giã ngoại xâm cũng biến về các vấn đề chính trị, kinh tế. Đó là những hình thức chiến tranh khác nhau, không khỏi tác động tới đời sống và nhân tâm mọi người, mọi giới. Công việc tổ chức quản lý quốc gia song hành hai việc: phát triển kinh tế và quân sự. Trong thế giới hiện đại, nền tảng kinh tế quyết định sức mạnh quân sự của mỗi nước. Một cường quốc phải có cơ sở kinh tế và quân sự tương xứng hỗ trợ cho nhau. Những phát minh khoa học vừa phục vụ cho các hoạt động dân sự và quân sự. Đội ngũ trí thức càng phát triển trên căn bản đó.
Đương nhiên không thể như ông Chu Hảo cho rằng thời thuộc Pháp, với “văn minh phương tây và chữ Quốc ngữ là bối cảnh tích cực cho sự ra đời tầng lớp trí thức đầu tiên, có chỗ đứng khá độc lập với chính quyền”!
Cần nói rõ đây là lớp trí thức thuộc địa đầu tiên của người Pháp, bởi giới trí thức đầu tiên của Việt Nam đã hình thành từ ngày lập quốc. Chữ Quốc ngữ không phải là điều kiện tiên quyết để hình thành giới trí thức (kẻ sỹ) Việt Nam, bởi từ lúc khởi đầu dựng nước, người Việt đã có chữ Khoa đẩu, còn gọi là Hỏa tự. Chữ đó bị người Tàu tuyệt diệt, người Việt tạm dùng chữ Hán để truyền bá văn hóa và lại sinh ra chữ Nôm cho riêng mình. Đến lượt chữ Nôm bị người Pháp bức tử. Người Việt biết khai thác chữ Quốc ngữ từ các giáo đoàn đạo Gia tô dùng để truyền bá một niềm tin mới phục vụ cho ý đồ xâm chiếm thuộc địa của các nước phương tây. Đúng là chữ Quốc ngữ dễ học, nhất là với những người quen dùng mẫu tự La tinh nhưng cũng phải đến khi người Việt Nam giành được độc lập nó mới trở thành thông dụng để nâng cao trình độ dân trí toàn dân và mau chóng có được một lớp trí thức đông đảo. Giả như không có chữ Quốc ngữ thì người Việt có gây dựng được cho mình một nền văn hóa riêng chăng? Xem như người Trung Hoa, người Nhật Bản, người Triều Tiên và nhiều dân tộc dùng chữ Ả rập, hôm nay họ có vị thế như thế nào trong cộng đồng thế giới? Học giả Nguyễn Văn Vĩnh là người hăng hái đi tiên phong trong việc truyền bá Quốc ngữ bởi đó là thứ chữ dễ phổ cập để mau chóng nâng cao dân trí, còn như nội dung giá trị của chữ Nôm ông vẫn nhận định rất sáng suốt rằng: “Văn chương An Nam diễn dịch điều gì, về khoa nào cũng có thể diễn dịch được”. Và “Như văn Kim-Vân-Kiều mà đem vào kho tàng văn chương thế giới kể cũng xứng chớ không đến nỗi để người An Nam mình phải hổ thẹn rằng nước không có văn”. Đã có lúc nào ta tự hỏi mất đi chữ Hán Nôm người Việt như mất viên ngọc quý? Cụ thể chưa có ai dùng chữ Quốc ngữ vượt qua các bậc danh sỹ tiền nhân với chữ Nôm mà đạt tới đỉnh cao tư duy và mỹ cảm? Đã có ai nghĩ rằng cùng với sự lãng quên dần tới sự phủ định chữ Hán Nôm, chúng ta đã để mất đi những giá trị cao quý nào? Chúng ta là người Á đông không thể tách mình ra khỏi nền văn hóa cổ truyền vĩ đại ấy. Hồ Chí Minh khi còn là anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước, đã sớm phát hiện ra: “Marx xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử nhưng lịch sử nào – Lịch sử Châu Âu. Mà Châu Âu là cái gì? – Đó chưa thể là toàn bộ nhân loại” và Người đề nghị “xem xét lại chủ nghĩa Marx về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng vốn dân tộc học phương Đông”. Hiện nay, phương tây đang hướng về văn hóa Á đông với nhiều kỳ vọng. Chúng ta sống bên cạnh người láng giềng Trung Hoa vĩ đại, quan hệ hai nước có những lúc ấm lạnh, thậm chí là cực kỳ đau đớn cho ta nhưng chúng ta vẫn tồn tại vững vàng là bởi vì ông cha ta thấm nhuần sâu sắc văn hóa Á đông. Chúng ta đã nếm mùi vị đắng cay thế nào khi coi nhẹ truyền thống văn hóa ruột của mình? Bây giờ chỉ người điên mới bày chuyện dùng lại chữ Hán Nôm nhưng trí thức Việt Nam có trách nhiệm phục hồi những gì và xây mới những gì là giá trị tinh thần Việt xứng tầm thời đại. Biết vậy mới thấy thời nào văn hóa Việt cũng phải chịu những thăng trầm khốn khổ và sức trỗi dậy của kẻ sỹ Việt bền bỉ kiên cường quyết liệt tới đâu? Đó mới là niềm tự hào chính đáng của người Việt nói chung và của giới trí thức Việt nói riêng.
Còn như ý kiến “dưới thời thuộc Pháp, tầng lớp trí thức Việt Nam có chỗ đứng khá độc lập với chính quyền”, liệu có đúng không? Giáo sư bác sỹ Hồ Đắc Di xuất thân từ một danh gia vọng tộc, ba đời làm quan đại thần ở triều đình Huế. Ông được hưởng một nền giáo dục căn cơ cả Á và Âu. Sau 13 năm du học và làm việc tại Paris với tấm bằng Tiến sỹ Y khoa danh giá, tưởng rằng về nước với lòng chứa chan hy vọng được đem tài năng ra giúp ích cho đồng bào mình nhưng với tâm trạng dày vò đau khổ, ông đã thốt lên: “Phẫu thuật đối với tôi là lẽ sống, là niềm tự hào. Thế nhưng người Pháp cai trị có đếm xỉa gì đến cái điều tôi tha thiết đó. Nỗi cay đắng đã làm tôi thấy rõ thêm một điều mà trước đây tôi mới chỉ mường tượng thấy: Chung quy chỉ tại mình là dân mất nước! Là một người thầy thuốc, tôi đã trở thành một người bệnh về tâm hồn!”. Khi đất nước được độc lập ông đã không ngần ngại đi theo tiếng gọi của tự do bởi vì: “Lần đầu tiên trong đời tôi được thấy mình làm chủ con người mình, đất nước mình mặc dù tôi chưa thể hình dung được rõ tương lai của đất nước và tương lai mình sẽ ra sao” và ông dấn thân vào con đường gian khổ chông gai, suốt 40 năm của nửa phần đời còn lại cống hiến tài năng cho đất nước: “Những ước mơ xưa kia tôi vẫn hằng ấp ủ nay đã hồi sinh. Tôi rất vui được truyền thụ những hiểu biết về khoa học của mình cho các lớp trẻ của đất nước”.
Hầu như đa phần giới trí thức nước nhà từ quan lại trụ cột triều đình đến trí thức tự do giữa thế kỷ XX đều hành xử như ông. Ông Lưu Văn Lang còn được gọi là “Bác vật Lang”, người mà giới trí thức Nam kỳ kính nể như người anh cả, năm 1945 khi Pháp tái xâm lược Việt Nam thành lập cái “chính phủ Nam kỳ tự trị”, được mời làm thủ tướng ông đã từ chối thẳng thừng: “Tôi đã quá già để làm tay sai”! Thế mà trước đây, người được gọi là nhà thông thái Trương Vĩnh Ký từ một chuyến công cán ra Bắc kỳ, gửi báo cáo về các quan thuộc địa ở Nam kỳ: “Các quan lại Nam triều thường nói với tôi rằng nước Pháp cố ý xâm chiếm xứ này. Tôi trả lời là không! Tất cả qúy vị đều phải thấy rằng nếu nhà cầm quyền Pháp có ý muốn xâm chiếm xứ này, họ đã có thể làm việc đó từ lâu một cách dễ dàng, không cần bàn cãi gì cả. Quý vị phải hiểu rằng quý vị là những kẻ yếu, thật sự quá yếu, cần sự giúp đỡ của ai đó để gượng dậy. Và tốt hơn, quý vị chỉ nên tin vào người bạn đồng minh tiếng tăm và phải dựa vào họ một cách thành thật để đứng lên, nhưng phải thẳng thắn, không hậu ý, không mưu tính kín đáo, dang cả hai tay ra với họ chứ không phải một cái chìa ra cái bên kia thì giữ lại. Bằng ngược lại, mệt trí vì những do dự, những điều nói nửa vời đầy âm mưu của quý vị, nước Pháp buộc lòng phải ngưng che chở và bỏ mặc quý vị với số phận” (!) Trong học thuật, ông ta khoe với Hội đồng thuộc địa: “Muốn chứng tỏ với quý vị rằng trong 13 cuốn sách đã xuất bản, tôi chưa bao giờ đi lệch mục tiêu chính và trực tiếp là sự biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam” (!)
Đành rằng trong những điều kiện lịch sử nhất định người trí thức cũng lực bất tòng tâm nhưng kẻ sỹ biết chọn cách ứng xử thích hợp. Cũng như ông đại quan đầu triều Phan Thanh Giản từng ra bản tuyên ngôn dụ hàng dân chúng: “Số phận đã định rằng: Người nào định theo lòng Trời thì còn, người nào nghịch theo lòng Trời thì chết. Chúng ta yếu ớt, không chống nổi người Phú-lang-sa, tướng soái lính tráng đều bị đánh bại. Người Phú-lang-sa muốn đến đâu cũng đặng, những đồn lũy chắc chắn cũng phải bể. Vậy bản chức viết công thơ cho các quan văn cũng như các tướng võ hãy bẻ gãy giáo gươm khỏi chống lại. Hỡi các quan và lê dân, các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú-lang-sa, những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi!” (*).
Phải qua cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ hy sinh bao xương máu mới rõ ra ai thuận lòng Trời và ai nghịch lòng Trời? Trách nhiệm lớn nhất của công dân là bảo vệ quốc gia dân tộc và xây dựng tổ quốc phồn vinh. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, chẳng lẽ kẻ sỹ không bằng kẻ thất phu sao? Rất nhiều minh chứng còn rành rành trong sách sử và trong trí nhớ của nhiều người về thân phận bao nhiêu kẻ sỹ được nhân dân tin yêu và gửi gắm nhiều kỳ vọng như: Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân, Trần Cao Vân, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh… và ngay cả với những người tân học còn ở độ tuổi vị thành niên như vua Duy Tân, Kỳ Đồng (Nguyễn Văn Cẩm)… có chỗ đứng nào gọi là độc lập với chính quyền thực dân đô hộ? Chẳng lẽ các nhà trí thức Việt Nam hiện đại chóng quên đến thế! Rõ ràng, trong giới học thức thời thuộc địa, có hai lớp người nhân cách và uy tín trái nghịch nhau. Chỉ những người trí thức chân chính mới sống mãi trong lòng dân tộc và thật sự xứng danh kẻ sỹ – hiền tài. Những tượng đồng bia đá kia sẽ mòn đi nhưng bia miệng vẫn còn trơ trơ mãi. Một công trình nghiên cứu về giới trí thức Việt Nam mà thiếu sự phân minh rạch ròi không khỏi ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách của lớp trí thức trẻ trong hòan cảnh xã hội còn nhiều điều bất nhất.
Đề cập tới lớp trí thức từ sau khi nước nhà độc lập, ông Chu Hảo gọi là lớp trí thức Việt Nam hiện đại. Nhận xét của ông là “trí thức chưa có điều kiện phát huy vai trò và giá trị của mình”! Nhà nước mới đã rất quan tâm đào tạo nên một đội ngũ trí thức đông đảo nhưng giá trị thế nào là tự mỗi người làm nên. Trong khi lớp thanh niên cùng trang lứa chịu đựng mọi khó khăn gian khổ lao vào công cuộc sản xuất và chiến đấu thì bản thân ông Chu Hảo cùng nhiều người khác được nhà nước ưu ái cho xuất dương học hành chu đáo thành tài, khi trở về với những học vị danh giá lại được nhận mũ cao áo dài hưởng lộc hơn người mà hỏi được mấy ông để lại một công trình giá trị hay chí ít một tấm gương sáng nào về nhân cách cho lớp hậu sinh?! Các ông còn đòi điều kiện gì nữa để “phát huy vai trò giá trị” của mình?
Sự hình thành giới trí thức là một hiện tượng ngẫu nhiên và họ cũng có sự phân hóa trong một điều kiện lịch sử nhất định. Người trí thức chân chính biết đem sở học cùng uy tín của mình, thậm chí khi cần có thể quên thân phụng sự tổ quốc và nhân dân – Đó là sự hiển hiện tức thời lý tưởng Chân-Thiện-Mỹ. Nhà trí thức Thái Văn Lung, Nguyễn Ngọc Nhựt sẵn sàng rũ bỏ cái gốc “làng Tây” để đứng về phía dân tộc ngay trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến đúng với cái nghĩa “đền nợ nước”. Nhà ký sinh trùng và côn trùng học Đặng Văn Ngữ đang có những công trình nghiên cứu đầy triển vọng về miễn dịch và di truyền học đã bỏ lại trong các phòng thí nghiệm hiện đại ở Tokyo để về nước tham gia kháng chiến. Giữa rừng già Việt Bắc, ông đã dùng nước thân cây ngô làm dung môi sản xuất dung dịch Péniciline chữa cho thương binh. Và sau này, giữa rừng già Trường Sơn, ông lấy thân mình làm vật chủ cho muỗi đốt để nghiên cứu một loại vaccin trị sốt rét và hy sinh dưới làn bom B52, để lại sự nghiệp còn dang dở! Nhà khoa học Trần Đại Nghĩa được nhà nước bảo hộ Pháp cấp học bổng qua Paris học chuyên ngành cầu đường nhưng ông lén học phương pháp chế tạo súng, rồi theo Cụ Hồ về nước khi Tổ quốc cần và ông đã có đóng góp thế nào? Nhân dân ghi nhớ công tích và tôn vinh các ông là anh hùng. Nhiều nhà trí thức danh tiếng của miền Nam như Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, bà Luật gia Ngô Bá Thành… bằng tài năng, nhân cách và hành động đã là ngọn cờ tiêu biểu trong công cuộc đấu tranh cho hòa bình thống nhất đất nước. Kỹ sư trẻ Nguyễn Thái Bình ngay giữa lòng nước Mỹ đã dũng cảm tố cáo tội ác xâm lược bất chấp sự đe dọa đến tính mạng của mình. Rất nhiều nhà khoa học tạm gác lại ước mơ, bỏ dở những công trình nghiên cứu lâu dài, lăn vào bom đạn tìm ra những giải pháp thiết thực giải quyết thành công những yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc. Phải chăng cuộc kháng chiến vĩ đại chống ngoại xâm hơn nửa sau thế kỷ XX do Đảng CSVN lãnh đạo đã tạo điều kiện cho người trí thức Việt Nam đứng dậy? Nhiều người trí thức không có điều kiện tham gia vào cuộc kháng chiến đó vẫn có cách ứng xử thích hợp với hoàn cảnh của từng người. Những người trí thức chân chính, tự gạt bỏ điều u uẩn riêng tư, lấy đại nghiệp quốc gia làm điều chân nghĩa. Dù đứng ở đâu họ không hề làm vật cản trên con đường giải phóng non sông. Trong chiến thắng chung của dân tộc họ cũng có phần đóng góp. Ngay từ những ngày đầu nhân dân ta giành được độc lập, những người trí thức chân chính hướng về dân tộc đã ủng hộ Cụ Hồ. Thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh, những Mặt trận II (Liên minh đa chính kiến thành phần), Mặt trận III (Hoà giải hoà hợp) được rất nhiều trí thức ở Sài Gòn hưởng ứng. Người trí thức không nhất thiết duy chỉ làm chuyên môn, học thuật. Lịch sử và nhân dân bức thiết cần gì, họ hết lòng phụng sự. Trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, giới trí thức Việt Nam cống hiến toàn bộ trí tuệ, sức lực và đã hoàn thành sứ mạng cao cả của mình. Vai trò và giá trị của kẻ sỹ là ở đó!
Trí thức có thể hình thành một tầng lớp xã hội riêng chăng? Cùng với sự phát triển của xã hội, mặt bằng dân trí được nâng lên, lớp người có học ngày càng đông đảo. Dù tài năng cá nhân vẫn được khẳng định nhưng địa vị độc tôn của trí thức không còn nữa. Đành rằng công việc của người trí thức có những đặc thù riêng và trong mối đan xen chằng chịt những phát kiến khoa học, họ vận dụng những thành tựu của nhau nhưng họ dồn tâm sức vào những công việc khác nhau và cá tính nghề nghiệp rất mạnh mẽ. Kết quả việc làm của họ ảnh hưởng tới từng bộ phận dân chúng khác nhau và uy tín của họ nổi lên trong đó. Trí thức là người đại diện cho dân chúng nói lên ước vọng của mình và đi đầu hướng dẫn họ hành hương tới chân trời chân lý. Chỉ gắn kết với cộng đồng, người trí thức mới có thể phát huy tài năng và gây dựng uy tín rộng lớn, càng phát huy tác dụng cho mình.
Ông Chu Hảo nêu ra thiên chức của trí thức trên cả thế giới là: “Tiếp thu và truyền bá tri thức khoa học – công nghệ hoặc văn học, nghệ thuật; sáng tạo các giá trị mới của khoa học – công nghệ hoặc văn học, nghệ thuật; đề xuất phản biện một cách độc lập các chính sách giải quyết các vấn đề xã hội; dự báo và định hướng dư luận xã hội” và phẩm tính của trí thức được nhân loại đúc kết chung lại là: “Tôn thờ lý tưởng Chân-Thiện-Mỹ; độc lập tư duy; hoài nghi lành mạnh; tự do sáng tạo”. Thưa ông, giới trí thức năm châu bốn biển ra tuyên ngôn này vào lúc nào và ở đâu hay đó chỉ là sản phẩm trí tuệ của ngài Tiến sỹ?!
Người trí thức là người làm khoa học. Thiên chức của trí thức là sáng tạo bởi khoa học là sáng tạo. Proudhon nói: “Khoa học là sự nổi loạn của tư duy” bởi mọi sự ổn định chỉ là giả tưởng. Khoa học không có sự thoả mãn, nó đòi hỏi luôn phải tìm ra cái mới và mới nữa. Khổng Tử nói: “Kẻ sỹ mà cứ muốn ở yên thì chưa đủ gọi là kẻ sỹ”. Chân lý khoa học đồng nhất với mục tiêu của trí thức là Chân-Thiện-Mỹ nhằm giải thoát con người khỏi những ràng buộc của tự nhiên và xã hội để được tự do–bình đẳng–hạnh phúc. Còn như người trí thức làm được những gì và làm được đến đâu là tùy theo khả năng của họ và tùy thuộc vào điều kiện xã hội họ đang sống. Người trí thức cũng là công dân nên lúc nào, ở đâu họ cũng phải gương mẫu làm tròn trách nhiệm công dân. Điều này tùy lúc tùy nơi, người trí thức tự chọn cách hành xử của mình sao khỏi hổ danh và giới chức cầm quyền tạo điều kiện cho họ làm được tới đâu. Người trí thức nào cũng sống trong một xã hội với những điều kiện vật chất và tinh thần nhất định không khỏi tác động tốt xấu tới sự phát triển tài năng của họ. Vấn đề là ý chí chủ quan của người trí thức, tính quang minh chính đại của mục tiêu xã hội và sự hợp tác chủ động tích cực của giới cầm quyền để người trí thức phát huy tối đa tài năng của họ cho sự nâng cao chất lượng cuộc sống của xã hội đương thời. Thực tế là không ít bậc đế vương hoặc nguyên thủ quốc gia không có phẩm học cao tột đỉnh mà vẫn được kẻ sỹ–trí thức mọi thời suy tôn là thánh đế, minh quân hay là nhà lãnh đạo tài ba sáng suốt. Có hiền tài mới có minh quân và có minh quân dễ xuất lộ hiền tài. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; Nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sỹ, vun truyền nguyên khí làm việc đầu tiên” (Thân Nhân Trung).
Theo ông Chu Hảo thì phẩm tính của trí thức ở một số nước như: Mỹ là thực tế, Đức là chính xác, Nhật là khiêm tốn, Trung quốc là thâm thúy… Dường như ông Tiến sỹ lẫn lộn giữa phẩm tính của giới trí thức với đặc tính dân tộc mà người trí thức nào cũng chịu ảnh hưởng từ môi trường sinh sống của mình? Trí thức càng lớn thì phẩm tính của họ càng gần lại với nhau. Pascal nói: “Sự hiểu biết của một người cũng như diện tích hình tròn mà chu vi của nó là vòng giới hạn. Diện tích hình tròn càng rộng thì chu vi của nó càng dài”. Einstein nói: “Càng học cao càng thấy mình kém cỏi”. Sách “luân lý giáo khoa thư” Việt Nam có câu: “Càng học càng thấy dốt”. Khiêm nhường là một đức tính quý báu của người trí thức cũng như có tính chính xác mới làm nên nhà khoa học. Đặc biệt ông Chu Hảo lại cho rằng phương châm hành xử của trí thức Việt ta là “cấp lưu dũng thoái” (gặp dòng nước xiết phải biết dũng cảm rút lui), nghĩa là sống tùy thời – chắc ông Tiến sỹ không muốn nói là “láu cá”! Nếu quả thật người Việt mình, kẻ sỹ Việt mình xấu xí như vậy mà nói thẳng ra cũng chẳng có chi là xấu hổ. Tôi chỉ muốn thưa với bạn đọc rằng tại trường “Đông kinh nghĩa thục” xưa ở phố Hàng Đào Hà Nội, nhà chí sỹ Lương Văn Can thường nhắc nhở một câu mà giới sỹ phu ta nhập tâm, lại truyền cho con cháu là: “Bảo quốc túy – Tuyết quốc sỉ”, nghĩa là phải giữ gìn cái tinh hoa của dân tộc mình, phải rửa sạch nỗi nhục của tổ quốc mình – là mất nước. Các thế hệ con cháu người đã rửa được nỗi nhục mất nước rồi. Còn cái tinh hoa tức là cái quốc túy – cái hồn Việt ta là gì thì các nhà trí thức Việt Nam hiện đại hãy tìm cho ra. Nếu nó mất rồi thì ta dựng lại, nếu nó ẩn khuất dưới dạng nào thì đưa nó ra dạy cho đàn con cháu về sau nhận dạng đúng chân dung ông bà tổ tiên ta. Tôi có suy nghĩ rằng, chỉ nguyên một việc nước Nam ta tồn tại hàng mấy ngàn năm bên một quốc gia phương Bắc mạnh như thế, thâm hiểm như thế, tàn độc như thế trong khi bao nhiêu quốc gia hàng xóm lân bang đã bị họ nuốt chửng rồi thì không phải là không có những điều gì kỳ lạ? Lại nữa, những cường quốc mọi thời với những dấu ngựa, vết giày của họ tới đâu cũng làm cho bao nhiêu dân tộc khiếp vía qui hàng mà người Việt mình biết bảo nhau chống lại, đuổi được chúng đi, bảo tồn được non sông nòi giống thì dân tộc ấy, tiêu biểu là giới trí thức nước ấy không phải là lũ láu cá bạc nhược hèn nhát chỉ biết “cấp lưu dũng thoái”! Kẻ sỹ nước Nam ta luôn “lấy điều liêm sỷ làm trọng” (sống trong sạch và biết hổ ngươi). Sống trong sạch để giữ mình. Biết hổ ngươi tất không làm điều xấu và không chịu nhục. Nhờ thế mà giữ được mình, được nhà, được nước.
Với người trí thức, làm và được làm cho điều thiện là động lực phát triển trong khi Tiến sỹ Chu Hảo đánh giá: “Điểm mạnh của trí thức XHCN là: yêu tổ quốc, yêu CNXH, trung với Đảng, hiếu với dân, cần cù, thông minh, sáng tạo, dũng cảm, không sợ khó khăn gian khổ và điểm yếu là: hời hợt trong tư duy, thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu và có tính cơ hội”. Trong cái mớ nhận xét lộn xộn tùm lum ấy ngoài mấy câu khẩu hiệu ở đâu cũng được nghe (!) thì có điểm nào là chính yếu? Và căn cứ vào mấy điểm yếu nêu ra: Hời hợt trong tư duy thì làm sao sáng tạo? Thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu thì sao có thành công? Và kẻ sỹ mà cơ hội thì đại họa – Lịch sử đau thương của tổ quốc ta cho thấy những người có học vấn cao mà đại cơ hội đã gây tai họa cho dân tộc sâu xa dai dẳng biết chừng nào!
Chẳng lẽ gần hai phần ba thế kỷ rồi, xã hội ta chưa đào tạo ra được một lớp trí thức tử tế, đàng hoàng?! Tôi muốn hỏi ông Chu Hảo khi đưa ra nhận xét này có trừ ngài Tiến sỹ và các bạn đồng hội đồng phường của ngài ra?
Xã hội nào cũng sản sinh ra lớp trí thức theo yêu cầu của giới cầm quyền. Và giới cầm quyền nào lúc khởi nghiệp cũng đại diện cho xu thế tiến bộ của thời đại ấy. Từ xưa ông bà ta đã nói: “Cho con đi học chữ, học nghĩa”. Chữ và nghĩa mang nội dung khác nhau nhưng quan hệ mật thiết với nhau. Chữ hàm ý là vốn kiến thức. Nghĩa hàm ý là trách nhiệm làm người. Học càng cao, chữ càng nhiều, nghĩa vụ làm người càng to lớn nặng nề, khi cần thì “xả thân dĩ thủ nghĩa” (quên mình vì việc nghĩa). Trí thức chân chính (nho quân tử) phải là người có chữ và nghĩa tương xứng với nhau mới hữu ích cho nhà cho nước. Tuy nhiên nghĩa có lúc thường lúc biến, người thức giả hiểu chí lý về điều nghĩa tùy lúc tùy nơi mà tránh được tiếng là phản thần hay kẻ ngu trung. Thời nào cũng có những hạng người không có được sự tương xứng giữa chữ và nghĩa. Có chữ mà bất nghĩa chỉ biết nghĩ đến mình. Có nghĩa mà vô học thì không có bản lĩnh văn hóa, không phân biệt nổi đâu là trung ngôn đâu là xàm tấu. Hai loại người ấy tác hại như nhau vì đều tùy tiện. Trong cơn biến động xã hội hạng người đó nảy ra như nấm sau mưa, hay dở khó phân, thật giả khôn lường, người tài thành vô dụng, kẻ bất tài ngồi ở ngôi cao, thiên hạ tù mù, chẳng có kỷ cương, luân thường điên đảo, xã hội nhiễu nhương. Khác với thời thịnh trị, việc học hành nghiêm chỉnh căn cơ, phụ huynh chăm lo dạy dỗ con em từ tuổi ấu thơ, thầy là gương sáng cho trò, mệnh quan (cán bộ) trước cần cái đức thương dân như con sau mới làm việc hết lòng vì dân như kẻ tôi tớ trung thành, dân tin quan như con tin cha mẹ, trên dưới mỗi người một phận rõ ràng, xã hội chan hòa nhân ái. Phế hưng là ở đó. Tệ hại nhất là loại trí thức cơ hội (nho tiểu nhân) lại được giao quyền sinh sát, ăn nói lộng hành hoặc là hết thời mãn thế mà lòng tham-si-hận vẫn nặng, kích xúi thiên hạ gây rối loạn nhân tâm! Thói đạo đức gỉa được che đậy bằng những học vị chức danh và những lời đường mật làm xiêu lòng bề trên, rối trí dân lành, đạo đức xã hội càng mau băng hoại, chẳng những dối được người đương thời mà lâu dài làm sai lạc lịch sử lừa được người đời sau hàng trăm năm nữa.
Giới trí thức là một thực thể của mọi xã hội. Kẻ sỹ đích thực ở thời nào đều có cách ứng xử chuẩn mực với vai trò của mình trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Trần Ích Tắc, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký là thứ nho gì? Kẻ sỹ lớn như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, La sơn phu tử Nguyễn Thiếp bất dung thời thế mà tiếng thơm vẫn để đời. Nhà nho Huỳnh Thúc Kháng, Học giả Nguyễn Văn Tố, Giáo sư Hồ Đắc Di, Bác sỹ Đặng Văn Ngữ, Kỹ sư Trần Đại Nghĩa, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát… là tấm gương sáng ngời của người trí thức đem vốn học rộng tài cao cống hiến quên mình vì sự nghiệp độc lập của tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Vậy giá trị thực của người trí thức là ở những việc làm có ích cho dân có lợi cho nước chứ không phải là ở bằng cấp, chức danh. Trọng khinh là ở đó. Ông Phan Khôi nhận xét thâm thúy lắm: “Ở xã hội ta nhà nho bao giờ cũng có sẵn rìu búa trong tay, gặp lúc thì giở ra để duy trì nhân tâm thế đạo”. Câu nói tưởng chừng phi lý mà lại là sự thật. Một nước nhỏ luôn sống giữa sự đe dọa bị nuốt chửng của các nước lớn cường quyền mà trong giới những người có học luôn bị phân tâm chia rẽ bởi những thế lực ngoại xâm nội phản. Kẻ sỹ Việt Nam không thể chỉ biết chăm vào chữ nghĩa mà còn phải thủ sẵn rìu búa nữa! Có điều là rìu búa để duy trì cái nhân tâm thế đạo của người quân tử thì đại phúc cho dân. Còn như rìu búa để duy trì cái nhân tâm thế đạo của kẻ tiểu nhân là đại họa cho nước!
Nguyễn Văn Thịnh
Tuần báo Văn nghệ TPHCM
Số 275 thứ năm ngày 10 tháng 10 năm 2013
(*) Theo cuốn “Chân dung Phan Thanh Giản” của Nguyễn Duy Oanh (bút hiệu Nguyễn Duy) xuất bản ở Sài Gón 1974 (Tủ sách Sử học – Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên CHVN).
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍