Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học (15 tuổi mới chú tâm vào việc học)
Tam thập nhi lập (30 tuổi mới lập nghiệp)
Tứ thập nhi bất hoặc (40 tuổi thì hiểu sự đời)
Ngũ thập nhi tri thiên mệnh (50 tuổi thì hiểu quy luật của trời đất)
Lục thập nhi nhĩ thuận (60 tuổi thì nghe thấy gì cũng thấu hiểu)
Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ (70 tuổi thì làm gì cũng bằng cái tâm mà không bị chi phối bởi dục vọng).
TBT Nguyễn Phú Trọng

Trên đây là đúc kết của Khổng Tử về những dấu mốc nhận thức trong cuộc đời mình mà người đời thường đem ra làm khuôn mẫu để áp dụng đại trà. Tất nhiên, tiêu chuẩn này chỉ là “ước mơ” của đại đa số nhân loại bởi vì bản thân Khổng Tử là một thiên tài và người học được theo thiên tài thì không được mấy và chưa kể cơ địa của mỗi người là khác nhau.

Ông ngoại của bần đạo hơn 90 tuổi, dù sức khỏe không còn tốt nhưng trí nhớ thì vẫn tuyệt vời và khi ông “vùng vẫy”, khối thằng cháu đang tuổi thanh niên cũng không giữ nổi ông (trong khi bần đạo chưa bằng ½ tuổi ông nhưng nhiều khi say dậy không nhớ mình vừa ngủ với ai..he…he…). Hay như phụ thân của bạn bần đạo, cũng gần 90 tuổi mà sức khỏe hoàn hảo, leo cầu thang, chăm cây cảnh, tán chuyện với thanh niên không kém gì một ông 60 – 70 tuổi cả. Nhưng ngược lại, nhiều người tầm 60 – 70 tuổi thôi mà đái không ướt dép đã là một thành tựu vĩ đại.

Đó là nói về các cụ hưu trí, còn các cụ đương chức thì sao?

Kỷ lục về lãnh đạo lớn tuổi nhất thế giới hiện nay có lẽ thuộc về cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad khi tại nhiệm gần nhất lúc 93-95 tuổi. Còn các nguyên thủ ở tầm tuổi U80 đến U90 trên thế giới cũng khá nhiều mà có thể kể ra một số cái tên nổi bật như: thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (tại vị đến (TVĐ) năm 82 tuổi), Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak (TVĐ 83 tuổi), Quốc vương Ả rập Xê út Abdullah (TVĐ 91 tuổi), Bí thư thứ nhất ĐCS Cuba Raul Castro (90 tuổi), Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi (TVĐ 75 tuổi mà vẫn tiệc sex được).. Nhưng náo nhiệt hơn tất cả là “hội người cao tuổi” tại Washington DC với bộ 3: chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi (81 tuổi), tổng thống vừa mãn nhiệm Donald Trump (75 tuổi) và tân tổng thống Joe Biden (79 tuổi).

Rõ ràng, câu nói “tuổi tác chỉ là những con số” luôn đúng với những người lạc quan, khỏe mạnh và hết mình vì công việc. Chính vị vậy, đối với những người “nhi bất hoặc” (như bần đạo..he..he…) thì việc TBT Nguyễn Phú Trọng, giả sử, vẫn tiếp tục cương vị lãnh đạo Đảng, lãnh đạo đất nước là một chuyện rất bình thường nếu xét về mặt tuổi tác.

Thế thì câu hỏi đúng cho việc tiếp tục tại vị của TBT Nguyễn Phú Trọng, giả sử là thế, phải là: Tại sao phải cần ông tiếp tục ở lại? Chả lẽ ĐCSVN không có người kế thừa xứng đáng hay sao? Đây là ý nguyện của tập thể hay ý chí của cá nhân?

Chúng ta đều biết rằng, TBT Nguyễn Phú Trọng là người “nhóm lò”, đã đề ra, dẫn dắt và lãnh đạo một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhất kể từ thời Đổi mới đến nay, song hành cùng nỗ lực chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của ông, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 12.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với gần hàng ngàn bị cáo là Đảng viên, quan chức. Đặc biệt là trong nhiệm kỳ TBT thứ 2 (2016 – nay), với quyết tâm phòng chống tham nhũng quyết liệt, hàng loạt các lãnh đạo Đảng và cán bộ cao cấp đã bị kỷ luật, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị (Đinh La Thăng), 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…), thu hồi gần 80 ngàn tỷ đồng tài sản tham nhũng. Đó là chưa kể quyết tâm làm trong sạch hệ thống thống ngân hàng Việt Nam, và trừng trị lợi ích nhóm trong ngành ngân hàng vốn đã tồn tại trong thời gian qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế của đất nước, đưa hàng loạt đại gia ngân hàng “xộ khám”. 

Thế nhưng điều quan trọng nhất là chiến dịch của TBT đã thu hút được sự ủng hộ nhiệt tình từ các tầng lớp nhân dân, đã củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng CSVN, đánh thức được lòng nhiệt huyết của các Đảng viên chân chính, tạo động lực cho các tập thể Đảng tự hoàn thiện mình… Người ta cho rằng sở dĩ những chỉ đạo của Tổng Bí thư có uy lực lớn, có sức hiệu triệu nhân tâm, một phần vì bản thân ông là một tấm gương thực sự liêm chính trong cả công việc và đời sống.

Chính vị vậy, TBT Nguyễn Phú Trọng không còn đơn thuần là một nhà lãnh đạo Đảng – Nhà nước mà đã trở thành một biểu tượng của công cuộc phòng chống tham nhũng, thanh lọc tổ chức Đảng và là chỗ dựa niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Người dân thấy điều đó thì đương nhiên tập thể lãnh đạo Đảng càng thấu hiểu điều đó. Sự có mặt của ông trên cương vị TBT sẽ tiếp tục là sự kết nối giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, sẽ duy trì niềm tin phấn khởi của người dân vào con đường dân tộc đang đi, nhất là trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh, của suy thoái toàn cầu hiện nay mà nước ta là một trong những điểm sáng hiếm hoi của phát triển kinh tế và an toàn xã hội. Do đó, chẳng có lý do gì để tập thể Đảng không đề nghị ông tiếp tục nhiệm vụ thêm một nhiệm kỳ nữa, dẫu rằng đội ngũ kế thừa vẫn có thể có những nhân tố xứng đáng.

Ý nguyện của tập thể là như thế còn ý chí cá nhân thì sao?

Những kẻ “lấy làm phiền” vì sự lãnh đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng thì khi không thể soi mói ông về tư tưởng, đạo đức, công việc, lại lấy “tham quyền cố vị” hay “đam mê quyền lực” làm nhãn mác để gán cho người.

Chúng ta đều biết rằng, người ta tham vọng quyền lực bởi quyền lợi vật chất hoặc quyền lợi tinh thần. Đối với TBT Nguyễn Phú Trọng, người mà sự liêm khiết của ông đã trở thành một “dị tính” đối với xã hội trong thời đại kim tiền tiêu thụ này rồi thì chắc chắn quyền lợi vật chất không cần phải xét đến.

Còn quyền lợi tinh thần của người đam mê quyền lực là gì? Ở tầm thấp thì là được vỗ ngực “mày biết tao là ai không?” được người ta nể sợ, được quyền sinh quyền sát, được tiền hô hậu ủng,.. Ở tầm cao thì là được người đời trọng vọng, được lưu danh sử sách. Ở vị trí của TBT Nguyễn Phú Trọng bây giờ, thật ra đã có đủ cả cái quyền lợi tinh thần đỉnh cao của quyền lực rồi.

Nhưng liệu đó có phải là mục đích của một ông Chủ tịch quốc hội mà đám cưới con trai cũng không mời cấp dưới (chỉ báo hỷ một số người), một TBT vẫn thường xuyên viết thư tay thăm hỏi thầy cô cũ hay như lời nhận xét của người đồng nghiệp cũ (cấp dưới), nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản là “ông vẫn luôn là người dễ gần, giản dị đến mộc mạc, nghĩa tình, trong sạch, liêm khiết, tận tụy, thủy chung, nhưng cũng hết sức quyết liệt và cực kỳ cẩn trọng. Ông luôn lo cho người khác, còn nỗi buồn, nỗi đau ông cố giữ lại cho riêng mình”?

Người ta thường đánh giá người khác bằng trải nghiệm, bằng tư duy và bằng ham muốn của bản thân nên cũng vì thế, luôn thiếu sót. Có câu “quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn”, cho nên một người ở trên đỉnh cao quyền lực mà không có điều tiếng gì thì không phải vì họ đam mê quyền lực ấy mà là vì họ luôn chú trọng chu toàn trách nhiệm.

Khi La Sơn Phu Tử, người dăm lần bảy lượt từ quan về ở ẩn, chấp nhận xuống núi giúp vua Quang Trung ở tuổi 68, rồi 78 tuổi lặn lội vào Phú Xuân giúp vua Cảnh Thịnh (con vua Quang Trung) thì không phải vì ham mê quyền lực mà vì trách nhiệm với đất nước.

Khi ông già Lý Thường Kiệt, 85 tuổi còn đem quân đi đánh dẹp Chiêm Thành thì đó không phải vì đam mê quyền lực mà vì trách nhiệm với non sông.

Và bất kể người Việt nào có lương tri khi nói về các vị lão thành khai quốc, dù ở tuổi cổ lai hy vẫn tận hiến cho đất nước đến hơi thở cuối cùng (theo đúng nghĩa đen), cũng hiểu rằng đó là vì trách nhiệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vị Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước cho đến khi mất năm 79 tuổi. Chủ tịch Tôn Đức Thắng nắm cương vị chủ tịch nước từ năm 81 tuổi đến khi mất (92 tuổi). Cụ Trường Chinh làm chủ tịch nước đến năm 80 tuổi rồi tiếp tục làm cố vấn Ban chấp hành TW đến khi mất. Cụ Phạm Văn Đồng làm thủ tướng suốt 32 năm cho đến khi 81 tuổi rồi tiếp tục là cố vấn TW đến khi 91 tuổi. Cụ Võ Chí Công làm chủ tịch nước đến năm 80 tuổi rồi làm cố vấn đến năm 85 tuổi. Cụ Nguyễn Văn Linh cũng làm TBT đến năm 76 tuổi, làm cố vấn đến năm 82 tuổi. Cụ Giáp cũng chỉ nghỉ hưu khi đã 80 tuổi. 

Còn nhiều, nhiều lắm các bậc tiền bối cách mạng cực kỳ dẻo dai và tận lực vì trách nhiệm với tổ quốc, với nhân dân chứ không phải vì sự tham vọng quyền lực cá nhân. Và dù có việc đó, tức tham vọng quyền lực, thì quyền lực ấy cũng chỉ là phương tiện để thực hiện cứu cánh vì dân vì nước của họ.

Trách nhiệm của chúng ta chỉ là “ăn ngon mặc đẹp” cho vợ con, của các vị ấy là “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.

Ham muốn của chúng ta chỉ là an dưỡng tuổi già, của các vị ấy là “Bạch đầu quân sĩ lại / Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”.

Hãy biết trân trọng!

01/2021

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍