Vàng Chỉn Cáo trở về Cắn Tỷ. Từ đó trong xã, nhất là thôn Bát Đại Sơn, xẩy ra nhiều chuyện khác thường.

Bắt đầu là 4 lò rèn ở Bát Đại Sơn đỏ lửa ngày đêm. Những khẩu súng kíp, giáp 5, giáp 3, trung chính, được đào lên từ trong các hầm sâu, các hang hốc. Khẩu nào hỏng được sửa chữa ngay. Người ta phá cả chảo gang, nung chì làm đạn. Những cây bố-tử được chẻ ra đốt thành than, trộn với hồng hoàng làm thuốc súng. Ban đêm tiếng gọi nhau í ới, tiếng chân đi lại rầm rập. Ánh đuốc bập bùng trôi trong sương mù bồng bềnh, kéo đi thành vệt như suối đỏ. Thỉnh thoảng tiếng súng nổ vu vơ. Người ta tụ nhau trong rừng vắng, trong các hang sâu, bàn tán, bí ẩn.

Các dân quân giấu súng trong rừng, không chịu nộp cho Mã Chính Lâm.

Một buổi chiều sương mù, trong khu đất rộng, ẩn kín trong rừng Bát Đại Sơn, các thanh niên, trung niên tập trung đông nghìn nghịt, vòng trong vòng ngoài. Có đủ người các xã Cắn Tỷ, Na Khê, Bạch Đích… Trên một tảng đá cao, Vàng Chỉn Cáo đứng thẳng, nói lớn:

– Hôm nay, được lệnh của Lão quan, chúng tôi mời bà con đến đây khai hội làm việc lớn.

Sau khi vạch một loạt những điều mà Cáo gọi là “tội ác của Cộng sản”, Cáo nói:

– Nếu làm được đường Đồng Văn, thì trâu đực đẻ được con, tôi xin lấy đầu làm đòn kê cho bà con băm rau lợn. Bà con có thấy không, Cộng sản lấy người đi làm đường, toàn thanh niên khỏe, trẻ là để rán mỡ đó. Mậu dịch đem mỡ lên đây, toàn là mỡ những người đi làm đường đó.

Tiếng ồn ào, căm thù trào lên, tiếng chửi rủa tục tĩu. Chờ cho tiếng ồn ào bớt dần, Cáo tiếp:

– Địa phương này không có cụ Hoàng, không có chúng tôi coi giữ thì đã tan nát từ lâu rồi. Hồi Nhật, trong hang Thành Thánh nổ một phát súng, hiện ra một lá cờ xanh, một lá cờ vàng. Chúng tôi cúng Thành Thánh một con lợn, một con bò, sau đó ta đánh thắng Nhật. Vừa qua, ở hang Thành Thánh cũng nổ một phát súng, hiện ra hai lá cờ cao bằng núi: một xanh một vàng. Thế là Thành Thánh bảo ta đánh Cộng sản sẽ thắng đó. Hôm vừa qua, tôi lại nhìn thấy trong hang có một ông mặt đỏ râu dài bảo tôi: “Phải đánh lại Cộng sản đi, Thành Thánh sẽ phù hộ”.

Cụ Hoàng sẽ về Hà Nội chỉ huy, liên lạc nhờ các nước giúp ta. Trên này Vua sẽ ra. Đó là đứa trẻ tai dài chấm vai, đẻ ra ba ngày đã biết nói; há miệng, đạn địch rơi hết vào miệng; vãi đậu thành binh. Vì thế, từ giờ trở đi, hễ ai đẻ con phải xem có phải là Vua ra không, báo ngay cho ta biết.

Tôi xin báo cho bà con biết, vừa qua, có ngài Vàng Chúng Dình từ Đại quốc sang giúp ta, chỉ huy quân đội ta. Ngài Tổng Tư lệnh là con Vàng Sáy Hòa. Ngày xưa Hòa theo Mí Chảng đánh Pháp. Mí Chảng có một hòn ngọc có phép lạ. Khi giơ hòn ngọc lên, đạn Pháp bắn ra lập tức thành giấy. Mí Chảng đánh đâu thắng đó. Sau Mí Chảng đánh rơi mất hòn ngọc đó. Sáy Hòa chuyền lại cho Chúng Dình. Bây giờ Chúng Dình còn giữ được hòn ngọc đó nên tất chúng ta thắng quân Cộng sản một cách dễ dàng thôi.

Mọi người nhìn nhau, mặt mày rạng rỡ, tin tưởng. Cáo lấy bốn đẫn tre đóng vào bốn góc trên một mảnh đất nhỏ; lấy bốn nén hương đốt lên cắm vào bốn đẫn tre, rồi rì rầm khấn:

– Thành Thánh hãy phù hộ độ trì cho chúng con bách chiến bách thắng. Súng bộ đội bắn không nổ, súng chúng con bắn đâu trúng đó. Chúng con xin khấn Thành Thánh một con trâu đen, một con lợn, 10 tập giấy vàng, 12 tập giấy bạc, 10 bó hương!

Khấn xong, Chỉn Cáo cầm một con gà trắng trong tay hồi lâu rồi bói. Sau đó, hắn đặt con gà xuống khúc gỗ kê trước mặt. Cáo cầm đầu gà, sai một tên cầm chân gà. Cáo giơ tay chặt phăng đầu gà, vất qua đầu hàng người bao quanh. Cáo hứng tiết gà vào trong một vò rượu rồi lật ngược 4 đẫn tre cắm ngược lại. Cáo quay sang phía những người đứng xung quanh nói lớn:

– Ai theo chúng ta làm việc nghĩa thì sẽ sống. Ai không theo thì sẽ chết như con gà này. Khi nào những ống tre kia sống, ra lá được thì những người không theo ta mới sống được. Bây giờ ta hãy bắn súng lên, nếu nổ thì ta xuất quân đi đánh Cộng sản!

Sau tiếng hô của Cáo, lần lượt 7 phát súng nổ vang, dội vào vách đá. Cáo dõng dạc tuyên bố:
– Thế là Thành Thánh ủng hộ chúng ta. Đồng bào về chuẩn bị lương thực, ngày mai trở đi ta sẽ gác Cổng trời, không cho cán bộ đi qua nữa. Chủ lực quân của ta sẽ đi đánh chiếm các nơi trong toàn khu!

Cáo phong và phân công 22 đại đội trưởng phụ trách phỉ các thôn.

*

Thanh niên, trung niên trong thôn đi họp hết. Những người còn lại lo lắng. Họ đoán rằng sẽ có loạn đến nơi.

Vù Thị Vá, vệ sinh viên của thôn, một cô gái 20 tuổi, cũng trằn trọc không sao ngủ được. Bỗng nghe 7 tiếng súng nổ, Vá vùng dạy. Thấy mẹ vẫn nằm im, đoán đã ngủ, cô len lén mở cánh cửa liếp. Ánh lửa bếp đỏ soi rõ bóng cô trên vách.

Mẹ Vá – bà Thào Thị Song – hé mắt nhìn theo con gái, hoảng hốt gọi:

– Vá, không được đi đâu cả!

Nghe tiếng gọi, Vá đành trở vào nằm xuống bên mẹ. Bà mẹ ôm riết lấy con, lo lắng. Chồng chết, bà nuôi ba con nhỏ. Ba đứa, mỗi đứa một nết. Thằng anh cả, Vù Soa Páo và đứa em út, Vù Thị Mỷ tính nhút nhát, nhu nhược. Còn con Vá này tính bạo dạn quá. Chồng chết được hai năm, bà đem con sang ở với người em chồng tên là Vù Dúng Hòa. Ông giúp bà nuôi con.

Năm Vá 16 tuổi, bà Song đưa con ra ở riêng. Lúc này mẹ con Vá nghèo lắm. Gia sản chẳng có gì. Ba anh em Vá đi làm nương thuê, mỗi ngày chỉ được một ống bắp, không đủ ăn. Anh Vù Sao Páo lấy vợ, không có tiền cưới. Chùng chình mãi, cuối cùng phải vay thịt, rượu một nhà giàu, trả lãi nặng. Cưới xong vợ, anh Páo không có tiền trả. Người chủ nợ vài ngày lại đến nhà chửi rủa.

Hòa bình lập lại, phong trào xã bắt đầu lên. Nhà Vá được cứu tế 15 mét vải, 3 yến gạo. Nhà nước cho vay tiền mua một con bò.

Ba năm bò đẻ được 3 con. Có bò, có ruộng, nhà làm ăn khấm khá, trả nợ. Từ đó, mẹ Vá biết ơn cách mạng. Nhưng anh Vá vẫn lạc hậu. Cán bộ xin cho Vá đi học chữ và thoát ly, anh Páo bảo:

– Con gái đi học với cán bộ rồi chửa hoang mất thôi. Chửa hoang, mang bụng xề, nhà không chứa đâu, ra rừng mà ở!

Vá cãi lại anh:

– Nhờ cách mạng anh mới trả nợ được tiền cưới vợ. Anh không ơn lại còn nói xấu. Còn chửa hoang hay không là tùy người thôi. Khối người ở nhà cũng chửa hoang thì sao?

Ông anh ứ cổ không biết nói sao. Vá được đi học chữ ở Phó Bảng. Từ đó, có cái chữ trong bụng, cô càng hiểu cách mạng tốt như thế nào.

Khi Vá đi học, ở nhà, Sè Sấu, tên tay sai của Cáo đến nói:

– Cách mạng sắp thua rồi, mày theo chúng ta đi thôi! Ở nhà cán bộ nó lên nó giết hết!

Vừa sợ chân tay Cáo, vừa sợ cán bộ, Páo chạy lên rừng ở. Vá học xong, về làm vệ sinh viên xã. Bà mẹ nói với Vá:
– Thằng anh mày sợ cán bộ, lên rừng ở rồi.

Vá lên rừng. Lặn lội tìm kiếm mãi mới gặp anh:

– Anh lên đây ở với con ma con quỷ. Con hổ nó bắt thì sao? Mẹ mong anh đấy!

Páo về nhà. Sè Sấu đến bảo:

– Cách mạng sắp thua rồi, mày cứ ở nhà chờ chúng tao! Páo tưởng thật, nói với Vá:
– Cách mạng nó sắp thua rồi, tao không phải trả tiền vay mua bò nữa!

Vá bực bội nói:

– Nhờ cách mạng mà ta có 3 con bò, anh có tiền trả nợ cưới vợ, không có thì cứt gà cũng không có dính chân đâu! Sao anh định phản lại cách mạng thế?

Mấy hôm nay, Vá thấy bọn chân tay Cáo đến nhà luôn. Tối, chú Hòa, anh Páo rủ nhau đi vào rừng. Vá đoán có chuyện hội họp. Lại nghe 7 phát súng. Vá biết chúng nổi phỉ rồi, toan chạy đi báo cán bộ bên Ủy ban trên huyện. Bị mẹ giữ lại, Vá nằm mà bụng nóng như lửa đốt. Làm thế nào đây?

Nửa đêm chú Hòa về gọi. Mẹ Vá ra mở cửa. Vá vờ ngủ nằm im. Chú Hòa bảo mẹ Vá ra ngoài vườn, nói:

– Ông Cáo bảo, cán bộ Kinh, Thổ bị giết hết rồi. Ông giao cho tôi phải giết con Vá đấy, nó đâu rồi?

Bà mẹ nói:

– Mày không biết họ Vù ta à? Nếu một người bị súng bắn, dao chém, buông sông thì người giết nó sau này cũng bị súng bắn, dao chém, buông sông à?

Chú Hòa nói:

– Tôi giết xong, mua dê làm lễ thì không sợ như thế đâu.

– Mày mua dê làm lễ thì cũng chỉ được một vài năm thôi, rồi con ma nó vẫn làm mày.

Chú Hòa vẫn không nghe, khăng khăng đòi giết Vá. Mẹ lo quá, quát:
– Mày giết nó thì mày giết tao trước đi!

Người chú im lặng suy nghĩ rồi nói:

– Thôi được, tôi tha cho nó, nhưng bảo nó không được đi đâu. Nó ra khỏi nhà, bọn chúng bắt được, giết ngay!

Bà mẹ trở vào cứ trằn trọc mãi, lo lắng. Vá thuyết phục mẹ:

– Đấy mẹ xem, con ở nhà rồi trước sau nó cũng giết. Mẹ cứ để con đi!

– Nhưng không thoát được khỏi tay chúng, chúng gác hết các ngả đường rồi.

– Mẹ cứ yên tâm, con đi được mà!

Vá lấy túi lanh bỏ một bộ váy áo vào rồi từ biệt mẹ ra đi. Bà mẹ vào nhà, lấy vạt áo chấm nước mắt.

Vá băng rừng, tìm đường mòn, về Quản Bạ báo cho Ủy ban và các đồng chí công an biết. Lương Phượng Kim (trinh sát của Ty), Trịnh Văn Sầu (công an huyện Đồng Văn) khoác ba lô lên đường vào Bát Đại Sơn điều tra tình hình.

Vá nói:

– Các anh lên, có hai người, chúng giết mất!

Hai người nói cho Vá yên tâm rồi ra đi.

Đi được nửa ngày đường, họ ngồi nghỉ trên một tảng đá cạnh lối mòn, nhìn về phía Bát Đại Sơn trùng điệp. Sầu nói với Kim:

– Tao những sáu anh em trai, không sợ rồi, nhưng mày con một, chưa con cái gì, mày nghĩ kỹ lại xem, mày có sao, không lấy ai hương khói cho ông bà. Tao nói tình thực.

Kim mắm môi. Những nốt rỗ trên mặt đỏ hồng:

– Con nhà Công an cả, sợ gì!

Hai người cùng cười, hăng hái đi tiếp.

Các con đường chính đã bị phỉ gác. Chúng chặt cây, chặn các ngả. Tiếng dao chặt, tiếng gọi nhau í ới. Hai người bước vào nhà trưởng thôn Pờ Cha Lủng. Nhà vắng tanh. Giữa lúc đó, từ phía sau có tiếng hô:

– Bọn Cộng sản đã đến, bắt đi!

Biết có biến, Sầu và Kim quay ngay ra cửa, theo lối mòn chạy đi. Tiếng bước chân bọn phỉ rầm rập đuổi theo. Tiếng hò hét loạn xạ.

Kim rẽ vào rừng, còn Sầu chạy vào nhà người dân là Hồ Chúng Pao. Trời đã tối. Chúng Pao và vợ đang ngồi đồ mèn mén. Sầu nói nhanh:

– Bọn phỉ đang đuổi bắt tôi!

Thấy tình trạng khẩn cấp, ông Pao bảo vợ ra đóng cổng rồi dẫn Sầu ra chuồng bò. Ông bảo Sầu ngồi vào góc chuồng, lấy cây bắp khô che lên trên. Ông soi đèn nhìn vẫn thấy chân Sầu thò ra.

Bọn phỉ chạy đến, đập cổng thình thình:

– Mở cổng mau, mở cổng mau, không có chúng ông đốt nhà bây giờ!

Bà Pao chạy vào chuồng bò nói với chồng:

– Ông dẫn cán bộ ra hang sau nhà đi. Tôi giữ cổng.

Bà đứng sau cổng chùng chình không mở. Ông dẫn Sầu ra hang sau nhà rồi chạy về. Lúc này bà mới mở cổng. Bẩy tên phỉ ập đến chĩa súng vào ngực hai ông bà:
– Sao gọi mãi không mở cổng, muốn về với tổ tiên hở!

– Chúng tao không nghe tiếng!

– Thằng cán bộ vừa chạy vào đây đâu? Đưa nó ra đây. Không có chúng ông đốt nhà, giết hết!

Bà ngơ ngác:

– Có đứa nào đâu, chúng chạy đâu ấy chứ!

– Thật không, chúng ông tìm thấy thì sao?

Ông kiên quyết:

– Thật, nếu tìm thấy tao xin chịu tội!

Bọn chúng sục sạo tìm kiếm. Cào hết đống bắp, xục ra chuồng bò, chuồng ngựa nhưng không thấy gì. Chúng dọa nạt một lúc rồi đi ra.

Chờ cho chúng đi xa, ông Pao ra sau nhà dẫn Sầu về. Ông đóng chặt cổng, thả bốn con chó canh xung quanh nhà, sai hai đứa con trai ra giữ cổng.

Ông bảo vợ mổ gà, múc rượu cho Sầu uống rồi bàn với bà:

– Ở đây không ổn, ta làm thế nào để chúng khỏi bắt cán bộ hở bà?

Bà Pao suy nghĩ một hồi rồi nói:

– Tôi sẽ dẫn cán bộ, đúng giữa đêm thì đi.

– Bà không sợ chúng giết à?

– Sợ thì cán bộ bị giết mất!

Ăn cơm xong, Sầu nằm trong nhà. Chốc chốc tiếng súng nổ phía Cổng Trời phá tan bầu không khí yên tĩnh.

Nửa đêm, bà Pao dậy, gọi Sầu đi.

– Thấy đuốc chúng bắt bà mất!

– Không lo, cán bộ đi. Tôi đi trước, cán bộ đi sau, cách nhau khoảng nửa trăm bước. Hễ nghe chúng hỏi tôi thì cán bộ nấp vào trong bụi. Tôi ra hiệu thì đi vòng sau lưng. Trời rét thế này chúng chẳng ra khỏi hang đâu.

Quả nhiên, khi đi qua trạm gác của phỉ, mấy tên ngồi bên đống lửa trong hốc đá hỏi vọng ra:

– Đứa nào đi đêm thế kia?

Bà thản nhiên trả lời:

– Chồng tao ốm sắp chết, tao phải đi lấy thuốc đây!

Nhìn qua bà một lượt, chúng tin là thực. Bà cho chúng chai rượu. Chúng mừng rỡ chúi vào trong hang uống. Bà ra hiệu cho Sầu đi theo ánh đuốc chập chờn phía trước.

Trời gần sáng, họ tới cửa rừng. Bà chỉ đường nói:

– Đến chỗ này là chúng hết gác rồi, cán bộ hãy về báo cáo với Cách mạng lên mà đánh nó, cứu chúng tôi!

Nói rồi, bà đưa cho Sầu một gói bánh ngô, một bi-đông rượu để anh ăn đường. Sầu nhìn bà, không biết nói thế nào để cảm ơn. Bà quay về. Ánh đuốc mờ dần rồi khuất vào vách đá. Gió rít, hất mạnh vào ngực anh. Tuyết rơi rào rào xuống đầu.

*

Tìm mãi không thấy Kim và Sầu, bọn phỉ quay về. Tên chỉ huy thưa với Vàng Chỉn Cáo:

– Thưa Người già, hai tên Cộng sản trốn mất rồi.

Cáo bực bội quát:

– Chúng mày là đồ ăn hại, mới mở đầu mà đã thất bại rồi. Lần sau còn thế, tao chém đầu!

Cáo phân công bọn đi đánh Yên Minh, Bạch Đích rồi về nhà nghỉ. Vừa về đến nhà, một tên phỉ chạy đến báo:
– Cụ Hoàng qua Cổng Trời về Hà Giang. Cụ bảo tôi về nhắn ông ra gặp cụ, có nhiều việc cần
dặn.

Vàng Chỉnh Cáo lên ngựa đi ngay.

Ra đến đầu cầu, Cáo gặp Hoàng đang ngồi trên kiệu có bốn người khiêng đi về phía Quản Bạ. Mỹ Thuận ngồi cáng đi sau. Một bầy lính cắp tráp thuốc phiện, bàn đèn, rượu thịt lóc cóc chạy theo.

Hoàng vào mã-tim(1) nghỉ. Người chủ đem nước nóng cho hắn rửa chân. Mỹ Thuận lúi húi gọt lê.

Cáo ngồi xuống bên bàn đèn, hỏi:

– Sao Lão quan lại đi Hà Nội sớm thế?

Hoàng chậm rãi, ề à:

– Đáng lẽ ta chưa đi, nhưng các anh làm sớm quá, ta phải đi thôi. Ở lại đây, chúng nghi ngờ, hỏng việc lớn. Anh cứ tin ở ta. Anh đã làm tổng giáp, rồi chủ tịch, dưới quyền ta, ta không bỏ rơi anh đâu. Sẽ có Chí Song, Chí Ân lên ngay thôi. Vừa qua họp xong, anh về đã thực hiện chưa?

– Thực hiện rồi ạ!

– Ai thực hiện?

– Chúng con cùng dân.

– Tốt rồi!

Hoàng nhặt miếng lê, vừa ăn vừa nói:

– Cái cốt nhất là kích được bọn dân nó làm. Sức mình có mấy, tất cả bọn dân nó nghe theo thì lấy được huyện. Anh ở đây là nơi đầu sóng ngọn gió, bọn Cộng sản sẽ tập trung quân đông lên đây. Mất Cổng Trời thì mất tất. Phải cố giữ thì anh em trên kia mới làm ăn được. Nhớ lấy! Về Hà Nội, đồng bằng không có rừng núi, hang hốc để trốn, nguy hiểm, nhưng ta vẫn phải về, dù có chết cũng phải về để lo đại sự! Còn kế hoạch đánh thế nào, anh hãy bàn với Mã Học Văn, Vàng Chúng Dình.

Nói rồi Hoàng lên kiệu. Bốn người khiêng nặng nhọc chạy đi. Mỹ Thuận ngồi cáng đi theo.
Một lũ lính hầu cắp tráp, bê bàn đèn, vác súng chạy theo.

Cáo về ngay Cổng Trời, ra lệnh cho phỉ chặt thêm cây xếp trước cổng.

Bọn phỉ hì hục xếp dàn đá, sửa sang lỗ châu mai. Chúng không quên tải thêm rượu, thịt, ăn uống no say, hát xướng ầm ĩ, man rợ.

Huyện ủy Đồng Văn cử một đoàn cán bộ gồm có các cán bộ Ủy ban Trương Liên Quân, Ngô Hán Hòa; Chính trị viên huyện đội Lệnh Quốc Tính; chiến sĩ công an vũ trang Giàng Páo; y tá Lương Huy Đỉnh lên Cổng Trời xem xét tình hình và điều đình với phỉ.

Đoàn người từ Yên Minh theo đường Pa Pao đi lên.

Đang đi lưng chừng dốc Pa Pao, họ bỗng nhìn thấy nhấp nhô sau các tảng đá có những chiếc mũ nồi, những họng súng. Vừa lúc ấy, một tiếng quát:

– Chúng mày lên đây làm gì? Về đi, lên đây chúng tao bắn chết!

Mọi người dừng lại, để cho Ngô Hán Hòa gọi chúng. Ngô Hán Hòa khum tay làm loa, nói bằng tiếng Mèo:

– Đoàn cán bộ Ủy ban lên gặp các anh đây!

Tiếng phỉ nói vọng lại:

– Không được! Lên, chúng tao bắn!

Giàng Páo nói với anh em:

– Để tôi đi trước, may ra gặp được chúng. Tôi là người Mèo mà!

Nói rồi, Páo xăm xăm đi lên.

Đoàng, đoàng… một tràng súng nổ vang. Páo trúng đạn ngã xuống bên đường. Một dòng máu đỏ tươi thấm mặt đá xanh. Liên Quân bò lại gần Páo:

– Páo! Páo! Bám vào tôi! Páo lắc đầu, mệt mỏi:
– Tôi sắp chết rồi, anh chạy đi! Đừng vì tôi mà…

Liên Quân phân vân không muốn rời người con trai Mèo hiền lành, rất yêu quê hương, đồng
đội.

Thấy Liên Quân phân vân, Páo giục:

– Anh chạy đi, chúng nó xuống kìa!

Tiếng hò reo của phỉ nổi lên man rợ. Liên Quân lăn xuống dốc, khuất vào bụi cây rậm rạp.

*

Gần một phiên chợ sau, Vàng Chỉn Cáo đang đốc thúc phỉ canh gác nghiêm ngặt Cổng Trời thì Ân đi lên, nói với hắn:

– Cụ Hoàng về đến Hà Giang thì tỉnh ủy nhận được tin các anh đóng Cổng Trời, bắn chết cán bộ của chúng. Chúng đã gặp, nhờ cụ lên điều đình với các anh. Chúng cho người cáng cụ lên Quản Bạ rồi cử tôi lên đây điều tra giúp tỉnh nắm tình hình và khuyên bảo các anh mở Cổng Trời. Cụ sai tôi gọi anh về gặp cụ.

– Cụ định dặn dò gì chúng tôi? Chả lẽ cụ bắt chúng tôi đầu hàng hay sao?

– Các anh cứ lên thì khắc biết! Có điều cụ dặn là phải tỏ ra khẳng khái, oai phong.

Cáo mặc quần áo chiến. Chiếc áo ca-pốt dạ nhà binh của quan đồn binh Tây bán lại, chiếc quần chẽn. Đầu đội mũ cát két dạ. Một chiếc thắt lưng to bản, thêu chỉ ngũ sắc thắt chẽn ngang lưng. Hai băng đạn chéo trước ngực. Khẩu súng pọoc kè kè bên hông. Ngang lưng đeo khẩu súng trường. Trông thật oai phong lẫm lẫm, tương phản với thân hình nhỏ bé, bộ mặt choắt, đanh.

Xóa Mỷ và 7 tên lính Mèo mặc quần áo tả-pú đen, đội mũ nồi, chân đi hài xảo, súng trên lưng, đạn vắt chéo trước ngực, chia thành hai hàng đi hộ vệ hai bên Cáo.

Xóa Mỷ hỏi Cáo:

– Thưa chủ tướng, nhỡ bọn Cộng sản bắt chúng ta thì sao?

Cáo lắc đầu:

– Có Lão quan ở đó, chúng không dám bắt chúng ta đâu. Nếu như chúng nó có ý gì khác, chúng ta đánh lại đến cùng, hiểu chưa? Phải đề phòng.

Cáo đi đến phố Quản Bạ. Đoàn người ngựa dừng lại trước cổng ủy ban xã, xuống ngựa chờ
đợi.

Một người dẫn chúng vào gặp Hoàng trong căn phòng kín. Phòng không có ai, chỉ có mình Hoàng đang nằm bên bàn đèn.

Để bọn phỉ đứng canh ở ngoài, Cáo bước vào, cúi rạp người chào Hoàng rồi thưa:

– Chúc Lão quan vạn tuế! Chẳng hay Lão quan cho gọi bọn tôi tớ chúng con đến có việc gì chỉ bảo ạ?

Hoàng vẫn nằm yên bên bàn đèn, vẫy tay ra hiệu cho Cáo khép cánh cửa kín lại rồi đến bên
hắn.

Hoàng nói khẽ:

– Ủy ban tỉnh nhờ ta lên bảo các anh khai cái Cổng Trời, giải tán. Ta nhận lời là sẽ lên đây khuyên bảo các anh…

Hoàng ngừng lại nghĩ. Cáo chưa hiểu, hỏi:

– Thưa Lão quan, thế thì trái những điều Lão quan ra lệnh trước đây?

Hoàng ngắt lời:

– Hãy khoan, ta chưa nói hết lời. Đấy là chúng bảo ta thế. Ta nghĩ, từ chối cũng không được, mà chúng sinh nghi. Tương kế tựu kế, nhân cơ hội này ta lên hỏi cho tường xem các anh làm đến đâu rồi. Nên nhớ trước sau phải như nhất. Đánh Cộng sản đến cùng. Dù có chết cũng không bỏ dở, hiểu chưa?

Chỉn Cáo trút hơi thở nhẹ nhõm, khuôn mặt choắt tươi tỉnh hẳn lên:

– Dạ, đa tạ Lão quan! Thưa Lão quan, vừa qua chúng con đã bố trí quân đóng chặt Cổng Trời, không cho bất cứ đứa nào qua. Một đoàn cán bộ bưu điện vác dây đi qua, chúng con đã thu hết dây để làm thừng trâu, bắt chúng quay về. Một đoàn thứ hai thồ thư lên, chúng con tịch thu hết cho lính lấy giấy chùi súng. Đoàn cán bộ có Ngô Hán Hòa dẫn lên, chúng con bắn chết một đứa, chúng chạy hết.

Hoàng khen:

– Khá lắm, các anh làm thế là tốt. Phải giết chúng nhiều hơn nữa mới hả dạ!

– Từ giờ về sau, ý Lão quan thế nào?

– Theo ta, các anh phải cố gắng giữ Cổng Trời. Đứa nào bảo cũng không được mở. Thằng Mã Chính Lâm có lên thì báo cho Mã Học Văn. Văn bảo thì Lâm chịu bó tay. Ân lên có sai mở, chẳng qua chỉ nói để che mắt bọn Cộng sản thôi. Trước mặt ủy ban, ta có ra lệnh cũng không được mở. Ta chỉ nói vờ thế thôi. Đời nào ta lại cầm roi ngựa quật vào mình. Đứa nào mở ta sẽ xử tử. Đứa nào mở, anh cứ tiền trảm hậu tấu, nghe chưa!

– Dạ!

Bàn với Hoàng xong, Cáo được gặp chính thức Hoàng. Trước các cán bộ ủy ban, Hoàng khuyên Cáo:

– Chúng bay nổi loạn, đóng Cổng Trời là không tốt. Chính phủ nuôi dưỡng chúng bay để làm phản à? Ta ra lệnh cho chúng bay phải mở Cổng Trời, giải tán, để cán bộ lên, dân tình yên ổn làm ăn. Phải mở ngay, nghe chưa! Không mở, ta lên trị tội, hiểu chưa?

Vàng Chỉn Cáo chắp hai tay trước ngực:

– Thưa ủy ban, thưa cụ chủ tịch bọn dân quân nó làm. Cụ đã dạy như vậy, chúng con xin về bảo chúng mở Cổng Trời ngay ạ!

Hứa xong, Cáo lên ngựa. Đi một quãng xa, hắn quay mặt lại chửi:

đấy!

– Mở Cổng Trời à? Đừng hòng! Lên đây mà mở, ông thách chúng mày mang quân lên đây

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn