Vàng Chúng Dình chỉ huy các tướng phỉ vây hãm, tấn công phố Đồng Văn.
Xung quanh phố, trên gác đồi đất đỏ, các đỉnh núi cao, phỉ chia thành từng tốp, chặn tất cả các ngả đường dẫn vào Đồng Văn. Những ngọn cờ trắng vật vờ trên đỉnh núi cao, khích lệ phỉ và “làm hiệu cho máy bay Mỹ – Diệm bay qua thả dù tiếp tế lương thực, vũ khí” như Tổng tư lệnh nói.
Sương mù vừa tan, chúng toan tổ chức tấn công vào phố lần thứ hai, thì một tên phỉ phi ngựa đến báo:
– Thưa ngài tổng tư lệnh, có một toán quân Cộng sản từ Săm Pun tiến về phía ta!
Vàng Chúng Dình liền sai Sàng Sấn chia phỉ đi mai phục đón bắt địch quân. Đó là các chiến sĩ công an vũ trang đồn Săm Pun đến cứu Đồng Văn.
Thượng sĩ Mai Xuân Hùng dẫn đầu.
Hùng là người Kinh, quê ở Ninh Bình. Tám tuổi, bố mất, mẹ đi bước nữa, Hùng ở với bố dượng. Năm 17 tuổi, Hùng xin đi bộ đội, lên đóng ở Đồng Văn. Ở đây, anh trở thành người thân thuộc với bà con trong phố. Lúc này đồn chưa sửa sang. Anh trú quân trong một nhà dân. Ông chủ nhà quê ở Vĩnh Phú. Hồi bé, ông bỏ nhà, theo một người lên vùng này làm thuê sinh sống. Ông có cô con gái tên là Nga. Thương Hùng mồ côi, hiền lành, chăm chỉ, cô yêu anh. Hai người đang yêu nhau thì anh chuyển từ bộ đội sang công an vũ trang, làm Đồn trưởng đồn Săm Pun.
Hai người yêu nhau thắm thiết. Những ngày nghỉ, Hùng xin phép đơn vị, vượt qua 24 cây số đường núi về thăm Nga.
Sáng nay, Hùng cùng tiểu đội đi tuần tra dọc theo biên giới. Bỗng tiếng súng nổ ở phía Đồng Văn. Các anh lắng tai nghe ngóng. Hùng nói:
– Có lẽ phỉ nổi lên ở Đồng Văn rồi!
Các anh vội vã báo cáo ban chỉ huy xin lên đường về cứu Đồng Văn. Giữa lúc ấy, một chị ở gần đồn, vừa đi chợ Đồng Văn về, hốt hoảng báo:
– Tôi vừa đến Đồng Văn thì thấy phỉ đánh vào. Đông lắm, có đến hàng trăm tên. Nó vào đến bãi tập bóng ấy!
Hùng vội tập hợp anh em trong đồn. Đồn chỉ có 14 người, anh để lại 5 người giữ đồn, còn 9 đi cứu Đồng Văn.
Mai Xuân Hùng dẫn 8 chiến sĩ: Giàng Mí Quả, Vương Văn Cảnh, Nguyễn Văn Hội, Phúc Văn Hiền, Tần Xéo Sầu, Nguyễn Văn Hưởng, Lý Mỉ Sán, Hoàng Đình Tương ra đi. Hùng làm tiểu đội trưởng. Quả làm tiểu đội phó.
Hùng nhìn anh em:
– Vào đến bãi tập, tức là nó chiếm Đồng Văn rồi. Chúng ta có nhiệm vụ lấy lại Đồng Văn. Lực lượng ta quá mỏng, địch đông, quen rừng núi. Ta phải gắng sức!
Anh em biết rằng đi ngựa dễ lộ, nên bỏ lại, hành quân bộ.
Giữa trưa các chiến sĩ đến cầu Má Pắng vắt qua sông Nho Quế. Có người bàn nên vượt cầu.
Hùng nói:
– Nếu ta vượt cầu, địch có thể phục kích, bắn ta. Ta phải tìm chỗ nước xoáy nhất, bờ sông dựng đứng, hiểm trở nhất, vượt qua, địch sẽ không lường được.
Anh em nhất trí, lẳng lặng đến đoạn sông sâu nhất, lấy ni-lông làm phao chở súng vượt qua. Sau khi dũng cảm đánh tan một toán phỉ chặn đường, tiểu đội tới đồn Quan Hoàng.
Từ các ngả, bọn phỉ chỉ huy nhìn thấy, bọn phỉ bắn vào đội hình các chiến sĩ. Đạn bay sát trên đầu. Tần Séo Sầu đeo chăn trên lưng. Một viên đạn bắn trúng, đứt sợi dây. Giữa lúc đó, phỉ hò nhau xông lên bắt sống các chiến sĩ.
Hùng nói với Giàng Mí Quả:
– Tôi dẫn một số chiến sĩ lên. Nếu có sao, đồng chí thay tôi chỉ huy anh em!
Dứt lời, Hùng lấy mũ chụp trên lưỡi lê, giơ cao. Một loạt đạn bắn vào mũ. Hết loạt đạn, Hùng vẫy tay, anh em lao lên vận động về phía đồn. Người còn lại theo Quả vượt lên. Tất cả nhảy qua tường vào phía trong.
Vào đồn, các chiến sĩ gặp các anh: Bách (cán bộ huyện ủy), Kiềm (công an), Sùng Vạn Phòa (chủ tịch xã), Phùng Tiến (chính trị viên xã đội), Lục Văn Hương (cán bộ ủy ban xã)… đang chỉ huy dân quân và nhân dân phố Đồng Văn chống phỉ.
Đêm xuống.
Bóng tối phủ dầy. Những bông tuyết rơi lả tả. Gió hú dài từng cơn. Phỉ đốt lửa thành từng cụm. Từ dưới phố nhìn ra xung quanh, ngang sườn núi, người ta thấy những đóm lửa lập lòe, lập lòe làm thành một vành đai lửa bao quanh. Chốc chốc, từng loạt súng nổ vu vơ.
Thỉnh thoảng một vài tên do thám phỉ, lẻn vào nhà nhân dân vùng ven, thăm dò lực lượng trong phố.
– Bộ đội ở dưới phố nhiều không?
Đã được dặn trước, người dân hoảng hốt trả lời, dọa:
– Ú, bộ đội nhiều lắm lố!
– Súng nó có nhiều không?
– Ú, súng nhiều và to lắm lố!
Trong khi đó, các chiến sĩ căng mắt nhìn vào đêm sâu, đề phòng địch tấn công.
Ai nấy đều lo ngại vì lực lượng của ta quá mỏng. Ngoài chín chiến sĩ công an vũ trang được trang bị súng K.50, còn dăm chục dân quân toàn dùng súng trường, mút-cơ-tông và lựu đạn.
Sáng hôm sau, phỉ chia thành tám mũi tấn công vào phố.
Bắt đầu là những hồi tù và lảnh lót vang lên “tu hút”, “tu hút”, nghe man dại. Sau đó là tiếng súng các loại ầm ầm nổ. Tiếng súng trường bắn tỉa xen lẫn tiếng liên thanh, cối 60 ly. Kế tiếp, phỉ theo các mũi ùa xuống, hò la, chửi rủa.
– Bọn Cộng sản, bọn Thổ ra hàng đi, không hàng, chúng ông giết không còn một mống!
Phỉ khép chặt vòng vây.
Mũi phỉ từ Phó Bảng sang tấn công vào đầu phố. Quả bắn ba phát súng, nhưng vì trời rét quá, dầu đóng băng, súng không nổ. Quả bình tĩnh đốt lửa, hơ súng cho đầu chẩy ra, bắn tiếp.
Từ ngôi nhà gác, Hùng chạy ra bắn liền năm phát. Ba tên phỉ trúng đạn lăn ra đường. Số còn chạy ngược lại. Quả bắn một băng. Thêm nhiều tên ngã, chúng chùn lại. Phía giếng nước, một tốp phỉ len theo vách đá xông xuống. Tần Séo Sầu cùng các dân quân bắn tỉa rất chính xác. Ba thằng trúng đạn. Bọn còn lại nấp vào khe núi bắn ra.
Sáu mũi khác cũng bị các chiến sĩ công an và dân quân quét mạnh. Phỉ đành ra hiệu lệnh thu quân.
Đêm ấy, chúng đốt lửa thay nhau canh gác.
Sáng hôm sau, chúng tập trung quân, chia làm ba mũi, lợi dụng sương muối, tấn công xuống. Lý Nhè Lùng chỉ huy phỉ tiến sát chân tường đồn. Nhiều tên leo lên. Các chiến sĩ dùng lưỡi lê xỉa vào mặt, hắt chúng xuống. Có tên áp bụng vào lỗ châu mai ở đồn. Các chiến sĩ dí súng vào tận bụng chúng, bóp cò.
Hùng, Phùng Tiến và một số dân quân chạy sang nhà châu đoàn Toại. Từ đó, chĩa súng về phía đồn nhả đạn vào những tên nấp ở chân tường.
Địch ùn vào phía chân tường.
– Lựu đạn! Tiếng hô của Hùng vọng ra. Các chiến sĩ ném ngay. Tiếng lựu đạn nổ vang, khói mù mịt.
Bọn phỉ không thể vượt qua tường. Tất cả dân chúng trong phố, cả cụ già, trẻ em, phụ nữ tiếp đạn cho các chiến sĩ.
Bọn địch chết và bị thương nhiều liền rút lui.
Các chiến sĩ kiểm lại, thấy đạn đã hết. Mỗi khẩu súng chỉ còn lại vài chục viên, không thể chống lại một cuộc tấn công nữa của phỉ. Làm thế nào đây?
Bách băn khoăn:
– Cần có một người về Phó Bảng xin đạn. Phỉ vây kín các ngả đường, ai đi bây giờ?
Giữa lúc đó, người chủ nhà là Vàng Mí Hầu, nghe thấy, nói với anh Bách:
– Để tôi đi!
Mọi người nhìn Hầu ái ngại. Đó là một người Mèo, trên 40 tuổi, nghiện thuốc phiện nên người gày còm. Anh ta góa vợ, một mình nuôi hai con nhỏ: thằng Khá 4 tuổi, con Vá đang lẫm chẫm tập đi.
– Anh còn phải nuôi con, để người khác đi thôi! – Anh Bách nói. Mí Hầu lắc đầu, cả quyết:
– Tôi là người Mèo, biết nói tiếng Mèo. Nếu phỉ bắt được, tôi biết cách nói với nó, tôi đi được!
Anh em can ngăn mãi, nhưng Mí Hầu nằng nặc xin đi. Anh Bách phải nhận lời. Mí Hầu lấy túi khoác lên người. Thằng Khá thấy thế liền hỏi:
– Bố đi đâu?
Mí Hầu ôm con vào lòng, vuốt mái tóc đỏ hoe của nó, lấy bắp luộc bỏ trong mủng đưa cho con và dỗ:
– Bố đi mua bánh chưng về cho con đây. Hai đứa chơi với nhau, đừng khóc, bố về ngay thôi!
Thấy bố đi, con Vá cứ bíu lấy vai đòi theo. Mí Hầu nựng con. Trời tối, anh lẻn ra cửa, lao vào màn đêm.
Ngoài trời gió rét, sương giá, tuyết bay lả tả.
Bọn phỉ quây lại bên đống lửa, quấn chăn chùm kín cả người. Những tên gác đường ngủ gà ngủ gật, khẩu súng lắc lư trong tay.
Nghe tiếng động, chúng choàng dậy, bắn vu vơ rồi lại chúi vào bên đống lửa cháy rực. Không thể đi đường chính, Mí Hầu phải vượt trên 30 cây số đường rừng về Phó Bảng.
Lúc này, Phó Bảng cũng đang bị de dọa; không có người, vũ khí tiếp viện, giải vây cho Đồng Văn. Huyện đội chỉ cho được 300 viên đạn.
Mí Hầu lấy ruột tượng bọc đạn, quấn quanh mình, khoác áo tơi, tìm đường về Đồng Văn.
*
Vàng Chúng Dình, Giàng Sàng Sấn và Lý Nhè Lùng từ trên mình ngựa nhảy xuống. Chúng vừa đi thị sát trận địa về. Chúng Dình bực bội nhìn về phía Đồng Văn, đôi mắt sáng hằn lên những nỗi bực tức, trên trán hiện lên những vết nhăn. Hắn chỉ tay về phía phố:
– Bọn kia to gan lớn mật thật! Có vài chục đứa chứ mấy mà dám cả gan chống cự với hàng trăm quân sĩ của ta. Bọn dân Thổ cũng theo chúng đến cùng. Ta phải làm cỏ cái phố này!
Hắn quay sang Sàng Sấn và Nhè Lùng:
– Chúng ta đã mở nhiều đợt tấn công dũng mãnh như thế mà không vào được, có lẽ ta thiếu đại bác và súng máy chăng?
– Thưa tổng tư lệnh, giờ phải làm thế nào ạ? – Sàng Sấn hỏi. Dình ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
– Phải cho người xin thêm đại bác và liên thanh.
– Một mặt ta cho người đi xin vũ khí, một mặt biên thư cho Lương Huy Sì ở trong phố Đồng Văn. Sì trước là tổng giáp của Lão quan, sau đó làm chủ tịch xã. Hiện ở trong phố, nhưng hướng về phía ta. Thế nào Sì cũng làm nội ứng cho ta. Sì dẫn đường thì ta mới lấy được Đồng Văn dễ dàng – Sàng Sấn nói.
Vàng Chúng Dình gật đầu, một mặt sai thư lại viết thư cho Lương Huy Sì, một mặt nói Lý Nhè Lùng cử người chuẩn bị mang thư xin vũ khí. Lý Nhè Lùng chưa hiểu Dình sẽ xin súng ở đâu, hỏi:
– Xin ở đâu bây giờ, thưa chủ tướng? Các nơi đều nổ súng đánh Cộng sản, đều cần súng đạn, lấy đâu cho ta?
Vàng Chúng Dình cười giải thích:
– Các anh không biết à? Cụ Hoàng trước khi đi có nói với tôi, cụ còn một kho súng chôn cất từ lâu, chờ đánh Cộng sản. Kho súng ấy do Thào Sè Na canh giữ. Khi nào cần đến, cứ viết thư cho Na, Na sẽ cung cấp cho ta!
Cả bọn thán phục Dình, cho hắn nắm vững tình hình quân lực Đồng Văn.
Một tên viết chữ đẹp được cử làm thư lại. Nó tìm mặt đá bằng, cởi chiếc áo choàng chùm lên thay chiếu, rút trong ống gỗ ra một chiếc bút lông, một nghiên mực. Lý Nhè Lùng tháo bi-đông đeo bên hông, rót rượu vào nghiên. Tên thư lại mài mực rồi phủ phục hí hoáy viết. Vàng Chúng Dình vừa nghĩ vừa đọc. Một lúc sau thư đã được thảo xong.
Thào tiên sinh tôn kính! Thưa ngài.
Hiện nay chúng tôi đã ở Đồng Văn, đang ra sức chiến đấu. Ngày 12-12 hướng tấn công vào đồn, chưa tấn được vào vì người Thổ ở phố, dưới sự lãnh đạo của lão Sùng Vạn Phòa đã tích cực chống cự cho nên chưa tấn công được. Vì rằng thiếu thốn súng đạn, cho nên yêu cầu ngài và vương công anh hùng bàn bạc, đặc thỉnh giúp đỡ chúng tôi biện pháp giải quyết. Đặc biệt, nay cần cho chúng tôi đầy đủ súng ống, đạn dược thì mới có thể đảm bảo sự thắng lợi của cách mạng, nếu không thì không thể nào được. Trong tình hình sống chết đấu tranh thì cần phải có vũ khí thì mới bảo đảm.
Đồng Văn hiện nay trong ủy ban, đồn, mậu dịch, số cán bộ và bộ đội cộng đoán phải có hàng trăm tên. Chúng nói nếu không tiêu diệt được bọn người Mèo thì không nghỉ. Cho nên mấy hôm nay bọn người Thổ phối hợp với cơ quan Cộng sản chống cự với chúng tôi rất ác liệt. Ngày 13 địch phương bắn thương bên ta mười người. Ngày 12 đến 13, bên ta bắn chết bên địch năm người bắn thương chúng mười người. Trên đây hiện nay chúng tôi đang tiếp tục tác chiến, bảo đảm tiêu diệt địch đến cùng. Vì vậy chúng tôi yêu cầu ngài phát cho chúng tôi số vũ khí, dụng cụ cần thiết. Vì hiện nay muốn tấn công phố Đồng Văn cần thiết pháo và trọng liên. Vì vậy chúng tôi phải thư mong ngài đề nghị vương công anh hùng phát cho chúng tôi: 1 khẩu pháo, 1 khẩu súng máy, 50 viên đạn pháo, 4 hòm đạn súng máy, 200 khẩu súng trường, mỗi khẩu súng trường 20 viên đạn, cấp thiết mong làm đến nơi là tốt. Hiện binh lực có trên dưới 800 người.
Mong sau khi nhận được thư, khẩn cấp có biện pháp do yêu cầu trên đáp ứng giúp đỡ. Phản Cộng tổ chức ủy viên hội
Người tổ chức
Vàng Diu Sài, Giàng Vạn Sùng, Giàng Sàng Sấn, Lý Nhè Lùng, Vàng Vạn Sình,
Sần Sè Lử, Hầu Sè Chú.
Ngày 15 tháng 12 năm 1959
– Thư viết xong, các vị điểm chỉ vào đây!
Chúng Dình dứt lời, tất cả các tướng phỉ lần lượt bôi mực vào đầu ngón tay chỏ. Tay tên nào cũng đen xạm khói thuốc phiện và khói đạn. Tất cả ấn ngón tay vào cuối bức thư. Một tên phỉ là Hầu Phấy Tỏa nhận bức thư, lên ngựa, phóng về Sà Phìn. Đi gần đến Sà Phìn, Tỏa thấy một toán dân quân súng ống lỉnh kỉnh đang đi về phía hắn. Hoảng sợ, không biết dân quân làm phỉ hay đi tiễu phỉ, hắn không dám đi nữa.
Hắn xuống ngựa, tìm lối mòn biến mất.
*
Phùng Tiến đang ngồi bên lỗ châu mai, đưa mắt nhìn ra sườn núi, tay lăm lăm khẩu súng, đôi mắt đỏ hoe cứ muốn díp lại vì nhiều đêm mất ngủ.
Từ hôm phỉ bao vây đến giờ, đã 4 đêm liền mọi người không ngủ. Đêm đêm đề phòng địch đột nhập, các anh không ai dám chợp mắt. Ban ngày bận chống lại các đợt tấn công. Chỉ giữa hai đợt chiến đấu, các anh thay nhau chợp mắt một lúc thôi.
Cuộc chiến đấu càng ác liệt. Địch và ta giằng nhau từng tấc đất, từng căn nhà. Có lúc, các anh đang ở trên gác hai nhà châu đoàn Toại thì phỉ ào vào dưới nhà, chĩa súng bắn lên. Phải ném lựu đạn chúng mới rút lui. Có lúc, địch chui qua cửa sổ, gặp quân ta ở trong túm lấy kéo. Phỉ ở ngoài kéo lại, giằng co như kéo cưa.
Gay go nhất là chúng chặn đường ra suối nước, hòng làm cho dân và những người đang chiến đấu ở đây khát, phải đầu hàng. Anh em phải tổ chức vừa bắn địch vừa bò ra lấy nước về cho dân. Địch phát hiện mục tiêu này. Chúng bắn chết những người men ra giếng nước.
Phùng Tiến đang suy nghĩ thì một người đi vào, như muốn nói với anh điều gì đó nhưng ngập ngừng.
– Có chuyện gì thế? – Tiến hỏi.
Người đó lặng đi một hồi rồi mới nói:
– Anh Mần của anh bị phỉ giết chết ở Lũng Phìn rồi!
Tim Phùng Tiến đau nhói. Người anh ruột của anh, bao năm lăn lộn chiến đấu, không bị chết, giờ phỉ giết rồi ư? Không nén được căm giận, anh chạy sang gặp anh Bách, đề nghị:
– Bọn phỉ giết chết anh tôi rồi. Có mấy thằng phỉ ta vừa bắt được, anh cho tôi giết nó để trả thù cho anh tôi!
Anh Bách an ủi:
– Đây là những người dân bị lôi kéo, lầm đường lạc lối. Vả lại, nó đã hàng, ta không nên giết.
Phùng Tiến nén giận trở về vị trí chiến đấu.
Phỉ lại tấn công. Súng ta bắn cầm chừng, vì đạn gần hết. Mí Hầu vẫn chưa thấy về.
Mọi người thấp thỏm chờ đợi. Phỉ hò la, chửi bới, hoa súng chạy vào. Một vài loạt đạn chặn chúng.
Trong khi đó, Mí Hầu đi gần đến Đồng Văn, núp vào bụi cây, quan sát. Tiếng hò reo của phỉ đang nổi lên.
Nếu chờ trời tối mới lọt qua vòng vây vào Đồng Văn, thì bọn phỉ có thể đã vào được phố rồi. Nghe tiếng súng của ta rời rạc lắm. Phải đi thôi. Mí Hầu quấn chặt bao đạn quanh người, trườn ra khỏi bụi, nhằm phố lao vào.
– Bắn, bắn, tên chạy kia! – Phỉ kêu.
Hàng loạt súng nổ vang. Tiếng đạn bay ngang người, bay trên đầu, cày đất, đá quanh Hầu.
Mí Hầu cứ vùn vụt chạy. Mặc tiếng hò hét phía sau. Anh chạy được vào trong phố thì người lả đi.
Ba trăm viên đạn được chia ngay cho các tay súng.
Có đạn, các chiến sĩ hăng hái bắn lại địch. Tiếng đạn nổ ròn. Bọn phỉ đang hò reo, tràn vào phố, phải sững lại, rút về chờ đợt tấn công mới.
Im tiếng súng. Mí Hầu mới về nhà thăm con. Hai đứa bé ôm chầm lấy bố. Thằng Khá mếu
máo:
– Bố, bánh chưng của con đâu?
Lúc này Mí Hầu mới chợt nhớ ra là đã nói dối con, rưng rưng nước mắt:
– Bố đi mua nhưng hết rồi, để bố đồ mèn mén cho con ăn vậy!
Trời bắt đầu tối. Gió lạnh rít từng cơn, lùa vào tấm liếp vi vu.
Đồ mèn mén cho con ăn xong. Mí Hầu xách súng trở về nơi chiến đấu. Giữa lúc đó, anh nghe mọi người đang bàn nhau.
Anh Bách nói:
– Bộ đội từ phía Cao Bằng đang đi sang giải vây cho ta. Họ không biết đường, ta cần có một người đi đón họ. Các anh em xem nên cử ai?
Phùng Tiến vẫn còn đau xót, đề nghị:
– Các anh cho tôi đi!
Anh Bách phân vân suy nghĩ. Mí Hầu phá tan sự im lặng:
– Anh Tiến ở lại chỉ huy dân quân. Tôi quen thuộc đường, tôi là người Mèo, các anh để tôi đi.
Mí Hầu cứ nằn nì đòi đi. Anh em phải nhận lời. Anh nhờ anh em trông hộ con, rồi lên đường.
Hầu len lỏi vượt qua vòng vây phỉ, đến Mã Pí Lèng. Bỗng một toán phỉ xông ra chặng đường.
Một tên hỏi Hầu:
– Mày đi đâu?
Hầu nói cứng rắn:
– Tao đi mua thuốc cho đứa con tao đang ốm!
Bọn phỉ nhìn Hầu từ đầu tới chân, lắc đầu:
– Mày nói dối, mày đi thám thính cho bọn Cộng sản rồi.
Chúng giải anh đến miệng một hang sâu hun hút, ăn ngầm dưới đất. Từ trên nhìn xuống chỉ thấy một màu đen. Một tên lay một tảng đá to bằng quả bưởi, bắt Hầu đứng cạnh miệng hang rồi thả tảng đá xuống. Đá rơi không nghe thấy tiếng động.
Một tên hất hàm hỏi:
– Mày đã thấy hang sâu như thế nào rồi đấy. Nếu mày nói cho chúng tao biết tình hình Đồng Văn, mày đi làm gì, thì chúng tao tha, trọng thưởng cho mày – hắn đưa ra một tấm vải hoa vừa thu của mậu dịch – Nếu không khai thì chúng tao sẽ thả mày xuống hang này cho mày chết mất xác, sống với con ma, nghe chưa? Cho mày mấy khắc để suy nghĩ!
Mí Hầu đứng im trên miệng hang. Mấy khắc chậm chạp trôi qua. Tiếng chim kêu trên cây xa nghe lảnh lót. Hầu chợt nhớ đến hai đứa con, mình chết đi, chúng sống ra sao?
– Thế nào, có khai không?
Mí Hầu im lặng.
Bọn chúng chặt cây rừng, trói Hầu lại rồi thả xuống hang. Không thấy tiếng anh rơi xuống. Bỏ Hầu xuống xong, hé mắt nhìn vào hang, chúng bỗng giật mình sợ hãi. Một tên kêu lên:
– Chạy đi! Nó hiện về bắt ta kìa!
Cả bọn ù té chạy, đứa nọ xô vào đứa kia, ngã sóng soài trên mặt đá.
Một tên đang chạy bỗng quay lại, ngồi thụp xuống, chắp hai tay, hướng về phía hang, vái như tế sao, miệng van:
– Mày đừng bắt tao. Chúng nó giết mày, tao không giết mày, trăm lạy mày!
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍